Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2020

Ngẫm nghĩ về Corona


Vào cuối tháng 3 (28.3.2020), khi các nhà thờ tạm ngừng mọi sinh hoạt phụng vụ cộng đồng, một sự hụt hẫng bao trùm những xứ đạo, có người giục tôi: hãy viết vài suy tư về nạn dịch này đi chứ! Ý họ muốn nói đến việc đọc ra ý nghĩa của biến cố này trong sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa, những điều phải lưu ý trong ‘mùa hè tâm linh’ để giữ cho ngọn đèn đức tin vẫn cháy sáng, và nhìn thấy cả điều tốt nữa – nếu có.

Đến nay, kỳ nghỉ hè tâm linh cũng đã trải qua được hơn vài tuần, ai nấy đã có ít nhiều cảm nghiệm về nó. Tôi chỉ xin nói đến hai việc: cốt lõi của đời sống đạo và mầu nhiệm sự dữ trong đại dịch Corona.

Nhiều người mừng vì từ nay không buộc phải đến nhà thờ - mà không mắc tội. Đa số những người nầy là trẻ em và những người khô khan. Nhóm người nầy thấy tôn giáo là một gánh nặng, bỏ thì không dám vì sợ dư luận và sợ Chúa phạt. Tuy nhiên nhóm nầy không nhiều và đến một lúc nào đó, chính Chúa sẽ cho họ cảm nghiệm được Chúa là cùng đích cuộc đời và con người cần đến Chúa, hoặc như câu nói thời danh của thánh Augustinô: Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa 

Khi nghe tin: ‘các nhà thờ tuy vẫn mở cửa để tín hữu thăm viếng Chúa, nhưng cấm các cử hành phụng vụ đông người’, nhiều người giáo dân cảm thấy trống vắng tựa như bầu khí của thứ 6 tuần thánh: một mất mát, một bí mật bao trùm cuộc sống. Các linh mục dường như thất nghiệp, vì không còn những hoạt động mục vụ thường ngày như giảng dạy và tiếp xúc với giáo dân. Từ nay, tháp chuông im tiếng, nhà thờ trống vắng, vì người ta chỉ ra khỏi nhà khi thật cần thiết. Chuyện này gợi nhớ đến những ngày lao tù của đức giám mục Fx. Nguyễn Văn Thuận : Chúa muốn mình ngồi yên thì mình cứ ngồi yên, việc Chúa có Chúa lo. Và ta cũng nhớ tới những năm tháng cuối đời của Đức Gioan Phaolô 2: “Từ nay, tôi sẽ lãnh đạo Giáo Hội bằng con đường đau khổ, vì chính Chúa Giêsu cũng không xuống khỏi thập giá”.

Giả sử các nhà khoa học không sớm tìm ra thuốc chủng ngừa và chữa trị, giả sử đến năm sau mới tìm ra thuốc và nhân loại rơi vào đại dịch, nhà thờ đóng cửa dài dài thì đời sống đạo sẽ trôi về đâu? Có thể nói dịch Corona được ví như một dấu lặng giữa đời thường. Trong bản nhạc, dấu lặng sẽ tạo nên những tiết tấu, giúp cho dòng nhạc thêm thi vị; cũng vậy, trong sinh hoạt đạo thì chuyện đi lễ đọc kinh hoài nhiều khi tạo nên cảm giác nặng nề và đơn điệu, ấy vậy có lệnh ngừng các cử hành phụng vụ, tựa một dấu lặng, sẽ tạo niềm vui và hạnh phúc khi một ngày nào đó mọi tín hữu lại được cùng nhau dâng lời ca tụng Chúa. Corona cũng tựa như một cuộc cãi nhau giữa đôi vợ chồng, tuy chẳng ai muốn nhưng sự giận hờn cứ tự nhiên xảy đến, và một khi hai người đã trải qua cơn giận hờn thì họ sẽ học được cách chung sống hài  hòa hơn. Corona như cơn khát mùa hè ở Tây Nguyên, vạn vật sẽ tươi mới khi cơn mưa đầu mùa đổ về.

Corona là cơ hội tốt để người giáo dân nhìn lại điều cốt lõi của đạo là sự tìm kiếm sự trọn lành, là kết hợp với Thiên Chúa. Vậy thì khi không còn Thánh Lễ, hãy vun đắp đời sống cầu nguyện tha thiết hơn trong gia đình và sinh hoạt cá nhân; khi không có điều kiện rước lễ thật thì hãy tăng cường việc rước lễ thiêng liêng nhiều lần trong ngày; các linh mục không có nhiều cơ hội hoạt động mục vụ cụ thể thì các ngài vẫn rất hữu dụng khi hằng ngày dâng lễ và hy sinh cầu nguyện cho các giáo dân của mình. Một nhà tu đức đã nói: Chúa Giêsu đã yêu thương trao hiến bản thân mình cho nhân loại trong cả hai giai đoạn cuộc đời; từ khi nhập thể cho đến ‘giờ’ của Ngài, Chúa đã trao ban đời sống Ngài cho chúng ta theo một cách tích cực và chủ động hành động; nhưng Ngài trao ban cái chết của Ngài cho chúng ta theo một cách khác, là qua sự bị động (passio) và thương khó của mình.


Vấn đề thứ hai: có thể nhìn Corona và hiểu nó trong mầu nhiệm sự dữ. Thiên Chúa thấy trước những điều dữ luân lý và thể lý, nhưng vì tôn trọng tự do của con người nên sự dữ vẫn xảy ra, ví dụ việc ăn trái cấm của ông bà nguyên tổ, chuyện Juda sa ngã… chỉ có điều: Thiên Chúa vẫn một mực tín trung, yêu thương và Người sẽ dùng quyền năng để rút ra nhiều sự lành hơn chính sự dữ đó, cho cá nhân liên quan và cho toàn nhân loại. Cái nhìn của chúng ta về tai ương hay may mắn tùy thuộc quá nhiều vào cảm xúc, quá thiên về vật chất; còn cái nhìn của Chúa trổi vượt và khác hẳn chúng ta, như trời cao so với đất thấp. Bởi đó, hãy xin Chúa ban cho mình con mắt đức tin, biết nhìn thấy Chúa vẫn yêu thương và hiện diện trong hoàn cảnh nầy, để giúp ta bám chặt hơn vào Chúa, dù trí khôn mình không hiểu nhiều điều, thì lòng ta cứ tha thiết nài xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.


Có thể nói: Corona là một cuộc mổ xẻ tâm linh cho cả nhân loại, bác sĩ làm ta đau nhưng ta chấp nhận vì biết rằng ông sẽ làm cho ta tốt hơn. Hãy tạ ơn Chúa ngay trong mọi hoàn cảnh dịch bệnh vì biết rằng Chúa sẽ rút ra nhiều sự lành từ biến cố này: loài người biết cậy dựa vào Chúa hơn, không bi quan yếm thế vì biết rằng có Chúa Phục Sinh đang đồng hành với nhân loại, và chính Chúa sẽ ra tay khi Người muốn.

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2020

Tản mạn về Chúa Giêsu Phục Sinh




Nhà tu đức nào đó đã nói: Nếu phải đưa ra bằng chứng về việc Chúa Phục Sinh thì rất khó, nhưng để chứng minh rằng Chúa không phục sinh thì lại càng khó hơn. Nhưng vấn đề ĐỨC KITÔ PHỤC SINH lại là vấn đề then chốt của niềm tin Kitô giáo. Muốn nói một điều gì đó mới mẻ về Chúa Phục sinh là điều rất khó, vì ‘điều mới’ đó phải là cảm nhận của riêng mình thôi.

Bạn có nghĩ rằng: các sách Tin Mừng kể quá vắn tắt về Chúa Phục sinh chăng? Đúng vậy, trong khoảng 40 ngày, với nhiều lần hiện ra với nhiều người, cùng ngồi ăn uống và chuyện trò… vậy mà các Thánh Sử không ghi lại một bài nói chuyện nào cho ra hồn. Dường như Chúa vội biến đi (Chúa không ở lại lâu) sau khi các môn đệ đã nhận ra sự kiện CHÚA ĐÃ PHỤC SINH. Hình như sau khi sống lại, Chúa không nói bài giáo lý nào và Chúa không làm phép lạ nào? Chỉ là  vài lời chúc bình an, trấn an, báo tin, và hẹn gặp ở Galilêa. Đúng là ‘mọi sự đã hoàn tất’ và phần còn lại là hoạt động Chúa Thánh Thần và phần ‘bước theo Thầy’ của mỗi người chúng ta.

Các trình thuật Tin Mừng kể lại những lần Chúa hiện ra sau khi sống lại đều có một điểm chung là các nhân chứng đều không nhận ra ngay đó là Chúa. Có thể Chúa Giêsu mang những dáng vẻ hơi khác thường, nhưng có phần chắc là vì tâm hồn các môn đệ của Chúa trĩu nặng ưu sầu và tuyệt vọng. Cuộc sống chúng ta cũng chất chứa những lo lắng sự đời, gánh nặng cuộc sống, thành công, đam mê, tin giả… ngăn cản ta không sẵn sàng để nhận ra Chúa đang đồng hành với mình và đang hoạt động trong cuộc đời để mang lại ích lợi cho từng người. Đúng hơn, những ưu tư phiền muộn hay những thành công và hạnh phúc chỉ là cảnh huống giúp mỗi người nhận ra sự đồng hành của Chúa. Nhà tu đức Jacques Philippe nói: “Bạn hãy tin rằng điều đang xảy ra trong hiện tại là điều tốt nhất mà Cha nhân lành đã cho phép xảy đến”. Tôi thường nghĩ: Thiên Chúa luôn gửi ‘tin nhắn’ đến cho từng người và từng tập thể, để giúp họ sửa mình; Thiên Chúa như người thầy luôn ra bài tập khác nhau cho từng học trò, tùy tính khí và lầm lỗi khác nhau của họ. Thánh nữ Faustina kể lại: khi tôi cầu nguyện xin Chúa cất đi gánh nặng mà cộng đoàn đang phải trải qua, Chúa trả lời: Những lời cầu nguyện của con được chấp nhận cho những ý chỉ khác. Cha không thể cất thánh giá này được cho đến khi họ nhận ra ý nghĩa của nó.


Câu chuyện của bà Maria gợi cho chúng ta vài chi tiết cần thiết để gặp được Chúa Phục Sinh (Ga 20,11-18). Điểm thứ nhất đó là việc hăng say tìm gặp Chúa: chỉ những ai hăng say tìm đến mộ hoặc cùng tụ họp cộng đoàn, cùng cộng tác làm việc với nhau mới gặp được Chúa. Điểm thứ hai, để gặp Chúa thì phải có tình yêu nồng nàn và được Chúa ban ân điển. Thánh Gioan cúi nhìn vào mộ trống, thấy khăn liệm xếp gọn gàng đã tin ngay rằng Chúa; trên biển hồ Thánh nhân cũng nhận ra Chúa Phục sinh trước Phêrô; còn bà Maria thì nhận ra Chúa khi nghe tiếng gọi thân thương Chúa dành cho mình. Chúa Phục Sinh vẫn đang đồng hành trong cuộc đời mỗi người chúng ta, dù ta khó nhận ra vì Ngài mang dáng vẻ rất khác: Chúa Phục sinh đang hiện diện trong tha nhân quanh ta. Dáng vẻ đó đôi khi rất khó ưa để chúng ta tập yêu thương gần gũi, tập quảng đại và rộng lượng. Sự luyện tập này kéo dài mãi cho đến cuối đời.

Sự Phục sinh của Đức Kitô là bảo chứng việc Thiên Chúa có thể chữa lành mọi sai lầm và mọi vết thương nơi ta và nơi tha nhân. Bạn hãy tin như vậy và tha thiết cầu nguyện xin Chúa chữa lành và ban ơn hối cải cho mình, cho một người nào đó hay cho một tập thể. Hãy mạnh dạn khẩn cầu và Thiên Chúa Giàu lòng thương xót sẽ khấng ban mọi ơn lành cho con cái mình.