Danh sách Blog của Tôi

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Người lớn nhất và trẻ nhỏ




Câu chuyện được thánh Matthêu kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay (Mt 18,1-5.10.12-14) luôn là một vấn đề thời sự cho mọi xã hội và mọi thời đại: ai là người lớn nhất và đòi hỏi của Chúa Giêsu là mỗi người phải thay đổi, phải khiêm tốn để trở nên như trẻ nhỏ.
Đã nhiều lần các môn đệ đã đưa ra câu hỏi: “Ai là người lớn nhất trong nhóm họ”. Một lần kia họ đã bàn luận công khai đến đỏ mặt tía tai câu hỏi đó, Chúa Giêsu đã nghe biết và dạy họ: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." (Mc 9,35)
Một lần kia, mẹ của anh em Dêbêdê xin cho 2 con mình được ngồi 2 bên tả hữu trong nước trời. Câu trả lời của Chúa không hứa hẹn gì vậy mà 10 môn đệ kia tỏ ra tức tối, và hôm đó Chúa dạy họ một bài học rất rõ ràng: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người." (Mc 10,35-40)


Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu philipphê (2,3-9) đã dạy rất rõ ràng về sự khiêm nhường:
Anh em đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su.

 Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,

 nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.

 Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự.

 Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người
và tặng ban danh hiệu
trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.

Ngày hôm nay, chúng ta không tranh cãi rõ ràng ai là người lớn nhất, nhưng ước vọng làm lớn luôn hiện hữu trong tiềm thức, không ngừng làm cho cuộc sống nhiều người ra hôi thối. Ai cũng biết kẻ làm lớn thì bắt người khác tuân phục ý mình, được hưởng nhiều sự ưu đãi và cung phụng, được tung hô và nể phục, có nghĩa là được thỏa mãn những nhu cầu an toàn cơ bản: vật chất, yên ổn, tán thưởng và yêu mến. Có câu chuyện kể rằng: một vị tu sĩ già rất nổi tiếng về đạo đức, ma quỷ nhiều lần thất bại khi cám dỗ về sắc dục và quyến luyến của cải. Một ngày kia, ma quỷ tổ chức một cuộc họp để tìm phương kế, lần nầy quỷ già lãnh trách nhiệm, nó rỉ tai vị tu sĩ chỉ một câu thôi cũng đủ làm ngài sa sầm nét mặt và mất hết sự an bình nội tâm: “Ngài xem, bạn bè của Ngài đã làm giám mục cả rồi”.
Nhiều giáo xứ đang nổi sóng vì ước vọng làm lớn đang làm cho họ xào xáo nhau. Nhiều kẻ muốn tỏ ra mình khôn ngoan biết nhiều nên họp thành nhóm để phân tích những nhân vật rớt vào tầm ngắm của họ, thường là những kẻ đang phục vụ cộng đoàn. Nhiều kẻ muốn đề cao gia tộc mình nên tô vẽ đủ thứ ngày kỷ niệm. Nếu sống thật lòng mình, ta sẽ nhận ra rằng: lòng ta cũng đầy tự hào, tự phụ, tự tôn, nóng nẩy… là con đẻ của lòng kiêu ngạo.

Hãy đi vào luận lý của Chúa Giêsu: Hãy thay đổi và trở thành Khiêm hạ như trẻ nhỏ. Hãy trở nên nhỏ lại trước mặt Chúa và anh em mình, để được Chúa xót thương.
Hãy trở nên người con thơ biết sống phó thác mọi trong vòng tay yêu thương của Cha trên trời.

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

PHÚT HỒI TÂM




            Trong mỗi ngày sống, nhiều lần ta soi gương để nhìn lại khuôn mặt cũng như trang phục của mình và điều chỉnh những chỗ chưa hoàn hảo. Để hoàn hảo hơn về nhân bản và trên đường thiêng liêng, người ta cũng đưa ra lời khuyên: “Mỗi ngày hãy dành ra những phút hồi tâm để xét mình về tư tưởng, lời nói và hành động trong một ngày trôi qua”. Thánh Augustinô cũng có một lời cầu nguyện rất thâm sâu, đáng cho ta thốt lên bất cứ lúc nào: “Xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con”.
Hồi tâm là trở về với tâm hồn mình, đối diện tâm hồn mình với Thiên Chúa để biết rõ động lực khiến ta hành động. Nhìn một hành động của một người, ta chưa thể đánh giá được hành động đó là tốt hay xấu, vì chưa biết động lực của họ. Ngay chính nơi bản thân ta, nhiều khi ta cũng tự đánh lừa mình, nhưng rồi chợt một phút hồi tâm nào đó, ta nhận ra động lực chính rất khác xa những lời hoa mỹ ta thốt ra.
Ví dụ khi ai đó tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm linh mục, họ nêu ra lý do là để tạ ơn hồng ân nhưng không Chúa đã ban cho một thụ tạo phàm hèn, họ tổ chức tiệc mừng đến 100 mâm, bề ngoài ai cũng hân hoan chúc mừng nhưng trong lòng họ có rất nhiều câu hỏi và chấm than. Nhưng có những vị khác lại khiêm tốn đấm ngực ăn năn khi âm thầm kỷ niệm hồng ân linh mục, họ nhận ra rằng càng thêm tuổi lại càng phải ăn năn nhiều hơn vì tội lỗi ngập tràn: lỗi bổn phận, không tích cực truyền giáo, khó khăn trên con đường nhân đức, ngại hy sinh cầu nguyện, ham danh vọng và quyến luyến của cải, tìm vinh danh cho mình hơn là vinh danh Chúa. Có kẻ khác tổ chức lễ mừng thọ cho bố hoặc mẹ, mời bà con họ hàng đến 30 mâm. Con cháu trong nhà và khác được mời đều hân hoan chúc mừng ân lộc Chúa ban được sống đến 80 tuổi. Nhưng nếu hồi tâm lại, có thể con cái tổ chức lễ mừng thọ không phải vì thảo hiếu muốn làm vui lòng cha mẹ mà vì những lý do khác, họ dùng cha mẹ như mồi câu danh vọng, để phô trương hoặc để yên lòng vì chưa thảo hiếu đủ trong quá khứ. Cứ nhìn sự phô trương quá mức cần thiết làm phiền đến làng xóm cũng có thể đoán được sự vô cảm của họ đối với cha mẹ mình.
Biết mình là một điều khó. Điển hình như chuyện vua Đavit. Nhà vua đã phạm tội tày đình về sắc dục và giết vị tướng của mình. Thiên Chúa sai tiên tri Nathan đến kể cho vua một câu chuyện để đánh thức lương tâm nhà vua, vậy mà vua đã không nhận ra ẩn dụ lại còn mạnh mẽ lên án kẻ tham lam đã bắt con chiên duy nhất của người láng giềng làm tiệc đãi khách, trong lúc mình có đến hàng ngàn con chiên. Chỉ đến lúc tiên tri phải nói thẳng: “Kẻ đó chính là nhà vua đó”, thì nhà vua mới nhận ra tội mình. Nhiều chuyện rắc rối trong các mối quan hệ trong một giáo xứ đang xảy ra là do cái tôi của mỗi người đều quá lớn, ai cũng đề cao cái tôi của mình cách thái quá mà không biết, cứ tưởng mình làm thế là để bảo vệ Giáo hội, là phục vụ. Khi làm việc đạo hãy nhớ lời Chúa: "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng (Mt 6,1).
Để biết mình, ngoài việc cầu xin ơn Chúa, những lúc hồi tâm, ta còn cần sự trợ giúp của tha nhân. Có câu danh ngôn nói rằng: “Không ai biết rõ ta bằng những người thân của mình”. Bởi đó, hãy trân trọng những góp ý của của người bạn đời, vì người ấy được xem như “thiên thần” bản mệnh thứ hai của ta vậy. Mỗi ngày ta nên rèn giũa và tẩy rửa đời mình nên hoàn hảo hơn và để có sự hòa hợp trong gia đình. Điều này nằm trong linh đạo của đời sống hôn nhân: yêu thương – tôn trọng – giúp nhau nên thánh. Nếu ta không còn nhiệt huyết giúp đỡ người phối ngẫu của ta nên hoàn hảo và thánh thiện hơn, đó là dấu chỉ tình yêu đã phai nhạt. Tiếng Chúa nói với ta qua Kinh Thánh, qua những biến cố cuộc đời, qua sự góp ý của tha nhân.
Trong năm Tân phúc âm hóa đời sống giáo xứ, hãy dành ra nhiều hơn những phút hồi tâm và nguyện cầu, hãy năng đọc và suy niệm đoạn Lời Chúa hằng ngày để đời sống ta thấm đẫm tinh thần Lời Chúa, hãy ra đi gặp gỡ anh em và nói tinh thần Lời Chúa cho họ để cuộc sống họ được biến đổi và nâng đỡ.