Danh sách Blog của Tôi

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2022

Làm giàu trước mặt Thiên Chúa

 



Chúa Giê su đã kết thúc bài Tin Mừng về người phú hộ (Lc 12,13-21) bằng một câu đáng cho chúng ta ghi nhớ: “Kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì thật là ngu ngốc!”. Vậy , làm giàu trước mặt Thiên Chúa là việc gì?

Không khó để chúng ta có thể liệt kê những việc phải làm để làm giàu trước mặt Thiên Chúa, đó là thực hành các nhân đức như tin cậy mến, khiêm nhường, bác ái, đọc kinh lần hạt, hy sinh hãm mình, phục vụ Giáo hội… Nhưng thực ra, trong bài Tin Mừng, Chúa muốn nói với chúng ta một điều quan trọng hơn: ưu tiên lo lắng cho phần rỗi linh hồn. Nhiều chỗ khác Chúa còn nói cách khác: hãy sám hối và tin vào Tin Mừng, hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, hãy nên trọn lành như Cha trên trời.

Sách Giảng Viên nói với chúng ta về hai chữ ‘phù vân’: phù là trôi nổi, vân là mây. Phù vân là nói về sự biến đổi hình dạng liên tục của những áng mây trời. Của cải, danh vọng, đam mê, tình yêu… là những thứ phù vân chóng qua, là những thứ ta phải bỏ lại khi lìa bỏ trần thế. Người khôn ngoan là người biết tìm kiếm những của cải tồn tại muôn đời, những chân lý vĩnh cửu, đó là Thiên Chúa, đó là phần rỗi cho linh hồn. Nhưng không phải bằng cách tích lũy công đức cho bằng thực hiện lẽ hoán đổi, như lời Thánh Phao lô: “Tôi coi mọi sự là thua thiệt, là rơm rác trước mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Ki tô, Chúa tôi”. Đọc tiểu sử các Thánh, chúng ta thấy nhiều vị rất giàu có, đang có một cuộc sống tốt đẹp và một tương lai sán lạn, thế nhưng họ đã bỏ tất cả để hiến cả cuộc đời nơi những miền đất xa xôi, phục vụ những người nghèo và bệnh tật, theo lời mời gọi của Chúa Giê su. Con đường nên thánh không ai giống ai, bạn và tôi có thể không có được sự nhiệt tình của những vị thánh đó, nhưng đừng nản chí, hãy cố gắng nên giống Chúa Giê su hơn và hãy khao khát Chúa đêm ngày và rồi với sự tác động của ơn thánh cuộc sống của ta sẽ tốt hơn – đẹp lòng Chúa hơn qua từng ngày sống.

Hãy coi chừng não trạng kể công, tự hào khi lo lắng phần rỗi cho linh hồn, đừng nghĩ rằng với bao công đức - với bao phụng thờ, mình đáng được vào nước trời! Vì mọi sự ta có, đều là do Chúa ban, kể cả thiên đàng. Đừng tự hào mình không như người biệt phái, không như người nọ người kia, mà chỉ nên khiêm tốn nỗ lực bước theo Chúa Ki tô từng ngày, từng ngày, mọi sự còn lại xin giao phó cho Chúa định liệu. Có người hỏi: “Nếu biết chắc ngày mai là ngày tận thế, hôm nay bạn sẽ làm gì? – Đa số người trả lời: họ sẽ đi xưng tội, bồi thường, đi làm hòa… Điều đó nói lên một não trạng rằng chúng ta muốn tìm một ‘vé vớt, một sự hối lộ’ để vào cổng thiên đàng. Thực ra, hạnh phúc thiên đàng là việc chiêm ngắm và kết hiệp với Thiên Chúa, hòa tan trong tình yêu Chúa; còn hỏa ngục là sự thiêu đốt của tình yêu: mình nhận ra sự tốt lành vô biên của Thiên Chúa nhưng lại bất lực vì không thể đến gần Ngài, vì sự khốn nạn và vô phúc của mình.



Tin Mừng Gioan nói rõ: Công việc của Thiên Chúa là tin vào vào Thiên Chúa và Đấng Ngài sai đến. Hạnh phúc nước trời không tùy thuộc công trạng của ta mà là quà tặng của Chúa dành cho người đã tin yêu Ngài, là lô độc đắc bất ngờ đối với từng người – nên cửa thiên đàng rộn ràng tiếng reo mừng: không ngờ mình lại được thương xót, không ngờ ở đó cũng có mặt những kẻ mình tưởng là rất tội lỗi nữa! Chúng ta khám phá ra điều đó khi đọc dụ ngôn về người công nhân thứ 11 và về câu chuyện người trộm lành khi Chúa bị treo trên thập giá.

Lạy Chúa, trước mặt Chúa, con người chẳng là gì cả, chỉ là chiếc bình trong tay người thợ gốm, chẳng có quyền gì mà đòi quyền nọ quyền kia. Con người đón nhận mọi sự từ nơi Chúa, nên nó chẳng có công trạng gì để đáng tự hào và kể công trước mặt Chúa: Lạy Chúa Giê su xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Tội đầu tiên và tội thường xuyên của con người là tội quên rằng mình là tạo vật, là tội kiêu ngạo khi cho rằng mình có thể lo liệu cho đời mình và loại bỏ Chúa ra khỏi cuộc đời, vì Ngài quá thừa và thường làm mình vướng bận, trong lúc Chúa là khởi nguyên và là cùng tận của vũ trụ, là ý nghĩa của mọi sự trên cuộc đời này. Con người thường bị tật cận thị, chỉ thấy những sự trước mắt như danh lợi thú mà không thấy những sự vật xa hơn và thường nghi ngờ sự tồn tại của những thực tại đó. Chúa luôn nói với chúng con rằng: có sự sống đời đời, có ngày tận thế, ai tin vào Chúa thì có sự sống đời đời… ấy vậy mà chúng con cứ quá bận tâm đến những thực tại chóng qua ở đời này mà không  lo tìm kiếm những sự cao siêu trên trời, đó là sự đáng thương của con người chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con, vì nếu Chúa không xót thương thì chẳng còn ai sống sót trên đời.

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2022

ĐÓN CHÚA VÀO NHÀ MÌNH

 


Hôm nay, ngày 29.7, trước đây là ngày kính Thánh Matta, nhưng nay Giáo hội dành để kính thêm 2 vị thánh nữa là Maria và Lagiarô . Căn nhà của ba chị em là nơi Chúa Giê su đã ghé lại nhiều lần. Lần cuối cùng là lần Chúa làm phép lạ cho Lagiarô được sống lại. Câu hỏi của Chúa Giê su với Matta rất đáng cho chúng ta suy nghĩ: Con có tin vào Thầy là sự sống và tình yêu không?- Thưa Thầy có, con tin Thầy là Đấng Cứu Độ, Đấng phải đến trong thế gian này.

Trước hết, chúng ta học nơi 3 vị thánh này thái độ đón tiếp Chúa. Mỗi người mỗi tính cách, Matta nổi bật với việc tiếp rước Chúa bằng việc chu đáo lo lắng cho nhu cầu vật chất, tượng trưng cho đời sống hoạt động; Maria nổi bật với việc ngồi nghe Chúa chuyện trò, chia sẻ những tâm tình của Chúa, tượng trưng cho đời sống nội tâm của việc phụng sự Chúa; còn La gia rô là người rất được Chúa thương mến, anh phải trải qua cái chết là để danh Chúa được tôn vinh, và nơi anh quyền năng Thiên Chúa được thể hiện. Đời sống đạo của người Ki tô hữu cốt yếu là nhận biết, yêu mến và phụng sự Ngài trong suốt cuộc đời này. Thế nhưng, nhiều khi chúng ta dễ biến đạo thành một mớ nghi lễ và bó buộc phải theo, vì sợ phạt ở đời này và nhất là đời sau. Những bổn phận đạo đức và những quy luật được ghi trong 10 điều răn Đức Chúa Trời và 5 điều răn Hội Thánh, những lời dạy của Tin Mừng, sách Giáo lý HTCG … chỉ là những dấu chỉ đường cho ta khỏi lạc lối. Điều quan trọng nhất trong cuộc đời này là nhận biết Thiên Chúa là tình yêu, đã yêu chúng ta vô điều kiện, và sống đạo là thể hiện tình yêu của mình với Chúa. Hai người nam nữ khi yêu nhau tha thiết thường tìm mọi cách để thể hiện tình yêu của mình: gọi tên nhau, tìm gặp nhau, tặng quà, tìm biết mong ước và nỗi buồn của người kia. Cũng vậy, chúng ta có thể nên thánh khi đặt để tình yêu vào cuộc sống, cho dù là nghề nghiệp gì và hoàn cảnh sống thế nào đi nữa. Hãy nghiệm ra điều đó khi chiêm ngắm đời sống của Thánh Tê rê xa Hài Đồng Giê su: một cuộc sống ngắn ngủi, bề ngoài quá bình thường, bệnh tật, chẳng làm được việc gì to tát… nhưng chị đã đặt để tình yêu vào từng giây phút sống và đã được tuyên phong là Thánh Tiến sỹ của Giáo Hội. Bắt đầu mỗi việc, hoặc thỉnh thoảng bạn hãy thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con xin làm công việc này vì yêu mến Chúa”.

Trong pho sách Kinh Thánh có 365 lần Chúa nói với con người ‘đừng sợ’, vì sao con người lại sợ hãi nhiều?- Thưa, vì họ không tin vào tình yêu Chúa. Người ta thường sợ gì?- cô đơn, bất lực, không được nhìn nhận và yêu thương, bị trù dập, bị giết, bị đau đớn khổ cực, và cuối cùng là sợ bị phạt sau khi chết. Nhưng nếu người ta tin rằng có một Đấng rất mạnh và Đấng ấy lại yêu thương mình vô điều kiện thì người ta sẽ bớt sợ. Cứ nhìn xem những người không có mối liên lạc tốt với Thiên Chúa thì họ sợ đủ thứ trên đời, tin vào bất cứ chuyện gì mà người ta đồn đại và cúng vái tứ phương, trong lúc kẻ tin vào Chúa thì chỉ tin rằng Chúa lo liệu cho mình mọi sự, những điều đang xảy ra trong hiện tại là những điều tốt lành nhất mà Chúa ban tặng cho mình – dù bây giờ mình chưa hiểu – vì đường lối của Chúa vượt xa suy tưởng của con người. Thỉnh thoảng bạn hãy giục lòng mà thưa lên với Chúa: Lạy Chúa, con tin vào tình yêu và sự quan phòng của Chúa, con tạ ơn Chúa vì đã nhậm lời con cầu xin, con tin Thầy là đường là sự thật và là sự sống.

Trong cuộc sống, thỉnh thoảng chúng ta cảm thấy khó chịu và khó hiểu về những người khó liên lạc: không xài di động, họ gọi mình thì được mà mình gọi họ thì không được. Tại sao vậy? – Họ không cảm thấy cần thiết đến ai mà quên rằng người khác cần đến sự giúp đỡ của họ. Thiên Chúa chúng ta thì luôn ở bên cạnh ta, tuy vậy nhiều khi ta vẫn cảm thấy xa cách Ngài, vì những quan niệm sai về Ngài. Ta vẫn thường cầu xin với Chúa mà thật khó để dâng lời cảm tạ, ta nói liên lăng mà chẳng bắt máy khi Chúa muốn nói điều gì đó với ta, ta quá bận tâm đến việc trần thế mà quên lãng những thực tại trên trời và quên cả Chúa đang ở ngay trong lòng mình. Hãy học 3 vị thánh mừng kính hôm nay về việc tiếp rước Chúa vào đời mình: có phục vụ, có lắng nghe và có thể hiện quyền năng Chúa cho người khác. Amen.

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2022

Có lý và vô lý

 



Có câu chuyện kể về một phiên tòa xét xử về một vụ trộm. Vị thẩm phán triệu tập nguyên cáo và bị cáo để xét xử vụ án. Sau khi nghe nguyên cáo trình bày sự kiện và tình tiết mình bị thiệt hại, thì tuyên bố: “ông có lý”. Đến lượt bị cáo trình bày hoàn cảnh của mình và lý do tại sao mình lại đi trộm của người khác, ông quan tòa cũng tuyên bố: “ông có lý”. Người con trai vị quan tòa ngồi nghe xử vụ án, nói với bố mình: Thật vô lý, khi cả hai bên cùng có lý, ông quan tòa nói: “Con có lý”.

Bất cứ ai khi hành động cũng đều có lý của họ, chúng ta cần hiểu được cái lý ẩn chứa bên trong tâm hồn họ, nhiều khi họ không tiện nói ra. Bất cứ sự kiện nào xảy ra, cũng có cái ‘vô lý’ và ‘có lý’ của nó, tùy cách nhìn của ta. Ngay trong tâm hồn ta luôn xảy ra những suy nghĩ đan xen giữa suy lý trần tục và giáo huấn của Tin Mừng, nên sự có lý và vô lý luôn xảy ra tùy cái nhìn. Ví dụ ngay trong vấn đề cầu nguyện, kinh nghiệm cuộc sống cho thấy rằng nhiều lần ta cầu nguyện mà không được như ý, khiến ta nghi ngờ tình thương và quyền năng Chúa; nhưng những trang Tin Mừng lại dạy ta rằng: Cha trên trời biết rõ chúng ta cần gì ngay trước khi ta xin, từng sợi tóc trên đầu đã được đếm cả rồi, cứ quấy rầy và cứ xin thì sẽ được. Ví dụ thứ hai là sự chết: ai cũng phải chết và cái chết dường như là ngõ cụt và là điều phi lý nhất trên cuộc đời; nhưng nhìn từ khía cạnh khác, cái chết lại là lô độc đắc mà mỗi người chỉ trúng một lần: họ được giải thoát khỏi vũ trụ vật chất để trở về nhà, cuộc sống trong thân xác được ví như sống trong một căn nhà, có xiêu vẹo hư hại và nước trời mới là đích đến của ta – đáng cho ta mong chờ.



Những khái niệm trừu tượng thường là những điều gây nên những suy nghĩ trái nhiều nhất, mỗi người suy nghĩ mỗi cách: tự do, hạnh phúc, tình yêu, đau khổ, chết, khôn và dại, lý tưởng… Sống trong một môi trường ‘lạc hậu’, ít thay đổi và không chịu thay đổi, tâm hồn ta dễ chùng xuống và buông xuôi mọi sự: không muốn lên tiếng bất cứ chuyện gì vì dường như ngoài khả năng của mình và muốn tìm sự an toàn. Tưởng rằng đó là sự khôn ngoan của người từng trải, nhưng chợt nhận ra rằng đó là tâm thế của người tuyệt vọng. Sống trên đời mà không còn hy vọng ở những điều kỳ diệu nữa thì cũng tựa như cây đã bị cắt đi nguồn sống, bởi vậy hãy tiếp tục học hỏi kiến thức và đóng góp cho hạnh phúc của tha nhân tùy theo khả năng Chúa ban cho mình. Chúa muốn ta sử dụng những nén bạc Chúa cho ta mượn để xây dựng xã hội trần thế cho tốt đẹp hơn: mỗi người là mắt xích trong sự quan phòng của Thiên Chúa.

Chúa Giê su đã nói rõ Ngài đến không phải để đem bình an mà là đem gươm giáo, sự chia rẽ xảy ra ngay giữa những người thân cho đến xã hội, và ngay trong tâm hồn mỗi người luôn phải có sự chọn lựa. Chúa muốn có sự tồn tại của cỏ lùng ngay trong ruộng lúa trần gian mãi cho đến ngày tận thế. Điều này muốn nói rằng: chúng ta phải liên tục chọn lựa và thanh tẩy tâm hồn mình mỗi ngày để sống phù hợp với tinh thần tin mừng hơn, theo hai tiêu chuẩn: Chúa là trên hết, luôn cư xử với đồng loai bằng tình yêu thương.