Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2019

Mỗi người đều là cuốn sách tin mừng sống




Có lẽ nhiều người đã nghe đến tư tưởng này nhiều lần, nhất là trong những ngày lễ kính các thánh sử. Nhân ngày lễ kính Thánh Luca, chúng ta cùng suy nghĩ một chút về câu nói nầy vì nó rất hữu ích.

Có câu chuyện kể rằng: Có một người có đạo sống cạnh một gia đình ngoại đạo. Ý thức về nhiệm vụ truyền giáo cuả mình, người có đạo tặng gia đình kia một cuốn sách Tân Ước, với hy vọng sau khi đọc cuốn sách này, họ sẽ biết Đức Giêsu và sẽ trở thành những Kitô hữu. Thế nhưng, mọi việc dường như không thay đổi. Một thời gian sau, anh ta thăm gia đình ngoại giáo kia và tình cờ anh ta nhìn thấy cuốn sách Kinh Thánh đã bị vứt bỏ trong sọt rác, anh ta hỏi lý do thì được người kia trả lời: “Hằng ngày tôi đã đọc cuốn sách này nơi cuộc đời anh rồi”.


Theo đạo không phải là gia nhập một hiệp hội, sống theo những điều lệ và nguyên tắc để rồi bù lại sẽ nhận được sự trợ giúp thiêng liêng, được sự an lành ở đời này và đời sau được hạnh phúc muôn đời. Không phải thế, theo đạo là bước theo một Con Người có tên gọi là Giêsu, kết thân với Ngài và sống như Ngài đã sống. Bởi đó, mỗi ngày người Kitô hữu được mời gọi chiêm ngắm Lời dạy của Đức Giêsu và sống thân mật với Ngài qua việc cầu nguyện chung hoặc riêng, để uốn nắn đời mình trở nên giống Đức Giêsu hơn: tìm kiếm ý Chúa, hiền lành và khiêm nhường, khó nghèo và thương xót, hiến mình vì anh em, đóng góp phần riêng mình vào hiến tế thập giá của Đức Kitô…

Mỗi ngày sống là một trang sách mới, mỗi người chủ động viết lên đó những gì họ muốn. Có thể đó là: dấu Thánh giá và kinh dâng mình buổi sáng, công việc bổn phận từng ngày buổi sáng – buổi trưa – chiều tối và kết thúc là giấc ngủ, nhiều lời nguyện tắt và kinh nguyện thiêng liêng, việc tốt… Ta viết lên đó cả những tư tưởng thầm kín, những cuộc gặp gỡ ai đó, những lời cầu nguyện tắt, những lời nói xây dựng hòa bình hoặc lời nói bôi nhọ anh em, những việc lành thánh và cả những tội lỗi.

Trang sách ta viết có những trang rất đẹp và có những trang xấu xí đến độ ta muốn xé đi, nhưng ‘những gì đã viết là đã viết’. Bởi đó, hãy cẩn thận về những tư tưởng lời nói và việc làm đang xảy ra, hãy cầu xin Đức Khôn Ngoan đến giúp đỡ ta từng ngày sống để luôn tiến bước trên đường lành. Mỗi ngày sống là một quà tặng, điều quan trọng nhất là sống tốt giây phút hiện tại, đừng quá băn khoăn về quá khứ hoặc lo lắng về tương lai, hãy giao lại quá khứ cho Chúa định liệu và phó thác tương lai cho Ngài . Đừng chất lên vai mình nhiệm vụ nặng nề là xét đoán anh em. Đừng lo lắng về nhiều chuyện không cần thiết trong cuộc sống, chỉ nói những lời cần nói và những lời có ích cho anh em, sống giản dị và nghèo khó một chút thì đời ta sẽ thanh thoát nhẹ nhàng hơn.

Nhiều trang sách của mỗi người sẽ vẽ nên bức tranh tập thể và có một tiếng nói tích cực hay tiêu cực nào đó. Một giáo xứ, một tập thể đạo đức, một cộng đoàn tu trì sẽ là một tổng thể của những trang sách của nhiều cá nhân của nó gộp lại. Bởi đó, trong nhiều hoàn cảnh, tình nghĩa gia đình và tập thể là một động lực đáng kể giúp từng cá nhân gắng vượt qua khó khăn để sống tốt hơn. Trang sách ta viết có ảnh hưởng tương tác đến cuộc đời tha nhân, có thể là ánh sáng soi sáng đời tha nhân nhưng cũng có thể là cớ vấp phạm cho anh em. Hãy cẩn thận khi phát ngôn và khi hành động, vì ta cũng bị phán xét về cớ vấp phạm gây ra cho tha nhân. Đừng lo tô màu những trang sách cuộc đời để lòe bịp người khác, vì Chúa biết rõ tất cả và Chúa sẽ trả công cho mỗi người tùy theo việc họ làm.



Mỗi lần đến với Mẹ Maria, lời cầu Mẹ thích nhất đó là: “Xin Mẹ làm cho con được nên giống Chúa Giêsu, Con Mẹ” hoặc “Xin Mẹ làm cho hình ảnh Chúa Giêsu được lớn lên trong tâm hồn con”. Và khi đến với Chúa Giêsu, hãy đọc lại lời cầu: “Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa”. Xin Chúa thương xót ban nhiều ơn thánh để cuốn sách đời con có nhiều trang tin mừng hơn là tin buồn. Amen.

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2019

Khuyến khích nhau làm điều lành




Thư Do Thái (10,24) dạy rằng: “Anh em hãy quan tâm đến nhau, khích lệ nhau sống bác ái và khuyến khích nhau làm điều lành”. Con người hơn con vật ở khả năng tiếp thu và trao đổi kiến thức, do đó sự lành và sự dữ có thể lây lan cho nhau một cách tự do nếu ta không để ý. Ở đây, người viết chỉ muốn nói đến việc loan truyền ‘tin vui’: hạn chế tin xấu và khuyến khích nhau làm điều tốt.


Thế giới Internet được ví như một cái chợ ảo mà thật. Thật vì nó tồn tại ở đó bằng chữ, bằng hình và có ý đồ của tác giả. Nó ảo, vì ta không thể kiểm chứng nhiều nội dung và không biết rõ tác giả và cũng không chắc về ý đồ của họ. Có những thời điểm, nhiều người mang tâm trạng bi quan chán nản khi đọc những tin tức về tình hình biển đông, về chiến tranh sẽ xảy ra khi căng thẳng ở Bắc Triều Tiên leo thang, về tình hình Việt Trung... Có người vội bán đất, kẻ khác ưu sầu, kẻ thì hớn hở hy vọng này nọ… nhưng nhiều khi tin tức đó chỉ là chuyện ba láp của những kẻ lắm mồm và của kẻ có ý đồ tung hỏa mù để sau này đừng có ai tin vào ‘tin tức’ nữa và đừng đọc gì trên mạng nữa. Rất nhiều người là con đẻ của sự bi quan mà không biết, họ chăm chỉ theo dõi thời sự trên các phương tiện truyền thông và loan truyền chúng cho người khác. Nhưng thử hỏi nội dung của tin tức là gì? – Hầu hết chỉ là ‘tin buồn’: tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp, thiên tai, các thứ nạn khác như phá rừng, hối lộ, buôn lậu, hàng cấm, giết, hiếp, sốc, lộ hàng… và người người cứ săn tin, vì nó thỏa mãn tính tò mò và tính dục trong lòng mình. Càng loan truyền sự xấu thì sự xấu càng lên ngôi và đất nước càng chìm trong tụt hậu về tinh thần cũng như vật chất.


Nhiều khi mình xài ĐT đơn giản, máy tính cổ lỗ một chút và bớt giờ cho các phương tiện truyền thông… thì đỡ tội lỗi và bình tâm hơn, vì “không biết rõ điều cần biết và biết rõ điều không cần biết” cũng là một điều tội. Ít lang thang trên mạng có khi là điều tốt hơn, vì Chúa muốn ta nói ít với tạo vật để nói nhiều hơn với Ngài. Rảnh giờ một chút, ta nên đọc một trang sách đạo đức, lần vài chục kinh Mân Côi hay kinh Lòng Thương Xót, hoặc chuyện trò với tha nhân quanh mình để có sự liên đới và giúp nhau tiến lên trên đường trọn lành… thì tốt hơn.


Khi hai người gặp nhau, họ nói chuyện, nhưng nên xếp loại chuyện đang trao đổi. Nếu nội dung câu chuyện là tin buồn và vô bổ, ta nên lái câu chuyện về điều tốt hơn: một cây rừng đổ xuống thì gây ồn ào, nhưng ngàn vạn cây âm thầm mọc lên thì lại không ai để ý. Truyền thông thường không công bằng: ưa nói chuyện xấu mà ngại nói chuyện tốt. Hãy dùng lời nói để khuyến khích điều tốt mọc lên: sự quảng đại, sự tha thứ, hiếu thảo, thực hành điều thiện. Nếu dùng ngôn ngữ bình dân, ta có thể trích dẫn: “Có đức mặc sức mà ăn, cha mẹ hiền lành để đức cho con, ông trời có mắt, Chúa luôn ban ơn cho kẻ kính sợ Ngài, Thiên Chúa không bao giờ thua lòng quảng đại của con người, Chúa biết Chúa lo từng khi, …”.

Điều quan trọng khi xem thời sự là để có sự cảm thông hơn là chỉ để cho biết tin tức. Ngày xưa (trước 1975), cứ 6g sáng là nhiều người chờ đợi nghe đài BBC để biết tin tức thế giới, có cha giáo nói với tôi: ‘mình nghe tin tức đó đây để cầu nguyện cho những người gặp thiên tai và những nhu cầu trên thế giới’. Thánh nữ Têrêxa khi đọc báo đã biết được tình trạng khô khan của một người tử tù, Ngài đã quyết tâm cầu nguyện cho anh ta, dù không quen biết gì cả, và vào phút cuối cùng anh ta đã xin hôn cây Thánh Giá. Đó cũng phải là thái độ của người Kitô hữu khi nghe tin tức. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 thường có một danh sách những người xin cầu nguyện mà vị phụ trách đã dọn sẵn. Hãy tập dâng một lời cầu nguyện nào đó khi nghe một tin vui hay một tin buồn, trong đời thường hoặc trên các phương tiện truyền thông, và Chúa sẽ thương xót đến nhân loại theo sự quyền năng và khôn ngoan của Ngài.


Thiên Chúa sắp đặt cho mỗi người một thiên thần bản mệnh để giúp ta làm điều lành, và Chúa cũng xếp đặt mỗi người đi bên cạnh nhau để giúp nhau nên thánh. Hãy gắng làm trọn vai trò của mình là ‘thần lành’ và đừng trở thành cớ vấp phạm cho anh em: không gieo rắc điều xấu, tin buồn, sự thất vọng, ích kỷ và cách sống không đẹp lòng Chúa.


Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2019

Người trẻ


Hướng mục vụ trong 3 năm tới được HĐGMVN đưa ra là dành cho người trẻ. Ở đây tôi chỉ muốn nói tới hai câu chuyện liên quan đến người trẻ: thói quen sử dụng ĐTDĐ và thao thức về tôn giáo.

Dịp vừa qua tôi lại có dịp đi nuôi bệnh suốt một tuần lễ tại Bệnh viện vùng Tây Nguyên nên tôi nói tới những điều trông thấy nơi người trẻ. Tôi có mang theo một vài cuốn sách để đọc, nhưng không đọc được vì ‘dị’ thế nào ấy. Hình ảnh thường thấy ở đây là người người đều dán mắt vào ĐT và phì phèo điếu thuốc, trong lúc mình đeo cặp kính và kè kè cuốn sách thì rất giống với người ngoài hành tinh. Người trẻ đọc tin tức trên mạng, nghe nhạc, nói chuyện lâu giờ, xem phim… đã ngốn hết thời giờ và đánh mất đam mê đọc những sách nghiêm túc và nghiên cứu như youcat, Kinh Thánh, Gương Chúa Giêsu. Dĩ nhiên trên internet cũng có những trang mạng tôn giáo, nhưng tôi dám chắc rằng đa số bạn trẻ chỉ liếc mắt đến các trang mạng xã hội thôi và luôn mang trong mình mặc cảm hụt hững về kiến thức tôn giáo.


Cũng tại Bệnh viện, tôi gặp một bạn trẻ Phật giáo, chừng 30 tuổi. Tôi mến người bạn trẻ nầy, vì anh rất thao thức về vấn đề tâm linh. Đêm đầu tiên, anh nghe phật pháp qua chiếc đài (cha Trần Đình Long đã học được cách truyền giáo này). Tối hôm sau, anh biết tôi là người có đạo, nên đã đặt vài câu hỏi về đạo Công giáo rất hay, tôi cố gắng giải đáp cho anh, không biết có thỏa đáng hay không, nhưng tôi cũng tạm ghi ra đây để chúng ta cùng suy nghĩ thêm.

- Người có đạo đến nhà thờ để làm gì? – Để gặp gỡ Thiên Chúa và đón nhận ơn sủng qua các nghi thức (bí tích) và việc cầu nguyện. Ơn Chúa được ban mọi nơi mọi lúc nhưng cụ thể hơn là khi tín hữu đến tụ họp nơi nhà thờ. Tự sức mình, con người chẳng làm được gì, phải có ơn Chúa giúp họ sống tốt đời nầy và sau khi chết là được về thiên đàng.

- Mục đích cuối cùng của cuộc đời là gì? – Là được chiêm ngưỡng và kết hợp với Thiên Chúa trên trời.

-Những điều răn của đạo Công Giáo là gì?- Có 10 điều răn, 3 điều răn đầu nói về Thiên Chúa và 7 điều sau về con người. Anh ta cho biết đạo Phật có 5 điều: cấm sát sinh, cấm nói dối, cấm tà dâm, cấm …, cấm uống rượu (vì rượu làm cho đầu óc mê muội không còn sáng suốt và gây ra lắm hệ lụy). Tôi rất thích điều thứ năm nầy vì thấy quá đúng và quá hợp thời.

- Con người khổ vì lòng ham muốn (dục vọng), đức Phật dạy phải diệt dục thì tâm mới an, có vậy lòng trí mới hướng về những điều thanh cao được. Theo Phật pháp thì thế gian nầy được chia thành hai giai đoạn, hiện nay đang ở cuối giai đoạn một và đầu giai đoạn hai. Tôi tò mò muốn biết rõ về điều này, và anh ta giải thích: giai đoạn một là con người ngập trong ghen ghét và căm thù; khi căm thù đã lên tột đỉnh thì xảy ra trả thù và giết chóc (giai đoạn hai). Đến đây thì tôi nói về quan niệm của tôi về vấn đề sự dữ: Trong mỗi người, ở mọi thời và mọi nơi, luôn có một sự giằng co giữa sự thiện và sự ác, luôn có cả hận thù ghen tị và trả thù, mãi cho tới ngày tận thế, tôi muốn nói về tình trạng hơn là phân chia thời gian, từ mấy ngàn năm trước cho đến sát ngày tận thế thì sự giằng co giữa thiện và ác vẫn cứ xảy ra nơi mỗi người và mọi nơi.

- Thiên đàng ở đâu? – Người ta thường nghĩ ‘trên trời và dưới hỏa ngục’, nhưng thực ra thiên đàng là muốn nói đến tình trạng hơn là nơi chốn. Tình trạng đó là con người được kết hợp với Thiên Chúa, mặt đối mặt. Tình trạng hạnh phúc này sung mãn với mỗi người nhưng cũng khác nhau về mức độ, tựa như hai ly nước lớn nhỏ khác nhau nhưng đều tràn đầy vậy.

- Xác loài người sống lại, vậy những người hỏa thiêu hoặc bị cá nuốt thì đã biến thành cá rồi thì sao? – Thiên Chúa là Đấng quyền năng đã dựng nên vũ trụ, đối với Ngài chẳng có gì là khó. Thân xác Phục sinh đó thiêng liêng không ăn uống, không cưới vợ gả chồng, muôn đời kết hiệp với linh hồn để chịu thưởng phạt. Như vậy, đối với người công giáo cuộc sống chỉ có một kiếp: sau cái chêt, linh hồn họ sẽ trải qua cuộc phán xét riêng và chịu thưởng phạt, và đến ngày tận thế thì có cuộc phán xét chung, thân xác sống lại kết hợp với linh hồn. Tất cả những điều này đều đã được Đức Kitô là Con Thiên Chúa làm người nói cho biết và chỉ có tin vào Danh Ngài mới có ơn cứu độ.



Qua cuộc phỏng vấn nhanh của một người trẻ Phật giáo, tôi chợt nghĩ: rất ít bạn trẻ Công Giáo có những thao thức về đạo, trước là để giữ đạo cho nên và sau là để nói về đạo cho người khác.

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2019

Tình cha




Có những người rất cảm động khi đọc câu đầu tiên của kinh Lạy Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Họ cảm động vì tình cha: một Người Cha quyền năng, chỉ có yêu thương và giàu lòng thương xót. Tình yêu là ‘chìa khóa’ để hiểu những hành động của Chúa và tình yêu khiến con tim Ngài luôn thao thức, bận tâm và luôn bị quấy rầy. Chúa Giêsu dùng hai hình ảnh để nói về sự quấy rầy nầy: người bạn nửa đêm xin bánh và người đàn bà kêu oan với vị quan bất chính… cả hai đều được thỏa lòng chính là vì bị quấy rầy, không vì tình nghĩa!

Như trời cao hơn đất thế nào thì tư tưởng của Thiên Chúa luôn trổi vượt trên suy nghĩ của con người như vậy. Trí khôn nhân loại không bao giờ diễn tả cho đủ và hiểu cho thấu Người Cha trên trời. Chúa Giêsu dùng hai hình ảnh để diễn tả tình cha: Các ngươi là những kẻ ác mà con biết cho con cái điều tốt lành thì Cha trên trời còn tốt hơn bội phần; Cha trên trời là Đấng nhân từ, làm mưa trên kẻ lành người dữ. Thiên Chúa ban ơn không do công trạng nhưng do lòng thương xót; Thiên Chúa ban ơn tràn trề cho từng người, nhưng mỗi người mỗi khác tùy Ngài muốn và tùy sự đón nhận của bàn tay con người.

Người cha trần thế của Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng đã giúp cho thánh nữ tưởng nghĩ đến người Cha trên trời: tốt lành, nhân từ, luôn chăm sóc và yêu thương con cái mình. Tôi luôn nghĩ tưởng về Đức cha cố Giuse Trịnh Chính Trực: một con người bình dị, không nặng lời chỉ trích ai, không la mắng mà để con cái tự suy nghĩ và thay đổi, ở căn phòng bình dị, đi xe cũ kỹ, sẵn sàng chia sẻ những thứ mình có, không nhận con thiêng liêng. Tình cha trần thế này giúp tôi cảm nghiệm được Người Cha trên trời rất nhiều, giúp tôi thay đổi quả tim hiếu chiến và hẹp hòi của mình rất nhiều.


Khi nói về cầu nguyện, các nhà tu đức có vài lời khuyên:

- Hãy tin rằng Chúa đã nhậm lời, dù rằng thường Chúa không ban điều ta xin và lúc ta muốn, vì Chúa có cách của Chúa để ban cho ta điều tốt nhất. Thành quả đầu tiên mà Thánh Têrêxa Hài Đồng cảm nghiệm được là lời cầu xin tha thiết cho người tử tội được ơn trở lại, và từ đó về sau đến hết cuộc đời và cả trên cõi thiên đàng, Ngài không ngừng cầu bầu cho phần rỗi của các tâm hồn. Hãy học gương thánh nữ để cầu xin cho tha nhân quanh ta được các ơn Chúa Thánh Thần: bình an, đạo đức, kính sợ Đức Chúa Trời, mạnh bạo… Chắc chắn Chúa sẽ ban dồi dào ơn Thánh Thần cho họ, vì Chúa đã hứa như vậy (Lc 11,13), dù đôi mắt trần của ta không nhận ra.

- Ta phải trình bày dù Chúa đã biết rõ điều ta xin. Thiên Chúa đối xử với từng tâm hồn y hệt như hai người nam nữ yêu nhau: họ thủ thỉ và tan biến trong nhau. Chúng ta hiểu một chút về mối liên hệ thần bí nầy qua những dòng nhật ký của Thánh Faustina và Têrêxa Hài Đồng.

- Khi ta cầu xin, điều quan trọng không phải là làm cho Chúa biến đổi nhưng chính lòng ta biến đổi, và chính sự đơn sơ phó thác là điều kiện đủ để cho Chúa hành động, vì Chúa luôn tôn trọng tự do của con người. Đừng nghĩ rằng phải sưu tầm những lời kinh thâm thúy, những tư tưởng cao siêu khiến Chúa phải động lòng mà ban ơn. Không phải thế, Chúa ưa thích những tâm hồn đơn sơ, phó thác, bé mọn, trong sạch tâm hồn.



Lạy Chúa, tuy con chỉ là tạo vật hèn mọn và đầy tội lỗi, nhưng xin sử dụng con như ý Chúa muốn. Được cộng tác phần nhỏ bé của mình vào trong kế hoạch cứu độ của Chúa là hạnh phúc của đời con. Xin cho từng ngày sống của con là chuỗi kinh của người con thơ thỏ thẻ với Cha mình, không mệt mỏi nhưng đầy tin tưởng vào tình Cha, để cầu nguyện cho những nhu cầu tha nhân quanh con. Amen