Danh sách Blog của Tôi

Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2021

Nghệ thuật lắng nghe

 



Cuộc sống của chúng ta dường như ngày càng bận rộn và có nhiều bận tâm, đến nỗi không mấy người đủ kiên nhẫn để lắng nghe nhau nói. Có những người đặt câu hỏi, nhưng không phải để muốn nghe người kia nói, mà chỉ là hỏi cho có chuyện và hỏi để mà hỏi, cho nên khi người kia vừa mới nói được vài lời thì họ đã lái câu chuyện qua một hướng khác, họ chỉ muốn nói mà không muốn nghe, họ luôn miệng nói “biết rồi, biết rồi’!

Tại sao lại như vậy? – Thưa, là do lòng ích kỷ, lòng tự tôn và cả sự tự ti yếm thế nữa. Kiểu nói chuyện như vậy vừa vô duyên vừa vô ích. Khi mình đã đặt câu hỏi thì buộc người kia nợ mình câu trả lời, họ đang sẵn sàng trao ban cho mình một thông tin bổ ích, nhưng rồi mình lại không thèm nghe cho thật tình, nên chẳng bao giờ mở mang kiến thức được – nên dốt vẫn hoàn dốt. Kiểu nói chuyện ‘ đầu ngô mình sở’ như vậy dễ gây bực dọc tâm lý cho người kia, chứng tỏ mình là kẻ nói chuyện vô duyên.

Ông Dale Carnegie trong tác phẩm ‘Đắc Nhân Tâm’ có kể một câu chuyện: có một người kia, vào một buổi tối, đến thăm một gia đình bạn bè, ông nói rất nhiều chuyện với các thành viên trong gia đình ấy. Lúc ra về, ông khen một cháu nhỏ nói chuyện rất có duyên, dù rằng cậu bé ấy không hề mở miệng nói gì mà chỉ biết chăm chú lắng nghe vị khách nói chuyện. Tôi cứ ấn tượng mãi về cha cố Phaolô Nguyễn Công Minh: cha cứ chăm chú lắng nghe và nhìn thẳng vào người đang nói chuyện với mình, không ngắt lời cho đến khi họ nói hết ý, sau đó ngài mới nói lên điều muốn biết thêm. Thánh Gia cô bê khuyên chúng ta: hãy mau nghe nhưng chậm nói và chậm giận (Gc 1,19).

Trong bài ‘Cái tôi của người Việt’ của Từ Thức có một câu thật hay: "Có ai đã gặp một người Nhật vỗ ngực: tôi, tôi, tôi?. Nói chuyện với người Nhật, chưa gì họ đã mang giấy bút ra ghi chép. Làm như những điều bạn nói là khuôn vàng, thước ngọc. Hỏi những người khác, mới biết cái ông ngồi trịnh trọng ghi chép đó là bực thầy".



Cái mặc cảm tự ti của người Việt mình quá lớn, dẫn đến việc chúng ta không muốn nghe người khác nói vì không muốn ai làm thầy mình và không muốn nhìn nhận cái dốt của mình, cách sống và cách làm của mình là số một. Đúng như lời Chúa nói: rượu cũ thì ngon hơn. Ai đó đã nói: “Yêu là biết cho đi và đón nhận”. Muốn yêu cho đúng nghĩa, con người phải có lòng vị tha và khiêm tốn. Hãy học cách thể hiện tình yêu trong từng cuộc gặp gỡ nhau: biết nói với nhau những điều hữu ích và biết chân tình lắng nghe nhau cho trọn vẹn: nghe bằng tai và bằng tấm lòng.

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2021

Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy

 



Nghe qua mạch văn, ta thấy được đây là một lệnh truyền; nhưng khi để cho câu nói của Chúa thấm sâu vào tâm hồn, ta thấy rõ đây là một lời cầu xin tha thiết. Tựa như lời thỏ thẻ của một đôi tình nhân: anh đừng rời xa em, em đừng đi xa anh. Chúa tha thiết kêu mời linh hồn ở lại trong Người không phải là để thỏa mãn những cảm xúc, nhưng đó là điều tối cần thiết để linh hồn được hạnh phúc.

Thiên Chúa là Đấng đầy vinh quang, những lời ca tụng của chúng ta không thêm gì cho Chúa và Chúa không tạo dựng loài người để họ trở nên cái loa phóng thanh cứ ra rả lời tụng ca hay xin xỏ ơn lành. Thiên Chúa là Tình Yêu : ta chỉ có thể hiểu được Ngài và cách hành động của Ngài qua nhãn giới này. Một nhà tu đức đã nói: Thiên Chúa trở nên khổ sở vì yêu con người. Đúng vậy,Thiên Chúa không tạo dựng con người trong tình trạng robot nhưng là những cá thể có tự do: mỗi người là một cá vị độc đáo và được Chúa yêu thương cách đặc biệt. Chúa khao khát tình yêu con người, Chúa khổ đau khi con người phạm tội và cả triều thần vui mừng khi một tội nhân sám hối trở về. Cơn khát tình yêu của Chúa Giê su trên thập giá còn kéo dài mãi cho đến tận thế, vì sự bội bạc và vô tình của loài người.

Trong tác phẩm hội họa của họa sĩ Hunt vẽ về cảnh Chúa Giê su đứng gõ cửa, có người nhận xét là cánh cửa đó thiếu mất tay nắm, nhưng họa sĩ trả lời: này bạn, cánh cửa tâm hồn phải được mở từ bên trong chứ! Quả vậy, Thiên Chúa dựng nên muôn vật và con người, để họ thông phần vinh quang và tình yêu của Chúa, đó là một huyền nhiệm của tình yêu. Dù Chúa biết trước con người sẽ phản bội và làm tan nát cõi lòng mình, thì Chúa vẫn tạo dựng họ và vẫn ban cho họ tự do : có quyền lựa chọn tốt, xấu. Trong câu chuyện người cha nhân hậu (Lc 15,11-32), người cha biết trước rằng khi đã chia gia tài cho người con thứ, anh ta sẽ bỏ nhà ra đi, vậy mà ông vẫn chia gia tài cho cậu vì tôn trọng tự do của con, và sau đó người cha ấy cứ ngày ngày mòn mỏi mong chờ đứa con đi hoang trở về nhà. Đó là cách diễn tả sống động về mối tương quan tình yêu Thiên Chúa dành cho con người.



Chúa muốn nói gì khi nói ở lại trong tình yêu Ngài? – Tuân giữ lệnh truyền của Chúa. Sống trên trần gian, con người luôn bị ma quỷ cám dỗ để làm điều nó muốn, nó có biệt tài quyến rũ con người chạy theo hư danh  và phù vân. Chúa Giê su đã chiến thắng ma quỷ, nhưng con người chúng ta vẫn luôn bị chi phối bởi những luận lý của ma quỷ, chúng ra sức lôi kéo con người trở nên giống như chúng để cũng bất hạnh như chúng. Bởi đó, Chúa tha thiết kêu mời con cái Chúa hãy ở lại trong tình yêu Chúa, bước đi trong giới luật Chúa, vì đó là con đường đưa ta tới hạnh phúc bây giờ và mai sau.

Cha G.B Phương Đình Toại diễn giải việc ở lại trong tình yêu của Chúa là để cho tình yêu Chúa ảnh hưởng sâu đậm trên cách hành xử của mình, để mình biết yêu như Chúa đã yêu. Là để cho tình yêu Chúa ảnh hưởng, uốn nắn và là cách để chúng ta yêu. Yêu theo cách của Chúa, một tình yêu phục vụ và trao ban, có nghĩa là để cho mình bị mất mát và hao mòn vì tình yêu. Có một vị bác sĩ rất tận tâm và giỏi về nghề nghiệp, nhưng chưa bao giờ cho gia đình thời gian, và con người của anh ta không biết các con nghĩ gì mà chỉ biết ra lệnh con mình phải làm gì. Nhiều người không có khả năng yêu vì không có khả năng cho đi, cho là chấp nhận mất đi. Nhiều người VN có cách ứng xử ‘tôi có lợi gì trong việc này, trong mối tương quan này’, khác với tâm thức ‘tôi có thể giúp gì cho anh’. Nếu ai cũng muốn được mà không biết cho thì xã hội này sẽ ra sao? Đức Phan xi cô nói: Nếu một người được sinh ra trong cuộc đời này chỉ biết đặt câu hỏi ‘ mình nhận được gì trong cuộc đời này’ thì người đó sẽ rất cô đơn, vì không có khả năng yêu.Trong đời sống hôn nhân, hãy tập nhìn thấy điều người kia làm cho mình để mình cố gắng đền đáp lòng tốt đó, hãy xem lại cách yêu của mình có phải như cái kéo – cắt xén người kia phải chiều theo ý mình trong mọi sự hơn là cố gắng trao ban chính mình để săn sóc giúp đỡ họ.

Ở lại trong tình yêu Chúa còn là có mối tương quan tốt đẹp và sự liên lạc thân tình với Chúa, vì “không có Thầy các con không thể làm được gì”. Ma quỷ luôn tìm mọi cách để con người luôn bận rộn và lo lắng quá nhiều chuyện không đâu, và như thế họ giảm đi sự cầu  nguyện và sự sa ngã là rõ ràng, chỉ sớm hay muộn (cha Vianey).

Thứ Ba, 18 tháng 5, 2021

Những gợi ý của ma quỷ


 


Dựa vào Kinh Thánh, chúng  ta biết là có ma quỷ. Thánh Phê rô dạy rằng: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ  thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1pet  5,8). Tuy vậy, với con mắt phàm trần, chúng ta chẳng bao giờ thấy ma quỷ hết và tưởng rằng chuyện ma quỷ chỉ là chuyện hù dọa con nít.

Cha Nguyễn Tầm Thường phân biệt 2 hiện tượng: quỷ nhập và quỷ ám. Quỷ nhập là hiện tượng ma quỷ nhập vào một người nào đó, khiến họ làm những việc kinh thiên động địa;  còn quỷ ám là hiện tượng ma quỷ tác động đến linh hồn con người, họ trở thành con mồi cho nó, sống  theo lập luận của nó và phát ngôn viên cho nó. Như thế, đa số chúng ta đều bị quỷ ám nhiều hay ít, khi chúng ta chiều theo cơn cám dỗ của ma quỷ để không sống theo Tin Mừng và tệ hơn nữa là trở thành công cụ của nó để làm hại người khác. Khi hai tông đồ Giacobê và Gioan nói với Chúa Giê su: “Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu đốt những thành này không?”, Chúa đã nói với họ: Thầy không biết thần trí nào đang điều khiển các con?.

Thánh Phao lô phân biệt rõ tác động của Thánh Thần và ma quỷ: Hoa quả của Thánh Thần là hoan lạc, bình an, xây dựng; còn tác động của ma quỷ là chia rẽ, thất vọng, trụy lạc… Mỗi giây phút trong cuộc sống, chúng ta đều bị ma quỷ cám dỗ và quấy rầy để sống xa tinh thần phúc âm mà chiều theo tinh thần thế tục. Bởi đó, Chúa dạy ta phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn, kẻo sa chước cám dỗ. Điều tôi muốn nói ở đây là hãy coi chừng, kẻo môi miệng  mình thốt ra những gợi ý của ma quỷ. Những lời chúng ta nói ra sẽ có một tác động lớn nhỏ lên người nghe, nếu họ làm theo sự gợi ý xấu của ta, thì chính ta có phần trách nhiệm trong đó.

Khi các nhà chính trị và lãnh đạo các quốc gia đưa ra những đạo luật nghiêng chiều về thế tục và đi ngược với giáo huấn của Giáo hội thì họ đang nói tiếng nói của ma quỷ. Khi người này nói lên tiếng nói ủng hộ ‘lối sống thử’ của con cái, phê bình chỉ trích các đấng chủ chăn, phao tin đồn nhảm gây chia rẽ trong cộng đoàn… thì họ đang nói tiếng nói của ma quỷ. Đôi khi thấy cảnh bất hòa của một gia đình trẻ, ta gợi ý thà chia tay nhau còn hơn; đôi khi chứng kiến cảnh sống đạo đức giả của một người có đạo, ta bảo thà đừng đi nhà thờ nữa, thà đừng tham gia đoàn thể này nọ còn hơn, hoặc thà chết đi còn sướng hơn… đó là những gợi ý của ma quỷ, cổ võ cho lối sống đi ngược với các giá trị tin mừng. Hãy để ý đến miệng lưỡi của mình, vì mỗi lần xưng tội , ta nghiệm ra rằng mình phạm tội trong lời nói còn nhiều hơn cả trong hành vi.



Khi mình làm một điều xấu, lương tâm sẽ lên tiếng, người khác sẽ góp ý. Điều quan trọng là mình có biết hồi tâm để nhận ra điều thiện hay không. Bản chất của đời sống gia đình là sự hỗ tương và liên đới giữa những người ruột thịt: dám nói lên điều không phù hợp và tán thưởng những điều tốt đẹp. Nhưng có những gia đình mà bầu khí thân mật và dân chủ không còn, tự ái của ai đó quá cao, quá bận rộn và khép kín, nên không còn sự tin tưởng để trao đổi tâm tình nữa, và đó là điều đáng tiếc vì không biết mình thì không có sự tiến bộ. Có lần tôi trao đổi với một vị khôn ngoan rằng: trong gia đình vợ sợ chồng hay chồng sợ vợ điều nào là xấu? – Vị ấy trả lời: Ai cũng sợ sự thật, người chồng phải nghe vợ và chính con mình khi người kia nói lên sự thật.

Ma quỷ luôn hiện diện quanh ta, nhưng ma quỷ như con chó bị xiềng, đừng đến gần nó và đừng nói chuyện với nó, đó là những lời đức Phanxico khuyên nhủ chúng ta. Chúa Giê su dạy ta phải ăn chay cầu nguyện để chống trả với các cơn cám dỗ của ma quỷ. Cha Nguyễn Tầm Thường kể chuyện: Một linh mục  chuyên trừ quỷ, ngài thường dùng dây stola, thập giá, nước phép để trừ; nhưng có một hôm, sau khi đã dùng hết cách mà ma quỷ không chịu thua, ngài bí quá nên đưa cỗ tràng hạt và danh Mẹ Maria ra, ma quỷ đành chịu thua; ban đầu ngài không hiểu và nghĩ ‘chẳng lẽ Mẹ Maria lớn hơn cả Chúa’, nhưng sau đó ngài biết rằng ma quỷ xấu hổ khi đối diện với Mẹ vì Mẹ là Đấng Vô Nhiễm, Mẹ đầy nhân đức và vâng lời tuyệt đối. Nhiều lúc ma quỷ quấy rầy ta đến nhức đầu: lo lắng nhiều chuyện đến mất bình an, nuôi lòng oán giận và chia rẽ, sợ hãi đủ điều… Hãy xin ơn Chúa trợ giúp, hãy kêu cầu danh Mẹ để được an lòng.

Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

Hy sinh

 

 



Cuộc sống luôn ẩn chứa những điều khiến ta không bằng lòng, thỏa mãn. Có thể là về thời tiết, về tha nhân, về tổ chức xã hội. Con vật cũng có những cách biểu hiện sự bằng lòng hay không thỏa mãn về một điều gì đó; nhưng vì có lý trí nên con người có suy nghĩ và mơ ước, nên sự thỏa mãn hay bất bình trở nên phức tạp và trên nhiều lãnh vực: thể lý, tinh thần, tâm lý, tâm linh.

Bởi vậy, muốn hay không muốn – như một quy luật cuộc sống, con người phải biết chấp nhận hoàn cảnh, chấp nhận cái vừa phải và vừa đủ. Trong tôn giáo, chữ chấp nhận còn được gọi bằng một chữ khác là hy sinh, từ bỏ. Hy sinh thụ động là mình chấp nhận một điều gì đó vì không còn cách nào khác, ví dụ như về thời tiết hoặc một căn bệnh, một sự khó chịu do tha nhân đưa đến. Hy sinh chủ động là mình đón nhận một trái ý vì lòng yêu mến Chúa hoặc vì yêu tha nhân, được góp phần mình vào thập giá của Chúa Giê su.

Ngày nay, trong một xã hội đề cao tự do cá nhân và tinh thần hưởng thụ, người Kitô hữu ngại nói đến hy sinh, đánh tội và hãm mình. Thậm chí nhiều người còn nghĩ đó là những điều chỉ có trong quá khứ, trong một nền tu đức còn ấu trĩ; còn nền tu đức hiện đại nhấn mạnh về lòng bác ái, thương xót và phục vụ. Nghĩ thế là sai lầm, vì sự hy sinh nằm trong bản chất của đạo: Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Muốn học sự hiền lành và khiêm nhường của Chúa, ta phải hy sinh tính tự nhiên muốn khoe khoang và muốn thể hiện bản thân : nói nhiều, nói lớn. Muốn chu toàn bổn phận, ta phải hy sinh tính lười biếng và an phận. Muốn sống tinh thần 8 mối phúc, ta phải có rất nhiều hy sinh để uốn nắn lòng mình.

Khi nói về Đức TGM Giuse Nguyễn Văn Bình, tôi cứ nhớ mãi một chứng từ được kể lại như sau: Những năm tháng cuối đời, Đức cha chọn Đại chủng viện Thánh Giu se làm nơi hưu dưỡng. Thường xuyên có người chăm sóc và phòng của ngài được ráp máy lạnh. Vào một buổi chiều, trời chuyển mưa, gió thổi mạnh và làm lạnh cả không gian, nên sơ phụ trách xin Đức cha tắt máy lạnh và ngài đồng ý. Thế nhưng, mãi về sau trời lại không mưa và bầu không gian trở nên oi nồng trở lại. Một lúc sau, thầy phụ trách trực xin ý Đức Cha để bật máy lạnh và ngài nói: “ ừ, bật đi”. Thầy bật máy lạnh và lại gần Đức Cha thì nhận thấy những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, thầy lau mặt và khi sờ vào chiếc áo lót ngài mặc thì thấy chiếc áo đã ướt vì mồ hôi. Thầy rất cảm phục sự hy sinh hãm mình và thầy cũng suy được rằng cả một đời, Đức Cha đã tập quen hy sinh hãm mình từ lâu cho lợi ích của giáo phận, chịu sự phê phán của xã hội và cả của những con cái mình, khi lãnh đạo giáo phận vào một thời điểm khó khăn của lịch sử giáo hội.



Thật ngạc nhiên khi biết đươc rằng: thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu người Pháp, Tiến sĩ Hội thánh là một  trong 4 nhân vật Kitô sẽ được tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc đề nghị mừng kỷ niệm trong hai năm 2022 và 2023 tới đây. Đây là dịp để đề cao vai trò của phụ nữ giữa lòng các tôn giáo, nhưng cũng để nêu cao ảnh hưởng tư tưởng và linh đạo của thánh nữ. Các tác phẩm của thánh nữ Têrêsa đã được dịch ra 83 thứ tiếng trên thế giới. Vị Thánh trẻ này chỉ sống 24 năm trên dương gian và 9 năm trong dòng kín, nhưng đã được chọn là bổn mạng các xứ truyền giáo, chỉ vì Thánh Nữ đã liên lỷ dâng những hy sinh nhỏ bé của mình để cầu nguyện cho các nhu cầu truyền giáo. Câu nói nổi tiếng của Ngài: Làm việc bình thường với tình yêu to lớn. Người ta thường nói cuộc sống chung của các tu sĩ thật là phức tạp với những va chạm và ghen tị, nhưng đó lại là cơ hội lập công của Thánh Nữ.

Đức Phanxico nói với chúng ta rằng: không thể có đức khiêm nhường nếu không quen chịu sỉ nhục, không thể quen chịu hy sinh nếu không thỉnh thoảng tập hy sinh cả những điều được phép. Một lần nữa, chúng ta cùng xác tín với nhau rằng: hy sinh hãm mình là điều hợp thời, là điều luôn đồng hành với mọi Kitô hữu cho đến hơi thở cuối cùng - để theo Chúa Giê su.

 

Thứ Tư, 14 tháng 4, 2021

Bước theo Thầy

 

 



 

Người ta thường dùng nhiều hình ảnh để nói về cuộc đời: cuộc đời mỗi người được ví như một dòng sông, lúc mạnh lúc yếu, chảy qua nhiều địa hình; cuộc đời như những áng mây trôi, khi tan khi hợp; cuộc đời như một bản nhạc, với những hòa âm thuận và nghịch; cuộc đời như một chuyến đi hoặc như một cuộc ra khơi trên chiếc thuyền nan; cuộc đời như con rắn đầu ngậm lấy đuôi mình. Ở đây tôi muốn ví cuộc đời như một cuốn phim dài tập: mỗi độ tuổi, mỗi địa danh sinh sống, hoặc mỗi lãnh vực được dùng để đặt tên cho từng tập phim… tùy sở thích mỗi người.

Có thể có một cuộc đời của những cựu tu sinh LBT với tên những tập phim như sau: tuổi ấu thơ – học trường làng, thời gian tu học, thời gian sau 75 nhiều gian khổ và thách đố, thời yêu đương và lập gia đình, dạy giáo lý và phục vụ thánh nhạc tại giáo xứ, công tác truyền thông, thành viên HĐGX, tuổi về hưu, chào tạm biệt cuộc sống…

Mỗi tập phim có độ dài nhất định của nó, nên dù muốn dù không, khi đến lúc và đúng lúc của nó tập phim phải kết thúc ! Dù cho bản thân ta là diễn viên có tiếc nuối hay mãn nguyện, thì chữ ‘hết phim, la fine, mọi sự đã hoàn tất’ tất yếu phải niêm lại tập phim cũ để mở ra một tập mới. Bởi vậy sách tu đức dạy ta rằng: Phải xác tín rằng điều xảy ra trong hiện tại là điều tốt lành nhất mà Cha nhân lành cho phép xảy đến, dù con mắt phàm trần của ta chỉ thấy là không may và đáng tiếc, thì Thiên Chúa sẽ dùng quyền năng và tình yêu của Ngài để biến thành điều tốt lành cho kẻ yêu mến Người. Đúng như lời Kinh Thánh:  Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, cầu xin Người hướng dẫn bước đường con đi, và mọi điều con mưu toan phải ký thác nơi Ngài.

Với thời gian dần trôi, các tập phim đều lần hồi kết thúc một cách ngoạn mục và tốt đẹp như ý Chúa là người đạo diễn tài ba muốn. Có những tập phim kết rất êm tai và đúng như mong ước của các diễn viên, nhưng cũng có nhiều tập phim kết lửng: tiếc nuối, giận hờn. Thực ra nhiều nghịch lý xảy ra là do cái tâm của các nghệ sĩ không ổn: cái tôi quá lớn, tham sân si lẫn lộn với sự phụng thờ Thiên Chúa. Nhưng đến tuổi tri thiên mệnh, ngồi ngẫm nghĩ sự đời, ta dễ nhận ra rằng Thiên Chúa rất tốt lành với tôi, Ngài xử với tôi không theo tội lỗi tôi nhưng theo lòng nhân hậu của Người, Chúa vẽ nét thẳng trên những đường cong, từng chi tiết cuộc đời tôi đều được Người phác thảo và chúc phúc.

Có câu danh ngôn nói: Mọi sự đều đến đúng lúc đối với những ai biết đợi chờ nó. Tôi vừa phải kết thúc một tập phim nữa và là một cái kết lửng, ngoài mong muốn, nhưng điều quan trọng là tôi khá an bình và còn có thể cầu nguyện cho các diễn viên khác cũng gẫm cái kết này như một bài học tốt cho chính họ. Cuộc đời không ai giống ai, mỗi người có những bước tiến và nỗ lực khác nhau trên hành trình tìm kiếm sự trọn lành.

Tôi rất cảm xúc với chứng từ của người đẹp hoàn vũ H’Hen Niê trong một bài phỏng vấn. Cô cho biết cô là một người Công giáo rất xác tín về niềm tin của mình rằng: Thiên Chúa yêu thương luôn chăm sóc và ban cho mình biết bao ơn lành, kể cả nhan sắc và những khả năng mình có đều là hồng ân nhưng không của Chúa. Điều đương nhiên là con người chỉ được hạnh phúc khi biết tin cậy vào Ngài trong mọi sự, tìm kiếm ý Chúa trong mọi lúc, phó thác cuộc đời cho Chúa định liệu, và biết dùng những khả năng Chúa ban để yêu thương đồng loại. Chính niềm vui và niềm tin vào Chúa sẽ tạo nên ‘cái tâm’ trong sáng, vẻ đẹp tâm hồn sẽ tỏa ra bên ngoài: trên khuôn mặt, lời nói và những hoạt động của mình.



Có thể nói lệnh truyền phổ quát nhất mà Thượng Đế đã khắc ghi vào trong tâm hồn mỗi người là tìm kiếm sự trọn lành: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành, Đấng làm mưa trên kẻ lành người dữ”. Nhưng Cha trên trời là Đấng vô hình, nên Chúa Giê su đã nhập thể, trở nên hữu hình để con người có thể noi gương bắt chước. Chính Chúa Giê su đã nói: Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha. Chủ đề chính của bộ phim dài tập mà mỗi người đang đóng là bước theo Thầy Giê su trên con đường trọn lành : tìm kiếm ý Cha trên trời, trở nên muối men cho đời, mỗi ngày biết chết cho cái tôi và những đam mê để BƯỚC  THEO THẦY GIÊ SU.

 

Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2021

TẠ ƠN CHÚA TRONG MỌI HOÀN CẢNH

 



 

 Có một câu thơ mà dường như ta vẫn hay nhìn thấy ở đâu đó.  Một câu thơ cho ta ý thức về những niềm vui không do mình tạo ra mà do cuộc sống ban tặng cho chúng ta.  Câu thơ ấy viết rằng:

 

“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương”.

 

Thật đẹp cho tâm hồn con người biết cám ơn.  Biết cám ơn là biểu lộ một tấm lòng lạc quan yêu đời.  Biết cám ơn biểu lộ một cung cách khiêm nhường để đón nhận mọi sự trong yêu thương và kính trọng.

 

Người không biết cám ơn sẽ luôn bất mãn vì những gì đang xảy ra.  Người không biết cảm ơn sẽ thiếu tôn trọng người làm ơn và món quà được đón nhận.

 

Ngược lại, người biết cám ơn sẽ cảm thấy vui và hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh cuộc đời.

 

Họ biết cám ơn Chúa khi mỗi sáng mai thức dậy đang khi đó có hàng vạn người không còn thức dậy.

 

Họ biết cám ơn cha mẹ đã cho họ góp mặt vào trần thế.  Cám ơn thầy cô cho họ kiến thức.  Cám ơn bạn bè đã dìu họ đi qua những khúc quanh của dòng đời.  Cám ơn cuộc đời đã cho họ kinh nghiệm để sống hạnh phúc hơn.

Cám ơn làm cho tâm hồn con người an vui hạnh phúc.  Không biết cám ơn sẽ làm cho tâm hồn bi quan, thất vọng và chán chường.

 

Trong tích truyện kể về ông Matthew Henry là một học giả Kinh Thánh lừng danh vào đầu thế kỷ 18.  Một ngày kia, ông bị bọn cướp trấn lột và đêm hôm đó, Henry đã ghi xuống cuốn nhật ký của ông như sau: Hãy để cho lòng ta cảm tạ Thượng Đế.

 

Thứ nhất, bởi vì cho đến bây giờ ta mới bị ăn cướp; trước đây ta chưa bao giờ bị bọn cướp đón đường cả.

Thứ nhì, bởi vì mặc dầu bọn chúng cướp cái ví tiền, nhưng chúng nó không cướp mất mạng sống của ta.

Thứ ba, bởi vì mặc dầu chúng nó cướp sạch những gì ta có trên người lúc đó, nhưng cũng chẳng đáng giá là bao.

Thứ tư, ta là người bị cướp, chứ ta không phải là quân đi ăn cướp.

 

Một con người biết cám ơn luôn nhìn mọi sự trong nhãn quan tích cực.  Họ luôn thấy ánh bình minh xuyên qua màn đêm tăm tối của cuộc đời.  Họ không bi quan khi cánh cửa khép lại nhưng luôn tìm kiếm những lối đi khác cho bản thân.

 

Nhưng tiếc thay, người biết cám ơn lại quá ít!  Rất nhiều người đã không nhận ra cuộc đời họ là một chuỗi hồng ân của Chúa để cám ơn.  Họ không nhận ra tình thương của gia đình, bè bạn và cuộc đời dành cho họ để tri ân.  Họ vẫn sống trong bi quan để oán trời - oán đất về những gì đã - đang xảy ra trong cuộc đời của họ.

 

Dầu vậy giữa cuộc đời vẫn còn đó những lời cám ơn chân thành.  Dầu chỉ là số 1 so với số 9 quên cám ơn.  Ở giữa cuộc sống phồn hoa vẫn còn đó những gia đình cùng nhau đọc kinh, dâng lễ để tạ ơn Chúa đã phù hộ bình an.  Ở giữa cuộc sống bon chen hối hả vẫn còn đó những người con thảo hiếu mẹ cha qua việc chăm sóc cha mẹ già yếu.  Ở giữa chợ đời thị phi vẫn còn đó những người thiện nguyện phục vụ vô vị lợi để trả ơn cuộc đời.

 

Câu chuyện 10 người phong cùi được chữa lành làm nổi bật thái độ thật khiêm cung của người ngoại giáo.  Anh cám ơn Chúa với một thái độ khiêm tốn thẳm sâu.  Anh sấp mình trước vị ân nhân đã cứu anh.  Một thái độ cho thấy từ nay anh sẽ làm nô bộc cho người thi ân.  Một thái độ tôn kính dành cho Đấng có quyền năng xua trừ sự dữ trên cuộc đời anh.  Nhưng tiếc thay, con số biết cám ơn lại là con số nhỏ.  Chỉ một trong 10 người biết cám ơn, còn lại vẫn cho mình được quyền sống, quyền hưởng lộc mà không cần cám ơn.

 

Cuộc sống sẽ đẹp hơn nếu chúng ta biết cám ơn.  Cám ơn Chúa và cám ơn nhau sẽ làm cho con người thân thiện với nhau hơn.  Cám ơn Chúa mỗi sáng mai thức dậy vì đang khi đó có thể nhiều người sẽ không còn khả năng thức dậy.  Cám ơn Chúa mỗi khi chúng ta có dịp làm một việc thiện, một việc nghĩa đầy yêu thương đang khi đó có nhiều người không có khả năng để làm điều đó.  Cám ơn đời vì trên dòng đời hối hả vẫn còn có những người bạn cầm lấy tay ta để cảm thông, để nâng đỡ và dìu dắt chúng ta.

 

Xin cho chúng ta đủ khiêm tốn để cám ơn trong mọi sự, vì tất cả là hồng ân. Tất cả đều do Chúa mà có. Con người chỉ là thụ tạo nhưng được Chúa yêu thương và ban cho mọi sự trên trần gian.  Xin cho lời tạ ơn của chúng ta luôn vang dội không gian, hòa vào vạn vật để tôn vinh chúc tụng và ngợi khen tình thương Chúa vẫn ấp ủ đời ta và gìn giữ chở che chúng ta.  Amen!

 

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

 

Hiệu ứng Diderot: Vì sao chúng ta luôn tốn tiền vào những thứ không thực sự cần?

 



Nhà triết học nổi tiếng người Pháp Denis Diderot sống gần trọn cuộc đời trong nghèo khó, nhưng tất cả mọi thứ thay đổi vào năm 1765.

Khi đó, Diderot 52 tuổi và con gái ông chuẩn bị kết hôn. Lúc này, ông không có đủ tiền làm của hồi môn cho con gái. Nghèo khổ là vậy nhưng Diderot lại vô cùng nổi tiếng vì ông là đồng sáng lập và tác giả bộ Encyclopédie, một trong những bộ từ điển bách khoa toàn diện nhất thời đại.

Khi nữ hoàng Catherine Đại Đế của Nga nghe nói về khó khăn tài chính của Diderot, bà đã đề nghị mua lại thư viện của ông với giá 1.000 bảng Anh, bằng xấp xỉ 50.000 USD vào năm 2015. Bỗng chốc, Diderot trở nên giàu có.

Không lâu sau vụ mua bán may mắn này, Diderot đã mua một chiếc áo choàng mới màu đỏ tươi. Và rồi mọi chuyện không ổn bắt đầu từ đây.

Hiệu ứng Diderot

Chiếc áo choàng mới của Diderot quá đẹp. Đẹp đến nỗi ông ngay lập tức nhận ra rằng chiếc áo đang lạc lõng giữa những vật dụng tầm thường trong nhà. Theo lời ông thì chiếc áo choàng và những đồ vật còn lại không hề hòa hợp và tương xứng với nhau. Rồi ông cảm thấy mình nên mua những đồ dùng mới để cho phù hợp với chiếc áo đẹp đẽ của mình.

Ông thay thế tấm thảm cũ bằng một chiếc mua từ Damascus. Ông trang trí nhà của mình với những bức tượng và chiếc bàn ăn tốt hơn. Ông còn mua một chiếc gương mới và chiếc ghế rơm bị bỏ đi, thay bằng một chiếc ghế da mới.

Hành vi mua sắm theo cảm hứng này được biết đến với tên gọi hiệu ứng Diderot.

Theo hiệu ứng Diderot, việc sở hữu một món đồ mới sẽ dẫn đến việc tạo ra vòng xoáy mua sắm khiến bạn muốn mua nhiều thứ hơn nữa. Kết quả là chúng ta sẽ mua rất nhiều thứ mà bản thân trước đây không hề cần để cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn.

Giống như nhiều người khác, tôi cũng là nạn nhân của hiệu ứng Diderot. Gần đây tôi có mua một chiếc xe mới, kéo theo đó tôi mua thêm tất cả những thứ đồ linh tinh để để vào trong xe. Tôi mua một chiếc máy đo áp suất lốp, bộ sạc di động trên xe hơi, một chiếc ô phụ, con dao bỏ túi, hộp cứu thương, đèn pin, chăn khẩn cấp và thậm chí cả dụng cụ cắt dây an toàn.

Tôi đã từng sử dụng chiếc xe cũ gần 10 năm và tôi thấy rằng chẳng có thứ gì trong danh mục kể trên tôi cần mua cả. Tuy nhiên, sau khi nhận chiếc xe mới, tôi lại rơi vào vòng xoáy mua sắm giống như Diderot.

Bạn có thể phát hiện những hành vi tương tự trong nhiều khía cạnh cuộc sống:

- Bạn mua một chiếc váy mới và chợt nhận ra cần có đôi giày và hoa tai phù hợp hơn.

- Bạn mua cho con mình một con búp bê và tiếp tục mua thêm cho con búp bê đó nhiều phụ kiện mà bạn chưa từng biết đến sự tồn tại trước đây.

- Bạn mua bộ sô pha mới và chợt nhận ra bạn không hề thích bài trí của căn phòng lúc này. Vấn đề ở những chiếc ghế tựa, bàn trà, thảm hay là ở tất cả mọi thứ. Liệu bạn có cần thay đổi?

Xu hướng tự nhiên của cuộc sống là sự tích lũy. Hiếm khi chúng ta nghĩ đến việc đơn giản hóa, loại bỏ hay giảm bớt. Thay vào đó, khuynh hướng tự nhiên của chúng ta luôn luôn là tích lũy, nâng cấp và tạo ra thêm.

Nắm vững hiệu ứng Diderot

Hiệu ứng Diderot cho chúng ta thấy mình cần hiểu để biết cách chọn lựa, loại bỏ và tập trung vào những thứ thật sự quan trọng.

Giảm tiếp xúc. Hầu như tất cả mọi thói quen đều được khởi xướng bởi những nhân tố gợi nhắc hay kích thích. Một trong những cách nhanh nhất làm giảm sức mạnh của hiệu ứng Diderot là tránh những nhân tố gợi nhắc bạn đến việc mua sắm. Hãy hủy đăng ký theo dõi những email quảng cáo. Hãy từ chối nhận catalogue từ các tạp chí và không nhận thư giới thiệu của họ. Hãy gặp gỡ bạn bè ở công viên thay vì trung tâm thương mại. Chặn các trang web mua sắm yêu thích.

Mua những đồ phù hợp với bản thân bạn hiện tại. Bạn không cần phải bắt đầu từ đầu mỗi khi bạn mua một cái gì đó mới. Khi mua quần áo mới, hãy tìm những bộ đồ phù hợp với tủ quần áo hiện tại của bạn. Khi nâng cấp những thiết bị điện tử mới, hãy chắc chắn rằng nó phù hợp với những đồ dùng hiện có để tránh phải mua thêm sạc, bộ chỉnh lưu hay dây cáp.

Tự đặt giới hạn cho bản thân. Sống một cuộc sống hạn chế bằng cách tạo ra những giới hạn cho bản thân, như ví dụ tuyệt vời của Juliet Schor trong cuốn The Overspent American:

“Hãy tưởng tượng một nhóm dân cư trong thành phố tổ chức cho các bậc phụ huynh ký cam kết không mua giày thể thao quá 50 USD cho con. Nhân viên của trường mẫu giáo yêu cầu bạn chi không quá 75 USD cho mỗi bữa tiệc sinh nhật. Hội phụ huynh của trường thuyết phục 80% phụ huynh giới hạn thời gian xem phim của học sinh không quá 1 giờ mỗi ngày... Tất cả đều là những thứ các bậc cha mẹ nghĩ rằng họ cần phải cho con họ nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu thoải mái của con”.

Mua một, cho đi một. Mỗi lần mua một món đồ mới hãy cho đi một món đồ cũ. Mua TV mới ư? Hãy cho người khác chiếc TV khác thay vì chuyển nó đến căn phòng khác. Ý tưởng này nhằm hạn chế số lượng đồ đạc tăng thêm. Hãy luôn lựa chọn kỹ càng để cuộc sống của bạn chỉ có niềm vui và hạnh phúc.

Sống một tháng mà không mua đồ mới. Đừng cho phép bản thân bạn mua đồ mới trong vòng một tháng. Thay vì mua một chiếc máy cắt cỏ mới, hãy mượn của nhà hàng xóm đi. Mua áo ở cửa hàng đồ cũ chứ không phải trung tâm mua sắm. Khi chúng ta càng biết nghiêm khắc với bản thân thì chúng ta xoay xở mọi thứ càng dễ dàng hơn.

Từ bỏ mong muốn sở hữu nhiều thứ. Mong muốn sở hữu của con người dường như vô tận. Luôn có thứ gì đó mới mẻ mà bạn muốn mua. Khi có chiếc Honda thì bạn muốn mua Mercedes. Khi đã có Mercedes, bạn lại mơ ước một chiếc Bentley. Khi đã có Bentley, bạn lại mơ tưởng đến Ferrari... Hãy nhớ rằng mong muốn sở hữu vật chất chỉ là một suy nghĩ tâm trí bạn đưa ra không phải là mệnh lệnh bạn phải tuân theo.

Làm cách nào để vượt qua?

Xu hướng tự nhiên của chúng ta là tiêu thụ nhiều hơn chứ không phải ít đi. Với xu hướng này, tôi tin rằng cần có những bước tích cực để hạn chế thói quen mua sắm theo cảm hứng nhằm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Như Diderot từng nói: “Hãy để trường hợp của tôi thành bài học cho mọi người. Nghèo khó có cái tự do của nghèo khó mà giàu sang có cái trở ngại của giàu sang".

Theo Cafebiz / Trí Thức Trẻ

 

Thứ Năm, 11 tháng 3, 2021

PHÉP LẠ LỘ ĐỨC VÀ BÁC SĨ ALEXIS CARREL

 



"Theo Mẹ, bạn sẽ không lạc đường.

Kêu xin Mẹ, bạn sẽ không nếm mùi thất vọng.

Mẹ nâng đỡ, bạn không thể vấp ngã.

Mẹ phù trì, bạn sẽ được an toàn" trong vĩnh phúc.

"Mẹ hướng dẫn, bạn sẽ không phải mệt mã trên đường.

Mẹ giúp đưa, bạn sẽ tới đích ngắm trông".

( Trích sách Mẹ Ơn cứu rỗi – Thánh Bênađô với kinh Mai Khôi )

Lạy Mẹ nhân hiền, Đấng hằng cứu giúp những ai khốn cùng khiêm tốn kêu cầu Mẹ, xin Mẹ hãy gìn giữ con. Con tin nơi Mẹ. Mẹ đã dùng một phép lạ cả thể để trả lời cho nghi ngờ của con. Con chưa biết nhận ra phép lạ và còn tiếp tục hồ nghi. Nhưng ước muốn lớn lao nhất và khát vọng thâm sâu nhất của lòng con là đạt đến Đức Tin !

Đó là lời cầu xin tha thiết của ông Alexis Carrel ( 1873 – 1944 ), bác sĩ người Pháp trẻ tuổi, tại Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức, vào một đêm khuya vắng năm 1903, sau khi chứng kiến phép lạ một thanh nữ được khỏi bệnh.

Alexis Carrel chào đời tại Lyon ( Bắc Pháp ) trong một gia đình Công Giáo đạo đức. Alexis mồ côi Cha năm lên 4 tuổi và được Mẹ giáo dục trong niềm kính sợ THIÊN CHÚA. Nhưng khi lớn lên và trở thành sinh viên xuất sắc, Alexis bỗng đánh mất Đức Tin Công Giáo đơn sơ trong tuổi thơ của mình. Việc Alexis mất Đức Tin một phần do ảnh hưởng chủ thuyết duy vật vô thần rất thịnh hành trong xã hội Âu Châu vào những thập niên cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Năm 30 tuổi, Alexis Carrel trở thành bác sĩ và là giáo sư giải phẫu học nổi tiếng của phân khoa thuốc đại học Lyon. Một ngày trong năm 1903, Giáo Phận Lyon tổ chức cuộc hành hương Lộ Đức dành riêng cho các bệnh nhân.

Vì bị ngăn trở vào phút chót, một bác sĩ bạn nhờ bác sĩ Carrel thay mình tháp tùng các bệnh nhân. Bác sĩ Carrel miễn cưỡng nhận lời, nhưng tận thâm tâm ông vui mừng vì được dịp nhạo cười và chỉ trích tại chỗ những chuyện gọi là ”phép lạ Lộ Đức”. Theo ông, đó chỉ là chuyện nhảm nhí của các tín hữu Công Giáo vô học, ngây thơ và dễ tin !

Trước luận cứ vô thần của ông, một bác sĩ khác, cùng tháp tùng các bệnh nhân trong chuyến hành hương Lộ Đức năm đó, vặn lại:

- Có những trường hợp bị ung thư, lao phổi nặng và bị mù lòa thật sự mà y khoa bó tay, lại được chữa khỏi cách lạ thường, khiến các bác sĩ thuộc đủ mọi quốc tịch – có Đức Tin hay không Đức Tin – đều không thể nào giải thích được. Vậy anh nghĩ sao ?

Bác sĩ Alexis Carrel vẫn ngoan cố trả lời: “Chuyện không thể nào xảy ra được ! Chắc chắn là các cuộc khám nghiệm không thi hành nghiêm chỉnh: trước, trong khi, và sau khi khỏi bệnh ! Cho tới giờ phút này, các phép lạ chưa được nghiên cứu một cách khoa học. Ngoài ra, chấp nhận phép lạ tức là chấp nhận sự kiện một cách ngu xuẩn, bởi vì, luật lệ thiên nhiên bất biến... Tuy nhiên, trước một sự kiện tỏ tường, chắc chắn người ta bị bó buộc phải công nhận. Do đó, nếu tôi tận mắt chứng kiến một sự kiện, hẳn tôi sẽ cúi đầu chấp nhận !”

Thách thức của bác sĩ Alexis Carrel được chính Đức Mẹ Lộ Đức trả lời.

Trong chuyến hành hương, bác sĩ Carrel được giao nhiệm vụ chăm sóc cách riêng một nữ bệnh nhân tên Marie Ferrand, 24 tuổi. Cô bị bệnh lao phổi ở thời kỳ chót và mắc thêm chứng bệnh sưng màng bụng đau đớn. Các bác sĩ bó tay và cô nằm chờ chết. Nhưng cô có nguyện vọng sau cùng là hành hương Lộ Đức. Lời van nài của cô được chấp thuận.

Chuyến đi càng làm cho bệnh tình cô nặng thêm. Khi đến Lộ Đức thì hầu như cô chỉ còn thoi thóp thở. Bác sĩ Carrel đặc biệt chăm sóc cô và ông thấy rõ cô có thể tắt thở bất cứ lúc nào. Ông nói với bác sĩ bạn: “Nếu cô này khỏi bệnh thì thật là phép lạ ! Lúc đó tôi sẽ tin và sẽ cắt tóc đi tu làm Thầy Dòng !”

Người ta định mang cô Marie Ferrand xuống hồ tắm, nhưng vì bệnh tình quá trầm trọng, người ta chỉ dùng nước suối Lộ Đức thoa rửa trên người cô. Bác sĩ Carrel luôn luôn đứng bên cạnh cô. Ông thầm thì: “Ôi ước gì con được giống như những tín hữu Công Giáo đáng thương, biết tin tưởng vào quyền lực chữa trị của nước suối Đức Mẹ! Xin Mẹ chữa lành thanh nữ này vì cô quá đau đớn. Xin Mẹ cho cô sống thêm thời gian nữa và xin cho con có được Đức Tin !”

Bỗng chốc, bác sĩ Alexis Carrel trông thấy rõ ràng bệnh nhân hồi sinh. Gương mặt cô gái từ từ trở nên hồng hào. Nhịp mạch, nhịp tim đập trở nên bình thường. Cái bụng phình to tướng đang từ từ xẹp xuống. Hiện tượng lạ lùng đó diễn ra trong vòng 20 phút. Đúng 3 giờ chiều, cô Marie Ferrand nói lớn tiếng: “Con đã được khỏi bệnh !”

Người ta mang đến cho cô một ly sữa, cô cầm lấy và uống như một người bình thường.

Trước sự kiện hiển nhiên đó, bác sĩ Alexis Carrel đành chấp nhận: “Một hiện tượng bất ngờ – không thể nào xảy ra – đã thực sự xảy ra !”

Từ sau phép lạ tại Lộ Đức năm 1903 đó, bác sĩ Alexis Carrel dần dần trở về với Đức Tin Công Giáo và qua đời vào năm 1944. Lúc sinh thời, bác sĩ Alexis Carrel đã tiến cao trên đài danh vọng, đã lãnh giải thưởng Nobel Y Khoa năm 1912. Nhưng khi chết, ông đã tắt thở trong Đức Tin đơn sơ của một đứa trẻ. Quả thật, hạnh phúc thay người có Đức Tin !

Albert Bessières, ”Le Voyageur de Lourdes: ALEXIS CARREL”,
Collection Convertis du XXè Siècle, Belgique, 1952
Nữ Tu Jean Berchmans MINH NGUYỆT

 

Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

Máu sạch

 



Nhà văn Matthew Kelly viết năm 2002

 

Bạn hãy tưởng tượng: Bạn đang lái xe về nhà vào thứ hai tuần tới sau một ngày dài làm việc. Bạn bật radio lên và bạn nghe một bản báo cáo ngắn gọn về một ngôi làng nhỏ ở Ấn Độ nơi một số người đột nhiên qua đời cách kỳ lạ do một bệnh hô hấp chưa từng thấy trước đây. Đó không phải là cúm, nhưng bốn người đã chết, vì vậy Trung tâm kiểm soát dịch bệnh đang cử một số bác sĩ đến Ấn Độ để điều tra.

Bạn không nghĩ quá nhiều về điều đó - người chết mỗi ngày mà - nhưng vào Chúa nhật tuần sau, trên đường đi từ nhà thờ về, bạn nghe một báo cáo khác trên radio, số người chết do dịch bệnh không còn là bốn người, mà là ba mươi ngàn người ở một ngôi làng của Ấn Độ. Toàn bộ ngôi làng đã bị xóa sổ và các chuyên gia xác nhận bệnh hô hấp này là một chủng loại chưa từng thấy trước đây.

Vào thời điểm bạn thức dậy vào sáng thứ Hai tuần tiếp theo, tin tức về dịch bệnh đã trở thành tin quan trọng. Bệnh dịch đang lan rộng. Không chỉ Ấn Độ bị ảnh hưởng, bây giờ nó đã lan sang Pakistan, Afghanistan, Iran, Iraq và bắc Phi,... Người ta bắt đầu bàn tán về câu chuyện này ở mọi nơi. Các phương tiện truyền thông hiện đã đặt tên nó là "bệnh cúm bí ẩn". Tổng thống đã tuyên bố rằng ông và gia đình đang cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ, và hy vọng tình hình sẽ được giải quyết nhanh chóng. Nhưng mọi người đang tự hỏi làm thế nào chúng ta sẽ chữa nó.

Khi đó, Tổng thống Pháp đưa ra một thông báo gây chấn động châu Âu: Ông đóng cửa biên giới Pháp. Không ai có thể vào nước này, và đó là lý do tại sao đêm đó trước khi đi ngủ, bạn xem một chút tin tức trên Kênh CNN. Bạn há hốc miệng khi nghe những lời của một người phụ nữ đang khóc được dịch sang tiếng Anh từ một chương trình tin tức của Pháp: Có một người đàn ông nằm trong bệnh viện ở Paris đã chết vì bệnh cúm bí ẩn. Nó đã đến Châu Âu.

Cơn hốt hoảng bùng nổ! Những điều mà người ta có thể nói cho bạn biết là sau khi nhiễm bệnh, bạn chỉ nhận biết nó sau một tuần, sau đó bạn có bốn ngày chiến đấu với các triệu chứng lạ thường của bệnh, và rồi bạn chết.

Người Anh đóng cửa biên giới, nhưng đã quá muộn. Bệnh bùng phát ở Southampton, Liverpool và London vào sáng thứ Ba. Tổng thống Hoa Kỳ đưa ra thông báo sau: "Do rủi ro an ninh quốc gia, tất cả các chuyến bay đến và đi từ Hoa Kỳ đã bị hủy. Tôi xin lỗi những người ở nước ngoài, họ không thể về nhà cho đến khi chúng tôi tìm ra cách chữa trị căn bệnh khủng khiếp này."

Trong vòng bốn ngày, nước Mỹ rơi vào một nỗi sợ hãi không thể tin được. Mọi người đang tự hỏi, nếu nó đến đất nước này thì sao? Sau đó vào tối thứ ba, bạn đang ở nhà thờ để học Kinh Thánh, thì ai đó chạy vào từ bãi đậu xe và hét lên, "Bật radio!". Và trong khi mọi người nghe một chiếc radio nhỏ, thông báo được đưa ra: Hai người phụ nữ đang nằm trong bệnh viện ở thành phố New York sắp chết vì bệnh cúm bí ẩn. Nó đã đến Mỹ.

Trong vài giờ bệnh dịch đã bao trùm cả nước. Mọi người đang làm việc suốt ngày đêm, cố gắng tìm thuốc giải độc, nhưng không có gì hiệu quả. Bệnh bùng phát ở California, Oregon, Arizona, Florida, Massachusetts. Như thể nó đang tràn vào qua các ngã đường biên giới.

Rồi đột nhiên tin tức xuất hiện: Bí ẩn của dịch bệnh đã được giải mã. Một phương pháp chữa bệnh dịch đã được tìm thấy. Một loại vắc-xin có thể được tạo ra để cứu mọi người. Nhưng vắc-xin đó cần máu của một người chưa từng bị bệnh, máu của một người tinh sạch. Vì vậy, bạn và tôi cùng mọi người được yêu cầu đi làm một điều duy nhất, đó là đến bệnh viện gần nhất và xét nghiệm máu. Khi nghe thấy tiếng còi báo động trong khu phố của mình, mọi người sẽ đến bệnh viện một cách nhanh chóng, lặng lẽ và an toàn.

Chắc chắn, đến lúc bạn và gia đình đến bệnh viện thì đã vào tối muộn hôm thứ Sáu. Có rất nhiều người và các bác sĩ và y tá liên tục lấy máu và dán nhãn lên đó. Cuối cùng, đến lượt bạn. Bạn đi trước, sau đó vợ và con bạn theo sau. Sau khi một bác sĩ lấy máu của bạn, họ nói với bạn: "Vui lòng đợi ở bãi đậu xe để được gọi tên nhận kết quả." Bạn đứng với gia đình cùng hàng xóm xung quanh trong sự sợ hãi, trông ngóng, và tự hỏi thầm: “Chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy? Đây có phải là ngày tận thế? Làm thế nào điều này có thể xảy ra được?”

Không ai được gọi tên, các bác vẫn cứ lấy máu từng người. Nhưng rồi đột nhiên một thanh niên chạy ra khỏi bệnh viện, la hét. Anh ta hét một cái tên của ai đó và vẫy vẫy một tập hồ sơ. Bạn không nghe thấy anh ấy nói lúc đầu. Có người hỏi "Anh ấy nói gì?". Chàng trai hét lên tên đó một lần nữa trong lúc anh ta và một đội ngũ nhân viên y tế chạy về phía bạn, nhưng một lần nữa bạn không thể nghe anh ta nói. Nhưng sau đó, con trai của bạn kéo mạnh áo khoác của bạn và nói, “Cha ơi, đó là con. Họ đang gọi tên con” Trước khi bạn biết điều đó, họ đã tóm lấy cậu bé. Bạn vừa nói vừa chạy theo họ: "Đợi một chút. Chờ đã! Đó là con trai tôi." 

Họ trả lời: "Không sao đâu, chúng tôi nghĩ rằng cậu bé có nhóm máu phù hợp. Chúng tôi chỉ cần kiểm tra thêm một lần nữa để chắc chắn rằng nó không mắc bệnh."

Năm phút sau có kết quả, các bác sĩ và y tá mừng phát khóc và ôm chầm lấy nhau; một số thậm chí còn cười lớn tiếng. Đây là lần đầu tiên bạn thấy một người cười trong suốt một tuần qua. Một bác sĩ già đến gặp bạn và vợ của bạn và nói: "Cảm ơn. Máu của con trai bạn rất hoàn hảo. Nó sạch sẽ, tinh khiết, nó không mắc bệnh và chúng tôi có thể sử dụng nó để tạo ra vắc-xin."

Khi tin tức bắt đầu lan truyền khắp bãi đậu xe, mọi người la hét, cười có, khóc có, có người dâng lời cầu nguyện để tạ ơn. Trong khi đó, vị bác sĩ kéo vợ chồng bạn ra mà nói, "Tôi cần nói chuyện với bạn. Vì cậu bé là trẻ vị thành niên, nên chúng tôi... chúng tôi cần bạn ký một mẫu đơn đồng ý."

Bác sĩ đưa mẫu đơn ra và bạn nhanh chóng sửa soạn ký tên, nhưng đột nhiên bạn dừng lại vì thấy điều gì đó không ổn. Ô trống ghi lượng máu để lấy vẫn còn để trống”

Và bạn hỏi: “các ông cần bao nhiêu máu của con tôi?”. Nụ cười của vị bác sĩ già từ từ tan biến. Một cách lúng túng, vị bác sĩ trả lời: “Chúng tôi không biết người có máu sạch lại là một đứa trẻ. Chúng tôi không chuẩn bị cho trường hợp này.”

Bạn hỏi vị bác sĩ một lần nữa, "Các ông cần bao nhiêu máu?” Vị bác sĩ già nhìn đi chỗ khác và nói một cách tiếc nuối: "Chúng tôi sẽ cần tất cả lượng máu của cậu bé!"

"Nhưng, tôi không hiểu. Ý ông là gì? Ông cần tất cả máu của nó sao? Nó là con trai duy nhất của tôi!"

Vị bác sĩ nắm vào vai bạn, kéo bạn lại gần, nhìn thẳng vào mắt bạn và nói, "Chúng tôi đang nói về vấn đề tồn vong của cả thế giới. Anh có hiểu không? Cả thế giới. Xin vui lòng, ký vào mẫu đơn. Chúng tôi cần gấp lắm!"

Bạn nài nỉ: "Nhưng sao các ông không cho ai đó truyền máu cho con tôi?”

"Nếu chúng tôi có máu sạch, chúng tôi sẽ làm, nhưng chúng tôi không thể có. Xin làm ơn ký vào mẫu này?"

Trong sự im lặng tê buốt, bạn ký vào mẫu đơn vì bạn biết đó là điều duy nhất bạn phải làm. Sau đó, bác sĩ nói với bạn: "Anh có muốn gặp mặt con trai lần cuối, trước khi chúng tôi bắt đầu lấy máu không?"

Bạn đi vào phòng bệnh viện nơi con trai bạn đang ngồi trên bàn và nó nói: "Cha ơi? Mẹ ơi? Chuyện gì đang xảy ra vậy?" Bạn có thể nói với con trai bạn rằng bạn yêu nó không? Và khi các bác sĩ và y tá quay lại và nói với bạn: "Tôi xin lỗi, chúng tôi phải bắt đầu ngay bây giờ; mọi người trên khắp thế giới đang chết dần", bạn có thể đi ra ngoài không? Bạn có thể đi ra ngoài trong khi con trai bạn đang khóc với bạn: “Cha? Mẹ? Chuyện gì đang xảy ra vậy? Cha mẹ đang đi đâu vậy? Tại sao cha mẹ lại bỏ đi? Tại sao cha mẹ lại bỏ rơi con?"
 

 


Tuần sau, họ tổ chức một buổi lễ để tôn vinh con trai của bạn vì sự đóng góp phi thường của cậu bé cho nhân loại, nhưng trong buổi lễ, một số người ngủ gục, những người khác thậm chí không thèm đến vì họ có những điều tốt hơn để làm, và một số người có nụ cười tự phụ và giả vờ quan tâm, trong khi những người khác ngồi xung quanh và nói, "Điều này thật nhàm chán!". Chẳng lẽ, bạn không muốn đứng thẳng dậy và nói: "Xin lỗi! Tôi không chắc bạn có biết hay không, nhưng cuộc sống tuyệt vời mà bạn có, con trai tôi đã chết để bạn có thể có được cuộc sống đó. Con trai tôi đã chết để bạn được sống. Cậu bé đã chết vì bạn. Điều đó có ý nghĩa gì với bạn không?"

Có lẽ đó cũng là những gì Thiên Chúa Cha muốn nói với mỗi người chúng ta.
 

 



“Lạy Thiên Chúa là Cha Yêu Thương, nhìn điều đó từ góc nhìn của Cha, chúng con thấy lòng mình đau xót. Có lẽ bây giờ chúng con có thể bắt đầu hiểu được tình yêu tuyệt vời mà Cha dành cho chúng con.”
 

Matthew Kelly
Văn Việt chuyển ngữ từ catholiceducation.org

 

CÁI TÂM

 



Buổi trưa, tại sân ga của một thành phố lớn, một người phụ nữ tầm ngoài 30 tuổi đang mướt mồ hôi để vác lên vai túi hành lý lỉnh kỉnh của mình. Trên khuôn mặt của người phụ nữ ấy hằn lên sự vất vả, cực nhọc của một người lao động từ xa đến tỉnh này. Chị đang đưa ánh mắt dường như vô vọng của mình khắp sân ga như để tìm kiếm một thứ gì đấy nhưng sau đấy lại tỏ vẻ thất vọng. Trông chị rất đáng thương.

Trên sân ga, người qua lại tấp nập. Ai đi qua người phụ nữ ấy đều ném về phía chị những cái nhìn ái ngại và thương cảm. Không ai có ý định dừng lại để giúp đỡ chị. Đặc biệt là những người ăn mặc sang trọng, họ đều đi qua chị với tốc độ rất nhanh, dường như là họ nghĩ nếu đi chậm lại thì chắc chắn người đàn bà đó cũng kéo họ lại để lạy lục, nhờ vả việc gì đó.

- Anh để ý đấy nhé, không biết chừng chị ta sẽ nài nỉ xin tiền hoặc sẽ hồ hởi kết bạn với mình để bị chị ta tra tấn trên suốt chuyến đi bằng những câu chuyện vừa dài vừa vô duyên, hoặc như chị ta sẽ mượn mình chiếc khăn mùi xoa để lau mồ hôi mà lau xong thì mình không dám xin lại hay như mượn bình nước uống rồi tu ừng ực thì vài ngụm đã hết veo. Đúng là người nhà quê” – Một người phụ nữ ăn mặc trông có vẻ sang trọng bĩu môi nói với người đàn ông cũng có vẻ sang trọng bên cạnh mình.

- Xin chào… xin…

Quả nhiên người phụ nữ tiến lại gần đám đông đang đứng đợi tàu. Nhưng dường như không đợi chị nói hết câu, mọi người đều xua tay và lắc đầu và nhanh chóng lảng ra chỗ khác. Không nản chí, người phụ nữ này lại men theo các cánh cửa sổ của các toa tàu rồi nhảy hẳn lên các toa chưa đến giờ xuất phát. Đi đến toa nào chị cũng mang một khuôn mặt như muốn cầu cứu, trông thật đáng thương và câu duy nhất thốt ra từ miệng người phụ nữ đáng thương này là: “Xin mọi người giúp đỡ cho tôi”.

Những người ngồi trên tàu tỏ ra rất khó chịu với người phụ nữ này. Có người thì xua tay ra hiệu xua đuổi, có người vừa thấy bóng dáng chị ở đầu toa vội lấy tờ báo che mặt giả vở ngủ. Trên khuôn mặt của người đàn bà ấy lộ rõ vẻ thất vọng, chán nản. “Mình đâu phải là thằng ăn trộm mà sao mọi người lại xử sự như thế nhỉ ?” – Người phụ nữ xót xa nghĩ.

Chị ta lại đi qua các toa tàu nhưng không ai muốn nghe chị trình bày hoàn cảnh của mình. Đúng lúc đó, chị nhìn thấy một chàng trai có dáng vẻ rất thư sinh đang ngồi đọc báo. Chàng trai đang đọc báo rất chăm chú và dường như cậu ta không để ý đến mọi thứ xung quanh. Nhẹ nhàng đi về phía chàng thanh niên, người phụ nữ cất tiếng nói.

- Xin lỗi cậu, cậu có thể giúp đỡ tôi được không ?

Chàng trai bỏ tờ báo xuống, nhìn quanh một lúc rồi nhìn người phụ nữ nông thôn nọ:

- Xin lỗi, chị đang hỏi tôi ạ ?

Người phụ nữ gật đầu.

- Xin anh giúp đỡ tôi với, tôi lên thành phố để tìm người bà con, nhưng tìm không ra, tiền bạc lại bị kẻ gian móc hết rồi. Muốn về quê nhưng không biết làm thế nào, cậu có thể mua giúp một tấm vé để tôi về quê không ?

Sau khi nghe xong người phụ nữ đáng thương nói xong, nét mặt chàng thanh niên trông rất lưỡng lự. Dường như anh ta vừa muốn giúp, vừa lại không muốn giúp người đàn bà đáng thương đó. Sau một thời gian im lặng, chàng trai bèn đưa tay vào túi quần của mình, khó khăn lắm mới móc ra được một đống tiền lẻ, ngại ngùng đưa cho người phụ nữ.

- Chị cầm lấy đi. Tôi… tôi chỉ còn có chừng này, không biết đủ hay không. Tôi cũng vừa mua vé để về quê nên không còn nhiều. Tôi lên thành phố này để kiếm việc, hy vọng tìm được một công việc kiếm được kha khá, nhưng khi lên thành phố, với tấm bằng trung cấp trong tay thì tôi không thể tìm ra được một việc gì để làm. Chị cầm tạm vậy.

Người phụ nữ rưng rưng cầm lấy những đồng tiền lẻ của chàng trai, khó khăn lắm chị mới thốt lên được hai tiếng “Cám ơn”.

Vừa quay gót đi về phía cuối toa thì chị nghe tiếng gọi với theo của chàng thanh niên nọ. Cậu ta hớt hải đi về phía chị và nói:

- Như thế này vậy, chị cùng quê với em, hay chị lấy tấm vé của em đi vậy.

- Thế còn cậu thì sao ? Người phụ nữ ngạc nhiên hỏi.

- Số tiền em vừa đưa cho chị có thể mua đủ tấm vé xuống ga thứ ba xuất phát từ ga này, như vậy cách nhà em cũng không xa lắm, em có thể đi bộ mà. Chị cứ cầm lấy vé đi, em là con trai, thế nào mà chẳng được. Còn phụ nữ như chị thì không thể đi bộ về nhà trong đêm tối được. Thôi, chúc chị thuận buồm xuôi gió. Nào, đưa cho em đống tiền lẻ nào !

Nói xong, không kịp để người phụ nữ phản ứng gì, chàng trai vội cầm lại số tiền lẻ trong tay người phụ nữ và đưa lại cho chị tấm vé của mình. Sau đấy anh vội vàng đi ra khỏi tàu và đến quầy bán vé.

Rất nhanh sau đó, chàng thanh niên lại lên tàu. Người phụ nữ tiến lại gần phía chàng trai và cất tiếng hỏi:

- Sao cậu lại làm như thế, cậu không hối hận à ?

Chàng trai lắc đầu:

- Không, chị ạ.

Trong ánh mắt của người phụ nữ đáng thương nọ ánh lên một niềm vui khôn xiết. Chị cầm tay chàng trai và nói:

- Anh bạn trẻ, xuống đây với tôi một lát.

Người phụ nữ kéo chàng trai ra khỏi nhà ga, vẫy một chiếc taxi, tự động mở cửa xe và quay lại nhìn chàng trai:

- Cậu lên xe đi. Hôm nay cậu chính thức là nhân viên của tôi.

Hoá ra, người phụ nữ này là con gái của một ông chủ tập đoàn sản xuất đồ chơi nổi tiếng. Để đi tìm một người trợ lý đáng để tin cậy, chị đã phải hoá trang và đứng ở sân ga suốt 3 ngày qua.

Chị nói rằng: “Các bạn cho rằng tôi thật ngốc nghếch khi phải làm khổ mình như thế, nhưng thật ra nó thật sự xứng đáng. Khi đứng ở sân ga trong 3 ngày đó, tôi mới nhận ra rằng: Tìm được một người thực sự tốt trong cuộc sống xô bồ này quả là khó.

Có thể, chàng thanh niên đó không có trình độ, hiểu biết nhiều như những người tốt nghiệp đại học hoặc cao hơn nữa. Nhưng điều đáng quý nhất và đáng trân trọng nhất là cậu ấy có cái ‘tâm’. Có cái ‘tâm’ trong cuộc sống thì mới có cái ‘tâm’ trong công việc được. Đấy là thứ mà công ty tôi cần”.

Các bạn thấy đấy, một tấm vé để đổi lấy cả một sự nghiệp sáng lạn. Có thể nhiều người nghĩ đây chỉ là việc ngẫu nhiên, nhưng thực ra trong sự ngẫu nhiên đó lại có tính tất yếu của nó. Rất nhiều người đã có mặt ở trên sân ga, nhưng chỉ có chàng trai đó mới nhận được niềm hạnh phúc bất ngờ như vậy. Không phải ngẫu nhiên mà anh ta có được một cơ hội tốt đẹp đến như thế mà điều quan trọng là anh đã biết chia sẻ chữ “tâm” của mình cho mọi người xung quanh.

Đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật mà tôi đã nghe được từ giám đốc của tôi. ( nguồn: saigonecho. com ).

Đọc câu chuyện trên nghe vọng lại lời thơ của thi hào Nguyễn Du: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Trong trường đời, trái tim lại quan trọng hơn cái đầu. Sống ở đời và giao tiếp với người đời, "được việc" mà thôi chưa đủ, còn phải "được người" nữa. Nền văn minh mang lại hạnh phúc cho con người không phải là văn minh của khoa học kỹ thuật mà là văn minh của tình thương.

Tâm nghĩa là trái tim, biểu tượng của tình yêu. Chữ Hán tượng hình nên nét bút vẽ ra hình trái tim. Có lẽ từ xa xưa, có ai đó cỡ thần y Hoa Đà, Biển Thước đã phẫu thuật cơ thể con người, thấy tỏ tường trái tim nên mới viết, mới vẽ được bức tranh chữ đẹp như vậy.

Trong Tin Mừng Chúa Giê su đã tranh luận giữa Ðức Giêsu và nhóm biệt phái về vấn đề sạch và dơ.

Nhóm biệt phái bám sát mặt chữ những quy định của luật lệ về sự phân biệt cái gì sạch cái gì dơ và về những đòi buộc phải rửa tay chân chén dĩa...

Ðức Giêsu nói đó chỉ mới là sạch dơ bề ngoài, không quan trọng bằng sạch dơ trong tâm hồn. Luật lệ chỉ là hình thức để diễn tả tấm lòng. Cái tâm mới quan trọng. Bởi vì dơ hay sạch là do tự cõi lòng. Nếu lòng dạ xấu xa thì cho dù hình thức bên ngoài có đẹp đẽ mấy cũng chỉ là giả hình. Đức Giêsu cho thấy cái ô uế thực sự không đến từ đụng chạm hay ăn uống. Cái ô uế đáng sợ nằm ngay trong cái tâm mỗi người. Nó không từ ngoài vào, nhưng từ bên trong ra.

Đức Giêsu kể ra 12 ý định xấu xa bắt nguồn từ cõi lòng: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó đều từ bên trong xuất ra và làm cho con người ra ô uế.

Hàng ngày xem Tivi, thấy quảng cáo rất nhiều sản phẩm: các loại xà bông mới, các loại dầu gội mới, nhiều loại nước hoa... Tất cả đều nhằm chăm sóc cho làm da, mái tóc, cơ thể... nhưng đều là bề ngoài. Ngày nay, người ta cũng để ý nhiều hơn đến chất lượng của những thức ăn và thức uống... Mọi thứ phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn thực phẩm an toàn và bổ dưỡng. Tuy nhiên, tất cả chỉ là những thứ từ bên ngoài được đưa vào trong cơ thể con người. Nhưng xem ra, người ta rất ít lo chăm sóc cái bề trong, cái tâm của con người, như lương tâm, lòng nhân ái, ý thức về tội. Người ta có thể hy sinh, khổ luyện hàng tháng, hàng năm để giữ vẻ đẹp thân xác, nhưng có mấy ai chịu hãm mình kiêng khem để tạo vẻ đẹp tâm hồn.

Trong trường học, người ta để ý huấn luyện cái đầu hơn là trái tim. Người ta cho rằng cái đầu mới biết suy nghĩ. Bởi đó người ta lo đào tạo nên những đứa trẻ giỏi hơn là những đứa trẻ tốt. Tương lai là công việc và nghề nghiệp hơn là tấm lòng. Kết quả của lối giáo dục như thế là nền văn minh khoa học kỹ thuật ngày nay, rất hiệu quả nhưng cũng rất lạnh lùng, ích kỷ và tàn nhẫn.

“Thế giới tri thức đã thình lình tái khám phá ra rằng, con người là nơi chỗ của sự xung đột. Marx đã tìm thấy sự xung đột trong xã hội, Kierkegaard tìm thấy trong linh hồn, Heidegger tìm thấy trong con người, và những tâm lý gia tìm thấy trong tâm trí” ( x. Bình an trong tâm hồn, trg 47, Tgm. Fulton J. Sheen ).

Đối với Đức Giêsu cái Tâm mới là yếu tố quyết định. Từ cái Tâm tốt mới có những hành vi yêu thương cao thượng. Từ cái Tâm xấu sẽ phát sinh ra tội lỗi thấp hèn.

Tâm nói lên nhân cách của một con người.

Tâm xấu xa sản sinh ra những suy nghĩ xấu, chọn lựa xấu, lời nói xấu, hành động xấu. Tâm lệch lạc thì cuộc sống nghiêng ngả đảo điên. Tâm gian dối thì cuộc sống bất an. Tâm ghen ghét thì cuộc sống hận thù. Tâm đố kỵ thì cuộc sống mất vui. Tâm tham lam thì cuộc sống dối trá…

Tâm tốt lành luôn nở hoa nhân đức. Tâm nở hoa yêu thương nên không có bóng dáng hận thù nào. Tâm nở hoa bác ái nên luôn quan tâm giúp đỡ người khác. Tâm nở hoa phục vụ nên nhiệt thành làm việc thiện nguyện vô vị lợi. Tâm nở hoa khiêm nhường nên luôn biết nhìn nhận sự yếu đuối của mình. Tâm nở hoa tha thứ nên không cầm giữ bất cứ một xúc phạm nào người khác gây ra cho mình.

Tâm nở hoa hòa bình nên chỉ biết kiến tạo sự hiệp nhất, vun trồng tình thuận hòa. Tâm nở hoa xây dựng nên không khi nào phá đổ các công trình Chân Thiện Mỹ của những người thành tâm thiện chí. Tâm nở hoa công chính nên can đảm khước từ những gì đi ngược với công bình bác ái, không tham lam những của bất chính. Tâm nở hoa chân thật nên dứt khoát loại bỏ các thứ dối trá, gian tà.

Tâm nở hoa ánh sáng nên cố gắng bước ra khỏi bóng tối của tội lỗi, không ẩn mình trong cám dỗ của ma quỷ, không để chúng giam hãm, nô lệ hóa mình. Tâm nở hoa cao thượng nên biết nâng mình lên trên mọi ti tiện tầm thường, không tính toán nhỏ nhen, không cư xử theo lối tiểu nhân. Tâm nở hoa vui mừng nên biết đem lại niềm vui an ủi cho những kẻ buồn sầu, tủi phận, khóc than cho định mệnh nghiệt ngã, cho tương lai đen tối, cho đường đời thử thách. Tâm nở hoa hạnh phúc nên luôn sống bình an và chan chứa niềm vui.

Sự thánh thiện hệ tại nơi cái tâm. Lời dạy của Đức Giêsu mời gọi chúng ta phải tu tâm dưỡng tánh để luôn có một tâm hồn ngay thẳng, thành thật, tôn trọng công lý, yêu thương mọi người. Khi đã có cái tâm tốt những việc làm sẽ tự nhiên đẹp lòng Chúa.

 

Lm. Giuse NGUYỄN HỮU AN