Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

Ta ở cùng ngươi

 





Nhiều lần trong Kinh Thánh, Thiên Chúa đã dùng lời này để nói với những kẻ được sai đi thi hành sứ vụ Chúa trao phó. Người được sai đi thường cảm thấy mình quá yếu đuối và nhỏ bé trước một thế lực áp đảo, và Chúa đã trấn an bằng một lời rất mạnh ‘Ta ở cùng ngươi’. Và chỉ cần chừng ấy thôi là đủ, người được sai đi không còn sợ hãi vì tin rằng Chúa là Đấng quyền năng và trung tín - không bỏ rơi con người.

Rất nhiều lần Chúa đã sử dụng câu nói ngắn gọn này như một bảo đảm vững chắc với kẻ Chúa chọn. Chúa phán với ông Moisen: “ Ta sai ngươi đến với vua Pharaô, ngươi hãy đem dân của Ta, con cái Israel ra khỏi Ai Cập”. Ông Moisen trả lời: “Tôi là ai để đi gặp Pharaô và đem con cái Israel ra khỏi Ai Cập?”. Người phán: “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3,10-13). Chúa phán với ông Gio suê: “Hãy ở mạnh mẽ và can đảm! Vì chính ngươi sẽ đem con cái Israel vào đất Ta đã thề hứa với chúng. Và Ta, Ta sẽ ở với ngươi” (Tl 31,23). Lời TV 118: “Có Chúa ở cùng tôi, tôi chẳng sợ gì! Nào thiên hạ làm chi tôi được?”. Đức Maria được thiên thần chào kính ‘Thiên Chúa ở cùng Bà’. Khi các tông đồ hoảng sợ vì thấy Chúa đi trên mặt nước, Chúa nói: "Thầy đây, đừng sợ". Khi ông Phaolô rao giảng ở Corinto, trong một thị kiến, Chúa nói với ông: ”Đừng sợ, cứ nói đi, đừng làm thinh, vì Thầy ở vơi anh”. Trước khi về trời, Chúa Giê su hứa với Giáo hội: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Được Chúa ở cùng, được Chúa đồng hành, được Chúa yêu thương là nền tảng tạo nên sự bình an và niềm vui của người Kitô hữu, niềm vui của Tin Mừng. TV 23: “Dù bước đi trong thung lũng tối, tôi không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng tôi, cây trượng và cây gậy Chúa khiến tôi an lòng”. Thiên Chúa không hứa kẻ theo Ngài sẽ không gặp chông gai thử thách và chống đối, nhưng Chúa chỉ hứa ‘ở cùng ta’: thêm sức mạnh, không bỏ rơi ta. Thỉnh thoảng tôi có những ác mộng rất đáng sợ: mình bị rơi vào một khoảng không bất định, không nhận thức và không thể làm chủ trọng lực của mình, chơi vơi và hoảng lọan, một mình và chẳng có một trợ giúp nào, tựa như câu hát ‘Chúa xô tôi giữa lòng vực thẳm, giữa muôn cuồng sóng đại dương’… Tôi nghĩ có lẽ là cảm giác hụt hẫng khi lìa đời chăng- đi vào một thế giới mà mình chưa hề cảm nghiệm, tại sao lại không phải là cảm giác an bình và vui sướng khi được về nhà và gặp Cha mình?. Sau đệ nhị thế chiến, vì sợ bị một nước lớn đàn áp, người ta lập ra những liên minh, hiệp ước và nhiều tổ chức quốc tế để giải quyết các tranh chấp và tìm sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, thế nhưng vì các tham vọng người ta  lại gây chiến và phá vỡ các cam kết. Ví dụ điển hình là Ucraina, năm 1994, ba nước Nga – Mỹ - Anh đã cam kết : không đem quân đánh nước này và giúp bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ cho Ucraina, nếu nước này giải trừ hết vũ khí hạt nhân, thế mà thực tế bây giờ lại rất khác.

Những người thân yêu nhất cũng chỉ trợ giúp ta đến một mức độ nào đó, dù họ có ở bên cạnh ta và rất yêu thương ta: không ai hiểu ta trọn vẹn, không ai chịu đựng bệnh tật thay ta, không ai đi cùng ta tới cái chết…nhưng việc ‘Chúa ở cùng ta’ rất khác và thâm sâu hơn nhiều: Chúa ở ngay bên trong bản thân ta, Chúa là Đấng quyền năng nên Ngài có thể làm mọi sự - kể cả trong lãnh vực siêu nhiên như chống lại ma quỷ và giúp ta đạt tới hạnh phúc trong tâm hồn, hạnh phúc thiên đàng. Nhiều tôn giáo cũng cầu xin sự trợ giúp của thần thánh, nhưng chỉ có Ki tô giáo là có Thiên Chúa ở cùng: Ngài bước đi với ta trên mọi nẻo đường, Ngài là sức mạnh, Ngài là gia nghiệp. Trong hầu hêt các tôn giáo khác thì Chúa của họ ngự nơi cao và rất tách biệt với con người, nhưng Chúa của chúng ta lại rất gần gũi:  đã nhập thể làm người, giống hệt như chúng ta – ngoại trừ tội lỗi, nên Ngài có thể thấu cảm những nỗi muộn phiền, đớn đau của kiếp người; Ngài đã trải qua cái chết và đã phục sinh nên trở nên căn nguyên ơn cứu rỗi cho kẻ tin cậy Ngài.



Có lúc Chúa mời gọi ta : hãy ngồi tính sổ trước khi đi giao chiến và trước khi xây nhà, xem mình có thể chiến thắng hay đủ tiền để hoàn thành công trình hay không, kẻo bị thiên hạ chê cười; cũng thế, trước khi trở thành môn đệ Chúa phải có một sự tính toán nghiêm túc: đã cầm cày thì đừng ngoái lại đàng sau. Thế nhưng, rất nhiều lần khác, Chúa lại mời gọi ta phải có một sự liều lĩnh khi thưa ‘xin vâng’ với lời mời gọi của Chúa, đi vào một con đường phiêu lưu chỉ với niềm tin rằng Có Chúa ở cùng. Sự cẩn thận và liều lĩnh này xem ra đối ngược nhau, giao chiến với nhau trong cùng một con người, không chỉ trong những giây phút phải đưa ra những quyết định quan trọng mà ngay cả trong từng ngày sống. Nhà tu đức khuyên chúng ta: Hãy đặt những chọn lựa cuộc sống là những lựa chọn của đức tin, dù sống bậc sống nào và làm bất cứ việc gì, hãy làm vì yêu Chúa và phó thác mọi sự cho Chúa định liệu, vì tin rằng Chúa luôn ở với mình; điều quan trọng nhất trong cuộc đời không phải là nỗ lực làm cho được việc này việc nọ, nhưng là biết để cho Thiên Chúa hành động qua con người mình, dù bất toàn và yếu đuối.

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2022

Khổ vì yêu

 



Một nhà tu đức đã nói: Thiên Chúa trở nên khổ sở vì yêu con người, việc chăm sóc con người làm cho Người bận tâm và bận rộn hơn cả”. Bạn có tin như vậy không?- Tôi tin như vậy, và để dễ hiểu vấn đề hơn, chúng ta hãy quan sát cách những người mẹ yêu những đứa con mình.

Chúng ta đã từng nghe những câu chuyện thương tâm về những người mẹ già trong các viện dưỡng lão, dù được chăm lo đầy đủ mọi nhu cầu, nhưng các cụ vẫn đượm nét u buồn, cứ ngồi nhìn ra cổng … mong chờ con cái đến thăm, có những đứa con đã bỏ rơi cụ từ lâu. Có bà mẹ đã hy sinh cả đôi mắt cho con mình được lành lặn, sau đó bị con trai hắt hủi vì sự mù lòa của bà làm con xấu hổ, bà vẫn âm thầm chịu sự lạnh nhạt đó. Tôi nhận ra hai đặc điểm của tình mẹ: người con dù hỗn láo với mẹ đến đâu, vẫn được mẹ yêu thương, vì đó là con bà; một người mẹ có đến 10 đứa con, được 8 đứa năng lui tới, thì lòng bà vẫn khổ tâm vì hai đứa vắng mặt. Bà không mong 2 đứa này cho quà và báo hiếu, bà chỉ khổ vì tình yêu bao la mình dành cho con - mà đứa con lại bất cần.

Những ai có cha mẹ hay con cái ở xa sẽ hiểu được sự mong chờ này, không những trong những dịp lễ tết mà chỉ cần vài tuần không có liên lạc với con cái, cha mẹ thực sự cảm thấy sự tra tấn tinh thần: con mình thế nào, có khỏe không, có bình an không. Nhà tâm lý khuyên rằng: Trong cuộc đời, khi gặp một người không tốt, ta hy vọng sẽ gặp người khác cư xử tốt, và hãy nhớ tới những người cư xử tốt với mình để sống cho vui vẻ. Thế nhưng, người mẹ không thể cư xử như vậy, bà khổ tâm vì tình mẫu tử - bà nhớ những đứa con lâu ngày không gặp. Nhưng sự thường con cái lại không hiểu được tình mẹ, chúng bận tâm đến việc mẹ cư xử không đúng! Sự ruồng rẫy của con cái là một sự tra tấn tinh thần cho cha mẹ, từng ngày, và đó là tội bất hiếu – lỗi điều răn thứ tư.

Thiên Chúa còn tốt hơn bất cứ người cha mẹ nào ở trần gian, Ngài là Tình Yêu và Ngài khổ tâm vì những đứa con xa nhà, sống trong tội, sống lạnh nhạt, vì tình yêu của Ngài là một tình yêu trao ban. Có nhiều bài hát nói rằng: yêu là đau khổ - còn đau khổ là còn yêu, tại sao vậy? – Hai người nam nữ khổ vì tình yêu của họ bị trắc trở, và chưa trọn vẹn: họ ao ước được hòa quyện trong nhau, được chăm sóc nhau (vị tha); nhưng sự đau khổ của họ còn pha lẫn chút tự ái và ao ước chiếm đoạt (vị kỷ). Tình yêu Giê su thì không thế, tình yêu của Ngài chỉ muốn trao ban, nhưng lại bị con người từ chối; Ngài tự hủy và hy sinh cả mạng sống để con người được sống sung mãn ở đời này và đời sau, nhưng con người lại cứ mê lầm; mục tiêu cao nhất và bận tâm của Ngài là sự sống của linh hồn thế mà con người thường chạy đến với Chúa để mong có phép lạ - mà không chịu thay đổi cuộc sống. Hai chữ “Ta khát” trên thập giá đã thúc đẩy nhiều tâm hồn dâng hiến cuộc đời để dấn thân truyền giáo và đáp đền tình yêu bao la của Chúa, để làm Chúa bớt khổ và làm giãn cơn khát tình của Chúa.



Trong kinh dọn mình rước lễ có một câu rất hay: “Lạy ơn Đức Chúa Giê su, con là kẻ yếu đuối mọi đàng, chẳng biết dọn mình thế nào cho được chịu Mình Thánh Đức Chúa Giê su cho nên, vậy con cậy lòng lành vô cùng Chúa con, thêm ơn sức mạnh cho con cho được chịu ơn cực trọng này cho bằng lòng Chúa con”. Câu cuối này nói lên sự khao khát của Chúa là muốn kết hợp với con người, được trở nên thần lương nuôi sống linh hồn con người; sự thăm viếng của Chúa sẽ xóa sạch những vết bẩn (tội nhẹ), và tăng cường sức mạnh giúp linh hồn chống trả các cơn cám dỗ. Có câu chuyện kể về một người tù. Anh bị giam trong phòng, tuy không bị đánh đập và không khổ vì những điều kiện vật chất, nhưng mang một nỗi khổ tinh thần: mong chờ người yêu đến thăm vào mỗi ngày chúa nhật. Đến ngày đó, từ sáng anh đã thấy vui trong lòng, và khi cổng mở - khi người yêu xuất hiện thì niềm vui của anh không thể tả được; thế nhưng, khoảng một giờ sau, khi người yêu ra về, thì anh lại buồn khi phải chờ đến tuần sau. Người tù đó là Chúa Giê su Thánh Thể, Ngài mong chờ các tâm hồn đến viếng thăm để múc lấy nguồn thánh sủng, đừng đợi đến Chúa nhật mới thăm Ngài – tốt hơn là nên đi lễ hằng ngày nữa, và cũng đừng quên chuyện trò với Ngài thường xuyên – vì Ngài ngự ngay trong lòng bạn đó.

Nhiều phóng sự về các cô gái vàng của bóng nữ VN cho ta biết hoàn cảnh sống rất chật vật của nhiều gia đình nữ vận động viên: gia cảnh nghèo nên chọn nghề đá bóng, nhờ thu nhập ‘còm’ cũng giúp gia đình xây được căn nhà hoặc chữa bệnh cho cha mẹ, luôn nghĩ về gia đình để nỗ lực tập luyện và thi đấu. Còn bạn và tôi, những Kitô hữu, động lực chính để ta sống vui tươi và thăng tiến là tình yêu Giê su: Hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu, hãy đem sự sống đáp đền sự sống (Á thánh Anrê Phú Yên).

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2022

Thần vô danh

 



Sách TĐCV (chương 17&18) kể lại chuyện Thánh Phaolo đến rao giảng ở thành Athena, Hy lạp, ở đó có một bàn thờ Kính Thần Vô Danh và họ cũng thờ nhiều thần khác nữa. Nhân dịp đó, Thánh nhân rao giảng cho họ về Đức Giê su là Đấng Cứu Độ, đã xuất hiện trong thời sau hết, đã bị giết và đã sống lại. Nghe đến việc kẻ chết sống lại thì họ không muốn nghe nữa, nhưng có vài người đã tin lời ông Phao lô giảng. Câu chuyện sách TĐCV có nhiều điều đáng suy gẫm.

Tin có Thượng Đế. Có thể nói hầu hết mọi người đều tin vào ông Trời, Đấng dựng nên vũ trụ này, tuy tên gọi của Ngài và cách hiểu về Ngài có khác nhau. Nhiều tôn giáo thờ nhiều thần, trong đó có ông trời, như dân Athena, như anh em Cao Đài, như Phật giáo. Nếu có dịp thăm Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh hoặc vào các Chùa chiền, chúng ta chẳng biết tượng nào quan trọng hơn tượng nào, nếu không được họ hướng dẫn. Chúng ta cũng nên vào google đọc cho biết các đạo khác họ thờ gì, giáo lý thế nào. Tôi khá ngạc nhiên khi thấy trên bàn thờ ở Tòa Thánh Tây Ninh có cả Chúa Giê su (tượng Thánh Tâm), là 1 trong 8 vị và biết số tín đồ Cao Đài Hòa Hảo khoảng 3-5 triệu! Nếu vậy, người Công Giáo VN chỉ gấp đôi thôi sao?

Ai đó đã nói: Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ là vì Ngài không thể giữ mãi một bí mật, Ngài đã tạo dựng muôn loài để họ được chia sẻ vinh quang của Chúa. Thiên Chúa gieo trong lòng mỗi người một nỗi khát khao hướng về vĩnh cửu, hướng về sự thiện mỹ, và cả những bất ổn trong tâm hồn nữa, để con người nhận ra sự hư vô của vật chất và sự mong manh của phận người, để rồi họ tìm được Chúa; Thiên Chúa để lại dấu ấn của Ngài trong vũ trụ ‘rất lớn’ và vũ trụ ‘rất nhỏ’ trong từng cơ thể sống… để con người nhận ra Đấng Tạo dựng muôn loài. Tuy vậy, để hiểu biết sâu sắc hơn về Ngài, con người cần đến sự mạc khải của chính Ngài, từ ngàn xưa và ngay cả hôm nay, vì Đức tin là ân ban của Chúa. Chúng ta không thể hiểu nội dung của một tòa lâu đài nếu chỉ nghe nói và đứng ngoài để chiêm ngắm; cũng vậy, muốn được Thiên Chúa mạc khải về chân lý, con người phải quỳ gối xuống và phải bước đi trên con đường Giê su.

Thiên Chúa không ngự trong đền do tay con người làm ra, không cần con người phục vụ, không giống như hình tượng con người chạm trổ. Thiên Chúa vô cùng lớn lao, vượt cả không gian và thời gian. Ngài không cần đền đài để cư ngụ, không hình hài để chạm trổ, không cần nghi lễ để phụng thờ. Tuy vậy, con người cần nơi để thờ phượng, cần tượng để gợi nhớ, cần nghi lễ để bày tỏ tâm tình, và Thiên Chúa đã chấp nhận như thế. Con Thiên Chúa đã làm người, có hình hài để ta thờ kính, lập bí tích để ta có nghi lễ thờ phượng, và nhất là dùng Thánh Thể để nuôi dưỡng linh hồn trên hành trình dương thế. Nhiều người nghĩ Thiên Chúa dựng nên con người để họ lệ thuộc vào Ngài (như tên nô lệ hoặc người làm công), để họ xưng tụng vinh quang Chúa, thế nên họ bỏ nhà thờ khi có điều bất mãn với Ngài; thực ra việc chúng ta thờ phượng Chúa chẳng thêm gì cho Ngài mà chỉ sinh ích cho con người, tựa con ong hút mật của bông hoa, chỉ  có lợi cho con ong và bông hoa chẳng thêm được gì!



Thiên Chúa bỏ qua những thời người ta không nhận biết Người. Thư Do Thái diễn tả: Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách Thiên Chúa phán dạy cha ông qua các tiên tri, nhưng đến thời sau hết, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con. Trên thập giá, trước khi trút hơi thở, Chúa Giê su đã thốt lên: “Mọi sự đã hoàn tất”. Chương trình cứu độ đã hoàn tất và mạc khải đã hoàn tất. Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa, đến là để soi sáng cho loài người hiểu những chân lý mà Ngôi Con đã mạc khải. Nhiều tôn giáo như Hồi Giáo và Cao Đài cũng phân biệt thời kỳ xuất hiện các bước chuẩn bị cho thời kỳ cuối cùng, sau thời kỳ đó thì sự mạc khải đã hoàn tất và vị cuối cùng này được họ kính trọng và tôn thờ một cách đặc biệt. Trong Ki tô giáo thì khác, Ki tô giáo là một tôn giáo độc thần: Một Chúa Ba Ngôi; những sứ giả của Cựu Ước và Tân ước chỉ là những con người như chúng ta, có thể họ là những vị thánh được tôn kính, nhưng tôn thờ thì không!

Sách TĐCV có những lời rất hay: “Thiên Chúa vạch ra những thời kỳ nhất định và từng ranh giới cho nơi họ ở, như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa”. Điều này nhắc ta nhớ đến một câu giáo lý: Hỏi người ta sống ở đời này để làm gì? – Người ta sống ở đời này là để nhận biết, yêu mến và phụng thờ Thiên Chúa, để ngày sau được chung hưởng hạnh phúc với Chúa trên thiên đàng. Nhiều người định hướng sai đời mình, họ chọn sống để kiếm tiền và hạnh phúc đời này, nên sẵn sàng vi phạm lề luật Chúa!

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2022

Tế thần

 



Sách TĐCV có kể một câu chuyện rất thú vị: ông Phaolo và Banaba đến Lystra, có một người bại cả 2 chân từ nhỏ, chưa hề đi được bước nào, anh nghe ông Phaolo giảng và thấy anh có lòng tin nên Ngài đã chữa anh lành: anh đứng dậy đi, hai chân đứng thẳng. Thấy phép lạ, dân chúng tưởng các Tông Đồ là những vị thần Dớt và Hec – mê, và họ định đem lễ vật tế thần các Ngài (14,5-8). Đáp ca: “Không phải cho chúng con, lạy Chúa, nhưng xin cho danh Ngài rạng sáng”. Nhiều lúc trong cuộc sống, chúng ta vênh vang khi làm việc đạo, khi đó chúng ta đánh cắp vinh quang của Chúa. Trong Cựu Ước, biến cố oai hùng nhất Chúa đã ra tay là biến cố vượt qua biển đỏ, còn gọi là biến cố xuất hành, vậy mà chỉ sau đó một thời gian rất ngắn, dân Do Thái lại quy vinh quang đó cho thần bò vàng và những vị thần khác do con người dựng nên.

Nhiều khi Chúa cho chúng ta thấy những thành công trong đời trên bình diện cuộc sống hoặc trên bình diện siêu nhiên, việc tông đồ. Thay vì tạ ơn Chúa, nhìn nhận mọi sự đều nhờ bởi ơn Chúa, thì chúng ta lại vênh vang như thể do tài năng riêng của ta hoặc do sự may mắn. Câu đáp ca trên phải được chúng ta nhẩm đi nhẩm lại nhiều lần trong cuộc sống, có thể là từng ngày sống. Câu đáp ca đó phù hợp với câu Lời Chúa: Khi làm xong bất cứ việc gì, các ngươi hãy thưa lên: “Lạy Chúa, chúng con chỉ là đầy tớ vô dụng, chỉ biết làm việc phải làm”.

Tôi nhận thấy trong nhiều cuộc lễ, nhiều khi người giáo dân cũng ‘tế thần’ các đấng bậc và các đoàn thể nhiều quá : “Kính thưa các loại kính”! Đành rằng cũng phải có những lời cám ơn về những việc đáng lẽ không phải cám ơn - những việc thuộc bổn phận; nhưng cứ lặp lại quá nhiều lần - kiểu như tế thần 'các vị' thì lòng kiêu ngạo sẽ nổi lên, dễ làm ta liên tưởng đến việc cướp mất vinh quang Chúa. Những lời cám ơn không cần thiết và quá trớn cũng biểu lộ một sự vô cảm và máy móc, dễ biến các mục tử thành những quan chức hơn là người phục vụ đoàn chiên một cách nhiệt tình và vô vị lợi.



Đức Phanxicô nói: một người không trải qua những sỉ nhục sẽ không học được đức khiêm nhường. Điều này khiến ta liên tưởng đến tình trạng bị hiểu lầm và vu khống oan ức mà những người lành thánh thường phải trải qua, như một cơ hội cần thiết để đức tin của họ nên tinh tuyền hơn. Các Thánh TĐVN cũng thường trải qua những vu khống những tội danh chính trị mà họ không làm, tội sa đọa về luân lý, nhưng lòng các Ngài vẫn bình an, phó thác mọi sự trong tay Chúa và tha thứ cho kẻ giết hại mình. Chính Chúa Giê su cũng bị vu cáo tội lộng ngôn, tội chính trị, chịu sỉ nhục muôn vàn trong cuộc thương khó và chịu cảnh cô đơn cùng cực, bị cả loài người loại trừ khi bị treo trên thập giá, nhưng Chúa đã tha thứ cho kẻ làm khốn mình.

Ai trong chúng ta cũng mang trong mình nỗi sợ bị người khác loại trừ, nên sự thường, nếu bị ai đó xúc phạm, nhiều người rất bận tâm đến việc chứng minh rằng mình đúng và người kia có những hành động không thể chấp nhận được, họ không ngừng lên tiếng biện hộ cho mình và xem việc tìm kiếm đồng minh là việc quan trọng nhất trong cuộc đời. Người khiêm nhường là người nhìn nhận sự thật về mình: mình là hư không, mọi sự mình có là do Chúa ban. Người đó không bận tâm nhiều đến sự đánh giá của người đời, chỉ chú tâm đến sự đánh giá của Chúa, là người thầy và là người chủ thực sự của mình: chỉ có Chúa là đủ!

Quỷ kiêu ngạo ẩn mình rất kỹ trong tâm hồn ta, trong những bổn phận đạo đức, những công việc phục vụ, những công việc của Giáo hội và của Chúa. Nhiều khi ta làm vì hư danh, để phô trương và tìm tiếng khen của người đời: những hành động đó đã được trả công dứt điểm rồi (They have been paid in full), có nghĩa là Chúa bất biết, con người không còn chút công trạng nào trước mặt Chúa. Bởi vậy, hãy nhớ lời Thánh Phaolô: dù ăn, dù uống,dù làm gì đi nữa, anh em hãy làm vì Danh Đức Ki tô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha.

 

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2022

Cành nho và thân nho

 



Cứ thử tưởng tượng xem, lần đầu tiên khi mỗi người chúng ta nghe Chúa nói : “Thầy là cây nho, chúng con là cành, cành nào kết hợp cùng cây sẽ trổ sinh hoa trái; cành nào lìa cây sẽ khô héo liền, chúng con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”, thì ai cũng thấy thú vị và quá đúng, nhưng với thời gian thì chúng ta không nhận ra điều mới mẻ của câu chuyện và không còn bị đánh động nữa.

Sự liên lạc giữa cành nho với thân nho là mối liên hệ thiết yếu - liên quan đến sự sống còn, hơn hẳn những mối liên hệ mà chúng ta cứ tưởng là rất bền chặt như: mẹ và con, vợ chồng, bằng hữu, thầy trò. Tình mẹ con tuy là cao đẹp và vĩ đại nhất trên trần gian này, nhưng nó chỉ mang tính thiết yếu và sống còn khi đứa con còn nằm trong dạ mẹ, khi đứa con ra đời thì tình này chỉ mang tính phụ thuộc và tương đối. Còn tình yêu nam nữ, tuy là nguồn cảm hứng cho thơ văn, nghệ thuật, đam mê… và là phản ảnh của mối tình cao cả của Đức Giê su hiến mình vì Giáo hội, cũng chỉ là mối liên hệ mang tính tương đối. Hơn nữa những mối tình nhân loại như cha mẹ với con cái, vợ chồng, bạn bè, thầy trò...chỉ đứng vững khi con người biết lấy Chúa làm trung tâm, làm gương mẫu và là đối tượng của mọi suy nghĩ và hành vi ứng xử. Khi dùng hình ảnh cây nho và cành nho, Chúa làm nổi bật chân lý: sự kết hợp của linh hồn với Chúa là điều quan trọng nhất trên trần gian, vì cành cây chỉ sống và sinh hoa trái khi có nhựa sống của cây truyền tới.

Dịch Covid đã tạm ổn định, đó là một điều mừng và đáng để tạ ơn Chúa. Nhưng có những người vẫn không tới nhà thờ với lý do sợ covit, phải chăng đó là ngụy biện – trong lúc tiệc tùng vui chơi khắp nơi thì không sợ dịch. Có những người không đi lễ được vì bận tập thể dục thể thao, đọc báo trên mạng, vì bận mưu sinh – trong lúc khá no đủ rồi! Có người trẻ đến nay còn đi lễ online, có kẻ không đi lễ vì ca đoàn hát không hay, người chơi đàn dở, cha giảng dài, đọc kinh nhiều. Rất nhiều lý do, nhưng ẩn chứa đàng sau là ‘không cần Chúa’, và những lý do đưa ra chỉ là ngụy biện. Đấng Đáng Kính F.Nguyễn Văn Thuận nói: “Ai không đến nhà thờ vì người khác thì họ đến nhà thờ cũng không phải vì Chúa”.

Ngày xưa, ông bà Nguyên tổ được sống trong sự thân mật với Chúa, nhưng hành động hái trái cấm để ăn muốn nói rằng: họ không cần Chúa, Chúa là hàng thứ yếu trong mơ ước muốn tự do và thông biết của họ, họ nghi ngờ tình yêu Chúa là một âm mưu kìm hãm sự lớn lên của họ. Ai đó đã nói: Theo phật thì tốn tiền hoa quả, theo đạo thì mất ngủ vì lễ lạy; đó là cái nhìn trần tục và tục hóa những hành vi thờ phượng rất linh thiêng của tôn giáo. Thỉnh thoảng, báo chí đưa tin những vụ bách hại của các tín đồ Ấn Giáo với các tu sĩ Công Giáo, tìm hiểu trên google thì được biết: “Đa số tín đồ Ấn Giáo rất sùng đạo”, tôi mới chợt suy nghĩ: hình như tín đồ Ki tô giáo không mấy sùng đạo, nhiều người bỏ đạo lâu năm, nhiều người không sống giáo lý của đạo, nhiều người không hiểu giáo lý đạo mình đang theo, giới trẻ và ngay cả các linh mục trẻ không bao giờ nói về đạo trong những cuộc gặp gỡ mà cứ hăng say nói những chuyện tầm phào về xe cộ, công an giao thông, các phương tiện thông tin đời mới nhất… chứng tỏ rằng lòng trí họ chỉ quan tâm đến những chuyện trần tục chứ không phải là trao đổi về cách đào sâu mối thân tình với Chúa Giê su, về đời sống đạo và cách hành đạo trong hoàn cảnh sống của nhau.



Giáo hội VN cứ nhức nhối mãi về chuyện tỷ lệ 7% của tín đồ Công Giáo của mình, một con số kéo dài từ ngày thành lập hàng Giáo phẩm VN (1960) đến nay. Chúng ta tự hào vì đã có những đóng góp vào các sinh hoạt đạo sống động cho các nước có người VN định cư nhiều, vì đã có rất nhiều dòng tu hiện diện và làm việc khắp đất nước, vì có nhiều tu sĩ linh mục được đào tạo bài bản và được du học, vì các chủng viện miền được sinh hoạt và cung cấp số linh mục tạm đủ, vì người giáo dân VN siêng năng tham dự phụng vụ, vì các sinh hoạt hội đoàn ở cấp Giáo xứ và Giáo phận rất đầy đủ, nhưng dường như người ngoại đạo vẫn nhìn chúng ta một cách nghi ngại. Đành rằng con số không nói lên tất cả, đành rằng có những phần tử xấu là con sâu làm rầu nồi canh, nhưng có một điều gì đó trầm trọng còn tồn đọng ngay trong lòng Giáo hội và trong lòng mỗi cá nhân. Tôi đưa ra hai lý do chúng ta thiếu đời sống cầu nguyện và nhiều người Công Giáo không hành đạo. Nhiều người sẽ phản đối rằng: biết bao người đi lễ hằng ngày, đọc kinh lòng thương xót, các tu sĩ thì đọc kinh Thần vụ, các gia đình đọc kinh tại tư gia… vậy thì thiếu cầu nguyện ở chỗ nào?- Tôi xét mình thì thấy rằng nhiều khi chúng ta đọc kinh mà không cầu nguyện, không quen nói chuyện trực tiếp với Chúa, không mấy khi cầu nguyện cho các nhu cầu xã hội và cho các nhu cầu truyền giáo… vì không tin hiệu quả của lời cầu nguyện! Jacques Philippe nói: “Thiên Chúa hành động theo lòng trông cậy của chúng ta”, điều đó có nghĩa là: khi ta cầu nguyện mà không có lòng tin tưởng thì Chúa không thể hành động được. Còn việc không hành đạo, nhất là sống lỗi đức bác ái, lỗi phạm 10 điều răn, thì đó là phản chứng về đạo, nhưng nhiều người phạm tội mà không nhận ra tội mình và họ thường đưa ra những ngụy biện.

Mưu chước của ma quỷ là làm cho chúng ta bận rộn để không giữ được mối liên lạc thân tình với Chúa Giê su. Chúng ta bận rộn với công việc, với những đam mê, với những ảo ảnh về thành công – sức khỏe – sắc đẹp – nổi tiếng – được yêu mến… đến nỗi xem việc đến nhà thờ là việc quá mất thời gian. Và khi chúng ta bỏ nhà thờ, ví như những phách mạnh của đời sống tâm linh, thì cuộc sống không còn có những giây phút hướng lòng về Chúa nữa, thì sự sa ngã là chắc chắn sẽ xảy ra - sớm hay muộn thôi.

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2022


 

Những dấu hỏi???

Cuộc sống luôn có những điều xảy ra, tuy nhỏ, nhưng gợi lên cho ta sự ngạc nhiên, khi ta liên tưởng đến điều gì đó cao siêu hơn, làm cho cuộc sống trở nên thi vị hơn. Chúng là những câu chuyện thật, nhỏ, nhưng ý nhị, tựa như những bông hoa rừng – đóng góp cho đời một vài nét tươi thắm.

Sét đánh. Chuyện xảy ra cách đây gần 1 tháng. Buổi tối, bà con tụ họp đọc kinh cầu nguyện cho bà Anna. Cha xứ cũng hiện diện để làm nghi thức. Trời mưa đã khá lâu, bỗng một tiếng sét nổ lớn, tia lửa chạy qua khu vườn, điện tắt ngúm, nhiều viên gạch trong nhà bị bong tróc. Thật may mắn là không ai bị sét đánh! Chúng ta tự hỏi: tại sao sét lại đánh vào giờ này, biết bao năm tháng không có sét vì đã có rất nhiều thu lôi của hệ thống điện lưới! Chỉ có Chúa biết, con người chỉ biết tạ ơn là đã không xảy ra thêm chuyện đau thương ngay trong gia đình tang quyến. Tiếng sét hôm đó làm cho nhiều người nghĩ đến câu Kinh Thánh: Hãy sẵn sàng và tỉnh thức, vì lúc các con không ngờ thì Con Người sẽ đến.

Chó cảnh. Chó mẹ đẻ được 3 con nhỏ, bán bớt 1 đứa, chỉ còn lại hai con nhỏ: 1 đực, một cái. Điều lạ là con đực rất bảnh trai, hiền lành; trong lúc con cái lại nghịch ngợm quá sức! Đúng như cha ông nói: cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Chó đã vậy, huống chi là người. Mình phải chấp nhận tính khí của con như chúng là, không thể cứ so sánh đứa này với đứa kia, vì sẽ tạo áp lực không cần thiết, tạo nên sự thù ghét bất hòa giữa con cái. Mỗi đứa con một cá tính, cha mẹ đừng ép chúng vào một khuôn, nhưng biết giúp mỗi đứa lớn lên trong cá tính của nó, nên thánh trong cá tính và nén bạc của mỗi đứa. Những con chó có một đặc tính lạ nữa là chúng làm vệ sinh cho nhau ở những vị trí mà con kia không tự mình lo liệu được, nhất là hai tai và mắt. Điều này gợi nhớ đến câu chuyện bữa tiệc thiên đàng và hỏa ngục – với những chiếc đũa dài: thiên đàng no say vì người này giúp đỡ người kia, hỏa ngục đói khát vì ai nấy chỉ biết lo liệu cho chính mình. Điều gợi nhớ thứ hai là Thiên Chúa đã dự liệu sự dị biệt giữa người này với người kia trong một cộng đoàn, giữa người nam và người nữ, ban cho mỗi người những ân điển khác nhau… là để bổ túc cho nhau và nâng đỡ nhau, làm cho cuộc đời thêm tươi đẹp và giúp nhau đi suốt cuộc hành trình dương gian. Tại sao con người không muốn chấp nhận sự khác biệt của nhau, tại sao phong trào đấu tranh cho nữ quyền luôn đòi hỏi người phụ nữ phải làm những việc như nam giới: giống nhau mà quên đi ưu phẩm của người nữ trong chương trình tạo dựng của Ngài.

Tình yêu. Trong dịp này, Giáo xứ có sự hiện diện của thầy Phó tế: một bông hoa đẹp trong vườn hoa Giáo hội, tỏa hương sắc của sự dâng hiến, làm chứng cho sự hiện diện của nước trời mai sau. Trong dịp này cũng có những đám cưới, một cô dâu bị mất một cánh tay (vì tai nạn khi nhỏ) cũng lên xe hoa về nhà chồng. Tôi không biết nhiều về cuộc tình và môi trường sống của đôi bạn trẻ, nhưng tôi thấy cảm động vì  trong cuộc tình này có biểu hiện của một tình yêu vô vị lợi: đón nhận nhau dù người bạn đời có sự bất toàn về thể lý. Chúc mừng đôi bạn đã dũng cảm đến với nhau, và sự quảng đại là tiền đề quan trọng cho một cuộc hôn nhân bền vững, hạnh phúc.

Hãy là chính mình. Cha ông ta nói: ma chê, cưới trách. Cứ hỏi một người vừa lo đám cưới cho con, họ sẽ nói cho bạn rằng họ bị trách điều này điều nọ, kẻ được mời cũng trách mà kẻ không được mời cũng trách. Ai đó đã phân tích: người Tây phương, khi con cái lập gia đình, họ chỉ mời những người có liên hệ gần gũi; còn người VN mình, khi gia đình có việc, thường làm rình rang quá mức cần thiết, kiểu như muốn thể hiện bản thân, gây khó xử cho nhiều người. Bởi vậy, điều gì mình thấy đúng thì mình làm, đừng quá khổ tâm vì dư luận, vì làm sao vừa lòng hết mọi người được. Trên phương diện tâm linh, Cha Phương Đình Toại có một phân tích rất thâm thúy: Tại sao nhiều người quá khổ tâm để chứng tỏ cho mọi người biết là mình đáng được mọi người kính trọng và yêu mến! Điều đó không bao giờ xảy ra, vì luôn có những kẻ không tốt với mình, và thực ra điều đó cũng không quá quan trọng, tại sao mình không nhớ đến biết bao nhiêu người quan tâm đến mình, cư xử tốt với mình, và rằng Chúa là đủ cho mình rồi, và rằng trên đời chỉ cần dăm ba người để mình tin cậy là cũng quá đủ.



Ngày nay, người ta thường nói đến từ vô cảm. Vô cảm trước hết là không nhìn thấy cái đẹp, cái xấu, điều linh thánh và điều đáng xấu hổ. Người vô cảm thường không thấy tội của mình và không nhận ra tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân dành cho mình. Như vậy, người vô cảm là người đáng thương hơn là đáng ghét, vì họ như kẻ đang bị bệnh và cần được chữa lành. Xin Chúa mở mắt con, để con thấy bàn tay kỳ diệu Chúa khắp nơi nơi: vạn vật, cây cỏ và động vật, tình người và tình Chúa. Amen.

Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2022

Hệ thống ‘GPS Giê su’

 



Một trong những ứng dụng công nghệ thông minh của thế giới hiện đại là hệ thống dẫn đường GPS. Để hệ thống này hoạt động, chúng ta cần xác định điểm đến cho nó. Hệ thống này có hai đặc tính dễ nhận thấy: nó biết chúng ta đang ở đâu và dù ta có đi sai hướng dẫn thì nó vẫn không cằn nhằn một tiếng – mà vẫn tiếp tục hướng dẫn ta từ vị trí mới - hướng về đích.

Hai đặc tính này làm ta liên tưởng đến hệ thống ‘GPS Giê su’. Thiên Chúa là Đấng thấu suốt tâm can từng người và cả vũ trụ, là Đấng quyền năng nên Ngài có thể làm mọi sự, là Đấng Tình yêu nên Ngài quan tâm đến từng chi tiết cuộc đời ta và yêu từng người một cách cá biệt; Thiên Chúa không loại bỏ một ai, nhưng ôm vào lòng kẻ thống hối trở về. Hệ thống dẫn đường Giê su ưu việt ở chỗ là nó phủ sóng đến toàn cầu, toàn vũ trụ và bao trùm hết lịch sử nhân loại; hệ thống này không thể sai lầm, không dẫn con người đi vào ngõ cụt mà dẫn ta đến tận quê trời. Hệ thống ‘GPS Giê su’ còn có tên gọi khác là ‘con đường tình yêu’: con đường này đã có từ ngàn xưa, có một thời đã bị ách tắc, Con Thiên Chúa đã khai thông lại và nâng cấp thành xa lộ - thẳng tiến về quê trời.

Ai đó đã từng có một câu chuyện tưởng tượng: Có một vụ hỏa hoạn xảy ra khắp địa cầu, mọi cuốn sách Kinh Thánh đều bị thiêu ra tro, chỉ trừ một cuốn bị cháy dở - sót lại một trang, ngay cả trang này cũng chỉ sót lại vài dòng, có đoạn Tin Mừng Gioan 3,16: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban cho họ Người Con Một, để ai tin vào Ngài thì không phải chết nhưng được sống muôn đời”, thì chừng ấy cũng quá đủ! Câu chuyện trên làm nổi bật những chân lý nền tảng của đạo Ki tô: Thiên Chúa là tình yêu, Đức Giê su là Đấng Cứu Độ,phải  tin vào Ngài mới có sự sống, có sự sống đời đời.

Dù sống bậc sống nào, trong môi trường nào, tính khí nào thì mỗi người đều có chung một cơn cám dỗ có tên là quy ngã: yêu mình quá, ích kỷ, tự cao tự đại; diễn tả cách khác thì mỗi người chúng ta đều có những thách đố phải vượt qua để sống yêu thương anh em như Thiên Chúa dạy, như mẫu gương của Chúa Giê su. Một điều luôn ám ảnh tâm hồn con người cho đến chết đó là tôi không thể tha thứ hoàn toàn cho người khác như Chúa muốn, và đó là sự yếu đuối bất toàn của con người. Ngay cả các kẻ tu trì cũng cảm nhận sự oán giận luôn tồn tại trong thẳm sâu tâm hồn mình, dù mình muốn chối bỏ và trấn áp nó. Có một vị giảng phòng nói với các tu sĩ: chúng ta thường trấn áp các cơn cám dỗ về tình dục và sự oán giận, không ai muốn thừa nhận những cám dỗ này tồn tại trong tâm hồn mình, thế nhưng có thực sự bạn đã dập tắt được mọi tia lửa của oán giận? Đành rằng bạn có thể không giận ghét một ai hết, nhưng vẫn có những người mình không thích gặp,không ưa, không mến và không kính trọng – thay vào đó là sự coi thường và yên trí nào đó.

Muốn biết bạn còn oán giận hay không thì rất dễ! Đêm ngủ, thỉnh thoảng họ xuất hiện trong giấc mơ; ban ngày, ánh mắt bạn nhận ra ngay họ ở trong đám đông; câu chuyện nhắc đến họ làm cho lòng bạn rung động mạnh. Việc nhận ra sự oán giận còn tồn tại nơi mình giúp mình cậy dựa vào Chúa hơn, xin Ngài giúp mình vượt qua cơn cám dỗ để tha thứ và yêu thương như Chúa đã làm gương. Nhưng xin bạn đừng ảo tưởng rằng đến một ngày nào đó, lúc mình tiến xa hơn trên đường nhân đức, mình sẽ không ‘yên trí’ một ai nữa! Cha cố Phaolô Nguyễn Công Minh đã chia sẻ: Nếu căn cứ vào đức yêu thương để đánh giá con đường trọn lành của một tâm hồn, thì phải thừa nhận rằng ‘bao lâu còn sống trên trần gian, chúng ta còn tiếp tục xúc phạm đến anh em mình’.



Khi tạo dựng mỗi người, Thiên Chúa giấu đi một mảnh ghép Gigsaw puzzle, khiến con người khắc khoải tìm kiếm Ngài, khiến con người luôn phải cậy dựa vào Ngài trong mọi sự: bạn không thể lo liệu về cuộc sống mình, bạn luôn mong chờ sự ban ơn và phù trợ của Đấng nắn đúc ra bạn. Mảnh ghép Puzzle còn ẩn chứa một yếu tố nữa là sự bất toàn của chính mình: thắng được mình là điều dai dẳng và khó khăn, đòi buộc ta phải cậy dựa vào Chúa. Và Thiên Chúa lại rất thích chúng ta cậy dựa và tin tưởng vào Ngài như con thơ trong vòng tay mẹ hiền, Chúa yêu ta dù ta không hoàn hảo – nhưng biết kiên trì chỗi dậy để bước theo sự chỉ dẫn của ‘GPS Giê su’.

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2022

Niềm hy vọng

 



‘Sống trong đời sống cần có một tấm lòng’ là câu hát của NS Trịnh Công Sơn, nhưng cải biên ra một chút thì ta thấy rằng sống trong đời sống còn cần đến niềm hy vọng, niềm tin, tình yêu… ở đây, chúng ta chỉ nói đến niềm hy vọng, trong danh từ nhà đạo thì đó là sự cậy trông.

Chúng ta nhận ra rằng hơn bao giờ hết, con người thời nay dễ mất đi niềm hy vọng, dễ bị mất phương hướng vì sự phát triển của các phương tiện truyền thông. Bất cứ ai cũng có thể rêu rao trên khắp thế giới về cảm xúc của họ về những sự kiện cỏn con trong cuộc sống, miễn là có người xem và like! Con người dường như trở về thời sơ khai của nền văn minh, không còn phân định được điều gì nên nói và điều gì nên kìm nén lại trong lòng, điều gì có ảnh hưởng xấu đến anh em mình và điều gì hướng anh em mình về điều tốt lành. Thậm chí, những bất hòa và những gì xấu xa nhất của những người trong gia đình, thông gia, bạn bè… đều được nói dai và đầy đủ, làm trò cười cho thiên hạ và gieo rắc sự đau khổ cho trần gian.

Có một quy luật tổng quát: điều gì góp phần làm ‘vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn’ thì đó là điều tốt và điều gì tạo nên những tổn thương và gây bất an – cảm xúc tiêu cực về cuộc sống thì đó là điều xấu, là con đẻ của ma quỷ. Trong các cuộc giao tiếp, điều đầu tiên phải tránh là nói về bản thân mình: khoe mình, biện minh cho mình, thành tích-kiến thức-con cái-địa vị-của cải… vì tất cả chúng cũng chỉ là hư không khi đến trình diện Chúa, và Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo. Điều thứ hai phải tránh là thương hại mình; ai đó đã nói: “nếu ban đêm bạn tự thương hại mình thì sớm mai tất cả nghị lực bạn tiêu tan hết”; chẳng ai muốn nghe một kẻ luôn than thở, vì biểu lộ một tâm hồn trẻ con và tầm nhìn cuộc sống quá méo mó và hạn chế. Điều thứ 3 phải tránh là những lời mình truyền đi sẽ khơi dậy những con sói đang ngủ trong người nghe: ham sắc dục, ham làm giàu, ganh tị, ghen ghét. Điều thứ tư là phải tránh gieo rắc sự tiêu cực về cuộc sống: chẳng ai tốt, chẳng ai chung thủy, tự do quá trớn, vô trách nhiệm với mình và người khác, sống không mục đích và thiếu lý tưởng, buông thả về luân lý… Chính những phổ biến vô trách nhiệm trên thế giới ảo đã gây ra những tiêu cực trong cuộc đời thực: tự tử, ly dị, lăng loàn, sợ hôn nhân, mất lòng tin vào con người, co cụm vào bản thân.

Trong các nước Tây Phương, để biểu lộ sở thích của mình, ngoài những biểu hiện trên các phương tiện truyền thông, người ta còn rủ nhau đi diễu hành – biểu tình. Cách biểu lộ rầm rộ này có một tác động mạnh đến các nhà lập pháp và dư luận quần chúng, nhất là khi báo chí cắt xén và làm méo mó sự thật theo ý họ muốn. Nhưng việc rỉ tai nhau và nói lăng nhăng những điều không nên nói trên mạng xã hội  cũng có một tác động thật sự đến cộng đồng, như ví dụ cỏ lùng mà Chúa diễn tả: ban đêm kẻ thù gieo cỏ lùng, đi mất, cỏ lùng âm thầm mọc lên, át cả lúa, đến mùa gặt cỏ lùng bị gom lại và đốt (Mt 13,24-30). Thánh Gia cô bê nói với chúng ta: “Ai nói mình hoàn hảo mà không gò hãm miệng lưỡi mình, thì đó là kẻ nói dối”. Gò hãm ở đây là biết uốn lưỡi, biết suy xét điều định nói: có đúng sự thật không, có tốt cho người nghe không, có đúng lúc – đúng chỗ - đúng người không, có đúng tinh thần Phúc Âm không. Suy ra, người khôn ngoan không những phải uốn lưỡi trước khi nói mà còn phải uốn tay trước khi viết và gửi, phải uốn lòng trí để đừng nghĩ đến sự xấu và tiêu cực, vì lòng có thanh thì tay mới sạch.

Trần gian được ví như ruộng lúa, nơi kẻ tốt và kẻ xấu chung sống với nhau, nơi các quan niệm sống được trình bày cách này cách khác. Thiên Chúa không muốn nhổ bỏ cỏ lùng, vì như vậy sẽ làm lúa bị tổn thương. Sự tổn thương ở đây ngoài việc bị nhổ nhầm, còn muốn nói đến sự hạn chế của tự do – là quà tặng của Thiên Chúa: Thiên Chúa không muốn áp bức con người phải chấp nhận Ngài, Chúa muốn con người tiến bước trong đức tin, trong sự chiến đấu và chọn lựa mỗi ngày. Điều quan trọng để không bị lạc hướng là phải có sự phân định điều tốt xấu rõ ràng, điều xấu thì dẹp bỏ đi và phát triển điều tốt. Phải dựa vào Lời Chúa như ngọn hải đăng của cuộc đời: điều gì trái Tin Mừng là điều xấu; và dựa vào lòng mình để biết tốt xấu: điều gì giúp mình hướng về điều lành là điều tốt. Nếu thiếu sự minh định của chính mình, con người thời nay sẽ dễ bị lạc hướng bởi các luận điệu tinh vi, bởi sự kỳ thị và bởi các phương tiện truyền thông, nhất là khi sống trong các xã hội Tây Phương và trong các vùng ‘xôi đậu’ về tôn giáo.



Nguyện xin Đức Khôn Ngoan của Chúa đến giúp đỡ và làm lụng với con, hầu con biết điều gì đẹp Thánh ý . Hãy cầu xin sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần để giữ vững niềm tin vào cuộc đời và giữ vững niềm cậy trông vào Chúa: Chúa sẽ ban ơn đủ cho từng người giữ đạo nên ở đời này và sẽ cho ta chung hưởng hạnh phúc với Chúa trên thiên đàng.

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2022

NGÀY LỄ CỦA MẸ... VỚI CUỘC ĐỜI TÔI !

 




Sưu tầm

Tôi sợ ngày Lễ của Mẹ, Mother's Day, từ khi tôi còn nhỏ, vì tôi chào đời chưa bao lâu đã bị mẹ tôi vứt bỏ.

 

Mỗi năm tới Mother's Day, tôi lại thấy ngại ngần. Trước và sau dịp Lễ của Mẹ, ti vi thường chỉ phát những ca khúc ca ngợi tình yêu thương của mẹ. Đài phát thanh cũng thế, có quảng cáo bánh quy đi chăng nữa, thì cũng cố lồng vào khúc nhạc ca ngợi tình mẹ, mà đối với tôi, mỗi khúc ca lại gợi nỗi buồn.

 

Tôi đầy tháng thì bị người ta bỏ rơi ở ga xe lửa Tân Trúc. Các bác cảnh sát trong đồn cạnh ga túm lại lo cho tôi. Những người đàn ông này tìm ra được một bà đang nuôi con bú, giá mà không tìm được bà, có phải tôi đã khóc tới mức phát bệnh không. Đợi tôi bú no rồi ngủ ngon lành, các bác cảnh sát này mới nhẹ nhàng ẵm tôi tới Trung tâm nuôi dưỡng trẻ Đức Lan ở thôn Bảo Sơn, huyện Tân Trúc (Đài Loan). Tôi được trao cho các bà sơ hay cười ở đó.

 

Tôi chưa từng gặp mặt mẹ tôi, hồi nhỏ tôi chỉ biết có các sơ nuôi tôi lớn. Mỗi tối, khi các anh các chị ngồi học bài, tôi chả có việc gì làm bèn túm lấy các sơ. Họ vào giáo đường đọc lễ tối, tôi cũng vào theo. Có lúc chui xuống gầm bàn lễ chơi đùa, có lúc làm mặt quỷ doạ các sơ đang hành lễ, thường xuyên nhất là tôi dựa vào một sơ nào đó ngủ gục, và bà sơ tốt bụng không đợi xong buổi lễ, khẽ bế tôi về đưa lên lầu đi ngủ. Tôi cứ cho rằng các bà sơ yêu tôi là bởi tôi giúp họ có cớ trốn sớm ra khỏi các buổi lễ.

 

Những đứa trẻ như tôi đều là con của những gia đình không may mắn, nhưng đa số họ đều còn gia đình. Tết đến, chú bác đều tới đón họ, chỉ có mỗi mình tôi, tôi không gia đình, nhà ở đâu tôi không biết.

 

Cũng vì thế, các nữ tu đối xử với đứa trẻ vô thừa nhận như tôi rất tốt, họ không bao giờ để cho ai bắt nạt tôi. Tôi học giỏi, các sơ vẫn tìm thêm người đến tình nguyện dạy tôi thêm.

Bấm đốt ngón tay, đã rất nhiều người làm gia sư cho tôi, đều là những nghiên cứu sinh, thậm chí giáo viên đại học các trường Thanh Hoa, Giao Thông quanh vùng, cả các kiến trúc sư, nên tôi từ nhỏ cũng rất giỏi tiếng Anh.

 

Các nữ tu ép tôi học đàn, năm lớp bốn tôi đã chơi phong cầm trong nhà thờ. Tôi tham gia các cuộc thi hùng biện, được làm đại diện học sinh của trường, nhưng từ nhỏ tôi tôi không muốn tham gia bất kỳ chương trình nào kỷ niệm ngày Lễ Của Mẹ.

 

Tôi yêu đàn, nhưng tôi kỵ phải chơi những bài hát tặng mẹ. Có những lúc tôi cũng nghĩ, mẹ mình là ai? Tôi đọc tiểu thuyết, tôi đoán tôi chính là một đứa con hoang. Cha tôi chơi bời chán thì bỏ rơi mẹ, và mẹ tôi còn quá trẻ chỉ còn biết mang tôi đi vứt bỏ.

Tôi đỗ vào cấp Ba trường Tân Trúc, rồi vào đại học, tôi đỗ khoa Xây Dựng của Đại học Thành Công (Đài Nam).

Thời sinh viên, tôi vừa học vừa làm. Đôi khi bà Tôn, người nữ tu nuôi tôi lớn cũng đến thăm tôi. Những cậu bạn cùng phòng thô lỗ của tôi vừa trông thấy bà đã vội trở nên lịch thiệp nhã nhặn.Rất nhiều bạn bè sau khi biết câu chuyện cuộc đời tôi đều an ủi, nói rằng, nhờ được các bà sơ nuôi dạy, tôi mới lịch lãm, bặt thiệp và giỏi giang như bây giờ. Ngày tốt nghiệp, bạn bè ai cũng có cha mẹ tới mừng. Tôi chỉ có một người thân duy nhất là bà sơ họ Tôn, chủ nhiệm khoa, vì thế đến chụp ảnh chung với bà.

 

Khi tôi đi lính nghĩa vụ, tôi tranh thủ về thăm trung tâm Đức Lan. Lần này bà Tôn bỗng đột ngột trở nên nghiêm trang, bà gọi tôi ra, lấy từ ngăn kéo một phong bì, bảo tôi hãy xem bên trong có gì.

 

Trong phong bì có hai chiếc vé. Bà Tôn cho tôi biết, khi cảnh sát ẵm tôi đến, trong áo tôi nhét hai tấm vé tàu này. Rõ ràng mẹ tôi đã dùng hai chiếc vé này để đi từ nhà tới ga Tân Trúc, một vé là đi từ phía Nam lên Bình Đông, tấm vé tàu còn lại là đi từ Bình Đông lên Tân Trúc. Đó là một tấm vé tàu chợ, tôi bỗng hiểu ra mẹ tôi là một phụ nữ nghèo.

 

Bà Tôn cho tôi biết, các bà sơ thường không thích đi dò hỏi tìm hiểu về gia cảnh những em bé sơ sinh bị vứt bỏ, vì thế họ cứ giữ hai tấm vé này, chờ bao giờ tôi lớn sẽ tính. Họ đã quan sát tôi rất lâu, cuối cùng kết luận tôi là người lý tính, đã có đủ năng lực để xử lý việc này. Họ đã từng đi qua thị trấn ấy, thấy nơi đó rất nhỏ, nếu thực lòng tôi muốn tìm người thân, có lẽ sẽ không khó khăn.

Tôi luôn mơ ước được gặp cha mẹ tôi một lần, nhưng giờ đây cầm hai tấm vé, tôi lại do dự. Giờ đây tôi đang sống rất tốt, có bằng đại học, có một cô người yêu sắp tính chuyện trăm năm, vì sao tôi lại phải đi ngược về quá khứ,đi tìm kiếm một quá khứ hoàn toàn xa lạ ? Hơn nữa tới tám chín phần là sẽ tìm được một sự thật không vui vẻ gì.

 

Bà Tôn ngược lại đã khích lệ tôi. Bà cho rằng tôi đã có một tiền đồ xán lạn, không lẽ nào để bí ẩn về cuộc đời tôi trở thành một bóng đen u tối phủ lên tâm hồn. Bà khuyên tôi nên chuẩn bị sẵn cho tình huống xấu nhất, cho dù phát hiện ra sự thật là những gì tồi tệ, cũng nên giữ lấy niềm tin vào bản thân mình trong cuộc đời phía trước.

 

Và tôi đã lên đường.

 

Đó là một thị trấn bé xíu trên vùng núi, tôi chưa từng nghe qua tên gọi. Từ Bình Đông còn phải ngồi ô tô hơn một tiếng mới tới. Dù là phương Nam nhưng vì đang mùa đông, nơi đây lạnh lẽo. Thị trấn đúng là rất nhỏ, chỉ có một con đường nhựa, một đôi cửa hàng tạp hoá, một đồn cảnh sát, một văn phòng của chính quyền thị trấn, một trường tiểu học, một trường trung học, ngoài ra không có gì nữa.

 

Tôi chạy đi chạy lại giữa đồn cảnh sát và văn phòng chính quyền. Rốt cuộc cũng tìm thấy hai thông tin có vẻ liên quan, một là dữ liệu của một đứa trẻ sơ sinh, một là thông tin gia đình báo mất tích con trai, thời gian mất tích là ngày thứ hai sau khi tôi bị bỏ rơi, đứa bé ra đời trước đó một tháng. Theo ghi chép của các sơ, khi tôi được phát hiện tại ga Tân Trúc, tôi cũng chỉ khoảng đầy tháng tuổi. Xem ra đây có vẻ là thông tin về tôi.

 

Vấn đề là : Bố tôi đã chết rồi, bố tôi qua đời sáu năm trước, mẹ tôi cũng chết cách đây mấy tháng. Tôi có một anh trai, anh đã bỏ thị trấn, không biết đi đâu.

Dù sao cũng là thị trấn nhỏ, ai cũng quen biết nhau. Một cảnh sát trong đồn bảo tôi, mẹ tôi làm nhân viên trong trường tiểu học, rồi ông dẫn tôi tới gặp hiệu trưởng.

 

Hiệu trưởng là một người đàn bà vô cùng nhiệt tình. Bà nói, đúng là mẹ tôi đã phục vụ lâu năm tại trường, là một người đàn bà vô cùng tốt bụng, còn bố tôi thì vô cùng lười biếng. Tất cả đàn ông trong thị trấn đều ra ngoài kiếm việc làm, bố tôi không chịu đi xa, chỉ quanh quẩn trong thị trấn làm thuê công nhật, mà thị trấn nhỏ lấy đâu ra việc mà thuê người làm, vì thế cả đời bố tôi chỉ ăn bám vào tiền mẹ tôi làm nhân viên tạp vụ. Vì không chịu làm việc, tâm trạng ủ rũ, ông đành mượn rượu giải sầu, say rồi có lúc đánh đập mẹ tôi, đánh anh tôi. Tỉnh rượu thì cũng hối hận đấy, nhưng thói xấu quen rồi, mẹ tôi và anh tôi khổ sở cả đời vì ông. Anh trai tôi lúc học lớp bảy đã phẫn chí bỏ nhà ra đi, từ đó không bao giờ quay trở lại đây.

 

Người đàn bà này rõ ràng có đẻ đứa con trai thứ hai, nhưng được một tháng tuổi thì đã mất tích bí ẩn.

Bà hiệu trưởng hỏi tôi mọi chuyện, tôi tình thực kể hết. Khi bà biết tôi được lớn lên trong một cô nhi viện ở miền Bắc, bà bỗng xúc động lấy từ ngăn kéo ra một phong bì. Đây là phong bì bà tìm thấy sau khi mẹ tôi mất, giấu dưới gối mẹ tôi. Bà cho rằng những thứ trong đó chắc chắn phải có ý nghĩa rất quan trọng, nên bà quyết định giữ lại, đợi người thân của mẹ tôi tới nhận.

Tôi run rẩy mở ra, thấy bên trong có rất nhiều vé tàu, từng tập vé tàu khứ hồi đi từ thị trấn miền Nam này tới Tân Trúc, tất cả được giữ gìn cẩn thận.

 

Bà hiệu trưởng cho tôi biết, nửa năm một lần mẹ tôi xin nghỉ đi miền Bắc thăm họ hàng, chả ai biết họ hàng nào, chỉ thấy mỗi khi về bà vui lắm. Cuối đời mẹ tôi theo đạo Phật, điều bà hạnh phúc nhất là đã quyên góp các tín đồ Phật giáo được một triệu Đài tệ để tặng cho cô nhi viện của đạo Thiên Chúa. 

Ngày trao tiền bà cũng đích thân đi.

 

Tôi nhớ lại, có lần một chiếc xe bus lớn đưa một đoàn thiện nam tín nữ từ phía Nam lên cô nhi viện. Họ trao tấm séc trị giá một triệu Đài tệ, quyên góp cho Trung tâm Đức Lan chúng tôi. Các bà sơ cảm động vô cùng, bắt tất cả bọn trẻ mồ côi phải đứng vào chụp ảnh kỷ niệm, tôi đang đánh bóng rổ cũng bị gọi vào chụp với mọi người một tấm ảnh. Giờ đây tôi bỗng dưng tìm thấy tấm ảnh ấy trong chiếc phong bì của mẹ. Tôi hỏi mọi người mẹ tôi là ai, họ chỉ vào người đứng cách tôi không xa.

 

Nhưng làm tôi cảm động hơn là cuốn sổ lưu niệm ngày tốt nghiệp của lớp tôi, có một trang được photocopy lưu lại trong phong bì này. Đó là trang chúng tôi đội mũ áo tốt nghiệp, có hình tôi ở trong đó.


 

Mẹ tôi, người mẹ đã vứt bỏ tôi, đã vẫn cứ đến thăm tôi, thậm chí có thể bà đã từng tham dự lễ tốt nghiệp của tôi.

Giọng hiệu trưởng nhẹ nhàng: " Anh nên cảm ơn mẹ anh, bà đã vứt bỏ anh, là để anh được sống một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nếu anh vẫn ở đây, cùng lắm là hết phổ thông anh lên thành phố làm thuê, ở đây hầu như rất ít người đỗ được vào Trung học. Mà nếu không may, không chịu nổi đòn roi của người cha, biết đâu anh cũng đã sớm bỏ nhà đi phiêu bạt như người anh trai, ra đi mãi mãi chả biết lưu lạc phương nào nữa."

 

Những giáo viên khác trong trường cũng đến, đều chúc mừng tôi đã tốt nghiệp đại học Quốc lập. Họ nói thị trấn này từ xưa tới nay chưa từng có học sinh nào thi đỗ được vào trường đại học Quốc lập.

Tôi bỗng nhiên rưng rưng, tôi hỏi bà hiệu trưởng ở đây có cây đàn nào không. Bà nói, có đàn piano nhưng không tốt lắm, chỉ có đàn phong cầm thì mới mua.

 

Tôi mở nắp cây đàn, tôi hướng ra vừng mặt trời mùa đông ngoài cửa sổ, tôi chơi bản nhạc dành tặng mẹ trong những dịp Lễ Của Mẹ. Tôi muốn mọi người biết rằng, tôi tuy là một đứa trẻ mồ côi lớn lên trong trại mồ côi, nhưng tôi không mồ côi, vì tôi có những bà sơ tốt bụng nuôi dưỡng tôi như mẹ, vì tôi có một người mẹ đẻ ra tôi luôn thương tôi. Bà quyết đoán và bà hy sinh để tôi có môi trường tốt lớn lên, để tôi có tiền đồ sáng sủa.

 

Những thầy cô trong trường hát theo tôi. Tiếng đàn lan toả trong không trung, trong thị trấn vùng núi lạnh lẽo, trong ánh mặt trời chiều. Những cư dân trong thị trấn nhất định sẽ ngạc nhiên hỏi, vì sao hôm nay lại có giai điệu ngợi ca người mẹ?

 

Vì hôm nay với tôi là ngày Lễ Của Mẹ. Chiếc phong bì đựng những tấm vé tàu cũ này làm tôi từ hôm nay không còn là một đứa trẻ mồ côi sợ hãi ngày Lễ Của Mẹ nữa. 

 

Trang Hạ dịch

 

 

BÁN CHỒNG CHO BẠN

 

 


Sưu tầm

Nàng không ngủ được, câu chuyện nàng nghe hồi sáng cứ vang vọng mãi trong đầu, hành hạ nàng. Quay sang thấy anh vẫn thở đều, giấc ngủ ngon với gương mặt đầy toại nguyện. Nàng cố dằn để không đánh thức anh dậy nửa đêm hỏi cho ra lẽ. Kinh nghiệm của người phụ nữ nhạy cảm và từng trải dạy cho nàng biết sự điềm tĩnh và thận trọng không bao giờ thừa. Dạo này công việc làm ăn gặp nhiều trục trặc đã khiến nàng trở nên lơ là gia đình, có lẽ đây là cái giá nàng phải trả cho sự tham vọng của phụ nữ, nàng đã quá chủ quan và đặt niềm tin không đúng chỗ.

Nàng đã từng rất tự hào vì có một người chồng luôn ủng hộ sự nghiệp của mình, không đòi hỏi ở nàng trách nhiệm quá cao trong việc làm vợ. Nàng không thể thường xuyên nấu cho chồng những bữa cơm ngon, không thể mỗi tuần cùng chồng về thăm ba mẹ hai bên, không thể có những ngày lễ lãng mạn để ngủ nướng và cùng nhau ăn sáng trên giường, nhưng nàng đã cố gắng rất nhiều để gia đình được no đủ, để họ hàng hai bên được chăm lo chu đáo và hơn hết là để chồng nàng chuyên tâm nghiên cứu. Nàng không muốn chồng nàng vì mưu sinh mà bỏ phí tài năng và đam mê trong góc phòng thí nghiệm. Anh đã từng nói rất biết ơn nàng vì điều đó. Lẽ nào nàng đã sai?

Nàng may mắn có một cô bạn gái thân thiết như chị em ruột từ những ngày ấu thơ. Bạn nàng khôn ngoan lanh lợi, sớm thành đạt và có một người chồng giàu có dù đôi khi nàng thấy những tia buồn trong mắt bạn khi nghe cô tâm sự về cuộc hôn nhân không có tình yêu. Họ hiểu nhau, tin nhau, trong lúc việc kinh doanh sa sút chính cô bạn thân đã không ngần ngại cho nàng mượn một số tiền lớn mà không cần thế chấp. Và cũng chính nàng đã là bờ vai, là chỗ dựa, là nơi trút lòng, sẵn sàng bỏ buổi họp để bên cạnh bạn khi cuộc hôn nhân thiếu tình yêu kia có dấu hiệu rạn nứt. Lẽ nào nàng đã sai?

Đôi ba tin đồn ác ý về mối quan hệ mập mờ giữa hai người nàng hết sức tin tưởng đến tai, nàng cũng chẳng mảy may nghi ngờ. Nàng vẫn biết thói đời thêu dệt nhiều chuyện oái oăm, con người ta luôn thấy chút gì đó thích thú trước những bất hạnh của đồng loại. Tuy nhiên nàng cũng thừa nhạy cảm và đủ thông minh để thiết lập một hàng rào bảo vệ hạnh phúc của chính mình. Những câu chuyện vu vơ về mối quan hệ ngoài luồng của ai đó. Những tâm sự đàn bà về người chồng đầu ấp tay gối. Những tín hiệu ngầm như cảnh báo. Những khẳng định chắc nịch của lòng tin về sự chung thủy và cả những tia quan sát ngấm ngầm sẵn sàng chặn đứng mọi tội lỗi có thể. Nàng đã chu đáo, đã cẩn thận, đã tự tin như thế. Lẽ nào nàng đã sai?

Nàng nhìn hai con người trước mặt mình, hai con người nàng đã yêu thương tin tưởng biết dường nào, nay bắt tay cùng nhau phản bội nàng. Cuộc gặp gỡ ba người mà nàng cố tình sắp xếp khiến cho đối phương không dấu kịp sự ngỡ ngàng. Nàng thấy lòng hơi hả hê khi nhận ra vị trí phán xét của mình trước hai con người tội lỗi không dám nhìn thẳng vào mắt nàng. Họ không nhìn nàng và cũng không dám nhìn nhau. Nàng đã hồi hộp chờ đợi giây phút này, để tuôn ra muôn ngàn lời chì chiết chửi rủa thậm tệ, nàng nghĩ ra tất cả những câu đau đớn nhất có thể, nàng biết rõ từng điểm yếu của đối phương vì đã có thời nàng coi họ là máu thịt của chính mình. Nàng có thể giết họ, chỉ bằng một câu nói. Vậy mà giờ đây, nàng không thể thốt nên lời, nàng nhìn họ đăm đăm rồi vội quay đi, cố ngăn không cho những giọt nước mắt trào ra. Không được khóc, nàng tự nhủ, mình không được khóc. Chính họ mới là người phải khóc vì đã phản bội mình. Lòng kiêu hãnh giúp nàng ngẩng mặt lên ngạo nghễ. Họ cất lời xin lỗi càng khiến nàng thêm tức giận. Đồng thanh đồng khí làm sao!

- Tại sao lại là hai người? – nàng hỏi mà không mong một câu trả lời- hai người thèm nhau tới thế sao?

- …!

- Dù sao đây cũng chẳng phải chuyện tốt đẹp gì. Tôi cũng không muốn làm to chuyện để mọi người cười chê, chúng ta nên giải quyết trong nội bộ ba người thôi.

Nàng nhếch môi cười khi bắt gặp cái thở phào dù rất khẽ. Dám làm mà còn sợ người ta biết, hèn thế!

- Nếu em mở lòng tha thứ, chúng ta sẽ bắt đầu lại từ đầu như không có chuyện gì xảy ra, anh hứa sẽ…

Nàng giơ tay ngăn chồng nói tiếp

- Em sẵn sàng để hai người đến với nhau mà tận hưởng hạnh phúc! Cứ yên tâm!

- Không, mình không…!

Nàng lại trừng mắt khi cô bạn vừa mở lời. Trong lúc này, nàng mới là người được quyền lên tiếng và quyết định chứ không phải họ. Bất kỳ câu nói nào phát ra từ hai cái miệng đáng ghét kia cũng có nguy cơ làm cơn giận trong lòng nàng bùng nổ.

- Đổi lại chúng ta có một thỏa thuận – nàng nhìn cô bạn đang ủ dột cúi đầu – cậu đã cho mình mượn năm trăm triệu cách đây ba tháng. Mình là người sòng phẳng và không muốn nợ nần ai, nhất là với cậu, cho nên mình bán anh ta cho cậu để trừ nợ. Cậu lấy anh ta và chúng ta không còn nợ nần gì nhau.

- Em! Sao em có thể…?

- Tại sao không? Điều kinh tởm nhất là ngoại tình với bạn vợ anh còn làm được thì anh có quyền gì mà trách móc ai? Đúng, tôi bán anh cho cô ta đó, năm trăm triệu là quá tốt rồi chứ con người anh thực ra không đáng một xu. Tuy nhiên cô ta thèm khát anh như vậy thì bỏ năm trăm triệu ra lấy anh về mua vui chắc cô ta chẳng tiếc đâu, đúng không?

Nàng nhìn hai gương mặt tái xanh vì hổ thẹn và bị xúc phạm, biết mình đã đánh đúng chỗ yếu nhất. Trái tim nàng có giây lát sung sướng hả hê. Hai con người trí thức, tự tôn và hiểu biết kia, câu nói của nàng còn đau đớn, nhục nhã hơn vạn lần xỉa xói chửi rủa mỉa mai. Nàng xách túi đứng lên, nhìn hai người ngồi đó bằng ánh mắt khinh bỉ nhất mà nàng có thể.

- Thế nhé, nếu có ai quen hỏi thăm tôi sẽ nói ngắn gọn là bán chồng cho bạn thân với giá năm trăm triệu, còn những việc khác hai người muốn giải thích thế nào thì tùy, tôi không quan tâm, từ nay chúng ta không còn bất cứ quan hệ nào với nhau nữa. Chúc may mắn!

Nàng kiêu hãnh quay bước đi, biết chắc hai người ngồi lại sẽ vì câu nói của mình mà không thể yên ổn. Đối với nàng đây mới thực sự là đòn trừng phạt đáng giá.

Nàng dắt xe, nổ máy, cố giữ cho tay mình bớt run rẩy. Trong sự thích thú hả hê khi làm cho đối thủ kinh hãi, nàng nhận thấy cả nổi đau ngấm ngầm mà giờ đây chỉ còn riêng với mình, nàng cảm nhận nó trào sôi dữ dội. Nàng đeo khẩu trang, đeo kính, mặc áo khoác, che đậy mình thật kỹ và chạy đi. Dưới lớp bọc kín đáo, nỗi đau vùng lên thổn thức và nước mắt nàng không ngừng tuôn rơi. Trong dòng người hối hả trên đường, không ai hay có một người đang dấu gương mặt đầm đìa sau lớp khẩu trang. Nàng lướt đi như trôi vào cõi mộng du.



Sân bay Tân Sơn Nhất một ngày nhiều gió, người đàn bà trung niên quấn lại chiếc khăn quàng cổ, dõi mắt nhìn trời xanh như tìm kiếm một hình ảnh quen thuộc, một mảnh trời quê mà bà nghĩ có lẽ suốt đời mình chẳng bao giờ gặp lại. Đã hai mươi năm kể từ ngày bà rời bỏ quê hương, mang theo trong tim nỗi đau như cắt và cả lòng tin đã vụn vỡ, hy vọng xứ người xa lạ có thể làm hàn gắn một vết thương. Nhưng người đàn bà càng thành đạt bao nhiêu càng thấy lòng mình nhức nhối bấy nhiêu vì vết thương tưởng chứng như hóa thạch vẫn thầm âm ỉ trong tim. Sống trong nỗi giận hờn đau đớn suốt hai mươi năm, một ngày chợt nhận ra tóc đã bạc màu, môi thôi thắm tươi và mắt đã hằn những vết thời gian, lại chợt thèm quay quắt trở về, trở về để thứ tha, để quá khứ không còn hành hạ đêm đêm, để tìm cho mình phút bình an cuối cuộc đời. Tha thứ cho người và cho cả chính mình.



Căn nhà nhỏ hơn bà nghĩ, giản dị đến không ngờ. Trước sân trồng bụi hoa nguyệt quế xum xuê, loài hoa mà bà vẫn yêu thích. Bà hít một hơi rồi nhấn chuông, lòng không dưng hồi hộp kỳ lạ. một người phụ nữ gầy gò khắc khổ bước ra mở cửa, họ nhìn nhau, sững sờ, ca nước trên tay chủ nhà rơi xuống vang một tiếng khô khốc.

Họ ngồi trong phòng khách, đã hai mươi phút trôi qua mà vẫn chưa ai cất nên lời, ngập ngừng bà hỏi một câu khách sáo

- Hai người vẫn khỏe chứ?

- Tôi vẫn khỏe, nhưng ông ấy thì…

Chủ nhà ngập ngừng đưa mắt nhìn vào nhà trong

- Ông ấy bệnh à?

- Ông ấy đột quỵ, nằm một chỗ đã năm năm nay rồi!

- Vậy ư? Ông ấy vốn rất khỏe mà. Hai người thay đổi nhiều quá, suýt nữa tôi không nhận ra.

- Còn bà vẫn đẹp như xưa, thậm chí còn đài các hơn rất nhiều, thời gian có vẻ như không làm ảnh hưởng tới bà mấy. Chắc bà sống rất hạnh phúc?

- Hạnh phúc? Nếu tôi thật sự hạnh phúc liệu hai người có thấy thanh thản hơn không? Hai người cũng đang rất hạnh phúc cơ mà.

Bà chủ nhà giật mình trước cái nhìn của vị khách, bà thu người trong cái ghế, thân hình gầy ốm càng có vẻ teo tóp lại trước vẻ tự tin và ánh mắt nhiều hàm ý kia. Mất một lúc lâu bà chủ nhà mới lên tiếng

- Chúng tôi không hạnh phúc như bà nghĩ đâu. Ngày đó, sau khi bà bỏ đi, chúng tôi đã sống những ngày thật kinh khủng dưới sự lên án và dè bỉu của những người thân quen. Chúng tôi có lỗi và phải chịu hình phạt. Nhưng hình phạt lớn nhất, kinh khủng nhất không phải là cái nhìn của dư luận mà chính là câu nói sau cùng của bà : “ bán chồng cho bạn với giá năm trăm triệu!”. Câu nói đó ám ảnh hai chúng tôi đến tận bây giờ.

- Tôi không nghĩ sau việc làm của hai người thì còn có điều gì khiến hai người phải e ngại!

- Thật ra mối quan hệ của chúng tôi chỉ là một phút không kiềm chế mình. Tôi không phải là thanh minh! Nhưng chúng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ đến với nhau, nhất là ông ấy, ông ấy vẫn rất yêu bà và chưa bao giờ có ý định bỏ bà cả.

- Nhưng rốt cuộc hai người vẫn đến với nhau!

- Phải, có lẽ vì chúng tôi quá cô đơn và cùng chịu chung một nỗi dày vò. Điều đó đã đưa chúng tôi đến gần nhau hơn, chứ không phải là tình yêu. Chúng tôi sống cùng nhau để động viên nhau, an ủi nhau, cùng nhau chờ đợi…

- Chờ đợi điều gì?

- Sự tha thứ của bà!

- Thật khó tin!

- Phải, có lẽ bà không tin, nhưng hơn hai mươi năm sống chung, chúng tôi trên danh nghĩa luật pháp vẫn không phải là vợ chồng. Chúng tôi không có giấy hôn thú, ông ấy không muốn đăng ký kết hôn vì đối với ông ấy bà là người vợ duy nhất! Cuộc sống của chúng tôi thật chẳng dễ dàng. Ông ấy không còn đam mê nghiên cứu, công việc của tôi cũng gặp khó khăn, có lẽ đó là quả báo. Chúng tôi ở chung một nhà, ăn chung một mâm cơm, ngủ chung một giường và cùng chung một người để nghĩ đến. Chúng tôi không dám nhìn vào mắt nhau, không dám ôm nhau ngủ, thậm chí không dám cả việc có con, tất cả chỉ vì nỗi ân hận và sợ hãi dày vò. Chúng tôi cô đơn và mệt mỏi, tận cùng, như một cái giá phải trả. Năm năm trước ông ấy đột quỵ, nằm liệt một chỗ, nói năng cũng trở nên khó khăn, vậy mà ông ấy vẫn luôn gọi tên bà. Chúng tôi luôn cầu mong một ngày nào đó bà quay về và tha thứ cho chúng tôi.

Người đàn bà ngồi nghe, lặng người, tâm trí hoang mang. Lẽ ra bà phải thấy thích thú, hả hê lắm khi chứng kiến cộc sống thương tâm của hai người đã từng hủy hoại lòng tin yêu trong bà. Vậy mà giờ đây, trước người đàn bà một thời bà căm hận, bà chỉ thấy một nỗi xót xa không nói nên lời.

- Bà cho tôi vào thăm ông ấy!

Bà không dám tin vào mắt mình nữa, hai mươi năm, hai mươi năm làm người ta thay đổi đến thế này ư? Nằm bất động trên giường là một người đàn ông gầy gò, già nua và mỏi mệt. Bà không dám tin đây chính là người đã từng là chồng mình, đã từng là người đàn ông bà hết mực yêu thương, đã từng là người đàn ông làm bà đau đớn vì yêu và hận suốt mấy chục năm trời.

- Ông có nhận ra ai đây không?

Đôi mắt người đàn ông nhìn bà thật lâu, cái nhìn ban đầu vốn lãnh đạm phút chốc trở nên thảng thốt

- Yến… Yến!...em Yến, …vợ…vợ anh!

Người đàn ông lắp bắp, khuôn miệng méo xệch, những âm từ rời rạc vang lên, vội vã, vui mừng lẫn tủi hổ. Bà nhìn ông, bật khóc. Bà bước tới, nắm bàn tay giơ ra chờ đợi, bà căm giận ông, nhưng muôn ngàn lần không muốn ông phải khổ sở thế này. Đôi mắt người đàn ông ầng ậc nước, cái nhìn dán vào mặt bà như tìm kiếm, van nài, cái nhìn khẩn khoản đầy hy vọng.

- Đừng…đừng…bán …anh!

Bà sửng sờ nhìn ông nghe lòng nghẹn đắng. Trời ơi, hóa ra câu nói của bà đã ám ảnh ông đến tận bây giờ. Thốt nhiên bà thấy ghê sợ chính mình, bà thấy mình cũng độc ác, cũng hèn hạ, cũng nhẫn tâm, thậm chí nỗi đau bà gây ra cho đối phương còn kinh khủng gấp mấy lần. Tại sao, tại sao khi đó bà lại nói ra câu nói độc địa đó? Phải chăng vì lời nói tàn nhẫn đó mà chính bản thân bà suốt hai mươi năm vẫn không được một ngày vui vẻ?

- Tha…tha thứ…cho anh!

Ông vẫn lắp bắp nói, ông có lẽ muốn nói rất nhiều, phải chi ngày đó bà cho ông một cơ hội lên tiếng, bà đã để cơn giận lôi mình đi quá xa. Nước mắt ông vẫn ứa ra làm hai người đàn bà nghẹn ngào tức tưởi không thốt nên lời.

- Ông ấy vẫn còn rất yêu bà! Ông ấy và cả tôi nữa đều mong nhận được sự tha thứ từ bà, có vậy chúng tôi chết mới nhắm mắt được.

- Khi tôi quay về đây là tôi biết mình cần phải làm gì. Bản thân tôi mang nỗi căm hận trong lòng cũng chưa từng có một ngày được sống yên ổn. Tôi tha thứ cho hai người, và tôi cũng muốn tha thứ cho chính mình. Chúng ta đều đã già, hãy sống những ngày còn lại thật vui vẻ. Những hỉ nộ ái ố của cuộc đời đã không còn dành cho chúng ta nữa rồi.

Bà quay sang ông, dùng tay lau đi những giọt nước mắt đang ứa ra trên gương mặt nhăn nhúm vì xúc động của người bà một thời yêu thương, và nở một nụ cười nhẹ nhàng.

- Em đã tha thứ cho anh từ rất lâu rồi! tha thứ cho cả hai người! anh và cô ấy!

Người đàn ông gật gật đầu, môi nở một nụ cười, dẫu méo mó nhưng đầy sức sống, nước mắt vẫn cứ chảy ra, chảy ra không sao ngăn lại.



Người đàn bà rời khỏi căn nhà đơn sơ sau buổi trùng phùng. Bà chủ nhà bịn rịn tiễn chân, lúc quay vào nhận ra trên bàn một phong bì trắng. Có một lời nhắn gửi lại: “ đây là năm trăm triệu ngày xưa bà cho tôi mượn, tôi xin trả lại đồng thời rút lại lời nói khi đó, tôi không bao giờ bán chồng cho bạn với giá bao nhiêu đi nữa. Mọi chuyện đã xảy ra xin hai người hãy quên đi để cả ba chúng ta có thể có những ngày cuối đời thanh thản! thân ái. Bạn gái thân của bà: Phi Yến.”

thuy van