Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

TRƯỜNG HỌC GIÊSU






Đây là một mái trường không giống như các trường học đang có trong xã hội. Ngôi trường Giêsu không có thành tích kiểu như báo chí đưa tin: năm nay một số thành phố có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 88,89%. Trường học Giêsu cũng không có kiểu tuyển sinh mà phụ huynh Thành phố Hà Nội phải xếp hàng từ 12g đêm để xin cho con vào học mẫu giáo - phải có quà cáp. Trường học Giêsu luôn rộng mở cho mọi người, học bài học khiêm nhường- hiền lành-cư xử nhân hậu và tình nghĩa với nhau.

Chúa Giêsu là vị thầy tuyệt vời và mẫu mực cho ta về cách phụng thờ Thiên Chúa và cư xử với đồng loại. Chỉ có Chúa mới dám mời gọi chúng ta: “Hãy học cùng Ta. Hãy theo Ta. Hãy yêu thương nhau như Thầy đã làm gương”. Vì Chúa chính là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống cho trần gian nầy. Thánh Phaolô rất dũng cảm mới dám mời gọi: “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi đã bắt chước Đức Kitô”; còn mỗi người chúng ta chỉ dám là tiếng kêu trong sa mạc, là người giới thiệu Chúa cho tha nhân, diễn tả phần nào đó khuôn mặt của Thiên Chúa cho anh em mình.

Trên truyền thanh, truyền hình, sách báo và cả trong đời thường, chúng ta thường thấy người ta cư xử với nhau bằng bạo lực. Báo chí đưa tin có một phụ nữ dùng một chiếc kim dài đâm thủng óc của một đứa trẻ một tháng cho chết, vì đó là con của tình địch. Hai đứa trẻ đánh nhau dẫn đến thái độ bạo lực của 2 gia đình, khi viết bản kiểm điểm, đứa trẻ A cho rằng vì thằng B nhỏ hơn mà dám nhìn nó với vẻ khiêu khích! Chỉ cần một va chạm nhỏ, người ta thường trả đũa bằng những tràng chửi rất phong phú và đa dạng (được truyền hình nhồi nhét hằng ngày, họ cũng chỉ là nạn nhân thụ động). Chính Chân Phước Gioan Phaolô II đã khuyên các gia đình nên biết tắt tivi đúng lúc để còn giờ cầu nguyện và chuyện trò, để tạo không gian yên tĩnh trong gia đình và để tránh bị tiêm nhiễm những văn hóa không lành mạnh. Thử ngồi nghĩ mà xem, truyền hình thường khai thác những khao khát thầm kín của bản năng hạ đẳng của con người như kiêu ngạo, lăng loàn tình dục, tự do quá trớn, thành công và giàu có tức thời… họ đâu có đề cao nhiều những tính tốt như hiền lành và khiêm nhường, tha thứ và chịu đựng, kiên nhẫn và chịu khó làm việc – vì như vậy thì có mấy người thích xem! Xem truyền hình nhiều, đầu óc ta sẽ dễ dàng nổi đóa khi có ai đó hơi chạm tự ái ta, bạo lực và tự do luyến ái sẽ đi vào tâm thức cả một thế hệ - làm lệch sự phán đoán và phản kháng của lương tâm con người… cứ xem sự rạn nứt của một số gia đình và những xô xát trong giáo xứ, nạn phá thai… thì ta thấy được bóng dáng của Satan và công cụ của nó là truyền hình.

Có ai đó đã từng nói: Tư tưởng sẽ dẫn đến lời nói và lời nói sẽ đưa đến hành động. Bởi đó điều tiên quyết là phải giữ cái tâm mình cho trong sạch, chuộng hòa bình, khiêm nhường và hiền lành. Trong gia đình đừng có kiểu nói bốp chát và không lịch sự nhẹ nhàng với nhau. Đừng ngụy biện đó là sự thân mật, vì chỉ cần một va chạm nhỏ ngoài đời là ta đã tuôn ra những lời nói ‘thật bất ngờ’ mà 10 con ngựa đuổi bắt cũng không kịp. Người ta nuôi nhím để kiếm được lợi nhuận, nhưng ước mong mỗi người đừng trở thành nhím để làm đau lòng nhau, mà hãy cư xử với nhau với lòng khoan dung hiền hòa.

Chỉ có người theo học trường Giêsu, quyết học bài học hiền lành và khiêm nhường cả đời, chỉ có người biết cư xử với lòng khoan nhân, mới tìm được an bình - hạnh phúc trên cõi đời nầy và sự nghỉ ngơi miên viễn khi đã ‘ra trường’.

TƯ CÁCH NGƯỜI QUẢN LÝ





Người quản lý là người thay mặt chủ để điều hành công việc trong một lãnh vực hay cơ xưởng nào đó. Người ấy không phải là chủ thực sự, mà chỉ là người quản lý: sắp xếp công việc ổn định và thuận tiện cho các thành viên, nhằm mang lại lợi ích cho chủ và cho những người mình coi sóc.

Trong bài Tin Mừng Lc 12,39-48, Chúa Giêsu đưa ra 2 hình ảnh trái ngược của người quản lý: bất lương và trung tín. Người quản lý bất lương, vì nghĩ rằng chủ về muộn, nên đánh đập tôi trai tớ gái – ăn uống say sưa – quên hết nhiệm vụ và xử sự quá quyền hạn của mình – không màng chi lợi ích chủ. Còn người đầy tớ trung tín là người nai nịt gọn gàng, đèn đuốc sẵn sàng, luôn tỉnh táo và chờ đợi… để dù canh hai hoặc canh ba, chủ trở về - gõ cửa là mở ngay.

Giáo phận Banmêthuột sắp có thêm 7 tân linh mục, là những người quản lý hăng say dấn thân chăm sóc các linh hồn sẽ được giao phó cho họ trong tương lai. Nhiều người hẳn còn nhớ hình ảnh cha Stêphanô Nguyễn Văn Đậu, là nghĩa phụ của cha Phêrô Cao Tiến Hà, đã giảng trong lễ mở tay con mình năm 2009: Bí tích truyền chức không thay đổi cá tính của một con người, mà ban cho các ứng viên lãnh chức thánh được dồi dào ơn Thánh để chu toàn sứ vụ rao giảng và quản trị đoàn chiên mà Giám mục trao phó cho, để họ trở thành mục tử nhân lành chứ không phải là những ‘ông trời con’. Họ là những người quản lý đức tin và những mầu nhiệm Thánh, phải lo sao phân phát cho con cái cách dồi dào.

Là cha mẹ trong gia đình, chúng ta cũng là những nhà quản lý: Chúa giao phó vợ (chồng) và con cái để chúng ta coi sóc. Cha mẹ là những người chịu trách nhiệm về linh hồn những đứa con mình sinh ra. Là người quản lý, cha mẹ phải lo sao cho con cái được phát triển hài hòa về đức dục – trí dục và thể dục, lo cho con cái lớn lên về thể xác và trưởng thành về tâm linh nữa. Đừng để khi đến trước tòa phán xét, Chúa hỏi: “vợ con ngươi đâu?” – “Con không biết”. Chữ ‘không biết’ của Cain và việc rửa tay của Philatô đúng là vô trách nhiệm, chứng tỏ họ là những người quản lý bất lương. Thực trạng ở VN đang có những người những người cha bê tha rượu chè-cờ bạc, làm tiêu tán gia đình – lè nhè cả đêm không cho vợ con ngủ, vì họ nghĩ rằng họ là chủ gia đình – nên mọi người phải răm rắp tuân lệnh và họ phải thi hành quyền giảng dạy đạo lý cho cả xóm nghe. Vì cha mẹ chỉ là người quản lý, nên họ phải vui lòng châp nhận khi Chúa cất đi một người con nào đó trong gia đình, đứa con mà vợ chồng nuôi nấng với biết bao tình thương và cực nhọc.

Những nhà lãnh đạo quốc gia hay lãnh đạo các cấp, đều là những nhà quản lý được Chúa trao quyền cho, họ phải chịu trách nhiệm về thần dân của mình. Ông Philatô tưởng rằng mình có quyền tha hoặc giết Chúa Giêsu, nhưng Chúa bảo: “Ông chẳng có quyền gì trên tôi, nếu từ trên không ban quyền đó cho ông”. Đúng là chức vụ càng cao, trách nhiệm càng nặng nề. Chả thế mà nhiều Giám mục, linh mục và người làm công tác tông đồ giáo dân vẫn lo lắng: mình lo lắng phần rỗi cho người khác, nhưng nếu không khéo thì mình lại lót đáy hỏa ngục vì lỗi bổn phận…

Mỗi người được Chúa giao cho những nén bạc tài năng, thời giờ và sức khỏe. Thánh Phaolô nói: Tôi có là gì thì cũng bởi ơn Chúa ban. Ơn riêng Chúa ban cho mỗi người là để phục vụ lợi ích cộng đoàn, chứ không phải cứ cất giấu trong người – để rồi huênh hoang tự đắc. Ý muốn của Chúa là dù có năm nén, hai nén hay một nén, ta cũng phải biết làm sinh lợi gấp đôi nén bạc ấy lên– tuyệt đối không được đem chôn cất và trả lại y nguyên cho chủ. Chúa ban cho ai nhiều thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều hơn.

Trong dụ ngôn Tin Mừng, Chúa luôn dùng những từ khác nhau để chỉ sự vắng mặt của ông chủ:trẩy đi phương xa, đi ăn cưới. Thực sự Thiên Chúa vẫn hiện diện bên cạnh ta từng giây phút – Ngài chỉ ẩn mặt đi. Chúa ẩn mặt để những người quản lý phát huy công trạng với tự do của mình. Giả sử Thiên Chúa hiện nguyên hình như một ông chủ và ra lệnh cụ thể cho từng hành động ta làm thì ta chẳng có công trạng gì và có lẽ chẳng có tay quản lý nào dám giở trò bất lương; nhưng Chúa ẩn mặt đi – giống như vắng nhà thì các người quản lý mới phát huy hết tài năng và đức độ của mình được. Và căn cứ vào cách xử lý khi chủ vắng nhà, Chúa mới rõ 2 loại đầy tớ bất lương và trung tín để ban thưởng.

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

TÔI LÀ AI?





Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy
Ôi cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi

Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày…(Cát bụi của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn)

Được sinh ra trên cõi đời, được sống kiếp nhân sinh là một hồng ân ta phải cám ơn Chúa mỗi ngày, vì  chẳng để con ‘không’ đời đời. Được sinh ra lành lặn về tinh thần và thể lý, được hưởng những cái mình đang có cũng là một hồng ân mỗi ngày ta phải cám ơn cuộc đời và cám ơn nhau. Và lớn lao nhất là ta được làm Con Chúa và con Giáo hội.

Tôi là gì giữa cuộc đời nầy? Là hạt bụi được hóa thành người, xuất hiện một thời gian trên cõi đời, vùng vẫy tay chân và miệng lưỡi…rong chơi trên cõi đời trong chốc lát và trở về cùng cát bụi.

Thế nhưng thật là tuyệt vời khi hạt bụi ‘thân tôi’ được Chúa đoái thương cho làm người, thì mọi sự đã đổi khác - như lời TV: “Lạy Chúa, con người có là chi mà Chúa còn nhớ tới. Con người là gì mà Chúa phải quan tâm. So với thần linh, Người không để thua là mấy, ban vinh dự huy hoàng làm mũ triều thiên. Kiệt tác của Ngài, Ngài cho làm bá chủ”. Các nhà khoa học đã không ngừng nghiên cứu các loài động vật trên quả địa cầu, và cho đến giờ nầy, không có một loài nào ưu việt như con người: có trí não phát triển để biết suy tư và sáng tạo, có giọng nói, có tình cảm phức tạp, có tổ chức sinh hoạt cộng đồng và có đời sống tâm linh. Và lớn lao hơn hết, Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban cho họ Con Một làm Đấng Cứu Chuộc.

Khát vọng tìm hiểu vũ trụ của con người là không bao giờ cùng. Đã có lúc con người đã gửi những tín hiều vào không gian – với hy vọng một ai đó sống ở một hành tinh khác, nhận được và trả lời. Con người không ngừng đầu tư hàng tỷ đồng mỗi năm vào nghiên cứu không gian để tìm xem có ai đó sống ở một hành tinh khác chăng?  Nhưng cho đến giờ phút nầy, hằng năm con người vẫn phát đi những tín hiệu làm quen mà chưa nhận được tín hiệu phản hồi. Và quà tặng ‘Người Con Một’ vẫn là một hồng ân vĩ đại mà Thiên Chúa tặng ban cho vũ trụ nầy cùng quả đất nầy!

“Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về tro bụi”. Thế nhưng, qua ân huệ của Chúa Phục sinh, hạt bụi đã hóa thân con người đó đã mang lấy mầm sống bất diệt, sẽ được sống lại trường sinh. Dù rằng thân xác đó không giống hệt như ta bây giờ, mà là một thân xác sáng láng - không ăn uống và không mang những hỷ nộ ái ố. Hạt bụi đó sẽ sống và chịu phán xét và chúng ta xác tín rằng: “Ai tin vào Ta sẽ không phải chết bao giờ”.

Lạy Chúa,
tình yêu Ngài dành cho chúng con thật là kỳ diệu và rất đỗi bình thường.
Chúa không ra tay trừng phạt khi con người từ chối và chà đạp tình yêu ấy.
Chúng con muốn thấy tận mắt – sờ tận tay tình yêu ấy, nhưng chẳng được.

Đã bao lần dân Do Thái đã thử thách Chúa: Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá…
Ngày hôm nay, biết bao người đã từng nguyện cầu: Lạy Chúa, nếu có Ngài thì xin tỏ ra một dấu…
Thế nhưng, dường như Chúa luôn lặng im, vì Chúa không muốn áp đặt tự do của chúng con và Chúa còn phán: “Phúc cho ai không thấy mà tin”. Vâng lạy Chúa, cùng với Thánh Phaolô, chúng con xác tín rằng: “Tôi biết tôi đã tin vào ai, và tôi chắc rằng Ngài có đủ quyền năng giữ gìn kho tàng của tôi mãi – tới ngày sau cùng”

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Đón chào năm Đức Tin




Năm đức tin được Giáo hội khai mở vào ngày 11/10/2012. Đây là một sự kiện vui mừng và cần thiết cho đời sống đạo của Giáo hội hoàn vũ và của từng tâm hồn, là dịp để mỗi người duyệt xét lại câu hỏi của Chúa: “Đối với tôi, Đức Kitô là ai?’ và cũng là dịp để ta nỗ lực đào sâu những kiến thức về Kinh Thánh và tôn giáo của mình.
Năm Đức tin được mở ra nhằm kỷ niệm 50 năm khai mạc công đồng Vaticanô 2 (11.10.1962) và 20 năm phát hành sách Giáo lý Của Hội Thánh Công Giáo (1992), vậy việc đầu tiên phải quyết tâm là dành thời giờ đọc lại những tài liệu Công Đồng Vaticanô 2 và sách GLCHTCG, được tổng hợp qua kinh Tin Kính. Giám mục Vũ Văn Thiên có những phân tích về hiện trạng niềm tin rất thực tế: hiện tượng di dân rời xa luỹ tre làng, chung đụng với nhiều trào lưu tư tưởng, niềm tin cha truyền con nối không được đào sâu… dẫn đến quan niệm sai lạc về luân lý và bí tích, có nhiều tội phạm là người có đạo, hiện tượng xem bói toán và mê tín dị đoan…
Tôi đã thấy những nhận định của Đức Cha là rất đúng và đang xảy ra  nơi những xứ đạo toàn tòng với ‘luỹ tre làng’ bao quanh. Tối thứ bảy và ngày Chúa nhật, người ta nườm nượp đi lễ, tạo cho ta một cảm giác an toàn và phát triển, nhưng đừng tưởng rằng sự phát triển sẽ mãi duy trì và tăng tiến theo dòng thời gian như Lời Chúa hứa về “sự vững bền ngàn năm của Giáo hội”, vì lời hứa đó chỉ áp dụng cho Giáo hội hoàn vũ, còn thực tế đã có biết bao cộng đoàn đã biến mất vì niềm tin bị suy thoái (Đức Giám mục Bùi Tuần). Có nhiều người có đạo, nhưng khi làm nhà hay tổ chức ma chay cưới hỏi, thường tham khảo kỹ lưỡng ý kiến của các Thầy bói toán và răm rắp tin vào những lời mê tín dị đoan của họ. Ngày nay cả người lớn và trẻ em không còn học được tính chăm chỉ chịu khó làm việc như lời Thánh Phaolô: “Ai không làm việc thì không đáng ăn” (2Th 3,10), người ta đua nhau giữ mình được trẻ lâu bằng một lối sống an nhàn, ăn ngon mặc đẹp, nhưng đúng là ‘nhàn cư vi bất thiện’: những tội phạm về trộm cắp, bạo lực, tình dục thường liên quan đến những người ‘siêng ăn nhác làm’ và muốn làm giàu nhanh chóng. Thông tin mạng rất đa dạng và phổ biến đến từng người, nhưng nhiều khi ta ngại đọc một bài chia sẻ Lời Chúa hoặc tài liệu để hiểu biết thêm về giáo lý hoặc tu đức.
  
Trong Tin Mừng Gioan … Chúa nói: “Nếu ai thấy Chúa Con và tin ở Ngài thì có sự sống đời đời”. Điều kiện để được cứu độ xem chừng rất dễ và cũng rất khó, vì chỉ có những người sống đồng thời với Chúa ở đất nước Do Thái mới có phúc được thấy Chúa. Nhưng không phải thế, vì Chúa đã phục sinh, với con mắt Đức Tin ta có thể thấy Chúa vẫn hiện diện trong từng biến cố cuộc sống của từng người và thế giới, Chúa hiện diện trong Giáo hội của Người, Chúa hiện diện trong từng lời của Kinh Thánh và nhất là Chúa hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Cần phải có đức tin để cử hành bí tích Thánh Thể, nhưng chính bí tích Thánh Thể lại củng cố đức tin và là chóp đỉnh của đời sống của Hội Thánh. Vì ý thức rằng Thánh Thể là sức mạnh duy nhất có thể biến đổi thế giới, ngày 13 tháng 5 năm 1994  Ðức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1978-2005) đã thiết lập Nữ Ðan Viện Kín "Mater Ecclesiae - Mẹ Giáo Hội" tại nội thành Vatican. Các Nữ Tu Kín thuộc Ðan Viện có nhiệm vụ hỗ trợ công tác mục vụ hoàn vũ của Ðức Giáo Hoàng bằng kinh nguyện và bằng hy sinh mỗi ngày dâng lên Thiên Chúa (Cứ mỗi 3 năm, một Hội dòng được chỉ định sẽ cử một nhóm hội viên đến sống trong đan viện nầy).

Hơn ai hết, người Kitô hữu là người thấy và tin vào Đức Giêsu, cuộc đời họ phải thể hiện niềm tin đó và họ phải lo sao cho mọi người cũng được biết Chúa. Nếu người có đạo không phấn đấu học hành, vợ chồng cũng ly dị và không chung thủy, không dấn thân vào những công việc xây dựng xã hội đạo đời… thì những người ngoại nói: “Người có đạo cũng có hơn gì họ”.  Ông Gandi đã từng nói ‘Nếu người Kitô thực hành giáo lý Kitô thì nhân dân Ấn đã trở lại từ lâu rồi’. Năm Đức Tin mời gọi từng người hiểu biết về giáo lý, canh tân cuộc sống, sống thân tình với Đức Kitô và hăng say truyền rao niềm tin, là món quà quý giá Thiên Chúa tặng ban cho mình.

ĐỜI THƯỜNG






Cuộc đời Kitô hữu được ví như dòng chảy tâm linh và là một cuộc hành trình tiến về cõi vĩnh cửu.  Quanh ta vẫn có những người đồng đạo cùng tiến bước, nhưng tâm tư mỗi người cảm nghiệm về chân lý ở nhiều tầm mức khác nhau. Sự thật là có nhiều người lớn hoặc những em nhỏ không hiểu biết đầy đủ về giáo lý – dẫn đến một số ngộ nhận về đạo:

Câu chuyện thứ nhất. Một người mẹ có nhiều đứa con, có những đứa ngoan hơn và cũng có những đứa dại khờ, làm tiêu tán tài sản gia đình và héo hắt cõi lòng người mẹ. Người mẹ rất mực hiền lành, chỉ nhỏ nhẹ khuyên can con cái và bà rất siêng năng đi lễ - đọc kinh cầu nguyện cho con cái. Một hôm có người nói với bà mẹ: “bớt đi lễ và đọc kinh đi, để có giờ mà dạy con cái”. Dĩ nhiên bà mẹ rất buồn…Đây quả là một bà mẹ đạo đức, tuy chỉ là đạo đức bình dân.
Giải pháp: Sống trên đời, nếu vừa khôn ngoan vừa đạo đức thì rất tốt. Nhưng nếu không tài giỏi và khôn ngoan, thì đạo đức đã là quý lắm rồi và chính Chúa sẽ lo liệu phần còn lại cho người quấy rầy mãi làm Chúa nhức óc. Nếu ta tránh xa Chúa và bỏ nhà thờ là đã sa vào chước ma quỷ, con cái càng nhiều và càng hư thì cha mẹ càng phải đạo đức để xin Chúa cải hóa tâm hồn chúng. Chúng ta rất dễ mang tội báng bổ thần thánh, khi quá bức xúc trước một ai đó làm ta bất bình, ta nói với họ: “Vậy mà ngày nào cũng đi lễ!”

Câu chuyện 2. Có 2 người sống gần nhà nhau, cả 2 gia đình vẫn thường xuyên đến nhà thờ hằng ngày. Bỗng dưng một nhà bỏ đi lễ và đọc kinh hằng ngày, vì anh ta nhận ra: Chúa chỉ nhận lời anh kia, cho anh ta làm ăn giàu có, còn mình Chúa chẳng cho gì cả, nhà nghèo xơ… thôi, cả nhà nghỉ đi lễ, vì Chúa chẳng thương gì nhà mình - xin mãi mà chẳng được.
Giải pháp: Ấn tín bí tích rửa tội cho ta được diễm phúc làm con Chúa. Điều quan trọng nhất trong cuộc đời là tin vào Đức Kitô và dấn bước theo Ngài để cùng được sống lại với Ngài. Nếu ta cho rằng mình đi đạo để được sung túc về của cải và may mắn trên đường đời thì quả là lầm to, Chúa không phải là ông vua ngồi đó để xem ai khéo xin thì được nhiều, ai vụng xin thì được ít. Thực tế thì cả gia đình người nghèo trong câu chuyện trên chẳng siêng năng lao động và cũng chẳng màng đến nhà thờ, dù họ rất rảnh rỗi – họ cứ ngồi mà quan sát người khác và so sánh mình với người khác. Anh ta xin chưa được là vì xin chưa đúng ý Chúa, và nhiều khi Chúa đã mở cho anh những cánh cửa sổ - nhưng mắt anh cứ mải nhìn ra cánh cửa ra vào đang bị đóng.

Câu chuyện 3. Có một bệnh nhân ung thư bệnh viện đã trả về nhà, bà con lối xóm tụ họp để đọc kinh cầu nguyện xin Chúa thêm sức mạnh cho được vui lòng vác thập giá. Có một em nhỏ phát biểu: đã ung thư rồi còn đọc kinh làm gì?
Giải pháp: Cũng như em nhỏ kia, nếu ta cho rằng cầu nguyện là để cho bệnh nhân được khỏe lại, thì có thể việc cầu nguyện là điều vô ích trước một bệnh nhân ung thư. Nhưng ta còn phải cầu nguyện là vì để xin ơn trợ giúp cho bệnh nhân được vững tin, được luôn tín thác vào tình yêu Chúa – ngay trong những gian truân họ đang trải qua, cầu nguyện là để ý Chúa được thể hiện trên cuộc đời nầy, để tạ ơn vì cuộc sống đã qua - dẫu không may, và để phó thác cuộc đời bệnh nhân cũng như thân nhân trong bàn tay quan phòng yêu thương của Thiên Chúa.

Câu chuyện 4. Nhiều người khô khan thường đưa ra lập luận: “có kẻ ít đi nhà thờ, nhưng cuộc sống họ còn tốt hơn những kẻ ngày nào cũng rước lễ” (chữ tốt ở đây hiểu là sống công bình-bác ái).
Giải pháp: Chuyện đó có thể đúng, nhưng chỉ là số nhỏ. Nhưng sự thật là đa số những người ngày ngày chuyên chăm cầu nguyện thường có cuộc sống rất tốt mà ít người nhận ra. Vì nếu không có ơn trợ phù, trong con người chẳng còn chi thanh khiết, và Giáo hội chưa từng phong thánh cho vị nào không có lòng yêu mến bí tích Thánh thể - yêu mến Mẹ Maria và các Thánh, tích cực xây dựng Giáo hội…


Khi nói ra trên giấy, có thể ta thấy những chuyện như trên là rất nhỏ, nhưng những suy nghĩ sai lệch như trên thường len lỏi vào đời thường đã gây nên những rạn nứt đức tin cho nhiều ngươi... ta cần phải giúp cho ai đó hiểu rõ chân lý- khi họ đối diện với những ngộ nhận về giáo lý.

ĐÃ TRẢ ĐỦ






Có chuyện kể rằng:

“Một chàng trai sắp tốt nghiệp đại học . Đã từ lâu anh mơ ước một chiếc xe thể thao tuyệt đẹp được trưng bày ở cửa hiệu . Và anh đã nói với cha điều ước muốn đó . Ngày tốt nghiệp đến, anh náo nức chờ đợi ... Buổi sáng, người cha gọi anh vào phòng riêng . "Con trai, ta rất tự hào về con!" - ánh mắt ông nhìn anh thật trìu mến . Rồi ông trao cho anh một hộp quà được gói rất trang trọng . Ngạc nhiên, chàng trai mở hộp quà và thấy một quyển sách được bọc bằng vải da, có tên chàng trai được mạ vàng . Tức giận, anh ta nói lớn tiếng: "Với tất cả tiền bạc mà cha có sao lại chỉ có thể tặng con một quyển sách này thôi ?". Rồi anh chạy vụt ra khỏi nhà, vứt quyển sách vào góc phòng.

... Nhiều năm trôi qua, chàng trai giờ đã là một nhà kinh doanh thành đạt . Anh có một ngôi nhà khang trang và một gia đình hạnh phúc . Nhưng người cha đã già và một hôm anh nghĩ mình cần phải đi gặp cha . Anh đã không gặp ông ấy kể từ ngày tốt nghiệp . Trước lúc lên đường, anh nhận được một bức điện tín báo rằng người cha đã qua đời và ông trao toàn bộ quyền sở hữu cho con trai.  Anh cần phải trở về ngay lập tức để chuẩn bị mọi việc .


Khi bước vào ngôi nhà của cha, bỗng nhiên anh cảm thấy một nỗi buồn và ân hận khó tả xâm chiếm tâm hồn anh . Đứng trong căn phòng ngày xưa, những ký ức trong anh ùa về ... Và bất chợt, anh nhìn thấy quyển sách khi xưa nằm lẫn trong những tập giấy tờ quan trọng của cha ở trên bàn, nó vẫn còn mới nguyên như lần đầu anh nhìn thấy cách đây nhiều năm . Nước mắt lăn dài, anh lần giở từng trang, bỗng có vật gì đó rơi ra ... Một chiếc chìa khóa! Kèm theo đó là tấm danh thiếp ghi tên người chủ cửa hiệu, nơi có bán chiếc xe thể thao mà anh từng mơ ước . Trên tấm danh thiếp còn ghi ngày tốt nghiệp của anh và dòng chữ "đã trả đủ”. (chuyện MÓN QUÀ CỦA CHA – trích từ tủ sách Dũng Lạc).

Ngày Adam-Eva được tạo dựng là ngày khởi đầu của một kiếp đi hoang, vượt xa vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Ông bà nguyên tổ đã nếm đủ những đắng cay của phận người, nhưng rồi Thiên Chúa từ nhân lại ban cho loài người Đấng Cứu Thế.


Khi sinh ra đời, mỗi người cũng nhận được món quà từ tay Thiên Chúa: “Một cuốn sách, một tấm danh thiếp với dòng chữ ‘Đã trả đủ’”. Thế nhưng, dường như đây không phải là món quà nó mong đợi, con người vội vã ra đi tìm kiếm danh lợi thú, là những thứ phù du chóng tàn. Thiên Chúa vẫn không ngừng chờ đợi người con đi hoang trở về. Rồi chợt đến một hôm, con người hồi tỉnh trở về nhà Cha, nó tìm thấy pho sách Kinh Thánh chứa đựng cả một kho tàng vô giá, nơi đó Thiên Chúa trải rộng tình yêu Người cho con người, có chiếc chìa khóa là cửa vào chuồng chiên và họ khám phá ra kho tàng ‘Giá Máu Cứu Chuộc’ của Chúa Giêsu đã trả đủ từ lâu – đủ đem lại cho đời họ hạnh phúc đời nầy và đời sau.


Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

Lòng nhân hậu của Thiên Chúa




Vẫn biết rằng ‘như trời cao hơn đất thế nào thì tư tưởng của Thiên Chúa trổi vượt hơn tư tưởng con người như thế’, nhưng những câu chuyện Chúa Giêsu nói về lòng nhân hậu của Thiên Chúa luôn làm cho con người phải ngỡ ngàng. Có thể kể đến chuyện đồng bạc bị đánh mất, con chiên bị thất lạc, người con hoang đàng (Lc 15,1-32), chuyện mướn thợ làm vườn nho vào giờ thứ 11, chuyện Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời và bị giết chết. Và còn hơn thế nữa, chúng ta chứng kiến sự vô cảm trong câu chuyện người đầy tớ khắc nghiệt: chủ tha bổng cho anh mười ngàn yến vàng vậy mà anh lại không tha cho người bạn mắc nợ 100 quan tiền,.. đó là hình ảnh về cách hành xử của từng người chúng ta với tha nhân (Mt 18,21-35).

Nếu tính theo giá của ngày công thưở ấy là 1đ, thì số tiền trên được quy đổi là 160.000 năm so với 3 tháng. Một sự chênh lệch quá lớn: Thiên Chúa tha thứ cho ta thật nhiều, và ta thường khắc nghiệt với anh em!

Sự tha thứ là điều phù hợp với lý trí bình thường của con người. Ông Dale Carnegie có kể một câu chuyện: Một ông chủ bực tức vì một nhân viên của mình phạm lỗi, ông ta liền rượt đuổi hòng tóm lấy hắn, hai người rượt đuổi quanh một chiếc bàn rộng và đến vòng thứ 3 thì người chủ ngã xoài - trợn mắt vì đột quỵ. Thật đáng thương cho ông chủ, vì ông nghĩ rằng lỗi người kia xúc phạm đến mình là quá lớn! Những bài viết về ‘Nghệ thuật sống’ luôn chỉ vẽ cho ta biết có tha thứ thì tâm hồn ta mới thanh thản và nhẹ nhõm, tránh được hao tổn khí lực vì ăn không ngon – ngủ không yên. Nhưng tha thứ là điều không dễ dàng gì, cần phải có sự dũng cảm và sự trợ lực của ơn Thánh. Khổng tử dạy rằng: “Nhân vô thập toàn”, bởi thế tha thứ cho nhau là điều hợp lý vì ta cũng sẽ được người khác thứ tha cho, và rằng: ‘Lấy oán trả oán thì oán càng chồng chất, lấy ơn trả oán thì oán bị tiễu trừ’.

Sự tha thứ là dấu chỉ của lòng biết ơn. Sinh ra trên cõi đời, chúng ta được hưởng công ơn dưỡng dục của cha mẹ, được hưởng thành quả của khoa học tiến bộ và biết bao tiện ích của xã hội, được hưởng gia sản Đức tin mà tiền nhân đã hy sinh đổ máu đào để minh chứng và lưu truyền, và nhất là mỗi ngày được hưởng muôn ân lộc Cha trên trời ban tặng – được Chúa tha thứ muôn muôn vàn lỗi lầm.
Nhiều người trao ban cho ai đó một ân huệ và ước mong người đó thể hiện lòng xót thương cho một người khác nữa: cả người cho và kẻ nhận sẽ cùng được giàu có. Kẻ được tha nhiều sẽ yêu nhiều và tình yêu đó được thể hiện bằng lòng thương xót – tiếp tục cho đi: thương những sinh linh bé nhỏ, thương những kẻ nghèo hèn và thương hết mọi người. Chuyện xảy ra trong Tin Mừng hôm nay đi ngược với quy luật trên, nên các bạn của người đầy tớ khắc nghiệt đã kể lại cho ông chủ và ông chủ đã ra một hình phạt nặng nề cho kẻ không biết thương xót người khác.

Tha thứ là bước đi trên con đường trọn lành. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban cho ta Con Một, Đấng hiến thân mình trên thập giá, và Đấng ấy đã tha thứ cho nhân loại vì ‘họ lầm chẳng biết’. Chúa dạy: “Đừng xét đoán, và các ngươi sẽ không bị xét đoán. Đừng lên án, và các ngươi sẽ không bị lên án. Hãy tha thứ, và các ngươi sẽ được thứ tha. Hãy cho đi, và các ngươi sẽ được cho lại. Các ngươi đong bằng đấu nào thì sẽ được đong lại bằng đấu ấy. Người ta sẽ dùng đấu hảo hạng, đã dằn đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các ngươi. Vì các ngươi đong bằng đấu nào thì sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy” (Mc 6,37-38). Mỗi ngày ta được mời gọi nên hoàn hảo hơn. Sự trọn lành Kitô giáo tùy thuộc vào việc nên giống Chúa Kitô và biết xót thương tha nhân, vì Chúa Giêsu đang hiện diện trong họ.

Xin kể hai câu chuyện có liên quan đến việc xét đoán và tha thứ:
Câu chuyện thứ nhất: Có một người kia, suốt ngày cứ tìm cách bới móc tật xấu của người khác. Đêm về, nằm ngủ, anh mơ thấy mình bước đi cực nhọc với một gánh rất nặng trên lưng. Anh xin Chúa cất gánh nặng đó cho mình. Chúa bảo anh: gánh nặng đó là những lỗi lầm người khác mà con bới móc được và con tự chất lên lưng mình.

Câu chuyện thứ hai: Một người khác mất ăn mất ngủ vì nỗi uất hận bị vợ phản bội. Một lỗi lầm không thể tha thứ được!  Sau nhiều tháng trời bị dằn vặt bởi nỗi đau, quả tim anh ta dần khô héo, bèn tìm đến gặp vị ẩn sỹ. Vị ẩn sỹ cho anh một lời khuyên: muốn cho quả tim được nhẹ nhõm và thanh thản, không có cách nào khác là tha thứ; mỗi lần tha thứ là một viên sỏi nhỏ rớt ra khỏi lồng ngực và anh thấy dễ thở hơn. Anh trở về, mỗi ngày tập tha thứ cho vợ,  và như một quy luật tất yếu - người vợ cũng đáp trả sự tha thứ của anh bằng ân tình chan chứa.


Cuộc đời không thể không va chạm, cãi vã…nhưng hãy tha thứ, vì đó là Lời Chúa truyền dạy, là điều tốt cho tâm hồn và sức khỏe, là dấu chỉ của một người dũng cảm, là cách thế tuyệt vời để hóa giải thù oán. Hãy xác tín rằng Cha trên trời biết rõ mọi điều, và hãy luôn nguyện cầu ‘xin cho con biết chịu mọi sự sỉ nhục cách vui lòng’. Dù đã ra khỏi tù, nhưng nếu ta còn bức tức với người lính cai tù, thì ta vẫn còn bị giam trong tù vậy.

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

SỰ VÔ TÂM





Trong năm 2011, báo chí đưa tin: một người đàn ông ở tỉnh Khánh Hòa lái xe bò đi về phía bãi biển để làm việc của mình, có 2 em nhỏ leo lên xe đi nhờ. Khi xe đi qua một chỗ nước khá sâu, con bò bị trật chân – nên chiếc xe bị dòng nước cuốn trôi và 2 đứa bé rơi xuống nước. Người đàn ông ưu tiên lo cứu con trâu và chiếc xe. Ông trở về nhà và không nói cho ai hay về việc 2 đứa nhỏ bị mất tích. Khi Công An hay biết sự việc, họ đã đưa ông ra tòa – truy cứu tội hình sự. Xã hội cũng đồng tình và cho rằng bản án đó là chính xác: một người vô tâm như vậy đáng phải chịu tội hình sự.

Sự vô tâm đang lan tràn giữa nhân loại ngay từ thời Chúa Giêsu. Khi Chúa vừa thông báo rõ ràng Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ đánh đập – khạc nhổ - kết án và giết chết… thì các tông đồ dường như chẳng quan tâm đến những chuyện ấy, họ đang tìm cách để vinh thân phì gia nơi nhóm của họ. Chúa bảo họ: ai muốn làm lớn thì hãy là người tôi tớ phục vụ mọi người, chính Con Người đã làm gương cho họ và đi trước họ (Mc 10,32-45).

Hơn bao giờ hết, xã hội đương đại đang phải đối diện với nạn ly dị và đủ thứ dị dạng về tình yêu: lừa lọc tình cảm của nhau, ông ăn chả bà ăn nem, bạo hành gia đình, cha mẹ già sống cô đơn, buông thả tình dục và phá thai… Tất cả cũng chỉ vì con người đề cao tự do cá nhân và hưởng thụ; mà muốn được những thứ đó, dĩ nhiên con người phải biết vô tâm – phớt lờ người kia đi.


Tháng kính Thánh Giuse sắp bắt đầu. Thánh nhân để lại cho chúng ta gương vâng phục, sống có trách nhiệm và biết quan tâm đến người khác. Thánh Giuse đã luôn tìm vâng theo ý Chúa, dù mình chưa hiểu mấy và dù là chuyện ‘lớn lao nhất’ của vị hôn thê của mình. Thánh nhân đã tìm thấy an bình khi vâng theo ý Chúa, chấp nhận hoàn cảnh sống như Chúa định liệu: sống ở đâu, sống nghèo, sống lâu hay mau trên trần gian… “Xin vâng ý Chúa”. Thánh Giuse lại luôn ý thức bổn phận bảo vệ gia đình và lo lắng cho từng thành viên gia đình hoàn thành ơn gọi của chính mình, Ngài không to tiếng trách mắng Mẹ Maria  và Chúa Giêsu, Ngài chỉ âm thầm cầu nguyện và xin ơn soi sáng.

Là những người cha mẹ, chúng ta hãy noi gương Thánh Giuse để quan tâm và cầu nguyện cho con cái được bước đi trong đường lối Chúa, biết chu toàn Thánh ý Chúa. Là vợ chồng, xin hãy học bài học quan tâm đến nhu cầu tình cảm cũng như sự ăn- ngủ-nghỉ của nhau, đừng học thói trăng hoa kẻo làm khổ lòng nhau, hãy là chỗ dựa cho nhau khi còn trẻ và mãi đến tuổi già. Là con cái, hãy học quan tâm đến thăm hỏi cha mẹ còn sống hay thăm viếng phần mộ cha mẹ đã khuất. Và thêm vào đó, khi nào có dịp, ta hãy học quan tâm đến những bệnh nhân và những người già yếu.


Xã hội chúng ta cứ lập hết ngày nầy đến ngày khác trong một năm, là để nhắc nhở nhau cùng quan tâm đến một nhóm người nào đó, nhưng dường như sự vô tâm không bao giờ biến mất khỏi thế gian nầy. Khi con người xa rời Thiên Chúa, không nhìn thấy Chúa hiện diện nơi anh em mình; khi con người sống ích kỷ, quay lưng lại với nhu cầu tha nhân để lo chăm sóc cho bộ lông của mình … thì vẫn còn những người xót xa vì mình là nạn nhân của sự vô tâm của một ai đó. Đừng đợi đến ngày 8/3 người đàn ông mới tập quan tâm đến vợ và chị em – vì đó chỉ là giả tạo và làm theo phong trào, nếu mỗi ngày sống, ta không có thói quen quan tâm đến những người thân cận – vì tình yêu mến Chúa.

VIẾT CHO EM, MÓN QUÀ NGÀY THÀNH HÔN.




Em đang trải qua thời kỳ đính hôn là những tháng ngảy đẹp nhất của cuộc tình, xin gửi trước cho em món quà này, hy vọng sẽ làm tăng vị nồng cho cuộc tình.

Trong đời người có những giây phút mà tiếng ‘có và không’ sẽ ảnh hưởng đến suốt cuộc đời: sướng hay khổ, thành công hay thất bại, hạnh phúc hay bất hạnh đều từ đó mà ra.
Em đang bước vào một trong những thời khắc như thế và có lẽ là thời khắc quan trọng nhất của cuộc đời. Bởi đó em hãy cầu nguyện và suy xét cho thật cẩn thận vì nếu lầm là chỉ có nước mắt và bất hạnh. Lời cầu nguyện rất cần cho giai đoạn tìm hiểu là: “Lạy Chúa, xin cho con được khôn ngoan sáng suốt trong việc lựa chọn và tìm gặp được người bạn đời mà Chúa dành cho con”. Hãy biết rằng có một người bạn đời đang chờ đợi ta để kết hợp nên một gia đình thánh. Chính em chịu trách nhiệm về chọn lựa của mình và về cuộc đời mình, những người khác chỉ góp ý xây dựng hoặc phá rối mình thôi.

Hạnh phúc hôn nhân là một huyền nhiệm mà Chúa muốn nhiều người dấn thân vào. Gọi là huyền nhiệm vì có nhiều điều lạ lùng mà trí khôn ta không hiểu được và đó là sự tác hợp của Thiên Chúa. Điều cốt yếu của tình yêu là biết nghĩ và sống vì hạnh phúc người kia hơn là tìm hạnh phúc của riêng mình. Điều quan trọng nhất trong tình yêu là phải biết hy sinh và độc chiếm: khi đã quyết định yêu một người thì ta phải dứt khoát bỏ lại những đối tượng khác, vì không thể có tình yêu tay ba. Quy luật muôn đời của tình yêu là sự hiến thân, biết quên mình đi để tạo hạnh phúc cho người mình yêu, theo mẫu gương Đức Kitô đã thí mạng vì Hội Thánh.

Hãy biết nghe ai. Em hãy nghe tự lòng mình và nghe những ai mà mình biết họ thực sự tốt với mình. Trong thời đại ngày nay rất nhiều kẻ lừa lọc và gian trá, họ dùng cái lưỡi để lung lạc và quấy nhiễu đời ta, có kẻ vì tư lợi nhưng có kẻ cho vui vậy thôi. Trong bọn họ, rất ít kẻ thực tâm với ta, bởi vậy hãy tránh xa họ, kẻo ta nên trò cười cho họ và khổ cả một đời ta.
            Không ai biết rõ ta hơn người thân. Không ai thương mến và tốt bụng với ta hơn cha mẹ, là những người đã sinh thành, cho ta bú mớm, hy sinh vất vả  biết bao cho đến ngày ta lớn khôn và cũng sẽ còn dõi bước con mãi cho đến ngày họ khuất bóng. Cha mẹ là những người từng trải kinh nghiệm sống hơn ta rất nhiều, cha mẹ là những người Thiên Chúa đã định liệu bên cạnh ta… ta nên vâng  lời các Ngài, vì thực ra họ cũng chỉ muốn cho ta hạnh phúc mà thôi, ngoài ra không còn có mục đích gì khác, ước mong duy nhất của cha mẹ là thấy con cái thành công và hạnh phúc.
 Kinh nghiệm cha ông cho ta biết: “lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”, muốn nói với ta rằng: đừng bồng bột trong tình yêu và trong việc chọn lựa người bạn đời, phải rất coi trọng đến xuất thân của người kia kẻo vỡ mộng, giúp ta tránh được những di truyền bệnh tật và nếp sống vô luân, hãy coi trọng những gia đình có truyền thống giáo dục tốt.

Tình yêu trước hôn nhân là mơ, nhưng cuộc sống sau hôn nhân lại là thực.Trước hôn nhân, đôi bạn nghĩ rằng ngôi nhà tình ái được xây dựng trên tình yêu: một túp lều tranh – hai trái tim vàng, bất chấp tất cả coi thường ‘thiên hạ nói gì cũng mặc’. Sau hôn nhân đôi bạn đối diện với thực tế: cá tính, sức khỏe, kinh tế và họ tộc của nhau. Đến lúc nầy cuộc sống không còn nhiều mơ mộng, đôi bạn trẻ có kẻ vỡ mộng nhưng có kẻ gặp được nền tảng tốt để xây dựng tình yêu bền vững.

Tình yêu hôn nhân khác với tình bạn là ở tình dục. Khi đã yêu ai, ta muốn gần gũi nhau và nhớ nhung khi phải xa cách. Công Đồng Vaticanô II nhìn nhận: tình dục là để giúp hoàn thiện hóa 2 vợ chồng, những cử chỉ âu yếm trong thời kỳ đính hôn thật là cần thiết để giúp 2 bạn trẻ cảm thông và quyến luyến nhau. Những quan niệm cũ coi vấn đề tình dục là thấp hèn và tội lỗi nay đã lỗi thời: tình dục không có tình yêu mới là hạ thấp phẩm giá con người, còn tình dục trong hôn nhân là điều được Thiên Chúa chúc phúc.

Thời đại ngày nay sự giả dối và lừa lọc quá tràn ngập. Có những cuộc tình người đàn ông mượn đủ thứ để khoác vào thân, dùng ba tấc lưỡi để phỉnh phờ và đã chiếm được quả tim nàng, nhưng sau đó màn kịch hạ xuống và mọi sự đã trở nên qua muộn màng, cay đắng. Tôi nghĩ rằng trong hôn nhân thời đại hôm nay cần nhất ở ‘tấm lòng’, còn những cái khác như tóc tai – quần áo – nghề nghiệp…là những cái bên ngoài và có thể thay đổi được theo nhịp điệu của cuộc chung sống; nhưng mấy ai thay đổi được lòng dạ con người với những đam mê và tật xấu. Vậy hãy coi chừng, nếu phải chọn lựa thì hãy nhớ: điều cốt yếu là ở tấm lòng, vì cây tốt sẽ sinh trái tốt. Có những chàng trai học được kỹ thuật và kỹ xảo diễn cảm rất tài tình, làm chao đảo nhiều quả tim non trẻ, nhưng thực chất tình yêu họ cũng chẳng trong sáng bao nhiêu!

Xin Chúa chúc phúc cho lựa chọn của em. Khi đã chọn lựa được hoàng tử của lòng mình, em hãy yêu cho hăng say, cho trọn vẹn, gần gũi và thân mật. Em hãy nỗ lực tìm hiểu và đáp trả tình yêu của bạn mình: quá trình tìm hiểu và thích ứng này sẽ còn tiếp tục mãi suốt cả cuộc chung sống sau nầy.

TÔ MÀU.





            Một trong những yêu cầu của môn toán ở bậc tiểu học là phân biệt các ‘tổ hợp’về nhóm số, nhóm con vật (nuôi trong nhà, động vật hoang, con vật có ích…) các em được yêu cầu tô màu những nhóm được chỉ định. Tôi muốn dùng khái niệm trên để chỉ về một hiện trạng khá trầm trọng trong xã hội ‘đa thông tin’ hôm nay. Hơn bao giờ hết, câu danh ngôn: “Những gì ta biết là vũ khí của ta và những cái ta không biết là khí giới cho người khác” lại rất xác đáng.

            Cách đây vài ba năm (2009), tôi đã gặp một người khá nổi tiếng và tiếng nói của ông khá ảnh hưởng đến nhiều người trong thôn xóm, qua một vài câu trao đổi, người ấy nói với tôi:

-         Anh bạn có đọc những chuyện về chuyến thăm Đất Thánh vừa qua không? Đức Giáo Hoàng phát biểu nhiều vấn đề dễ gây hiểu lầm! Rồi chuyến thăm phi châu, Ngài nói về vấn đề ‘bao cao su’ thật là vô trách nhiệm…

Tôi hết sức ngạc nhiên khi nghe người ấy phát biểu ngược với những điều mình có trong đầu. Tôi trao đổi với ông ta rằng: chuyến thăm Đất Thánh của Đức Thánh Cha có một kết quả tuyệt vời đấy chứ, Ngài cổ võ cho hòa bình giữa 2 dân tộc cùng biết nhìn nhận nhau và biết nghĩ đến nhau, Ngài cổ võ sự hiểu biết lẫn nhau giữa 3 tôn giáo lớn, và tiếng nói của Đức Thánh Cha rất được mọi thành phần đón nhận. Còn chuyến thăm châu Phi thì quan điểm của Ngài cũng rất hợp lý và được nhiều người chấp nhận, Ngài nói: “bao cao su không thể giải quyết được đại dịch AID nếu không thay đổi lối sống: trinh khiết trước khi kết hôn và chung thủy trong hôn nhân, Giáo hội Công Giáo là người tích cực trợ giúp và chăm sóc những bệnh nhân AID ở Châu Phi, hơn nữa trong chuyến thăm đó Đức Giáo Hoàng cổ võ cho sự hòa giải giữa các dân tộc…”.

      Nhưng hình như người ấy không muốn nghe những điều trái ngược với quan niệm có sẵn trong đầu mình…nên tôi đành dừng lại, khuyến khích ông ta nếu có điều kiện thì nên tìm hiểu nhiều nguồn thông tin trên mạng, nếu mình chỉ dựa vào một nguồn thông tin nào đó thì sẽ bị họ ‘lái’ sang một chiều hướng mà tác giả muốn. Điều đáng buồn là nhiều người không có thói quen tìm hiểu các vấn đề thời sự xã hội và Giáo hội dựa trên nhiều nguồn thông tin, mà chỉ quen đọc những bài ‘tổng hợp’ của một vài phương tiện thông tin phổ thông, họ lấy thế làm đủ và tự hào mình biết rõ thời sự hơn ai hết. Thực ra những bài tổng hợp nầy đã được tô màu để bẻ lái quần chúng theo một chiều hướng nào đó. Đây là những gói ‘mì ăn liền’ dễ nuốt nhưng không có nhiều chất dinh dưỡng.

      Ví dụ muốn biết về vụ ông Galileo, chúng ta vào các trang Web và vào Google sẽ rõ. Vậy mà nếu ta không tìm hiểu, có người ‘mách’ cho ta biết: ngày xưa, Giáo hội Công giáo đã kết án ông Galileo, buộc ông ta vào cột rồi thiêu chết… thì ta cũng dễ tin, căm ghét Giáo hội và chính ta lại phao tin nhảm đó cho người khác. Trong thực tế thì ông ta không hề bị giam cầm, đánh đập và giết gì cả, mà chỉ bị buộc phải rút lại lời tuyên bố về thuyết Copernic, ông không chịu, và Giáo Hội ra vạ tuyệt thông cho ông…

      Tôi cũng thấy nhiều tài liệu được photo và phân phát cho nhiều người để phổ biến những  ‘niềm tin khá lạ lùng’, những tài liệu nầy thường nhòe nhoẹt – nên rất khó để tìm hiểu tường tận và thường chẳng có Đấng Bản Quyền nào phê chuẩn cả. Người ta bỏ tiền và công sức phổ biến cho nhiều để chính họ được lãnh ơn xá ... Điều nầy rất nguy hại về phương diện Đức Tin và ảnh hưởng đến ‘cái nhìn’ của xã hội về tôn giáo.

      Sống trong thời đại thông tin, chúng ta phải biết ‘chung sống với lũ, phải biết sàng lọc, phải biết thu góp tài liệu để phòng có khi cần đối chiếu. Đừng cầm dao phía đằng lưỡi trong lúc đưa phần chuôi cho thiên hạ cầm: “Điều ta không biết là vũ khí cho người kia”.

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Lỗi tại tôi mọi đàng



Trong pho sách Cựu Ước, đoạn văn được nhiều người biết đến và thường đem ra nghiền ngẫm là Thánh Vịnh 50. Đây là một bài ca sám hối được cho là của vua Đavít sáng tác - dâng lên Chúa tấm lòng tan nát vì đã phạm tội ngoại tình và giết người: “Xin khoan hồng thương con, lạy Chúa. Xóa tội con theo lượng hải hà. Rửa cho sạch hết điều lầm lỗi. Tẩy linh hồn cho khỏi tội khiên… Bởi vì con nhận biết tội mình và lầm lỗi hiện luôn trước mắt…



Đọc lại câu chuyện của vua Đavit, chúng ta cảm thấy ‘rùng mình’, vì nhận ra tội mình là một điều rất khó! Vua Đavit đã vụng trộm với bà Bethsabê, đã lập mưu giết chết tướng Uria, nhưng ông không nhận ra tội. Đến khi tiên tri Nathal vâng lệnh Chúa đến nói chuyện với nhà vua, tiên tri kể câu chuyện: Có một người nhà giàu, chiên cừu hàng vạn, một hôm có khách, đã không bắt chiên mình đãi khách, mà lại bắt con chiên duy nhất của anh hàng xóm để làm thịt. Nghe đến đây, vua Đavit nổi giận, lớn tiếng nói: “Nhân danh Thiên Chúa, kẻ nào làm điều xấu xa đó thì phải chết”. Vị tiên tri mới nói: “người đó là nhà vua đó”. Mãi đến lúc nầy, vua Đavít mới nhận ra tội mình đã phạm và đã ăn năn thống hối.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 đã nói: “Thảm họa lớn nhất của thời đại hôm nay là người ta đã mất cảm thức về tội”. Quả thật, nhan nhản người Công Giáo làm nhiều chuyện tày trời, nhưng dường như họ cho đó là chuyện bình thường của cuộc sống, họ vẫn an bình và rước lễ thường xuyên… quả là đại họa cho nền luân lý tương đối, tùy hoàn cảnh. Nhiều người mỗi năm xưng tội một lần mà xét mình mãi vẫn không thấy tội để xưng… thật là đáng thương cho một lương tâm chai đá và không nhạy cảm về tội nữa rồi. Một lương tâm nhạy cảm được ví như tấm gương được tráng một lớp sơn phía sau, còn lương tâm chai lỳ thì giống như đã tróc hết lớp sơn đó, nên không phản chiếu được khuôn mặt của Thiên Chúa bị xúc phạm. 


Nhận ra thân phận  trần trụi và khô cằn của chính mình là điều kiện tối cần để ta cất bước trở về nhà Giáo hội – giống như người con thứ trong Tin Mừng Luca 15,17 . Nhưng lòng kiêu ngạo làm ta rất khó nhìn nhận sự yếu hèn của chính mình, chẳng vậy mà nhiều người đã rơi lệ khi chứng kiến các linh mục giáo tỉnh Huế cùng đồng loạt và chân tình thú nhận tội mình đã phạm với Chúa và anh em. Đa số chúng ta giống như người anh cả trong Tin Mừng Luca: chúng ta vẫn ở trong nhà Cha, nhưng lại tự coi mình là đầy tớ đã ‘hầu hạ’ Cha bao năm. Chúng ta ít phạm tội nặng, nhưng muôn vàn tội nhẹ cũng đủ làm cho ta khó nhận ra tình thương Cha dành cho mình và khó nhận ra ‘thằng con của Cha kia’. Có câu chuyện kể rằng: Có 2 người cùng leo núi để gặp một vị ẩn sĩ; một người rất đau khổ vì một tội rất nặng mình đã phạm – vị ẩn sĩ bảo anh ra ngoài khiêng một hòn đá thật lớn vào nhà- và anh ta khệ nệ làm theo; còn một người khác với dáng đi thanh thoát vì anh ta chỉ phạm những lỗi nhẹ- vị ẩn sĩ bảo anh ra ngoài nhặt một nắm những hạt sỏi - và anh ra thực hiện yêu cầu rất thoải mái. Một lát sau, vị ẩn sĩ bảo cả 2 người hãy trả lại chúng đúng vị trí của nó. Lần này tình thế bị đảo ngược: người thứ nhất dễ dàng trả hòn đá lớn vào đúng vị trí ban đầu, còn người kia thì dường như không thể trả các hòn sỏi nhỏ về chỗ cũ. Thế đó, khi ta nghĩ rằng mình chỉ phạm những lỗi nhẹ, nên mình yêu ít và được tha ít, còn kẻ được tha nhiều sẽ yêu mến nhiều hơn.

Hình ảnh người con cả rất đáng cho ta suy nghĩ, vì trước đây anh vẫn chưa hiểu được tình yêu thương Cha dành cho mình, và hôm nay anh cũng không chịu vào nhà để hiệp thông với cả gia đình. Trong bữa tiệc cánh chung, "người ta sẽ từ đông sang tây đến ngồi dự tiệc, còn con cái trong nhà lại bị đuổi ra ngoài". Có câu chuyện kể rằng: Có một người đạo đức nọ chết, ông ta được Thánh Phêrô thả cho một chiếc thang dây để có thể leo lên trời. Thời điểm ông ta chết, cũng có mấy kẻ tội lỗi cũng chết, và họ xin được bám vào chân anh mà lên thiên đàng. Nhưng khi sắp bước vào cổng thiên đàng, người đạo đức kia bỗng nghĩ: "Thật là bất công, nếu những kẻ tội lỗi kia cũng được như mình, uổng công cho mình vì một đời vất vả giữ đạo". Nghĩ thế, anh ta liền lấy hết sức để đạp cái đuôi phía sau mình cho đứt ra. Nhưng vì cú đạp quá mạnh nên chiếc thang dây cũng bị đứt và chính anh ta cũng bị rơi tõm xuống hỏa nguc. 


“Xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con” (Thánh Augustinô). Biết Chúa là người cha nhân từ và luôn tôn trọng tự do của con người, nên không thể ngăn cản sự ra đi của người con thứ. Người cha ấy ngày ngày mong mỏi đứa con đi hoang trở về nhà, ông đã vỗ béo một con bê, ông đã sắm sẵn một bộ đồ: áo, nhẫn và dép. Chính những người đầy tớ và người con cả cũng biết rõ những sắm sửa và mục đích của những thứ 'để dành' đó...Vừa trông thấy con từ đàng xa, ông chẳng chờ con mở miệng, ông quên hết cơ nghiệp đã bị nó phá tan, ông chạy tới ôm con và 'hôn lấy hôn để'. Thật là tuyệt vời. ..Và xin cho con biết thân phận yếu hèn của mình, có vậy con mới ‘dễ tính’ với anh em và mới biết cậy dựa vào Chúa.

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

HAI DÒNG NƯỚC









Những dòng sông lớn thường bắt nguồn từ những rặng núi cao, khởi đầu chỉ là những tia nước nhỏ vọt lên từ những tảng đá trong những khe núi. Hàng ngàn khe suối nhỏ tạo nên dòng sông lớn với nguồn nước mát và lành. Dòng sông chuyển mình qua những khu dân cư và thường bị uế tạp bởi những đồ phế thải của con người và súc vật, đến nỗi có những dòng sông bị ô nhiễm trầm trọng.



Dòng đời ta đang sống và cuộc sống của mỗi người được ví như dòng sông. Chúng thường bị pha tạp bởi nguồn nước trần tục vào nguồn nước thần linh. Lúc khởi đầu của công trình tạo dựng và lúc mới chào đời, con người là hình ảnh của Đấng Tạo Thành, con người được Thiên Chúa dạy cho biết mình chỉ là bình sành trong tay người thợ gốm – nên phải nhận biết, yêu mến và phụng thờ Thiên Chúa; và rằng cuộc sống trên trần gian chỉ là kiếp phù du đang tiến bước về quê trời – là quê hương thật. Thế nhưng cuộc sống của con người Việt Nam hiện đại được báo chí phản ánh cho biết: các quán nhậu ở riêng TP. Hồ Chí Minh là vô số kể và lúc nào cũng đông nghẹt người, mỗi đêm người dân thành phố chi cho việc ăn nhậu và hưởng thụ cuộc sống hàng chục tỷ đồng; người ta đua nhau mua xe đời mới và chạy theo các ‘mốt thời thượng’;  càng ngày người dân bỏ nhiều tiền hơn vào các thẩm mỹ viện, người ta không dám đẻ và cho con bú vì sợ ảnh hưởng đến sắc đẹp, người ta bỏ tiền thuê người giúp việc - vì sợ xấu khi làm việc tay chân, người ta đua nhau đi du lịch…Tiền bạc, sắc đẹp và vui thú đã trở thành thần tượng cuộc đời nhiều người trong thế hệ này.


Nhân chuyến tông du của Đức Thánh cha Benêdictô tới Bồ Đào Nha, qua báo chí, chúng ta biết được rằng luật pháp nước này đã chấp nhận ly dị, nới lỏng luật phá thai và có lẽ ngay sau chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, họ sẽ bỏ phiếu chấp nhận hôn nhân đồng giới. Bài báo cho biết, Quốc hội bỏ phiếu là vì đòi hỏi của người dân – chứ không phải vì muốn chống lại Giáo Hội, mà trước đây nước này được xem là một vương quốc Kitô giáo. Và cũng mới đây, một vị Giám Mục Côsta Rica bị tòa án "phạt" vì cổ võ dân chúng bỏ phiếu phù hợp với giáo huấn của Giáo hội. Ðức cha Ulloa đã nói với giáo dân như sau: "Chúng ta đang đương đầu với một chiến dịch trong đó chúng ta phải cẩn thận để chọn lựa người sẽ cai trị chúng ta. Chúng ta thấy được ứng cử viên nào chối bỏ Thiên Chúa và bênh vực những nguyên tắc đi ngược lại sự sống, hôn nhân và gia đình. Do đó chúng ta phải trung thành với đức tin của chúng ta và không thể bỏ phiếu cho họ theo lương tâm của chúng ta".

Ngày ngày qua phim ảnh, qua những câu chuyện cuộc đời và môi trường học đường, mỗi người đang dần bị thấm nhiễm dòng nước trần tục: giả dối, ly dị, pro–choice, hưởng lạc và muốn nắm giữ lại cho riêng mình. Trong bài ‘những giọt lệ hồng’ có một lời thuyết pháp thật đáng nhớ: “Con người ta sở dĩ đau khổ triền miên là tại mình muốn nắm giữ! Cái gì cũng khư khư ôm chặt. Làm sao giữ mãi được vì bản chất của chúng là vô thường, là không. Hãy buông bỏ hết đi, chừng nào bỏ được, chừng ấy mới có chân hạnh phúc!”  Sách Giảng Viên đã diễn tả vẻ phù du của kiếp người và vũ trụ nầy: “Chẳng có gì lạ dưới ánh mặt trời này, chuyện hôm nay xảy ra thì đã từng xảy ra lâu rồi. Có thời sinh ra thì cũng có thời lìa thế, có thời ôm hôn thì cũng có thời để lìa nhau. Có thời trồng cây thì cũng có thời nhổ cây. Có thời thu góp thì cũng có thời phân tán”. Để đánh giá một con người, người ta thường nói: cái nết đánh chết cái đẹp, sức mạnh tâm hồn đáng quý hơn sức mạnh của cơ bắp, một cuộc sống biết dâng hiến và trao ban thì tốt đẹp hơn là chỉ biết thu góp và hưởng thụ cho bản thân mình.

Dòng đời này đang trôi nhanh và cuộc sống từng người là một cuộc chạy hết tốc lực. Nhưng hãy biết dừng lại xét xem mình đang chạy đi đâu và tìm gì. Phải biết gạn đục khơi trong để tìm lại nguồn nước trong lành của bản thể mình: hướng đôi mắt về trời để tìm kiếm những sự ở trên ấy, nơi mối mọt không gặm nhấm và trộm cắp không đục khoét được.