Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2019

Tùng phục lẫn nhau


Trong thư Ep (5,21-24), Thánh Phaolô nói đến sự tùng phục lẫn nhau. Sự tùng phục nầy phát xuất từ sự tùng phục thánh ý Chúa. Thiên Chúa đã khôn ngoan xếp đặt tha nhân quanh ta cùng chung sống với nhau, đó là một mầu nhiệm của cuộc sống. Đôi khi ta chán ghét và than trách vì phải chịu đựng người này người nọ, vì chúng ta chỉ hiểu một khía cạnh của vấn đề, mà không nhìn đến nguồn gốc của vấn đề là Thánh ý Chúa muốn như vậy.

Người tu sĩ có 3 lời khấn: khiết tịnh, vâng phục và khó nghèo, nhưng người linh mục chỉ có hai lời khấn là khiết tịnh và vâng phục thôi. Có thể nói rằng người giáo dân sống đời hôn nhân cũng có những lời khấn: khiết tịnh trong hôn nhân và vâng phục lẫn nhau. Người vợ tùng phục chồng thì đã rõ, vì đã có lời Thánh Phaolô nói tới: “vợ hãy phục tùng chồng, vì chồng là đầu của vợ, cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh”. Còn người chồng thì sao? Thánh Phaolô dạy: người làm chồng hãy yêu thương vợ như Đức Kitô yêu Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh. Đã hẳn khi yêu vợ thì phải bỏ ý riêng mình, không tìm thỏa mãn sở thích riêng, nhưng phải nghĩ đến cách làm hài lòng vợ, hy sinh vì vợ… như vậy không phải tùng phục nhau là gì?

Nhiều nhà tu đức đã khám phá ra con đường chắn chắn nhất để có sự bình an tâm hồn và để nên thánh đó là tìm kiếm thánh ý Chúa. Nếu một người thường xuyên tìm kiếm ý Chúa như sự thiện duy nhất trong hành trình nên thánh, họ sẽ nhận ra những sự tùng phục khác trong cuộc sống: bề trên trong cộng đoàn tu trì, cha mẹ và anh chị trong dòng tộc, người phối ngẫu trong hôn nhân, con cái trong gia đình (điều răn thứ tư còn đòi buộc cha mẹ vâng lời con cái trong những điều đem lại thiện ích, vì tiếng nói của con cái phản ảnh ý muốn của Chúa), tha nhân quanh ta cũng buộc ta phải vâng lời khi điều đó mang lại thiện ích cho sự chung sống, và khi ta đón nhận những hoàn cảnh cụ thể xảy đến trong cuộc đời cũng là cách tùng phục ý Chúa.


Một người thường xuyên tùng phục ý Chúa và tùng phục nhau sẽ dễ dàng dâng lời tạ ơn trong mọi hoàn cảnh, vì họ nhận ra tất cả là hồng ân và là quà tặng Thiên Chúa tặng ban cho mình. Trái lại, một người chỉ biết làm theo ý riêng sẽ thường xuyên bất mãn về cuộc sống, vì họ không biết bằng lòng với cuộc sống. Những kẻ vô ơn thường trở nên gánh nặng cho những người chung sống, vì họ xem mình là nhân vật quan trọng (vip), không phải biết ơn ai và vâng lời ai.


Thánh Augustinô có một lời cầu nguyện rất tuyệt vời: “Xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con…”. Biết Thiên Chúa là Đấng Tạo dựng nên muôn loài và là Cha nhân lành, biết con là thân mọn hèn. Lời cầu nguyện nầy cần phải được ta lặp lại mỗi ngày, vì càng biết Chúa tốt lành và phận mọn hèn của mình, con người càng hạ mình xuống để tạ ơn Chúa và tùng phục lẫn nhau, biết ơn nhau và đón nhận nhau như những món quà chứ không phải là của nợ. 

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2019

Nội đêm nay



Trong bài Tin Mừng CN 18 TN C (Lc 12,13-21) có nói đến 3 từ ngữ làm chúng ta phải giật mình vì sự đột xuất của nó: ‘nội đêm nay’. Không có sự chuẩn bị và lựa chọn, bị động và phải rứt bỏ quá khứ ngay tức khắc để lên đường.

Sự đột xuất đã xảy ra cho người phú hộ trong câu chuyện trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Ông ta lên kế hoạch cụ thể cho việc tích trữ của cải và hưởng thụ cuộc đời lâu dài, thế nhưng Chúa có kế hoạch khác là chấm dứt cuộc đời trên trần thế của ông để đưa ông vào cõi ngàn thu. Đó là quyền năng của Chúa và không thụ tạo nào trên trần gian có quyền can thiệp vào kế hoạch của Ngài. Điều đáng tiếc ở đây là kế hoạch của phàm nhân không trùng khớp với ý định của Đấng Càn Khôn. Nhưng dầu sao đây chỉ là câu chuyện ảo.

Chính bản thân tôi đã được cảm nghiệm việc ‘đột xuất bị đưa đi’ như vậy để phần nào cảm nghiệm được câu nói của Chúa Giêsu: “Chính lúc các con không ngờ thì Con Người sẽ đến”. Hôm nọ, tôi vừa bị mất ĐT mà không biết, vừa được lệnh lên đường đi nuôi bệnh nhân ở một bệnh viện chưa bao giờ đặt chân đến: mất hết mọi liên lạc, bỏ lại môi trường sống êm ả và những bận tâm thường ngày, chỉ với một ít hành trang và tiền bạc, chơi vơi trong một khung trời mới với một ước mong mọi sự đều qua đi tốt đẹp với sự che chở của Chúa. Tôi cảm nghiệm rằng sẽ có một ngày mình cũng bị bốc đi khỏi trần gian như thế: cũng bất ngờ, cũng đột xuất và không thể thương lượng về thời gian, tình trạng thế nào thì chấp nhận thế ấy. Sống thế nào thì thác thế ấy là vậy. Nghe bảo rằng ở vương quốc đó chỉ sử dụng một loại tiền công đức, tên gọi của nó là ‘những đồng tiền mình đã cho đi’ khi ở trần gian.


Tôi liên tưởng đến câu chuyện về cuộc đời Thánh Phanxicô Xaviê. Ngay những ngày đầu Dòng Tên mới được thành lập, chỉ có 7 thành viên, cha Phanxicô được lệnh lên đường sang châu Á để truyền giáo, một chuyến ra đi không hẹn ngày trở về. Ngài đến truyền giáo ở Ấn Độ, Nhật Bản và tìm cách vào Trung Hoa, một mình tự xoay xở nơi vùng đất xa lạ về ngôn ngữ và văn hóa. Cha bị đưa đi khỏi môi trường văn hóa của châu Âu, của môi trường danh vọng là giáo sư đại học Paris, để dấn thân vào môi trường lạc hậu về văn hóa, đầy dẫy những mối nguy về bệnh tật và tẩy chay về một tôn giáo xa lạ. Sau hơn 10 năm truyền giáo, cha đã rửa tội cho rất nhiều người và đã chết vì bệnh sốt rét: cô đơn trên một hòn đảo nhìn vào mảnh đất truyền giáo Trung Hoa.

Tôi cũng liên tưởng đến bao nhiêu người trẻ, có những người tràn đầy ước mơ cho tương lai với những mảnh bằng vừa học xong, nhưng rồi bệnh tật và có cả cái chết xảy đến với họ, khiến họ như sợi chỉ bị cắt ngang trong tay người thợ dệt. Mẹ Têrêxa Calcutta có kể một câu chuyện: Có một người nữ tu vừa đi du học về, tràn đầy những dự tính trong hoạt động của dòng, chị bị bệnh nan y, chị hỏi mẹ Têrêxa: “Tại sao vậy hở mẹ?”- “Chúa cần chính bản thân con”.

Thiên Chúa có một kế hoạch cho mỗi cuộc đời, đó là một mầu nhiệm ẩn dấu và con người chi biết phó thác vâng phục – dù mình không hiểu và dù trái ý. Dù bị đem đi khỏi cuộc đời ‘nội đêm nay’ hay có điềm báo trước, thì ai nấy cũng phải chấp nhận mà không được ý kiến. Bởi vậy, Chúa nói với ta: các con hãy sẵn sàng và tỉnh thức, vì lúc các con không ngờ thì Con Người sẽ đến. Và dù thế nào đi nữa, bạn hãy biết rằng: điều xảy ra là điều tốt nhất mà Cha nhân lành đã định liệu cho xảy đến, và trong mọi hoàn cảnh hãy biết cảm tạ và phó thác – như con thơ trong tay mẹ hiền.






Dấu lặng giữa đời thường


Tôi vừa trải qua một thời gian ngắn đi nuôi bệnh nhân, có dịp chứng kiến tấm gương kiên nhẫn của một gia đình ngoại giáo. Xin ghi lại như một chứng từ gương sáng về cuộc sống gia đình.
Ngay giây phút đầu tiên chung sống cùng phòng lưu cấp cứu, mọi sự đều ngỡ ngàng và mọi người đều xa lạ, mọi ánh mắt nhìn nhau như dò hỏi. Tôi nhìn thấy người chồng bị bệnh, người vợ cùng với người con trai đều có khuôn mặt nhỏ thó, rất khó gần. Thế nhưng, càng ngày càng nhận ra nhiều điều tốt nơi họ, cảm giác khó ưa dần biến thành sự cảm phục khi biết hoàn cảnh bệnh tật của người chồng và nỗi vất vả của hai mẹ con đã trải qua.

Sở dĩ cả phòng cấp cứu phải để ý đến gia đình nầy là vì người chồng cứ rên rỉ kêu la vì đau đớn nhiều đêm liền khiến ai nấy phải chịu đựng và khó ngủ về đêm. Hỏi ra mới biết, dù mới ngoài tuổi 50 nhưng người chồng này đã trải qua hơn 10 lần nằm viện vì tai biến, mỗi lần nằm viện đến vài tuần, cả ở Bmt và Saigon, ấy thế mà 2 người con trai và vợ cứ kiên nhẫn chịu khó chăm sóc rất tận tình, vì thế khuôn mặt họ mang dáng vẻ gầy guộc so với vóc dáng cao lớn của họ.


Sự cảm phục đầu tiên là sự chung thủy của người vợ và sự kiên nhẫn của những người con. Nhìn sự nhẫn nại của họ tôi liên tưởng đến sự chung thủy của những người vợ hiền được mô tả trong Kinh Thánh, do sự ràng buộc của bí tích hôn phối: sự gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly. Nhưng khi biết họ là người ngoại đạo, thì ra đây là tình nghĩa vợ chồng và sự hiếu thảo của con cái. Tôi chợt nghĩ đến biết bao nhiêu gia đình khác, nhất là gia đình trẻ và có cả người Công giáo, thường tan vỡ khi người phối ngẫu không ‘đủ điều kiện cần có’ thì họ ‘bỏ của chạy lấy người’ và họ tự trấn an rằng đây là cách thoát hiểm an toàn, là lẽ đương nhiên của người khôn ngoan.

Sự cảm phục thứ hai: đây là những người sẵn lòng giúp đỡ người khác. Dù phải vất vả đêm ngày để xoa bóp và thoa dịu những cơn đau, hai mẹ con này rất mau mắn chỉ vẽ và ra tay giúp đỡ người khác. Tuy chỉ là những chuyện nhỏ nhặt thôi, nhưng đây cũng là một dấu lặng làm nhiều người phải suy nghĩ, vì trong cuộc sống đời thường người ta thường không quan tâm giúp đỡ nhau nhiều, mạnh ai nấy sống và ‘ai chết mặc ai, miễn là ông có lợi’. Sự giúp đỡ của hai mẹ con chẳng mang tính cầu lợi mà chỉ là là do tình người: thương người như thể thương thân.

Sự thương cảm của những người trong cơn hoạn nạn dẫn đến sự chia sẻ và cảm thông. Chính trong cơn hoạn nạn và ‘không lo lắng về nhiều chuyện’ con người dễ gần gũi nhau, còn khi giàu có chẳng ai cần đến ai nhiều. Khi mới nhập phòng bệnh, mọi người đều lạ lẫm, nhưng dần dà ai nấy tìm hiểu thêm về hoàn cảnh sống của nhau, rồi làm quen nói chuyện và động viên nhau, đến nỗi cảm thấy bịn rịn khi chia tay vì chuyển phòng hay xuất viện.



Chẳng hay ho gì khi phải đến bệnh viện. Nhưng nếu phải sống ở đó và nhất là khi phải nằm viện thì đó cũng là một dấu lặng giữa đời thường, khiến mình điều chỉnh cuộc sống theo chiều hướng tích cực hơn: có những người tuy chỉ sống theo lương tâm và theo luật tự nhiên được Chúa khắc ghi trong tâm hồn họ, nhưng lại là tấm gương phản chiếu khuôn mặt Chúa cho nhiều người; hãy tập quan tâm đến những người thân, bạn bè, anh em đồng đạo và mọi người trong khả năng Chúa ban cho mình, vì đây là cách làm giàu trước mặt Thiên Chúa vậy.

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2019

Đứa trẻ hư


Một đứa trẻ hư thường được hiểu là đứa trẻ hay đòi quà bánh, mê chơi games và không biết nghe lời cha mẹ. Nguyên do là đứa trẻ đó ít được người lớn dạy bảo từ nhỏ và thường được nuông chiều quá đáng. Một đứa trẻ hư cần được người lớn thông cảm vì sự hiểu biết cuộc sống còn nhiều hạn chế và nếu được hướng dẫn đúng cách thì nó sẽ có sự tiến bộ trong tương lai.

Tôi muốn dùng hình ảnh một đứa trẻ hư để nói về một tình trạng ấu trĩ tâm lý của những người đã bước qua tuổi trưởng thành từ lâu nhưng dường như họ trẻ mãi mà không già dặn về tâm lý. Đặc điểm thứ nhất là họ nói những điều không nên nói. Người khôn ngoan là người nói điều có ích, đúng lúc và đúng chỗ. Ở đây, đứa trẻ hư hễ mở miệng là thường nói những lời không nên nói và gây khó chịu cho người nghe. Đứa trẻ này xem mình như trung tâm vũ trụ, cần phải được quan tâm chăm sóc. Thánh Giacôbê nói: mỗi người trong anh em hãy mau nghe nhưng chậm nói. Chính những lời ta thốt ra nơi cửa miệng bộc lộ những điều thầm kín nơi tâm hồn: vị tha hay vị kỷ. Người ta thường nói tốt về mình và nói những điều không hay của người khác, đây không phải là thật thà mà là quá đơn sơ và thiếu khôn ngoan.

Đặc điểm thứ hai là không biết bằng lòng với cuộc sống. Một đứa trẻ thường cứ vòi vĩnh hết bánh kẹo đến đồ chơi, không bao giờ biết bằng lòng và không biết thông cảm với điều kiện kinh tế của cha mẹ, không nghĩ đến điều gì khác ngoài việc thỏa mãn nhu cầu của bản thân nó: thêm nữa, thêm nữa.

Đặc điểm thứ ba của một đứa trẻ hư là khép kín và ngại giao tiếp với người khác. Nguyên do sâu xa có lẽ thuộc về lãnh vực tâm lý: không tự tin và không dám mạo hiểm. Có thể đứa trẻ này đã gặp nhiều đau khổ trong một gia đình không bình yên và không có nhiều tình thương của cha mẹ, dẫn đến sự khép kín và dè chừng với mọi người. Người mặc cảm thường có khuôn mặt nghiêm nghị, khó gần và thường nói những lời trách móc và châm chích, làm mếch lòng người khác.

Đặc điểm nữa cũng thường gặp là đứa trẻ này thường phá phách và làm trái những điều được yêu cầu, làm những điều có vẻ rồ dại của đứa trẻ nổi loạn: đua xe, hút chích, rượu… là để gây chú ý của người khác. Khi còn nhỏ, muốn gây sự chú ý, đứa trẻ thường khoe khoang về những thứ nó có và thường khuếch đại lên; nhưng khi qua tuổi lớn, khuynh hướng này thường biến thành hành động làm cho người lớn phải quan tâm và chú ý đến mình, dường như những kẻ có liên quan càng đau khổ thì nó càng sướng và thỏa mãn.


Tuy tôi không phải là nhà tâm lý, chỉ là suy nghĩ của một người đã phần nào từng trải vì tuổi đời, cũng xin đưa ra vài biện pháp. Đừng nguyền rủa đứa trẻ hư này nữa, hãy hiểu tâm lý mặc cảm tự ti của nó và hoàn cảnh đưa nó đến tình trạng này. Hãy nhìn đứa trẻ theo chiều hướng tích cực để giúp nó vượt qua những khó khăn về tâm lý mà chính nó nhiều khi cũng không hiểu được chính mình, vì những vết thương lòng và vì sự hạn chế của tuổi tác. Chỉ có tình thương mới giúp đứa trẻ này lớn lên, còn sự bỏ mặc và giận ghét sẽ làm cho bệnh mặc cảm tự ti của nó tăng thêm mà thôi.