Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 11 tháng 3, 2021

PHÉP LẠ LỘ ĐỨC VÀ BÁC SĨ ALEXIS CARREL

 



"Theo Mẹ, bạn sẽ không lạc đường.

Kêu xin Mẹ, bạn sẽ không nếm mùi thất vọng.

Mẹ nâng đỡ, bạn không thể vấp ngã.

Mẹ phù trì, bạn sẽ được an toàn" trong vĩnh phúc.

"Mẹ hướng dẫn, bạn sẽ không phải mệt mã trên đường.

Mẹ giúp đưa, bạn sẽ tới đích ngắm trông".

( Trích sách Mẹ Ơn cứu rỗi – Thánh Bênađô với kinh Mai Khôi )

Lạy Mẹ nhân hiền, Đấng hằng cứu giúp những ai khốn cùng khiêm tốn kêu cầu Mẹ, xin Mẹ hãy gìn giữ con. Con tin nơi Mẹ. Mẹ đã dùng một phép lạ cả thể để trả lời cho nghi ngờ của con. Con chưa biết nhận ra phép lạ và còn tiếp tục hồ nghi. Nhưng ước muốn lớn lao nhất và khát vọng thâm sâu nhất của lòng con là đạt đến Đức Tin !

Đó là lời cầu xin tha thiết của ông Alexis Carrel ( 1873 – 1944 ), bác sĩ người Pháp trẻ tuổi, tại Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức, vào một đêm khuya vắng năm 1903, sau khi chứng kiến phép lạ một thanh nữ được khỏi bệnh.

Alexis Carrel chào đời tại Lyon ( Bắc Pháp ) trong một gia đình Công Giáo đạo đức. Alexis mồ côi Cha năm lên 4 tuổi và được Mẹ giáo dục trong niềm kính sợ THIÊN CHÚA. Nhưng khi lớn lên và trở thành sinh viên xuất sắc, Alexis bỗng đánh mất Đức Tin Công Giáo đơn sơ trong tuổi thơ của mình. Việc Alexis mất Đức Tin một phần do ảnh hưởng chủ thuyết duy vật vô thần rất thịnh hành trong xã hội Âu Châu vào những thập niên cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Năm 30 tuổi, Alexis Carrel trở thành bác sĩ và là giáo sư giải phẫu học nổi tiếng của phân khoa thuốc đại học Lyon. Một ngày trong năm 1903, Giáo Phận Lyon tổ chức cuộc hành hương Lộ Đức dành riêng cho các bệnh nhân.

Vì bị ngăn trở vào phút chót, một bác sĩ bạn nhờ bác sĩ Carrel thay mình tháp tùng các bệnh nhân. Bác sĩ Carrel miễn cưỡng nhận lời, nhưng tận thâm tâm ông vui mừng vì được dịp nhạo cười và chỉ trích tại chỗ những chuyện gọi là ”phép lạ Lộ Đức”. Theo ông, đó chỉ là chuyện nhảm nhí của các tín hữu Công Giáo vô học, ngây thơ và dễ tin !

Trước luận cứ vô thần của ông, một bác sĩ khác, cùng tháp tùng các bệnh nhân trong chuyến hành hương Lộ Đức năm đó, vặn lại:

- Có những trường hợp bị ung thư, lao phổi nặng và bị mù lòa thật sự mà y khoa bó tay, lại được chữa khỏi cách lạ thường, khiến các bác sĩ thuộc đủ mọi quốc tịch – có Đức Tin hay không Đức Tin – đều không thể nào giải thích được. Vậy anh nghĩ sao ?

Bác sĩ Alexis Carrel vẫn ngoan cố trả lời: “Chuyện không thể nào xảy ra được ! Chắc chắn là các cuộc khám nghiệm không thi hành nghiêm chỉnh: trước, trong khi, và sau khi khỏi bệnh ! Cho tới giờ phút này, các phép lạ chưa được nghiên cứu một cách khoa học. Ngoài ra, chấp nhận phép lạ tức là chấp nhận sự kiện một cách ngu xuẩn, bởi vì, luật lệ thiên nhiên bất biến... Tuy nhiên, trước một sự kiện tỏ tường, chắc chắn người ta bị bó buộc phải công nhận. Do đó, nếu tôi tận mắt chứng kiến một sự kiện, hẳn tôi sẽ cúi đầu chấp nhận !”

Thách thức của bác sĩ Alexis Carrel được chính Đức Mẹ Lộ Đức trả lời.

Trong chuyến hành hương, bác sĩ Carrel được giao nhiệm vụ chăm sóc cách riêng một nữ bệnh nhân tên Marie Ferrand, 24 tuổi. Cô bị bệnh lao phổi ở thời kỳ chót và mắc thêm chứng bệnh sưng màng bụng đau đớn. Các bác sĩ bó tay và cô nằm chờ chết. Nhưng cô có nguyện vọng sau cùng là hành hương Lộ Đức. Lời van nài của cô được chấp thuận.

Chuyến đi càng làm cho bệnh tình cô nặng thêm. Khi đến Lộ Đức thì hầu như cô chỉ còn thoi thóp thở. Bác sĩ Carrel đặc biệt chăm sóc cô và ông thấy rõ cô có thể tắt thở bất cứ lúc nào. Ông nói với bác sĩ bạn: “Nếu cô này khỏi bệnh thì thật là phép lạ ! Lúc đó tôi sẽ tin và sẽ cắt tóc đi tu làm Thầy Dòng !”

Người ta định mang cô Marie Ferrand xuống hồ tắm, nhưng vì bệnh tình quá trầm trọng, người ta chỉ dùng nước suối Lộ Đức thoa rửa trên người cô. Bác sĩ Carrel luôn luôn đứng bên cạnh cô. Ông thầm thì: “Ôi ước gì con được giống như những tín hữu Công Giáo đáng thương, biết tin tưởng vào quyền lực chữa trị của nước suối Đức Mẹ! Xin Mẹ chữa lành thanh nữ này vì cô quá đau đớn. Xin Mẹ cho cô sống thêm thời gian nữa và xin cho con có được Đức Tin !”

Bỗng chốc, bác sĩ Alexis Carrel trông thấy rõ ràng bệnh nhân hồi sinh. Gương mặt cô gái từ từ trở nên hồng hào. Nhịp mạch, nhịp tim đập trở nên bình thường. Cái bụng phình to tướng đang từ từ xẹp xuống. Hiện tượng lạ lùng đó diễn ra trong vòng 20 phút. Đúng 3 giờ chiều, cô Marie Ferrand nói lớn tiếng: “Con đã được khỏi bệnh !”

Người ta mang đến cho cô một ly sữa, cô cầm lấy và uống như một người bình thường.

Trước sự kiện hiển nhiên đó, bác sĩ Alexis Carrel đành chấp nhận: “Một hiện tượng bất ngờ – không thể nào xảy ra – đã thực sự xảy ra !”

Từ sau phép lạ tại Lộ Đức năm 1903 đó, bác sĩ Alexis Carrel dần dần trở về với Đức Tin Công Giáo và qua đời vào năm 1944. Lúc sinh thời, bác sĩ Alexis Carrel đã tiến cao trên đài danh vọng, đã lãnh giải thưởng Nobel Y Khoa năm 1912. Nhưng khi chết, ông đã tắt thở trong Đức Tin đơn sơ của một đứa trẻ. Quả thật, hạnh phúc thay người có Đức Tin !

Albert Bessières, ”Le Voyageur de Lourdes: ALEXIS CARREL”,
Collection Convertis du XXè Siècle, Belgique, 1952
Nữ Tu Jean Berchmans MINH NGUYỆT

 

Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

Máu sạch

 



Nhà văn Matthew Kelly viết năm 2002

 

Bạn hãy tưởng tượng: Bạn đang lái xe về nhà vào thứ hai tuần tới sau một ngày dài làm việc. Bạn bật radio lên và bạn nghe một bản báo cáo ngắn gọn về một ngôi làng nhỏ ở Ấn Độ nơi một số người đột nhiên qua đời cách kỳ lạ do một bệnh hô hấp chưa từng thấy trước đây. Đó không phải là cúm, nhưng bốn người đã chết, vì vậy Trung tâm kiểm soát dịch bệnh đang cử một số bác sĩ đến Ấn Độ để điều tra.

Bạn không nghĩ quá nhiều về điều đó - người chết mỗi ngày mà - nhưng vào Chúa nhật tuần sau, trên đường đi từ nhà thờ về, bạn nghe một báo cáo khác trên radio, số người chết do dịch bệnh không còn là bốn người, mà là ba mươi ngàn người ở một ngôi làng của Ấn Độ. Toàn bộ ngôi làng đã bị xóa sổ và các chuyên gia xác nhận bệnh hô hấp này là một chủng loại chưa từng thấy trước đây.

Vào thời điểm bạn thức dậy vào sáng thứ Hai tuần tiếp theo, tin tức về dịch bệnh đã trở thành tin quan trọng. Bệnh dịch đang lan rộng. Không chỉ Ấn Độ bị ảnh hưởng, bây giờ nó đã lan sang Pakistan, Afghanistan, Iran, Iraq và bắc Phi,... Người ta bắt đầu bàn tán về câu chuyện này ở mọi nơi. Các phương tiện truyền thông hiện đã đặt tên nó là "bệnh cúm bí ẩn". Tổng thống đã tuyên bố rằng ông và gia đình đang cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ, và hy vọng tình hình sẽ được giải quyết nhanh chóng. Nhưng mọi người đang tự hỏi làm thế nào chúng ta sẽ chữa nó.

Khi đó, Tổng thống Pháp đưa ra một thông báo gây chấn động châu Âu: Ông đóng cửa biên giới Pháp. Không ai có thể vào nước này, và đó là lý do tại sao đêm đó trước khi đi ngủ, bạn xem một chút tin tức trên Kênh CNN. Bạn há hốc miệng khi nghe những lời của một người phụ nữ đang khóc được dịch sang tiếng Anh từ một chương trình tin tức của Pháp: Có một người đàn ông nằm trong bệnh viện ở Paris đã chết vì bệnh cúm bí ẩn. Nó đã đến Châu Âu.

Cơn hốt hoảng bùng nổ! Những điều mà người ta có thể nói cho bạn biết là sau khi nhiễm bệnh, bạn chỉ nhận biết nó sau một tuần, sau đó bạn có bốn ngày chiến đấu với các triệu chứng lạ thường của bệnh, và rồi bạn chết.

Người Anh đóng cửa biên giới, nhưng đã quá muộn. Bệnh bùng phát ở Southampton, Liverpool và London vào sáng thứ Ba. Tổng thống Hoa Kỳ đưa ra thông báo sau: "Do rủi ro an ninh quốc gia, tất cả các chuyến bay đến và đi từ Hoa Kỳ đã bị hủy. Tôi xin lỗi những người ở nước ngoài, họ không thể về nhà cho đến khi chúng tôi tìm ra cách chữa trị căn bệnh khủng khiếp này."

Trong vòng bốn ngày, nước Mỹ rơi vào một nỗi sợ hãi không thể tin được. Mọi người đang tự hỏi, nếu nó đến đất nước này thì sao? Sau đó vào tối thứ ba, bạn đang ở nhà thờ để học Kinh Thánh, thì ai đó chạy vào từ bãi đậu xe và hét lên, "Bật radio!". Và trong khi mọi người nghe một chiếc radio nhỏ, thông báo được đưa ra: Hai người phụ nữ đang nằm trong bệnh viện ở thành phố New York sắp chết vì bệnh cúm bí ẩn. Nó đã đến Mỹ.

Trong vài giờ bệnh dịch đã bao trùm cả nước. Mọi người đang làm việc suốt ngày đêm, cố gắng tìm thuốc giải độc, nhưng không có gì hiệu quả. Bệnh bùng phát ở California, Oregon, Arizona, Florida, Massachusetts. Như thể nó đang tràn vào qua các ngã đường biên giới.

Rồi đột nhiên tin tức xuất hiện: Bí ẩn của dịch bệnh đã được giải mã. Một phương pháp chữa bệnh dịch đã được tìm thấy. Một loại vắc-xin có thể được tạo ra để cứu mọi người. Nhưng vắc-xin đó cần máu của một người chưa từng bị bệnh, máu của một người tinh sạch. Vì vậy, bạn và tôi cùng mọi người được yêu cầu đi làm một điều duy nhất, đó là đến bệnh viện gần nhất và xét nghiệm máu. Khi nghe thấy tiếng còi báo động trong khu phố của mình, mọi người sẽ đến bệnh viện một cách nhanh chóng, lặng lẽ và an toàn.

Chắc chắn, đến lúc bạn và gia đình đến bệnh viện thì đã vào tối muộn hôm thứ Sáu. Có rất nhiều người và các bác sĩ và y tá liên tục lấy máu và dán nhãn lên đó. Cuối cùng, đến lượt bạn. Bạn đi trước, sau đó vợ và con bạn theo sau. Sau khi một bác sĩ lấy máu của bạn, họ nói với bạn: "Vui lòng đợi ở bãi đậu xe để được gọi tên nhận kết quả." Bạn đứng với gia đình cùng hàng xóm xung quanh trong sự sợ hãi, trông ngóng, và tự hỏi thầm: “Chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy? Đây có phải là ngày tận thế? Làm thế nào điều này có thể xảy ra được?”

Không ai được gọi tên, các bác vẫn cứ lấy máu từng người. Nhưng rồi đột nhiên một thanh niên chạy ra khỏi bệnh viện, la hét. Anh ta hét một cái tên của ai đó và vẫy vẫy một tập hồ sơ. Bạn không nghe thấy anh ấy nói lúc đầu. Có người hỏi "Anh ấy nói gì?". Chàng trai hét lên tên đó một lần nữa trong lúc anh ta và một đội ngũ nhân viên y tế chạy về phía bạn, nhưng một lần nữa bạn không thể nghe anh ta nói. Nhưng sau đó, con trai của bạn kéo mạnh áo khoác của bạn và nói, “Cha ơi, đó là con. Họ đang gọi tên con” Trước khi bạn biết điều đó, họ đã tóm lấy cậu bé. Bạn vừa nói vừa chạy theo họ: "Đợi một chút. Chờ đã! Đó là con trai tôi." 

Họ trả lời: "Không sao đâu, chúng tôi nghĩ rằng cậu bé có nhóm máu phù hợp. Chúng tôi chỉ cần kiểm tra thêm một lần nữa để chắc chắn rằng nó không mắc bệnh."

Năm phút sau có kết quả, các bác sĩ và y tá mừng phát khóc và ôm chầm lấy nhau; một số thậm chí còn cười lớn tiếng. Đây là lần đầu tiên bạn thấy một người cười trong suốt một tuần qua. Một bác sĩ già đến gặp bạn và vợ của bạn và nói: "Cảm ơn. Máu của con trai bạn rất hoàn hảo. Nó sạch sẽ, tinh khiết, nó không mắc bệnh và chúng tôi có thể sử dụng nó để tạo ra vắc-xin."

Khi tin tức bắt đầu lan truyền khắp bãi đậu xe, mọi người la hét, cười có, khóc có, có người dâng lời cầu nguyện để tạ ơn. Trong khi đó, vị bác sĩ kéo vợ chồng bạn ra mà nói, "Tôi cần nói chuyện với bạn. Vì cậu bé là trẻ vị thành niên, nên chúng tôi... chúng tôi cần bạn ký một mẫu đơn đồng ý."

Bác sĩ đưa mẫu đơn ra và bạn nhanh chóng sửa soạn ký tên, nhưng đột nhiên bạn dừng lại vì thấy điều gì đó không ổn. Ô trống ghi lượng máu để lấy vẫn còn để trống”

Và bạn hỏi: “các ông cần bao nhiêu máu của con tôi?”. Nụ cười của vị bác sĩ già từ từ tan biến. Một cách lúng túng, vị bác sĩ trả lời: “Chúng tôi không biết người có máu sạch lại là một đứa trẻ. Chúng tôi không chuẩn bị cho trường hợp này.”

Bạn hỏi vị bác sĩ một lần nữa, "Các ông cần bao nhiêu máu?” Vị bác sĩ già nhìn đi chỗ khác và nói một cách tiếc nuối: "Chúng tôi sẽ cần tất cả lượng máu của cậu bé!"

"Nhưng, tôi không hiểu. Ý ông là gì? Ông cần tất cả máu của nó sao? Nó là con trai duy nhất của tôi!"

Vị bác sĩ nắm vào vai bạn, kéo bạn lại gần, nhìn thẳng vào mắt bạn và nói, "Chúng tôi đang nói về vấn đề tồn vong của cả thế giới. Anh có hiểu không? Cả thế giới. Xin vui lòng, ký vào mẫu đơn. Chúng tôi cần gấp lắm!"

Bạn nài nỉ: "Nhưng sao các ông không cho ai đó truyền máu cho con tôi?”

"Nếu chúng tôi có máu sạch, chúng tôi sẽ làm, nhưng chúng tôi không thể có. Xin làm ơn ký vào mẫu này?"

Trong sự im lặng tê buốt, bạn ký vào mẫu đơn vì bạn biết đó là điều duy nhất bạn phải làm. Sau đó, bác sĩ nói với bạn: "Anh có muốn gặp mặt con trai lần cuối, trước khi chúng tôi bắt đầu lấy máu không?"

Bạn đi vào phòng bệnh viện nơi con trai bạn đang ngồi trên bàn và nó nói: "Cha ơi? Mẹ ơi? Chuyện gì đang xảy ra vậy?" Bạn có thể nói với con trai bạn rằng bạn yêu nó không? Và khi các bác sĩ và y tá quay lại và nói với bạn: "Tôi xin lỗi, chúng tôi phải bắt đầu ngay bây giờ; mọi người trên khắp thế giới đang chết dần", bạn có thể đi ra ngoài không? Bạn có thể đi ra ngoài trong khi con trai bạn đang khóc với bạn: “Cha? Mẹ? Chuyện gì đang xảy ra vậy? Cha mẹ đang đi đâu vậy? Tại sao cha mẹ lại bỏ đi? Tại sao cha mẹ lại bỏ rơi con?"
 

 


Tuần sau, họ tổ chức một buổi lễ để tôn vinh con trai của bạn vì sự đóng góp phi thường của cậu bé cho nhân loại, nhưng trong buổi lễ, một số người ngủ gục, những người khác thậm chí không thèm đến vì họ có những điều tốt hơn để làm, và một số người có nụ cười tự phụ và giả vờ quan tâm, trong khi những người khác ngồi xung quanh và nói, "Điều này thật nhàm chán!". Chẳng lẽ, bạn không muốn đứng thẳng dậy và nói: "Xin lỗi! Tôi không chắc bạn có biết hay không, nhưng cuộc sống tuyệt vời mà bạn có, con trai tôi đã chết để bạn có thể có được cuộc sống đó. Con trai tôi đã chết để bạn được sống. Cậu bé đã chết vì bạn. Điều đó có ý nghĩa gì với bạn không?"

Có lẽ đó cũng là những gì Thiên Chúa Cha muốn nói với mỗi người chúng ta.
 

 



“Lạy Thiên Chúa là Cha Yêu Thương, nhìn điều đó từ góc nhìn của Cha, chúng con thấy lòng mình đau xót. Có lẽ bây giờ chúng con có thể bắt đầu hiểu được tình yêu tuyệt vời mà Cha dành cho chúng con.”
 

Matthew Kelly
Văn Việt chuyển ngữ từ catholiceducation.org

 

CÁI TÂM

 



Buổi trưa, tại sân ga của một thành phố lớn, một người phụ nữ tầm ngoài 30 tuổi đang mướt mồ hôi để vác lên vai túi hành lý lỉnh kỉnh của mình. Trên khuôn mặt của người phụ nữ ấy hằn lên sự vất vả, cực nhọc của một người lao động từ xa đến tỉnh này. Chị đang đưa ánh mắt dường như vô vọng của mình khắp sân ga như để tìm kiếm một thứ gì đấy nhưng sau đấy lại tỏ vẻ thất vọng. Trông chị rất đáng thương.

Trên sân ga, người qua lại tấp nập. Ai đi qua người phụ nữ ấy đều ném về phía chị những cái nhìn ái ngại và thương cảm. Không ai có ý định dừng lại để giúp đỡ chị. Đặc biệt là những người ăn mặc sang trọng, họ đều đi qua chị với tốc độ rất nhanh, dường như là họ nghĩ nếu đi chậm lại thì chắc chắn người đàn bà đó cũng kéo họ lại để lạy lục, nhờ vả việc gì đó.

- Anh để ý đấy nhé, không biết chừng chị ta sẽ nài nỉ xin tiền hoặc sẽ hồ hởi kết bạn với mình để bị chị ta tra tấn trên suốt chuyến đi bằng những câu chuyện vừa dài vừa vô duyên, hoặc như chị ta sẽ mượn mình chiếc khăn mùi xoa để lau mồ hôi mà lau xong thì mình không dám xin lại hay như mượn bình nước uống rồi tu ừng ực thì vài ngụm đã hết veo. Đúng là người nhà quê” – Một người phụ nữ ăn mặc trông có vẻ sang trọng bĩu môi nói với người đàn ông cũng có vẻ sang trọng bên cạnh mình.

- Xin chào… xin…

Quả nhiên người phụ nữ tiến lại gần đám đông đang đứng đợi tàu. Nhưng dường như không đợi chị nói hết câu, mọi người đều xua tay và lắc đầu và nhanh chóng lảng ra chỗ khác. Không nản chí, người phụ nữ này lại men theo các cánh cửa sổ của các toa tàu rồi nhảy hẳn lên các toa chưa đến giờ xuất phát. Đi đến toa nào chị cũng mang một khuôn mặt như muốn cầu cứu, trông thật đáng thương và câu duy nhất thốt ra từ miệng người phụ nữ đáng thương này là: “Xin mọi người giúp đỡ cho tôi”.

Những người ngồi trên tàu tỏ ra rất khó chịu với người phụ nữ này. Có người thì xua tay ra hiệu xua đuổi, có người vừa thấy bóng dáng chị ở đầu toa vội lấy tờ báo che mặt giả vở ngủ. Trên khuôn mặt của người đàn bà ấy lộ rõ vẻ thất vọng, chán nản. “Mình đâu phải là thằng ăn trộm mà sao mọi người lại xử sự như thế nhỉ ?” – Người phụ nữ xót xa nghĩ.

Chị ta lại đi qua các toa tàu nhưng không ai muốn nghe chị trình bày hoàn cảnh của mình. Đúng lúc đó, chị nhìn thấy một chàng trai có dáng vẻ rất thư sinh đang ngồi đọc báo. Chàng trai đang đọc báo rất chăm chú và dường như cậu ta không để ý đến mọi thứ xung quanh. Nhẹ nhàng đi về phía chàng thanh niên, người phụ nữ cất tiếng nói.

- Xin lỗi cậu, cậu có thể giúp đỡ tôi được không ?

Chàng trai bỏ tờ báo xuống, nhìn quanh một lúc rồi nhìn người phụ nữ nông thôn nọ:

- Xin lỗi, chị đang hỏi tôi ạ ?

Người phụ nữ gật đầu.

- Xin anh giúp đỡ tôi với, tôi lên thành phố để tìm người bà con, nhưng tìm không ra, tiền bạc lại bị kẻ gian móc hết rồi. Muốn về quê nhưng không biết làm thế nào, cậu có thể mua giúp một tấm vé để tôi về quê không ?

Sau khi nghe xong người phụ nữ đáng thương nói xong, nét mặt chàng thanh niên trông rất lưỡng lự. Dường như anh ta vừa muốn giúp, vừa lại không muốn giúp người đàn bà đáng thương đó. Sau một thời gian im lặng, chàng trai bèn đưa tay vào túi quần của mình, khó khăn lắm mới móc ra được một đống tiền lẻ, ngại ngùng đưa cho người phụ nữ.

- Chị cầm lấy đi. Tôi… tôi chỉ còn có chừng này, không biết đủ hay không. Tôi cũng vừa mua vé để về quê nên không còn nhiều. Tôi lên thành phố này để kiếm việc, hy vọng tìm được một công việc kiếm được kha khá, nhưng khi lên thành phố, với tấm bằng trung cấp trong tay thì tôi không thể tìm ra được một việc gì để làm. Chị cầm tạm vậy.

Người phụ nữ rưng rưng cầm lấy những đồng tiền lẻ của chàng trai, khó khăn lắm chị mới thốt lên được hai tiếng “Cám ơn”.

Vừa quay gót đi về phía cuối toa thì chị nghe tiếng gọi với theo của chàng thanh niên nọ. Cậu ta hớt hải đi về phía chị và nói:

- Như thế này vậy, chị cùng quê với em, hay chị lấy tấm vé của em đi vậy.

- Thế còn cậu thì sao ? Người phụ nữ ngạc nhiên hỏi.

- Số tiền em vừa đưa cho chị có thể mua đủ tấm vé xuống ga thứ ba xuất phát từ ga này, như vậy cách nhà em cũng không xa lắm, em có thể đi bộ mà. Chị cứ cầm lấy vé đi, em là con trai, thế nào mà chẳng được. Còn phụ nữ như chị thì không thể đi bộ về nhà trong đêm tối được. Thôi, chúc chị thuận buồm xuôi gió. Nào, đưa cho em đống tiền lẻ nào !

Nói xong, không kịp để người phụ nữ phản ứng gì, chàng trai vội cầm lại số tiền lẻ trong tay người phụ nữ và đưa lại cho chị tấm vé của mình. Sau đấy anh vội vàng đi ra khỏi tàu và đến quầy bán vé.

Rất nhanh sau đó, chàng thanh niên lại lên tàu. Người phụ nữ tiến lại gần phía chàng trai và cất tiếng hỏi:

- Sao cậu lại làm như thế, cậu không hối hận à ?

Chàng trai lắc đầu:

- Không, chị ạ.

Trong ánh mắt của người phụ nữ đáng thương nọ ánh lên một niềm vui khôn xiết. Chị cầm tay chàng trai và nói:

- Anh bạn trẻ, xuống đây với tôi một lát.

Người phụ nữ kéo chàng trai ra khỏi nhà ga, vẫy một chiếc taxi, tự động mở cửa xe và quay lại nhìn chàng trai:

- Cậu lên xe đi. Hôm nay cậu chính thức là nhân viên của tôi.

Hoá ra, người phụ nữ này là con gái của một ông chủ tập đoàn sản xuất đồ chơi nổi tiếng. Để đi tìm một người trợ lý đáng để tin cậy, chị đã phải hoá trang và đứng ở sân ga suốt 3 ngày qua.

Chị nói rằng: “Các bạn cho rằng tôi thật ngốc nghếch khi phải làm khổ mình như thế, nhưng thật ra nó thật sự xứng đáng. Khi đứng ở sân ga trong 3 ngày đó, tôi mới nhận ra rằng: Tìm được một người thực sự tốt trong cuộc sống xô bồ này quả là khó.

Có thể, chàng thanh niên đó không có trình độ, hiểu biết nhiều như những người tốt nghiệp đại học hoặc cao hơn nữa. Nhưng điều đáng quý nhất và đáng trân trọng nhất là cậu ấy có cái ‘tâm’. Có cái ‘tâm’ trong cuộc sống thì mới có cái ‘tâm’ trong công việc được. Đấy là thứ mà công ty tôi cần”.

Các bạn thấy đấy, một tấm vé để đổi lấy cả một sự nghiệp sáng lạn. Có thể nhiều người nghĩ đây chỉ là việc ngẫu nhiên, nhưng thực ra trong sự ngẫu nhiên đó lại có tính tất yếu của nó. Rất nhiều người đã có mặt ở trên sân ga, nhưng chỉ có chàng trai đó mới nhận được niềm hạnh phúc bất ngờ như vậy. Không phải ngẫu nhiên mà anh ta có được một cơ hội tốt đẹp đến như thế mà điều quan trọng là anh đã biết chia sẻ chữ “tâm” của mình cho mọi người xung quanh.

Đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật mà tôi đã nghe được từ giám đốc của tôi. ( nguồn: saigonecho. com ).

Đọc câu chuyện trên nghe vọng lại lời thơ của thi hào Nguyễn Du: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Trong trường đời, trái tim lại quan trọng hơn cái đầu. Sống ở đời và giao tiếp với người đời, "được việc" mà thôi chưa đủ, còn phải "được người" nữa. Nền văn minh mang lại hạnh phúc cho con người không phải là văn minh của khoa học kỹ thuật mà là văn minh của tình thương.

Tâm nghĩa là trái tim, biểu tượng của tình yêu. Chữ Hán tượng hình nên nét bút vẽ ra hình trái tim. Có lẽ từ xa xưa, có ai đó cỡ thần y Hoa Đà, Biển Thước đã phẫu thuật cơ thể con người, thấy tỏ tường trái tim nên mới viết, mới vẽ được bức tranh chữ đẹp như vậy.

Trong Tin Mừng Chúa Giê su đã tranh luận giữa Ðức Giêsu và nhóm biệt phái về vấn đề sạch và dơ.

Nhóm biệt phái bám sát mặt chữ những quy định của luật lệ về sự phân biệt cái gì sạch cái gì dơ và về những đòi buộc phải rửa tay chân chén dĩa...

Ðức Giêsu nói đó chỉ mới là sạch dơ bề ngoài, không quan trọng bằng sạch dơ trong tâm hồn. Luật lệ chỉ là hình thức để diễn tả tấm lòng. Cái tâm mới quan trọng. Bởi vì dơ hay sạch là do tự cõi lòng. Nếu lòng dạ xấu xa thì cho dù hình thức bên ngoài có đẹp đẽ mấy cũng chỉ là giả hình. Đức Giêsu cho thấy cái ô uế thực sự không đến từ đụng chạm hay ăn uống. Cái ô uế đáng sợ nằm ngay trong cái tâm mỗi người. Nó không từ ngoài vào, nhưng từ bên trong ra.

Đức Giêsu kể ra 12 ý định xấu xa bắt nguồn từ cõi lòng: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó đều từ bên trong xuất ra và làm cho con người ra ô uế.

Hàng ngày xem Tivi, thấy quảng cáo rất nhiều sản phẩm: các loại xà bông mới, các loại dầu gội mới, nhiều loại nước hoa... Tất cả đều nhằm chăm sóc cho làm da, mái tóc, cơ thể... nhưng đều là bề ngoài. Ngày nay, người ta cũng để ý nhiều hơn đến chất lượng của những thức ăn và thức uống... Mọi thứ phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn thực phẩm an toàn và bổ dưỡng. Tuy nhiên, tất cả chỉ là những thứ từ bên ngoài được đưa vào trong cơ thể con người. Nhưng xem ra, người ta rất ít lo chăm sóc cái bề trong, cái tâm của con người, như lương tâm, lòng nhân ái, ý thức về tội. Người ta có thể hy sinh, khổ luyện hàng tháng, hàng năm để giữ vẻ đẹp thân xác, nhưng có mấy ai chịu hãm mình kiêng khem để tạo vẻ đẹp tâm hồn.

Trong trường học, người ta để ý huấn luyện cái đầu hơn là trái tim. Người ta cho rằng cái đầu mới biết suy nghĩ. Bởi đó người ta lo đào tạo nên những đứa trẻ giỏi hơn là những đứa trẻ tốt. Tương lai là công việc và nghề nghiệp hơn là tấm lòng. Kết quả của lối giáo dục như thế là nền văn minh khoa học kỹ thuật ngày nay, rất hiệu quả nhưng cũng rất lạnh lùng, ích kỷ và tàn nhẫn.

“Thế giới tri thức đã thình lình tái khám phá ra rằng, con người là nơi chỗ của sự xung đột. Marx đã tìm thấy sự xung đột trong xã hội, Kierkegaard tìm thấy trong linh hồn, Heidegger tìm thấy trong con người, và những tâm lý gia tìm thấy trong tâm trí” ( x. Bình an trong tâm hồn, trg 47, Tgm. Fulton J. Sheen ).

Đối với Đức Giêsu cái Tâm mới là yếu tố quyết định. Từ cái Tâm tốt mới có những hành vi yêu thương cao thượng. Từ cái Tâm xấu sẽ phát sinh ra tội lỗi thấp hèn.

Tâm nói lên nhân cách của một con người.

Tâm xấu xa sản sinh ra những suy nghĩ xấu, chọn lựa xấu, lời nói xấu, hành động xấu. Tâm lệch lạc thì cuộc sống nghiêng ngả đảo điên. Tâm gian dối thì cuộc sống bất an. Tâm ghen ghét thì cuộc sống hận thù. Tâm đố kỵ thì cuộc sống mất vui. Tâm tham lam thì cuộc sống dối trá…

Tâm tốt lành luôn nở hoa nhân đức. Tâm nở hoa yêu thương nên không có bóng dáng hận thù nào. Tâm nở hoa bác ái nên luôn quan tâm giúp đỡ người khác. Tâm nở hoa phục vụ nên nhiệt thành làm việc thiện nguyện vô vị lợi. Tâm nở hoa khiêm nhường nên luôn biết nhìn nhận sự yếu đuối của mình. Tâm nở hoa tha thứ nên không cầm giữ bất cứ một xúc phạm nào người khác gây ra cho mình.

Tâm nở hoa hòa bình nên chỉ biết kiến tạo sự hiệp nhất, vun trồng tình thuận hòa. Tâm nở hoa xây dựng nên không khi nào phá đổ các công trình Chân Thiện Mỹ của những người thành tâm thiện chí. Tâm nở hoa công chính nên can đảm khước từ những gì đi ngược với công bình bác ái, không tham lam những của bất chính. Tâm nở hoa chân thật nên dứt khoát loại bỏ các thứ dối trá, gian tà.

Tâm nở hoa ánh sáng nên cố gắng bước ra khỏi bóng tối của tội lỗi, không ẩn mình trong cám dỗ của ma quỷ, không để chúng giam hãm, nô lệ hóa mình. Tâm nở hoa cao thượng nên biết nâng mình lên trên mọi ti tiện tầm thường, không tính toán nhỏ nhen, không cư xử theo lối tiểu nhân. Tâm nở hoa vui mừng nên biết đem lại niềm vui an ủi cho những kẻ buồn sầu, tủi phận, khóc than cho định mệnh nghiệt ngã, cho tương lai đen tối, cho đường đời thử thách. Tâm nở hoa hạnh phúc nên luôn sống bình an và chan chứa niềm vui.

Sự thánh thiện hệ tại nơi cái tâm. Lời dạy của Đức Giêsu mời gọi chúng ta phải tu tâm dưỡng tánh để luôn có một tâm hồn ngay thẳng, thành thật, tôn trọng công lý, yêu thương mọi người. Khi đã có cái tâm tốt những việc làm sẽ tự nhiên đẹp lòng Chúa.

 

Lm. Giuse NGUYỄN HỮU AN

Thứ Hai, 8 tháng 3, 2021

MỘT CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG

 



Anh hẹn chị ra quán cà phê trước nhà ga chính của thành phố Bremen. Câu đầu tiên khi gặp anh, chị nói trong sự cáu gắt, ông lại bán xe rồi hay sao mà lại đi tàu lên đây ? Anh cúi đầu trả lời lý nhí trong sự hổ thẹn, ừ, bán rồi, vì cũng không có nhu cầu lắm. Chị sầm mặt xuống, ông lúc nào cũng vậy, suốt đời không thể ngóc đầu lên được, hẹn tôi ra đây có chuyện gì vậy ?

Khó khăn lắm anh mới có thể nói với chị điều anh muốn nhờ cậy. Chị cũng khó khăn lắm mới có thể trả lời từ chối anh, nhưng mà gia đình tôi đang yên lành, nếu đưa con bé về e rằng sẽ chẳng còn được bình yên. Anh năn nỉ, nhưng thật sự là anh rất bối rối, con bé đã đến tuổi dậy thì, anh là đàn ông, không thể gần gũi và dạy dỗ chu đáo cho nó được, anh chưa bao giờ cầu xin em điều gì, chỉ lần này thôi, chỉ nửa năm hay vài ba tháng cũng được, em là phụ nữ, em gần nó, em hướng dẫn và khuyên bảo nó trong một thời gian, để nó tập làm quen với cuộc sống của một thiếu nữ, sau đó anh lại đón nó về.

Chị thở dài, ông lúc nào cũng mang xui xẻo đến cho tôi, thôi được rồi, ông về đi, để tôi về bàn lại với chồng tôi đã, có gì tôi sẽ gọi điện thông báo cho ông sau. Anh nhìn chị với ánh mắt đầy hàm ơn. Anh đứng dậy, đầu cúi xuống như có lỗi tiễn chị ra xe rồi thở dài, lùi lũi bước vào nhà ga đáp tàu trở lại Hamburg.

Anh và chị trước kia là vợ chồng. Họ yêu nhau từ hồi còn học phổ thông. Anh đi lao động xuất khẩu ở Đông Đức. Chị theo học Đại Học Sư Phạm Hà Nội 1. Ngày bức tường Berlin sụp đổ, anh chạy sang phía Tây xin tị nạn. Chị tốt nghiệp Đại Học và về làm giáo viên cấp 3 huyện Thái Thụy, Thái Bình. Họ vẫn liên lạc và chờ đợi nhau. Khi đã có giấy tờ cư trú hợp lệ, anh về làm đám cưới với chị, rồi làm thủ tục đón chị sang Đức.

Vừa sang Đức, thấy bạn bè anh ai cũng thành đạt. Đa số ai cũng có nhà hàng, hay cửa tiệm buôn bán. Chỉ có anh là vẫn còn đi làm phụ bếp thuê cho người ta. Chị trách anh vô dụng. Anh không nói gì, chỉ hơi buồn vì chị không hiểu, để có đủ tiền bạc và điều kiện lo thủ tục cho chị sang được đây, anh đã vất vả tiết kiệm mấy năm trời mới được, nên không dám mạo hiểm ra làm ăn. "Đồ cù lần, đồ đàn ông vô dụng...", đó là câu nói của miệng chị dành cho anh, sau khi anh và chị có bé Hương.

Bé Hương sinh thiếu tháng, phải nuôi lồng kính đến hơn nữa năm mới được về nhà. Khi bác sĩ thông báo cho vợ chồng anh biết bé Hương bị thiểu năng bẩm sinh. Giông tố bắt đầu thực sự nổi lên từ đó. Chị trách anh, đến một đứa con cũng không làm cho ra hồn, thì hỏi làm được gì chứ. Anh ngậm đắng nuốt cay nhận lỗi về mình và dồn hết tình thương cho đứa con gái xấu số.

Bé Hương được 3 tuổi, chị muốn ly dị với anh. Chị nói, ông buông tha cho tôi, sống với ông đời tôi coi như tàn. Anh đồng ý, vì anh biết chị nói đúng. Anh là người chậm chạp, không có chủ kiến và không có chí tiến thân, sống an phận thủ thường. Nếu cứ rằng buộc sẽ làm khổ chị.

Bé Hương 3 tuổi mà chưa biết nói. Chị cũng rất thương con, nhưng vì bận bịu làm ăn nên việc chăm sóc con bé hầu hết là do anh làm. Vì vậy mà con bé quấn quít bố hơn mẹ. Biết vậy nên chị cũng rất yên tâm và nhẹ nhõm nhường quyền nuôi dưỡng con bé cho anh khi làm thủ tục ly hôn.

Ly dị được gần 1 năm thì chị tái giá. Chị sinh thêm một đứa con trai với người chồng mới. Thành phố Bremen là thành phố nhỏ. Người Việt ở đó hầu như đều biết nhau. Chị cảm thấy khó chịu khi thỉnh thoảng bắt gặp cha con anh đi mua sắm trên phố. Chị gặp anh và nói với anh điều đó. Anh biết ý chị nên chuyển về Hamburg sinh sống. Chị không phải là người vô tâm, nên thỉnh thoảng vẫn gửi tiền nuôi dưỡng con cho anh. Trong những dịp năm mới hay Noel, chị cũng có quà riêng cho con bé, nhiều năm, nếu có thời gian, chị còn đến trực tiếp tặng quà cho con bé trước ngày Lễ Giáng Sinh nữa.

Thấm thoát đó mà giờ đây con bé đã sắp trở thành một thiếu nữ. Tuy chị không biết cụ thể thế nào. Nhưng chị biết dù con bé lớn lên trong tật nguyền hẩm hiu, nhưng anh rất thương nó. Chị cũng biết con bé gặp vấn đề trong giao tiếp, phải đi học trường khuyết tật. Nhưng con bé rất ngoan. Anh cũng không phải vất vả vì nó nhiều. Nó bị bệnh thiểu năng, trí tuệ hạn chế, phát âm khó khăn. Tuy vậy nó vẫn biết tự chăm sóc mình trong sinh hoạt cá nhân. Thậm chí nó còn biết giúp anh một số công việc lặt vặt trong nhà.

Chồng chị đã đồng ý cho chị đón con bé về tạm sống với chị vài tháng, với điều kiện trong thời gian con bé về sống chung với vợ chồng chị, anh không được ghé thăm. Chị cũng muốn thế, vì chị cảm thấy hổ thẹn khi phải tiếp xúc với vẻ mặt đần đần dài dại của anh.

Vợ chồng chị đã mua nhà. Nhà rộng, nên con bé được ở riêng một phòng. Chị đã xin cho con bé theo học tạm thời ở một trường khuyết tật ở gần nhà. Con bé tự đi đến trường và tự về được. Đi học về, nó cứ thui thủi một mình trong phòng. Đứa em trai cùng mẹ của nó, mẹ nó, và bố dượng nó rất ít khi quan tâm đến nó. Niềm vui duy nhất của nó là chờ điện thoại của bố. Nó phát âm không chuẩn và nói rất khó khăn, nên hầu như nó chỉ nghe bố nói chuyện. Bố dặn dò nó rất nhiều và thỉnh thoảng còn hát cho nó nghe.

Em trai nó học thêm Piano, nên nhà mẹ nó có cái đàn Piano rất đẹp để ở phòng khách. Có lần nó sờ và bấm bấm vài nốt. Mẹ mắng nó không được phá đàn của em. Nên từ đó nó không dám đụng đến nữa. Có hôm anh gọi điện thoại cho nó, nó nghèn nghẹn nói lõm bõm... đàn… đàn... klavia... con muốn... Anh thở dài và hát cho nó nghe.

Tháng đầu, hầu như ngày nào anh cũng gọi điện thoại cho nó. Rồi thưa dần, thưa dần. Cho đến một ngày anh không gọi cho nó nữa. Sau một tuần đăng đẳng không nghe anh gọi điện thoại. Con bé bỏ ăn và nằm bẹp ở nhà không đi học. Chị không biết gì cứ mắng nó dở chứng.

Một đêm, chị bỗng bật choàng dậy khi nghe tiếng đàn Piano vang lên. Chị chạy ra phòng khách, thấy con bé đang ngồi đánh đàn say sưa. Nó vừa đánh vừa hát thì thầm trong miệng. Chị cứ há hốc mồm ra kinh ngạc. Chị không thể tưởng tượng nổi là con bé chơi Piano điêu luyện như vậy. Chị chợt nhớ ra, đã có lần anh nói với chị, con bé ở trường khuyết tật có học đàn Piano, cô giáo khen con bé có năng khiếu. Lần đó chị tưởng anh kể chuyện lấy lòng chị nên chị không quan tâm.

Chị đến gần sau lưng nó, và lặng lẽ ngắm nhìn nó đánh đàn. Chị cúi xuống và lắng nghe con bé hát thầm thì cái gì. Chị sởn cả da gà, khi chị nghe con bé hát rõ ràng từng tiếng một, mà lại là hát bằng tiếng Việt hẳn hoi: "...Nhớ những năm xa xưa ngày cha đã già với bao sầu lo... sống với cha êm như làn mây trắng... nhớ đến năm xưa còn bé, đêm đêm về cha hôn chúng con... với tháng năm nhanh tựa gió… ôi cha già đi cha biết không..."

Chị vòng tay ra trước cổ nó và nhẹ níu, ôm nó vào lòng. Lần đầu tiên chị ôm nó âu yếm như vậy. Chị thấy tay mình âm ấm. Nó ngừng đàn đưa tay lên ôm riết tay mẹ vào lòng ngực. Nó khóc. Chị xoay vai nó lại, nhìn vào khuôn mặt đầm đìa nước mắt của nó hỏi, con sao vậy hả con yêu của mẹ. Nó ngước nhìn mẹ nó rất trìu mến rồi chìa cho mẹ nó một tờ giấy giấy khổ A4 đã gần như nhàu nát.

Chị cầm tờ giấy và chăm chú đọc, rồi thở hắt ra nhìn nó hỏi, con biết bố con bị ung thư lâu chưa ? Nó chìa 4 ngón tay ra trước mặt mẹ. Chị hỏi, bốn tháng rồi hả ? Nó gật đầu. Chị nhìn chăm chăm vào tờ giấy, và từ từ ngồi thụp xuống nền nhà, rũ rượi thở dài.

Con bé hốt hoảng đến bên mẹ, ôm mẹ vào lòng, vuốt mặt mẹ, rồi vừa ấp úng nói vừa ra hiệu cho mẹ. Đại ý là nó diễn đạt rằng: "Bố lên ở trên Thiên Đường rồi, mẹ yên tâm, con đã xin vào nội trú ở trường dưới Hamburg, ngày mai con sẽ về dưới đó, con không ở lại đây lâu để làm phiền mẹ và em đâu, con về ở tạm đây là vì bố muốn thế, bố muốn mình ra đi được nhẹ nhàng và yên tâm là có mẹ ở bên con…" Chị cũng ôm nó vào lòng, vỗ vỗ vào vai nó và nói, con gái ngoan của mẹ, ngày mai nếu mẹ sắp xếp được công việc, mẹ sẽ đưa con về Hamburg...

Tôi nghe người ta kể chuyện lại chuyện đó, khi đi dự một cuộc biểu diễn nghệ thuật của học sinh khuyết tật và khiếm thị.

Khi thấy em gái đệm đàn Piano cho dàn đồng ca, cứ khăng khăng đòi phải đàn và hát bài hát "Người Cha Yêu Dấu" bằng tiếng Việt trước, sau đó mới chịu đệm đàn cho dàn đồng ca tiếng Đức. Quá kinh ngạc nên tôi cứ gạn hỏi mãi người trong ban tổ chức. Cuối cùng họ đã kể cho tôi nghe câu chuyện như vậy.

(Nguồn Ephata) 

Lời bình của người viết:

Tôi đã từng gặp cặp vợ chồng cùng là giáo viên, tuy họ trí thức nhưng lại không có nghệ thuật chung sống. Người vợ luôn chê chồng mình là không làm ra tiền, luôn so sánh chồng mình với những người đàn ông thành đạt khác. Khi mở miệng chê vợ hay chồng mình, người đó tự làm mình mất nhân cách và không ai thích gặp những người có tâm hồn hẹp hòi như vậy, không ai thích nghe ta thán và nghe chuyện xấu của người khác.

Ai đó đã từng so sánh 3 thời kỳ của cuộc sống hôn nhân: khi mới yêu nhau hai người chỉ nói thầm hoặc nhìn nhau cũng đủ hiểu, không cần nói; Khi mới cưới nhau, anh nói em nghe; và sau một thời gian ngắn, cả hai cùng nói và cả xóm đều nghe. Ngày nay còn có thêm một kiểu nói khác: kể lể trên fecebook để cho cả thế giới cùng biết. Thật đáng xấu hổ cho kẻ không tự chủ để đem chuyện gia đình mình mà tâm sự nơi chợ trời, và cũng thật lạ là có nhiều kẻ lang thang trên chợ trời với những chuyện tọc mạch như vậy.

Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2021

TÂM ĐIỂM NHƯNG KHÔNG PHẢI LÀ TÂM ĐIỂM

 



Có câu chuyện kể rằng: Tại một ngôi làng nọ, cứ đến mùa xuân, dân làng tổ chức lễ hội bắn cung để chọn ra những chàng trai tài giỏi về cung tên. Đây là một giải thưởng cao quý và ai cũng mơ ước. Năm ấy ở trên một ngọn núi không xa làng, bỗng xuất hiện một vị ẩn sỹ được cho là rất giỏi về cung tên. Ấy vậy là từng đoàn trai làng lũ lượt kéo nhau lên núi xin làm đệ tử mong được thầy chỉ giáo.

Vị thầy nầy rất ít nói và dường như cũng không mặn mà với việc có nhiều đệ tử, và quả thật cũng không ai biết rõ tài cung tên của ông có thực hay chỉ là tin đồn. Từng tốp trai làng âm thầm rút lui, chỉ còn lại một nhóm nhỏ là kiên trì ở lại. Vị Thầy yêu cầu họ nhiều điều chẳng liên quan gì đến cung tên cả: mỗi ngày tập quan sát từng cánh hoa rừng mọc và nở ra, từng con chim nhỏ trên cành đi săn mồi và làm tổ, cảnh vật sinh động của thiên nhiên diễn biến vào buổi sáng khác với buổi chiều thế nào… và kể cho thầy nghe.

Chỉ một thời gian ngắn gần kỳ thi, thầy mới chỉ cho họ vài kỹ thuật nhỏ về cung tên. Ấy thế mà năm ấy nhóm học trò từ trên núi xuống đã đạt được thành tích xuất sắc, họ cùng có một nhận định: họ nhìn thấy cái tâm điểm quá rõ ràng và quá lớn đến nỗi khó mà bắn trật ra ngoài được!

Sau lễ hội, họ rủ nhau lên núi để tạ ơn thầy và muốn hỏi cho ra lẽ: tại sao họ thành công dễ dàng như vậy?- Họ chờ mãi mới thấy thầy xuất hiện trong chốc lát, thầy chỉ nói với họ một câu: “Tâm điểm không phải là tâm điểm”, rồi lui bước vào trong – dường như không muốn nói chuyện nhiều.

Nhóm học trò ngày ấy lớn lên và sinh sống ở nhiều vùng trời khác nhau. Lâu lâu họ gặp nhau, kể cho nhau nghe về cuộc sống của mình, về vị thầy năm xưa và nhất là về câu nói bí ẩn của thầy. Họ nghiệm ra rằng: hầu hết các thành viên trong nhóm họ đều thành công trong cuộc sống, lý do tại sao vậy? Tại sao tâm điểm lại không phải là tâm điểm?

Lời bàn của người viết.



Mỗi ngày tôi vẫn đọc và nghe nhiều câu chuyện, nhưng tại sao câu chuyện này cứ lưu lại mãi trong trí nhớ? Câu nói ‘tâm điểm không phải là tâm điểm’ gợi hứng cho một quan niệm sống. Tại sao nhóm ‘đệ tử kiên trì ở lại’ lại thành công trong cuộc thi và trên trường đời?.

Tâm điểm không phải là tâm điểm. Vị thầy muốn nói rằng thành công trong cuộc thi không phải là trọng tâm của cuộc sống, mà phải có những mục đích khác cao hơn. Điều này cũng gợi ý cho tôi và cho bạn rằng: tiền bạc, tài năng, thành công không phải là tâm điểm cuộc đời này, tiên vàn hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn mọi sự khác sẽ được Chúa ban cho. Mỗi ngày cứ lo làm tròn việc bổn phận như phương tiện thánh hóa bản thân và để mưu sinh, nhưng đó cũng không phải là tâm điểm mà có điều quan trọng hơn phải nhắm đến là tình yêu khi làm những việc đó, làm vì yêu Chúa.

Tại sao thầy chỉ vẽ rất ít về cung tên mà nhóm bạn trẻ lại thành công và còn thành công hơn nữa trong cuộc đời? – Đây là những con người có tính kiên trì và có bản lãnh, có óc quan sát và nhất là họ áp dụng bí quyết của thầy vào cuộc sống: có những người làm việc không phải vì tiền mà vì tình người, tình Chúa, nhưng rồi tiền lại tìm đến với họ, như câu nói: có đức mặc sức mà ăn.

Thứ Tư, 3 tháng 3, 2021

Quán cà phê BF

 



Trong khu vực tôi sinh sống, có một quán cà phê có tên như thế. Cứ mỗi lần đi ngang qua, tôi bỗng nhớ lại câu chuyện đã đọc, liên quan đến 2 chữ BF.

Hai người học trò nhỏ, một trai một gái, cùng lớn lên với nhau trong một ngôi làng. Một ngày kia, đứa con trai nói với đứa con gái: chúng mình là BF, nghĩa là bạn tốt của nhau (Best Friend).

 Rồi đến một ngày kia, lớn hơn một chút, họ đến tuổi trưởng thành, chàng trai lại nói với cô gái: Anh là BF của em. Cô gái mới hỏi lại: BF là gì hở anh? – Đó là Boy Friend, là bạn trai đấy.

Họ yêu nhau, cưới nhau, và có con. Người chồng nói: Bây giờ anh là BF, nghĩa là Baby’ Father (cha đứa trẻ). Một ngày kia, người chồng bệnh nặng, ông cầm tay vợ và nói BF (Bye forever), vĩnh biệt em. Đến một ngày, người vợ cũng lìa đời, được chôn cất bên mộ ông, và bà cũng có dịp để nói với ông hai chữ BF (Beside forever), bên nhau mãi mãi, bên nhau nơi huyệt mộ và bên nhau ở cõi thiên đàng, nơi ông mỉm cười và nói với bà BF (Be forever), hạnh phúc ngàn thu và hạnh phúc tuyệt đối trong Thiên Chúa.

Bạn hãy nhìn người bạn đời của mình và nghĩ đến hai chữ BF, bạn sẽ nhận ra hạnh phúc gia đình nằm trong hai chữ ấy. Hãy luôn là người bạn tốt của nhau, cùng chăm lo cho con cái và cho từng thành viên trong gia đình, luôn sống bên cạnh nhau để chăm sóc nhau, giúp nhau đạt cõi thiên đàng. Đó mới là hạnh phúc viên mãn của tiệc cưới Chiên Con mà hôn nhân là một hình ảnh, hạnh phúc ấy còn là hoa trái của hạnh phúc đôi lứa – chỉ như một phản ảnh và một bài tập dài.

Thứ Hai, 1 tháng 3, 2021

Bác sỹ Yersin

 

 


 

HÔM NAY 01/3 LÀ NGÀY MẤT CỦA BS. ALEXANDRE YERSIN NGƯỜI PHÁP GỐC THUỴ SĨ CÓ CÔNG LAO TO LỚN ĐỐI VỚI VIỆT NAM. XIN ĐƯỢC KÍNH CẨN NGHIÊNG MÌNH NGƯỠNG MỘ VÀ BIẾT ƠN ÔNG!

Hiện nay cà chua, cà rốt, các loài Hoa phương Tây ở Đà Lạt... ;cà phê, Điều, Tiêu.... mà Việt Nam xuất khẩu mang về hàng tỉ USD có từ đâu? Chắc ít ai nghĩ đó là do công lao của bác sĩ Yersin! Dịch hạch là căn bệnh khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người, có thời điểm làm giảm 2/3 dân số châu Âu và 1/3 dân số Trung Quốc. Chính bác sĩ Yersin là người đầu tiên tìm ra vi khuẩn này và các nhà khoa học về sau khống chế nó hoàn toàn. Yersin cũng là một câu chuyện thú vị khi cả cuộc đời trưởng thành của ông, đều gắn bó với 2 chữ Việt Nam.

Tốt nghiệp tiến sĩ y khoa với đề tài bệnh Lao, nhưng Yersin và thầy hướng dẫn của mình là giáo sư Roux nổi danh với phát minh ra vắc xin bạch hầu. Thành tựu của ông khiến thiên tài Louis Pasteur chú ý và được nhận vào làm ở viện Pasteur Paris danh giá. Nhưng máu thám hiểm trong người khiến ông nằng nặc xin nghỉ việc để đi làm thuỷ thủ tàu viễn dương "dù chưa có kinh nghiệm đi biển bao giờ". Ông nói "đời mà không đi, thì còn gì là đời".

Các lần đi thám hiểm và quay lại Pháp, ông đều được Louis Pasteur "mời ăn tối và nghe báo cáo", "thấy thú vị trước các thông tin mới mẻ do Yersin kể". Pasteur yêu cầu ông hãy làm gì thì làm cho trọn vẹn để "vang danh thiên hạ, giúp nhân loại". Vâng lời thầy, Yersin xách đồ đạc lên tàu vượt ngàn hải lý, mặc cho gió bão khôn lường. Hình ảnh học trò khăn gói xuống thuyền dọc ngang quả đất sau khi học xong là hình ảnh vô cùng đẹp của những người có LÝ TƯỞNG SỐNG.

Sang Việt Nam, ông làm bác sĩ trên tàu giữa Sài Gòn, Manila, Hải Phòng rồi sau đó định cư ở Nha Trang, sau một lần tàu cập bến và ông phải lòng với cảnh sắc nơi đây. Đầu thế kỷ 20, ông tham gia hội đồng sáng lập và là hiệu trưởng đầu tiên của ĐH Y Khoa Đông Dương (nay là Y Hà Nội), xây dựng toàn bộ giáo trình sơ khởi và nhận thức y đức cho các thế hệ bác sĩ, quy hoạch các bệnh viện ở các tỉnh thành khắp Việt Nam theo khoảng cách địa lý để "ai bị bệnh cũng có chỗ gần nhất mà đến trị kịp thời". Nhưng Hà Nội cũng chỉ có thể giữ chân ông được 2 năm. Ông quay trở lại Nha Trang, thực hiện chuỗi những ngày làm khoa học và thám hiểm khắp núi rừng Đông Dương. Ông là người đã tìm ra cao nguyên Lang Biang và quy hoạch Tp Đà Lạt, xây dựng viện Pasteur Đà Lạt và phát triển mạnh hơn cho viện Pasteur Sài Gòn, Hà Nội. Trại ngựa nuôi lấy huyết thanh sản xuất vắc xin của ông nằm ở suối Dầu là trại ngựa thuốc lớn nhất châu Á khi đó. Ông còn cho trồng cây ký ninh để trị bệnh sốt rét. Ông từng mong muốn Diên Khánh là nơi sản xuất thuốc men cho cả Đông Dương.

Ông cũng là người mang cây cao su, ca cao, cà phê (thậm chí ông cho thử nghiệm cây điều từ Brazil và tiêu đen từ Ấn Độ ở nông trại của mình), đến bây giờ chúng ta đã có hàng tỷ đô la xuất khẩu. Ông thử nghiệm nhiều giống cây ôn đới như cà rốt súp lơ su su lay-ơn cẩm tú cầu xà lách xông cà chua....(hầu như tất cả các loại rau củ mang tiếng Pháp đều là do ông và bạn bè đồng sự ông mang qua). Ông còn nuôi cừu trồng nho ở Phan Rang, nuôi đà điểu ở Ninh Hoà, thử nghiệm trồng quy mô lớn cây cà phê ở Lâm Đồng, Đăk Lăk và Pleiku. Ông cũng là 1 triệu phú nhờ trồng cao su xuất bán cho hãng lốp xe Michelin và là cổ đông chính của ngân hàng HSBC. Ông cho rằng "tôi phải kiếm tiền kiểu khác chứ không tài nào cầm được tiền của các bệnh nhân". Toàn bộ tiền lãi của ông đến nay vẫn còn và vẫn bí mật chuyển đều đặn về 1 quỹ từ thiện và quỹ nghiên cứu khoa học.

Với tầm nhìn vĩ đại, bác sĩ Yersin không chỉ làm khoa học mà còn giỏi nhiều thứ. Ngoài việc mang sang cho chúng ta bao nhiêu giống cây trồng vật nuôi mới lạ, khám phá và xây dựng Sapa Đà Lạt Bà Nà...thành những nơi du lịch nghỉ dưỡng, ông còn tham gia quy hoạch đô thị khu trung tâm Sài Gòn Hà Nội Nha Trang Đà Nẵng Hải Phòng, ranh giới các tỉnh....mà chúng ta ngày nay hay có cụm từ "ngày xưa người Pháp đã quy hoạch chỗ này là, chỗ kia là..". Ông đã giúp người Việt chúng ta có được nền tảng kinh tế ban đầu từ một nước thuần nông lạc hậu, những công trình về hạ tầng, giáo dục, y tế. Do chính quyền Pháp khi đó rất tín cẩn ông, vì ông đi nhiều khám phá nhiều. Hầu như mọi ngóc ngách ở Lào, Việt Nam và Campuchia đều có dấu chân ông. Núi cao vực sâu, thú dữ, bệnh tật...không hề làm ông nản bước. Ông luôn yêu cầu Pháp phải xây dựng nhiều trường học ở các tỉnh của Việt Nam và ý kiến cho Pháp đầu tư tiền để xây đường sắt Bắc Nam từ ga Hà Nội đến ga Sài Gòn, hiện chúng ta vẫn còn đang khai thác. Con đường quốc lộ 1A thời đó là con đường đất nhỏ xíu (gọi là con đường cái quan) bề rộng chỉ có 2-3 mét từ thời chúa Nguyễn đã được ông "bày vẽ" cho kè đá, rải nhựa, mở rộng nâng cấp để xe ô tô có thể chạy được. Ông nói phải ưu tiên làm con đường to nhất, tốt nhất gọi là quốc lộ, chạy ngang qua hết các tỉnh ven biển để người dân tỉnh nào cũng có thể hưởng lợi từ giao thông. Đường sắt Phan Rang đi Đà Lạt cũng là ông tư vấn cho toàn quyền Doumer làm. Các trạm khí tượng từ Sapa đến Mẫu Sơn đến Bạch Mã, các ngọn hải đăng ngoài biển mà chúng ta thường nói "do Pháp xây" là do ông chọn vị trí. Những gì ông có thể nghĩ ra, ông đã làm tất cả cho người Việt.

Ông sống 1 mình, giản dị ở Nha Trang đến cuối đời, 1 cuộc đầy ắp những chuyến đi thám hiểm và thành tựu. Nha Trang cũng là nơi tiếp cận điện ảnh đầu tiên của nước ta do ông mang về chiếu. Có lần khi trẻ con vào nhà ông xem phim và nghịch phá những chậu hoa quý, gia nhân toan ra mắng nhưng ông bảo "thôi đừng la trẻ nhỏ, nghe lớn tiếng chúng sẽ sợ". 1 lần ông lái xe hơi trên đường, 1 người dân bất cẩn lao vào xe ông và bị tai nạn. Dù lỗi của người đi bộ rành rành nhưng ông chạy xuống giúp họ băng bó, xin họ tha thứ và kiên quyết trả lại xe cho chính phủ, đi xe đạp, vì theo ông "dân chúng xứ này chưa quen luật lệ nên đi lại vô tư, mình đi xe đạp có va chạm thì cũng không gây thương vong cho họ". Có lần ông lên Tây Nguyên tìm thuốc, người dân tộc đã bắt ông, định hành quyết. Nhưng họ nhìn vào mắt ông, thấy một sự chân thành và thiện lương kỳ lạ, họ lại thả ông ra. Ông sau đó chữa trị bệnh cho cả buôn làng và gửi thuốc men lên cho họ đều đặn. Ngôi nhà của ông là trại tế bần khổng lồ cho người sa cơ lỡ vận, ốm đau, bệnh tật, đói kém....của khắp vùng, mở cửa suốt ngày suốt đêm. Ông không có vợ con vì dâng hiến phụng sự cả đời cho khoa học, nhưng người ta kính yêu ông như cha mẹ ruột.

Trong khi nhiều trí thức Việt Nam đi Pháp để hưởng thụ sự văn minh có sẵn của xứ người, ông như cá bơi ngược dòng. Dù quê hương ông là đất nước Thuỵ Sĩ giàu có và xinh đẹp, dù tốt nghiệp trường Y Paris và là một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất thế giới khi ấy, ông vẫn xuống tàu đi đến một miền đất nghèo xa lạ. Ông nói "tôi mãi mãi là một công dân Pháp, nhưng tôi yêu Việt Nam và sẽ phụng sự tính mạng và cuộc đời tôi cho họ".

Đám tang ông là đám tang lớn nhất Việt Nam lúc đó. Giây phút cuối đời, ông nhờ người quản gia dìu ông ra phía cửa sổ, nhìn về phía biển, nơi ghi dấu 1 thời dọc ngang tuổi trẻ, rồi trút hơi thở cuối cùng. Nghe tin ông mất, người dân Nha Trang bỏ hết công ăn việc làm để lo hậu sự. Tàu bè ngoài biển vội vã cập bến xóm Cồn, ngưng mọi hoạt động đánh bắt trong nhiều ngày. Những phụ nữ tiểu thương bán cá đã bỏ hết cá mắm tiền bạc danh lợi mỗi ngày, bỏ cái nón lá quen thuộc để đeo khăn tang trắng xoá trên đầu, xuống đường đưa tiễn, khóc hết nước mắt. Người dân Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt, các thành phố lớn khác châu Á yêu quý ông, nhất là người Hongkong, nơi ông đã thành công trong việc giúp hàng triệu người dân ở đây thoát khỏi nỗi kinh hoàng do dịch cúm. Úc từng mời ông sang thành lập viện Pasteur cho họ nhưng ông đã từ chối. Hongkong thì tìm mọi cách giữ ông lại, nhưng ông vẫn khăng khăng quay về dải đất hình chữ S mà ông trót yêu thương. Năm 1943, khi ông mất, trí thức toàn thế giới, đặc biệt giới Y khoa và giới thám hiểm đã bày tỏ sự thương tiếc vô hạn. Di chúc ông ghi giản dị "Tôi muốn được an táng ở Suối Dầu, mộ thật nhỏ và nằm úp xuống, đầu quay về phía biển. Ông Bùi Quang Phương (cộng sự lâu năm) đừng cho ai đem thi hài tôi đi nước khác. Mọi tài sản xin tặng hết cho Viện Pasteur và những người cộng sự lâu năm đã làm việc với tôi".

Nếu bạn đã từng 1 lần được tiêm chủng, chích ngừa hay thậm chí ăn cà rốt, uống cà phê, đắp mặt cà chua (trước đó thì người Việt chúng ta chỉ có cà pháo....để ăn với mắm tôm) thì hãy biết ơn BS Yersin. Công lao của ông với dân tộc mình, với đất nước mình là không bao giờ kể hết. Các bạn có thể đọc thêm tư liệu về bác sĩ Yersin để thấy những tranh cãi lặt vặt, những suy nghĩ tầm thường đã phí thời gian cuộc đời mình. Sách giáo khoa nên bổ sung nhiều bài học về ông để các thế hệ mãi mãi biết ơn. Lòng biết ơn là thước đo của sự văn minh, ở mỗi cá nhân và cả dân tộc.

Và mỗi người, nếu đọc được những dòng chữ trên thì hãy học tập ông ở tinh thần PHỤNG SỰ, CỐNG HIẾN. Không nhỏ hẹp, vun vén cá nhân, cái xe - cái nhà - miếng đất - bằng cấp - chức vụ - công danh, tiền tài mang về cho vợ cho con tầm thường nữa. Mạnh dạn vẫy vùng biển rộng trời cao, dấn thân, xả thân vì MỘT LÝ TƯỞNG SỐNG của riêng mình. Bỏ quê hương đi đến chỗ phồn vinh thì dễ, quay về làm cho nó giàu sang văn minh thì mới khó. Mà khó cỡ nào, mình quyết tâm là làm được hết. Cuối đời, mình tự hào vì đã góp phần vô việc MAKE A BETTER VIETNAM.

Phàm làm người, ai càng sớm tìm được lý tưởng sống, thì càng có một cuộc đời ý nghĩa, trọn vẹn, không hối tiếc.

Xuân Kỷ Hợi, 2019.

Tony

Nguồn:

http://nhinrabonphuong.blogspot.com/2019/06/mot-nguoi-vi-ai-ma-chung-ta-chiu-on-tony.html