Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

Hy sinh

 

 



Cuộc sống luôn ẩn chứa những điều khiến ta không bằng lòng, thỏa mãn. Có thể là về thời tiết, về tha nhân, về tổ chức xã hội. Con vật cũng có những cách biểu hiện sự bằng lòng hay không thỏa mãn về một điều gì đó; nhưng vì có lý trí nên con người có suy nghĩ và mơ ước, nên sự thỏa mãn hay bất bình trở nên phức tạp và trên nhiều lãnh vực: thể lý, tinh thần, tâm lý, tâm linh.

Bởi vậy, muốn hay không muốn – như một quy luật cuộc sống, con người phải biết chấp nhận hoàn cảnh, chấp nhận cái vừa phải và vừa đủ. Trong tôn giáo, chữ chấp nhận còn được gọi bằng một chữ khác là hy sinh, từ bỏ. Hy sinh thụ động là mình chấp nhận một điều gì đó vì không còn cách nào khác, ví dụ như về thời tiết hoặc một căn bệnh, một sự khó chịu do tha nhân đưa đến. Hy sinh chủ động là mình đón nhận một trái ý vì lòng yêu mến Chúa hoặc vì yêu tha nhân, được góp phần mình vào thập giá của Chúa Giê su.

Ngày nay, trong một xã hội đề cao tự do cá nhân và tinh thần hưởng thụ, người Kitô hữu ngại nói đến hy sinh, đánh tội và hãm mình. Thậm chí nhiều người còn nghĩ đó là những điều chỉ có trong quá khứ, trong một nền tu đức còn ấu trĩ; còn nền tu đức hiện đại nhấn mạnh về lòng bác ái, thương xót và phục vụ. Nghĩ thế là sai lầm, vì sự hy sinh nằm trong bản chất của đạo: Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Muốn học sự hiền lành và khiêm nhường của Chúa, ta phải hy sinh tính tự nhiên muốn khoe khoang và muốn thể hiện bản thân : nói nhiều, nói lớn. Muốn chu toàn bổn phận, ta phải hy sinh tính lười biếng và an phận. Muốn sống tinh thần 8 mối phúc, ta phải có rất nhiều hy sinh để uốn nắn lòng mình.

Khi nói về Đức TGM Giuse Nguyễn Văn Bình, tôi cứ nhớ mãi một chứng từ được kể lại như sau: Những năm tháng cuối đời, Đức cha chọn Đại chủng viện Thánh Giu se làm nơi hưu dưỡng. Thường xuyên có người chăm sóc và phòng của ngài được ráp máy lạnh. Vào một buổi chiều, trời chuyển mưa, gió thổi mạnh và làm lạnh cả không gian, nên sơ phụ trách xin Đức cha tắt máy lạnh và ngài đồng ý. Thế nhưng, mãi về sau trời lại không mưa và bầu không gian trở nên oi nồng trở lại. Một lúc sau, thầy phụ trách trực xin ý Đức Cha để bật máy lạnh và ngài nói: “ ừ, bật đi”. Thầy bật máy lạnh và lại gần Đức Cha thì nhận thấy những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, thầy lau mặt và khi sờ vào chiếc áo lót ngài mặc thì thấy chiếc áo đã ướt vì mồ hôi. Thầy rất cảm phục sự hy sinh hãm mình và thầy cũng suy được rằng cả một đời, Đức Cha đã tập quen hy sinh hãm mình từ lâu cho lợi ích của giáo phận, chịu sự phê phán của xã hội và cả của những con cái mình, khi lãnh đạo giáo phận vào một thời điểm khó khăn của lịch sử giáo hội.



Thật ngạc nhiên khi biết đươc rằng: thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu người Pháp, Tiến sĩ Hội thánh là một  trong 4 nhân vật Kitô sẽ được tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc đề nghị mừng kỷ niệm trong hai năm 2022 và 2023 tới đây. Đây là dịp để đề cao vai trò của phụ nữ giữa lòng các tôn giáo, nhưng cũng để nêu cao ảnh hưởng tư tưởng và linh đạo của thánh nữ. Các tác phẩm của thánh nữ Têrêsa đã được dịch ra 83 thứ tiếng trên thế giới. Vị Thánh trẻ này chỉ sống 24 năm trên dương gian và 9 năm trong dòng kín, nhưng đã được chọn là bổn mạng các xứ truyền giáo, chỉ vì Thánh Nữ đã liên lỷ dâng những hy sinh nhỏ bé của mình để cầu nguyện cho các nhu cầu truyền giáo. Câu nói nổi tiếng của Ngài: Làm việc bình thường với tình yêu to lớn. Người ta thường nói cuộc sống chung của các tu sĩ thật là phức tạp với những va chạm và ghen tị, nhưng đó lại là cơ hội lập công của Thánh Nữ.

Đức Phanxico nói với chúng ta rằng: không thể có đức khiêm nhường nếu không quen chịu sỉ nhục, không thể quen chịu hy sinh nếu không thỉnh thoảng tập hy sinh cả những điều được phép. Một lần nữa, chúng ta cùng xác tín với nhau rằng: hy sinh hãm mình là điều hợp thời, là điều luôn đồng hành với mọi Kitô hữu cho đến hơi thở cuối cùng - để theo Chúa Giê su.

 

Thứ Tư, 14 tháng 4, 2021

Bước theo Thầy

 

 



 

Người ta thường dùng nhiều hình ảnh để nói về cuộc đời: cuộc đời mỗi người được ví như một dòng sông, lúc mạnh lúc yếu, chảy qua nhiều địa hình; cuộc đời như những áng mây trôi, khi tan khi hợp; cuộc đời như một bản nhạc, với những hòa âm thuận và nghịch; cuộc đời như một chuyến đi hoặc như một cuộc ra khơi trên chiếc thuyền nan; cuộc đời như con rắn đầu ngậm lấy đuôi mình. Ở đây tôi muốn ví cuộc đời như một cuốn phim dài tập: mỗi độ tuổi, mỗi địa danh sinh sống, hoặc mỗi lãnh vực được dùng để đặt tên cho từng tập phim… tùy sở thích mỗi người.

Có thể có một cuộc đời của những cựu tu sinh LBT với tên những tập phim như sau: tuổi ấu thơ – học trường làng, thời gian tu học, thời gian sau 75 nhiều gian khổ và thách đố, thời yêu đương và lập gia đình, dạy giáo lý và phục vụ thánh nhạc tại giáo xứ, công tác truyền thông, thành viên HĐGX, tuổi về hưu, chào tạm biệt cuộc sống…

Mỗi tập phim có độ dài nhất định của nó, nên dù muốn dù không, khi đến lúc và đúng lúc của nó tập phim phải kết thúc ! Dù cho bản thân ta là diễn viên có tiếc nuối hay mãn nguyện, thì chữ ‘hết phim, la fine, mọi sự đã hoàn tất’ tất yếu phải niêm lại tập phim cũ để mở ra một tập mới. Bởi vậy sách tu đức dạy ta rằng: Phải xác tín rằng điều xảy ra trong hiện tại là điều tốt lành nhất mà Cha nhân lành cho phép xảy đến, dù con mắt phàm trần của ta chỉ thấy là không may và đáng tiếc, thì Thiên Chúa sẽ dùng quyền năng và tình yêu của Ngài để biến thành điều tốt lành cho kẻ yêu mến Người. Đúng như lời Kinh Thánh:  Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, cầu xin Người hướng dẫn bước đường con đi, và mọi điều con mưu toan phải ký thác nơi Ngài.

Với thời gian dần trôi, các tập phim đều lần hồi kết thúc một cách ngoạn mục và tốt đẹp như ý Chúa là người đạo diễn tài ba muốn. Có những tập phim kết rất êm tai và đúng như mong ước của các diễn viên, nhưng cũng có nhiều tập phim kết lửng: tiếc nuối, giận hờn. Thực ra nhiều nghịch lý xảy ra là do cái tâm của các nghệ sĩ không ổn: cái tôi quá lớn, tham sân si lẫn lộn với sự phụng thờ Thiên Chúa. Nhưng đến tuổi tri thiên mệnh, ngồi ngẫm nghĩ sự đời, ta dễ nhận ra rằng Thiên Chúa rất tốt lành với tôi, Ngài xử với tôi không theo tội lỗi tôi nhưng theo lòng nhân hậu của Người, Chúa vẽ nét thẳng trên những đường cong, từng chi tiết cuộc đời tôi đều được Người phác thảo và chúc phúc.

Có câu danh ngôn nói: Mọi sự đều đến đúng lúc đối với những ai biết đợi chờ nó. Tôi vừa phải kết thúc một tập phim nữa và là một cái kết lửng, ngoài mong muốn, nhưng điều quan trọng là tôi khá an bình và còn có thể cầu nguyện cho các diễn viên khác cũng gẫm cái kết này như một bài học tốt cho chính họ. Cuộc đời không ai giống ai, mỗi người có những bước tiến và nỗ lực khác nhau trên hành trình tìm kiếm sự trọn lành.

Tôi rất cảm xúc với chứng từ của người đẹp hoàn vũ H’Hen Niê trong một bài phỏng vấn. Cô cho biết cô là một người Công giáo rất xác tín về niềm tin của mình rằng: Thiên Chúa yêu thương luôn chăm sóc và ban cho mình biết bao ơn lành, kể cả nhan sắc và những khả năng mình có đều là hồng ân nhưng không của Chúa. Điều đương nhiên là con người chỉ được hạnh phúc khi biết tin cậy vào Ngài trong mọi sự, tìm kiếm ý Chúa trong mọi lúc, phó thác cuộc đời cho Chúa định liệu, và biết dùng những khả năng Chúa ban để yêu thương đồng loại. Chính niềm vui và niềm tin vào Chúa sẽ tạo nên ‘cái tâm’ trong sáng, vẻ đẹp tâm hồn sẽ tỏa ra bên ngoài: trên khuôn mặt, lời nói và những hoạt động của mình.



Có thể nói lệnh truyền phổ quát nhất mà Thượng Đế đã khắc ghi vào trong tâm hồn mỗi người là tìm kiếm sự trọn lành: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành, Đấng làm mưa trên kẻ lành người dữ”. Nhưng Cha trên trời là Đấng vô hình, nên Chúa Giê su đã nhập thể, trở nên hữu hình để con người có thể noi gương bắt chước. Chính Chúa Giê su đã nói: Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha. Chủ đề chính của bộ phim dài tập mà mỗi người đang đóng là bước theo Thầy Giê su trên con đường trọn lành : tìm kiếm ý Cha trên trời, trở nên muối men cho đời, mỗi ngày biết chết cho cái tôi và những đam mê để BƯỚC  THEO THẦY GIÊ SU.

 

Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2021

TẠ ƠN CHÚA TRONG MỌI HOÀN CẢNH

 



 

 Có một câu thơ mà dường như ta vẫn hay nhìn thấy ở đâu đó.  Một câu thơ cho ta ý thức về những niềm vui không do mình tạo ra mà do cuộc sống ban tặng cho chúng ta.  Câu thơ ấy viết rằng:

 

“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương”.

 

Thật đẹp cho tâm hồn con người biết cám ơn.  Biết cám ơn là biểu lộ một tấm lòng lạc quan yêu đời.  Biết cám ơn biểu lộ một cung cách khiêm nhường để đón nhận mọi sự trong yêu thương và kính trọng.

 

Người không biết cám ơn sẽ luôn bất mãn vì những gì đang xảy ra.  Người không biết cảm ơn sẽ thiếu tôn trọng người làm ơn và món quà được đón nhận.

 

Ngược lại, người biết cám ơn sẽ cảm thấy vui và hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh cuộc đời.

 

Họ biết cám ơn Chúa khi mỗi sáng mai thức dậy đang khi đó có hàng vạn người không còn thức dậy.

 

Họ biết cám ơn cha mẹ đã cho họ góp mặt vào trần thế.  Cám ơn thầy cô cho họ kiến thức.  Cám ơn bạn bè đã dìu họ đi qua những khúc quanh của dòng đời.  Cám ơn cuộc đời đã cho họ kinh nghiệm để sống hạnh phúc hơn.

Cám ơn làm cho tâm hồn con người an vui hạnh phúc.  Không biết cám ơn sẽ làm cho tâm hồn bi quan, thất vọng và chán chường.

 

Trong tích truyện kể về ông Matthew Henry là một học giả Kinh Thánh lừng danh vào đầu thế kỷ 18.  Một ngày kia, ông bị bọn cướp trấn lột và đêm hôm đó, Henry đã ghi xuống cuốn nhật ký của ông như sau: Hãy để cho lòng ta cảm tạ Thượng Đế.

 

Thứ nhất, bởi vì cho đến bây giờ ta mới bị ăn cướp; trước đây ta chưa bao giờ bị bọn cướp đón đường cả.

Thứ nhì, bởi vì mặc dầu bọn chúng cướp cái ví tiền, nhưng chúng nó không cướp mất mạng sống của ta.

Thứ ba, bởi vì mặc dầu chúng nó cướp sạch những gì ta có trên người lúc đó, nhưng cũng chẳng đáng giá là bao.

Thứ tư, ta là người bị cướp, chứ ta không phải là quân đi ăn cướp.

 

Một con người biết cám ơn luôn nhìn mọi sự trong nhãn quan tích cực.  Họ luôn thấy ánh bình minh xuyên qua màn đêm tăm tối của cuộc đời.  Họ không bi quan khi cánh cửa khép lại nhưng luôn tìm kiếm những lối đi khác cho bản thân.

 

Nhưng tiếc thay, người biết cám ơn lại quá ít!  Rất nhiều người đã không nhận ra cuộc đời họ là một chuỗi hồng ân của Chúa để cám ơn.  Họ không nhận ra tình thương của gia đình, bè bạn và cuộc đời dành cho họ để tri ân.  Họ vẫn sống trong bi quan để oán trời - oán đất về những gì đã - đang xảy ra trong cuộc đời của họ.

 

Dầu vậy giữa cuộc đời vẫn còn đó những lời cám ơn chân thành.  Dầu chỉ là số 1 so với số 9 quên cám ơn.  Ở giữa cuộc sống phồn hoa vẫn còn đó những gia đình cùng nhau đọc kinh, dâng lễ để tạ ơn Chúa đã phù hộ bình an.  Ở giữa cuộc sống bon chen hối hả vẫn còn đó những người con thảo hiếu mẹ cha qua việc chăm sóc cha mẹ già yếu.  Ở giữa chợ đời thị phi vẫn còn đó những người thiện nguyện phục vụ vô vị lợi để trả ơn cuộc đời.

 

Câu chuyện 10 người phong cùi được chữa lành làm nổi bật thái độ thật khiêm cung của người ngoại giáo.  Anh cám ơn Chúa với một thái độ khiêm tốn thẳm sâu.  Anh sấp mình trước vị ân nhân đã cứu anh.  Một thái độ cho thấy từ nay anh sẽ làm nô bộc cho người thi ân.  Một thái độ tôn kính dành cho Đấng có quyền năng xua trừ sự dữ trên cuộc đời anh.  Nhưng tiếc thay, con số biết cám ơn lại là con số nhỏ.  Chỉ một trong 10 người biết cám ơn, còn lại vẫn cho mình được quyền sống, quyền hưởng lộc mà không cần cám ơn.

 

Cuộc sống sẽ đẹp hơn nếu chúng ta biết cám ơn.  Cám ơn Chúa và cám ơn nhau sẽ làm cho con người thân thiện với nhau hơn.  Cám ơn Chúa mỗi sáng mai thức dậy vì đang khi đó có thể nhiều người sẽ không còn khả năng thức dậy.  Cám ơn Chúa mỗi khi chúng ta có dịp làm một việc thiện, một việc nghĩa đầy yêu thương đang khi đó có nhiều người không có khả năng để làm điều đó.  Cám ơn đời vì trên dòng đời hối hả vẫn còn có những người bạn cầm lấy tay ta để cảm thông, để nâng đỡ và dìu dắt chúng ta.

 

Xin cho chúng ta đủ khiêm tốn để cám ơn trong mọi sự, vì tất cả là hồng ân. Tất cả đều do Chúa mà có. Con người chỉ là thụ tạo nhưng được Chúa yêu thương và ban cho mọi sự trên trần gian.  Xin cho lời tạ ơn của chúng ta luôn vang dội không gian, hòa vào vạn vật để tôn vinh chúc tụng và ngợi khen tình thương Chúa vẫn ấp ủ đời ta và gìn giữ chở che chúng ta.  Amen!

 

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

 

Hiệu ứng Diderot: Vì sao chúng ta luôn tốn tiền vào những thứ không thực sự cần?

 



Nhà triết học nổi tiếng người Pháp Denis Diderot sống gần trọn cuộc đời trong nghèo khó, nhưng tất cả mọi thứ thay đổi vào năm 1765.

Khi đó, Diderot 52 tuổi và con gái ông chuẩn bị kết hôn. Lúc này, ông không có đủ tiền làm của hồi môn cho con gái. Nghèo khổ là vậy nhưng Diderot lại vô cùng nổi tiếng vì ông là đồng sáng lập và tác giả bộ Encyclopédie, một trong những bộ từ điển bách khoa toàn diện nhất thời đại.

Khi nữ hoàng Catherine Đại Đế của Nga nghe nói về khó khăn tài chính của Diderot, bà đã đề nghị mua lại thư viện của ông với giá 1.000 bảng Anh, bằng xấp xỉ 50.000 USD vào năm 2015. Bỗng chốc, Diderot trở nên giàu có.

Không lâu sau vụ mua bán may mắn này, Diderot đã mua một chiếc áo choàng mới màu đỏ tươi. Và rồi mọi chuyện không ổn bắt đầu từ đây.

Hiệu ứng Diderot

Chiếc áo choàng mới của Diderot quá đẹp. Đẹp đến nỗi ông ngay lập tức nhận ra rằng chiếc áo đang lạc lõng giữa những vật dụng tầm thường trong nhà. Theo lời ông thì chiếc áo choàng và những đồ vật còn lại không hề hòa hợp và tương xứng với nhau. Rồi ông cảm thấy mình nên mua những đồ dùng mới để cho phù hợp với chiếc áo đẹp đẽ của mình.

Ông thay thế tấm thảm cũ bằng một chiếc mua từ Damascus. Ông trang trí nhà của mình với những bức tượng và chiếc bàn ăn tốt hơn. Ông còn mua một chiếc gương mới và chiếc ghế rơm bị bỏ đi, thay bằng một chiếc ghế da mới.

Hành vi mua sắm theo cảm hứng này được biết đến với tên gọi hiệu ứng Diderot.

Theo hiệu ứng Diderot, việc sở hữu một món đồ mới sẽ dẫn đến việc tạo ra vòng xoáy mua sắm khiến bạn muốn mua nhiều thứ hơn nữa. Kết quả là chúng ta sẽ mua rất nhiều thứ mà bản thân trước đây không hề cần để cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn.

Giống như nhiều người khác, tôi cũng là nạn nhân của hiệu ứng Diderot. Gần đây tôi có mua một chiếc xe mới, kéo theo đó tôi mua thêm tất cả những thứ đồ linh tinh để để vào trong xe. Tôi mua một chiếc máy đo áp suất lốp, bộ sạc di động trên xe hơi, một chiếc ô phụ, con dao bỏ túi, hộp cứu thương, đèn pin, chăn khẩn cấp và thậm chí cả dụng cụ cắt dây an toàn.

Tôi đã từng sử dụng chiếc xe cũ gần 10 năm và tôi thấy rằng chẳng có thứ gì trong danh mục kể trên tôi cần mua cả. Tuy nhiên, sau khi nhận chiếc xe mới, tôi lại rơi vào vòng xoáy mua sắm giống như Diderot.

Bạn có thể phát hiện những hành vi tương tự trong nhiều khía cạnh cuộc sống:

- Bạn mua một chiếc váy mới và chợt nhận ra cần có đôi giày và hoa tai phù hợp hơn.

- Bạn mua cho con mình một con búp bê và tiếp tục mua thêm cho con búp bê đó nhiều phụ kiện mà bạn chưa từng biết đến sự tồn tại trước đây.

- Bạn mua bộ sô pha mới và chợt nhận ra bạn không hề thích bài trí của căn phòng lúc này. Vấn đề ở những chiếc ghế tựa, bàn trà, thảm hay là ở tất cả mọi thứ. Liệu bạn có cần thay đổi?

Xu hướng tự nhiên của cuộc sống là sự tích lũy. Hiếm khi chúng ta nghĩ đến việc đơn giản hóa, loại bỏ hay giảm bớt. Thay vào đó, khuynh hướng tự nhiên của chúng ta luôn luôn là tích lũy, nâng cấp và tạo ra thêm.

Nắm vững hiệu ứng Diderot

Hiệu ứng Diderot cho chúng ta thấy mình cần hiểu để biết cách chọn lựa, loại bỏ và tập trung vào những thứ thật sự quan trọng.

Giảm tiếp xúc. Hầu như tất cả mọi thói quen đều được khởi xướng bởi những nhân tố gợi nhắc hay kích thích. Một trong những cách nhanh nhất làm giảm sức mạnh của hiệu ứng Diderot là tránh những nhân tố gợi nhắc bạn đến việc mua sắm. Hãy hủy đăng ký theo dõi những email quảng cáo. Hãy từ chối nhận catalogue từ các tạp chí và không nhận thư giới thiệu của họ. Hãy gặp gỡ bạn bè ở công viên thay vì trung tâm thương mại. Chặn các trang web mua sắm yêu thích.

Mua những đồ phù hợp với bản thân bạn hiện tại. Bạn không cần phải bắt đầu từ đầu mỗi khi bạn mua một cái gì đó mới. Khi mua quần áo mới, hãy tìm những bộ đồ phù hợp với tủ quần áo hiện tại của bạn. Khi nâng cấp những thiết bị điện tử mới, hãy chắc chắn rằng nó phù hợp với những đồ dùng hiện có để tránh phải mua thêm sạc, bộ chỉnh lưu hay dây cáp.

Tự đặt giới hạn cho bản thân. Sống một cuộc sống hạn chế bằng cách tạo ra những giới hạn cho bản thân, như ví dụ tuyệt vời của Juliet Schor trong cuốn The Overspent American:

“Hãy tưởng tượng một nhóm dân cư trong thành phố tổ chức cho các bậc phụ huynh ký cam kết không mua giày thể thao quá 50 USD cho con. Nhân viên của trường mẫu giáo yêu cầu bạn chi không quá 75 USD cho mỗi bữa tiệc sinh nhật. Hội phụ huynh của trường thuyết phục 80% phụ huynh giới hạn thời gian xem phim của học sinh không quá 1 giờ mỗi ngày... Tất cả đều là những thứ các bậc cha mẹ nghĩ rằng họ cần phải cho con họ nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu thoải mái của con”.

Mua một, cho đi một. Mỗi lần mua một món đồ mới hãy cho đi một món đồ cũ. Mua TV mới ư? Hãy cho người khác chiếc TV khác thay vì chuyển nó đến căn phòng khác. Ý tưởng này nhằm hạn chế số lượng đồ đạc tăng thêm. Hãy luôn lựa chọn kỹ càng để cuộc sống của bạn chỉ có niềm vui và hạnh phúc.

Sống một tháng mà không mua đồ mới. Đừng cho phép bản thân bạn mua đồ mới trong vòng một tháng. Thay vì mua một chiếc máy cắt cỏ mới, hãy mượn của nhà hàng xóm đi. Mua áo ở cửa hàng đồ cũ chứ không phải trung tâm mua sắm. Khi chúng ta càng biết nghiêm khắc với bản thân thì chúng ta xoay xở mọi thứ càng dễ dàng hơn.

Từ bỏ mong muốn sở hữu nhiều thứ. Mong muốn sở hữu của con người dường như vô tận. Luôn có thứ gì đó mới mẻ mà bạn muốn mua. Khi có chiếc Honda thì bạn muốn mua Mercedes. Khi đã có Mercedes, bạn lại mơ ước một chiếc Bentley. Khi đã có Bentley, bạn lại mơ tưởng đến Ferrari... Hãy nhớ rằng mong muốn sở hữu vật chất chỉ là một suy nghĩ tâm trí bạn đưa ra không phải là mệnh lệnh bạn phải tuân theo.

Làm cách nào để vượt qua?

Xu hướng tự nhiên của chúng ta là tiêu thụ nhiều hơn chứ không phải ít đi. Với xu hướng này, tôi tin rằng cần có những bước tích cực để hạn chế thói quen mua sắm theo cảm hứng nhằm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Như Diderot từng nói: “Hãy để trường hợp của tôi thành bài học cho mọi người. Nghèo khó có cái tự do của nghèo khó mà giàu sang có cái trở ngại của giàu sang".

Theo Cafebiz / Trí Thức Trẻ