Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Những bữa tiệc




Chúa Giêsu đã từng tham dự nhiều bữa tiệc. Trong một bữa tiệc cưới tại nhà một người biệt phái, Chúa đã quan sát thấy nhiều người tìm cách chọn cho mình một chỗ cao và trổi vượt hơn những người khác. Nhân tiện đó, Chúa dạy chúng ta hai bài học: Đừng chọn chỗ nhất và biết sống tinh thần bất vụ lợi. (Lc 14,1.7-14)
Qua nhiều câu Kinh Thánh, lòng kiêu ngạo bị lên án và đức khiêm nhường được đề cao, ví dụ như: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng và ban ơn cho kẻ khiêm nhường” hoặc câu khác “Chúa hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao những người phận nhỏ”. Đã nhiều lần Chúa Giêsu dùng những câu chuyện để đề cao nhân đức khiêm nhường, như câu chuyện người biệt phái và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện để nói rằng người khiêm tốn sẽ được hưởng lòng thương xót Chúa; Chúa đặt một em bé giữa các tông đồ để dạy các ông trở nên nhỏ bé trước mặt Chúa và anh em.
Sách GLHTCG đã nói về các đam mê như sau: “Bí tích Thánh Tẩy ban cho con người đời sống ân sủng của Chúa Kitô, nhưng vì hậu quả của tội tổ tông đã làm cho bản tính con người ra yếu đuối và hướng chiều về điều xấu (các đam mê), nên lịch sử nhân loại là một cuộc chiến đấu thiêng liêng: con người phải luôn chiến đấu để gắn bó với điều thiện hảo và chỉ sau khi hết sức cố gắng và với sự trợ giúp của ơn Chúa, con người mới đạt được sự thống nhất nội tâm” (số 405-409). Kiêu ngạo là nết xấu đứng đầu trong các đam mê con người. Từng giây phút trong cuộc sống, con quỷ kiêu ngạo luôn kích thích ta nghĩ rằng mình tài giỏi và đáng được mọi người biết đến. Đầu óc ta mơ tưởng, khuôn mặt ta phỉnh phờ, cái miệng ta bép xép những chuyện chung quy về cái ‘tôi’, dù nó được ngụy trang dưới nhiều hình thức và đề tài. Cả đến trong giấc ngủ, ta cũng có những cuộc tranh giành địa vị và mưu lược cho cái ‘tôi’ của mình được nhìn nhận. Thánh Phaolô đã từng thốt lên: “ai sẽ cứu tôi khỏi cái thân xác hay chết nầy? – Nhờ ơn Đức Giêsu Kitô Chúa tôi.”(Rm 7, 24-25), đó là ngài nói tới cuộc chiến đấu nơi bản thân giữa điều ác và điều thiện. Và ở chỗ khác Thánh nhân cũng nói: “Và để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại” (2Cor 12,7). 

Chúa dạy ta rất rõ ràng cách đối xử trong bữa tiệc cuộc đời: Đừng học tính kiêu phô trương khi làm việc lành, đừng tìm chỗ nhất nơi hội đường và các đám tiệc, ai muốn làm lớn thì hãy là người âm thầm phục vụ anh em, anh em hãy yêu thương nhau đến mức hy sinh mạng sống và rửa chân cho nhau…như Thầy đã làm gương. Chúa không dạy ta dùng mưu mẹo để được người đời tôn kính: giả bộ ngồi nơi thấp để được người khác nhắc lên cao, nhưng là một lòng khiêm tốn phát xuất từ nơi đáy lòng: khiêm tốn như Chúa Giêsu đã dạy và đã làm gương, Chúa đã hạ mình mặc phận hèn nô lệ đến nỗi chết trần trụi như một tội nhân … vì tuân phục ý Cha. Khi chung sống trong một cộng đoàn hay một tập thể, nếu ta nuôi lòng hận thù và gây tang tóc cho tha nhân thì đời ta cũng chẳng sung sướng gì, nhưng nếu ta biết mở rộng bàn tay để tạo hạnh phúc cho anh em thì những ngày lưu trú trên trần gian là những bữa tiệc của ân phúc và còn hứa hẹn một mùa bội thu rộn ràng nơi nước Trời.
Và khi đến tham dự bàn tiệc Thiên Quốc, ta cũng đừng tự hào vì công trạng mình lập được để đòi Chúa cho mình một ‘vai vế’ trọng vọng, vì thực ra ‘tay công đức của ta thì trống trơn nghèo hèn, tay tội lụy ngập tràn chan chứa, hạnh phúc nước trời là một ân ban mà ta phải reo hò mừng rỡ.
Bài học thứ hai xem ra khó thực hiện hơn: Khi mời khách dự tiệc hoặc khi làm ơn thì hãy chọn những người đui què tàn tật để họ không đáp trả được, như vậy mới được Chúa đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại. Nếu một người ngoại đạo đi lễ và nghe linh mục đọc phần 2 của đoạn Tin Mừng Chúa nhật 22 này (Lc 14,12-14), có lẽ họ sẽ mỉm cười giễu cợt, vì không thấy ai thực hành Lời dạy của Chúa một cách cụ thể, từ cấp giáo phận – giáo xứ và từng gia đình các Kitô hữu. Thực tế, nếu tôi tổ chức tiệc cưới cho con cái thì tôi sẽ mời bà con láng giềng, hầu hết họ là những người tử tế sẽ gửi quà mừng cho tôi ‘đàng hoàng’, và tuyệt nhiên trong phòng tiệc không có ai tàn tật, nghèo, què, đui mù cả. Bài Tin Mừng hôm nay là một trong nhiều nhiều đoạn Tin Mừng mà không phải ai cũng thực hành theo nghĩa đen được, nhưng là sống tinh thần Chúa dạy. Hôm nay Chúa dạy ta phải có tinh thần nào khi làm việc thiện? – Đó là sống ‘vô vị lợi’. Xã hội hôm nay, người ta đề cao lợi nhuận và phúc lợi cá nhân. Để làm việc gì, câu hỏi đầu tiên ta thường nêu lên là: tôi được lợi gì, kiếm được bao nhiêu, ai cần ai, có bõ công không, và từ đó sẽ đi đến kết luận: làm hay không làm? Nhiều khi những câu hỏi khác bị lấn át đi: việc này tốt hay xấu, làm vì tình thần Phúc Âm và được hưởng lòng thương xót Chúa hay chỉ được thiên hạ trả công?

Thánh Augustiô nói: “Hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”, là muốn dạy ta biết đặt tình yêu vào trong những công việc lớn nhỏ mình làm, vì chính men tình yêu sẽ làm cho khối bột cuộc đời nên giá trị trước mặt Chúa và con người. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy ta phải có tinh thần trong sáng khi mở miệng nói điều gì hoặc khi dự tính một công việc, coi chừng ta  hành động vì ‘cái tôi’ và vì tinh thần duy vụ lợi… nhưng biết làm mọi việc vì tình yêu Chúa và tha nhân, vì vinh danh Chúa và phần rỗi các linh hồn.

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Chúa có cách




Giáo xứ Vinh Hương vừa trải qua một giai đoạn có nhiều biến động. Ngày 27/6/2013 một số rất đông bà con đưa tiễn cha Phêrô Cao Tiến Hà về giáo xứ Đức Lệ, tôi không ngờ nhiều người nhiệt tình đến thế. Ngày 29/6/2013 giáo xứ lại hân hoan đón cha Phaolô Trần Vĩnh Niệm về làm cha phó, cũng rất đông bà con từ giáo xứ Vinh An tiễn đưa cha. Hiện diện hôm ấy còn có cha Phaolô Nguyễn Thư Hùng (cha quản hạt Đakmil), cha Anrê Trần Xuân Cương (cha quản xứ Vinh An) và cha Phaolô Nguyễn Công Minh. Buổi hội ngộ tại phòng khách giáo xứ hôm ấy rất ấm cúng, rất thân tình và có nhiều câu nói đáng ghi nhớ.
Cha Anrê Trần Xuân Cương nói: “Người ta thường nói lịch sử không bao giờ lập lại, nhưng ở đây hình như lịch sử được lập lại. Cách đây 56 năm, vào năm 1957, một cha phó từ Vinh An được đưa tới Vinh Hương và trở thành cha quản xứ tiên khởi; và hôm nay cũng một cha phó nữa được đưa từ Vinh An tới Vinh Hương”. Cha Anrê chỉ nói tới đó, và không ai ngờ rằng vào ngày 5/8/2013 Đức cha Vinh Sơn đã bổ nhiệm cha Phaolô Trần Vĩnh Niệm làm cha quản nhiệm trông coi giáo xứ Vinh Hương, với quyền quản xứ. Ngày lập xứ, cha G.B Hồ Sĩ Cai tự lo liệu và đề xướng sáng kiến cho mọi sinh hoạt tinh thần và vật chất cho bà con giáo dân; còn hôm nay khi cha phó Phaolô đến giáo xứ, mọi sinh hoạt tinh thần và vật chất đã đi vào nề nếp hơn, nhưng cha lại phải chạy theo những sinh hoạt để hiểu sự hoạt động sẵn có mà các cha tiền nhiệm đã dày công xếp đặt.
Trong buổi tiếp đón cha phó, cha Phaolô Nguyễn Công Minh rất phấn khởi vì đã có người giúp ngài trong công việc mục vụ để cha yên tâm lên đường đi chữa bệnh. Giáo dân Vinh Hương còn nhớ rất rõ về cách đối xử tình nghĩa của cha xứ với cha phó Phêrô Cao Tiến Hà, mỗi lần có dịp thì ngài thường cảm ơn cha phó không tiếc lời, kèm theo cái ôm chân tình. Hôm nay cha xứ chỉ nói đơn giản: “Tuy giáo xứ Vinh Hương nhỏ, nhưng cha yên tâm, vì vẫn có đủ sữa cho cha bú, vì người chăn chiên thì bú sữa chiên”. Ngày hôm sau, trong Thánh lễ sáng chủ nhật, cha xứ lại còn nói thêm: “Chắc chắn cha sẽ được mọi người yêu mến, vì cha rất đáng yêu, vì bệnh tật như tôi mà còn được giáo dân thương mến nữa là. Cụ thể là giáo xứ đã chọn một người rất đẹp để tặng hoa cho cha chứng tỏ giáo dân rất quý mến cha”. Không ngờ đó là những lời cuối cùng cha xứ ngỏ với cha phó và giáo dân.
Kể từ đầu năm 2013, tin tức về cha Phaolô Trần Vĩnh Niệm được bổ nhiệm làm cha phó Vinh Hương được loan đi; cũng kể từ đó nhiều tin đồn về cha được loan đến giáo xứ rất dồi dào và thường là những tin không tốt đẹp. Dịp chầu lượt 10.3.2013 cha phó được mời về giảng tĩnh tâm một ngày, cha khá hồi hộp và cha giảng khá ấn tượng. Chỉ vỏn vẹn một đêm ở chung một mái nhà, cha xứ đã lên đường đi Saigòn, cha phó kêu gọi bà con cầu nguyện và giúp đỡ cha xứ, cha mong chờ cha xứ về để trao đổi những kinh nghiệm mục vụ, nhưng chuyện đó không thể xảy ra. Và cha phó như người phải bơi theo dòng nước nhưng lại phải làm chủ dòng nước đó, là người cha tinh thần của mọi tâm hồn nơi giáo xứ Vinh Hương.
Ngày đón xác cha xứ trở về với bao tình cảm ngậm ngùi, nhiều dự tính tan vỡ, nhưng tâm tình yêu thương hiệp nhất được thể hiện rất cao độ với nhiều hành vi tự nguyện của nhiều cá nhân. Rất nhiều lời khen tặng: ‘một lễ tang đông đảo, sốt sắng, thể hiện tinh thần cộng tác của người giáo dân vào sinh hoạt giáo xứ’. Nhiều người đến viếng xác cha xứ, lâm râm khẩn cầu cho những ước vọng cá nhân và cho tương lai giáo xứ. Tôi cũng cầu nguyện cho linh hồn cha Phaolô được diện kiến tôn nhan Chúa, và còn xin thêm: “cha biết rõ con cần gì hơn cả thì xin chuyển cầu cho con với”. Chúng ta xác tín rằng nỗi ưu tư lớn nhất của cha Phaolô, cả khi sống và ngay cả bây giờ  là đời sống tâm linh của giáo xứ Vinh Hương.
Sau những ngày tang cha xứ, tôi đi dự 2 ngày tĩnh huấn HĐGX và  nhận ra một sự thay đổi rõ rệt nơi mình: tôi không còn thành kiến với cha quản nhiệm như trước nữa, tôi nghĩ đó là lời chuyển cầu của cha cố Phaolô. Tôi nhớ hai lời khuyên của hai vị chủ chăn. Đức Cha Vinh Sơn đã từng nói: “Hãy thương lấy các cha quản xứ”. Đúng vậy, hãy gạt sang một bên những lời đồn đại về cha quản nhiệm của chúng ta, hãy thương lấy ngài, vì thực ra “cha cũng rất đáng yêu”, cha thế nào là do cách chúng ta đối xử với ngài. Tôi lại nhớ một lời khác của cha quản hạt Đakmil, trong tuần chầu lượt vừa rồi đã giảng rất hùng hồn: “Chúa có cách. Chúa Giêsu Thánh Thể cũng là Chúa Giêsu ngày xưa đã từng làm nhiều phép lạ cả thể. Điều quan trọng là chúng ta có tin vào quyền năng của Chúa, có đến giãi bày những vấn nạn cuộc đời với Chúa và để cho Chúa hoạt động hay không”.
Bởi đó, thay vì bàn tán nhiều chuyện tầm phào, tính toán theo kiểu người đời, thì hãy chuyên tâm cầu nguyện với Chúa Giêsu, giao phó cho Ngài mọi ưu tư lo lắng vì tin rằng Chúa có cách giải quyết mọi vấn đề về Giáo hội và giáo xứ, là Hiền thê yêu dấu của Chúa. Hãy thể hiện tình yêu của mình với cha quản nhiệm, là vị chủ chăn Chúa cắt đặt trông coi phần rỗi các tâm hồn, bằng sự chăm sóc và cầu nguyện cho ngài. Đó cũng là tâm nguyện của cha cố Phaolô Nguyễn Công Minh, hãy thể hiện lòng tri ân ngài bằng hành động tích cực xây dựng tình hiệp nhất và góp phần vào những sinh hoạt giáo xứ.

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Cái chết





Trong hai ngày qua, tôi chứng kiến hai cái chết vì bệnh tật của 2 người đàn ông : một người có đạo chết ở tuổi 35 và một người theo Phật giáo chết ở tuổi 55. Cả hai cái chết cùng đau thương, bạn bè đến chia buồn, những nghi thức canh thức và chôn cất.
Trước hết, tôi đề cập đến cái tang của người theo Phật giáo. Cách tổ chức của họ cũng khá rõ ràng về giờ giấc: giờ chết, hưởng dương, nhập quan và mai táng và cũng có đội kèn đến thổi, có Thầy đến đọc kinh cầu siêu. Tiếng kèn mới não lòng làm sao, không có những giờ đọc kinh và ẩn chứa trong lòng mỗi người câu hỏi: “Không biết kiếp sau của người chết sẽ đầu thai thế nào?” Xem ra cuộc chia ly của người anh em Phật giáo cô đơn hơn, vì họ bước vào một không gian rộng lớn của vũ trụ, đi một mình và không biết rõ phận mình.

Đứng trước cái chết, người có đạo cũng đau buồn vì mọi dự tính còn dở dang và tương lai còn mập mờ: “phần rỗi người thân mình thế nào?” Nhưng những Lời Chúa nói về cõi đời sau phần nào yên ủi chúng ta, làm vơi đi phần nào những đau thương của sự chết: chết là đi gặp Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi. Ngoài những lời chia buồn theo lẽ tự nhiên, người con cái Chúa còn thể hiện mầu nhiệm các Thánh thông công qua những buổi cầu kinh, những đoạn Lời Chúa và những bản thánh ca ... nuôi dưỡng và củng cố lòng tin của nhau trong hoàn cảnh đau thương, giúp con người nhận ra Thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa.

Tôi đi gặp Đấng lòng tôi hằng yêu mến. Cuộc ra đi nầy, ta không đi một mình và không đi vào cõi vô vọng, nhưng là đi về nhà Cha, có sự đồng hành của Chúa Giêsu – của Mẹ Maria và của thiên thần bản mệnh cùng sự trợ giúp của muôn vàn thần thánh. Nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu tử nạn và phục sinh, người có đạo tin mình đáng được thương xót, dù công trạng riêng mình chẳng đáng bao nhiêu.
“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai vươn hình hài lớn dậy”(Trịnh Công Sơn). Mỗi ngày người có đạo luôn tạ ơn Chúa đã cho mình làm người: cuộc sống trên trần gian của người tín hữu Kitô là quà tặng của Thiên Chúa từ nhân để chia sẻ vinh quang của Chúa, chuẩn bị cho một cuộc sống vĩnh cửu chiêm ngắm vinh quang Chúa cách nhãn tiền. Và cái chết là cửa ngõ để bước từ đời nầy sang cách thế hiện hữu khác mà thôi.
Tuy nhiên, đứng trước cái chết, dù theo đạo nào, con người cũng cảm thấy hụt hẫng và lo sợ. Hãy cầu nguyện để Xin Thiên Chúa thêm niềm tin cho con cái Ngài và hãy dùng những Lời Kinh Thánh mà an ủi nhau, vì đó là Lời hằng sống đã được Thiên Chúa mạc khải cho con người.  

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Khóc thương cha





Cha ơi, cha thấy đó
Sáng hôm nay, ngày mồng năm tháng 8
Ngàn ngàn người lũ lượt về đây tiễn đưa cha
Là giám mục, linh mục và tu sĩ nam nữ
Là giáo dân từ nhiều giáo xứ gần xa
Nhưng đông nhất vẫn là giáo dân giáo xứ Vinh Hương,
những người mang nặng ân tình với cha gần vài chục năm nay.
Có thể nói giai đoạn đẹp nhất của đời cha đã dành cho Vinh Hương
Chúng con biết cha từ những ngày cha là Tân linh mục,
Lúc cha còn khỏe mạnh, linh hoạt, tài hoa và rất tuyệt vời.
Rồi những ngày cha bắt đầu đổ bệnh, cuộc đời cha héo hắt thêm từng ngày, những liều thuốc cứ tăng dần theo năm tháng.
Tuy bệnh tật cha vẫn luôn bình tĩnh, là con chim đầu đàn trong đời sống tâm linh.
Rồi bệnh tật như giây thừng siết chặt, lấy khỏi cha sức khỏe thể lý và tinh thần.
Cha khổ tâm vì không thể làm điều mình muốn, để săn sóc cho đoàn chiên.
Cha trở nên hy tế thập giá qua từng ngày sống.
Thấy cha bệnh, chúng con thương cha nhiều lắm, nhưng chỉ biết nguyện cầu lòng Chúa xót thương.
Cha trở nên kiệt quệ hơn trong những năm gần đây, từng liều thuốc cha uống phải tính toán chi ly giờ giấc, làm sao để chu toàn những công việc cần thiết của một vị chủ chăn.
Tuy bệnh thế, nhưng cha luôn bình tĩnh, khuôn mặt cha luôn phảng phất nụ cười.
Cuối tháng 6, tiễn cha phó cũ đi và đón cha phó mới về.
Đầu tháng 7 tin vui mừng ập đến, cha lên đường chữa bệnh với phương pháp hiện đại, cha lại một phen lo lắng về khoản chi phí quá lớn, cha ngại làm phiền mọi người. Nhiều người sát cánh bên cha, có dịp thể hiện lòng biết ơn thảo hiếu của tình người với người bạn rất thân tình.
Từng diễn biến của của ca phẫu thuật được kèm theo lời nguyện cầu. Tiếng thở phào khi nghe tin thành công, cha khỏe lên chúng con mừng gấp bội, từng ngày một đợi cha về lại nhà.
Đầu tháng 8 đoàn con mừng thấp thỏm: cha sắp về,
chợt nghe tin cha được Chúa gọi về.
Tuy bỡ ngỡ và bàng hoàng, chúng con dần nhận ra ý nhiệm mầu của Chúa.
Cuộc hiến tế của cha đã đến giờ cao điểm, và tình yêu thập giá đã nở hoa.
Từng nhịp bước cha con song hành cả quãng đường dài,
những nhịp bước có đôi khi khập khiễng.
Nhưng giờ đây khi cha con cách biệt, chúng con hối tiếc vì nhiều khi lỡ nhịp,
làm buồn lòng cha, kém lòng mến Chúa và thiếu tình người.
Thật cảm động vì cha chọn nơi nầy làm quê hương thứ hai,
cả khi sống và bây giờ đã khuất.
Tuy xa lìa thể lý, nhưng tâm linh vẫn gần gũi,
chúng con thương cha và cha lại chuyển cầu cho chúng con.
Tuy cha khuất bóng, nhưng gương sáng cha còn ở lại mãi nơi đây,
cha đã gieo hạt và nay đến mùa gặt hái.
Xin lỗi cha, tạ ơn cha và cầu nguyện cho nhau, cha nhé.
Cầu chúc cha ra đi bình an, đến gặp Đấng Tình Quân lòng cha hằng yêu mến và suốt đời phụng sự.

Những câu chuyện được kể về cha Phaolô Nguyễn Công Minh ]




Những câu chuyện được kể về cha Phaolô Nguyễn Công Minh



Những câu chuyện về đời cha có lẽ có rất nhiều, chúng phản ánh những nhân đức Kitô giáo.  Tôi chỉ biết được rất ít và rất cần sự cộng tác của nhiều người. Chúng ta chia sẻ cho nhau những món quà thiêng liêng cha Phaolô để lại để giúp nhau sống tốt hơn và là những di sản tinh thần để lại cho thế hệ mai sau.

Cha Phaolô là người nhạy cảm về sự phục vụ và giúp đỡ người khác. Có một lần, tôi có việc ở nhà xứ, cha và cô Lệ (người giúp cha chuyện cơm nước) mời tôi uống nước đậu nành. Như thói quen ở nhà, tôi uống xong và đưa ly lại chậu ngâm cùng với vài chiếc ly khác, vì nghĩ rằng đã có cô Lệ. Một lát sau, cha rửa tất cả, và cha bảo: "cô rất dễ bị nấm tay khi tiếp xúc nhiều với nước, mình vẫn thường xuyên rửa chén bát". Tôi còn nghe biết nhiều hôm cha tự pha mì ăn và còn pha cho cô nữa vì cô cũng có lúc mệt nhọc. Cha khen chị Oanh là người hay xếp đặt sách vở trên ca đoàn 1 với một câu đầy triết lý sống: “việc phục vụ không đợi người khác phải nói ra mà còn là biết đoán trước những nhu cầu của họ”. Còn chuyện ngài hôn chân trong nghi thức rửa chân vào chiều thứ năm Tuần Thánh tôi chỉ mới được thấy cách đây chừng 5 năm; lần đầu chứng kiến tôi quá bỡ ngỡ và xúc động; lần thứ hai, tuy không bỡ ngỡ bằng, nhưng hôm đó ngài là cha chủ tế - còn có cha phó Phêrô đồng tế nữa, nhưng cha Phaolô vẫn cử hành việc rửa chân – dù rất bệnh tật, không biết do luật định chủ tế phải cử hành nghi thức này hay ngài giành lấy?
Cha Phaolô rất chăm chỉ làm việc tay chân, một phần phải vận động vì vấn đề sức khỏe, nhưng lý do chính hơn có lẽ là vì muốn nâng đỡ gánh nặng của tha nhân. Nhiều hôm cha tưới hoa và làm việc vặt trong khuôn viên nhà xứ (trong tình trạng bệnh tật) thấy rất tội nghiệp, ông chủ tịch phải can thiệp.
Cha không nói chuyện xấu của người khác và chỉ nói một chút về bệnh tật khi có người hỏi thăm. Nếu có vấn đề gì với ai, cha thường mời họ tới để gặp gỡ trao đổi. Cha không nặng lời với ai trên tòa giảng. Sau thánh lễ, đôi lúc cha cũng góp ý về một vài công việc phục vụ của hội Lêgiô hay ca đoàn với lời lẽ “không được khéo”, nhưng phải thông cảm cho cha vì những năm gần đây cha sống nhờ thuốc và thuốc tây có thể gây nên căng thẳng và ngài đang bị cơn  bệnh không ngừng hành hạ đau đớn.
Cha không loại trừ và kỳ thị ai. Cha rất có con mắt nhìn người khi chọn họ phục vụ trong những đoàn thể, nên đôi khi cha vẫn âm thầm từ chối không gọi một ai đó vào những công việc không phù hợp. Nhưng trên hết, cha rất rộng lượng: những kẻ đã bỏ việc vì bất mãn và bướng bỉnh vẫn được cha âm thầm chờ đợi nhiều năm trời, cho đến một ngày họ hối cải – muốn phục vụ lại thì cha niềm nở đón nhận, vẫn giao phó công việc phù hợp. Trong khi chờ đợi một ai đó đang đắn đo nhận nhiệm vụ, cha không đay nghiến – xì xèo to nhỏ, mà chỉ âm thầm cầu nguyện và không ngừng tác động… không hề nóng nảy hay nặng lời. Đúng là cha làm chủ được bản thân, trở nên nhỏ bé trước mặt Chúa và anh em.
Trí óc cha rất thông minh, nhưng chưa thấy ai bị cha làm cho bẽ mặt vì  lầm lẫn kiến thức và cũng chưa thấy cha khoe khoang mình học ra sao! Giỏi mà khiêm tốn thật khó dường bao. Cha chỉ nói khi cần thiết, nói rất ít và chỉ nói về những công việc mục vụ, chưa thấy cha oang oang nói về một lãnh vực nào đó để chứng tỏ sự uyên thâm của mình. Nếu có nói về người thứ ba thì đó lại là một lời khen ngợi chân thành để khuyến khích họ. Mỗi dịp tết đến hay dịp lễ quan thầy Phêrô Phaolô, trước đây mỗi hội đoàn đều đến mừng tuổi cha với một chút quà, nhưng nhận thấy sự vất vả của giáo dân, cha quyết định: chỉ cần ông chủ tịch đại diện cộng đoàn mừng tuổi hoặc mừng lễ ở nhà thờ với cộng đoàn là được, đơn giản thế thôi.
Khi nói chuyện, cha nhìn thẳng vào mặt người kia với thái độ lắng nghe hết mình, không bao giờ cha ngắt chuyện ai  mà luôn chờ cho họ nói hết câu chuyện. Cái nhìn của cha đôi khi làm nhiều người lúng túng và sợ. Nhiều người nói: cái nhìn chằm chằm là do bệnh tật, nhưng đúng hơn là do sự tôn trọng , tính mẫn cảm, tính khiêm tốn và lòng bác ái sẵn có nơi cha.
Anh Võ có nói một hình ảnh về cuộc đời cha rất hay: “Năm 11 tuổi, gia đình tiễn đưa người con thứ năm dâng mình cho Chúa trong chủng viện. Người con ấy được lãnh sứ vụ linh mục vào 24.8.1995 và được bổ nhiệm làm mục vụ tại giáo xứ Vinh Hương, và để cho bông hồng nên tươi thắm hơn, Chúa đã trao cho cha bệnh tật và dường như khi bông hồng đã trở nên rực rỡ muôn phần thì Chúa đã hái về. Chúa đã cho cha trải qua những thương đau cuộc đời, rất nhiều lần “vỡ mộng” để giúp cha từ bỏ ý riêng: mộng linh mục bay xa trong những lần giải tán 75 và 78, những ngày lận đận vật lộn với cuộc sống để duy trì ơn gọi 78-92, công việc mục vụ tại Vinh Hương trái với ước vọng công việc giáo dục của cha, cơn bệnh càng ngày càng nặng dễ làm con người thất vọng và nổi loạn với Chúa vì tương lai đen tối, ngoài ra cha cũng mang nặng những nỗi khổ tinh thần và những mặc cảm vì mình không chu toàn bổn phận, vì mang ơn nhiều người. Tất cả những đau khổ thể xác và tinh thần đó là để trui luyện niềm tin và tình yêu của Cha với Chúa nên tinh tuyền. Dĩ nhiên, Thiên Chúa không ngừng ban ơn nâng đỡ để cha không thất vọng và vấp ngã, để cha hoàn tất hiến lễ cuộc đời: hoàn toàn tín thác vào Chúa”.
Hôm cha mất, phòng làm việc của cha bị niêm phong lại, đến chiều thì cha quản hạt và cha phó mở ra để tìm di chúc: nguyện vọng của cha được chôn cất ở đâu? Tìm mãi mà chẳng có di chúc gì cả. Ai cũng cảm động, vì cha từ khước luôn cả sự chọn lựa cho mình một nơi an nghỉ sau khi chết. Được biết cha có rất ít con cái thiêng liêng và cũng chẳng có chút tiền bạc, tài sản giá trị nhất của cha bây giờ có lẽ là một chiếc xe Dream. Không di chúc, không tiền bạc và duy nhất một người con thiêng liêng… tất cả nói lên tinh thần phó thác nơi sự xếp đặt và định liệu của Thiên Chúa. Tinh thần nghèo khó và phó thác của cha còn có một khía cạnh tích cực nữa là cha luôn biết cho đi và chia sẻ hơn là vơ vét cho mình.
Thế đó, khi nghĩ về cha Phaolô, chúng ta nên tự hào về một người bạn tốt lành đã kiên trì thể hiện những nhân đức một cách anh hùng: Khiêm tốn, chăm chỉ làm việc, khoan dung và độ lượng, khó nghèo và phó thác, nhạy cảm và sẵn sàng phục vụ anh em.



Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Đời là giấc mộng




Có những đêm khó ngủ, ta thường có nhiều giấc mộng về những chuyện trong cuộc sống: chuyện tình yêu, chuyện công việc, chuyện va chạm với ai đó, chuyện nguy hiểm đến tính mạng. Những tình tiết của những câu chuyện đó cũng rất phức tạp và gay cấn, chỉ có điều là ta thường bất lực để chạy trốn, nên thường vã mồ hôi khi thức giấc. Tỉnh lại rồi ta mừng vì đây chỉ là mơ chứ không phải thật và ta vẫn an lành.
Cũng nhờ có những giấc mơ hãi hùng đó mà ta nhận ra một sự thật rằng: cuộc đời ta cũng y như một giấc mơ vậy! Tuy cuộc đời ta là thật: ta ăn, ta uống, ta yêu, ta lao nhọc và lo âu…nhưng rồi đến một lúc nào đó phải buông bỏ hoàn toàn để trở về với Đấng Tạo Hóa thì cuộc sống hiện nay của ta dường như là một giấc mơ đã qua.

Sách Giảng Viên đã nói: “phù hoa trên mọi phù hoa. Cuộc đời hết thảy chỉ là phù hoa. Bấy giờ nhìn vào hết mọi việc do chính tôi làm, và bao gian lao vất vả tôi phải chịu, tôi nhận thấy : tất cả chỉ là phù vân, chỉ là công dã tràng xe cát ; dưới bầu trời, có lợi lộc gì đâu” (GV 2,11). Tôi nhận thấy rằng trong công việc, con người chấp nhận mọi gian khổ và vận dụng hết tài năng chỉ vì muốn ganh đua với nhau. Nhưng việc đó cũng chỉ là phù vân, là công dã tràng xe cát !(4,4).
Quả đúng như vậy, nếu con người chỉ biết lao nhọc, cưới vợ gả chồng, đặt niềm tin và trọng tâm cuộc đời nơi những sự vật, thì cuộc đời nầy quả là phù vân. Đức Phanxicô nói với giới trẻ phải xét lại xem mình đặt niềm tin nơi đâu, nơi chính mình hoặc nơi của cải chứ không phải là Thiên Chúa. Tôi chắc chắn rằng các bạn không muốn sống trong ảo tưởng một thứ tự do để cho mình bị lôi kéo theo thời đại và những điều thịnh hành nhất thời. Tôi biết rằng các bạn nhắm cao hơn, nhắm đến những chọn lựa chung kết mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống. Chúa Giêsu có khả năng cống hiến điều ấy cho các bạn. Ngài là "đường, là sự thật và là sự sống" (Ga 14,6). Chúng ta hãy tín thác nơi Ngài. Chúng ta hãy để cho Ngài hướng dẫn.(Buổi canh thức với các bạn trẻ ở Brasil 7.2013)
Nhà thờ giáo xứ Vinh Hương gắn liền với cây đa cổ thụ. Cây đa là hình ảnh đã đi vào tâm khảm những người đã từng một ngày sống ở Vinh Hương. Đang là mùa thay lá, hàng ngàn chiếc lá  rơi rụng mỗi ngày, làm khổ những người muốn cho quang cảnh nhà thờ sạch đẹp. Tuy nhiên lá cứ rụng như một lời nhắc nhở con người sự trở về lòng đất của thân phận bụi tro, khi đến giờ Chúa muốn – thường là vào lúc ta không ngờ. Những chiếc lá cứ vô tình rơi xuống, những hạt mưa mùa giông bão nhẹ rơi, làm tan nát cõi lòng đoàn con đang đón chờ cha về.

Đừng để cuộc đời chỉ là giấc mơ vì ta đã vỡ mộng khi đến điểm hẹn. Đời chỉ là thực khi nó là hạt mầm được gieo và trổ sinh hoa trái cho mai sau. Để đời không là mơ thì phải có Chúa hiện diện, Chúa đồng hành, Chúa can thiệp: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”