Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Dòng đời dần trôi…




Sông Sêrêpôk nằm ở phía Tây Trường Sơn, con sông này chảy sang đất Campuchia trước khi nhập vào sông Mê Kông để sau đó con sông lớn này trở lại Việt Nam.  Dòng nước cứ chảy về chỗ trũng như một điều tự nhiên. Dòng nước khi hiền hòa khi lại giận dữ tùy thời tiết và địa hình nó đi qua. Cuộc đời mỗi người và sinh hoạt của một giáo xứ cũng được ví như dòng sông đầy kỷ niệm và dấu ấn của tình Chúa và tình người. Tôi muốn nói tới cuộc chia tay của giáo xứ Vinh Hương với cha Phêrô Cao Tiến Hà và nói tới giáo xứ Đức lệ là nơi cha Phêrô được bổ nhiệm là vị quản xứ tiên khởi.
Năm 1995, thầy Phêrô Cao Tiến Hà đi học ở Đại Chủng Viện Sao Biển Nha Trang, chương trình học chỉ 5-6 năm là hoàn tất, các bạn lần lượt lãnh nhận sứ vụ linh mục, thế nhưng thầy Phêrô bôn ba mãi tới năm 2009 mới bước lên bàn Thánh và được bổ nhiệm là cha phó giáo xứ Vinh Hương. Trong 4 năm sống đời cha phó, dưới sự dìu dắt của cha Phaolô Nguyễn Công Minh, cha Phêrô nay đã trưởng thành để nhận một giáo xứ còn non trẻ với vài năm tuổi. Chắc chắn đây là cơ hội tốt cho cả hai: cha xứ trẻ với đầy nhiệt huyết và đàn chiên cũng quyết tâm cộng tác với vị chủ chăn để đưa giáo xứ hòa nhập với bạn bè bốn phương, cả trong lãnh vực đạo cũng như đời, cho thỏa tình mong ước bấy lâu nay. Còn nhớ ngày lễ mở tay của cha Phêrô ở giáo xứ Kim Mai, cha nghĩa phụ Stephanô Nguyễn Văn Đậu đã giảng: Bí tích truyền chức thánh và ơn của Bí tích này không làm phép lạ ngoạn mục để biến một người bình thường, trong nháy mắt, thành một vị thánh, thành người hoàn thiện, một người tốt lành. Ngày lãnh chức linh mục không phải là đạt đến đích điểm đời tu, nhưng chỉ là bước qua một giai đoạn mới, khởi đầu lên đường đi loan báo Tin Mừng. Ai cũng biết linh mục cũng là con người, nên có rất nhiều hạn chế về mọi mặt và suốt cuộc đời  tận hiến  linh mục luôn phải phấn đấu để trở nên trọn lành. Ý thức thân phận mỏng dòn của mình, cha Phêrô đã chọn khẩu hiệu ‘Hồng Ân của Chúa, đời đời con ca ngợi'. Và hôm nay 27/6/2013, cha nghĩa phụ lại căn dặn: Linh mục là người dẫn dắt người ta đến với Thiên Chúa, xây dựng sự hiệp nhất và yêu thương. Linh mục được trao cho chìa khóa nhà tạm là để nhắc nhở rằng: Thánh Thể là trung tâm đời sống đạo và là nơi linh mục kín múc sức mạnh. Linh mục quản xứ được dẫn ra tháp chuông để nói lên rằng Ngài có bổn phận quy tụ cộng đoàn đến tụ họp cầu nguyện. Linh mục còn được đưa đến tòa giải tội để nói lên rằng ngài được trao cho quyền tháo cởi trong nhiệm sở mình và phải biết cách dẫn con chiên năng đến tòa cáo giải để giao hòa với Thiên Chúa. Ngày 24/6/2013, mừng lễ quan thầy Gioan Baotixita, đoàn con giáo xứ Vinh Hương đã có lời từ biệt cha Phêrô để cha ra đi theo bài sai của đức cha Vinh Sơn. Đã có những giọt ngắn giọt dài vì bùi ngùi thương tiếc, vì những cảm xúc tạ ơn  cũng như xin lỗi nhau, khi những bước chân cha con cùng song hành trong suốt 4 năm trời, dù những bước chân có lúc khập khiễng. Và ngày hôm nay, 27.6.2013, khá đông bà con giáo dân đã tự nguyện đưa tiễn cha về vùng đất mới, cùng dâng thánh lễ để cầu xin ơn Chúa xuống trên cha và bà con giáo xứ Đức Lệ, là con đẻ của Vinh Hương. Xin cho dòng đời cha càng ngày càng trở nên hùng vĩ, lôi cuốn được nhiều tâm hồn về bên Chúa Tình Yêu.

Đến với giáo xứ Đức Lệ, ai cũng nhận thấy sự trưởng thành rõ rệt. Những năm 1960, chỉ có một nhóm nhỏ tìm đến đây lập nghiệp, tựa như những dòng suối róc rách khởi nguồn cho một dòng sông lớn trong tương lai. Thập niên 70, giáo họ Đức Lệ được thành lập, có nhà thờ để cha xứ vào dâng lễ và có tượng thánh Antôn Padua. Đặc biệt từ năm 1997-2012, có cha Isidorô Lê Hướng về giúp giáo họ và tiếp đó đến nay có cha xứ Xã Đoài làm cha quản nhiệm. Thời gian gần đây, giáo xứ Đức Lệ được giáo quyền cũng như chính quyền công nhận và đã có một giáo điểm Đức Hòa. Sự phát triển âm thầm mà mạnh mẽ của giáo xứ Đức Lệ được ví như dòng sông càng ngày càng lớn, tuôn chảy về biển khơi cội nguồn là Thiên Chúa. Nơi dòng sông nầy, muôn sinh linh tìm được môi trường tốt để sống đạo, để minh chứng tình Chúa và thể hiện tình người, họ cùng nhau trẩy hội tiến về đền thánh Giêrusalem trên trời.
Giáo xứ Vinh Hương cũng đang trải qua một giai đoạn có nhiều biến động, tiễn cha phó đi và chỉ vài ngày tới lại đón cha phó Phaolô từ giáo xứ Vinh An về. Thêm vào đó, đầu tháng 7 cha xứ đi Saigon để được bác sĩ giỏi chẩn đoán lại, chuẩn bị cho một cuộc giải phẩu cài ‘chip’ điện tử vào não. Có thể nói lòng người ai cũng cảm thấy nao nao khi dòng sông đi qua vùng thác ghềnh, nhưng tiếng nói của Thầy Giêsu vẫn vang vọng trong ta: “Thầy Đây, đừng sợ, hỡi đàn chiên bé nhỏ”.


Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

Lòng yêu mến



Khi ta bị bệnh về mắt, ta buộc phải mang kính và vạn vật biến đổi bởi lăng kính ta mang, từ màu sắc cho đến kích thước. Nếu ta biết nhìn nhận thân phận tội lỗi của chính mình và nhìn ra lòng yêu mến (sự tử tế) của người khác, thì thái độ sống của ta với người người khác sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Quả thật, nhìn ra tội mình là một điều khó và nhìn ra lòng yêu mến của người khác cũng là điều khó. Vua Đavit đã say đắm bà Betsabê nên đã lập mưu giết chồng bà là tướng Uria. Tiên tri Nathan được Chúa sai đến nói với vua về câu chuyện “một người rất giàu đã lấy con chiên duy nhất của một người nghèo để thết đãi bạn…” vậy mà vua Đavit cũng vẫn chưa nhận ra tội mình, vẫn còn cao giọng lên án sự bất công tầy đình kia. Chỉ đến khi tiên tri Nathan phải nói thẳng: “Kẻ đó chính là nhà vua!” thì Đavít mới nhận ra lỗi lầm của chính mình và ăn năn (2 Sam 12,7-10).
Câu chuyện Tin Mừng Luca 7,36-50 kể về một người đàn bà tội lỗi hôm nay cũng có nhiều điều đáng cho ta suy nghĩ. Ai cũng dễ nhận ra ngay rằng người đàn bà đầy tiếng tăm kia là kẻ tội lỗi đáng bị loại trừ khỏi mặt đất mà không nhận ra lòng yêu mến bà đang diễn tả là điều đáng đề cao và là điều đẹp lòng Chúa. Và không ai trong cử tọa hôm ấy nhận ra mình là kẻ tội lỗi.
“Kẻ được tha nhiều thì yêu mến nhiều, kẻ được tha ít thì yêu mến ít”. Trong ví dụ Chúa đưa ra, sự tha thứ của ông chủ là do lòng thương xót, vì cả 2 con nợ đều không có gì để trả. Chúa Giêsu đưa ra nhiều so sánh để ông Simon nhận ra những hành động lạ kỳ đang diễn ra trước mắt: người phụ nữ tưới ướt chân Chúa bằng nước mắt và lấy tóc mà lau, chị không ngừng hôn chân Chúa và xức lên đó dầu thơm quý giá. Và chắc chắn người biệt phái đã phải ‘tâm phục khẩu phục’ trước lý luận của Chúa hôm ấy: chị phụ nữ kia không còn là người tội lỗi nữa vì chị đã được tha rồi, bằng chứng là chị đã biểu lộ lòng biết ơn một cách ngoại thường, ngoài sức tưởng tượng của ông. Câu nói của Chúa gợi lên điều gì cho ta? – Nhiều khi chúng ta không yêu Chúa nhiều là vì ta không nhận ra thân phận tội lỗi và mất cảm thức về tội đã phạm; nhiều khi ta nghĩ tội lỗi là do mình tưởng tượng hoặc tha thứ là chuyện bình thường của Thiên Chúa. Hãy sửa lại điều đó bằng cách năng hồi tâm, đặt bàn tay phải lên tim và nói lời xin lỗi Chúa. Hãy tri ân Chúa nhiều vì quả thực Thiên Chúa tha thứ cho ta nhiều lắm và Ngài không mỏi mệt trong sự tha thứ.

“Tội con được tha rồi!” Lời nói của Chúa với người phụ nữ tăm tiếng hôm ấy đã đem lại bình an cho chị và chứng tỏ quyền năng tha tội của Chúa. Có lẽ không ai trong chúng ta có thể bắt chước được chị phụ nữ ấy: chị đi tìm Chúa để thống hối, chị không thuộc công thức xưng tội nhưng lòng chị đã tràn đầy sự thống hối và quyết tâm sửa đổi đời sống cho phù hợp với giáo lý Chúa dạy, chị khóc nhiều đến nỗi ướt chân Chúa và lấy tóc mà lau, chị còn hôn chân Chúa và lấy dầu thơm mà đổ lên. Ở đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận ra hình ảnh của bí tích hòa giải: ăn năn hối cải và xưng thú lỗi lầm, đó là những điều kiện cần thiết để lãnh nhận ơn tha thứ. Thật đáng tiếc là ngày nay người ta ngại xưng tội, các cha thì ngại ngồi tòa mà giáo dân thì ngại xét mình, việc xưng tội chỉ là việc làm định kỳ 2-3 lần/ năm chứ không phải là việc tắm rửa khi bị bẩn. Ngày nay, người giáo dân được khuyến khích rước lễ (khi không phạm tội trọng) để được hưởng ơn thánh trợ giúp chống lại các cơn cám dỗ; nhưng điều nầy dễ dẫn đến một tình trạng là càng ngày người ta càng thấy tội nào cũng là tội nhẹ và rước lễ theo thói quen. Có một nghịch lý là: nếu là tội nhẹ thì càng nên rước lễ và càng rước lễ thì càng thấy mình không có tội, đúng ra hai bí tích Thánh Thể và Hòa Giải phải luôn song hành. Người ta dễ quên lời nhắc nhở của Thánh Phaolô trong thư 1Cor 11,28-29: “Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình”.
Để kết luận, xin kể một câu chuyện. Một cô giáo tiểu học rất vất vả để điều hành lớp học của mình, vì có một cậu học trò chuyên phá phách trong lớp và chọc ghẹo cô giáo, cậu xem đó như một trò chơi và làm cả lớp không thể học được. Một hôm, cậu thấy cô giáo đang ngồi trầm ngâm ở bàn giáo viên và đang ghi chép gì đó vào một tờ giấy. Cô vội cất tờ giấy vào cuốn sách trên bàn và bảo đó là một lời cầu nguyện nhưng cậu không tin. Dĩ nhiên cậu cũng tìm cách lấy được mẩu giấy đó, nhưng không thể đọc được vì viết bằng ngoại ngữ và chuyện đó cũng chìm vào quên lãng. Hai mươi năm sau, cậu học sinh ấy đã trưởng thành và làm ăn lập nghiệp, cậu đang dự tính cho một vụ làm ăn bất chính lớn, tình cờ cậu lục lọi trong phòng và tờ giấy cũ ngày xưa rơi xuống. Cậu cũng vẫn không hiểu nổi những chữ bí ẩn trong tờ giấy, cậu đưa nó cho cô thư ký và cô ta đã đánh máy lại cho ông chủ lời cầu nguyện của cô giáo năm xưa: “Lạy Chúa, con khổ tâm và cảm thấy bất lực trước người học trò hay phá phách nầy. Với tính khí nầy, cậu ấy có thể là một vĩ nhân nhưng cũng có thể là một kẻ đại bịp. Xin Chúa biến đổi lòng cậu để cậu ấy trở nên một người hữu ích”. Đọc xong lời cầu nguyện trên, cậu như choàng tỉnh khỏi dự án xấu đang mưu tính thực hiện và quyết tâm trở thành một người tốt, vì không muốn phụ lòng ao ước của cô giáo và sau đó cậu đã tìm đến thăm người cô ấy, nay đã là một người già. Người học trò ấy là Theodore Roosevelt, vị tổng thống đầu thế kỷ 20, đã đem nước Mỹ đến cường thịnh. Thế đó, nhìn ra lòng yêu mến mà Chúa và tha nhân quanh ta dành cho ta là điều rất quan trọng giúp ta sống tốt và hạnh phúc trên đời.
(Viết theo bài giảng của cha Phaolô Nguyễn Công Minh)