Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020

Ăn chay


Mùa chay là mùa của chay tịnh, cầu nguyện và sống bác ái. Mục đích của 3 việc này là để gần gũi với Chúa, mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu: hiền lành và khiêm nhường, vâng theo ý Cha trong mọi sự - đến nỗi bằng lòng chịu chết vì nhân loại.

Chúa lên án thái độ ăn chay bên ngoài mà lòng chứa đầy gian ác, gian tham hại người. Kiểu ăn chay Chúa ưa thích là thay đổi cõi lòng: sống bác ái thương người và chết đi cho tội lỗi, được thúc đẩy vì lòng mến Chúa. Con người chúng ta thường thích phép lạ mà không chịu thay đổi cuộc sống, hãy thay đổi cõi lòng cho thanh tịnh, bạn sẽ thấy nhiều điều lạ xảy ra. Mùa chay là để gần Chúa hơn, nói chuyện với Chúa nhiều hơn. Nhưng điều đó chỉ xảy ra khi lòng ta biết tĩnh lặng: bớt ồn ào bởi lo lắng nhiều chuyện vô bổ.

Có câu chuyện kể rằng: Có một vị giáo sư nọ nghe danh một vị tu sĩ già rất uyên bác giúp cho nhiều người tìm được lẽ sống khôn ngoan. Vị giáo sư tìm đến nhà vị tu sĩ để xin thụ giáo. Bước vào nhà, trình bày lý do cuộc thăm viếng và về lý lịch của mình, vị giáo sư nói và nói… Vị tu sĩ già chỉ biết nghe, ông rót trà mời khách, rót nước tràn ly mà cứ tiếp tục rót. Đến lúc này, vị giáo sư mới dừng nói để nhắc chủ nhà rằng nước đã tràn ly. Vị tu sĩ già mới lên tiếng: ngài đến để thụ giáo, nhưng lòng ngài đã tràn những kiến thức và thành kiến, nên không thể tiếp nhận chân lý được, hãy làm cho lòng trống rỗng và biết khao khát đã thì mới đón nhận được sự khôn ngoan của Thiên Chúa.


Ấy vậy, nếu cõi lòng người con cái Chúa sôi sục hận thù, chứa đầy gian tham hại người, quá lo lắng việc đời và tích trữ của cải, ham mê danh vọng, thích bới móc việc người …thì việc ăn chay, nghe giảng, xưng tội, hành hương cũng trở nên hời hợt.  Đức Phanxicô trong sứ điệp mùa chay 2020 dạy: “Thật tốt đẹp khi chiêm ngắm đôi tay dang rộng của Chúa Giêsu trên thập giá, biểu lộ một tình yêu vô bờ bến. Sự cảm nghiệm tình yêu này chỉ có thể có trong mối tương quan “diện đối diện” với Chúa bị đóng đinh và sống lại, một cuộc đối thoại chân thành giữa những người bạn. Đó là lý do tại sao lời cầu nguyện rất quan trọng trong thời gian Mùa Chay”.


Mùa chay đến, hãy tích cực hy sinh hãm mình như: vui lòng chịu thiếu thốn một chút, giảm bớt việc ăn uống một chút. Hãy cầu nguyện nhiều hơn, và quan trọng nhất là hãy thay đổi cõi lòng cho phù hợp với lòng Chúa mong ước: hiền lành, khiêm nhường, cư xử với anh em bằng lòng thương xót.

Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2020

Kể chuyện


Sứ điệp truyền thông 2020 có những lời rất hay. Đức Phanxicô khuyên chúng ta phải kể những chuyện tốt lành, đừng kể những chuyện phá hoại. Tôi chỉ trích vài câu thôi:
Con người không những là sinh vật duy nhất cần mặc quần áo để che đi điểm yếu của mình (x. St 3,21); mà còn là sinh vật duy nhất cần phải mặc lấy những câu chuyện kể để bảo vệ cuộc sống của họ. Con người là sinh vật kể chuyện. Những chuyện kể để lại dấu ấn trên chúng ta, định hình những xác tín và hành vi của ta, giúp ta hiểu và cho ta biết mình là ai.

Hằng ngày chúng ta nói chuyện, kể chuyện này chuyện khác. Lúc hồi tâm, chỉ cần nhìn lại những chuyện mình đã nói trong ngày cũng đủ nhận ra con người thật của chính mình: tốt lành hoặc xấu xa, khiêm tốn hoặc kiêu ngạo, ích kỷ hoặc quảng đại, chân thật hoặc giả dối…

Cha Nguyễn Tầm Thường có kể cuộc đàm thoại giữa con heo và con bò (loài được xem là thần ở Ấn). Heo thắc mắc tại sao mình cho loài người thịt và da, thế mà bị xem thường, trong lúc bò chỉ cho sữa mà lại được kính trọng? – Vì heo cho thịt khi đã chết, còn bò cho sữa lúc còn sống, cho có ý thức và có tự nguyện.

Trong gia đình bác tôi có nuôi một con chó tên là Noa, tuổi càng cao thì chó lại càng được quý mến vì một vài tính tốt. Vì tuổi cao, chó ta được gọi là bác Noa. Bác được cắt đặt canh gác cả rổ thịt mà không hề hấn gì; bất kỳ món ngon nào, bác ta cũng để em út ăn chán rồi bác mới ăn. Suy ra, bác có tính tự chủ và tính vị tha. Đôi lúc tôi nghĩ chỉ cần học bác Noa cũng đủ để làm người tốt rồi.


Dịp tết vừa rồi có vài chuyện tôi được chứng kiến nói lên sự tử tế của con người.
- Tôi và anh bạn dắt xe máy đi dọc quốc lộ, bỗng có chiếc xe máy chạy chậm lại và hỏi xem có cần sự giúp đỡ không. Tôi không nhận sự giúp đỡ vì nhà rất gần, thế là chiếc xe kia quay đầu vượt qua làn đường bên kia. Tôi chợt hiểu và cảm động, vì đôi thanh niên nam nữ đang đi ngược chiều, nhưng họ có ý định giúp đỡ người ở bên kia đường, họ tốt thật.

- Dọc quốc lộ 14, nhiều người đi Saigòn sau dịp tết có dịp chứng kiến có những người cho nước uống miễn phí dọc đường. Họ đứng sát lề đường, đưa những chai nước cho ai cần thì lấy. Có người bảo đó là người phật giáo vì họ tin vào luật nhân quả, hành thiện tích đức. Tôi hỏi lại: thế đạo Chúa cũng dạy sống bác ái và mở tài khoản nước trời đấy thôi?

- Sau dịp tết vừa qua, trong làng xảy ra một vụ cháy nhà, có lẽ do chập điện. Lúc đầu, cháy nhà gỗ bên cạnh căn nhà xây. Nhiều người nghĩ có lẽ chỉ cháy nhà gỗ và vì chưa từng ‘tập dượt’ cứu nhà cháy, nên hầu hết chỉ đứng nhìn mà không kịp phản ứng, không biết lấy nước ở đâu. Cũng may có ai đó gọi lính cứu hỏa, một số người khác cứu đồ trong nhà xây ra. Ngọn lửa được dập tắt, thiệt hại vật chất cũng không nhiều, nhưng một sự áy náy còn lại trong lòng người: ai cũng sợ chết, ai cũng sợ mệt, nhà ai cháy thì phải chịu. Đến nay, giáo xứ đã có lời kêu gọi giúp đỡ, thể hiện tình tương thân tương ái.


Sự quan phòng của Thiên Chúa đã xếp đặt cho mỗi người được sinh sống cạnh nhau, trở thành ruột thịt và bạn bè trong làng xóm. Cách sống và lời nói của người này có ảnh hưởng tương tác đến người kia. Chúa dạy ta đừng làm gương mù gương xấu, mà hãy trở nên men nồng muối mặn cho nhau, kể cho nhau những điều tốt đẹp để giúp nhau tìm được Chúa là nguồn chân - thiện – mỹ.



Thứ Tư, 12 tháng 2, 2020

Vài lời chúc xuân


Mùa xuân đã qua đi, nhưng có những lời chúc xuân còn đọng lại nơi lòng. Xin ghi lại như một cảm nghiệm về cuộc đời.

Xin chúc mọi người được rơi vào hũ gạo của Chúa. Đây là lời chúc xuân của cha quản xứ Vinh Hương. Một lời chúc giản dị, dễ nhớ và cũng giàu tính tâm linh. Quả thật, Cha trên trời là Đấng vừa quyền năng lại vừa tốt lành, tốt hơn bất cứ người cha trần thế nào. Có thể nói mối bận tâm lớn nhất của Thiên Chúa là yêu thương con người, một tình thương trao ban và xót thương. Thế nhưng, con người chúng ta thường lãng quên tình thương đó, nghi ngờ rằng Chúa lạm dụng mình, Chúa lãng quên mình, Chúa bất lực với sự dữ… Nhất là khi đối diện với đau khổ, ta bị cám dỗ để không nhận ra rằng ‘khi Chúa đóng cửa chính lại thì Ngài lại mở ra những cánh cửa sổ’. Bởi đó, lời chúc xuân hàm ý rằng: Cầu chúc cho mỗi người luôn cảm nghiệm được tình thương của Chúa trong cuộc đời mình.

Xin cho gia đình được như ý ‘Chúa’. Điều cốt lõi của hạnh phúc trong cuộc đời là đón nhận ý Chúa. Chúng ta cứ cầu chúc và cầu nguyện cho nhau được bình an, khỏe mạnh, toại nguyện, thành đạt, hạnh phúc, phát tài. Những mong ước đó đều có ý tốt, nhưng hãy ghi nhớ lời Thánh nữ Faustina: “Khi cầu nguyện, chúng ta đừng nài ép Chúa ban cho điều chúng ta muốn, mà chúng ta nên tuân phục Thánh ý Người (NK 1525). Để có bình an, chúng ta cầu chúc cho nhau biết thuận theo ý Chúa, biết tìm kiếm và vâng theo ý Chúa. Chính Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta: ‘Xin cho ý Cha được thể hiện’ dưới đất cũng như trên trời, thể hiện trong cuộc đời ta và cuộc đời tha nhân; và trong suốt cuộc đời tại thế, Chúa Giêsu chỉ luôn tìm vâng theo ý Cha.

Xin chúc cho gia đình được bình an. Đây là lời cầu chúc phổ thông nhất, nhưng cần kèm theo một chút chú giải và tôi xin trích lời chú giải của một vị linh mục. Khi ta xin ơn bình an cho nhau thì chắc chắn Chúa sẽ ban, với điều kiện chúng ta biết sống theo Lời dạy của Chúa, cụ thể là biết học nơi Chúa sự hiền lành và khiêm nhường.


Còn tôi, như một quyết tâm và cũng như một lời chúc cho chính mình: ĐẶT GÁNH NẶNG XUỐNG. Chúa mời gọi từng người: “Hãy đến với Ta, hỡi những ai mang gánh nặng nề, Ta sẽ bổ sức cho các con”. Cha Minh Anh có một bài viết nói về một người cả đêm cứ phải vác một bao tải nặng nề như muốn đi không nổi, anh mới hỏi Chúa ‘tại sao hành hạ mình như vậy’, Chúa trả lời: “Gánh nặng đó là lỗi lầm của anh em mà con đã bới móc ra thì con phải vác”. Để cho cuộc đời nhẹ nhàng, hãy đặt gánh nặng xuống: ghen ghét, tự hào, xét đoán, lo âu…