Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 21 tháng 12, 2017

Hãy đón nhận con trai tôi




“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban CON MỘT, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời.” (Ga 3,16).
Một nhà triệu phú và đứa con trai rất đam mê sưu tầm những họa phẩm hiếm nổi tiếng.  Họ đã thu thập được hết thảy những bức tranh tuyệt tác của các danh họa lừng danh trên thế giới, từ Picasso tới Raphael.  Hai cha con thường ngồi bên nhau để thưởng lãm và ca ngợi những nét vẽ thần tình và linh động tuyệt vời của các bức họa mà họ đã ra công sưu tầm được.

Khi chiến tranh bùng nổ, người con nhận được lệnh gọi phải nhập ngũ.  Sau một thời gian huấn luyện, anh theo đơn vị ra chiến trường.  Anh tỏ ra một chiến sĩ dũng cảm và rất yêu thương đồng đội, nhưng anh đã phải hy sinh nơi trận địa trong lúc cứu mạng sống của một đồng đội.  Khi nhận được hung tin, người cha vô cùng đau đớn về cái chết đột ngột của người con trai duy nhất của ông.
 
Khoảng một tháng sau, ngay trước Lễ Giáng Sinh, vào một buổi xế chiều người cha đang ngồi ngắm nghía những bức họa mà lúc sinh thời người con ưa thích; thình lình nghe tiếng gõ cửa ông đứng lên bước ra mở cửa.  Một thanh niên lạ mặt hai tay ôm một gói lớn, cất tiếng chào.
–    Kính chào Bác, chắc chắn Bác chưa từng biết cháu là ai, cháu xin phép được tự giới thiệu: cháu là người lính đã được con trai Bác cứu mạng trong một cuộc đụng độ.  Anh ấy đã cứu rất nhiều bạn đồng đội trong ngày hôm ấy và trong khi đang vực cháu vào chỗ nấp an toàn, anh đã bị một viên đạn của đối phương bắn trúng ngay tim và gục ngã tức thời. Trong những ngày còn tại thế, chúng cháu sống bên nhau, anh ấy thường hay nhắc đến Bác rất nhiều với cháu, và kể cho cháu nghe về sự ưa chuộng và mê say những tác phẩm hội họa của Bác, cũng như Bác đã giảng giải cho anh về những nét vẽ tinh vi và khác biệt của từng họa sĩ.  Anh thanh niên đưa gói quà ra và trịnh trọng tiếp lời:
–    Cháu biết, bức tranh này chẳng đáng giá gì so với bộ sưu tập của Bác.  Cháu không phải là một họa sĩ nổi tiếng, nhưng cháu nghĩ rằng người con trai Bác, cũng là ân nhân cứu mạng cháu nên cháu ước ao xin Bác chấp nhận bức họa này.

Người Cha đưa tay đỡ lấy và từ từ mở gói quà ra.  Trước mặt là một bức chân dung của con trai ông đã được người thanh niên vẽ.  Ông thất thần trố mắt chăm chú nhìn bức chân dung mà người họa sĩ quân nhân đã lột trần được cái tinh anh của con trai ông qua nét vẽ thật tài tình.  Đôi mắt người cha đã tuôn trào đẫm lệ lôi cuốn bởi đôi mắt người con trên bức tranh.  Ông cám ơn người thanh niên và ngỏ ý muốn trả tiền cho bức tranh.  Người thanh niên vội đáp:
–    Thưa Bác không, đây là một món quà cháu kính biếu bác, cháu không có gì xứng đáng để có thể đền đáp được ơn cứu sống của con trai bác đã hy sinh mạng sống của mình cho cháu.

Người cha liền treo bức hình đó trong phòng trưng bày những sưu tầm chính của ông.  Mỗi khi có khách viếng thăm, ông thường dẫn đến xem bức hình của con trai ông trước rồi mới dẫn đi xem những bức tranh sưu tầm nổi tiếng khác.

Sau một thời gian ngắn, người cha cũng ra đi về nơi vĩnh cửu.  Một cuộc đấu giá vĩ đại được tổ chức tiếp theo.  Rất nhiều người có uy thế chung quanh vùng quây quần đến, nôn nao muốn được xem những họa phẩm nổi danh của người quá cố và hy vọng có cơ hội mua được một trong những tác phẩm này để thêm vào cho bộ sưu tầm của họ.
Bức tranh người con trai được trưng bày ngay giữa bục đấu giá.  Người điều khiển cuộc bán đấu giá gõ búa lên tiếng tuyên bố:
–    Thưa quý quan khách, chúng tôi bắt đầu cuộc đấu giá hôm nay, khởi sự bằng bức tranh người con trai của cố chủ nhân.  Ai trong quý vị muốn đấu giá bức họa này?
Mọi người đều lặng thinh.
Rồi một giọng nói từ phía sau la lên:
–    Xin thông qua bức tranh này, chúng tôi muốn được xem những bức họa nổi tiếng khác.
Nhưng người điều khiển đấu giá không để ý đến lời nói vẫn tiếp tục:
–    Đây bức tranh người con trai, ai muốn đấu bức tranh người con trai?  Vị nào bắt đầu trả giá $100…, $200!…
Một tiếng khác la lên với giọng giận dữ:
–    Chúng tôi đến đây không phải để xem bức họa này.  Chúng tôi tới để xem những bức họa của các họa sĩ thiên tài nổi danh trên thế giới như Van Goghs, Rembrandts… thôi.  Hãy đi thẳng ngay vào những bức danh họa chính!
Nhưng người điều khiển đấu giá vẫn tiếp tục rao không thèm để ý đến lời đề nghị của khách.
–    Bức tranh nguời con trai…, bức tranh người con trai…!  Vị nào muốn làm chủ nhân ông bức tranh người con trai này hãy mau mau trả giá?
Sau cùng, một giọng nói phát xuất từ mãi phía cuối phòng.  Đó là người làm vườn lâu năm của ông chủ nhà và người con trai.
–    Tôi xin trả bức họa đó $10.00. 
Là một người nghèo nàn, đó là số tiền lớn nhất mà ông gom góp tiết kiệm bao nhiêu năm mới được.
–    Đã có vị trả giá $10, ai là người trả hơn… $20?… $20?
–    Thôi hãy trao bức tranh đó cho ông ta lấy $10 đi, đáng giá rồi!  Chúng tôi đang nóng lòng chờ đợi muốn xem những bức danh họa chính!
–    $10 bức họa người con trai, có vị nào trả thêm nữa không?
Đám đông người trở nên giận dữ.  Họ đâu muốn đầu tư vào bức tranh người con trai.  Họ muốn đầu tư vào những họa phẩm có giá trị hơn nữa cho bộ sưu tập của họ.
Người điều khiển cuộc bán đấu giá gõ mạnh búa xuống bàn và bắt đầu lên giọng đếm:
–    Một,… hai,… bức tranh người con trai được bán với giá $10.
Một người đàn ông ngồi ở hàng ghế thứ hai la lớn:
–    Bây giờ hãy mau khởi đấu những họa phẩm nổi tiếng đi!
Người điều khiển cuộc đấu giá đặt cây búa xuống bàn và tuyên bố:
–    Tôi trân trọng xin lỗi quý vị, buổi bán đấu giá đến đây đã hoàn tất.
–    Vậy còn những sưu tập nổi tiếng kia thời sao?
–    Tôi thành thật rất tiếc.  Khi được giao phó việc điều khiển cuộc đấu giá này, tôi đã được nhắc nhở một điều khoản bí mật trong chúc thư của chủ nhân.  Tôi không được phép tiết lộ điều ấy tới khi kết thúc cuộc đấu giá.  Đó là:
–    Chỉ có bức chân dung ngưới con trai được đưa ra đấu giá.  Bất cứ ai mua được bức chân dung ấy sẽ đương nhiên được thừa hưởng tất cả những tài sản bao gồm luôn những bức danh họa trong sưu tập của chủ nhân quá cố.
Do đó người đàn ông đấu giá được bức họa người con trai nhận được tất cả mọi sản nghiệp của người quá cố.

***************

Trước đây hơn 2000 năm, Thiên Chúa Cha đã trao ban người Con Một của Ngài trên cây thập giá.  Giống như người điều khiển cuộc đấu giá bộ sưu tập danh họa ngày hôm nay là: Ngài đã gõ búa và cất tiếng hỏi: “Người Con Một của ta!… Người Con Một của ta!… Ai nhận Người Con Một… đó?
Như chúng ta đã thấy: ai nhận Người Con là nhận được tất cả.
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).  Đó là tình yêu.
Hoài Việt Nguyễn Vĩnh Tường (sưu tầm chuyển ngữ và phóng tác. Nguồn: suyniemhangngay.net)

Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2017



SỰ KHÁC BIỆT GIỮA “THỰC TẾ” VÀ “THỰC DỤNG”
Ngoài lối sống thực dụng và thực tế, còn có một lối sống mơ mộng, sống mà y như đi trên mây. Xuân Diệu: Là thi sỹ nghĩa là ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẫn cùng mây. FB có khi là ảo, nhưng cũng có khi mang nội dung thực như bài viết lan truyền trên FB này. Goethe: Mọi lý thuyết đều là màu xám còn cây đời vẫn cứ mãi xanh tươi.
“Thực tế” ở Mỹ khác với “thực dụng” ở Việt Nam như thế nào ?
Có một lần, một người bạn Mỹ dạy học chung với tôi (Nguyễn Đắc Phúc) nói: “Người Việt Nam các anh lúc nào cũng bảo người Mỹ chúng tôi sống thực dụng (vị kỷ, chỉ biết lợi cho bản thân). Chúng tôi không sống thực dụng mà sống thực tế (vị tha, sống thực với thực tại trước mắt và quan tâm đến người khác). Bản thân tôi ở Việt Nam hơn chục năm nay thấy người Việt Nam mới sống thực dụng”.
Hơi nóng mặt, tôi hỏi lại: “Thế anh định nghĩa thế nào là thực tế, thế nào là thực dụng?” Bạn tôi bảo: “Sống thực tế là hiểu rõ thực trạng cuộc sống, không mơ mộng hão huyền hay tìm cách trốn tránh thực tại… Sống thực tế là hiểu rõ năng lực và giá trị thực của bản thân để có thể phát huy tốt nhất khả năng của mình. Còn sống thực dụng là bất chấp thực tế, bất chấp năng lực thực sự của mình ra sao mà chỉ chăm chăm giành được cái lợi nhỏ trước mắt, ngoài ra mặc kệ hậu quả sau này nghiêm trọng thế nào.”
Đã từng sống ở Mỹ một thời gian dài, tôi biết bạn tôi nói đúng.
Ở Mỹ, học sinh học vừa sức, không nhồi nhét, không quan tâm đến thành tích và cũng không có khái niệm trường chuyên lớp chọn. Bằng cấp đối với họ chỉ là một tờ giấy chứng nhận rằng họ đã đạt yêu cầu về mặt kiến thức lẫn chuyên môn ở một trình độ nhất định, không có gì ghê gớm cả.
Trong các buổi lễ tốt nghiệp mà họ lại gọi là “Khởi Nghiệp Vào Đời – Commencement” nhiều khi sinh viên ra trường chỉ lên nhận một cái bìa trống nhưng trong đó không có gì cả, tha hồ chụp hình quay phim hò hét. Nhà trường chưa in bằng kịp nên có khi cả mấy tháng sau mới gởi đến, mà cũng chẳng mấy ai quan tâm tới một tờ giấy chứng nhận. Không ai dại dột gì mà không có bằng thật mà dám cả gan viết vào resumé xin việc. Một cái click vào website nhà trường là xác minh (verify) được ngay. Đơn xin việc chẳng cần photocopy bằng cấp. Tên tuổi nhà trường có khi cũng không quan trọng. Tốt nghiệp bác sỹ ở Harvard hay một trường “tỉnh lẻ” cũng giống nhau vì kỳ thi lấy bằng hành nghề (Medical Board Exam) được tổ chức ở cấp quốc gia. Sinh viên các trường khác nhau trên toàn quốc được tập trung lại tại nhiều trung tâm để thi thực hành trên bệnh nhân trước một ban giám khảo không quen biết (nghiêm túc giống như cách thi Tú Tài ở Miền Nam trước 1975), nên giá trị của bằng MD đều như nhau. Cái họ quan tâm là trong thực tế, năng lực và kiến thức của anh có tương xứng với bằng cấp và vị trí của anh trong xã hội hay không.
Ở Việt Nam thì bằng cấp và thành tích là thước đo và quyết định địa vị cũng như thu nhập. Cha mẹ ép con cái học cố sống cố chết để vào trường chuyên lớp chọn rồi vào đại học… Học xong đại học thì phải cố bơi cho được cái thạc sĩ. Tất cả không phải vì kiến thức mà chỉ vì chỗ đứng trong xã hội. Kết quả là học được gì không quan trọng, có sử dụng được không cũng không quan trọng, thậm chí bằng giả cũng chả sao… Cái quan trọng nhất là kiếm sao cho được nhiều tiền.
Ở Mỹ, mỗi lần một công trình được thi công, người ta phải tính toán sao cho thiên nhiên ở đó bị ảnh hưởng ở mức thấp nhất, hệ cân bằng sinh thái ít bị tổn hại nhất, môi trường sống của người và động thực vật không bị phá hoại vì họ hiểu được một vấn đề thực tế rằng tài nguyên thiên nhiên là những di sản vô giá bắt buộc phải bảo tồn cho thế hệ sau.
Đi du lịch Mỹ nhiều người Việt kinh ngạc nhận ra các căn nhà xây dựng từ cả 100 năm trước vẫn bán có giá không kém gì mới xây từ vài năm nay. Khi đi bộ trên lòng lề đường ở một số khu phố ngay cả tại những nơi hẻo lánh có khi đọc thấy những hàng chữ khắc lõm vào mặt bê tông dưới đất: Robert Walter Inc. 1901. Tức là công ty Robert Walter vào năm 1901 đã thi công lòng lề đường ở tại chỗ này. Thời đó vật liệu chưa tốt bằng bây giờ đâu mà những con người mỏng dòn như ta vẫn có thể làm nên:
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. (Bà Huyện Thanh Quan).
Người cũ đã qua đi, tiếng thơm vẫn còn lại cho đời. Giáo sư Phạm Biểu Tâm, Viện trưởng trường Đại Học Y Khoa Sàigòn trước 1975 đã viết một bài thơ thiền:
Một trăm năm trước ta chưa có
Một trăm năm sau có như không
Cuộc đời sắc sắc không không
Trăm năm còn lại chút lòng từ bi.
Còn ở Việt Nam, miễn là kiếm được ít tiền bỏ túi, người ta sẵn sàng xả độc ra biển, hút cát dưới sông, phá rừng xây thuỷ điện, thậm chí san bằng cả một khu bảo tồn sinh thái độc đáo để xây resort, gắn cáp treo bất chấp hậu quả về sau.
Ở Mỹ, người dân quan tâm đến bầu cử, đến chính trị vì họ biết họ có quyền công dân cũng như mọi quyết định chính trị của họ đều ảnh hưởng trực tiếp đến phẩm chất cuộc sống của gia đình họ.
Ở Việt Nam, người dân chỉ lo kiếm tiền vun đắp cho bản thân được ngày nào hay ngày nấy. Họ thờ ơ dửng dưng với những bất công tiêu cực của xã hội miễn sao những điều đó không xảy ra với họ là được. Tham nhũng tràn lan, nợ công tăng vọt, doanh nghiệp quốc doanh thất thoát nghìn tỉ… đối với họ đều không phải là vấn đề đáng bận tâm nếu ngày mai vẫn còn bia để dô dô..
Ở Mỹ người dân thể hiện lòng yêu nước bằng cách gắn lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng và sự cường thịnh của quốc gia. Họ không làm những điều có lợi cho bản thân nhưng đi ngược lợi ích cộng đồng.
https://baomai.blogspot.com/Ở Việt Nam, người ta thể hiện lòng yêu nước bằng cách ngồi tự hào khoe khoang bề dày lịch sử dân tộc với những chiến công của tổ tiên, hoặc lên cơn mê sảng vì một giải bóng đá khu vực hoặc lên mạng không tiếc lời thoá mạ một thằng Tây nào đó dám cả gan nói xấu Việt Nam. Còn lại họ thản nhiên dùng đủ mánh khoé xấu xa để giết đồng bào mình và trục lợi từ việc đó từ việc rải đinh ra đường cho tới việc bơm hoá chất độc hại vào thực phẩm.
Ở Mỹ, người dân cân bằng cuộc sống bằng niềm tin tôn giáo. Họ đến Nhà Thờ để tìm sự yên bình trong tâm trí và sinh hoạt cộng đồng giúp đỡ nhau.
Ở Việt Nam, người ta đi lễ chùa, đền, miếu cầu tiền bạc, cầu trúng số, cầu thi đậu, cầu chức quyền… như thể thánh thần sẽ vì những thứ hương hoa xôi thịt rẻ tiền mà thoả mãn lòng tham không đáy của đám người trần mắt thịt.
Ở Mỹ, những dịp cưới hỏi hay ma chay, giỗ chạp là những sự kiện riêng tư. Họ tổ chức đơn giản, trang trọng và chỉ mời những người thực sự có ý nghĩa với họ.
Ở Việt Nam, ma chay hiếu hỉ cưới xin là những dịp tốt để làm rùm beng tốn kém vừa để chứng tỏ với thiên hạ vừa để kiếm tiền mừng.
Ở Mỹ, người ta dạy trẻ con cách tự lập, cách ứng xử giao tiếp, cách bảo vệ bản thân không bị xâm phạm, cách thoát hiểm… những kỹ năng thực tế con người cằn để tồn tại và phát triển trong xã hội.
Ở Việt Nam, người ta nhồi vào đầu bọn trẻ một mớ kiến thức cao siêu nhưng vô dụng với đích đến là những bằng cấp.
Ở Mỹ, người ta đánh giá trí thông minh và năng lực của con người qua sự sáng tạo, phát minh và đóng góp cho xã hội. Anh là ai không quan trọng, lý lịch thân nhân ba bốn đời của anh không là gì cả, miễn sao anh có đóng góp cho xã hội thì anh sẽ được sự công nhận và tưởng thưởng xứng đáng.
Ở Việt Nam, năng lực của con người được đánh giá qua, gốc gác, sự khôn lỏi ma lanh và khả năng dùng thủ đoạn để thăng tiến. Đóng góp cống hiến là chuyện hết sức xa vời.
Lối sống thực tế và lối sống thực dụng không hề giống nhau mặc dù chúng dễ gây ra nhầm lẫn. Lối sống thực tế mang đến những sự phồn vinh vững mạnh và lâu dài vì nó được xây dựng trên nền tảng vững chắc của những giá trị thực.
Ngược lại, lối sống thực dụng triệt tiêu và đảo lộn những giá trị thực tiễn để tạo ra cái lợi nhỏ trước mắt để lại những tác hại khôn lường. Chọn lối sống thực dụng, chúng ta sẽ phải trả một cái giá rất đắt cho lựa chọn thiếu sáng suốt này.
NGUYỄN ĐẮC PHÚC
(Nguồn: Ephata 770)

Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

Ơn lành Chúa ban




Tôi ghé thăm một xứ đạo, hôm đó cha xứ dâng lễ tạ ơn 10 năm linh mục. Ngài chia sẻ rằng: “Qua 10 năm linh mục, tôi nghiệm ra rằng Chúa ban cho mình rất nhiều hồng ân. Có thể kể đến việc được gọi gia nhập Chủng viện một cách không ngờ; việc được bề trên gọi về trao sứ vụ sớm hơn các tân linh mục khác; việc được trở thành cha quản xứ sớm hơn nhiều anh em khác; việc được nhiều người thương mến…”: tự tôn và tự phụ.

Như vậy những ơn lành được nêu lên ở đây chỉ được hiểu là những điều may mắn, được bề trên tin tưởng, thành công và tài giỏi. Vậy còn những điều không may và những bất toàn không phải là ơn lành sao? Khi liệt kê những hồng ân chỉ là những thành công thì ta đã hạn chế tầm nhìn trong đức tin của mình, lấy mình làm trung tâm chứ không phải Chúa là trung tâm của những ơn lành đó.  Người ta vẫn thường thốt lên: ‘tất cả là hồng ân’. Điều đó đúng và ta phải tạ ơn Chúa về những hồng ân Ngài ban tràn trề trong cuộc đời qua tháng năm mình sống, kể cả những điều con mắt thịt của ta thấy là không may. Tốt hơn, vị linh mục chỉ xin giáo dân hiệp lời tạ ơn muôn hồng ân Chúa ban trong những năm qua, cả những ơn mình biết và cả những ơn mình không nhận ra, xin giáo dân cầu nguyện cho mình mỗi ngày trở nên giống Chúa Giêsu hơn, và quan trọng hơn là hãy xin lỗi giáo dân vì những bất toàn yếu đuối của mình.

Trong những dịp lễ trọng của giáo xứ hay giáo phận, các cha thường nêu lên rằng: ‘Chúa thương ban cho trời nắng đẹp hay im mát’, như vậy nếu trời mưa thì Chúa không thương hay sao? Nhiều khi ta nêu lên lý do tạ ơn chỉ là để đề cao mình có ân tình riêng với Chúa nên Chúa nghe lời cầu xin. Chuyện kể rằng: có vị tu sĩ nọ bị mù, rất đạo đức. Bất cứ khi xin gì cùng Chúa đều thêm vào câu ‘nếu đẹp lòng Chúa’. Một lần nọ, ông xin cho mình được sáng mắt, và ông được Chúa nhậm lời. Sau những giây phút ngỡ ngàng vì được nhìn cảnh vật thiên nhiên vũ trụ, ông chợt nhớ hồi nãy mình còn thiếu câu ‘nếu đẹp lòng Chúa’, nên ông đã vào nhà nguyện và thưa với Chúa: “Lạy Chúa nếu việc con được sáng mắt không đẹp lòng Chúa thì xin cho con mù trở lại”, và sau đó ông vui lòng chấp nhận cảnh mù lòa vì biết đó là ý Chúa muốn, và tin rằng đó là điều tốt nhất cho ông.

Sách GLHTCG dạy rằng: “Thiên Chúa quan phòng chăm sóc mọi sự cách cụ thể và trực tiếp. Ngài quan tâm đến mọi sự, từ những điều nhỏ nhất đến các biến cố trọng đại của trần gian và lịch sử. Thiên Chúa cho con người cộng tác vào các kế hoạch của Ngài bằng hành động, bằng kinh nguyện và bằng các đau khổ của mình”(303,307). Điều Thiên Chúa muốn là mỗi người phải có lòng tín thác và khiêm tốn khi làm việc trong vườn nho Chúa: “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi."(Lc 17,10).

Trong kinh nguyện Kitô giáo, có thể nói lời tạ ơn là tâm tình tốt đẹp nhất mà Chúa ưa thích, vì biểu hiện lòng tin tưởng và tri ân Chúa, và chỉ có những người biết rằng mình đã nhận quá nhiều mới tích cực thi ân cho tha nhân. Nhưng đừng bắt chước người Biệt phái khi cầu nguyện: khoe khoang mình và kể công với Chúa.

Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

Quà tặng cuộc sống





Ngày 17.10.2017 vừa qua, trên sóng truyền hình VTC 14 có cuộc trò chuyện với một cô giáo được khen thưởng vì dạy giỏi môn tiếng Anh tại trường Việt Úc ở TP. HCM. Tôi không nhớ được tên và nhiều tình tiết câu chuyện, chỉ nhớ được đoạn cuối là hoàn cảnh gia đình của cô rất vất vả vì có một người con trai bị khuyết tật bẩm sinh phải chăm sóc. Và tôi chợt nhớ đến câu nói của một ai đó: “Trời không cho ai quá nhiều và cũng không cho ai quá ít”.
Tại sao trời lại không cho ai quá nhiều, phải chăng vì không muốn con người hạnh phúc ở đời nầy, vì lòng ‘trời’ eo hẹp?- Nhiều câu chuyện trong Tin Mừng nói cho ta biết rằng: hồng ân Chúa như trăng như sao tuôn đổ xuống đời mênh mang mênh mang, vì Thiên Chúa là tình yêu, một tình yêu chỉ muốn trao ban và hiến tặng.  Vậy chắc chắn Ngài có mục đích khi không cho ai quá nhiều và không cho ai quá ít, đó là vì lợi ích của con người, để họ có cơ hội tìm kiếm Ngài hơn.

Trong mỗi con người, Thiên Chúa đã gieo vào khát vọng tìm về Chân Lý, cụ thể là tiếng nói lương tâm sẽ thúc đẩy họ làm lành lánh dữ và sâu xa trong tiềm thức là những câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời: Tôi sống để làm gì, tôi sẽ đi về đâu …Qua mạc khải, người Kitô hữu đã tìm được câu trả lời cho mình: con người phát xuất từ Thiên Chúa và rồi sẽ trở về với Ngài. Thế nhưng, con người luôn bị tha hóa giữa thiện và ác, giữa chân lý và thực tại cuộc sống, khiến họ dễ lầm đường lạc lối, vì thế Thiên Chúa có đường lối của riêng Ngài.

ĐHY Fulton Sheen trong tác phẩm ‘con đường về trời’ đã phân tích: “Con người thời nay không còn ngạc nhiên về sự kỳ vĩ của vũ trụ nữa, dù đó là con đường bình thường Chúa dùng để giúp họ nhận ra Ngài, thì chính sự mặc cảm và khắc khoải nội tâm lại giúp họ tìm đến Chúa”. ĐHY nói tiếp: “Có ba loại thói xấu chất chứa trong linh hồn tựa giống như bụi bặm trên tấm kính cửa sổ, ngăn cản ơn thánh Chúa đến với nhân loại. Bụi bặm thứ nhất là xác thịt hay lòng yêu thích vô độ các sung sướng giác quan. Loại thứ hai là tiền bạc gồm cả các tiện nghi, tài sản. Loại thứ ba là kiêu căng, ích kỷ, tính phù phiếm khoe khoang. Tẩy rửa cửa sổ linh hồn cho thanh sạch là điều kiện mời Chúa đến gần hơn: "Phúc cho những ai có tâm hồn thanh sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa."

Trong mầu nhiệm thứ ba năm sự vui, chúng ta xin cho được lòng khó khăn, một cách sâu xa là chúng ta xin cho mình ít dính bén với của cải để bám chặt hơn vào Chúa. Chúa vẫn thánh hóa con người bằng những biến cố cuộc đời, đó là điều xác tín của người Kitô hữu và là điều vẫn luôn xảy ra trong cuộc đời. Vì tin rằng Chúa là người Cha nhân lành và quyền năng, luôn chăm sóc và ban cho muôn loài điều tốt lành nhất, và điều quan trọng nhất với từng người chính là phần rỗi linh hồn, người Kitô hữu biết dâng lời cảm tạ và xin vâng trong mọi hoàn cảnh cuộc sống.

Người con Chúa cũng hiểu được rằng: Chúa không ban cho ai quá nhiều để họ khỏi kiêu ngạo và quá ham mê thế sự mà quên mất Chúa, và Chúa cũng không ban cho ai quá ít: “Ơn Ta đủ cho ngươi”. Hãy học bài học luôn cậy dựa vào Chúa trong mọi hoàn cảnh, học bài học sẻ chia trong cuộc sống và biết chăm lo phần rỗi của mình cũng như của anh em như là ‘phần quan trọng nhất’ trên cuộc đời nầy.

Thứ Hai, 2 tháng 10, 2017

Sợ người cười





Nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh có bài viết rất hay ‘gì cũng cười’: “An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang…”.

Bài báo trên được nhiều người nhận là hay vì nó đúng, đúng cho thời ấy và cả ngày nay. Mà nếu nó đúng thì một hệ lụy tất yếu là xã hội chúng ta hầu như ai cũng sợ tiếng cười, và đó là một cản trở lớn cho sự phát triển xã hội, vì không mấy người dám nói ra suy nghĩ thật của mình.

Nhiều tập tục làng xóm phát sinh và tồn tại là do sợ người ta cười. Chỉ đan cử vài chuyện trong chuyện ma chay: vòng hoa và liễn quá nhiều gây nên lãng phí. Khi vừa chôn cất xong tang chủ phải thuê xe đi đổ, hơn nữa đối với người Kitô hữu đây cũng không phải là cách báo hiếu tốt đẹp nhất.Thế nhưng, khi một người nằm xuống, bạn bè thân hữu thường đặt vòng hoa: tang gia không dám lên tiếng và thân hữu không dám thay đổi tập tục… tất cả cũng chỉ vì sợ tiếng cười và muốn thể hiện bản thân. Các Giám mục và linh mục tu sĩ khi đăng cáo phó thường có ghi chú: miễn vòng hoa và liễn. Giả thử một người tín hữu qua đời, thân nhân cũng ghi rõ như thế trong cáo phó, thì chuyện gì sẽ xảy ra? - chỉ có một số vòng hoa đủ để trang trí, số tiền phúng điếu sẽ tăng lên đủ trang trải chi phí chữa bệnh và tang lễ, nếu dư có thể dùng làm từ thiện như một quà cưới dành cho người quá cố khi họ đến tham dự tiệc cưới Con Chiên. Một chuyện khác tuy nhỏ nhưng cũng không đẹp đẽ gì là chuyện tang gia thường mời ‘mọi người’ về nhà dùng bữa sau khi đi chôn cất về, bà con ở xa và thân tộc thì không nói làm gì, ở đây muốn nói đến việc mâm cỗ dọn ra cả đến 300 người thì quả là phức tạp… tuy không thích nhưng không mấy người dám thay đổi vì sợ người cười.

Sợ người cười để không làm điều xấu, đó là điểm tốt; nhưng đàng nầy một điều mình thấy không tốt mà cứ làm theo ‘lệ làng, ai sao tôi vậy’ thì xã hội làm sao tiến bộ được? Người ta thường chê : các thế hệ trẻ VN không có suy nghĩ độc lập và sáng tạo, học vẹt và copy đâu đó trên mạng để hoàn thành luận án ra trường. Đó là một nhận xét làm ta đau lòng, nhưng đó là kết quả tất yếu của môi trường đào tạo của chúng ta: nói đúng như gợi ý của thầy cô mới có điểm tốt. Chuyện kể rằng có một bài thơ được chọn để dạy trong trường, các em bình luận ý của tác giả muốn nói, người cháu của tác giả nhờ chính bác viết ra ý kiến của mình vậy mà vẫn bị cô giáo cho điểm xấu, vì không đúng như gợi ý của cô đã nói cho lớp. Rồi biết bao chuyện trong xã hội : những người đứng ra để vạch mặt điều xấu của một tập thể nào đó, họ không được khen thưởng xứng đáng mà thường bị sa thải và vùi dập. Một môi trường xã hội như thế sẽ tạo nên một con người rập khuôn, cam chịu và kém sáng tạo, sợ dư luận và tiếng cười. Cũng vì sợ tiếng cười mà nhiều người đã phải uống quá nhiều bia rượu dù bản thân mình không thích, hay nhiễm phải những thói hư tật xấu khác như hút thuốc, chơi bời, trộm cắp…

Dấu hiệu của một người có bản lãnh là suy nghĩ độc lập và dám chịu trách nhiệm về việc làm của mình, họ dám bước theo một lối khác mà họ thấy là đúng hơn là đi theo lối mòn của xã hội đã vạch ra. Đừng dập tắt tiếng nói phản biện trong con người mình (điều gì đúng điều gì sai, nên theo hay nên bỏ) và hãy biết lắng nghe khi người khác có lập trường khác mình, có vậy mới mong xã hội tiến bộ thêm một chút qua từng ngày sống. Hãy là chính mình! Hãy sống như mình thích và đừng quá sợ dư luận.

Tay lần, miệng đọc, tâm suy




Trên một chuyến tàu, có một nhà sư và một cụ già ngồi bên nhau. Trên tay nhà sư có chuỗi hạt và miệng đang lẩm nhẩm đọc những lời kinh, và cụ già cũng lần chuỗi mân côi. Một lát sau, nhà sư lên tiếng và chuyện trò với cụ già: “khi tay chúng ta lần từng hạt chuỗi, miệng đọc những lời kinh thì chắc chắn tâm hồn sẽ được biến đổi dần theo những lời kinh mình đọc”.

Lời nhà sư làm ta nhớ tới câu nói ngắn gọn : miệng đọc, tâm suy. Nhưng nhiều khi ta lần hạt cho xong nhiệm vụ và chỉ tiêu đặt ra. Có người tự đặt ra quyết tâm cho mình lần hạt mỗi ngày 50 kinh, 100 kinh hoặc 200 kinh, nên họ đọc vội vàng cho mau xong nhiệm vụ. Có những cộng đoàn hay gia đình đọc kinh mân côi với tốc độ quá nhanh, nuốt hết chữ và mệt muốn đứt hơi. Những kiểu lần chuỗi như thế không phải là điều tốt: thà đọc ít lại mà đọc sốt sắng thì tốt hơn là đọc nhiều. Theo ngôn ngữ quảng cáo, ta có thể nói: kinh mân côi là sản phẩm hai trong một. Ta vừa đọc lên lời kinh ca ngợi Đức Mẹ và xin ơn trợ giúp, vừa lồng vào đó mầu nhiệm đang suy niệm.

Đức Phaolô VI đã nói: Kinh mân côi là bản tóm lược Tin Mừng. Quả vậy, những biến cố chính trong cuộc đời Chúa Giêsu từ lúc sinh ra, cuộc đời công khai, tử nạn và phục sinh đều được đưa vào kinh mân côi để chúng ta có cơ hội suy niệm và cầu nguyện. Mẹ Maria đã có mặt trong những biến cố này nên Mẹ đã suy niệm và hiểu rõ ý nghĩa của nó và chúng ta xin Mẹ cầu bầu cho ta ơn lành phù hợp với mầu nhiệm đang suy ngắm.

Theo cách thông thường chúng ta xướng lên mầu nhiệm suy niệm, sau đó đọc 1 kinh lạy cha, 10 kinh kính mừng, kinh sáng danh và 3 câu lạy. Nhưng tôi đã đọc ở đâu đó cách lần chuỗi linh động hơn khi ta vừa làm việc vừa lần hạt: ta đọc khoảng 10 kinh kính mừng cũng được, vì ta không thể và không cần đếm chính xác 10 kinh như khi đọc chung. Cách lần hạt nầy sẽ giúp ta suy niệm một vài chục hạt khi trời mưa hoặc khi đợi chờ ai đó.


Trong những lần hiện ra gần đây, chính Đức Mẹ truyền lệnh cho chúng ta phải năng lần hạt mân côi để cầu nguyện cho hòa bình thế giới, cho sự hoán cải các tâm hồn. Người Kitô hữu luôn xác tín rằng: kinh mân côi là vũ khí lợi hại giúp ta chống trả cơn cám dỗ và âm mưu của satan, nhưng sở dĩ kinh mân côi chưa mang lại hiệu quả vì chúng ta đọc không đúng cách: thái độ nghiêm chỉnh, miệng đọc tâm suy, đọc chậm rãi để cho lời kinh và mầu nhiệm thấm đẫm tâm hồn, và chúng ta thường chỉ cầu nguyện cho riêng mình.

Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

Sửa lỗi anh em




Đây là một mệnh lệnh của Chúa Giêsu : “Nếu anh em con trót phạm tội, thì hãy sửa lỗi nó”. Và trong Cựu Ước, qua miệng tiên tri Êdêkien, Chúa nói với ta rằng: Ngài đã đặt mỗi người chúng ta làm người canh gác anh em, có nghĩa là mỗi người chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về phần rỗi anh em mình.
Có một thực tế cuộc sống vẫn thường xảy ra là chúng ta làm ngơ khi thấy anh em mình làm điều không tốt. Chúng ta vẫn yên lương tâm vì nghĩ rằng chuyện đó chẳng liên quan đến mình. Nhưng lời tiên tri Êdêkien nói rất rõ ràng : Nếu anh em phạm tội mà ngươi không nói cho họ biết về tội lỗi của họ, thì người anh em sẽ chết trong tội và ngươi cũng sẽ bị Thiên Chúa hỏi tội.

Chúng ta nhớ lại hai câu chuyện trong Cựu Ước. Câu chuyện thứ nhất: Cain giết Abel xong thì Thiên Chúa đã hỏi : “Cain, em con đâu?”. Cain trả lời: “Tôi không biết, tôi có phải là người canh giữ em tôi đâu”. Thiên Chúa đã vạch tội và cain đã nhận ra điều xấu xa mình đã phạm. Câu chuyện thứ 2 là câu chuyện nói về vua Đavit: nhà vua đã phạm tội ngoại tình và giết người mà vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra, Chúa sai tiên tri Nathan đến nói cho vua biết về tội và hình phạt Chúa dành cho vua, và đến lúc nầy nhà vua mới ăn năn sám hối rất tha thiết. Chung quanh chúng ta đầy dẫy những người làm nô lệ cho đam mê : trộm cắp, ngoại tình, khô khan, nói hành, nói chuyện tục tĩu, làm ô nhiễm môi trường sống, gian tham, hối lộ… nhưng vì cả nể hay sợ liên lụy, chúng ta thường chọn thái độ im lặng ‘ai làm người ấy chịu’, nhưng đừng quên rằng Chúa sẽ hỏi tội cả ta nữa, vì chính Ngài đã đặt mỗi người làm người canh gác anh em mình.

Chính Đức Kitô đã không bỏ mặc con người nô lệ dưới quyền sự chết, Ngài không chọn thái độ vô can, không dính líu đến thân phận của muôn loài, nên đã tự hạ làm người và chịu chết để cứu chuộc họ. Tình yêu là như vậy: quên mình để mưu tìm hạnh phúc cho người yêu. Và noi gương Đức Kitô, nhiều người đã dấn thân quên mình vì hạnh phúc anh em, hạnh phúc đời nầy và phần rỗi linh hồn. Nhiều người có ý nghĩ rằng: các linh mục chỉ nên lo các bí tích và giảng dạy cho tốt là được, còn chuyện can thiệp vào những vấn đề xã hội là việc dài tay và phá rối trật tự của đất nước vốn đã rất ổn định như hiện nay. Nghĩ như vậy có lẽ quá thiển cận: mỗi người Kitô hữu đều được mời gọi trở thành người canh gác anh em mình, chung tay xây dựng một xã hội công bằng và một môi trường sống lành mạnh cho anh em mình, bênh vực những người nghèo và tố cáo những bất công. Một thực tế đáng buồn là các linh mục hôm nay giảng thần học quá cao siêu mà ít để ý đến trau dồi đời sống nội tâm cho giáo dân, những bài giảng ít nói đến thực tế cuộc sống vì sợ đụng chạm đến ai đó và sợ phiền phức cho mình. Mỗi người đừng quên rằng đến ngày phán xét, Chúa sẽ hỏi chúng ta về phần rỗi anh em: giáo dân con đâu, vợ con con đâu, anh em con đâu???

Một điều tệ hại vẫn thường xảy ra : thấy anh em phạm lỗi thì không nói gì giúp họ sửa lỗi, sau đó lại rỉ tai nầy nọ, hoặc nói trên internet hay nơi phố chợ. Chuyện rỉ tai nầy gây ra hai điều không tốt: làm mất thanh danh người khác, gây ra hoang mang về sự xấu đang hoành hành khủng khiếp. Chúa Giêsu dạy ra một tiến trình khác hẳn với thái độ trên: Khi anh em người phạm tội thì hãy sửa lỗi, kín đáo và tế nhị.

Xin Chúa giúp con biết thay đổi thói quen khi đối diện với sự dữ vẫn đang xảy ra quanh mình: khiêm tốn và chân thành sửa lỗi anh em. Xin giúp con thắng vượt khuynh hướng hèn nhát để bỏ mặc anh em trong tội  và để hả hê vì thấy người anh em xấu xa hơn bản thân mình, vì biết rằng Chúa đã đặt con làm người canh gác anh em mình, cả phần rỗi linh hồn và hạnh phúc cụ thể trên trái đất nầy.

Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2017

Sự tha thứ và chữa lành




Trong hai tuần liên tiếp (23 và 24 TNA), Chúa Giêsu dạy ta hai bài học căn bản về Đức Ái: sửa lỗi anh em và tha thứ cho anh em. Hôm nay, chúng ta nói với nhau vài khía cạnh của sự tha thứ.
-Tha thứ làm cho con người giống Chúa hơn. Ước mong của con người là được trở nên giống Chúa bao nhiêu thì càng tốt, vì có lời dạy rằng: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành”. Thiên Chúa tốt lành như thế nào? – Thưa: Ngài làm mưa trên kẻ lành người dữ, Chúa Giêsu xin Cha tha thứ cho ‘họ’ vì họ chẳng biết việc họ làm (Chúa tha thứ mà không đòi họ phải sám hối hay xin lỗi). Chúa đã tha thứ cho quân dữ làm khốn mình và cho mọi người trong nhân loại mà chính tội lỗi của họ đã đưa Ngài đến cái chết trên thập giá. Còn chúng ta cứ nhớ hoài tội anh em, tội đã lâu trong quá khứ nhưng lâu lâu lại được kể lại, thật tai hại và đáng thương cho phận người. Xin Chúa ban ơn thánh để giúp con mở rộng lòng mình để tha thứ cho anh em, biết quên đi quá khứ để nhìn đến con người hiện tại của anh em, biết tìm kẽ nứt nơi cuộc đời anh em để gieo vào đó hạt giống yêu thương hơn là gieo thêm những hạt giống hận thù.

- “Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm, và chuyện đó kẻ tội lỗi có biệt tài”(Hc 27,30).  Lời sách Huấn Ca giúp ta xét lại tâm hồn mình. Ai trong chúng ta cũng nhìn nhận mình là người có tội trước mặt Chúa, nhưng xét mình lại thì chẳng thấy mình có tội gì đáng kể: không trộm cắp, không gian tham, không ngoại tình, không bỏ lễ. Nhưng chắc chắn, hằng ngày chúng ta rất dễ oán hờn và giận dữ với tha nhân. Oán hờn và giận dữ là biệt tài của kẻ tội lỗi, mà tôi là kẻ hằng ngày vẫn phạm những lỗi đó, vậy tôi vẫn là kẻ tội lỗi. Xin Chúa thương xót con để con đừng nuôi lòng oán hờn và giận dữ nữa, vì đây là những cản trở lớn làm Chúa không thoải mái cư ngụ nơi lòng con. Chính những tật xấu nầy làm tâm hồn con mất vui và làm anh em xa lánh con.

- Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, hãy thương đến người đồng loại, thì ngươi mới được thương xót và tha thứ khi cầu xin Đức Chúa. Điều nầy nhắc đến nhân quả xảy ra ngay trong đời sống tại thế. Dân gian thường bảo ‘xởi lởi thì trời gởi của cho’. Chúa không phải là người ưa trả thù, nhưng lời sách Huấn Ca nói lên điều vô lý nơi kẻ xin giọt nước tha thứ cho một ly nước đã tràn đầy dòng nước nhỏ nhen ích kỷ: Thiên Chúa biết rõ tâm can con người.

- Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa, tội lỗi nó Người xem xét từng ly. Hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt hận thù. Bao lâu còn sống trên đời Thiên Chúa nhân từ luôn ban phát điều tốt lành nhất cho cả kẻ lành người dữ, nhưng  khi đến giờ lìa thế con người không thể thay đổi tình trạng tâm hồn mình nữa, và nhiều lần Chúa Giêsu đã nói đến sự thưởng phạt. Vậy hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt hận thù, hãy làm hòa với anh em khi còn đi dọc đường, còn khi đã ra trước mặt quan tòa thì mọi sự đã hết đường xoay xở: đền tội.

Lạy Chúa, nếu lấy Đức Ái làm thước đo sự trọn lành, thì bao lâu còn sống trên đời nầy là con còn lỗi phạm đến anh em. Xin Chúa ban ơn giúp sức để con thắng vượt những cám dỗ xúi giục con nhìn anh em với con mắt ghen tị nghi ngờ và còn nuôi mãi sự giận dỗi với một số người nào đó. Xin cho lòng con rộng mở tới mọi người, tha thứ như Chúa đã tha thứ trên thập giá, để con càng ngày càng trở nên giống Chúa hơn.   

Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

Con có yêu mến Thầy không ?




Đây là một câu hỏi ‘xoáy’ vào nội tâm người được hỏi. Câu trả lời đương nhiên là ‘có’, nhưng tại sao lại có những hành vi này nọ không tương hợp mà hai người đã biết và phải điều chỉnh lại. Chúa Giêsu hỏi ông Phêrô đến ba lần câu hỏi trên và ông Phêrô cảm thấy buồn về sự việc nầy. Nhưng có lẽ Chúa không hỏi như thế để bù lại ba lần ông chối Thầy cho bằng muốn nhấn mạnh đến tình yêu mến ông phải có khi dẫn dắt con thuyền Giáo Hội.

Quả vậy, phải yêu mến Chúa Giêsu như là đối tượng duy nhất của lòng mình, con người mới có thể tận tâm phục vụ Giáo hội của Người. Thử hỏi một vị Giáo hoàng, một giám mục, một linh mục hay một vị lãnh đạo cộng đoàn trong giáo xứ mà không đặt trọng tâm đời sống mình trên lòng yêu mến Giáo hội và không gắn kết mật thiết với Chúa Kitô thì chuyện gì sẽ xảy ra ?- Họ yêu chính bản thân họ khi tìm kiếm danh vọng và lợi lộc qua chức vụ họ nắm giữ, họ là con người hai mặt giữa việc làm và lời nói. Trong một Thánh lễ mừng kính hai thánh Phêrô và Phaolô, cha quản xứ đặt một câu hỏi với  ông chủ tịch HĐGX rằng: “Ông có yêu mến Giáo xứ không?” – Ông trả lời: “Thưa cha, con đã yêu mến giáo xứ nầy từ thời còn nhỏ”. Cả cha xứ và cộng đoàn đều bằng lòng với câu trả lời nầy, nhưng đây cũng là một câu hỏi ‘xoáy’ vào nội tâm để buộc người ta phải điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với điều mình đã khẳng định.

Chính lòng yêu mến hay còn gọi cách bình dân là ‘thích’ sẽ giúp ta hoàn thành những công việc và dự tính một cách vui vẻ, linh hoạt và kiên trì. Có lần một người bạn giới thiệu với tôi về một môn học hữu ích cho cuộc đời là học đàn guitar, tôi trả lời mà mình quá bận rộn không có giờ để học thêm nó, người kia mới trả lời: “Đó là do mình không thích, nếu thích sẽ thu xếp được thời giờ”. Đúng vậy, nếu ta yêu mến giáo xứ hay tập thể mình đang tham gia, mình sẽ thu xếp được thời giờ. Khi mình cảm thấy mệt mỏi trong đời sống gia đình, trong sinh hoạt tập thể, trong công việc làm ăn… thì đó là biểu hiện mình thiếu lòng yêu mến và mình cần phải điều chỉnh lại thái độ với cuộc sống.

Trong cuộc sống tâm linh của mỗi người luôn có những mắt xích vô hình, gắn kết với nhau mạch lạc và nếu mắt xích dưới tách rời khỏi mắt xích trên thì tất cả sẽ rối loạn và mất trật tự. Mắt xích đầu tiên là Thiên Chúa, Ngài là Alpha và Omega của vũ trụ và của mọi vấn đề. Khi ta yêu mến và kính sợ Chúa, ta nhận ra mình là phàm nhân yếu đuối và mọi người là anh em một Cha trên trời. Khi ta không nhìn nhận vai trò của Chúa trong vũ trụ và trong cuộc đời mình thì ta sẽ thờ lạy các bụt thần thời đại (cái tôi, danh lợi thú) và coi anh em như những đối thủ tranh giành lợi lộc. Khi nhìn nhận Chúa, ta sẽ nhận ra những mắt xích khác như các vị lãnh đạo đạo đời như những người thay mặt Chúa để tạo nên sự hài hòa trong xã hội theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Trong những mắt xích thứ cấp nầy, tôi muốn nói đến vai trò của các bậc cha mẹ trong gia đình. Khi con cái có lòng kính sợ Chúa và yêu mến cha mẹ, chúng sẽ coi nhau như anh em; nhưng nếu thiếu lòng yêu mến trên, chúng sẽ bất hòa và thiếu sự nhường nhịn thông cảm nhau.

Con người không thể sống mà không yêu mến, nếu không yêu mến điều cao siêu thì nó sẽ tìm kiếm những điều phù phiếm. Hãy hướng lòng yêu mến của ta về những điều cao siêu trên trời, yêu mến Thiên Chúa và Giáo hội của Người một cách tận tình. Có vậy, cuộc đời ta không kết thúc ở tuổi 100 mà còn kéo dài sang cõi vĩnh cửu trong nhà Cha nhân lành.

Thứ Tư, 14 tháng 6, 2017

Sống có nhân cách




Trong mỗi con người đều có khuynh hướng vị kỷ mà biểu hiện của nó là ta thường nghĩ rằng mình trổi vượt hơn người khác và dễ coi thường người khác. Dĩ nhiên những biểu hiện nầy là không tốt và ta cần phải thay đổi để chính mình và xã hội được thoải mái hơn. Tôi chỉ nêu lên một vài ví dụ cụ thể trong cuộc sống.

Ngày xửa ngày xưa còn đi học phổ thông, có kiểu làm bài ‘toán chạy’: thầy ra đề toán, thường là đại số, ai làm xong trước thì chạy nộp bài ngay, nếu trúng thì sẽ được điểm cao. Điều nầy khuyến khích sự nhanh trí và gây hào hứng cho lớp học. Nhưng nếu trong xã hội, ‘đức tính’ nầy được áp dụng thì sẽ gây nên sự bực bội cho người khác, vì mất trật tự: giành giật nhau để sống, mất nhân cách và không tôn trọng người khác. Người Pháp có câu ‘faire la queu’ để diễn tả văn hóa tây phương: văn hóa xếp hàng. Không biết đến bao giờ, người Việt mình mới học được việc ‘xếp hàng’ cho có thứ tự: ai đến trước vào trước. Điều nầy khó không phải vì không biết cách xếp hàng mà vì người Việt mình quen sống xô bồ, giành giật và thiếu tôn trọng tha nhân. Hãy cứ đến rạp chiếu bóng, điểm mua hàng theo tem phiếu, mua vé tàu, tòa giải tội, nơi rước lễ ngoài trời… thì thấy rõ: ai nhanh người ấy được, ai mua được trước người ấy khéo, và nhân cách đi chỗ khác chơi. Thật buồn.

Một đám tiệc. Trong Tin Mừng, khi nói về chuyện mời khách dự tiệc, Chúa bảo ta đừng nghĩ đến mình nhưng hãy nghĩ đến tha nhân: mời những kẻ đui mù què quặt ăn một bữa cho tử tế, họ không có gì trả công ngươi và Cha trên trời sẽ trả công cho ngươi. Còn chúng ta, khi mời tiệc ta thường chỉ nghĩ đến vinh dự của mình mà mời tràn lan khách dự tiệc quá mức cần thiết, không nghĩ đến sự phiền phức khó xử của người khác, nhất là vấn đề kinh tế. Chuyện thứ hai trong một bữa tiệc: rượu làm hoan hỷ lòng người. Nhưng chính chuyện uống rượu nhiều cũng gây nên nhiều hệ lụy trong cuộc sống và các mối quan hệ: bệnh tật, giao thông, không làm chủ bản thân và trong thâm sâu của việc ép nhau uống rượu bia là muốn chứng tỏ mình trổi vượt hơn người kia về tửu lượng và phong cách, coi thường nhân phẩm của nhau. Điều thứ ba, tại sao các tấm thiệp không thường xuyên ghi số ĐT để báo lại trong trường hợp ‘không thể’ dự tiệc mừng nhỉ ? Tôi nghĩ rằng việc ghi số ĐT cũng là thể hiện một nét văn hóa của người có nhân cách và tránh mất lòng nhau. Chuyện thứ tư trong việc mời khách dự tiệc là chuyện mời những người già. Người cao tuổi thường không có thu nhập, nhưng họ lại là nguồn cội còn sót lại của nhiều dòng tộc, không mời không được nhưng mời thì quá bất tiện cho họ. Xử lý sao đây ? Tôi nghĩ đến hai giải pháp: họ nhận được tấm thiệp trong đó có ghi "sự hiện diện và lời chúc mừng thay cho tặng vật" hoặc nên chuẩn bị sẵn những phần quà tặng lại họ. Không biết có thực tế không ? Tôi biết có những người cao tuổi chẳng có thu nhập gì nữa, hằng tháng xã hội trợ cấp 270.000đ, vậy mà khi được mời dự tiệc họ cũng bỏ 200.000đ, hơn 20 ngày tiền trợ cấp đã bay vèo chỉ vì một thiệp mời.

Lời Tin Mừng: Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt bịa đặt là do ma quỷ. Đạo đức con người đáng báo động đỏ khi sự trung thực trong lời nói cũng trở nên hiếm hoi trong cuộc sống. Trong xã hội, để ‘đấu tố’ một người nào đó, người ta dựng nên một câu chuyện và  một số nhân chứng, thế là đủ để khép tội; nhưng nay ngay trong cuộc sống thường ngày, nhiều người nói ngược với sự thật, về những chuyện rất bình thường và làm cho các mối quan hệ giữa người với người thật sự rối loạn: chẳng biết tin ai ! Chúa Giêsu đã từng dạy: “Nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ, các con chẳng được vào nước trời”. Chúa muốn nói rằng: hãy sống trung thực và khiêm nhường cậy dựa vào Cha trên trời. Không gì làm mất nhân cách của ta hơn là khi người khác biết ta dối trá và lật lọng: nói dối như cuội.

Trước khi sống đúng tư cách người con cái Chúa, ta phải sống cho ra con người: sống tử tế và có nhân cách, biết tôn trọng tự do và nhân phẩm của người khác và tôn trọng chính mình. Mỗi ngày, hãy xét mình để nhận ra những ‘lỗi phạm’ cần thay đổi. Có câu danh ngôn nói rằng: ‘Nhiều điều rắc rối đã xảy ra vì bạn không biết ngồi yên một chỗ’. Ai trong chúng ta cũng nghĩ rằng mình trổi vượt hơn người khác về một điều gì đó, nên ta thường hành động vì cái ‘tôi’ của mình hơn là vì đại nghĩa. Lời Kinh Thánh: "Anh em hãy tự khiêm dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa và Người sẽ cất nhắc anh em lên khi đến thời Người viếng thăm".

Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017

Những lời lẩm bẩm




Có câu danh ngôn nói rằng: Trong cuộc đời, có hai thứ cần phải tiết kiệm là lời nói và thời gian. Thời gian là vàng là bạc nên việc sử dụng nó cho có ích là điều dễ hiểu. Nhưng lời nói thì khác, nhiều người thích ăn to nói lớn để lấn át người khác và người ít nói thường được đánh giá là yếu thế và chậm chạp.

Sách Gương Phúc dạy ta rằng: “Con ơi, đừng bao giờ dám tranh luận về những vấn đề siêu việt thuộc lý đoán nhiệm mầu của Thiên Chúa: tại sao người nầy bị ruồng rẫy, người khác lại được ân sủng dư dật ? Tại sao người nọ bị cực khổ, người khác lại được may mắn ? Những điều đó vượt tâm trí nhân loại, chả có lý luận nào thăm do được lý đoán nhiệm mầu của Thiên Chúa”.

Thế nhưng, trong cuộc sống ta luôn mở miệng để trách cứ việc làm của người khác và thường dùng những từ thô lỗ bị tiêm nhiễm từ xã hội: thằng nghiện, thằng say, thằng làm đường, thằng xây dựng.. gì mà ngu dốt! Kể cả những ông tổng thống, những diễn viên bậc cha chú, kể cả linh mục cũng được gọi là ‘thằng’ một cách bình dân. Thứ nhất là trong lời nói ta nên thể hiện văn hóa: con người có nhân phẩm nên tránh dùng những tiếng miệt thị  và đừng dùng tiếng ‘ngu dốt’ vì sẽ bị án lửa thiêu. Thứ hai, quyền xét đoán là của Thiên Chúa, còn ta là ai mà dám xét đoán tha nhân: "Đừng xét đoán để khỏi bị Chúa đoán xét".

Trong các giáo xứ, người ta thường bàn nhiều đến cha quản xứ và các vị HĐGX, khía cạnh tốt là người giáo dân vẫn còn quan tâm đến giáo xứ, nhưng khía cạnh xấu là người ta thường phạm thánh và phạm tội xét đoán tầm phào: không đủ thẩm quyền và không đủ dữ liệu. Tốt nhất là nên tiết kiệm lời trong chuyện nầy, vì nó sẽ tạo một thói quen xấu và đôi khi mình trở thành người bất nhất: trước chê nhưng sau lại khen vì thấy hiệu quả công việc ‘họ’ làm quá tốt đẹp.

Những lời xét đoán tầm phào và mang tính miệt thị sẽ làm nhụt chí cho những người làm việc chung, làm giảm giá trị của người phát ngôn và làm mất đức bác ái trong một cộng đoàn. Những lời ‘xì xào’ là những gáo nước lạnh tạt vào thiện chí của người khác, trừ một vài người bản lãnh xem thường dư luận mà thôi. Đức cha Vinh Sơn đã từng nói: “Khi đi tu triều, các ứng viên đều có lòng quảng đại muốn phục vụ dân Chúa trong công tác mục vụ, nếu không thì các ngài đã chọn lối sống tu dòng hay bậc giáo dân, nên đừng quá khắt khe khi nói về công việc mục vụ của các cha xứ, hãy cho các ngài thời gian và sự cộng tác”.

Tập thói quen kềm hãm miệng lưỡi là điều cần thiết để tiến đức: chỉ nói những điều có ích cho người nghe, vì Chúa biết rõ tâm tư con người và Ngài trả lại cho mỗi người tùy theo việc họ làm. Nhưng có những lúc ta buộc phải nói để sửa lỗi anh em và khi việc im lặng của ta lại gây hại cho cộng đoàn. Hãy nói ít với tạo vật để nói nhiều hơn với Thiên Chúa: xin Chúa giải thoát con khỏi những sầu muộn và lo lắng vô ích. Hãy đến với Thánh Tâm Chúa Giêsu để học nơi Ngài bài học tự hủy, khiêm nhường và hiền lành.


Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

Sợ cái chết





Cuộc đời con người chất chứa bao nỗi sợ, trong đó có nỗi sợ chết. Dù một người sống gần 100 tuổi (với tật nguyền và bao nỗi vất vả), nhưng khi phải đi bệnh viện và thấy không còn hy vọng khỏe lại thì có vẻ thất vọng và không muốn về nhà: sợ chết.

Cái chết là một kết thúc tất yếu của thế giới vật chất, giống như chiếc lá già phải rụng đi để những chiếc lá non lại mọc ra một cách hài hòa. Chúng ta tự hỏi: nếu nguyên tổ không phạm tội và loài người sống trong tình trạng ân sủng thì có lẽ thân xác con người không phải trải qua tình trạng mục nát chờ ngày phục sinh, mà cái chết chỉ là bước chuyển dịch vào cõi thiên đàng. Nếu không có tội Adam thì có lẽ kinh Tin Kính sẽ rất ngắn gọn, vì không có phần tuyên xưng về Ngôi Hai cứu chuộc và về Hội Thánh; và có lẽ con người không sợ chết vì không có sự quyến luyến quá mức về vật chất và sự phán xét cũng rất nhẹ nhàng. Đó chỉ là những giả thuyết, và chúng ta phải tạ ơn Chúa vì công trình cứu chuộc do Chúa Kitô mang lại còn tuyệt vời hơn công trình sáng tạo gấp bội phần và chúng ta có cơ hội cảm nghiệm được tình thương xót của Thiên Chúa qua những mạc khải và cái chết cứu độ của Chúa Giêsu.

Ai đó đã từng phân tích: sở dĩ chúng ta sợ chết là vì chúng ta thiếu lòng tin vào sự nhân lành của Chúa. Sách tu đức dạy có 3 mức độ đạt đến sự trọn lành trong đời sống đạo: sống ngay lành để tránh phạm tội và bị phạt trong hỏa ngục, làm việc lành để tích lũy phần thưởng trên trời, làm mọi sự vì yêu mến Chúa – còn công trạng thế nào là do Chúa ban tặng. Trở lại vấn đề sợ chết ở trên, ta có thể nói rằng: một người có niềm tin vững vàng vào tình thương Chúa, luôn biết tìm kiếm ý Chúa và làm mọi việc vì yêu Chúa thì họ không sợ chết. Nhưng vì ma quỷ cám dỗ, vì niềm tin và tình mến của con người khó đạt đến mức vẹn toàn nên hầu như ai cũng sợ chết. Bởi vậy, bổn phận của những người mạnh khỏe là phải nâng đỡ sự yếu hèn của những ai lâm cảnh khốn cùng và cầu nguyện cho họ luôn cảm nghiệm được tình thương Chúa trong cơn thử thách.

Quê hương chúng ta ở trên trời và cuộc sống trần gian chỉ là kiếp lữ khách. Hãy cố gắng tập sống cho thanh thoát nhẹ nhàng, vì sau khi chết những thứ ta vất vả tích góp và những mưu toan vất vả của ta chẳng có mấy ý nghĩa. Người trinh nữ khôn ngoan biết mang theo chút dầu là tình mến Chúa yêu người, còn mọi sự khác cứ để Ngài lo liệu. Tập thói quen từ bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa mỗi ngày là một bài tập hữu ích giúp ta tránh được nỗi ‘sợ chết’.

Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Đường Emaus





Khi đọc đoạn Tin Mừng kể về câu chuyện Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ trên đường Emaus, trao đổi nỗi thao thức của hai ông và dùng Kinh Thánh để giải thích sự việc vừa xảy ra, thì ai trong chúng ta cũng dễ dàng rút ra một kết luận thực tiễn: Chúa vẫn hẹn gặp ta trên khắp nẻo đường dương thế. Thế nhưng, thực tế ta có dễ gặp Ngài hay không?

Trong tác phẩm ‘Chuyện người hành hương’ (suyniemhangngay.net), kể về một người đi bộ rong ruổi trên nhiều nẻo đường nước Nga, ăn uống đạm bạc, vừa đi vừa thực hành câu Lời Chúa: hãy cầu nguyện không ngừng. Nỗi hân hoan tràn ngập tâm hồn khi ông tìm được cách thực hành lời cầu nguyện với Đức Giêsu: “Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con”, "Lạy Chúa Gieessu, xin thương xót con là kẻ có tội" suốt ngày suốt đêm, bằng cách đọc ra bằng miệng, trong tâm trí và nơi con tim. Lời cầu nguyện Chúa Giêsu biến đổi cuộc sống của ông trở nên thánh thiện và ông coi nhẹ mọi sự xảy đến với mình để luôn phó thác mọi sự cho Chúa định liệu đến độ ai cũng nhận thấy anh là một người đạo đức; và câu chuyện anh quan tâm trao đổi với mọi người luôn là cùng nhau tiến đến sự trọn lành qua việc cầu nguyện.Và một điểm son khác: những người anh gặp trong cuộc hành trình luôn giúp đỡ anh và nhiệt tình tiếp đón người khác; phải chăng văn hóa thời hiện đại đã đánh mất nhân đức nầy, một thói quen giúp ta gặp được Chúa Giêsu?

Thử nhìn lại cuộc sống của những Kitô hữu và nghe những chuyện ta thường nói với nhau là gì, thì biết được đâu là trọng tâm cuộc sống của họ. Thật đáng buồn là hầu như chúng ta chỉ trao đổi với nhau những tin tức thời sự như để khoe kiến thức, những  chuyện dễ dãi về tình dục để khoe mình rành đời, những lời bình phẩm để khoe mình biết sống và khôn khéo trong chuyện đời. Tựu trung lại cũng chỉ là những chuyện danh lợi thú, ít ai nói với nhau những chuyện đạo đức để giúp nhau nên tốt hơn.

Khi đọc chuyện Thánh Augustinô, có một chi tiết đáng lưu tâm: Thánh nữ Monica có biệt tài nói chuyện đạo hạnh với chồng con. Lòng nhiệt thành cầu nguyện, khéo léo nói chuyện ‘đàng lành’ với chồng con, kiên nhẫn theo gót con đến tận Ý, và với gương sáng của bà, Thánh nữ đã cải hóa được cả chồng lẫn con về với Giáo hội. Bạn hãy quyết tâm trở thành người bạn đồng hành tốt của anh em bằng cách tránh nói đến những điều gây hoang mang, những chuyện tục tĩu và những chuyện tầm phào; tốt hơn là nên nói đến những chuyện giúp mình và anh em tiến lên trên đường lành.

Chúa vẫn hẹn gặp ta trong các biến cố cuộc đời. Nhiều người tin rằng khi một người được sinh ra thì mọi sự đã được an bài đến từng chi tiết và dứt khoát không thể thay đổi được, con người không có khả năng thay đổi số phận mình và thế là họ an phận. Người khác thì lại cho rằng chỉ có khoa học và bản thân mình làm nên số phận, chẳng có trời phật gì hết. Người Kitô hữu thì tin rằng Thiên Chúa tình yêu đã tạo dựng nên vũ trụ và từng người để họ được hạnh phúc ở đời nầy và đời sau. Ngài dự liệu mọi sự để mỗi người đạt được hạnh phúc đó và Ngài không ngừng ‘vận hành’ vũ trụ nầy một cách tài tình. Bên cạnh đó Ngài cũng tôn trọng tự do của con người và Ngài mời gọi con người cộng tác vào kế hoạch mưu tìm hạnh phúc cho mình và anh em. Hãy nghiên cứu và học hỏi Kinh Thánh, vì chỉ có ánh sáng Lời Chúa mới đem lại lời giải đáp cho những thao thức đời người và soi dẫn cho những uẩn khúc cuộc đời. Một lỗ hổng đạo đức cho tín hữu Việt Nam là họ ít tiếp xúc với cuốn Kinh Thánh, Lời của Chúa nói với loài người.

Trong cuộc sống đảo điên với đủ thứ chủ thuyết thực dụng, hãy biết rằng chỉ có Chúa Giêsu là chuẩn mực để ta định hướng đời mình và chỉ có Ngài là Đấng cứu độ, hãy củng cố mối liên lạc thân tình với Chúa Giêsu và ghi nhớ Lời Ngài, để vượt qua kiếp trần gian nầy với niềm hân hoan. Hãy tìm gặp Chúa nơi tha nhân và giúp tha nhân nhìn thấy Chúa nơi cuộc sống của ta.