Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2022

Điều mới lạ

 



Mỗi lần mở trang mạng, ta ao ước tìm được tư tưởng mới và hay, để sưu tập hơn là để sống. Thế nhưng làm gì luôn có cái mới mãi, thế là ta đành thất vọng vì tính ham hiểu biết không được thỏa mãn. Tốt hơn là hãy đem ra thực hành những điều đơn giản, cách kiên nhẫn và hằng ngày kiểm điểm xem mức độ tiến bộ ra sao, thì may ra đời sống nội tâm tiến bộ đôi chút.

Ví dụ hãy học kiềm chế miệng lưỡi để đừng trở nên người lắm chuyện. Người lắm chuyện là người hay bép xép chuyện người khác, chuyện không liên quan gì đến mình; là kẻ hay khoe khoang bản thân và đôi mách chuyện không tốt của người khác, để tỏ ra là mình biết nhiều và tốt lành hơn kẻ được nhắc tên tới trong câu chuyện; là kẻ nói những chuyện không tốt và không cần thiết. Thánh Giacôbê nói: nếu ai nói mình đạo đức mà không gò hãm miệng lưỡi mình thì đó là kẻ tự dối lòng mình, ai không sa ngã trong lời nói – kẻ ấy hẳn là người trọn hảo. Nhưng chữa bệnh phải chữa từ căn: muốn không sa ngã trong lời nói thì tự thâm tâm ta phải biết rằng mình cũng là người yếu đuối hay sa ngã, Chúa dạy ta đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán – vì việc xét xử là việc của Chúa; con người thường xét đoán lệch lạc chỉ thấy cái xấu của tha nhân mà không thấy cái tốt của họ, và không biết rõ hoàn cảnh hay chủ tâm của họ thế nào.

Truyền thông công giáo khác với truyền thông thế tục ở điểm là không có nhiều những tin tức giật gân mà là có khả năng đưa ra những nét đẹp Tin mừng đang nẩy mầm và mọc lên giữa lòng nhân thế. Các nhà truyền thông nói chung, phải ra đi khỏi chính mình để ‘tầm tin’, nhưng truyền thông công giáo phải trở về ngôi nhà nội tâm để đối chiếu sự kiện mình gặp với lương tâm mình để phát hiện ‘cái đẹp và cái không phù hợp’ với tiêu chuẩn Tin mừng đã được gieo vãi nơi lòng mình. Từ phản ứng đầu tiên đó, được nghiền ngẫm trong cầu  nguyện, chúng ta nói lên tiếng nói phản biện cho người khác biết, để họ cũng cảnh tỉnh và suy xét cho cuộc sống của chính họ.

 

Nhưng chúng ta phải chấp nhận cái giới hạn của ham muốn ‘tìm điều mới lạ’ của mình, cũng như Kinh Thánh chỉ có chừng ấy quyển thôi mà không phải là vô tận, cũng như những cuộc tình nhân loại mình đang có cũng có giới hạn về tình tiết, diễn biến, cảm xúc. Mối tình của tâm hồn với Chúa Giê su mà ta tìm cách chia sẻ với tha nhân cũng không thể luôn sôi nổi và mới mẻ hoài được, vì Thiên Chúa luôn thích chơi trò trốn tìm với linh hồn. Khi đã kết hôn, tình cảm vợ chồng thường đi vào chiều sâu của trách nhiệm và bổn phận hằng ngày, những cử chỉ và tình tiết nhỏ nhặt không đáng nói thành lời, khác với sự sôi nổi và mãnh liệt của cảm xúc của thời mới yêu và mới cưới. Mối tình Giê su cũng vậy, bởi đó, phải chấp nhận rằng cây viết nào cũng vậy, cho dù kiến thức rộng mênh mông thì cũng phải chấp nhận có ngày ‘tận số’, đó là cái hữu hạn của ngôn từ và của con người, kể cả các thánh.



Tin Mừng Thánh Gioan kết thúc bằng một câu rất hay: “Còn lắm điều khác, Đức Giê su đã làm, nếu viết lại từng điều, thì thiết tưởng thế gian không đủ chỗ mà chứa sách viết ra” (Yn 21,25). Điều Thánh nhân muốn nói ở đây: những lời viết ra là để chúng ta tin và chừng ấy điều đã viết là đủ để tin rồi. Tôi còn nhớ lời của đức cha Phê rô Nguyễn Huy Mai : “Khi nghe giảng, tuy có nhiều ý và nhiều chuyện, nhưng nên chọn một vài ý để ghi nhớ, tựa như con chó đã chọn cho mình một khúc xương để gặm thì nó không cần gom những thứ còn lại để cất giữ”. Đức cha Khảm dạy rằng: Khi mở trang Kinh Thánh, hãy để Chúa Thánh Thần mở trí soi lòng, có những chữ và những câu sẽ đánh động lòng mình. Trong mỗi ngày sống, hãy chọn cho mình một lời kinh hay một câu Kinh Thánh ngắn gọn để suy nghĩ và cầu nguyện, thói quen này sẽ giúp mình thực hành lời dạy của Chúa ‘Hãy cầu nguyện không ngừng”.

Người đầy tớ khôn ngoan biết lợi dùng những cái cũ và những cái mới trong kho tàng của mình. Chúng ta cũng vậy, hãy đọc Kinh Thánh và những sách đạo đức, những bài viết và những tư tưởng đạo đời giúp mình thức tỉnh lương tri –thay đổi cuộc sống. Điều quan trọng là hãy ‘đọc để sống chứ không phải sống để đọc’, kẻo ta bị bội thực về kiến thức và vỡ mộng vì không thỏa mãn tri thức như sách Giảng Viên đã nói: “chẳng có gì lạ dưới ánh mặt trời này”.

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2022

Vỡ mộng

 



Hai bài đọc trong phụng vụ ngày thứ hai tuần 3 Mùa Chay nói với chúng ta về 2 sự vỡ mộng dẫn đến sự nổi giận, một của ông Naaman và một của dân làng Nagiaret. Đây là dịp tốt để nói đến hành trình đức tin của chúng ta, cũng rất dễ dẫn đến những thất vọng và vỡ mộng nếu không định hướng đúng.

Sự ưu tiên và xứng đáng. Tiên tri Naaman là sĩ quan cao cấp của đế quốc Xy ri, một đế quốc  đã xâm lược và phân tán dân Do Thái, ông còn mang đến với vị tiên tri một đống vàng bạc nữa, đó là lý do ông nghĩ mình chỉ cần mở miệng nói lý do thì vị tiên tri sẽ cầu khẩn và phép lạ tức khắc xảy ra; chính vì thế ông đã nổi giận bỏ về khi mọi sự không diễn ra như ông tưởng nghĩ. Dân Na gia ret cứ nghĩ rằng Chúa Giê su sẽ nể trọng và ưu đãi người đồng hương, sẽ dùng uy quyền để chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, thế nhưng khi về thăm quê hương Chúa không ưu tiên gì cả, Ngài chỉ đặt tay chữa vài người vì họ không có lòng tin; thế là họ nổi giận, kéo Người lên tận đỉnh núi để xô Người xuống vực! Bạn và tôi, đừng nghĩ rằng mình có đạo thì Chúa phải ưu tiên ban cho mình được mọi sự may mắn và tránh mọi tai họa, an bình hơn người ngoại mới phải lẽ; không được như vậy thì ta cũng dễ thầm trách Chúa quên mình, Chúa không quyền năng, Chúa không yêu thương và có khi Chúa không hiện hữu.

Chỉ cần tin thôi. Điều kiện duy nhất để Chúa hành động là đức tin. Trong Tin Mừng, mỗi lần phép lạ xảy ra, Chúa Giê su đều nói: “Đức tin đã cứu chữa con, con tin thế nào thì được như vậy”. Đức tin đó được hối nhân biểu lộ bằng lời cầu xin hoặc âm thầm trong lòng , có thể qua người trung gian, nhưng tiên quyết là Thiên Chúa hành động theo cách Ngài muốn, không do sự xứng đáng hoặc khéo lải nhải xin xỏ của con người. Khi nói về cầu nguyện, một nhà tu đức phân tích: cầu nguyện không làm cho Thiên Chúa thay đổi mà chính là làm cho con người thay đổi, nhờ đó Thiên Chúa có thể hành động như ý Người muốn; cầu nguyện không phải là dùng những lý lẽ hay những lời khéo léo khiến Chúa phải mủi lòng để hành động theo ý con người, nhưng đúng hơn khi ta nhớ lại lịch sử đời mình và lịch sử cứu độ, lòng ta thêm lòng tin tưởng và khiêm tốn cậy trông vào quyền năng và lượng từ bi Chúa, và đó là những điều kiện cần thiết để Chúa hành động.

 Chúa Giê su nêu lên một sự thật được ghi lại trong sách Thánh: thời tiên tri Ê lia, chỉ có một bà góa ở Sa rep ta và thời tiên tri Ê li sêu, một người phong cùi người Xy ri, cả hai đều là người ngoại đã được cứu chữa, trong lúc ở Do Thái biết bao người chết vì đói và biết bao kẻ bị phong không được chữa lành, vì sao?- Vì lòng tin, vì sự tự do hành động của Chúa, vì Thiên Chúa luôn ưu tiên phần rỗi linh hồn. Người ta nhận ra rằng: tại những trung tâm hành hương, người ngoại và người khô khan nguội lạnh thường được hưởng phép lạ, tại sao?- vì họ cần dấu lạ để có đức tin và đức tin dẫn họ đến con đường cứu rỗi.



Chúa càng  yêu thương ai thì càng thử thách người đó. Đó là nhận định của một nhà tu đức. Ai trong chúng ta cũng muốn được Chúa yêu thương, nhưng lại sợ Chúa bắt mình trải qua những thử thách này nọ. Quy luật cuộc sống dạy ta rằng: thử thách là điều cần thiết cho sự lớn lên và phát triển; chúng ta nhận ra điều đó khi quan sát một cây non phát triển, một đứa bé lớn lên và chương trình tập luyện của một vận động viên.  Chúa thường không chiều theo những nhõng nhẽo trẻ con của ta, Ngài ưa dùng những thử thách trong cuộc sống để ta gắn bó và bám chặt Ngài hơn. Có điều là không bao giờ thử thách đó lại vượt quá sức chịu đựng của ta và Chúa luôn đồng hành cùng ta. Xin trích một đoạn trong tác phẩm ‘Tự do nội tâm’: “Khi chấp nhận đau khổ, chúng ta tìm thấy sức mạnh mới. Thánh Kinh nói về “bánh châu luỵ”. Thiên Chúa là Đấng trung thành luôn ban cho chúng ta sức mạnh cần thiết để mang lấy những gì là nặng nề và khó khăn ngày này qua ngày khác trong cuộc sống mình. Etty Hillesum viết, “Lạy Chúa, bây giờ con nhận ra rằng, Ngài đã cho con nhiều biết bao. Biết bao điều tốt đẹp cũng như biết bao gánh nặng phải mang. Vậy mà, bất cứ khi nào con tỏ ra sẵn sàng mang lấy nó, lập tức, cực nhọc biến thành đẹp tươi”

Lạy Chúa, đôi khi con thường hành xử như thể Chúa là ‘ông bụt’, khi cần thì con kêu khấn nhưng lại quên Chúa ngay khi hoạn nạn qua đi; trong lúc Chúa muốn con mãi là một trẻ thơ trong vòng tay người Cha nhân lành: tin tưởng, cậy trông, phó thác trong từng ngày sống. 

Lạy Chúa, vì thiếu lòng tin tưởng nơi Chúa, con thường lo lắng quá về nhiều chuyện, vì con tưởng rằng mình lo liệu được: cơm ăn áo mặc, tiến bộ thiêng liêng, hạnh phúc thiên đàng; nhưng rồi, Chúa cầm lấy tay con và nói với con rằng: “Ta trách con vì con đã đánh mất tình yêu thuở ban đầu”, và rằng “chẳng ai trong các con nhờ lo lắng mà có thể kéo dài đời mình thêm dù chỉ một gang tấc”.

Và còn một điều thường làm chúng con vỡ mộng nữa, đó là cách thức hành động của Chúa thường tiệm tiến và kiên nhẫn, trong lúc chúng con thường muốn mọi sự phải diễn ra nhanh - gọn và tức thì. Amen.

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2022

Nếu Chúa muốn

 



Thánh Giacobê có một lời dạy rất phù hợp với sự thanh tẩy tâm hồn trong mùa chay. Thay vì nói: “nếu Chúa muốn, chúng ta sẽ sống và làm điều nọ điều kia”, thì các người lại tự phụ vì những chuyện khoác lác của mình. Mọi thứ tự phụ như thế đều xấu (Yc 4,15).

Người khiêm nhường được định nghĩa là người nhìn nhận sự thật về mình. Nếu mình có tài năng hay nhân đức mà lại chối bỏ thì cũng không đúng, vì đó là nghệ thuật để được khen thêm. Nếu mình có tài năng mà được người khác khen lao thì hãy đón nhận lời khen đó và tạ ơn Chúa. Điều tệ hại là chúng ta đón nhận lời khen mà lại không tạ ơn Chúa, và lời khen kia làm cho chúng ta thêm kiêu ngạo. Chúng ta thường có những lời khen có thể nói là vô căn cớ,  không đúng sự thật và có nguy cơ làm cho tha nhân một là sống giả dối để che đậy cái dốt của mình, hai là vênh vang tự phụ vì thói hám danh. Ví dụ trong một giáo xứ nhỏ, cứ khen dòng họ này hoặc nhân vật nọ là giỏi; giỏi là giỏi thế nào, có bằng cấp gì, có  làm được việc gì cho cộng đồng và thăng tiến nhân loại không… hay chỉ là ‘mẹ hát con khen hay’ và ‘cho đi tàu bay giấy’ thôi.

Nhiều người trong chúng ta thường khoe con cái mình thông minh, hoặc dự trù mùa màng sẽ tốt đẹp, nói về kế hoạch tương lai… Theo lời thánh Gia cô bê thì điều đó không đẹp lòng Chúa, nếu không nói trước ‘nếu Chúa muốn’, vì trong những lời nói về tương lai đó có hàm chứa sự tự phụ và khoác lác. Cổ nhân đã nói: ‘nói trước bước không qua’, ‘mồm bò đi trước thì được việc, miệng người nói trước thì rách việc’, là có ý dạy ta phải canh chừng thói khoác lác tự phụ đó vậy.

Có câu chuyện kể rằng. Có một vị tu sĩ bị mù, ông rất thánh thiện và đón nhận sự mù lòa của mình một cách vui vẻ. Vị tu sĩ này có thói quen thưa với Chúa ‘nếu Chúa muốn’ trước mỗi lời cầu xin cho mình hoặc tha nhân. Một lần nọ, ông cầu xin cho mình được sáng mắt và Chúa đã nhậm lời. Sau những giây phút ngỡ ngàng vì những điều kỳ diệu mà con mắt được chiêm ngắm, ông bỗng nhớ lại ‘hình như mình quên nói câu ‘nếu Chúa muốn’ khi xin cho được sáng mắt. Nghĩ thế, ông vào nhà thờ, lấy hết can đảm để thưa với Chúa: “Lạy Chúa, nếu việc con được sáng mắt không đẹp lòng Chúa, thì xin cho con mù trở lại”. Sau đó, ông bị mù trở lại, nhưng tâm hồn ông hoàn toàn an bình, trong niềm tin tưởng rằng: đây là điều tốt đẹp nhất mà Chúa cho xảy đến với  mình. Hãy tập thói quen thưa với Chúa ‘nếu Chúa muốn’ trong mọi dự định hằng ngày và tương lai.

  


Để kết thúc bài viết, xin trích một lời cầu nguyện rất giàu ý nghĩa nhân sinh.

Đức Hồng Y Jaime Sin, Tổng Giám Mục Manila, Phi Luật Tân, ưng ý nhất về bài thơ dưới đây và thuờng trích dẫn trong các bài giảng của Ngài:

“Tôi đã xin Chúa cất khỏi sự kiêu hãnh của tôi và Chúa trả lời: "Không". Ngài nói rằng không phải Ngài là nguời cất khỏi mà chính tôi mới là người phấn đấu để vuợt thắng nó.

Tôi đã xin Chúa làm cho đứa con tàn tật của tôi đuợc lành lặn và Chúa trả lời: "Không". Ngài nói rằng tinh thần mới lành lặn, còn thể xác chỉ là tạm bợ.

Tôi đã xin Chúa ban cho tôi sự kiên nhẫn và Chúa đã trả lời: "Không". Ngài nói rằng kiên nhẫn là trái của thử thách. Ngài không ban cho tôi trái ấy mà để tôi tự tìm lấy.

Tôi đã xin Chúa ban cho tôi đuợc hạnh phúc và Chúa đã trả lời: “Không". Ngài nói rằng Ngài ban ân phúc cho tôi, còn hạnh phúc hay không là tùy tôi.

Tôi đã xin Chúa gia tăng tinh thần cho tôi và Chúa đã trả lời: "Không". Ngài nói rằng tôi phải tự lớn lên, nhưng Ngài sẽ cắt tỉa để tôi mang nhiều hoa trái.

Tôi đã xin Chúa đừng để tôi đau khổ và Ngài đã trả lời: "Không". Ngài nói rằng đau khổ là cho tôi đuợc xa cách với những vướng bận trần gian và mang tôi đến gần Ngài.

Tôi đã hỏi: "Liệu Ngài có yêu tôi không" và Ngài đã trả lời: "Có". Ngài nói rằng Ngài đã ban cho tôi Người Con Một, Ðấng đã chết vì tôi và một ngày nào đó, tôi sẽ được lên Thiên Ðàng vì tôi đã tin. Tôi đã xin Chúa giúp tôi yêu mến tha nhân như Ngài yêu thương tôi và Chúa nói: "Cuối cùng con đã xin đúng điều ta chờ đợi"

Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2022

Ma quỷ và sự cám dỗ

 



Nhiều người nghĩ rằng tôn giáo là sản phẩm của trí tuệ con người, nảy sinh do sự sợ hãi. Niềm tin tôn giáo sẽ tự biến mất khi khoa học phát triển, vì khi đó con người giải mã được mọi hiện tượng bí ẩn trong vũ trụ và cắt nghĩa được ngọn nguồn tâm sinh lý trong con người mình. Những người chủ trương như vậy thì sẽ cười nhạo bất cứ ai khi nghe nói về ma quỷ và sự cám dỗ. Nhưng Ki tô giáo dạy rằng: có ma quỷ và có sự cám dỗ xảy ra liên tục cho mỗi người, từ lúc mới sinh cho đến giây phút cuối cùng của cuộc sống.

Ngay cả Chúa Giê su cũng bị ma quỷ cám dỗ, vì Ngài đã mang lấy nhân tính – giống hệt chúng ta mọi đàng – trừ ra không phạm tội. Tin Mừng Thánh Luca kể đến 3 cơn cám dỗ điển hình. Cơn cám dỗ thứ nhất là cám dỗ dùng  thần quyền để thỏa mãn những bản năng thuộc nhân tính, sau nầy Chúa còn bị cám dỗ ‘đi đường tắt’ khi xin Cha cất chén đắng trong vườn cây dầu và khi  ông Phê rô can ngăn Chúa chịu thương khó. Cơn cám dỗ thứ hai là cơn cám dỗ về danh vọng và lợi lộc trần thế, sau này Chúa còn bị cám dỗ nhiều lần khi dân chúng muốn tôn Chúa làm vua, là Đấng Messia như lòng họ mong ước. Cơn cám dỗ thứ ba là cơn cám dỗ muốn thử thách Thiên Chúa phải ra tay hành động theo ý mình, muốn phô trương uy quyền của Con Thiên Chúa, sau nầy khi bị treo trên thập giá Chúa còn bị đám đông thách thức ‘nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi thập giá để chúng tôi tin’. Chúng ta còn chịu nhiều cơn cám dỗ hơn thế nữa, như về nhân đức thờ phượng, về sắc dục và những lỗi phạm về đức bác ái.

Cha Nhân Tài có kể một câu chuyện về bẫy khỉ. Người ta dùng một cái hòm (rương) gỗ, bên trong bỏ một ít trái cây ngon, trên hòm đục một cái lỗ nhỏ vừa với bàn tay lũ khỉ chó bỏ vào. Nếu khỉ thò tay vào chụp trái cây thì tay không rút ra được nếu bàn tay nó không thả trái cây xuống, nhưng phần nhiều tụi khỉ không muốn bỏ lại trái cây mà chúng đã nắm được, cho đến khi thợ săn đến, không cần tốn nhiều công sức cũng có thể túm được chúng nó cách nhẹ nhàng. Ngài suy tư: Muôn bẫy linh hồn người ta thì ma quỷ cũng có nhiều cách làm bẫy khác nhau tùy đối tượng; các linh mục thì ma quỷ thường dùng tiền bạc và gái; các tu sĩ thì nó dùng sự kiêu ngạo để chống đối bề trên, dùng sự ghen ghét để chia bè kết cánh, dùng sự hưởng thụ để cung phụng cho mình; người Ki tô hữu thì ma quỷ thường dùng tiền bạc, sắc dục, ghen ghét, kiêu ngạo, lười biếng…

Thánh Piô Năm Dấu và Thánh Faustina thường bị ma quỷ hiện hình tấn công đến thương tích, vì các vị đã cướp đi của chúng nhiều linh hồn. Còn chúng ta thì thường chẳng thấy ma quỷ ở đâu cả, giống như là chúng không hiện hữu, nhưng đừng quên lời Thánh Phê rô: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ thù địch của anh em, như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1P 5,8). Thánh nữ Faustina nghiệm ra rằng: ma quỷ giống như con chó bị xích, chúng  không làm gì được ta nếu ta không đến gần nó. Các nhà tu đức dạy ta rằng : cách tốt nhất để chống lại các cơn cám dỗ là tránh dịp tội, vì không ai tự hào là ‘làm chủ được mình’. Ở đây người viết chỉ muốn nói đến một vài ví dụ điển hình. Bạn hãy đặt máy vi tính nơi lộ thiên, vì có thể bạn sẽ dễ sa ngã xem những điều không tốt khi máy đặt nơi quá kín đáo. Bạn hãy tránh gặp những người mà mình thích tâm sự những điều không nên nói: khoe mình, chê người. Bạn hãy tránh thói quen nói những lời tiêu cực về cuộc sống, những lời chua cay gắt gỏng, vì gây hại cho những người chung sống. Bạn hãy thay đổi thói quen sinh hoạt, sử dụng thời giờ cho hữu ích, vì có câu danh ngôn rằng: “ có nhiều điều đáng tiếc xảy ra là do bạn không thể ngồi yên một chỗ trong một tiếng đồng hồ”. Bạn hãy gìn giữ con mắt, vì nó nhìn bao nhiêu cũng không thỏa, dễ dàng làm ta sa ngã vào sắc dục. Bạn hãy cảnh giác đến những điều mình nghe, vì nếu không có một suy nghĩ tích cực thì lòng tham, lòng ghen tị, sự lo lắng … sẽ làm cho lòng ta nổi sóng. Bạn hãy duy trì một sự thinh lặng thánh sau giờ kinh tối gia đình, đừng bàn chuyện chính trị - chuyện làm ăn – chuyện gây gỗ … vì một khi các giây thần kinh bị căng lên thì giấc ngủ sẽ không ngon, tốt hơn là nên để một vài tư tưởng đạo đức lưu lại nơi tâm hồn mình.



Chúa Giê su đã hứa với chúng ta rằng: Người cha trần gian còn biết lấy của tốt mà trao cho con cái, huống hồ  là Cha trên trời, Ngài sẽ kíp ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Ngài. Khi gặp cơn cám dỗ, hãy mau kêu xin: ‘Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ’. Có câu danh ngôn:  “Hãy đợi đến lúc mặt trời lặn mới nên nói ngày hôm nay trời đẹp”, cũng vậy không bao giờ Giáo Hội phong thánh cho một người đang sống, và giáo luật quy định: một vị nào đó chết ở đâu thì ở đó mơi được lập hồ sơ xin phong thánh, vì cho đến giây phút cuối cuộc đời con người vẫn còn bị cám dỗ sa ngã. 

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2022

Chúa gọi ông Lêvi

 



Ông Lê vi, còn gọi là Thánh Mattheu, tác giả sách Tin Mừng, là người tội lỗi công khai được Chúa kêu gọi làm tông đồ. Các người Pharisieu và nhiều người Do Thái lấy làm thắc mắc ‘tại sao lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi’, và Chúa Giê su đã cho chúng ta một lời khuyên rất đáng nhớ: “Ta đến để kêu gọi người tội lỗi ăn năn”.

Tâm lý hiện đại thường nhấn mạnh đến việc tự tin vào khả năng của chính mình trong mọi lãnh vực, sự tự tin này sẽ giúp con người giải quyết những vấn nạn về xã hội và nhân văn, phát triển những tiến bộ về khoa học giúp con người làm chủ bản thân và vũ trụ. Nhiều người cười nhạo Kitô giáo vì cứ nói hoài đến tội lỗi, điều đó ảnh hưởng không tốt đến tâm lý, vì làm cho con người mặc cảm về sự yếu đuối và bất lực, dẫn đến việc con người không lớn lên được. Câu trả lời được đưa ra là: không phải cứ nói hoài đến bệnh tật và đến việc ngu dốt là một điều xấu, nói đến bệnh tật không làm con người bệnh thêm mà là để tìm biện pháp vượt qua bệnh tật; nói đến ngu dốt không làm ta dốt thêm mà là để vượt qua điều chưa biết; cũng vậy không những Chúa Giê su đến kêu gọi người tội lỗi ăn năn, mà Chúa còn gánh lấy tội lỗi của cả nhân loại để tẩy xóa nó, và mỗi người chúng ta đều là tội nhân cả trong quá khứ - hiện tại – và tương lai. Điều thường xảy ra là con người thường không nhận ra và không muốn chấp nhận mình là người tội lỗi. Và một điều khác trầm trọng hơn là con người không muốn chấp nhận Chúa Giê su là vị lương y của tâm hồn.

Người ta kể rằng : ở những nước Phương Tây, các nhà thờ thường trống vắng người trẻ và rất ít giáo dân tham dự phụng vụ hằng ngày và cả lễ Chúa Nhật, nhiều tu viện bỏ hoang, nhiều cơ sở tôn giáo phải bán vì không đủ tiền đóng thuế… Thế nhưng, nếu tiếp xúc với ai đó thì đa số họ vẫn tuyên bố mình có đạo (đã rửa tội), nhưng họ không sống đạo: không mất thời giờ vì đạo và không quan tâm đến luân lý đạo dạy. Như vậy, việc họ theo đạo chỉ có trên giấy tờ, giống như theo một đảng phái chính trị, đảm bảo cho họ một số quyền lợi xã hội về ma chay cưới hỏi. Thử hỏi: hoàn cảnh nào dẫn đến một sự hoang vắng tâm hồn như vậy? – Có nhiều lý do, có thể kể đến lý do thứ nhất là một xã hội tự do và hưởng thụ sẽ dẫn con người không còn cậy dựa nhiều vào Chúa và lỗi phạm vào các luật luân lý; lý do thứ hai vì chứng kiến một Giáo Hội bất toàn, đầy dẫy những tội nhân và nhất là các vụ lạm dụng tình dục của một số giáo sĩ được truyền thông bôi nhọ cả mấy chục năm trời nay gây tác dụng ghê gớm; có thể kể đến lý do là do tâm lý bầy đàn ‘ai sao tôi vậy’, nhiều người không đi nhà thờ thì mình dại gì mà đi cho họ cười; do thiếu hiểu biết giáo lý; do đã đánh mất tình yêu thuở ban đầu; do tiền phải đóng góp cho tôn giáo. Nhưng cơ bản nhất là “không cần đến Chúa”, nên con người hiện đại đã xua đuổi Chúa ra khỏi cuộc đời mình.

Giáo hội Công Giáo nói chung và Ki tô giáo nói chung là một thân thể bao gồm những kẻ tội lỗi được Chúa Giê su kêu gọi bước theo Ngài để nên thánh. Giáo hội đó có một đặc tính là thánh thiện, vì có Thiên Chúa là Đấng Thánh, được cứu chuộc bởi máu châu báu của Con Thiên Chúa làm người, Giáo hội quản lý những phương tiện nên thánh;  nhưng bao lâu còn trên đường lữ hành tiến về quê trời, thì Giáo hội đó còn mang những con cái bất toàn – còn cần được chữa trị bởi thầy thuốc Giê su. Nhiều người từ bỏ Giáo hội vì thấy sự bất toàn nơi các linh mục - tu sĩ - giáo dân, vậy thử hỏi họ theo Chúa Giê su hay sống theo một tổ chức xã hội? – Giáo hội Chúa Kitô thiết lập có hai yếu tố hữu hình và vô hình; yếu tố hữu hình còn gọi là tổ chức phẩm trật thì luôn đầy dẫy những bất toàn cần phải liên tục sửa đổi và canh tân; yếu tố vô hình thì Giáo hội là thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô, trong thân thể này mỗi người đều bình đẳng về phẩm giá là con cái Thiên Chúa và có chung một ơn gọi nên thánh như bí tích rửa tội đòi hỏi.



Mùa Chay thánh đã về, bạn hãy luôn thầm nhắc với lòng mình rằng: “Con Thiên Chúa đã chết vì yêu tôi”. Chúa Giê su đã kêu gọi một Lê vi bước theo Ngài trên con đường nên thánh và ông đã bỏ mọi sự để lên đường; nhưng chắc chắn mỗi ngày ông Lê vi còn phải thanh tẩy lòng mình khỏi những tham sân si của chính mình để nên giống Chúa Giê su hơn. Mỗi ngày, Chúa cũng mời gọi tôi lên đường bước theo Ngài, nên thánh hơn mỗi ngày một chút: Xin cho con luôn ý thức về thân phận tội lỗi của mình, có vậy con mới biết con cần Chúa, là thầy thuốc của tâm hồn. Amen.