Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

Bước theo Thầy

 


Chúa Giê su nói: “Ai muốn Theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta” (Mt 16,24). Bước vào nhà thờ, nằm ở trọng tâm của chính diện là cây Thập giá, trên đó có một người bị đóng đinh rất đáng thương và đáng sợ, nhưng với Ki tô hữu thì đó là Chúa của mình, là đối tượng của tình yêu và là gương mẫu của họ - họ được mời gọi sống giống như Ngài và chết giống như Ngài.

Nói như vậy thì chúng ta rất dễ lầm tưởng : chỉ có Ki tô hữu là có thập giá, còn người ngoại thì không có thập giá. Để hiểu rõ vấn đề hơn, chúng ta phải hiểu thập giá là gánh nặng cuộc đời (kiếp người), là những đòi hỏi luân lý để sống cho ra con người. Nếu hiểu như vậy thì đã là người thì ai cũng có thập giá, ai cũng có những lao tâm khổ tứ để sống cho ra con người. Đạo lão, đạo khổng, đạo phật, đạo Chúa… mỗi tôn giáo đề ra những nguyên tắc cơ bản về luân lý; mà cho dù người không theo đạo nào thì tự trong thâm tâm họ, Thượng Đế đã đặt để những luật luân lý cơ bản như làm lành lánh dữ, tôn trọng của cải và mạng sống của người khác, tương thân tương ái, thảo hiếu và biết ơn… Con  người khác con vật là có lý trí và lương tâm, cho nên họ có niềm khắc khoải sống cho ra con người, và họ bị sự nhắc nhở của lương tâm khi làm lành hay làm dữ. Như vậy, ai cũng có thập giá cuộc đời: gánh nặng cuộc đời và những đòi hỏi luân lý; điểm khác của người Ki tô hữu là họ được mời gọi vác thập giá mình bước theo (theo cách như) Chúa Giê su và kết hợp với Chúa Giê su, và trong một số trường hợp thập giá của người Ki tô hữu còn là sự bắt bớ và thiệt thòi vì danh Chúa. 

Triết gia Pascal có một lý luận nổi tiếng về niềm tin: “Nếu không có đời sau thì người Ki tô hữu cũng chẳng mất gì nhiều, nhưng nếu có đời sau thì anh bạn vô thần của tôi ơi, bạn mất tất cả”. Thế giới tây phương bị tục hóa, họ bỏ giờ và công sức để bôi nhọ tôn giáo và Giáo hội để họ tha hồ sống trong buông thả. Năm 2009, ở nhiều nước châu Âu, trên các xe bus và các phương tiện giao thông công cộng, người ta giăng biểu ngữ: “Có lẽ Chúa không hiện hữu, cứ vui hưởng cuộc sống đi”. Dịp cuối tháng 9 năm nay (2022), ở Saigon đang chiếu bộ phim Nữ Giáo Hoàng (dành cho khách mời), có lẽ là một bộ phim đã sản xuất lâu rồi nhưng nay được làm nóng lên để phò những phong trào đấu tranh cho nữ quyền: quyền được phá thai vô điều kiện, nữ giới được làm linh mục… Tôi vẫn thường bị dằn vặt với vấn đề: tại sao có những người ngoại giáo và vô thần có dịp tiếp xúc nhiều với mình vậy mà mình không cải hóa họ được? Có một tân linh mục tâm sự: cả một đời linh mục phải lo sao cứu được ít là một linh hồn. Bản chất của Giáo hội là truyền giáo, ơn gọi căn bản của Ki tô hữu là trở nên muối men cho đời, đó phải là điều làm cho chúng ta bận tâm và thao thức. Chúa Giê su đã tâm sự: “Thầy đã mang lửa xuống thế gian, Thầy ước mong sao cho lửa đó bùng cháy lên” (Lc 12,49), ngọn lửa tình yêu và ngọn lửa cứu độ. Bị thiêu đốt bởi nhiệt tâm truyền giáo cũng là một khía cạnh khác của thập giá cuộc đời Ki tô hữu.

Trong tác phẩm Tự do nội tâm có kể về một tù nhân, bị kết án tử hình vì tội giết người; trong những ngày cuối cùng chờ hành hình, anh được biết đến Đức Giê su, anh được mời gọi hiến dâng mạng sống mình, hiệp với thập giá của Chúa Giê su, để đền tội mình và tội nhân loại. Được ánh sáng nội tâm soi chiếu, anh hân hoan tiến ra pháp trường như một người tử đạo: chính niềm tin giúp anh nhìn thấy cái chết của anh không vô nghĩa như một sự trừng phạt mà là như một sự dâng hiến vì tình yêu Giê su. Khi nghe nói đến thập giá và đau khổ như một dấu hiệu được Chúa thương mến, và như là điều kiện tất yếu của người môn đệ Chúa, thì ai trong chúng ta cảm thấy một chút ngại ngùng, nhưng xin đừng quên rằng: thập giá sẽ dẫn chúng ta đến niềm vui và hân hoan, chứ không phải là ưu phiền. Sách CVTĐ kể lại rằng: Gioan và Phê rô ra khỏi hội đường, lòng hân hoan phấn khởi vì thấy mình được chịu sỉ nhục vì danh Chúa Giê su. Hãy nhớ lời Thánh Phaolô trong 1Cor 15,17: Nếu Chúa không sống lại thì Kitô hữu là những người đáng thương, nhưng Chúa đã sống lại thật! Đọc truyện các Thánh Tử đạo, chúng ta nhận ra những điểm chung của các ngài: ao ước được lãnh phúc tử đạo, hân hoan ra pháp trường, tha thứ cho kẻ giết mình.



Đôi lúc ta tự hỏi: những người ngoại giáo lấy động lực nào để đón nhận thập giá đời họ? Người có đạo Chúa thì hiểu rằng: đau khổ và cái chết là hậu quả của tội, đau khổ là phương thế rèn luyện nhân đức, là cơ hội trở nên giống Chúa Giê su, được cộng tác vào thập giá cứu độ và quan trọng nhất là có Chúa đồng hành và nâng đỡ. Một nhà tu đức đã nói: không hiểu lý do tại sao mình đau khổ còn nặng nề hơn là chính đau khổ đó. GLHTCG dạy rằng : Thiên Chúa không bao giờ cho phép đau khổ (gánh nặng, bất công, chết) xảy đến, nếu Ngài không dùng quyền năng và tình yêu để rút ra nhiều sự lành cho nhân loại. Khi ta đau khổ, hãy kêu cầu ơn Chúa trợ giúp và hãy nhìn lên Chúa Giê su trên Thánh Giá, để có thể vui lòng đón nhận thập giá cuộc đời vì vâng ý Cha và được cộng tác vào công trình cứu rỗi các linh hồn, đó là vác thập giá mình mà theo Chúa.

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2022

Ước mơ làm lớn

 



Thánh Luca trong bài Tin Mừng hôm nay (Lc 9,46-50) nói rằng : một ý nghĩ ‘ai là người lớn nhất trong các ông’ chợt đến trong đầu họ, và Chúa đã biết. Thực ra, ý nghĩ về sự cao lớn của chính mình, sự long lanh của ‘cái tôi’ luôn lởn vởn trong tâm tư con người chúng ta, không phải chợt đến mà là thường xuyên đến, mãi cho đến ngày ta lìa đời.

Khi nói về những cơn cám dỗ thường xảy ra với các linh mục và tu sĩ, ai đó đã nói: cơn cám dỗ về danh vọng luôn mạnh hơn và đi trước cơn cám dỗ về tiền và về tình. Ai trong chúng ta vẫn thích ‘tỏ lộ’ về những tài năng, công trạng, thành tích, nhân đức của mình. Đọc truyện thánh Au gus ti nô, có một chi tiết: những kẻ ăn chơi đàng điếm cũng  ganh đua nhau xem ai trổi vượt hơn và sành điệu hơn, xem đó như thành tích đáng tự hào! Nhìn kỹ vào lòng mình, ta tự hào vì mình có đạo, vì mình không phạm tội công khai, vì mình có công đức, vì mình hy vọng vào thiên đàng. Nhìn vào tha nhân, dĩ nhiên ta thấy họ xấu xa và có tội này tội nọ - họ ngoại đạo, ta ngạc nhiên tại sao họ chưa bị phạt ? Và ta thấy vui trong lòng khi những kẻ đó gặp tai ương: gia đình xào xáo, con cái hư hỏng, làm ăn sa sút, bệnh tật xảy đến. Nhiều khi ta làm việc cho Giáo hội, không vì danh Chúa cả sáng mà muốn thể hiện bản thân, muốn được thiên hạ chào bằng Ông, để cho cái tôi thêm lung linh. Đó là những biểu hiện cho tâm trạng : Tôi là kẻ lớn hơn, tốt hơn, đáng kính trọng hơn. Ngẫm nghĩ mà xem, những cuộc chiến từ xưa đến nay xảy ra là do ai đó muốn trở nên vĩ đại hoặc để tự vệ vì sợ ai đó tham vọng chiếm đất mình.

Sách Giop có một lời cầu nguyện đáng cho ta thuộc lòng: “Thân trần truồng, tôi sinh ra từ lòng mẹ. Tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Chúa đã ban cho, và Ngài lại lấy đi, xin chúc tụng danh Chúa”(1,21). Cha Nguyễn Tầm Thường có hai suy niệm về sự chết (ngày lễ vàng, ngày lễ bạc) rất hay: sau khi chết, ai cũng bình đẳng, thân xác tàn rữa hôi thối, sọ người thông minh và người thất học đều giống nhau, khi sống mình xum xoe từng lọn tọc, bối rối nên xài loại nước hoa nào, tranh cãi nhau từng chi tiết về kiến thức … Sau 50 năm, chẳng ai biết mình, chẳng còn tên trong sổ sách, tựa bông hoa nở và tàn lụi – nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích. Hãy nghĩ đến ngày tận số mà sống cho ra con người khôn ngoan, đừng lo lắng nhiều chuyện hão huyền nữa, mà hãy chuyên tâm tìm kiếm những của cải vững bền ở quê trời.

Chúa Giê su nói một câu đáng cho ta phải suy tư thêm: “Ai tiếp đón một trẻ nhỏ vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”. Như vậy, Chúa muốn nói đến con đường tự hủy của Ngài: hóa thân làm người, sống kiếp nghèo, vô danh, bị đô hộ, tiếp đón những tội nhân, bị nộp cho người đời và bị giết như một phạm nhân. Thời xưa, đàn bà và trẻ em là những người không được đếm số trong cộng đoàn, trong các phép lạ, vô danh tiểu tốt. Tại sao Chúa nói: các con hãy nên như trẻ nhỏ, Thầy hiện thân nơi trẻ nhỏ, ai nhỏ nhất trong anh em sẽ trở thành người lớn nhất? – Thưa, trẻ nhỏ là người tùy thuộc hoàn toàn vào người lớn, vào cha mẹ; chính khi con người biết cậy dựa hoàn toàn vào Chúa thì Chúa sẽ thực hiện được công trình cứu độ của Ngài, vì thế mà Mẹ Maria đã cất lời: Chúa đã làm cho tôi (người nữ tỳ của Chúa) biết bao điều kỳ diệu.  Đối với con cái, chúng ta mừng khi chúng tự lập (tự đứng vững, tự lo liệu và kiếm sống) , nhưng đối với Chúa thì khác, chính lúc chúng ta cậy dựa vào mình để làm việc cho Giáo hội thì thất bại là chắc, còn khi mình trở nên nhỏ lại thì quyền năng Chúa mới tỏ hiện, vì Giáo hội là của Chúa và Chúa thích dùng con số nhỏ - kẻo loài người kiêu ngạo mà tưởng rằng đó là công của mình.

Khi các môn đệ hỏi : "Ai là người lớn nhất trong nước trời?", Chúa lại tránh câu hỏi đó bằng một câu trả lời khác đi: "Nếu các con không hoán cải mà trở nên như trẻ nhỏ thì chẳng được vào nước trời" (Mt 18,1-3). Trở nên như trẻ nhỏ ở đây là con đường phó thác mà Thánh Tiến Sỹ Tê rê xa Hài Đồng đã sống: phó thác và tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa - kể cả việc vào nước trời, yêu mến Thiên Chúa qua những việc nhỏ bé hằng ngày. Ai đó đã nói: tin vào quyền năng và tình yêu Chúa là nền tảng của đức tin Ki tô giáo, nhưng tin vào quyền năng Chúa thì dễ hơn là tin vào tình yêu của Ngài, vì nếu ta thực sự tin vào tình yêu Chúa thì ta đã cảm nếm được hạnh phúc thiên đàng.

Câu chuyện sa tan tranh luận với Thiên Chúa về ông Giop hé lộ cho ta biết: những thử thách xảy đến là một cơ hội rèn luyện nhân đức, tựa như lửa thử vàng. Ông Giop đã trung thành với Chúa: không nguyền rủa Chúa, không chấp nhận những tai ương là sự trừng phạt vì tội mình, mà vui lòng đón nhận mọi sự từ tay Chúa: mình biết đón nhận ơn lành từ tay Chúa, còn điều dữ lại không biết đón nhận sao?. Chúa Giê su cũng đã thưa với Cha: Nếu có thể được thì xin cất chén đắng này cho con, nhưng xin đừng theo ý con mà là theo ý Cha.

 

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022

Lời tạ ơn chân thành

 



Trong cuộc sống, nhiều khi ta có những lời tạ ơn nhau và nhất là tạ ơn Chúa mà không chân thành nhưng mang nặng hình thức và khách sáo. Và chúng ta thường ngại nói lời cảm ơn nhau, vì mang ơn ai đó là có sự ràng buộc (lệ thuộc) và nhìn nhận sự kém cỏi của mình.

Sách Giảng viên có một lời khuyên rất thực tế: “Giữa tuổi thanh xuân, hãy tưởng nhớ Đấng dựng nên mình. Đừng chờ tới ngày tai ương ập xuống và bạn cất tiếng nói tôi chẳng được niềm vui nào”. Quả vậy, chúng ta rất khó để nhận ra ơn lành Chúa ban cho mình và rất khó để có tâm tình tạ ơn Chúa. Dù mỗi ngày chúng ta đọc kinh cám ơn : tạ ơn Chúa đã cho mình làm người,  được chịu nhiều ơn lành  hồn xác, được qua đêm bằng an – không phải chết tươi.. . thế nhưng tự trong thâm tâm, chúng ta vẫn trách Chúa thờ ơ với mình, không thương ban cho mình nhiều ơn lành mong ước và nguyện xin: được lành bệnh, được may mắn, được thành công, được an lành, được hạnh phúc. Tôi vẫn có một lời cầu nguyện cho những người đau bệnh và những người thân: xin cho họ cảm nghiệm được tình thương của Chúa trong đời mình, biết bằng lòng với cuộc sống. Đức Phanxico khuyên chúng ta: Hãy dành thời giờ ngẫm nghĩ lại biết bao ơn lành Chúa đã ban trong đời mình để dâng lời tạ ơn Chúa. Hãy ghi vào nhật ký những ơn lành Chúa ban cho mình để nhớ hoài và nhớ lâu, để tạ ơn Chúa và đền đáp ơn Ngài – xứng với ơn mình đã lãnh nhận. Có một vị linh mục cứ nhớ lại ơn thoát chết vì bệnh khi còn nhỏ, trong lúc anh chị em mình đã chết vì bệnh, với xác tín rằng: Chúa muốn mình sống để phụng sự Ngài. Mỗi người hãy nhớ lại biết bao lần mình đã thoát chết trong gang tấc, đã tránh được bao tai ương… nhớ lại để nghiệm ra rằng: đời mình đầy tràn những hồng ân, may mắn nhiều hơn là rủi ro, ấy vậy chẳng mấy khi chúng ta tạ ơn Chúa. Ai đó đã từng nói: "con người là con vật vô ơn", còn Chúa Giê su lại nói: "Không phải tất cả đều được chữa lành cả sao? còn chín người kia đâu, sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa". Trong câu chuyện 10 người mù được chữa lành, tỷ lệ con người biết tạ ơn chỉ là 1/10, không biết con số này có phản ánh được tỷ lệ thật trong cuộc đời này không?

Tâm lý học thường nói đến khủng hoảng của tuổi già. Tuổi này là lúc sức khỏe giảm sút, nhiều bệnh mãn tính phát sinh, tâm sinh lý không còn vững vàng, con cái trưởng thành rời xa và bạn bè ít đi, con người thường rơi vào cảnh cô đơn và tủi thân. Đây cũng là lúc con người thường rơi vào tình trạng trầm cảm nhẹ: không thích ồn ào, không thích bạn bè và thích không gian yên tĩnh – dễ rơi vào cô độc. Trên bình diện thiêng liêng, các nhà tu đức nói đến sự nhầm lẫn căn tính của mình có thể dẫn đến sự thất vọng thiêng liêng. Mỗi người có một giá trị vì là con cái Chúa. Nhiều người nhầm lẫn căn tính của mình với sở hữu và hữu hiệu: họ nghĩ họ giá trị vì những gì họ có và những gì họ làm được. Chính sự nhầm lẫn này đưa đến thất vọng và khủng hoảng của tuổi già, khi họ không có nhiều tiền nữa và không còn làm ra tiền, khi họ không còn giữ được vai trò trong xã hội và Giáo hội; điều này dẫn đưa đến cảm giác thất vọng về chính mình, cảm giác thừa thãi và vô vọng khi nhìn về tương lai đen tối… điều này dẫn đến việc nhiều người chọn cái chết như là sự giải thoát.

Có câu chuyện kể về hai vị thiên thần được sai xuống trần với nhiệm vụ riêng của mỗi vị, họ chia tay nhau và hẹn ngày giờ gặp lại nhau để cùng trở về thiên quốc. Đến giờ hẹn, một vị xách một chiếc bị với dáng đi rất nhẹ nhàng, còn vị kia rất nặng nhọc với chiếc bị quá cồng kềnh; chiếc bị nhẹ chứa những lời tạ ơn của con người, chiếc bị nặng là những lời cầu xin của họ. Câu chuyện 10 người phong cùi được chữa lành mà chỉ có một người trở lại gặp Chúa nói với ta rằng: rất ít người tạ ơn và lời tạ ơn của ta không thêm gì cho Chúa mà mang lại lợi ích cho con người, giúp ta gặp được Đấng là nguồn mọi ơn lành. Để có một lời tạ ơn Chúa, có sự cộng tác của đức tin, đức cậy và đức mến. Khi cầu xin ơn Chúa, có người thưa với Chúa: con tạ ơn Ngài đã nhậm lời con, có kẻ khác lại chờ cho đến khi có phép lạ xảy ra mới tạ ơn, cha Mello thì khuyên: Bạn hãy tạ ơn Chúa khi mình có sự xác tín rằng Chúa đã nhậm lời rồi, khi ai đó trao cho mình một tờ sec thì ta nên cám ơn ngay - đừng đợi đến khi vào ngân hàng rút tiền mặt rồi mới tạ ơn, có một bà kia bị bệnh phong thấp - đã tạ ơn Chúa cả 3 năm trước khi được khỏi bệnh, vì đã cảm nghiệm được ơn chữa lành đang đến với mình.





Sách Giảng viên cũng có một lời nữa rất đáng nhớ: “Thiên Chúa ban cho con người biết nhận thức về vũ trụ, tuy thế, con người cũng không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử”. Thánh Phaolô nói: “Anh em hãy tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, vì đó là điều Thiên Chúa muốn” (Tx 5, 18). Hãy nghĩ đến câu chuyện 9 năm biệt giam của Đức cha F.x Nguyễn Văn Thuận mà kiên trì theo Chúa trong cuộc sống của ta, dù có xảy ra điều gì đi nữa: ngài sống trong một không gian chật hẹp, có khi điện sáng suốt ngày đêm nhưng có khi chìm ngập trong bóng tối - trong nhiều tháng trời, mịt mù về tương lai, bị ghét bỏ và loại trừ, vô vọng nhưng không tuyệt vọng – mà vẫn cậy tin ở Chúa.

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2022

Sám hối

 



Cha Anthony de Mello nói với các tu sĩ: “những ngày lịch đỏ trong đời sống tâm linh của các anh sẽ đến, không phải là ngày các anh có tình yêu Chúa nồng nàn, nhưng là ngày các anh khám phá ra rằng Chúa yêu thương mình”.

Tiếp đó, cha kể câu chuyện: Có một người thợ săn trẻ, vì miệt mài theo đuổi con mồi, đã đi khá xa vào một khu rừng rậm. Bóng tối phủ xuống rất nhanh và anh nhận ra mình đã mất phương hướng để trở về. Anh cảm thấy sợ, và điều anh mong ước nhất lúc đó là gì? – không phải là có những kiến thức để tìm được phương hướng nhờ các vì sao, nhưng là cha mình xuất hiện, đặt tay trên vai anh và nói: “Nào, cha con mình cùng đi!”. Chính khi cảm nghiệm được Chúa thương mình, Chúa đồng hành với mình, Chúa giúp mình vượt qua gian nan và thậm chí vác mình trên vai, con người sẽ có lòng sám hối, vì biết rằng Chúa đã chết để cứu tôi ra khỏi tội. Lòng tin vào Chúa, nhận ra Chúa trong cuộc đời, trông cậy vào Chúa và yêu mến Chúa… là những điều ta phải thiết tha cầu xin và khiêm tốn đợi chờ. Và nhất là ơn sám hối - thì ta phải luôn cầu xin Chúa ban cho mình, vì ta đã biết rằng Thiên Chúa luôn đi bước trước trong việc tìm kiếm con người, nhưng ta thường nhận ra mình chẳng có tội gì lớn, thật khó để xét mình và thật ngại khi phải đến tòa cáo giải.

Thánh Augustino đã cầu nguyện: “Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”. Biết Chúa và biết mình không phải một lần là đủ. Đây không phải là lời cầu nguyện mà người thanh niên tội lỗi Augustino đã thưa với Chúa để được ơn hoán cải, mà còn là lời cầu nguyện của mỗi chúng ta- trong từng ngày sống. Vì dù đã là người con Chúa từ lâu, nhưng coi chừng chúng ta giống hệt người con cả trong dụ ngôn Người cha nhân hậu (Lc 15 11-31): chúng ta ở trong nhà cha như một người làm công! Có một hiện trạng chung ở nhiều giáo xứ là tòa giải tội thường bám đầy bụi, có khi cả đến mấy tháng trời mới dùng đến. Các cha chẳng bao giờ nhắc nhở và thúc giục con chiên siêng năng xưng tội - mà con chiên cũng chẳng có tội gì để xưng, có lẽ kẻ được lợi trong vụ này là ma quỷ và kẻ thất thu chính là Thiên Chúa. Khi đọc chuyện cha Thánh Vianey, chúng ta biết: ngài nổi tiếng về việc giúp cho tội nhân hoán cải. Cha Mello nói : Căn tính của linh mục là hòa giải tội nhân với Chúa, là cầu nối giữa con người với Thiên Chúa, nhưng nhiều linh mục đã đánh mất căn tính của mình, thậm chí bỏ cầu nguyện, không thông thạo nghệ thuật dẫn con người đến với Chúa.



Một nhà tu đức nói: Hãy cho tôi 100 người, yêu Chúa trên hết mọi sự và gớm ghét tội vô cùng, thì tôi sẽ thay đổi thế giới này và lật tung các cửa hỏa ngục. Câu nói trên muốn nói rằng: hầu hết chúng ta chỉ yêu Chúa vừa vừa và ghét tội sơ sơ. Chính Augustinô, trên hành trình trở lại, đã có một lời cầu nguyện hâm hâm dở dở: Lạy Chúa, xin giải thoát con khỏi những đam mê trần tục, nhưng xin Chúa từ từ thôi. Rất nhiều người chọn câu nguyện Thánh Danh: “Lạy Chúa Giê su, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”, nhưng tự thâm tâm thì chẳng thấy mình có tội gì cả, và có xét mình mỗi tối thì cũng chỉ thấy rằng ngày hôm nay mình sống quá tốt – lương tâm chúng ta vô cảm dần theo tuổi đời thì phải! Hành trình theo Chúa cần có hai điều kiện: loại bỏ những cản trở là những thói hư tật xấu làm mất lòng Chúa, và điều kiện thứ hai là yêu Chúa nồng nàn. Chúng ta thường dễ thấy những lời nói và hành động xúc phạm đến tha nhân, nhưng rất khó thấy những điều làm buồn lòng Chúa. Ai đó đã nói: cho dù bổn phận và chức vụ của bạn là gì, nặng nhọc và quan trọng đến đâu, thì việc quan trọng nhất trong đời bạn là yêu Chúa thật nhiều. Chúng ta dễ lầm tưởng mình phải trở nên sạch tội như là điều kiện tiên quyết để có thể đến gần Chúa và yêu Chúa nồng nàn, nhưng ngược lại mới đúng; Chúa yêu ta dù ta tội lỗi, thậm chí càng tội lỗi thì càng được Ngài yêu hơn, cứ yêu Chúa nhiều thì chúng ta sẽ nhận ra tội mình, yêu nhiều thì được tha nhiều là vậy. Và ngược lại, nếu ta không thấy tội mình là vì ta còn yêu Chúa quá ít.

Lạy Chúa Giê su, con thật đáng thương vì không nhận ra mình có tội, và chẳng có nhu cầu để lãnh bí tích hòa giải, mà có đến thì con cũng chỉ xưng đi xưng lại mấy tội cũ từ nhỏ đến giờ. Nhưng con biết rằng Chúa chẳng mệt mỏi khi tha thứ cho con, Chúa còn vui mừng khi con ăn năn vì những tội nhẹ trong ngày sống và cả triều thần sẽ vui khi một người bước vào tòa giải tội. Xin ban cho các linh mục vượt qua được sự ngại ngùng khi nghe tội để các ngài thúc giục con cái mình siêng năng xưng tội. Vì lạy Chúa, hình như chúng con đang sống đạo hình thức: đọc kinh nhiều, lễ hội nhiều, rước lễ nhiều, nhưng mối liên lạc với Chúa chẳng có bao nhiêu – và việc thực hành đạo còn hời hợt, tạo nên nhiều gương mù gương xấu cho anh em. Amen.

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2022

Lắng nghe tình yêu Chúa

 



Có khá nhiều phép lạ được Chúa Giê su thực hiện trong ngày Sa bat, trong những cuộc tụ họp để cầu nguyện của cộng đoàn. Có một kịch bản chung chung là các kinh sư và các biệt phái rình xem Chúa có vi phạm lề luật để tìm cớ tố cáo, dĩ nhiên Chúa tranh luận với họ về việc Ngài sắp thực hiện – giúp họ nhận ra Chúa là Môi sen mới, là Đấng có quyền làm cho trọn lề luật Cựu Ước, và cuối cùng là các biệt phái và luật sĩ bực tức khi thấy Chúa vi phạm lề luật nên tìm cách để loại trừ Ngài. Bài Tin Mừng Chúa chữa người bại tay nói với chúng ta vài điều có thể áp dụng vào đời sống tâm linh.

Người biệt phái và luật sĩ luôn hành động theo nhãn quan vụ luật (vì luật) và và xét đoán mọi sự theo nhãn quan này, nên không nhận ra điều kỳ diệu xảy ra trước mắt họ và không nhận ra quyền năng Thiên Chúa nơi con người Giê su. Chúa Giê su đã nhiều lần đưa ra những câu chuyện để giúp họ phản tỉnh và thay đổi não trạng cứng nhắc về luật ngày Sa bat: con bò rơi xuống hố thì phải kéo lên ngay, vua Đavit và các thuộc hạ đã ăn bánh cung tiến để thoát chết đói, ngày sabat nên làm lành và cứu sống hay là giết chết… Chúa muốn họ, khi chứng kiến những phép lạ vĩ đại Chúa làm, khi được nghe Chúa giảng giải về lòng nhân ái lớn hơn cả lề luật, có thể nhận ra chính Chúa là Đấng Thiên Sai – để nhờ tin mà được cứu sống. Có những người biệt phải đã thay đổi não trạng và tin vào Chúa Giê su, nhưng con số này không nhiều, còn đa số những người lãnh đạo tôn giáo Do Thái đã cứng lòng và đã âm mưu giết chết Đức Giê su. Điều này giúp chúng ta rút ra một bài học: khi chúng ta không tìm kiếm ý Chúa mà tìm thỏa ý riêng mình và hành động theo thành kiến thì chúng ta khó nhận ra những điều kỳ diệu xảy ra trong cuộc sống, chúng ta dễ bực tức với tha nhân và với cả chính Thiên Chúa.



Có lời một bài hát: “Từ sớm mai hồng, xin cho con luôn được lắng nghe tình yêu của Chúa. Và trong cuộc sống, xin cho con được thấy đường lối của Ngài”. Câu hát này diễn tả một cõi lòng rộng mở cho những chân lý trời cao tuôn đổ xuống lòng mình, một đôi bàn tay đưa ra để hứng lấy những giọt sương hồng ân của Đức Khôn Ngoan – làm giãn khát cho một linh hồn khao khát Chúa. Có câu chuyện kể về một đôi bạn trẻ, du lịch bằng xe đạp qua nhiều vùng đất và nhiều quốc gia, sau khi dừng chân 1 tuần lễ trong một trại phong – họ đã nhận ra một chân lý: “Dù cho chuyện gì xảy ra với họ, họ cũng không còn gì phải phiền trách cuộc sống, khi chứng kiến và so sánh với cảnh khổ đau mà những người bất hạnh nơi trại cùi phải trải qua”. Thế đó, nhiều khi đôi tai và đôi mắt của ta thiếu chiều kích linh thánh, nhiều khi ta chủ trương lối sống tự do theo ý riêng mình quá và nhiều khi ta không nhìn ra nỗi khốn khổ trong cuộc sống của những người quanh ta, nên ta dễ nổi cáu với tha nhân và oán trách Chúa.

Chúa Giê su nói với người bại tay: “Hãy giơ tay ra”. Chúa cũng nói với ta như vậy: “Hãy giơ tay ra, hãy mở lòng ra”. Giơ đôi tay ra để cầu nguyện, mở tay phải ra để làm việc giúp người thân, làm việc nuôi thân và làm việc thiện như Mẹ Tê rê xa Calcutta. Chính khi người bại tay giơ tay ra thì anh được chữa lành. Một trái tim quảng đại – biết mở ra cho người khác – có chỗ cho người khác và cho chính Chúa, sẽ được chữa lành khỏi những ích kỷ - dò xét – bực tức, lên án. Ai đó đã từng nhận xét: những người quảng đại phục vụ và hay giúp đỡ người khác thường có một cuộc sống nhẹ nhàng và thanh thản, dường như họ được chúc phúc và sống bình an. Lời một nhà tu đức: không khí mình hít vào chính là không khí mình thở ra; Ngươi sẽ không ra khỏi đó cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng (người hẹp lòng sẽ vướng phải những chật hẹp mình đã gieo); Thiên Chúa không bao giờ thua lòng quảng đại của con người.

Nhận ra tình thương và quyền năng Chúa luôn thực hiện trong đời ta không phải là một điều dễ. Nhận ra lòng tốt của người thân và bạn bè cũng là một điều khó. Xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng ta đừng sống hâm hâm dở dở, nhưng biết yêu Chúa nồng nàn: làm mọi việc vì tình Chúa, và biết thể hiện lòng thương xót với anh em quanh mình. 

 

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2022

Từ bỏ chính mình

 



Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật 23 TN C,  Chúa Giê su nói với chúng ta: Ai không từ bỏ những người thân, mạng sống mình, của cải mình, vác thập giá mình thì không thể làm môn đệ Chúa. Chúng ta liên tưởng đến thập giá Chúa đã trải qua, vì một nhà tu đức đã nói: Chúa không đòi chúng ta phải đi những bước mà Người chưa từng đi trên đó.

Nhiều lần chúng ta thử dùng lý luận để tìm hiểu : tại sao Chúa lại chọn con đường thập giá, nghèo, vô danh… và còn yêu cầu những môn đệ của Ngài phải sống như thế - nếu muốn nên nghĩa thiết với Chúa? – Với trí óc loài người, chúng ta không thể hiểu được nhiều điều, chỉ biết rằng Chúa chọn con đường tự hủy và cái chết thê thảm như thế là để ‘ý Cha được nên trọn, để biểu lộ tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa dành cho con người, để đền tội nhân loại, chấm hết. Sách Khôn ngoan nói với chúng ta rằng: ““Ai hiểu thấu Thánh ý của Chúa, nếu Chúa không ban sự khôn ngoan ?”. Sách GLHTCG nói với chúng ta rằng: đau khổ và cái chết là một mầu nhiệm, trí óc con người chỉ hiểu được một phần nào ý nghĩa của nó, chỉ sau khi chết thì tấm màn bí mật mới được vén mở; Chúng ta biết chắc một điều: Thiên Chúa không bao giờ cho phép sự dữ xảy đến, nếu Ngài không dùng quyền năng và tình yêu của Ngài mà rút ra những điều lành cho những kẻ Ngài tuyển chọn.



Thay vì thắc mắc tại sao Chúa lại chọn con đường thập giá, chúng ta hãy tri ân Chúa vì đã yêu thương ta đến tận cùng và hãy gớm ghét tội lỗi vì Chúa đã đổ máu đào để cứu ta thoát khỏi tội. Giáo hội dành tháng 6 và các ngày thứ 6 trong tuần, đặc biệt là thứ 6 đầu tháng để kính Thánh Tâm Chúa; trọng tâm của việc thờ phượng này là để kính nhớ tình yêu Chúa. Một điều đáng tiếc là chúng ta thường lãng quên và không tri ân cho đủ tình yêu vô bờ bến mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Trên bình diện nhân loại, khi một ai đó tin vào tình yêu mình dành cho họ thì đó là một niềm hạnh phúc và an ủi lớn lao, vậy mà nhiều khi chúng ta bỏ Chúa mà đi theo đàng tội, khi chúng ta quá bận rộn việc trần tục mà gạt Chúa ra khỏi cuộc đời, khi nghĩ rằng Chúa chết là việc của Chúa chẳng liên quan gì đến tôi, thì Chúa phải thốt lên: “Ta trách ngươi đã đánh mất tình yêu thuở ban đầu” (Kh 2,4). Thiên Chúa là một Bản Vị, hiện hữu ngay trong cuộc đời ta và giữa trần thế này, Ngài cũng biết buồn và biết ghen khi bị phản bội, biết vui mừng và hân hoan khi con người biết hối cải trở về và biết đáp lại tình yêu của Chúa, khi ta biết chuyện trò thân mật với Ngài.

Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, hai chữ từ bỏ muốn nói rằng : yêu ít hơn. Điều này trở nên dễ hiểu khi liên tưởng đến câu chuyện của Thánh Phê rô. Hai lần Chúa hỏi ông: “Con có yêu Thầy Không? Và một lần Chúa hỏi: con có yêu Thầy hơn những người này không?”. Chúa Giê su yêu Chúa Cha trên hết mọi sự, yêu con người là phụ tùy của tình yêu Cha; đến lượt chúng ta, yêu mến Thiên Chúa, tìm kiếm ý Chúa, tin yêu Chúa Giê su là điều ưu tiên số một, tình yêu đồng loại nằm ở phách yếu và là đòi buộc của điều răn thứ nhất. Điều này làm chúng ta yên tâm khi hiểu được rằng: có những trường hợp chúng ta phải bỏ lại người thân, mạng sống mình, của cải mình, lại đàng sau nếu chúng cản trở ta theo Chúa. Đọc chuyện Thánh Nữ tử đạo Felicita, tử đạo năm 203 ở tuổi 22, chính người cha đã tố giác con mình khi cô muốn trở thành Ki tô hữu. Người bố đưa người con thơ đến lao tù để mong đứa con gái vì động lòng mà chối đạo, nhưng thánh nữ đã chọn cái chết, bỏ lại tất cả vì tình yêu Chúa.

Chúa kể hai câu chuyện, một người xây tháp và một vị vua chuẩn bị đi giao chiến, để nói với chúng ta rằng: khi theo Chúa, đừng ảo tưởng, phải thấy trước điều kiện tiên quyết là phải chọn Chúa trên hết, trong trường hợp có sự giằng co thì phải từ bỏ tất cả, vì tình yêu Chúa và để được nên giống Chúa. Nếu chúng ta hiểu hai ví dụ này theo cách khác một chút thì e rằng hơi nguy hiểm: khi theo đạo, theo một ơn gọi tu trì hay dấn thân nào đó, thì phải lượng sức mình có thể đi cho đến cùng hay không - nếu liệu không đủ tiền xây nhà thì đừng xây. Nếu nghĩ như vậy thì chẳng ai dám dấn thân cả, vì xét cho cùng, tất cả chúng ta, khi cất bước theo Chúa là chấp nhận mạo hiểm: không biết trước tương lai, chỉ biết cậy dựa vào Lời hứa của Chúa ‘Ta ở với con’(Dnl 31,23). Chúng ta liên tưởng đến cuộc đời của Thánh Phao lô và của Thánh Thomas More: các Ngài đã chọn Chúa trên hết, trung thành với giáo huấn của Chúa đến bị lao tù, mất mạng sống, các ngài dâng hiến mạng sống mình trong hân hoan.

Chung quanh chúng ta có biết bao người gặp những thánh giá rất nặng trong tâm hồn và thể xác. Kiếp người với sinh bệnh lão tử. Khi sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng, có một sự giằng co của tham sân si. Những bổn phận hằng ngày để sống cho ra con người tử tế, người hữu ích, người phục vụ… cũng đòi ta phải hy sinh ý riêng. Đó là những gánh nặng cuộc đời, Chúa mời gọi ta bằng lòng với những quà tặng hằng ngày đó, trong tâm tình hiến dâng và đóng góp phần nhỏ bé của mình vào thập giá cứu độ của Chúa: “Ai vui vẻ dâng hiến thì sẽ được Chúa yêu thương”(2Cor 9,7).

 

 

 

 

 

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2022

Phụng sự Chúa trong mọi người

 



Con người thời đại, nhất là giới trẻ, thường có cái nhìn về bản thân con người và xã hội với cái nhìn thuần túy nhân loại, thiếu chiều kích tâm linh và đạo đức. Mạng xã hội mà người trẻ tiếp xúc mỗi ngày củng cố và lan truyền lối suy nghĩ này, khiến cho những kiến thức về đạo đức khó thâm nhập vào tư duy cuả con người thế kỷ 21 này. Xin đan cử một vài luận điệu của người trẻ khi nhìn về cuộc đời.

Người trẻ phân tích: Tại sao ‘một mẹ nuôi được 10 con mà 10 không nuôi được một mẹ?’. Là vì khi người mẹ nuôi đứa trẻ, họ có một niềm hy vọng vì người con lớn dần lên và người mẹ sớm được giải thoát khỏi những chăm sóc nặng nề; trong lúc chăm sóc người cha mẹ già thì không có một hy vọng tiến triển mà ngược lại ngày càng nặng nề hơn. Đó là một quan sát đúng thực tế, nhưng không phải là câu trả lời đầy đủ. Tôi nghĩ : sở dĩ con cái không chăm sóc cha mẹ là vì thiếu lòng đạo đức, đạo đức làm người và làm con Chúa, vì nạnh kẹ nhau và vì ích kỷ. Vấn đề ở đây là thiếu đạo hiếu và thiếu lòng tri ân; thêm vào đó là lỗi luật Chúa : ngươi phải thảo kính cha mẹ. Thực tế thì gánh nặng và sự lo toan của cha mẹ với con cái có khi nào vơi nhẹ đâu, có chăng là thay đổi về cách thức, và có những đứa con tật nguyền thì cha mẹ vẫn kiên trì yêu thương chăm sóc suốt mấy chục năm trời.

Ngại lập gia đình. Người trẻ lan truyền cho nhau những thông tin và luận điệu, những con số thống kê…để cổ vũ nhau: lập gia đình làm gì vì có mấy người chung thủy, vì trách nhiệm, vì mất tự do. Thật khó để nói với người trẻ rằng: để tránh dâm dật thì mỗi người hãy có vợ có chồng (lời Thánh Phao lô), ơn gọi của mỗi người là nên hoàn thiện như Cha trên trời : Thiên Chúa là tình yêu, một tình yêu trao ban và chia sẻ, con người phải có lý tưởng sống liên đới với người khác chứ không chỉ là để kiếm tiền và hưởng thụ, một cuộc sống chỉ quy về mình ; cuộc sống tu trì hoặc hôn nhân có mục đích là tìm một sự nâng đỡ nhau, liên đới và giúp nhau nên hoàn hảo hơn; Sách Sáng Thế nói “Con người ở một mình không tốt”, điều này muốn nói rằng con người phải có một tương giao, bổ túc, liên đới – nếu chỉ khép lại nơi bản thân thì đến một lúc nào đó sẽ cảm thấy cô đơn, thấy cuộc đời minh vô nghĩa và đi đến thất vọng – đến nỗi có nhiều người thừa mứa vật chất mà lại chọn tự tử như con đường giải thoát.



Trong thời đại hôm nay, ma quỷ tấn công vào gia đình, hủy hoại các giá trị của gia đình và xem chừng chúng rất thành công. Gia đình là tế bào căn bản của xã hội và Giáo hội, điều dễ hiểu là khi các tế bào căn bản này biến dạng thì xã hội và Giáo hội sẽ lung lay tận gốc rễ. Chuyện lỗi phạm điều răn thứ 6 với những hình thức biểu lộ và những hệ lụy của nó như dâm dật, ngoại tình, hôn nhân đồng tính, phá thai và ly dị… nay được chia sẻ và truyền bá qua các mạng xã hội. Người trẻ với tâm thức phải cập nhật những điều mới lạ để không bị tụt hậu đã miệt mài tìm hiểu những xu hướng của các cộng đồng mạng, đến nỗi chẳng màng đến những thứ nền tảng khác: sách học làm người, tìm hiểu thêm về giáo lý của đạo như kinh thánh, tu đức… Nếu nói ‘gia đình là một xã hội thu nhỏ, nơi đó có những người già – trẻ em, thanh niên, người khỏe, người bệnh, cha mẹ và con cái, thì cũng không sai. Những người già và các bậc cha mẹ thường cảm thấy khó truyền đạt những giá trị đạo đức cho con cái - là những người trẻ, vì chúng dường như không quan tâm; một khi tâm hồn con cái đã không có những nền tảng tu đức thì cách ứng xử của chúng với các vấn đề thời đại sẽ rập khuôn theo lối ứng xử mà cộng đồng mạng đã nắn đúc nên nhân cách của chúng. Sẽ không lạ gì nếu người trẻ không hiểu người già và người già khó cảm thông với người trẻ: không chịu khó làm việc, không chịu đựng nhau, dễ bỏ nhau, không tôn trọng sự sống và bỏ rơi người cao tuổi…

Tuy khó nói chuyện đạo đức với người trẻ, nhưng cha mẹ là người giáo lý viên đầu tiên để thông truyền những giá trị đạo đức cho con cái mình, trước hết bằng gương sáng – kế đến là lời nói, phải biết tận dụng những cơ hội phù hợp để nói với con – và quan trọng nhất là cầu nguyện cho con cái được biết kính sợ Chúa. Hãy biết răng năng lực của lời cầu nguyện có sức mạnh hơn là của những lời nói.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo 2 đã nói: xây dựng một gia đình hạnh phúc và thánh thiện là một chỉ tiêu lớn trong cuộc đời. Một nhà tu đức nói: Để có một gia đình hạnh phúc có rất nhiều yếu tố, nhưng không thể thiếu sự tri ân và khiêm tốn. Người ta không tri ân nhau là vì nghĩ rằng mình xứng đáng ( mình có tiền nên có quyền, mình có sắc đẹp nên mình có quyền), trong hôn nhân thì không như vậy, bạn cứ ngẫm nghĩ thì sẽ nhận ra rằng mình phải biết ơn người bạn đời vì họ đã trao hiến cả cuộc đời cho mình, để ở bên cạnh mình và chịu đựng mình, chăm sóc mình và động viên mình. Lòng tri ân sẽ giúp mình trở nên khiêm tốn, biết tôn trọng người bạn đời và đáp lại tình yêu đó bằng cách làm đẹp chính mình: làm đẹp bên ngoài và làm đẹp tâm hồn. Một thảm cảnh xảy ra trong nhiều gia đình là thái độ gia trưởng: mọi người phải nghe theo mình và cung phụng mình, nếu không thì đánh đập; đôi khi có những phụ nữ gia trưởng, nhưng đa số trường hợp ở VN – khi nói đến gia trưởng là nói đến người đàn ông, người cha trong gia đình, vợ và con cái là nạn nhân.

Hãy học nơi gia đình Thánh Gia bài học yêu thương, phục vụ, quan tâm, tự hủy và cầu nguyện, để ai nấy hoàn thành sứ mạng của mình trên trần gian.