Danh sách Blog của Tôi

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Lời cầu nơi máng cỏ




Lạy Chúa Giêsu, khi đến trần gian, Chúa đã trở nên một bé thơ yếu đuối, phải cậy dựa vào sự che chở của con người và sự sưởi ấm của chiên bò. Xin dạy chúng con từ bỏ khuynh hướng biểu dương quyền lực và những cách thế muốn chứng tỏ bản thân mình. Chúng con thường nói quá nhiều về mình, về những chuyện bực mình trong quá khứ, là để tỏ cho anh em biết tài năng, đức độ của mình. Trong lúc Chúa là Đấng rất giàu có lại ẩn mình trong vỏ bọc một hài nhi yếu đuối và rất bình thường. Chúa đã sống ẩn dật 30 năm đến nỗi chẳng ai nhận ra sự khác biệt, và khi đi giảng thì chỉ biết nói những lời Cha truyền phải nói. Những phép lạ và việc làm của Chúa chỉ để mạc khải về mầu nhiệm Nước Trời và vì lòng xót thương dân chúng… chứ không phải để khoe khoang bản thân.
Chúa đã trở nên nghèo. Chúng con luôn mơ ước được giàu có, vì sẽ được an toàn, được tôn trọng và được hưởng thụ. Nhưng Chúa thì lại khác, Chúa chọn một dân tộc nhỏ, một gia đình nghèo, sinh ra trong thiếu thốn mọi trợ giúp vật chất, Chúa làm việc chân tay để kiếm sống, Chúa sống phiêu bạt khi đi giảng đạo và Chúa chết thê thảm và trơ trọi quá…Xin dạy chúng con biết ít cậy dựa vào của cải và những giá trị đời nầy để tin tưởng cậy trông nơi Chúa trong mọi việc.

Nơi hang đá Belem, có một sự an bình ngự trị, dù thiếu thốn mọi bề và tương lai còn mù mịt. Sự bình an đó là vì có Chúa Giêsu hiện diện, vì cả Ba Đấng tìm kiếm ý Chúa hơn là thỏa nguyện của riêng mình. Đức Mẹ và Thánh Giuse đã có những dự tính cho đời mình, nhưng khi Chúa tỏ cho biết ý định của Người thì các vị đã vui lòng chấp nhận. Có lẽ nơi Thánh gia thất, không có những tiếng than thở vì trái ý hoặc những lời cau có với nhau. Xin cho chúng con biết thưa ‘Xin Vâng’ như các Đấng trước sự xếp đặt nhiệm mầu của Chúa và mỗi người trong gia đình biết nói nhỏ nhẹ với nhau, không đầu độc bầu khí an bình của gia đình bằng những tiếng than, lời tục tĩu, thiếu từ tâm và thiếu kiên nhẫn. Và có lẽ nơi Thánh Gia, mỗi người đều chăm chỉ làm việc trong tình yêu mến nhau và kết hợp với Thiên Chúa. Ai đó có thể nghĩ rằng cuộc sống Thánh Gia đơn điệu và buồn tẻ nhưng không phải thế, vì khi có Thiên Chúa hiện diện, cuộc đời mỗi người sẽ an bình và tràn đầy niềm vui: sự hài hòa nội tâm với cuộc sống. Đức Phanxicô cũng nói với chúng con về đức tính cần mẫn làm việc, sử dụng  thời gian Chúa ban cho mình để làm việc hữu ích.

Lạy Chúa Hài Nhi, hằng ngày mỗi gia đình chúng con phải chiêm ngắm Lời Chúa để luôn định hướng lại những suy nghĩ và cách sống của mình cho hợp với sự Khôn Ngoan của trời cao. Chúng con luôn bị những ‘đam mê của con mắt, đam mê của xác thịt và lòng kiêu hãnh về của cải’ quyến rũ đến quên mất lối về. Tựa như một thai nhi cứ thích ở mãi trong bụng mẹ để được yên ổn và ấm áp, vì không biết được sự phong phú bội phần khi được sinh làm người. Chúng con cũng vậy, dù biết mình đang là khách lữ hành về quê trời, nhưng nhiều khi vẫn mơ ước nán lại trần gian càng lâu càng tốt, càng thỏa mãn đam mê xác thịt và có nhiều của cải thì càng sướng. Lời Thánh Gioan rất phù hợp trong những chọn lựa cuộc sống: “Thế gian đang qua đi cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi”.

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Thân phận con người




Dựa vào Thánh Kinh, ta biết được thân phận con người là từ bụi đất và sẽ trở về cát bụi, nhưng trong con mắt của Chúa mỗi người lại có một giá trị lớn lao như lời Thánh Vịnh đã thốt lên:
“Lạy CHÚA, con người có là chi, mà Chúa cần biết đến?
Phàm nhân đáng là gì, mà Chúa phải lưu tâm?
So với thiên thần Người không để thua là mấy,
ban vinh dự huy hoàng làm mũ triều thiên,
kiệt tác của Ngài cho làm bá chủ” (Tv 144,3)

Thiên Chúa có chương trình cho mỗi người. Đường lối Chúa siêu việt trên tính toán con người, chương trình của Chúa trải dài tận cõi vĩnh cửu, trọng tâm là vì phần rỗi con người. Hành động của Chúa nhiều khi thật khó hiểu và khó chấp nhận đối với con người, nhất là khi con người trải qua thử thách hoặc khi đứng trước sự hoành hành của sự dữ. Nhưng hãy biết rằng Thiên Chúa chúng ta thờ là Thiên Chúa mạnh nhất, là Đấng quyền năng. Ngài cũng là Đấng nhân hậu, còn tốt hơn cha mẹ chúng ta bội phần, Người không ngủ quên mà là luôn đồng hành với mỗi người. Người không mệt mỏi để tha thứ. Người cũng khổ sở khi ta  không cảm thấy hạnh phúc… và rồi Chúa sẽ kíp ra tay để trợ giúp con cái mình.

Cuộc sống con người được ví như áng mây trôi ngang qua bầu trời và tan biến ở cuối chân trời. Con người xuất hiện trong giây lát, nói năng hành động, vùng vẫy và sau đó đi vào cõi ngàn thu yên lặng. Một khi đã hóa thành kiếp người, hạt bụi sẽ tồn tại đến vĩnh cửu trong chương trình kỳ diệu của Thiên Chúa. Áng mây dù tan biến ở cuối chân trời, nó vẫn luôn tồn tại trong một hình hài và trạng thái khác: “Quả thế, trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời” (Mt 22,30). Công ơn cứu Chuộc mà Chúa Giêsu thực hiện cho con người thật vô giá, vì nó mở ra một tương lai sán lạn cho kiếp người, ban lại cho họ quyền làm con Thiên Chúa, được chung hưởng hạnh phúc thiên đàng mãi mãi.

Tôn giáo không phải là thuốc phiện ru ngủ con người trước những thực tại phũ phàng cuộc đời. Nhờ có lý trí, con người biết đặt ra những câu hỏi: “con người bởi đâu mà có và sẽ đi về đâu?” Ánh sáng của lý trí phần nào đó giúp họ nhận ra trật tự hài hòa trong vạn vật và họ thoáng nhận ra một Đấng Tạo Thành, nhưng chỉ với mạc khải của Kinh Thánh, con người mới nhận ra rõ ràng những chân lý cứu độ: mục đích của việc tạo dựng, sự sa ngã của con người, mầu nhiệm cứu độ của Chúa Giêsu, thực tại sau cái chết và sự sống đời sau.
Ngoài những mạc khải về chân lý giúp soi sáng phần nào cho lý trí, Kinh Thánh còn cung cấp cho ta những mẫu gương sống cụ thể của những người lành thánh, đáng kể nhất là mẫu gương của Thánh Gia Thất, của Abraham và các tổ phụ, các Thánh Tông Đồ, các Thánh Tử Đạo và đông đảo các vị Thánh khác. Các Ngài đã khiêm tốn chấp nhận kế hoạch của Thiên Chúa can thiệp trên những dự tính cuộc đời của chính mình, đến nỗi bằng lòng chịu thiệt thòi đủ cách. Hãy học với Mẹ Maria những nhân đức khiêm tốn, phó thác và vâng phục Thánh ý Thiên Chúa, và luôn cầu xin với mẹ qua kinh mân côi để được nên giống như Mẹ... buông mình vào khung trời bao la của tình thương Thiên Chúa.

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Quà tặng




Mùa noel về và năm mới đến là dịp để người người mua sắm và tặng quà. Đối với người Kitô hữu, món  quà tuyệt hảo mà họ nhận được là ‘Tình Yêu Thiên Chúa Nhập Thể Làm Người’. Món quà đó lớn vượt quá tầm trí hèn mọn của con người, cũng may còn có Thánh sử Gioan diễn tả bằng những lời rất cao siêu:  
           “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời
            Ngôi Lời vẫn ở nơi Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
            Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và đã cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,1.14).
Quả thực, mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người rất vĩ đại đến nỗi biến cố đó đã trở thành mốc lịch sử cho năm dương lịch và biến cố đó cũng chia đôi lịch sử cứu độ ra làm hai phần: công trình tạo dựng thuở ban đầu và sự tái tạo của công trình đó. Phần trước là sự phát triển của tự thân con người, nhưng phần sau là có sự xuất hiện của Thiên Chúa cùng đồng hành với con người. Khi suy niệm về sự kỳ diệu của mầu nhiệm nhập thể cứu chuộc, các Thánh Giáo Phụ đã ví von một cách bóng bẩy: “Lạy Chúa, công trình tạo dựng thuở ban đầu thật là tuyệt diệu, nhưng sự tái tạo công trình đó qua Đức Giêsu còn kỳ diệu hơn bội phần” . Thánh Augustinô còn ca tụng tội nguyên tổ là tội ‘hồng phúc’ vì nhờ đó mà Thiên Chúa đã ban cho ta Đấng Cứu Chuộc.
Nếu ai đó trong người thân của ta bị một căn bệnh hiểm nghèo chắc chắn phải lìa thế khi tuổi đời còn trẻ và tương lai còn tươi sáng thì ta mới thấy cái giá của hai chữ ‘hy sinh’, dẫu biết rằng Thiên Chúa muốn đưa ai đi trước là tùy ý Ngài. Khi Chúa thử thách lòng tin của ông Abraham ‘sát tế đứa con một duy nhất’ cho Chúa, ta thoáng thấy sự tàn nhẫn của Chúa trước hoàn cảnh con người, xem ra Chúa không có lòng xót thương. Nhưng không phải thế, Thiên Chúa đã can thiệp đúng lúc và nói với ông Abraham: Dừng tay lại, đừng giết con trẻ, ta biết lòng ngươi kính sợ Chúa đến nỗi không tiếc cả người con một của mình.

Quả đúng như vậy, Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban cho ta người Con Một duy nhất, và Ngài biết rõ số phận của Người Con ấy sẽ phải trải qua sự từ chối của nhân loại: họ sẽ treo Ngài lên thập tự! Thế nhưng, vì vâng lời Cha, Người Con ấy đã nhập thể làm người và sống trọn kiếp người như kế hoạch Chúa Cha: Ta không tự mình làm gì hay nói gì, mọi sự là để làm trọn ý Cha. Tình yêu của Thiên Chúa còn bao la hơn nữa khi đã âm thầm chuẩn bị hàng ngàn năm cho sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, chúng ta có thể đọc thấy những chi tiết đó trong các sách Cựu Ước, như sách Isaia và Mikha. Thiên Chúa quả là nhân từ, Người hành động như thế là vì không có cách nào khác tốt đẹp hơn.

Đến viếng hang đá, chúng ta tạ ơn và thờ lạy hài nhi Giêsu, chúng ta vui mừng vì từ nay có Thiên Chúa đồng hành trong cuộc sống, chúng ta bắt chước thái độ khiêm tốn vâng theo ý Chúa và chuyên chăm cầu nguyện của Mẹ Maria và Thánh Giuse, chúng ta chiêm ngắm sự nghèo khó nơi hang đá để hiểu được sự không cậy dựa vào của cải thật là cần thiết để làm tôi Thiên Chúa. Hãy thể hiện niềm vui vì được Thiên Chúa ở cùng và hãy thể hiện sự trao ban thời gian cùng sự hiện diện với tha nhân để giúp họ nên vui hơn và tốt hơn.Con Thiên Chúa đã quan tâm đến vận mạng loài người và từng người, vậy hằng ngày ta hãy tập quan tâm đến những người trong gia đình và trong lối xóm bằng cách giúp đỡ họ điều gì đó thật cụ thể.

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Những nhận định về cuộc sống




Cuộc sống là một dòng chảy trải dài qua những trạng huống sinh lão bệnh tử và có sự chung đụng với những dòng chảy khác. Cuộc sống luôn là một dạng ‘động’ chứ không phải là ‘tĩnh’: có những điều hôm nay ta xác tín nhưng ngày mai suy nghĩ của ta lại có đôi chút thay đổi khi va chạm với một tình huống mới hoặc khi gặp gỡ một luồng tư tưởng mới. Có những điều thỉnh thoảng ta phải định nghĩa lại, như ‘hạnh phúc là gì, những tiêu chuẩn để đánh giá một con người’. Đây không phải là những suy nghĩ viễn vông vô bổ, vì chính tư tưởng dẫn dắt hành động, nghĩ thế nào người ta sẽ sống thể ấy.

Hạnh phúc là gì? Có người định nghĩa: hạnh phúc là thành công, toại nguyện, thỏa mãn mọi nhu cầu. Tôi nghĩ ‘hạnh phúc là sự hòa hợp bản thân với cuộc sống, người hạnh phúc không phải là người có những thứ mình muốn, nhưng là biết sử dụng những thứ mình có một cách tốt nhất’. Ở đây có yếu tố ‘chấp nhận, bằng lòng với những gì mình có’, nghĩa là có sự can thiệp của niềm tin: tin rằng Thiên Chúa quyền năng và nhân lành đã dự liệu những điều tốt đẹp nhất cho tôi, nhất là cho phần rỗi tôi; ‘chấp nhận thánh ý Chúa’ là con đường nên thánh của người Kitô hữu. Nếu hiểu được như vậy thì ta có thể hạnh phúc ngay trong thất bại và bệnh tật, sống ngày nào là hạnh phúc ngày ấy và sẵn sàng ra đi khi Thiên Chúa gọi mời. Nếu tâm hồn ta có sự hòa hợp thì đời sống chung với cộng đoàn hay trong gia đình mới hạnh phúc, và sẽ chiếu tỏa niềm vui của một người con cái Chúa.

Thành công là gì, đâu là tiêu chuẩn để đánh giá một con người? Có nhiều người nghĩ rằng ‘ai đó không phải làm việc, cứ việc nghỉ ngơi giải trí cả ngày’ là sướng. Có kẻ lại cho rằng một người sống an nhàn, giao du rộng rãi, hài hòa với mọi người – không mất lòng ai… là thành công. Tôi đánh giá cao một người kiên trì phục vụ tha nhân cách khiêm tốn, người đó không khoác lác và tôi nghĩ người thành công là người sống có lý tưởng, có lập trường sống, là người biết sử dụng những nén bạc Chúa trao để phục vụ Giáo hội và xã hội.
Là người Kitô hữu, ta phải đọc lại câu đầu tiên của sách giáo lý Địa Phận Vinh: Hỏi người ta sống ở đời để làm gì? – Thưa người ta sống ở đời để nhận biết, yêu mến và thờ phượng Đức Chúa Trời ở đời nầy, cho ngày sau được lên thiên đàng hưởng mặt Đức Chúa Trời. Đức Phanxicô đã nhiều lần nói với chúng ta: Đừng tìm niềm vui nơi sự thành công, nơi việc mua sắm, nơi ma túy và tình dục lăng loàn… mà hãy tìm niềm vui nơi sự chiếm hữu Thiên Chúa. Đôi lúc ta thấy rằng những danh hiệu người đời ban tặng cho nhau trong nhiều lãnh vực cũng chỉ là 'trò hề' và hão huyền. Có người đề cao một lối sống năng động của một cá nhân nào đó, nhưng tựu trung cũng chỉ là hưởng thụ và giết thời gian.

Chúa dạy ta đừng phê phán và lên án tha nhân… nhưng ta cũng phải để mắt kiếm người hiền để học hỏi và vươn tới. Một cá nhân thánh thiện sẽ lôi kéo nhiều cá nhân khác tiến lên, cha mẹ thánh thiện sẽ là gương sáng cho con cái sống đạo đức. Một gia đình đạo hạnh và giáo dục con cái tốt sẽ là điểm son cho nhiều gia đình noi theo. Những người khiêm tốn phục vụ cách kiên nhẫn sẽ như muối ướp mặn một giáo hội địa phương, khơi dậy tinh thần dấn thân nơi nhiều cá nhân khác. Những người trí thức và doanh nhân thành đạt mà còn biết hằng ngày đến tụ họp ca tụng Chúa thật là một gương sáng thật đẹp! Một cuộc đời tìm kiếm thánh ý Chúa, chu toàn bổn phận hằng ngày, dấn thân phục vụ tha nhân và khao khát nên trọn lành phải là định hướng đúng của một người con cái Chúa.

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Sống tích cực (2)





Đức Phanxicô đã có những cử chỉ gây ấn tượng mạnh cho thế giới như: việc ngài cúi đầu xin các tín hữu cầu nguyện cho mình trong lần xuất hiện đầu tiên sau khi được bầu làm Giáo hoàng, việc ngài rửa và hôn chân các tù nhân vào thứ Năm Tuần Thánh vừa rồi, việc ngài tự xách hành lý lên máy bay trong chuyến tông du Đại hội giới trẻ ở Brasil, và mới đây ngài ôm hôn khuôn mặt của một người bị bệnh u sợi thần kinh. Tôi muốn nói về hình ảnh ngài tự xách lấy hành lý của mình lên máy bay như một gợi hứng cho một thái độ tích cực trong cuộc sống.
Quả thực, đức Phanxicô càng ngày càng được nhân loại yêu mến, kể cả những người ngoài Kitô giáo. Ở nơi ngài, ta đọc được một sự khiêm nhường không muốn hưởng một sự ưu đãi nào về nơi ăn chốn ở và xe cộ, giống như Thánh Phaolô vẫn dệt lều vải khi bôn ba rao giảng Tin Mừng để không muốn trở thành gánh nặng cho ai. Tự tay mình làm những việc có thể làm, đó là một thái độ tích cực trong cuộc sống.
Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều khi ta muốn xã hội thay đổi nhưng chính mình lại không muốn ‘nhấc tay động chân’, vì muốn chọn ‘việc nhẹ nhàng’. Ai cũng biết ‘nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm’ nhưng việc lau nhà rửa chén không phải là việc của tôi. Ai cũng muốn là người ra lệnh mà không muốn trở nên người thi hành. Trong lúc Chúa Giêsu lại dạy: “Ai muốn làm lớn thì hãy là người phục vụ”. Ta vẫn khó chịu khi thấy người ta xả rác bừa bãi, nhưng hãy xét lại: có thể tôi không xả rác nhưng tôi đã dọn rác cho môi trường bớt ô nhiễm chưa? Tôi không ‘bép xép’ nhưng tôi có biết lái đề tài câu chuyện ‘ngồi lê đôi mách’ sang một hướng tích cực chưa, hay tôi cũng khoái nghe?
Câu chuyện 10 người phong cùi được chữa lành mà chỉ có một người ngoại giáo quay trở lại tôn vinh Thiên Chúa nói với chúng ta vài điều. Chín người Do Thái không quay trở lại vì họ nghĩ rằng họ đáng được như vậy vì họ là dân riêng, họ không cần phải tạ ơn vì đó là chuyện bình thường. Có chuyện kể rằng: Một chiếc xe Bus đã chật cứng người, một cụ già bước lên xe nhưng không còn chỗ. Một em nhỏ thấy vậy nên đã nhường chỗ cho cụ. Cụ già vui vẻ ngồi xuống ghế vì nghĩ rằng mình đáng được như vậy, chẳng biết cám ơn em nhỏ. Em nhỏ có nhân cách lớn còn cụ già cần phải học thêm để trưởng thành về nhân cách. Là những người cha mẹ, ta cứ nghĩ rằng con cái chào hỏi và cám ơn mình là điều đương nhiên, nhưng đúng ra mình cũng phải biết đáp lại lời chào hỏi đó và cũng nợ con cái lời cám ơn khi chúng làm điều gì đó cho mình, vì đó là cách giáo dục con cái. Người ta ca tụng nền giáo dục Tây phương vì đã tạo ra những con người biết cám ơn nhau về mọi điều trong cuộc sống, kể cả với những người làm cho mình bực bội, khi người kia biết nở một nụ cười và xin lỗi (nụ cười đó sẽ giúp mình đáp lại bằng một nụ cười và lòng tha thứ). Nhiều bài báo phân tích cách ứng xử của xã hội Việt Nam cho biết: người ta dễ nổi nóng và cư xử thô lỗ với nhau chỉ vì một va chạm nhỏ trong giao thông hoặc trong đời sống… vì thiếu lòng thương cảm và biết ơn. Như vậy, xét theo một khía cạnh nào đó, người ta mang tính ‘vật’ nhiều hơn tính ‘người’ khi cắn xé nhau bằng bạo lực hay bằng lời nói về những việc không đáng. 

Đức Phanxicô cảnh giác chúng ta về một lối sống khép kín trong cộng đoàn của mình, trong nhóm và gia đình mình, trong chính nội tâm của mình; phải biết mở rộng cõi lòng để có sự liên đới với các cộng đoàn và gia đình khác, vì không ai nên thánh một mình. Trong giáo dục và trong phong trào Công Giáo Tiến Hành, người ta luôn khuyến khích việc làm việc nhóm. Một người có đầu óc thông minh mà không có khả năng cộng tác với nhiều người thì thành quả của người đó không thể tiến xa. Chúng ta thấy điều đó nơi các công trình nghiên cứu văn học, y khoa và các tập đoàn sản xuất. Khi ai đó thấy một điều tốt cho nhiều người, họ phải nêu lên vấn đề cho nhiều người biết để cùng bàn bạc và hành động thì mới có hiệu quả lớn; còn nếu người đó chỉ âm thầm làm việc tốt đó thì hiệu quả sẽ rất hạn chế.

Noi gương đức Phanxicô, bạn và tôi hãy vác lấy thập giá đời mình để đừng nên gánh nặng cho ai. Đừng than thân trách phận nhưng hãy sống đạo với niềm hân hoan vui vẻ, vì Chúa đã cho mình làm người và được hưởng những gì ta đang có. Đừng chất gánh nặng cho anh em bằng những chuyện ngồi lê đôi mách, những chuyện dâm ô tục tĩu và những chuyện gây vấp ngã. Hãy trở thành những nhân tố tích cực xây dựng xã hội mình đang sống, lãnh vực tinh thần cũng như vật chất. Ngay trong gia đình, mỗi ngày hãy biết nói lời cám ơn và xin lỗi chính vợ con mình với sự chân tình của những người ruột thịt.

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

Tạm biệt năm Đức Tin





Giáo hội đang sống trong tuần lễ cuối cùng của năm Đức tin và sẽ long trọng kết thúc vào chủ nhật tuần 33 TN. Riêng Giáo hội Việt Nam sẽ mừng trọng thể Lễ CTTĐVN và lễ bế mạc năm Đức Tin chung với nhau, điều nầy có một ý nghĩa đặc biệt vì CTTĐVN đã anh dũng đổ máu đào để minh chứng niềm tin của mình vào Đức Kitô, chọn Chúa là trung tâm đời mình và là gia nghiệp cao quý bội phần hơn chính mạng sống của mình.
Kết thúc năm đức tin là một biến cố gợi cho ta nhiều suy nghĩ: Tôi đã làm được gì trong năm Đức Tin, đời sống đạo của tôi và của cộng đoàn có điều gì khởi sắc không? Có lẽ không được mấy người bằng lòng với chính mình và về những thành quả tốt đẹp của cuộc sống của mình: đào sâu giáo lý, kết hợp thân tình với Thiên Chúa, thể hiện đức tin trong cuộc sống hằng ngày, nói về Chúa cho người khác – nhất là người ngoài Kitô giáo.
Quả thật, theo một đánh giá: tỷ lệ người theo đạo ở Việt Nam không thay đổi từ trên 100 năm qua. Một công ty giới thiệu sản phẩm từ hơn 400 năm nay mà tỷ lệ người mua không tăng thì công ty đó được kể là thất bại.
Có chuyện kể rằng: Có một người  công giáo muốn nói về Chúa cho một người hàng xóm là người ngoại, nhưng vì kiến thức về đạo có hạn nên mãi mà anh chưa mở lời được, một hôm anh nghĩ ra một cách là gửi cuốn sách Phúc Âm cho người hàng xóm qua đường bưu điện. Anh ta hồi hộp theo dõi diễn biến cuộc đời người kia có thay đổi sau khi được tiếp xúc với giáo lý của Chúa chăng? Nhưng thật là thất vọng vì vài ngày sau anh thấy người hàng xóm vứt sách Phúc Âm vào sọt rác trước nhà. Sau khi nén giận, người có đạo đã hỏi thẳng người hàng xóm lý do anh ta vứt sách thì được trả lời: “Tôi đã đọc sách đó hằng ngày qua cuộc sống của anh từ lâu rồi”.
Thực tế, đời sống đạo của nhiều người có đạo chưa tốt – chưa phản ảnh đạo yêu nhau: vẫn vứt rác bừa bãi – kể cả rác thủy tinh và nước thải công nghiệp, lợi nhuận làm mờ con mắt đức tin (biết bao chủ doanh nghiệp là người có đạo), gia đình lục đục vì không lo làm ăn – nhậu, đánh bạc, quan hệ lăng nhăng, bạo hành gia đình. Khi trông thấy các kitô hữu tiên khởi, các người ngoại giáo nói: “Mà những người này yêu nhau biết chừng nào! Họ không ghét nhau, không bép xép người này chống người kia”. Có nhiều người vẫn rước lễ hằng ngày, nhưng đã không xưng tội 5-7 năm nay, họ nói: “mình chẳng có tội gì cả”. Có một thực trạng đang xảy ra trong nhiều giáo xứ là mọi người đi lễ đều rước lễ hết, nhưng cả cha xứ và giáo dân đều rất ngại đến tòa giải tội… đó là một điều đáng báo động rằng “người ta đã mất cảm thức về tội” (Gioan-Phaolô 2)

Lời của TGM Amel Shamon Nona ở Irắc nói với các Giáo hội được yên ổn như chúng ta (7.10.2013): “Ở Tây phương, các bạn được hưởng bầu khí tự do vì các Kitô hữu không bị bách hại: Bởi vì họ (những người bị bách hại) không có tự do, các bạn phải sống trọn ý nghĩa của tự do; bởi vì họ không thể biểu lộ niềm tin cách công khai, các bạn phải thể hiện chứng tá niềm tin cách công khai trong xã hội các bạn đang sống; bởi vì những phụ nữ của đất nước chúng tôi không thể yên tâm khi ra khỏi nhà thì các phụ nữ Tây phương hãy làm chứng về sự tự do đích thực của người Kitô hữu. Và ĐTGM kết luận: Thánh Phaolô đã nói “ở đâu tội lỗi đầy tràn, ở đó ân sủng càng chan chứa” (Rm 5,20); cùng với Ngài, chúng tôi cũng có thể nói “ở đâu có sự bách hại thì ở đó cũng có ân sủng kiên vững trong niềm tin và nẩy sinh sự cứu rỗi”.

Đức Tin vào Đức Kitô phải là điều cốt yếu trong cuộc đời của mỗi Kitô hữu. Không phải chỉ trong năm Đức Tin chúng ta mới đào sâu và nhấn mạnh, nhưng mỗi người phải củng cố niềm tin của mình suốt cả cuộc đời. Đức tin là một hồng ân nhưng không mà ta luôn phải nài xin cho mình và cho anh em. Đức tin đó còn phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, trở nên muối men cho xã hội mình sống. Theo nhiều thống kê cho biết: thời đại ngày nay số người bị bách hại vì niềm tin lớn hơn bao giờ hết, mỗi năm trên 100.000 người, không chỉ là đổ máu mà còn là kỳ thị đủ cách. Sống chứng tá phúc âm, thể hiện tình bác ái, trở nên muối men cho đời…cũng là tử đạo hằng ngày rồi vậy.

Lời Đức Phanxicô: Đừng chôn vùi nén bạc Chúa trao xuống đất hay trong két sắt, đừng huênh hoang với những đặc sủng Chúa ban, mà hãy đem ra phục vụ cộng đoàn. Hãy sống đạo trong niềm vui, tâm tình ca ngợi và phục vụ. Một Giáo hội buồn không thể truyền giáo được. Nếu muối nhạt và men ‘thỏa hiệp’ thì chỉ còn vứt đi mà thôi.

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Phúc âm hóa gia đình




Chủ đề sống đạo được Giáo hội hoàn vũ hoặc Giáo hội địa phương đưa ra hằng năm là để đào sâu một khía cạnh nào đó trong kho tàng giáo lý của mình, hầu giúp nâng cao đời sống đạo của con cái mình. Có vài chủ đề rất quan trọng thường xuyên được nhấn mạnh là Thánh Thể và gia đình. Năm 2014 Giáo hội Việt Nam đưa ra cho cộng đồng dân Chúa chủ đề sống đạo: “Phúc âm hóa đời sống gia đình”. Với ý nghĩa là gia đình Kitô hữu phải được Phúc Âm Chúa Kitô biến đổi, phải là một tổ ấm yêu thương, là nơi cầu nguyện, là nơi đào luyện niềm tin cho nhau và là nơi các thành viên chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm gặp gỡ Chúa. Để mỗi thành viên ra đi khỏi nhà mình truyền bá tin vui cứu độ cho anh em mình (Giáo xứ, xã hội).
Trong Chúa nhật vừa qua 27.10.2013, Đức Phanxicô nói chuyện với các gia đình.Trong bài giảng Thánh Lễ, ĐTC đã dựa vào các bài đọc để rút ra những bài học thực tế cho đời sống gia đình, đó là gia đình cầu nguyện, gia đình bảo tồn đức tin và gia đình sống niềm vui. 

[Gia đình cầu nguyện. Nhiều người xem việc cầu nguyện là việc cá nhân,  người khác lại cho rằng không có thời giờ. Đúng thế, nhưng vấn đề ở đây là khiêm tốn, nhìn nhận rằng chúng ta cần Thiên Chúa, giống như người thu thuế và cần có sự đơn sơ! Cùng nhau đọc kinh “Lạy Cha” quanh bàn ăn, ta có thể làm được. Và cầu nguyện chung với kinh Mân Côi trong gia đình, đó là điều thật đẹp và mang lại bao nhiêu sức mạnh! Và cầu nguyện cho nhau! Chồng cầu cho vợ, vợ cầu cho chồng, cả hai cầu cho con cái, và con cái cầu cho cha mẹ, ông bà. Cầu nguyện cho nhau, đó là cầu nguyện trong gia đình, và điều làm cho gia đình mạnh mẽ chính là lời cầu nguyện.

Bài đọc thứ hai gợi cho chúng ta một điểm khác nữa: gia đình gìn giữ đức tin. Thánh Phaolô Tông Đồ, vào cuối đời, đã làm một bản kết toán cơ bản: “Tôi đã bảo tồn đức tin” (2 Tm 4,7). Nhưng làm sao bảo tồn đức tin? Không phải trong một tủ sắt! Không phải chôn vùi đức tin dưới đất, như người đầy tớ lười biếng. Phải chăng chúng ta giữ đức tin cho mình, trong gia đình chúng ta, như một tư sản, hay chúng ta biết chia sẻ đức tin bằng chứng tá, bằng sự tiếp đón, cởi mở đối với tha nhân? Các gia đình Kitô là những gia đình thừa sai, trong đời sống hằng ngày, làm những công việc hằng ngày, đặt muối và men đức tin trong mọi sự!

Hỡi các gia đình thân mến, anh chị em biết rõ điều này: niềm vui chân thực mà ta nếm hưởng trong gia đình không phải là một cái gì hời hợt, không đến từ sự vật, từ những hoàn cảnh thuận tiện. Thiên Chúa là nguồn mạch vui mừng và an bình. Chỉ mình Thiên Chúa biết kiến tạo sự hòa hợp giữa những khác biệt. Nếu thiếu tình thương của Thiên Chúa, thì cả gia đình cũng mất đi sự hòa hợp, và thái độ duy cá nhân chủ nghĩa sẽ trổi vượt, và niềm vui bị tắt lịm. Trái lại, gia đình nào sống niềm vui đức tin thì tự nhiên cũng thông truyền niềm vui đó, là muối đất và là ánh sáng thế gian, là men cho xã hội].


Căn bệnh ung thư luôn làm cho mọi người sợ hãi. Ung thư (cancer) là tên dùng chung để mô tả một nhóm các bệnh phản ảnh những sự thay đổi về sinh sản, tăng trưởng và chức năng của tế bào. Các tế bào bình thường trở nên bất thường (đột biến) và tăng sinh một cách không kiểm soát, xâm lấn các mô ở gần (xâm lấn cục bộ) hay ở xa (di căn) qua hệ thống bạch huyết hay mạch máu (internet). Có một câu định nghĩa rất hay về gia đình: “Gia đình là tế bào căn bản của xã hội và Giáo hội”. Hơn bao giờ hết, thời đại chúng ta phải chứng kiến sự thất bại của biết bao gia đình. Biết bao nhiêu hội nghị và thông điệp về gia đình đã được công bố qua các thời đại, điều đó cho thấy sự quan trọng của tế bào căn bản nầy. Vậy mà trong thực tế, nhiều xã hội dân sự đã chạy theo thị hiếu của một số người để chống lại những giá trị căn bản của gia đình: chung thủy, đơn nhất, kết hợp một nam một nữ, sinh dưỡng và giáo dục con cái. Thật là thảm hại cho con người thời đại khi họ chạy theo lối sống hưởng thụ và tiền bạc mà coi thường tình nghĩa vợ chồng, người mà mình đã thề hứa ‘nên một xương một thịt cho đến đầu bạc răng long’.
Mới đây, Đức Phanxicô nói với chúng ta một điều quan trọng là đừng làm mất cân bằng trong cách đề cập đến các vấn đề: “Nếu một linh mục nói tới hôn nhân đồng tính nhiều mà ít khi đề cập đến sự thánh thiêng của hôn nhân Kitô giáo thì đó là một sự mất cân đối”. Hãy để ý đến những đề tài chúng ta thông tin cho các thành viên trong gia đình: cố gắng đề cao điều cao đẹp thì tốt hơn là nói nhiều về những điều xấu xa của cuộc sống. Chúng ta không trốn chạy thực tế cuộc sống, nhưng cũng cần phải cảnh giác những con số thống kê về các vấn đề xã hội, nhiều khi những con số chỉ là những đòn ‘tung hỏa mù’ của ma quỷ. Đức Phanxicô còn nói: đời sống gia đình phải biết sử dụng 3 từ “Xin vui lòng, cám ơn và xin lỗi”; ngài còn nói thêm: cuộc sống gia đình không tránh khỏi những va chạm, nếu cần thì bát đĩa cứ bay, nhưng đừng giữ cơn giận với nhau khi mặt trời đã lặn.
 
Đức Gioan Phaolô 2 nói một câu bất hủ về gia đình: “Xây dựng một gia đình thánh phải là một chỉ tiêu lớn trong cuộc đời các con”. Đúng vậy, chỉ tiêu nầy lớn, vì nó đem lại lợi nhuận cho cả đời nầy và đời sau. Để hoàn thành chỉ tiêu nầy, mỗi thành viên trong gia đình phải góp công sức của mình vào mới được!

 

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Xin xót thương con là kẻ có tội




Khi đọc bài Tin Mừng nói về sự khiêm tốn của người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện, ta dễ liên tưởng đến vị đương kim Giáo hoàng của chúng ta. Một phong cách sống của đức Giáo hoàng Phanxicô được truyền tụng từ người nầy qua người kia tạo nên một luồng khí mới trong đời sống đạo của các Kitô hữu. Người ta khuyến khích nhau: “Hãy học phong cách Phanxicô”. Đó là một lối sống đơn giản và khiêm tốn, gần gũi người nghèo và người bình dân, sống đạo với niềm vui … Ngài thích người ta gọi mình một cách đơn giản là ‘cha’.

Giây phút đầu tiên được tiếp xúc với dân chúng, cha đã cúi đầu trong khoảng 30 giây để xin cộng đoàn tín hữu đang tụ họp ở quảng trường Roma cầu nguyện cho mình, sau đó cha mới ban phép lành cho mọi người, như vậy cha nhận ra thân phận hèn mọn của mình. Ai cũng hồi hộp chờ nghe những lời đầu tiên từ miệng cha nói ra để đoán xem đường lối hành động của thế giới và của Giáo hội sẽ chiều theo hướng nào, vậy mà cha chỉ nói những lời rất bình thường như một người cha nói chuyện với con cái mình.
Quả thật, nhiều người đã có phần nào hụt hẫng vì cách nói chuyện của cha không mang vẻ ‘trí thức’ nhiều như các vị tiền nhiệm…nhưng rồi sự hấp dẫn của cha càng ngày càng lớn dần khi những câu chuyện cha trao đổi với dân chúng đượm nét bình dân rất gần gũi cuộc sống của mọi người: Đừng nói xấu nhau, đừng khoác lác, đừng tìm niềm vui nơi của cải và thành công mà phải là nơi sự tin tưởng vào Thiên Chúa. Sự hụt hẫng ban đầu dần nhường chỗ cho sự cảm phục: cha cũng có bằng Tiến sĩ Thần học và là giáo sư Thần học, nhưng cha có biệt tài nói với công chúng như đang dạy giáo lý. Quảng trường Roma từ những ngày đầu tháng 3 cho đến nay luôn đầy ắp người với những con số kỷ lục… điều đó đã cho thấy sự thánh thiện của cha đã lôi cuốn nhiều người tìm về chân lý.

Câu chuyện ấn tượng nhất mà cha đã thực hiện có thể nói là việc cha cử hành Thánh lễ Tiệc Ly tại nhà tù. Nơi đó cha đã rửa chân và hôn chân cho các phạm nhân. Cả thế giới sững sờ vì sự khiêm tốn của cha, dù biết trước đó cha đã từng làm như vậy ở Argentina. Đi bất cứ nơi đâu và trong những buổi gặp gỡ hàng tuần, cha đều ôm hôn trẻ em và gặp gỡ người tàn tật để khích lệ họ. Điều đó có vẻ bình thường nhưng không dễ làm với chúng con. Nhiều người đã hôn tay cha, nhưng cha cũng đã từng hôn tay đức hồng y JB. Phạm Minh Mẫn của chúng con đến hai lần rồi đó, thật là cảm động.
Sống đơn giản và khiêm tốn là phong cách của cha. Hiện nay cha vẫn ở nhà trọ Marta, không quan trọng việc ăn uống, cha gần gũi những người bình dân: gọi điện cho bà con bạn bè để thăm hỏi và khuyến khích, cha thường đi xe công cộng, cha nhận mình là tội nhân và luôn xin mọi người cầu nguyện cho mình. Cha nói với giáo dân rằng : “mọi người đều bình đẳng trước mặt Chúa, từ giáo hoàng cho đến một người tàn tật và trẻ em”. Cha nói một cách chân thành rằng: “Ngồi lê đôi mách, khoác lác, nói xấu bề trên là những tội phổ biến, cha cũng từng lỗi phạm, các con hãy cầu nguyện nhiều cho cha”. Những lời đó thật tương ứng với lời cầu nguyện của người thu thuế: “Xin thương xót con là kẻ có tội”. Anh ta ra về và được nên công chính. (Lc 18,13-14)

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Những giờ kinh




Chiều hôm qua trời mưa lớn nên Thánh lễ chiều chỉ có khoảng 50 người dâng lễ và chỉ những người nầy biết tin “sang ngày mai không có lễ, vì cha đi vắng”. Bởi vậy sáng nay từ khoảng 4g30 trở đi có nhiều người vẫn đến nhà thờ như thường lệ. Có kẻ ra về, nhưng có những người khác tụ tập lại nói chuyện râm ran một lát và họ tổ chức một giờ kinh sáng ngay tại tượng đài Đức Mẹ. Đó là chuyện ở giáo xứ tôi.
Tôi chỉ là người quan sát từ xa và lấy làm cảm kích vì sáng kiến đạo đức đột xuất nầy. Chắc chắn có ai đó là người khởi xướng và được sự đồng tình của nhiều người, nên họ đã có những giây phút được thưa chuyện với Chúa và Mẹ… họ ra về trong niềm hân hoan vui vẻ.Tôi nhớ đến những tình huống khác mà việc khởi xướng và duy trì những giờ kinh có một ý nghĩa lớn lao nhưng cũng cần có một sự dũng cảm đặc biệt.
Những giờ kinh gia đình: ai ai cũng biết những giờ kinh chung trong gia đình mang nhiều ý nghĩa tâm linh và là cầu nối tình cảm của những người thân ruột thịt, nhưng duy trì và khởi xướng những giờ kinh nầy là một điều khó vô cùng, vì phải đấu tranh với bản thân và sinh hoạt gia đình. Và thật đáng trân trọng những gia đình vẫn giữ được truyền thống đọc kinh chung sáng tối trong gia đình họ, đó là một phương cách để lưu truyền niềm tin cho con cái và còn là một bí kíp để gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Những thói quen đạo đức trong giáo xứ. Dường như có một sự nhượng bộ rõ rệt sau một thời gian giằng co giữa lòng sốt sắng và sự nguội lạnh nơi từng người. Còn nhớ ngày xưa mỗi chiều chủ nhật và những ngày đầu tháng đều có chầu Thánh Thể… nhưng sau đó vì quá rời rạc nên đành bỏ. Có người còn đề nghị nên xét lại thói quen mời những giáo xứ bạn trong ngày ‘chầu lượt’, vì xét thấy nhiều giáo dân không còn nhu cầu nữa! Đã có một thời những người trong thôn xóm thay phiên nhau đọc kinh kính Mẹ, kính Chúa hay ngắm nguyện tại các tư gia… nhưng giờ đây nhiều xứ đành phải bỏ vì quá rời rạc. Đã có những thời những người có đạo hăm hở tổ chức những giờ kinh và chia sẻ Lời Chúa trong xóm đạo hoặc trên các công trường. Ngày xưa là thế, nhưng giờ đây cha xứ hoặc những người khởi xướng cũng ngại lên tiếng để duy trì những hình thức cầu nguyện như ngắm Đàng Thánh Giá, xưng tội… vì quyền lực của Sự Dữ đang rình rập để lôi kéo con người xa cách Thiên Chúa.

Tôi cũng nhớ có một lời khuyên: ‘trong lúc phải dừng xe vì đèn đỏ hoặc khi phải chờ đợi một ai đó, thay vì bực tức thì hãy đọc một ít kinh hoặc lần hạt, vừa hữu ích vừa an bình’. Đó là một lời khuyên hay và ai ai cũng có thể thực hiện được để thánh hóa ngày sống.



Nhiều người nói "bí tích Thánh Thể là trung tâm và chóp đỉnh của đời sống đạo cũng như của mọi hoạt động trong Giáo hội, bởi vậy chỉ cần tham dự Thánh Lễ hằng ngày là đủ rồi!" Người nông dân biết rằng khi một cây lâu năm (cà phê) bị cắt cụt cành và lá thì nó trở nên yếu ớt, vì không thể quang hợp tốt để chuyển hóa các chất dinh dưỡng từ đất mà nuôi cây. Đời sống tâm linh của một cộng đoàn và của từng cá nhân cũng phát triển lâu dài qua nhiều năm tháng, ngoài Thánh Thể thì còn được nuôi dưỡng bằng các á bí tích và các hình thức cầu nguyện khác. Và như lời Đức Phanxicô dạy hôm Chúa nhật vừa rồi: “Sức mạnh đức tin chúng ta có được là nhờ cầu nguyện. Cầu nguyện là hơi thở của đức tin. Cầu nguyện là cuộc đối thoại của linh hồn với Thiên Chúa

Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng nói với chúng ta: “Hãy can đảm đi ngược dòng đời, hãy tìm niềm vui nơi sự gặp gỡ một Con Người, đó là chính Đức Giêsu”… để duy trì và phát kiến những hình thức cầu nguyện phù hợp với hoàn cảnh mà ta đang sống, vì rằng sẽ có những người hưởng ứng, vì rằng từ nơi sâu thẳm tâm hồn con người vẫn ẩn chứa khát vọng tìm kiếm sự trọn hảo, tìm gặp Thiên Chúa.

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Khí cụ bình an




Đọc lại tiểu sử của Thánh Faustina, chúng ta được biết ngài là con thứ 3 trong một gia đình nghèo có 10 đứa con ở đất Balan. Năm 12 tuổi đã có ước vọng đi tu nhưng mãi đến năm 20 tuổi mới gia nhập dòng, và vì trình độ văn hóa hạn chế nên chỉ được làm trợ sĩ… ấy vậy mà Chúa đã dùng ngài như thư ký của lòng thương xót và là người truyền bá lòng thương xót Chúa cho thế giới. Ngài đã ghi lại đầy đủ những điều Chúa muốn mạc khải, ghi rành mạch và không có lỗi chính tả,dù cuốn sổ dày đến 600 trang. Thánh nhân cũng gặp nhiều gian nan trong việc phổ biến lòng Chúa yêu thương con người, và Chúa cho biết đó là cơ hội để giúp thánh nữ nên tinh tuyền hơn.

Trong tháng 5.2013, anh Nick Vujici đã đến Việt Nam như một chứng tá của nghị lực sống – vượt qua những hạn chế của bản thân để sống đẹp, sống vui, sống khỏe và sống hữu ích. Trong những bài nói chuyện của anh, ta biết được rằng ngoài sự nỗ lực của bản thân để vượt lên số phận và ngoài sự trợ giúp xã hội còn có một động lực rất lớn giúp anh luôn tiến về phía trước, đó là niềm tin tôn giáo. Thuở đầu đời, Nick Vujici cũng than thân trách phận “Tại sao mình lại không có những bộ phận và điều kiện bình thường như những người khác?”, thế rồi anh ta dần tìm lại được niềm tin vào Chúa và cuộc sống: mình được nhận quá nhiều hồng ân từ nơi Thiên Chúa và mình phải là trở nên dụng cụ rao truyền tình thương của Ngài. Chỉ tiếc rằng nhiều bản dịch những bài nói chuyện với anh chỉ nói phớt qua những điểm nhấn về tôn giáo và dưới con mắt nhiều người thì anh là người có nghị lực phi thường nên đã vượt lên số phận.
Trong Giáo hội công giáo, có nhiều mạc khải tư được tỏ lộ cho những người nhà quê ít học và bé mọn, ví dụ 3 em nhỏ trong sứ điệp Fatima. Đôi khi ta có cảm tưởng là hàng giáo sĩ và những kẻ học thức ít được Chúa thương mến và tin dùng, hoặc đôi khi có kẻ còn nghĩ tôn giáo là mê tín dị đoan vì được mạc khải cho những trẻ em và phụ nữ. Nhưng đúng hơn ta phải nghĩ: Thiên Chúa có muôn vàn cách để sứ điệp Tin Mừng được rao truyền, Chúa dùng cả Phaolô và Phêrô và cả các phụ nữ nữa. Chúa dùng các Thánh sử để ghi lại các sách Tân Ước, các công đồng và các Thượng HĐGM, các Đức Giáo Hoàng để vạch ra đường lối cho phù hợp với thời đại. Chúa dùng những vị giảng thuyết và các nhà truyền thông để nói với các đám đông, nhưng Chúa cũng dùng các tu sĩ âm thầm cầu nguyện và hoạt động theo linh đạo của dòng mình … để vẽ lên khuôn mặt Chúa cho những người bình dân có thể cảm nhận được.

Thiên Chúa không vô tình sinh bạn ra trên cõi đời nầy. Những điều kiện ta đang có rất đáng cho ta phải tri ân Ngài mỗi ngày. Trong chương trình của Chúa, bạn không vô danh và vô ích đâu. Nếu bạn rút lui vào bóng tối để không nói về Chúa cho người khác là đã lỗi hẹn với Ngài rồi đó. Một lần nữa, hãy nhìn vào cuộc đời của Thánh Faustina và anh Nick Vujici để đừng phụ ơn Chúa. Hãy tự nguyện trở nên khí cụ bình an của Chúa bạn nhé!







Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Niềm vui và cuộc sống




Khi thăm viếng một người bệnh nan y, một người già neo đơn, một linh mục về hưu hoặc một cụ già trong viện dưỡng lão… ta thường cảm thấy một nỗi buồn trải dài trong từng ngày sống của họ và thoáng đến với ta khi ta nghĩ tới họ.
Đúng vậy, nếu đứng trên phương diện kinh tế và xã hội thì những người trên là những người được hưởng sự trợ cấp của xã hội để sống cho xứng đáng là con người, vì họ được xem như ‘đã hết thời’ và không còn tự kiếm sống được nữa. Nhưng đó là cái nhìn bề ngoài mà thôi, vì ta không nhìn được nội tâm của họ. Chuyện đó cũng tương tự như khi nhìn một con trâu kéo cày cả ngày, ta thấy tội nghiệp cho kiếp trâu ngựa, nhưng liệu con trâu có trí khôn để cảm thấy sướng khổ hay không?  Con người khác con vật ở lý trí, họ sẽ cảm nhận được hạnh phúc khi họ biết mình được Thiên Chúa yêu thương quá nhiều, khi họ biết nhìn thấy mọi sự là hồng ân Chúa ban để dâng lên Ngài lời tri ân qua từng ngày sống, khi họ biết đặt trọng tâm cuộc đời là tin tưởng nơi Thiên Chúa và khi họ sống có ích cho anh em. Nếu sống được như vậy thì tuổi nào cũng là tuổi đẹp nhất cuộc đời và hoàn cảnh nào cũng là món quà Chúa trao ban để ta có cơ hội nên thánh.
Đức Phanxicô từng nói với các dự tu: Các con hãy tự vấn lương tâm, đừng tìm niềm vui nơi việc sở hữu và mua sắm, nơi những khao khát thành công, nơi những thành tích tạm bợ… nhưng hãy đặt niềm vui nơi sự kết hợp với Thiên Chúa. Có chuyện kể rằng một vị Tổng Giám Mục nghe danh một bà già nhà quê rất đạo đức vì chuyên chăm cầu nguyện, một hôm ngài có việc đi qua vùng đó nên đã tìm gặp bà già nầy để ‘kiểm tra’ tiếng đồn đại có thật hay chăng. Ngài hỏi bà xem có biết đọc kinh Thần vụ hay Kinh Thánh nhiều không? Bà cụ thú nhận mình không biết chữ, bà muốn đọc kinh lần chuỗi hằng ngày nhưng không hoàn thành được, vì mỗi lần cứ đọc kinh Lạy Cha được mấy câu thì đã giàn giụa nước mắt vì cảm thấy một niềm hạnh phúc vì được gọi Thiên Chúa là Cha… thế là không đọc thêm được gì nữa. Đức Giám Mục nghe đến đó thì đành phải ‘tâm phục khẩu phục’, nên ngài nói với bà cứ tiếp tục cầu nguyện như thế là đủ rồi. Thế đó, nhìn những người già 70-80, tuy cuộc sống họ trôi qua có vẻ nhàm chán, nhưng họ vẫn có thể hạnh phúc trong tâm hồn khi họ kết hợp với Chúa qua từng ngày sống để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Đấng Tình Quân họ tôn thờ. 

Một điều kiện nữa để người tin Chúa tìm được hạnh phúc là họ biết dâng lời Ngợi Khen. Đức Phanxicô nói với chúng ta: không có ai là vô danh và tầm thường trước mặt Thiên Chúa, mỗi người đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa và đều được Chúa yêu mến một cách đặc biệt. Cho dù cha mẹ có bỏ con mình, cho dù bạn bè có phản bội mình thì ta vẫn có Đức Chúa Trời yêu thương. Tình yêu thương của Chúa vừa có tính cách phổ quát cho cả nhân loại vừa có tính cách cá biệt cho từng người; tình thương đó vừa có tính trừu tượng nhưng lại rất cụ thể; tình yêu đó không loại trừ một ai, kể cả những người tội lỗi nhất vẫn được Ngài yêu thương trìu mến. Chỉ có Thiên Chúa quyền năng, nhân hậu mới thể hiện được sự yêu thương đến mỗi người và mọi người của mọi thời đại đến như vậy. Tình yêu thương của loài người chúng ta rất hạn chế, sự phổ quát của nó rất giới hạn – phần lớn chỉ nằm trong sự hiệp thông và cầu nguyện, tầm mức lo lắng cũng chỉ nằm trong sự kêu gọi và đóng góp vật chất, phần còn lại đành chờ đợi cho số mệnh... Ý thức rằng mình được hưởng muôn hồng ân Chúa ban, được Chúa yêu thương và được Chúa đồng hành là một điều kiện để hạnh phúc.
Làm việc lành. Có một người thợ trên đường về nhà đã gặp một chiếc xe bị hỏng lốp của một bà già, anh ta giúp bà mà không nhận một đồng tiền nào cả, chỉ nói rằng: “nếu bà muốn trả ơn tôi thì xin bà hãy giúp một ai đó”, anh cảm thấy nhẹ nhõm cõi lòng vì đã làm một việc tốt. Đức Thánh Cha Phanxicô nói với chúng ta rằng: Đừng khép lại nơi chính mình và hãy biết trao ban những gì mình có, hãy mở rộng con tim ra khỏi gia đình, xứ đạo và nhóm của mình, mỗi người đều có thứ gì đó để chia sẻ với những người khác. Tĩnh từ ‘vô cảm’ đang trở nên rất quen thuộc với chúng ta, ngày xưa người ta hay dùng chữ ‘cầu an’. Sự vô cảm đang xảy ra ngay chính nơi bản thân ta khi ta không có một cảm xúc tế nhị trong cách đối xử với tha nhân, khi không muốn giúp một ai đó vì ngại phiền phức, khi không dám nói một điều hữu ích cho nhiều người – mà nhiệm vụ mình phải nói. Thế đó, một người biết làm việc lành phúc đức sẽ cảm nếm được niềm vui rất nhiều, vì họ gặp gỡ được chính Chúa Giêsu.

Vì vậy, đừng nghĩ rằng con cái mình đi tu sẽ khổ khi không được tự do làm điều mình muốn, vì hạnh phúc của bậc tu trì là làm điều Chúa muốn; đừng nghĩ rằng người già là khổ, vì chính họ đang hưởng những ngày tháng có ý nghĩa nhất cuộc đời là dành nhiều thời giờ kết hiệp với Chúa; và đừng đánh giá ai sướng hay khổ - đó là một điều vô ích, vì ta không thấu hiểu nội tâm và lý tưởng sống của họ. Cuộc đời mỗi người mỗi ngày đều có nỗi khổ và niềm hạnh phúc, đó chính là thập giá Chúa cho chia phần, họ hạnh phúc khi biết đặt tình yêu trong những công việc bổn phận hằng ngày và khi xác tín rằng Chúa là gia nghiệp đời mình, để luôn tri ân – ngợi khen và khiêm tốn trong bàn tay Chúa.

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Người Mẹ





Tháng Mân Côi đã về, chúng ta cảm thấy ấm áp cõi lòng hơn khi có dịp yêu mến Mẹ Maria nhiều hơn.
Trong tháng 9.2013 này, Đức Phanxicô đã có 2 bài nói chuyện, dùng những hình ảnh rất sâu sắc của người mẹ trần thế để nói về mẹ Giáo Hội và Đức Maria. Thiên Chúa cũng là một người cha và cũng là một người mẹ của từng người chúng ta.
Công việc đầu tiên của người mẹ là sinh con. Sau những ngày cưu mang con nơi cung lòng mình, người mẹ đã cho con mình chào đời, dù cuộc đời đầy sóng gió và những thách đố. [Mẹ Giáo hội cũng sinh con mình nơi giếng nước rửa tội bởi phép Chúa Thánh Thần. Đây không phải là một sự kiện hình thức bề ngoài, không phải là điền vào một tờ giấy mà người ta đưa cho chúng ta. Không, không phải vậy! Nó là một hành động nội tại, sống động. Chúng ta không thuộc về Giáo Hội như thuộc một hiệp hội, một đảng phái, hay bất cứ một tổ chức… nhưng thuộc về Thân Mình Chúa Kitô. tất cả chúng ta đều được mời gọi cộng tác vào việc sinh ra các kitô hữu mới cho đức tin, tất cả chúng ta đều được mời gọi là những người giáo dục trong đức tin, và loan báo Tin Mừng]. Mẹ Maria đã sinh cho đời Đấng Cứu Tinh là Đức Giêsu, là trưởng tử của một đoàn anh em đông đúc là chúng ta, và Mẹ là mẹ các tín hữu.

Đồng hành cùng con. Sở dĩ người mẹ không giữ con mình mãi trong dạ, cũng không bao bọc con trong lồng kính, cũng không dẹp bỏ mọi chướng ngại trên đường con mình đi… là để cho chúng được trưởng thành. Chính những gian lao thử thách của môi trường sống sẽ rèn luyện ý chí và tự do của con mình, có vậy người con mới không bị cuộc đời vùi dập. Mẹ Giáo Hội và Mẹ Maria cũng đồng hành với từng người con với tình âu yếm, hướng dẫn con bằng lề luật Tin Mừng và các giáo huấn của mình, bằng việc cử hành các bí tích và lời chuyển cầu, nhưng vẫn để con mình tự do bước đi trên mọi nẻo đường đời.

Tình mẫu tử. Người ta thường bảo: “Người mẹ bao giờ cũng là một người mẹ;Tình yêu và lý trí thường không đi đôi với nhau”. Có những bà mẹ trần gian có thể nói đã trao cho con cả cuộc đời và mọi của cải mình có, khi chẳng còn lại gì thì bị người con hắt hủi…vậy mà bà vẫn thương con và chỉ mong người con biết nghĩ lại. Nhà tôi có con mèo mẹ, hễ bắt được con chuột dù lớn hay nhỏ, đều kêu con mình đến và ngồi nhìn con ăn, mắt lim dim tỏ vẻ sung sướng, đó là bản năng của loài mèo chứ chẳng phải do giáo dục hay lý trí điều khiển… tuy vậy nó cũng gợi cho tôi sự cao thượng của ‘tình mẹ’. Thiên Chúa, Giáo hội và Mẹ Maria không bao giờ đóng cửa lại với những người con đã đi xa nhà, ánh mắt của mẹ đã mờ vì đợi chờ con, vòng tay của mẹ luôn sẵn sàng để ôm chầm lấy con khi con về lại nhà. [Chúng ta nói rằng một bà mẹ biết “chường mặt ra” vì các con, nghĩa là được thúc đẩy luôn luôn bênh vực chúng. Tôi nghĩ tới các bà mẹ đau khổ vì con cái bị tù tội hay ở trong các hoàn cảnh khó khăn: các bà không hỏi xem chúng có lỗi hay không, các bà tiếp tục yêu thương chúng và thường chịu các nhục nhã, nhưng không sợ hãi và không ngừng tận hiến chính mình].

Mỗi người làm nên Giáo hội. [Đức Thánh Cha nói: Đôi khi tôi nghe nói “Tôi tin Thiên Chúa, nhưng không tin Giáo Hội”. Giáo Hội là tất cả chúng ta, từ một em bé mới rửa tội cho đến các linh mục và giám mục. Và nếu bạn nói rằng bạn tin Thiên Chúa nhưng không tin Giáo Hội, thì bạn đang nói rằng bạn không tin chính mình, và đó là một sự mâu thuẫn].
[Khi người ta nói tới các thiếu sót đó của mẹ chúng ta, thì chúng ta che đậy chúng lại, chúng ta yêu chúng, thế thôi... Và Giáo Hội cũng có các thiếu sót của mình. Tôi có yêu mến Giáo Hội như thế, như tôi yêu mẹ tôi không? Chúng ta có giúp Giáo Hội trở thành xinh đẹp hơn, đích thật hơn, theo như Chúa muốn không? Chúng ta đừng bép xép về những điều không tốt của Giáo hội, phải biết cầu nguyện cho Mẹ mình].

Những thế kỷ gần đây, thế gian đã tấn công Giáo hội bằng bạo lực, bằng luật pháp và bêu xấu hàng giáo sĩ. Sự tấn công đó không ngừng xảy ra từ bên ngoài lẫn bên trong với ý đồ phá hoại Giáo Hội Công Giáo một cách từ từ nhưng họ tin là chắc chắn, giống như con sâu, con mọt, cứ gặm, cứ cắn, rồi một lúc nào đó, cột nhà sẽ sập. Nhưng Thiên Chúa luôn là Đấng quyền năng và giàu lòng xót thương, mẹ Giáo hội luôn quản lý một kho tàng ơn Thánh diệu kỳ và có muôn vàn người công chính ngày đêm đang bước đi trên đường lối Chúa, và bên cạnh đó còn có Mẹ Maria luôn đồng hành với từng người con trên vạn nẻo đường đời, Mẹ luôn tìm cách sinh hạ Đức Kitô nơi cõi lòng nhân gian.
(Những câu trong ngoặc [...] là trích bài nói chuyện của Đức Phanxicô)

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Chuyện kể về nước Úc




Tôi có dịp gặp thầy Raphael Trần Anh Văn đang du học ở Úc theo chương trình nhà dòng, thầy kể một vài chuyện về nước Úc. Vì nghe trong một bữa ăn sáng, có thể có vài tình tiết không thật chính xác, xin ghi lại như một điều khích lệ cho văn hóa và nếp sống đạo người Việt Nam.
Kangaroo: ở nước Úc, chẳng ai ăn thịt nó cả và chúng sinh sôi  rất nhiều, ăn hết cả cỏ của các loại súc vật khác, có lúc người ta phải bắn để giảm bớt số lượng và thường cán chết chúng khi chạy xe ban đêm. Ấy vậy mà ở Việt Nam, Kangaroo lại đang trở nên một loại đặc sản để nhậu.
Dân cư Úc là 25 triệu người, sống trên một diện tích rộng bằng 30 lần nước Việt Nam… Bởi đó nguồn lợi từ thiên nhiên là rất lớn và sống rất rộng rãi, thoáng đãng. Cộng đồng người Việt có khoảng 250.000 người, sống đạo rất hăng say và tạo một sự năng động cho vùng đất nầy, có đến 500 linh mục Việt đang phục vụ tại Úc. Có người bảo: “Trước đây, người Ái Nhĩ Lan truyền đạo cho Nước Úc, thời hoàng kim của họ đã qua đi rồi. Nay đến lúc người Việt Nam đang sinh sống ở Úc làm cho đời sống đạo sinh động trở lại”.
Có hai chủng viện lớn nhất ở Úc, một có 15 chủng sinh thì có đến 10 người Việt Nam; còn chủng viện kia có 55 chủng sinh thì có đến 12 người Việt. Khi vào chủng viện, kỷ luật ở đây cũng khá lỏng lẻo, có nhiều tự do và không có nhiều bó buộc... để tập cho các thầy tự chủ. Nhiều người cũng thấy chán vì không giúp họ làm chủ được bản thân và cũng không khác chi ở ngoài đời.
Người Úc nói chung đã tiến đến giai đoạn sống đạo của phương tây: đạo chỉ là một nhu cầu bên lề cuộc sống, khi cần thì đến nhà thờ còn bình thường thì thôi; lúc chết tiện đâu làm đó, ông cha Công giáo cũng được mà Tin Lành hay Anh Giáo cũng xong.

Người Mẹ ở nước Úc thường cho con ngủ riêng và ít bồng bế chúng, đẩy xe cho trẻ đi chơi và để chúng nằm ngửa nhìn trời, trong lúc bà phì phèo điếu thuốc… đó là hình ảnh bình thường ở Úc. Trẻ lớn lên thường có một khoảng cách tình cảm với cha mẹ và sống tự lập. Người Việt thường chăm sóc con từng li từng tí, âu yếm con và giáo dục con khắt khe… trẻ lớn lên có một sự gắn bó với những người thân ruột thịt và nếp sống đạo cũng tốt hơn.
Qua những câu chuyện được kể trên, người Việt mình nên duy trì sự thân tình của những người trong một nhà và nếp sống đạo tình cảm: năng lui tới nhà thờ, sống tình bác ái huynh đệ, tin là sống hết mình theo Thầy Giêsu với một niềm xác tín mãnh liệt.