Danh sách Blog của Tôi

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2020

Phân chia gia tài



Người VN mình thường để lại toàn bộ gia sản của mình cho con cái, do vậy thường xảy ra những bất hòa trong gia đình về chuyện chia không đều, đứa nhiều đứa ít. Khác với người tây phương, con cái thường chỉ nhận một số tài sản vừa đủ để khởi nghiệp, không quá nặng nề vào việc phân chia gia tài và thậm chí muốn tự lập để khẳng định mình.

Đọc lại dụ ngôn Người Cha nhân hậu (Lc 15,11-32), chúng ta mới thấy nghịch lý của Tin Mừng: người cha cư xử với đứa con hoang đàng với lòng thương xót, vượt xa lẽ công bằng. Sự thường người VN mình chia đất đai cho con cái đứa nhiều đứa ít tùy công trạng và tình cảm, tùy mong ước sự phụng dưỡng của nó lúc về già, tùy nó là con cả hay con thứ- con trai hay con gái… và việc phân chia gia tài này thường để lại những bất bình lớn, đến nỗi đến lúc cha mẹ sắp chết mà có những đứa con không thèm gặp, lúc đau ốm không thèm nhìn và anh em đối xử với nhau tệ hơn người dưng, vì sự uất hận về sự không công bằng đã che khuất tầm nhìn của tình thương xót, của tình huynh đệ - máu mủ. 

Niềm hạnh phúc của các bậc cha mẹ là con cái mình yêu thương đùm bọc nhau trong cuộc sống, và trước khi nhắm mắt cũng thường dặn dò con cái như thế. Nhưng thật khó để yêu thương khi anh em có những mâu thuẫn về gia tài! Vì khi đó những người trong cuộc thường dựa vào lẽ công bằng như họ nghĩ: nó đã được chia rồi, nhưng nó đã làm tiêu tán, bây giờ nó rán chịu, chúng tớ chẳng có lỗi gì! Ở đây, chúng ta phải đọc lại Tin Mừng: đứa con thứ đã phung phá hết tài sản của nó mà vẫn được cha đón nhận, trong lúc người anh thì nạnh kẹ và loại trừ. Cũng may là chỉ có một người anh cả, còn như trong gia đình ấy có 5 người anh thì người cha cũng khó mà xoay xở cho êm đẹp! 

Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã từng chứng kiến cảnh một người cha mẹ hấp hối nhiều ngày, muốn nhắm mắt xuôi tay mà không ‘đi’ được, dường như đang uất hận và trăn trở một điều gì đó. Cũng có thể là do diễn tiến bình thường của quy luật sinh học, nhưng cũng có thể là còn điều gì đó vướng mắc, nhất là về tình cảnh của những đứa con mình đã đứt ruột sinh ra. Có những điều khi khỏe mạnh đã không giải quyết được theo lẽ công bằng nhân loại, thì đến lúc này làm sao giải quyết được, may ra sự khắc khoải của họ có khơi dậy được lòng thương xót chăng? Cũng giống như sự hiện diện của những người nghèo quanh ta được xem như cơ hội để lòng trắc ẩn được trỗi dậy, như cơ hội để ta hành thiện.


 

Gia tài cha mẹ để lại nên được xem như miếng bánh (món quà), anh em chia nhau mà ăn. Nếu chẳng may một đứa bị sẩy chân thất bại hoặc do lười biếng, bài bạc … anh em ruột thịt cũng nên vì tình thương cha mẹ mà nghĩ lại mà tìm cho nó một giải pháp, để cha mẹ có thể yên lòng nơi chín suối. Chúng ta muốn Thiên Chúa cư xử với mình với lòng thương xót thì hãy cư xử thương xót với nhau: ai sống làm sao Ta sẽ xử cho như vậy. Nói vậy, nhưng có đứng vào hoàn cảnh đó mới thấy khó mà đưa ra một giải pháp mang tính cách mạng như Tin Mừng đòi hỏi, phải có tiếng nói ‘tiên tri’, ân lộc của tổ tiên và thật nhiều ơn Chúa mới đủ sức lay động nhiều con tim, chuyển hóa những ‘tính toán của công bằng’ thành ‘chia sẻ của tình thương’.

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

Vua Hê rô đê tìm cách gặp Đức Giêsu


 

Đọc câu Tin Mừng Lc 9,9 chúng ta nhận ra rằng đây là một cái kết lửng: nhà vua có thực sự muốn gặp Đức Giê su không? Mục đích tìm gặp là gì? Và chính cái kết lửng này gây ra một sự phản tỉnh cho chính chúng ta. 

Nếu vua Hê rô đê thực sự muốn tìm gặp Đức Giê su thì quá dễ, vì suốt 3 năm trời Chúa đã giảng dạy công khai khắp đất nước Do Thái, vậy mà trong đám đông nghe Chúa, không thấy xuất hiện khuôn mặt Hê rô dê, hoặc giả như ông có đến nhưng không gặp được hạt giống Lời Chúa. Mãi đến ‘giờ’ của Chúa Giê su, ông được quan Phi la tô chuyển Đức Giê su đến mà xét xử, nhưng ông chỉ nhận ra ông Giê su là một ‘người dại, chẳng biết gì’, nên ông trả phạm nhân về lại cho quan Phi la tô. Đây là một cái kết buồn cho cuộc đời vua Hê rô đê, kẻ đã có cơ duyên gặp cả Gio an Tẩy Giả và Chúa Giê su. Như vậy, sau vụ án Chúa Giê su thì chúng ta đã nhận ra rằng vua Hê rô dê tìm cách gặp Đức Giê su chỉ để thỏa tính tò mò, khác xa với sự tìm gặp của các mục đồng hoặc của Ba vua, là những người tìm đến với hài nhi Giê su để thờ lạy. Câu chuyện của vua Hê rô dê cũng là câu chuyện của biết bao nhiêu người, họ tìm hiểu tôn giáo nhưng không gặp được Đức Giê su như Đấng khơi nguồn sự sống, bởi lòng họ đầy những ‘lo lắng sự đời’, nên Lời Chúa đã bị chết ngạt.

Đối nghịch với thái độ hời hợt trên, Chúa Giê su đã gặp biết bao tâm hồn nhiệt tình: đã gặp Ngài là họ bỏ hết mọi sự để sống chết với Ngài. Có thể kể đến các tông đồ, chỉ trừ Thánh Gioan, họ đã có vợ con và nghề nghiệp, nhưng đã bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêu su đến chết để làm nhân chứng cho Ngài. Người đời sợ nhất là chứng từ tử đạo, nên người đời thường bôi nhọ các Đấng bằng cách vu cáo cho họ những lý do phàm tục: đốt thành Ro ma, phản quốc... và bêu xấu các Ngài những tội lỗi xấu xa mà chính họ phạm phải. Nhưng chính những kẻ kết án các vị tử đạo đều biết rõ: các Đấng bị giết vì không chịu thờ lạy các bụt thần, vì không chịu chà đạp Thánh giá Chúa Kỉ tô. 

Tôi cứ bị ám ảnh mãi một chứng từ mà tác phẩm ‘Tự do nội tâm’ đưa ra. Đó là chứng từ của Etty Helisum. Cô này là người Do Thái, chưa lãnh bí tích rửa tội nhưng được biết đến giáo lý công giáo qua một người bạn Do Thái khác. Trước khi xuống tàu để di chuyển về trại tập trung ở Đức đã có một lời cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, con biết rằng con đang đi đến một địa điểm chết chóc, con biết bao gian lao khủng khiếp đang chờ con ở đó, nhưng Chúa không thắng được con đâu. Dù xảy ra chuyện gì, con vẫn vững tin vào tình thương Chúa và trông cậy mọi sự nơi Ngài. Ký tên Etty Helisum”. Cô viết như thế, cô bỏ miếng giấy vào một lọ thủy tinh dán kín và thả xuống biển và sau này người ta đã nhặt được chứng từ tử đạo của cô. 

Hầu hết chúng ta đều được cha mẹ lo liệu cho rửa tội từ nhỏ, chúng ta không vất vả tìm kiếm đức tin, và chúng ta chỉ tìm cách hiểu biết thêm về Chúa Giêsu theo tuổi đời lớn khôn. Chúng ta dễ bị một khiếm khuyết lớn là không có mối liên hệ cá vị (riêng tư) với Chúa Giê su như một người bạn, như một người thầy và như Đấng khơi nguồn sự sống. Chúng ta dễ nghĩ rằng theo đạo là đọc kinh, là giữ các giới răn để đừng phạm tội để rồi khi chết là được lên thiên đàng, chúng ta dễ quên rằng: Chúa Giê su ngày ngày vẫn gõ cửa tâm hồn ta, mong chờ ta mở cửa lòng mình để Chúa và tôi trải qua một cuộc tình nồng thắm như ‘thuở ban đầu của đôi trai gái’.

 Đừng nghĩ rằng: điều cốt yếu của đời sống đạo là cố gắng chu toàn lề luật và những bổn phận để không bị Chúa phạt, nhưng là yêu Chúa một cách nồng nhiệt như em thơ với cha mẹ mình: tin tưởng mọi sự, phó thác mọi sự và để Chúa dìu mình đi từng ngày trên cuộc đời. Mỗi ngày tôi phải cố gắng tìm gặp Chúa bằng cách khám phá ra rằng; Chúa đang hiện diện trong lòng tôi, rằng tìm kiếm ý Chúa là điều quan trọng nhất, rằng cách cư xử tốt đẹp nhất với tha nhân là cư xử với tình thương, và rằng: tôi không đơn côi, tôi được Chúa tha thứ quá nhiều và ban ơn quá dư tràn, nên tôi không ngừng ca tụng Chúa – yêu mến Chúa và yêu anh em như lòng Chúa mong ước. 


 

Tiên tri Isaia có nói: "Hãy tìm Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên" (Is 55,6). Vậy là có lúc con người không còn cơ hội gặp Chúa? - Đó là lúc cuộc đời họ kết thúc, lúc ấy họ không còn lập công và cũng không còn phạm tội, đó là lúc Thiên Chúa đưa ra kết luận cuộc đời họ đáng thưởng hay đáng phạt. Hãy nghĩ đến ngày tận số mà chấm dứt hận thù, nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết mà trung thành giữ các điều răn (Huấn ca 28,6).

Những điều thị phi


 

Lời Chúa Giêsu nói với chúng ta: có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt bịa đặt là do ma quỷ. Lời ấy là một thách đố với mọi thời đại, và đến hôm nay thì nhân loại đang trải qua một cơn đại dịch: sự dối trá đang lan tràn và lên ngôi, trong đời thường và các phương tiện thông tin. 

Tôi nhớ đến câu chuyện của tổng thống Mỹ, ông Clinton: “Tháng 1-1998, ông Clinton bác bỏ có quan hệ tình dục với Lewinsky. Nhưng đến tháng 8 cùng năm, dưới sự chất vấn của công tố viên đặc biệt Kenneth Starr trước một bồi thẩm đoàn liên bang, ông Clinton thừa nhận có quan hệ "sai trái" với cô Lewinsky. Tuy nhiên, vì không đủ số phiếu để kết tội, sau đó ông Clinton được thượng viện tha bổng.” (internet). Các vị tổng thống Mỹ đều đặt tay trên cuốn sách Kinh Thánh khi tuyên thệ nhậm chức, và đối với họ thì sự dối trá và che đậy sự thật còn xấu hơn là chính tội lỗi đã phạm phải. 

Tôi nhớ đến một câu chuyện khác. Có một người cha trồng một cây gì đó rất quý, người mẹ sai người con đi làm cỏ trong vườn và cậu đã nhổ luôn cây quý của cha. Người cha vô cùng tức giận vì cây quý, nhưng vẫn ôn tồn hỏi người con: ai đã nhổ mất cây quý của ba? – Người con đáp: chính con đã nhổ nó vì không phân biệt được cây cỏ trong vườn. Người cha liền xoa đầu con và bảo: sự thật thà của con còn quý hơn cây quý ba trồng. Điều quan trọng nhất trong giáo dục con cái là phải giữ được sự trong sạch tâm hồn, đó là sự trung thực.

Có một câu danh ngôn: Khi một người đã quen nói dối thì không có điều gì mà họ không dám làm. Điều tôi muốn nói ở đây là cách đối phó với tiếng thị phi trong cuộc sống: người ta nói xấu và vu cáo mình vì một điều xấu mình không làm. Phản ứng đầu tiên chúng ta thường tức giận. Sự tức giận thể hiện qua việc chửi bới nhau, kể cho người khác nghe để tìm kiếm đồng minh, đâm đơn ra tòa để tìm công lý và bảo vệ danh dự gia đình. Nhưng dường như đây không phải là cách xử sự khôn ngoan, vì sao? - Vì đây là cách xử sự của người trần gian, tôi nghĩ đến cách xử sự của người con cái Chúa. Trước hết ta thử phân tích cách xử sự trên đem đến hậu quả gì.

Hậu quả đầu tiên là mất an bình, mất tình nghĩa với tha nhân và chẳng bao giờ chúng ta chắc chắn rằng mình bảo vệ được danh dự của mình cho đến chết, và danh dự trần gian cũng chẳng quan trọng gì mà lo lắng quá đến nó. Chúa nói: các con sẽ bị ghét bỏ, bị vu cáo vì Danh Thầy. Chúa còn cho các kẻ Ngài yêu được phúc chịu hiểu lầm, đến nỗi bị giam lỏng để thêm lòng đạo đức và thêm công phúc, như thánh Piô 5 dấu và thánh Faustina. Chính Chúa Giêsu cũng bị vu cáo là kẻ lộng ngôn và quỷ ám, bị ghét hơn tên trộm cắp giết người là Baraba.


 

Cách xử sự của người con Chúa. Hãy học Chúa Giêsu: im lặng không phản kháng, kết hợp với Thiên Chúa Cha, cầu nguyện và tha thứ cho kẻ làm khốn mình. Lộ trình rõ ràng phải như thế, nhưng không dễ đi đến đích mà không phạm sai lầm và phải có thời gian để lắng đọng tâm hồn. Tôi muốn bàn thêm về ba bước để hóa giải những vu cáo mà người khác đổ trên đầu ta.

 Im lặng không phản kháng. Chúa Giêsu đầy quyền năng có thể phán một lời là những kẻ vu cáo phải diệt vong, Chúa biết trước mọi sự, nhưng Chúa đã tự nguyện chịu cực hình là để cứu độ nhân loại. Chúa tự nguyện và chủ động chịu thương khó chứ không phải là xui xẻo. Phần chúng ta, không mấy người tự nguyện chọn chịu sỉ nhục và đau khổ mà là bị động: do người khác hoặc do hoàn cảnh xảy đến mà tôi phải mang lấy ách. Hãy chạy đến với Chúa Giêsu để học nơi Ngài sự hiền lành và khiêm nhường và xin Ngài đồng hành để ách ta đang mang trở nên nhẹ nhàng hơn. Trước kẻ làm khốn mình, hãy ‘nhịn và chào nó’, đừng để xe đổ rác vướng vào mình làm chi cho khổ.

Kết hợp với Thiên Chúa. Mỗi ngày và mọi lúc ta phải luôn cậy nhờ ơn Chúa để tồn tại và tiến bước, nhưng nhất là những lúc chịu đau khổ ta càng cần phải bám vào Chúa nhiều hơn, những lúc chịu sỉ nhục ta mới thấy mình bất lực và cần ơn Chúa nhiều hơn. Như vậy, đau khổ và sỉ nhục là cơ hội để ta gần Chúa hơn. Xin trích hai câu nói của ĐHY Nguyễn Văn Thuận. “Nếu con hiểu biết hạnh phúc được làm con Chúa, thì những điều sỉ nhục không thấm gì con và những lời hoan hô cũng chẳng thêm gì cho con”. “Khi con tự hạ mình, chưa hẳn con khiêm nhượng Khi người ta hạ con, chưa hẳn con khiêm nhượng. Khi người ta hạ con mà con vui lòng chấp nhận vì Chúa, lúc ấy con khiêm nhượng thật”.

Tha thứ và cầu nguyện cho kẻ hại ta. Chúa Giêsu không thanh minh điều bị vu cáo, không than thân trách phận, không chửi rủa và oán trách Thiên Chúa Cha, nhưng Chúa Giêsu đã cầu nguyện và tha thứ cho kẻ làm khốn mình. Sự thường, chúng ta vẫn than thân trách phận và tự thương hại mình, chính điều này chứng tỏ sự chưa trưởng thành về tâm lý và làm tiêu tán nghị lực của ta rất nhiều. Chúa dạy ta: dù trong hoàn cảnh nào, người con cái Chúa phải luôn có cách cư xử bằng tình thương. Chẳng lẽ cả đời này cứ đi cãi nhau và kiện nhau khi có kẻ cứ thích ném những lời thị phi như trò đùa, vì họ thấy ta đau đớn? – Đừng để mình mắc vào chiếc bẫy mà họ giăng ra. Tại sao ta không cậy nhờ và bàn hỏi đến linh mục mà cứ chạy đến tòa đời để giải quyết ba cái lăng nhăng gọi là ‘danh dự’. Thử tưởng tượng: những kẻ giải quyết kiện tụng là những người ngoại đạo, họ sẽ cười vào mặt những kẻ có đạo gọi là đạo yêu thương. Ai vu cáo gì mặc họ, họ chịu trách nhiệm trước mặt Chúa. Còn tôi, có Chúa ở cùng tôi, lương tâm tôi thanh thản vì không làm gì sai trái là đủ. Chúa biết là được, có Chúa làm gia nghiệp là đủ. Danh dự của tôi và của gia đình không quá quan trọng đâu, chính Chúa sẽ lo liệu cho tôi, và chính cuộc sống của tôi làm bảo chứng cho sự trong sáng của mình.

Nguyện xin Đức Khôn Ngoan của Chúa hướng dẫn bước đường con đi. Xin biến đổi lòng con và cho con quả tim như Chúa: luôn biết quảng đại và luôn tha thứ. Và xin Chúa cũng ban ơn biến đổi cho kẻ gieo tai họa cho con nữa để họ cũng được cứu độ và trở nên tốt lành như lòng Chúa mong ước. Amen.