Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

Lòng yêu mến



Khi ta bị bệnh về mắt, ta buộc phải mang kính và vạn vật biến đổi bởi lăng kính ta mang, từ màu sắc cho đến kích thước. Nếu ta biết nhìn nhận thân phận tội lỗi của chính mình và nhìn ra lòng yêu mến (sự tử tế) của người khác, thì thái độ sống của ta với người người khác sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Quả thật, nhìn ra tội mình là một điều khó và nhìn ra lòng yêu mến của người khác cũng là điều khó. Vua Đavit đã say đắm bà Betsabê nên đã lập mưu giết chồng bà là tướng Uria. Tiên tri Nathan được Chúa sai đến nói với vua về câu chuyện “một người rất giàu đã lấy con chiên duy nhất của một người nghèo để thết đãi bạn…” vậy mà vua Đavit cũng vẫn chưa nhận ra tội mình, vẫn còn cao giọng lên án sự bất công tầy đình kia. Chỉ đến khi tiên tri Nathan phải nói thẳng: “Kẻ đó chính là nhà vua!” thì Đavít mới nhận ra lỗi lầm của chính mình và ăn năn (2 Sam 12,7-10).
Câu chuyện Tin Mừng Luca 7,36-50 kể về một người đàn bà tội lỗi hôm nay cũng có nhiều điều đáng cho ta suy nghĩ. Ai cũng dễ nhận ra ngay rằng người đàn bà đầy tiếng tăm kia là kẻ tội lỗi đáng bị loại trừ khỏi mặt đất mà không nhận ra lòng yêu mến bà đang diễn tả là điều đáng đề cao và là điều đẹp lòng Chúa. Và không ai trong cử tọa hôm ấy nhận ra mình là kẻ tội lỗi.
“Kẻ được tha nhiều thì yêu mến nhiều, kẻ được tha ít thì yêu mến ít”. Trong ví dụ Chúa đưa ra, sự tha thứ của ông chủ là do lòng thương xót, vì cả 2 con nợ đều không có gì để trả. Chúa Giêsu đưa ra nhiều so sánh để ông Simon nhận ra những hành động lạ kỳ đang diễn ra trước mắt: người phụ nữ tưới ướt chân Chúa bằng nước mắt và lấy tóc mà lau, chị không ngừng hôn chân Chúa và xức lên đó dầu thơm quý giá. Và chắc chắn người biệt phái đã phải ‘tâm phục khẩu phục’ trước lý luận của Chúa hôm ấy: chị phụ nữ kia không còn là người tội lỗi nữa vì chị đã được tha rồi, bằng chứng là chị đã biểu lộ lòng biết ơn một cách ngoại thường, ngoài sức tưởng tượng của ông. Câu nói của Chúa gợi lên điều gì cho ta? – Nhiều khi chúng ta không yêu Chúa nhiều là vì ta không nhận ra thân phận tội lỗi và mất cảm thức về tội đã phạm; nhiều khi ta nghĩ tội lỗi là do mình tưởng tượng hoặc tha thứ là chuyện bình thường của Thiên Chúa. Hãy sửa lại điều đó bằng cách năng hồi tâm, đặt bàn tay phải lên tim và nói lời xin lỗi Chúa. Hãy tri ân Chúa nhiều vì quả thực Thiên Chúa tha thứ cho ta nhiều lắm và Ngài không mỏi mệt trong sự tha thứ.

“Tội con được tha rồi!” Lời nói của Chúa với người phụ nữ tăm tiếng hôm ấy đã đem lại bình an cho chị và chứng tỏ quyền năng tha tội của Chúa. Có lẽ không ai trong chúng ta có thể bắt chước được chị phụ nữ ấy: chị đi tìm Chúa để thống hối, chị không thuộc công thức xưng tội nhưng lòng chị đã tràn đầy sự thống hối và quyết tâm sửa đổi đời sống cho phù hợp với giáo lý Chúa dạy, chị khóc nhiều đến nỗi ướt chân Chúa và lấy tóc mà lau, chị còn hôn chân Chúa và lấy dầu thơm mà đổ lên. Ở đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận ra hình ảnh của bí tích hòa giải: ăn năn hối cải và xưng thú lỗi lầm, đó là những điều kiện cần thiết để lãnh nhận ơn tha thứ. Thật đáng tiếc là ngày nay người ta ngại xưng tội, các cha thì ngại ngồi tòa mà giáo dân thì ngại xét mình, việc xưng tội chỉ là việc làm định kỳ 2-3 lần/ năm chứ không phải là việc tắm rửa khi bị bẩn. Ngày nay, người giáo dân được khuyến khích rước lễ (khi không phạm tội trọng) để được hưởng ơn thánh trợ giúp chống lại các cơn cám dỗ; nhưng điều nầy dễ dẫn đến một tình trạng là càng ngày người ta càng thấy tội nào cũng là tội nhẹ và rước lễ theo thói quen. Có một nghịch lý là: nếu là tội nhẹ thì càng nên rước lễ và càng rước lễ thì càng thấy mình không có tội, đúng ra hai bí tích Thánh Thể và Hòa Giải phải luôn song hành. Người ta dễ quên lời nhắc nhở của Thánh Phaolô trong thư 1Cor 11,28-29: “Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình”.
Để kết luận, xin kể một câu chuyện. Một cô giáo tiểu học rất vất vả để điều hành lớp học của mình, vì có một cậu học trò chuyên phá phách trong lớp và chọc ghẹo cô giáo, cậu xem đó như một trò chơi và làm cả lớp không thể học được. Một hôm, cậu thấy cô giáo đang ngồi trầm ngâm ở bàn giáo viên và đang ghi chép gì đó vào một tờ giấy. Cô vội cất tờ giấy vào cuốn sách trên bàn và bảo đó là một lời cầu nguyện nhưng cậu không tin. Dĩ nhiên cậu cũng tìm cách lấy được mẩu giấy đó, nhưng không thể đọc được vì viết bằng ngoại ngữ và chuyện đó cũng chìm vào quên lãng. Hai mươi năm sau, cậu học sinh ấy đã trưởng thành và làm ăn lập nghiệp, cậu đang dự tính cho một vụ làm ăn bất chính lớn, tình cờ cậu lục lọi trong phòng và tờ giấy cũ ngày xưa rơi xuống. Cậu cũng vẫn không hiểu nổi những chữ bí ẩn trong tờ giấy, cậu đưa nó cho cô thư ký và cô ta đã đánh máy lại cho ông chủ lời cầu nguyện của cô giáo năm xưa: “Lạy Chúa, con khổ tâm và cảm thấy bất lực trước người học trò hay phá phách nầy. Với tính khí nầy, cậu ấy có thể là một vĩ nhân nhưng cũng có thể là một kẻ đại bịp. Xin Chúa biến đổi lòng cậu để cậu ấy trở nên một người hữu ích”. Đọc xong lời cầu nguyện trên, cậu như choàng tỉnh khỏi dự án xấu đang mưu tính thực hiện và quyết tâm trở thành một người tốt, vì không muốn phụ lòng ao ước của cô giáo và sau đó cậu đã tìm đến thăm người cô ấy, nay đã là một người già. Người học trò ấy là Theodore Roosevelt, vị tổng thống đầu thế kỷ 20, đã đem nước Mỹ đến cường thịnh. Thế đó, nhìn ra lòng yêu mến mà Chúa và tha nhân quanh ta dành cho ta là điều rất quan trọng giúp ta sống tốt và hạnh phúc trên đời.
(Viết theo bài giảng của cha Phaolô Nguyễn Công Minh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét