Danh sách Blog của Tôi

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

CÁC THIÊN THẦN TRÊN TRỜI VUI MỪNG



Tin Mừng Luca 15,1-32 nói với chúng ta về lòng khoan dung nhân hậu của Thiên Chúa đối với các tội nhân. Khi người tội lỗi ăn năn sám hối thì các thiên thần vui mừng. Sám hối trở về là công việc xảy ra hằng ngày để trở nên hoàn thiện và nhân từ hơn theo gương Cha trên trời và theo khuôn mẫu của Chúa Giêsu đã dạy và đã sống. Người ta thường nghĩ việc ăn năn sám hối là việc chỉ xảy ra một vài lần trong mỗi cuộc đời và chỉ dành cho những tội nhân khét tiếng. Chúng ta có thể kể đến việc ăn năn sám hối của vua Đavit hay của ông Saolê (Phaolô). Đó là những cuộc trở về nổi tiếng, nhưng nơi đa số chúng ta thì chỉ có những thay đổi nhẹ nhàng để trở nên tốt hơn mỗi ngày. Có thể kể đến những tư tưởng hiền lành và khiêm nhường đã làm cho tâm hồn ta nên dễ thương và an bình hơn, một lời góp ý mang tính đạo lý quanh mâm cơm gia đình về những vấn đề cuộc sống đã làm cho hạt giống Tin Mừng nảy sinh trong các thành viên, một lời động viên ai đó làm cho họ ấm lòng, một việc bác ái nhỏ giữa đời thường.

Hãy là sứ giả hòa bình thay vì người gieo rắc hoang mang bất hòa trong môi trường mình sống. Cũng một con người Phêrô, lúc thì được Chúa khen là người có phúc vì biết nói phù hợp chân lý nhưng có lúc lại bị Chúa mắng là satan khi nói lời làm người khác hoang mang và đi lệch đường lối Chúa. Vua Đavit đã phạm tội tày đình là ngoại tình và giết người, nhưng ông chỉ nhận ra tội mình khi tiên tri Nathan nói cho biết. Bài trích sách Xuất Hành 32,7-14 nói về việc ông Mô-sê đã dùng lời nói để làm cho khuôn mặt Đức Chúa dịu lại và tha phạt cho dân Do Thái. Cha Anthony de Melo kể câu chuyện rằng: Các đệ tử tìm đến Minh Sư để học đạo, ai cũng muốn bắt chước lối sống của nhà hiền triết. Nhưng nhà hiền triết lên tiếng “nếu các đệ tử muốn nên giống như Ta thì đó là một điều tủi hổ cho cả hai”. “Vậy người ta cần minh sư để làm gì?” các đệ tử vội hỏi. Minh sư trả lời: “nước muốn được đun sôi thì cần đến cái ấm làm trung gian với ngọn lửa. Tôi chỉ là người trung gian vậy". Mỗi người hãy nâng đỡ gánh nặng của nhau bằng những lời tốt lành hơn là lời gây hoang mang và mang tính bạo lực, hãy là người trung gian giúp người khác tìm được chân lý và nhất là hãy cầu nguyện cho nhau được vững mạnh trong niềm tin vào Chúa.

Mỗi người là một tạo vật kỳ diệu trong chương trình của Chúa. Chúa mời gọi ta nên hoàn thiện theo cách thế của riêng mình, khuôn mẫu tuyệt hảo là chính Chúa Giêsu. Đừng cố nên giống một thánh nhân hay vĩ nhân nào đó, vì ta sẽ dễ thất vọng khi nhận ra những khiếm khuyết của họ và lãng phí chính ước mơ của Chúa về ta.

Đức Phanxicô nói: "Thiên Chúa không bao giờ ngừng muốn những điều tốt đẹp cho ta, ngay cả khi ta phạm tội". Đây là một điều dễ chấp nhận khi cuộc đời êm trôi, nhưng khi mang những căn bệnh nan y hay khi bị chà đạp tàn nhẫn, có những người đã mất đức tin vì thấy Thiên Chúa mãi im lặng trong lúc nạn nhân cứ quằn quại với những câu hỏi: tại sao tôi phải chịu đau khổ, đau khổ nầy lợi ích cho ai. Thánh Phêrô dạy: Những người khỏe mạnh hãy nâng đỡ tinh thần những kẻ đau yếu. Những lý lẽ của ta không thể cắt nghĩa đầy đủ về đau khổ người bệnh đang trải qua, nhưng hãy động viên người bệnh kết hợp đau đớn mình với thập giá Đức Kitô để mưu ích cho Giáo Hội, hãy nhìn lên Thập giá Đức Kitô để múc lấy nguồn sức mạnh và hãy biết rằng Chúa Giêsu đang đồng hành với họ từng giây phút.

Bài Tin Mừng Lc 15,1-32 còn nói lên một điều cũng rất khó hiểu về lòng thương xót của Chúa, đó là Ngài tôn trọng tự do của con người. Thiên Chúa luôn mong muốn điều tốt lành cho mọi người, thế nhưng Ngài chỉ biết đứng ngoài cửa và gõ, nếu ai mở cửa tâm hồn thì Ngài mới bước vào đời họ được. Đó là một điều khó hiểu đối với đầu óc chúng ta, vì Chúa là Đấng Tạo Dựng và con người chỉ là loài thụ tạo, chỉ là hạt bụi trong tay người thợ gốm. Bởi vậy hãy tạo thật nhiều niềm vui cho triều thần thiên quốc bằng những tâm tình con thảo với Chúa: tin tưởng, hiến dâng, xin lỗi và tạ ơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét