Danh sách Blog của Tôi

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2020

Bác ái trong tâm hồn


Cha Cantalamessa có một suy tư về lệnh truyền của Chúa: “Hãy yêu tha nhân như chính mình”. Khi thêm vào mấy chữ “như chính mình” là Chúa Giêsu muốn đặt chính ta trước một tấm gương soi mà ta không thể nói dối; là Chúa đã cho chúng ta một tiêu chuẩn không thể sai lầm để xác định tình yêu ta dành cho tha nhân.


Trong từng trường hợp cụ thể, chúng ta biết rất rõ thế nào là yêu mình và ta muốn kẻ khác đối xử với mình thế nào. Hãy ghi nhớ rằng Chúa Giêsu không nói: “Hãy đối xử lại với người khác như họ đã làm cho con”. Đó là điều mà luật người xưa đã dạy: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Nhưng Chúa đã dạy ta rằng: Con muốn người khác làm gì cho con thì con hãy làm cho họ như thế (Mt 7,12).

Chúa Giê su đã xem tình yêu tha nhân là “giới răn riêng của mình” và là tóm gọn cả lề luật. “Đây là giới răn của Thầy là các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu mến các con” (Ga 15,12). Nhiều người đồng nhất hóa Kitô giáo với giới luật yêu thương đồng loại và họ không hề sai lầm. Tuy nhiên, chúng ta phải cố gắng vượt qua cái bề ngoài của những vấn đề. Khi nói tới tình yêu tha nhân là tự nhiên ta nghĩ tới việc bố thí, tới những việc ta ta có thể làm cho tha nhân: cho họ ăn uống, thăm viếng họ, nói chung là việc giúp đỡ người khác. Nhưng việc giúp đỡ nầy là hiệu quả của tình yêu chứ chính nó không phải là tình yêu. Vậy trước khi làm việc từ thiện thì ta đã phải có lòng nhân ái, nghĩa là trước khi làm việc gì tốt thì đã phải có ước muốn về điều tốt.

Bác ái thì “không khoe khoang” nghĩa là phải chân thành (không giả hình: Rom 12,9); các con hãy yêu với “lòng chân thành” (1Phêrô 1,22). Thật ra ta có thể làm việc bác ái và bố thì mà không phải vì động lực tình yêu: để tạo ấn tượng, để được xem là người tốt, để đạt Nước Trời, để yên lương tâm. Một phần rất lớn của bố thí ta dành cho những quốc gia thuộc Thế Giới Thứ Ba không phải vì động lực tình yêu cho bằng để yên lương tâm. Chúng ta nhận ra sự khác biệt đáng xấu hổ giữa ta với họ và ta cảm thấy có trách nhiệm về sự nghèo đói của họ. Ta có thể thiếu tình yêu ngay cả khi “làm việc bác ái”!

Khi đưa ra sự đối nghịch giữa tình yêu thương có trong tâm hồn với những việc làm bác ái có thể gây nên một sai lầm tai hại là có khi ta chỉ dừng lại ở những ý định tốt lành với tha nhân, dùng chúng như lời biện minh cho việc thiếu những hành động bác ái cụ thể của ta.
Thánh Giacôbê đã nói: “Nếu có người trong anh em bị đói và tê cứng vì lạnh, ích gì nếu anh em lại nói với kẻ ấy: ‘Hãy đi bình an mặc cho ấm và ăn cho no’, mà anh em không cho họ gì cả”. Thánh Gioan thì nói: “Các con yêu quý, đừng yêu bằng đầu môi chóp lưỡi mà phải yêu thương cách chân thật bằng việc làm (1Ga 3,18). Như vậy, thực ra không phải là chúng ta đánh giá thấp những hành động bác ái, nhưng muốn bảo đảm rằng những hành động ấy được đặt nền tảng trên tình yêu chân thành và lòng nhân ái.

Lòng bác ái từ trong nội tâm, từ trong cõi lòng là lòng bác ái mà mọi người đều thực hiện được và luôn có thể làm được, nên nó mang tính phổ quát. Đó không phải là thứ bác ái chỉ dành cho một ít người – người giàu và kẻ khỏe mạnh – trao ban, còn những người nghèo và bệnh tật chỉ biết nhận lãnh. Mọi người đều có thể trao ban và nhận lãnh. Hơn nữa lòng bác ái này còn rất cụ thể. Nó đòi ta phải biết bắt đầu nhìn với nhãn quan mới về những hoàn cảnh và đám đông đang sống quanh ta. Nhãn quan mới gì vậy? – Rất đơn giản: đó là ánh mắt ta muốn Thiên Chúa nhìn đến ta! Ánh mắt của lòng thương xót, rộng lượng và cảm thông.

Khi ta biết nhìn với nhãn quan mới này thì dường như mọi mối quan hệ quanh ta đều thay đổi. Tương tự như có phép lạ xảy ra, mọi thành kiến và hiềm khích từng ngăn cản ta yêu mến người anh em nào đó tự nhiên tan vỡ và ta nhìn ra thực chất con người họ: một tạo vật cũng đau khổ vì những yếu đuối và những giới hạn cũng như bạn, cũng như mọi người. Chuyện ấy cũng giống như trường hợp chiếc mặt nạ mà tha nhân và những sự việc đã khoác lên khuôn mặt người anh em, giờ bị biến mất và con người đích thật của họ được tỏ lộ.

(Người viết chuyển ngữ từ bào Zenit)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét