Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Những câu chuyện được kể về cha Phaolô Nguyễn Công Minh ]




Những câu chuyện được kể về cha Phaolô Nguyễn Công Minh



Những câu chuyện về đời cha có lẽ có rất nhiều, chúng phản ánh những nhân đức Kitô giáo.  Tôi chỉ biết được rất ít và rất cần sự cộng tác của nhiều người. Chúng ta chia sẻ cho nhau những món quà thiêng liêng cha Phaolô để lại để giúp nhau sống tốt hơn và là những di sản tinh thần để lại cho thế hệ mai sau.

Cha Phaolô là người nhạy cảm về sự phục vụ và giúp đỡ người khác. Có một lần, tôi có việc ở nhà xứ, cha và cô Lệ (người giúp cha chuyện cơm nước) mời tôi uống nước đậu nành. Như thói quen ở nhà, tôi uống xong và đưa ly lại chậu ngâm cùng với vài chiếc ly khác, vì nghĩ rằng đã có cô Lệ. Một lát sau, cha rửa tất cả, và cha bảo: "cô rất dễ bị nấm tay khi tiếp xúc nhiều với nước, mình vẫn thường xuyên rửa chén bát". Tôi còn nghe biết nhiều hôm cha tự pha mì ăn và còn pha cho cô nữa vì cô cũng có lúc mệt nhọc. Cha khen chị Oanh là người hay xếp đặt sách vở trên ca đoàn 1 với một câu đầy triết lý sống: “việc phục vụ không đợi người khác phải nói ra mà còn là biết đoán trước những nhu cầu của họ”. Còn chuyện ngài hôn chân trong nghi thức rửa chân vào chiều thứ năm Tuần Thánh tôi chỉ mới được thấy cách đây chừng 5 năm; lần đầu chứng kiến tôi quá bỡ ngỡ và xúc động; lần thứ hai, tuy không bỡ ngỡ bằng, nhưng hôm đó ngài là cha chủ tế - còn có cha phó Phêrô đồng tế nữa, nhưng cha Phaolô vẫn cử hành việc rửa chân – dù rất bệnh tật, không biết do luật định chủ tế phải cử hành nghi thức này hay ngài giành lấy?
Cha Phaolô rất chăm chỉ làm việc tay chân, một phần phải vận động vì vấn đề sức khỏe, nhưng lý do chính hơn có lẽ là vì muốn nâng đỡ gánh nặng của tha nhân. Nhiều hôm cha tưới hoa và làm việc vặt trong khuôn viên nhà xứ (trong tình trạng bệnh tật) thấy rất tội nghiệp, ông chủ tịch phải can thiệp.
Cha không nói chuyện xấu của người khác và chỉ nói một chút về bệnh tật khi có người hỏi thăm. Nếu có vấn đề gì với ai, cha thường mời họ tới để gặp gỡ trao đổi. Cha không nặng lời với ai trên tòa giảng. Sau thánh lễ, đôi lúc cha cũng góp ý về một vài công việc phục vụ của hội Lêgiô hay ca đoàn với lời lẽ “không được khéo”, nhưng phải thông cảm cho cha vì những năm gần đây cha sống nhờ thuốc và thuốc tây có thể gây nên căng thẳng và ngài đang bị cơn  bệnh không ngừng hành hạ đau đớn.
Cha không loại trừ và kỳ thị ai. Cha rất có con mắt nhìn người khi chọn họ phục vụ trong những đoàn thể, nên đôi khi cha vẫn âm thầm từ chối không gọi một ai đó vào những công việc không phù hợp. Nhưng trên hết, cha rất rộng lượng: những kẻ đã bỏ việc vì bất mãn và bướng bỉnh vẫn được cha âm thầm chờ đợi nhiều năm trời, cho đến một ngày họ hối cải – muốn phục vụ lại thì cha niềm nở đón nhận, vẫn giao phó công việc phù hợp. Trong khi chờ đợi một ai đó đang đắn đo nhận nhiệm vụ, cha không đay nghiến – xì xèo to nhỏ, mà chỉ âm thầm cầu nguyện và không ngừng tác động… không hề nóng nảy hay nặng lời. Đúng là cha làm chủ được bản thân, trở nên nhỏ bé trước mặt Chúa và anh em.
Trí óc cha rất thông minh, nhưng chưa thấy ai bị cha làm cho bẽ mặt vì  lầm lẫn kiến thức và cũng chưa thấy cha khoe khoang mình học ra sao! Giỏi mà khiêm tốn thật khó dường bao. Cha chỉ nói khi cần thiết, nói rất ít và chỉ nói về những công việc mục vụ, chưa thấy cha oang oang nói về một lãnh vực nào đó để chứng tỏ sự uyên thâm của mình. Nếu có nói về người thứ ba thì đó lại là một lời khen ngợi chân thành để khuyến khích họ. Mỗi dịp tết đến hay dịp lễ quan thầy Phêrô Phaolô, trước đây mỗi hội đoàn đều đến mừng tuổi cha với một chút quà, nhưng nhận thấy sự vất vả của giáo dân, cha quyết định: chỉ cần ông chủ tịch đại diện cộng đoàn mừng tuổi hoặc mừng lễ ở nhà thờ với cộng đoàn là được, đơn giản thế thôi.
Khi nói chuyện, cha nhìn thẳng vào mặt người kia với thái độ lắng nghe hết mình, không bao giờ cha ngắt chuyện ai  mà luôn chờ cho họ nói hết câu chuyện. Cái nhìn của cha đôi khi làm nhiều người lúng túng và sợ. Nhiều người nói: cái nhìn chằm chằm là do bệnh tật, nhưng đúng hơn là do sự tôn trọng , tính mẫn cảm, tính khiêm tốn và lòng bác ái sẵn có nơi cha.
Anh Võ có nói một hình ảnh về cuộc đời cha rất hay: “Năm 11 tuổi, gia đình tiễn đưa người con thứ năm dâng mình cho Chúa trong chủng viện. Người con ấy được lãnh sứ vụ linh mục vào 24.8.1995 và được bổ nhiệm làm mục vụ tại giáo xứ Vinh Hương, và để cho bông hồng nên tươi thắm hơn, Chúa đã trao cho cha bệnh tật và dường như khi bông hồng đã trở nên rực rỡ muôn phần thì Chúa đã hái về. Chúa đã cho cha trải qua những thương đau cuộc đời, rất nhiều lần “vỡ mộng” để giúp cha từ bỏ ý riêng: mộng linh mục bay xa trong những lần giải tán 75 và 78, những ngày lận đận vật lộn với cuộc sống để duy trì ơn gọi 78-92, công việc mục vụ tại Vinh Hương trái với ước vọng công việc giáo dục của cha, cơn bệnh càng ngày càng nặng dễ làm con người thất vọng và nổi loạn với Chúa vì tương lai đen tối, ngoài ra cha cũng mang nặng những nỗi khổ tinh thần và những mặc cảm vì mình không chu toàn bổn phận, vì mang ơn nhiều người. Tất cả những đau khổ thể xác và tinh thần đó là để trui luyện niềm tin và tình yêu của Cha với Chúa nên tinh tuyền. Dĩ nhiên, Thiên Chúa không ngừng ban ơn nâng đỡ để cha không thất vọng và vấp ngã, để cha hoàn tất hiến lễ cuộc đời: hoàn toàn tín thác vào Chúa”.
Hôm cha mất, phòng làm việc của cha bị niêm phong lại, đến chiều thì cha quản hạt và cha phó mở ra để tìm di chúc: nguyện vọng của cha được chôn cất ở đâu? Tìm mãi mà chẳng có di chúc gì cả. Ai cũng cảm động, vì cha từ khước luôn cả sự chọn lựa cho mình một nơi an nghỉ sau khi chết. Được biết cha có rất ít con cái thiêng liêng và cũng chẳng có chút tiền bạc, tài sản giá trị nhất của cha bây giờ có lẽ là một chiếc xe Dream. Không di chúc, không tiền bạc và duy nhất một người con thiêng liêng… tất cả nói lên tinh thần phó thác nơi sự xếp đặt và định liệu của Thiên Chúa. Tinh thần nghèo khó và phó thác của cha còn có một khía cạnh tích cực nữa là cha luôn biết cho đi và chia sẻ hơn là vơ vét cho mình.
Thế đó, khi nghĩ về cha Phaolô, chúng ta nên tự hào về một người bạn tốt lành đã kiên trì thể hiện những nhân đức một cách anh hùng: Khiêm tốn, chăm chỉ làm việc, khoan dung và độ lượng, khó nghèo và phó thác, nhạy cảm và sẵn sàng phục vụ anh em.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét