Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Những bữa tiệc




Chúa Giêsu đã từng tham dự nhiều bữa tiệc. Trong một bữa tiệc cưới tại nhà một người biệt phái, Chúa đã quan sát thấy nhiều người tìm cách chọn cho mình một chỗ cao và trổi vượt hơn những người khác. Nhân tiện đó, Chúa dạy chúng ta hai bài học: Đừng chọn chỗ nhất và biết sống tinh thần bất vụ lợi. (Lc 14,1.7-14)
Qua nhiều câu Kinh Thánh, lòng kiêu ngạo bị lên án và đức khiêm nhường được đề cao, ví dụ như: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng và ban ơn cho kẻ khiêm nhường” hoặc câu khác “Chúa hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao những người phận nhỏ”. Đã nhiều lần Chúa Giêsu dùng những câu chuyện để đề cao nhân đức khiêm nhường, như câu chuyện người biệt phái và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện để nói rằng người khiêm tốn sẽ được hưởng lòng thương xót Chúa; Chúa đặt một em bé giữa các tông đồ để dạy các ông trở nên nhỏ bé trước mặt Chúa và anh em.
Sách GLHTCG đã nói về các đam mê như sau: “Bí tích Thánh Tẩy ban cho con người đời sống ân sủng của Chúa Kitô, nhưng vì hậu quả của tội tổ tông đã làm cho bản tính con người ra yếu đuối và hướng chiều về điều xấu (các đam mê), nên lịch sử nhân loại là một cuộc chiến đấu thiêng liêng: con người phải luôn chiến đấu để gắn bó với điều thiện hảo và chỉ sau khi hết sức cố gắng và với sự trợ giúp của ơn Chúa, con người mới đạt được sự thống nhất nội tâm” (số 405-409). Kiêu ngạo là nết xấu đứng đầu trong các đam mê con người. Từng giây phút trong cuộc sống, con quỷ kiêu ngạo luôn kích thích ta nghĩ rằng mình tài giỏi và đáng được mọi người biết đến. Đầu óc ta mơ tưởng, khuôn mặt ta phỉnh phờ, cái miệng ta bép xép những chuyện chung quy về cái ‘tôi’, dù nó được ngụy trang dưới nhiều hình thức và đề tài. Cả đến trong giấc ngủ, ta cũng có những cuộc tranh giành địa vị và mưu lược cho cái ‘tôi’ của mình được nhìn nhận. Thánh Phaolô đã từng thốt lên: “ai sẽ cứu tôi khỏi cái thân xác hay chết nầy? – Nhờ ơn Đức Giêsu Kitô Chúa tôi.”(Rm 7, 24-25), đó là ngài nói tới cuộc chiến đấu nơi bản thân giữa điều ác và điều thiện. Và ở chỗ khác Thánh nhân cũng nói: “Và để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại” (2Cor 12,7). 

Chúa dạy ta rất rõ ràng cách đối xử trong bữa tiệc cuộc đời: Đừng học tính kiêu phô trương khi làm việc lành, đừng tìm chỗ nhất nơi hội đường và các đám tiệc, ai muốn làm lớn thì hãy là người âm thầm phục vụ anh em, anh em hãy yêu thương nhau đến mức hy sinh mạng sống và rửa chân cho nhau…như Thầy đã làm gương. Chúa không dạy ta dùng mưu mẹo để được người đời tôn kính: giả bộ ngồi nơi thấp để được người khác nhắc lên cao, nhưng là một lòng khiêm tốn phát xuất từ nơi đáy lòng: khiêm tốn như Chúa Giêsu đã dạy và đã làm gương, Chúa đã hạ mình mặc phận hèn nô lệ đến nỗi chết trần trụi như một tội nhân … vì tuân phục ý Cha. Khi chung sống trong một cộng đoàn hay một tập thể, nếu ta nuôi lòng hận thù và gây tang tóc cho tha nhân thì đời ta cũng chẳng sung sướng gì, nhưng nếu ta biết mở rộng bàn tay để tạo hạnh phúc cho anh em thì những ngày lưu trú trên trần gian là những bữa tiệc của ân phúc và còn hứa hẹn một mùa bội thu rộn ràng nơi nước Trời.
Và khi đến tham dự bàn tiệc Thiên Quốc, ta cũng đừng tự hào vì công trạng mình lập được để đòi Chúa cho mình một ‘vai vế’ trọng vọng, vì thực ra ‘tay công đức của ta thì trống trơn nghèo hèn, tay tội lụy ngập tràn chan chứa, hạnh phúc nước trời là một ân ban mà ta phải reo hò mừng rỡ.
Bài học thứ hai xem ra khó thực hiện hơn: Khi mời khách dự tiệc hoặc khi làm ơn thì hãy chọn những người đui què tàn tật để họ không đáp trả được, như vậy mới được Chúa đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại. Nếu một người ngoại đạo đi lễ và nghe linh mục đọc phần 2 của đoạn Tin Mừng Chúa nhật 22 này (Lc 14,12-14), có lẽ họ sẽ mỉm cười giễu cợt, vì không thấy ai thực hành Lời dạy của Chúa một cách cụ thể, từ cấp giáo phận – giáo xứ và từng gia đình các Kitô hữu. Thực tế, nếu tôi tổ chức tiệc cưới cho con cái thì tôi sẽ mời bà con láng giềng, hầu hết họ là những người tử tế sẽ gửi quà mừng cho tôi ‘đàng hoàng’, và tuyệt nhiên trong phòng tiệc không có ai tàn tật, nghèo, què, đui mù cả. Bài Tin Mừng hôm nay là một trong nhiều nhiều đoạn Tin Mừng mà không phải ai cũng thực hành theo nghĩa đen được, nhưng là sống tinh thần Chúa dạy. Hôm nay Chúa dạy ta phải có tinh thần nào khi làm việc thiện? – Đó là sống ‘vô vị lợi’. Xã hội hôm nay, người ta đề cao lợi nhuận và phúc lợi cá nhân. Để làm việc gì, câu hỏi đầu tiên ta thường nêu lên là: tôi được lợi gì, kiếm được bao nhiêu, ai cần ai, có bõ công không, và từ đó sẽ đi đến kết luận: làm hay không làm? Nhiều khi những câu hỏi khác bị lấn át đi: việc này tốt hay xấu, làm vì tình thần Phúc Âm và được hưởng lòng thương xót Chúa hay chỉ được thiên hạ trả công?

Thánh Augustiô nói: “Hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”, là muốn dạy ta biết đặt tình yêu vào trong những công việc lớn nhỏ mình làm, vì chính men tình yêu sẽ làm cho khối bột cuộc đời nên giá trị trước mặt Chúa và con người. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy ta phải có tinh thần trong sáng khi mở miệng nói điều gì hoặc khi dự tính một công việc, coi chừng ta  hành động vì ‘cái tôi’ và vì tinh thần duy vụ lợi… nhưng biết làm mọi việc vì tình yêu Chúa và tha nhân, vì vinh danh Chúa và phần rỗi các linh hồn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét