Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Sống tích cực (2)





Đức Phanxicô đã có những cử chỉ gây ấn tượng mạnh cho thế giới như: việc ngài cúi đầu xin các tín hữu cầu nguyện cho mình trong lần xuất hiện đầu tiên sau khi được bầu làm Giáo hoàng, việc ngài rửa và hôn chân các tù nhân vào thứ Năm Tuần Thánh vừa rồi, việc ngài tự xách hành lý lên máy bay trong chuyến tông du Đại hội giới trẻ ở Brasil, và mới đây ngài ôm hôn khuôn mặt của một người bị bệnh u sợi thần kinh. Tôi muốn nói về hình ảnh ngài tự xách lấy hành lý của mình lên máy bay như một gợi hứng cho một thái độ tích cực trong cuộc sống.
Quả thực, đức Phanxicô càng ngày càng được nhân loại yêu mến, kể cả những người ngoài Kitô giáo. Ở nơi ngài, ta đọc được một sự khiêm nhường không muốn hưởng một sự ưu đãi nào về nơi ăn chốn ở và xe cộ, giống như Thánh Phaolô vẫn dệt lều vải khi bôn ba rao giảng Tin Mừng để không muốn trở thành gánh nặng cho ai. Tự tay mình làm những việc có thể làm, đó là một thái độ tích cực trong cuộc sống.
Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều khi ta muốn xã hội thay đổi nhưng chính mình lại không muốn ‘nhấc tay động chân’, vì muốn chọn ‘việc nhẹ nhàng’. Ai cũng biết ‘nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm’ nhưng việc lau nhà rửa chén không phải là việc của tôi. Ai cũng muốn là người ra lệnh mà không muốn trở nên người thi hành. Trong lúc Chúa Giêsu lại dạy: “Ai muốn làm lớn thì hãy là người phục vụ”. Ta vẫn khó chịu khi thấy người ta xả rác bừa bãi, nhưng hãy xét lại: có thể tôi không xả rác nhưng tôi đã dọn rác cho môi trường bớt ô nhiễm chưa? Tôi không ‘bép xép’ nhưng tôi có biết lái đề tài câu chuyện ‘ngồi lê đôi mách’ sang một hướng tích cực chưa, hay tôi cũng khoái nghe?
Câu chuyện 10 người phong cùi được chữa lành mà chỉ có một người ngoại giáo quay trở lại tôn vinh Thiên Chúa nói với chúng ta vài điều. Chín người Do Thái không quay trở lại vì họ nghĩ rằng họ đáng được như vậy vì họ là dân riêng, họ không cần phải tạ ơn vì đó là chuyện bình thường. Có chuyện kể rằng: Một chiếc xe Bus đã chật cứng người, một cụ già bước lên xe nhưng không còn chỗ. Một em nhỏ thấy vậy nên đã nhường chỗ cho cụ. Cụ già vui vẻ ngồi xuống ghế vì nghĩ rằng mình đáng được như vậy, chẳng biết cám ơn em nhỏ. Em nhỏ có nhân cách lớn còn cụ già cần phải học thêm để trưởng thành về nhân cách. Là những người cha mẹ, ta cứ nghĩ rằng con cái chào hỏi và cám ơn mình là điều đương nhiên, nhưng đúng ra mình cũng phải biết đáp lại lời chào hỏi đó và cũng nợ con cái lời cám ơn khi chúng làm điều gì đó cho mình, vì đó là cách giáo dục con cái. Người ta ca tụng nền giáo dục Tây phương vì đã tạo ra những con người biết cám ơn nhau về mọi điều trong cuộc sống, kể cả với những người làm cho mình bực bội, khi người kia biết nở một nụ cười và xin lỗi (nụ cười đó sẽ giúp mình đáp lại bằng một nụ cười và lòng tha thứ). Nhiều bài báo phân tích cách ứng xử của xã hội Việt Nam cho biết: người ta dễ nổi nóng và cư xử thô lỗ với nhau chỉ vì một va chạm nhỏ trong giao thông hoặc trong đời sống… vì thiếu lòng thương cảm và biết ơn. Như vậy, xét theo một khía cạnh nào đó, người ta mang tính ‘vật’ nhiều hơn tính ‘người’ khi cắn xé nhau bằng bạo lực hay bằng lời nói về những việc không đáng. 

Đức Phanxicô cảnh giác chúng ta về một lối sống khép kín trong cộng đoàn của mình, trong nhóm và gia đình mình, trong chính nội tâm của mình; phải biết mở rộng cõi lòng để có sự liên đới với các cộng đoàn và gia đình khác, vì không ai nên thánh một mình. Trong giáo dục và trong phong trào Công Giáo Tiến Hành, người ta luôn khuyến khích việc làm việc nhóm. Một người có đầu óc thông minh mà không có khả năng cộng tác với nhiều người thì thành quả của người đó không thể tiến xa. Chúng ta thấy điều đó nơi các công trình nghiên cứu văn học, y khoa và các tập đoàn sản xuất. Khi ai đó thấy một điều tốt cho nhiều người, họ phải nêu lên vấn đề cho nhiều người biết để cùng bàn bạc và hành động thì mới có hiệu quả lớn; còn nếu người đó chỉ âm thầm làm việc tốt đó thì hiệu quả sẽ rất hạn chế.

Noi gương đức Phanxicô, bạn và tôi hãy vác lấy thập giá đời mình để đừng nên gánh nặng cho ai. Đừng than thân trách phận nhưng hãy sống đạo với niềm hân hoan vui vẻ, vì Chúa đã cho mình làm người và được hưởng những gì ta đang có. Đừng chất gánh nặng cho anh em bằng những chuyện ngồi lê đôi mách, những chuyện dâm ô tục tĩu và những chuyện gây vấp ngã. Hãy trở thành những nhân tố tích cực xây dựng xã hội mình đang sống, lãnh vực tinh thần cũng như vật chất. Ngay trong gia đình, mỗi ngày hãy biết nói lời cám ơn và xin lỗi chính vợ con mình với sự chân tình của những người ruột thịt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét