Danh sách Blog của Tôi

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

Tạm biệt năm Đức Tin





Giáo hội đang sống trong tuần lễ cuối cùng của năm Đức tin và sẽ long trọng kết thúc vào chủ nhật tuần 33 TN. Riêng Giáo hội Việt Nam sẽ mừng trọng thể Lễ CTTĐVN và lễ bế mạc năm Đức Tin chung với nhau, điều nầy có một ý nghĩa đặc biệt vì CTTĐVN đã anh dũng đổ máu đào để minh chứng niềm tin của mình vào Đức Kitô, chọn Chúa là trung tâm đời mình và là gia nghiệp cao quý bội phần hơn chính mạng sống của mình.
Kết thúc năm đức tin là một biến cố gợi cho ta nhiều suy nghĩ: Tôi đã làm được gì trong năm Đức Tin, đời sống đạo của tôi và của cộng đoàn có điều gì khởi sắc không? Có lẽ không được mấy người bằng lòng với chính mình và về những thành quả tốt đẹp của cuộc sống của mình: đào sâu giáo lý, kết hợp thân tình với Thiên Chúa, thể hiện đức tin trong cuộc sống hằng ngày, nói về Chúa cho người khác – nhất là người ngoài Kitô giáo.
Quả thật, theo một đánh giá: tỷ lệ người theo đạo ở Việt Nam không thay đổi từ trên 100 năm qua. Một công ty giới thiệu sản phẩm từ hơn 400 năm nay mà tỷ lệ người mua không tăng thì công ty đó được kể là thất bại.
Có chuyện kể rằng: Có một người  công giáo muốn nói về Chúa cho một người hàng xóm là người ngoại, nhưng vì kiến thức về đạo có hạn nên mãi mà anh chưa mở lời được, một hôm anh nghĩ ra một cách là gửi cuốn sách Phúc Âm cho người hàng xóm qua đường bưu điện. Anh ta hồi hộp theo dõi diễn biến cuộc đời người kia có thay đổi sau khi được tiếp xúc với giáo lý của Chúa chăng? Nhưng thật là thất vọng vì vài ngày sau anh thấy người hàng xóm vứt sách Phúc Âm vào sọt rác trước nhà. Sau khi nén giận, người có đạo đã hỏi thẳng người hàng xóm lý do anh ta vứt sách thì được trả lời: “Tôi đã đọc sách đó hằng ngày qua cuộc sống của anh từ lâu rồi”.
Thực tế, đời sống đạo của nhiều người có đạo chưa tốt – chưa phản ảnh đạo yêu nhau: vẫn vứt rác bừa bãi – kể cả rác thủy tinh và nước thải công nghiệp, lợi nhuận làm mờ con mắt đức tin (biết bao chủ doanh nghiệp là người có đạo), gia đình lục đục vì không lo làm ăn – nhậu, đánh bạc, quan hệ lăng nhăng, bạo hành gia đình. Khi trông thấy các kitô hữu tiên khởi, các người ngoại giáo nói: “Mà những người này yêu nhau biết chừng nào! Họ không ghét nhau, không bép xép người này chống người kia”. Có nhiều người vẫn rước lễ hằng ngày, nhưng đã không xưng tội 5-7 năm nay, họ nói: “mình chẳng có tội gì cả”. Có một thực trạng đang xảy ra trong nhiều giáo xứ là mọi người đi lễ đều rước lễ hết, nhưng cả cha xứ và giáo dân đều rất ngại đến tòa giải tội… đó là một điều đáng báo động rằng “người ta đã mất cảm thức về tội” (Gioan-Phaolô 2)

Lời của TGM Amel Shamon Nona ở Irắc nói với các Giáo hội được yên ổn như chúng ta (7.10.2013): “Ở Tây phương, các bạn được hưởng bầu khí tự do vì các Kitô hữu không bị bách hại: Bởi vì họ (những người bị bách hại) không có tự do, các bạn phải sống trọn ý nghĩa của tự do; bởi vì họ không thể biểu lộ niềm tin cách công khai, các bạn phải thể hiện chứng tá niềm tin cách công khai trong xã hội các bạn đang sống; bởi vì những phụ nữ của đất nước chúng tôi không thể yên tâm khi ra khỏi nhà thì các phụ nữ Tây phương hãy làm chứng về sự tự do đích thực của người Kitô hữu. Và ĐTGM kết luận: Thánh Phaolô đã nói “ở đâu tội lỗi đầy tràn, ở đó ân sủng càng chan chứa” (Rm 5,20); cùng với Ngài, chúng tôi cũng có thể nói “ở đâu có sự bách hại thì ở đó cũng có ân sủng kiên vững trong niềm tin và nẩy sinh sự cứu rỗi”.

Đức Tin vào Đức Kitô phải là điều cốt yếu trong cuộc đời của mỗi Kitô hữu. Không phải chỉ trong năm Đức Tin chúng ta mới đào sâu và nhấn mạnh, nhưng mỗi người phải củng cố niềm tin của mình suốt cả cuộc đời. Đức tin là một hồng ân nhưng không mà ta luôn phải nài xin cho mình và cho anh em. Đức tin đó còn phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, trở nên muối men cho xã hội mình sống. Theo nhiều thống kê cho biết: thời đại ngày nay số người bị bách hại vì niềm tin lớn hơn bao giờ hết, mỗi năm trên 100.000 người, không chỉ là đổ máu mà còn là kỳ thị đủ cách. Sống chứng tá phúc âm, thể hiện tình bác ái, trở nên muối men cho đời…cũng là tử đạo hằng ngày rồi vậy.

Lời Đức Phanxicô: Đừng chôn vùi nén bạc Chúa trao xuống đất hay trong két sắt, đừng huênh hoang với những đặc sủng Chúa ban, mà hãy đem ra phục vụ cộng đoàn. Hãy sống đạo trong niềm vui, tâm tình ca ngợi và phục vụ. Một Giáo hội buồn không thể truyền giáo được. Nếu muối nhạt và men ‘thỏa hiệp’ thì chỉ còn vứt đi mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét