Danh sách Blog của Tôi

Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

Người làm công




Đó là cụm từ mà Thiên Chúa không muốn nghe. Vì không muốn nghe, nên người cha trong dụ ngôn ‘người cha nhân hậu’ (Lc 15,11-32) đã không để cho người con hoang thốt ra, dù cậu đã dọn sẵn lời thú tội. Và thật đáng buồn là cụm từ nầy lại được chính người con cả nói ra với đầy đủ lý lẽ.
Khi tạo dựng con người từ thuở tạo thiên lập địa, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh mình: có tự do và có sự sống đời đời. Loài người không phải là những con robot được lập trình để phục vụ vinh quang cho Chúa, vì thực ra vinh quang Chúa đã dư tràn và những lời ca tụng của vạn vật chẳng thêm gì cho Chúa. Chúa đã tạo dựng con người để họ chia sẻ tình yêu và chung hưởng vinh quang với Chúa, vì bản tính của Thiên Chúa là tình yêu, mà tình yêu là cho đi và đón nhận. Trong tình yêu của Chúa, con người là những hữu thể trổi vượt, có tự do và có ý thức để trao ban và đón nhận những gì nó muốn. Thuở ban đầu, địa vị con người rất cao quý và có mối quan hệ cha con với Đấng Tạo Thành, khiến muôn tạo vật phải ngước nhìn và thèm muốn. Thế nhưng ông bà nguyên tổ đã phạm tội phản nghịch Chúa, họ trốn chạy khỏi tầm mắt của Chúa vì nghĩ rằng mình quá bất xứng, nhưng trong quả tim của Thiên Chúa, họ vẫn mãi là con cái của Ngài. 

Cho dù tội lỗi  có ngập tràn, Thiên Chúa vẫn luôn là người cha không ngừng thương yêu những đứa con mình đã cho sinh ra trên trần gian nầy: con ta đã mất nay lại tìm thấy, đã chết nay đã sống lại. Khi các nhà xã hội phân tích hiện tượng tôn giáo, họ thấy các tôn giáo phát sinh là do nỗi sợ trước những thực tại mà khoa học chưa phân tích được : thần sông, thần núi, trời, thiên đàng hỏa ngục, và họ hy vọng một ngày nào đó khi khoa học tiến bộ thì chẳng còn vị thần nào tồn tại. Chính nỗi sợ và sự mặc cảm đã khiến con người muốn gọi Đấng Tạo Thành là ông chủ và mình chỉ là người làm công. Nhưng Chúa Giêsu đã nhiều lần gọi chúng ta là bạn hữu và là con của Cha trên trời : “Thầy không gọi anh em là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết (Ga 15,15). Thiên Chúa không thích chúng ta sống như một người làm công với lòng sợ sệt, với một khoảng cách vì bất xứng, không có tình yêu mà chỉ có một sự tính toán xin xỏ ơn huệ. Ngài đã ban cho ta Người Con Một đến gánh lấy muôn tội lỗi trần gian, để muôn người được trở thành con cái Thiên Chúa. Hãy sống tâm tình tri ân Thiên Chúa vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương và sống tốt mối tương giao cha con với Thiên Chúa: thân tình, mặc lấy những tâm tình của Thiên Chúa, biết thương xót  và nên hoàn hảo như Cha trên trời.

Người con cả ở với cha mình dưới một mái nhà nhưng lại không mặc lấy những tâm tình và những vui buồn và thao thức của cha : thương yêu mong chờ kẻ tội lỗi ăn năn sám hối, yêu thương hết mọi người với tình yêu không biên giới. Cậu ta sống với Cha mà cứ tính toán hơn thiệt : mình cho gì và lãnh được gì. Cậu thấy mình cho nhiều hơn là nhận lại và cậu tức tối với em mình vì nó nhận lãnh quá đáng so với tội lỗi nó gây nên. Thế đó, nhiều khi ta cũng tính toán với Chúa khi phụng thờ : ca tụng, tạ ơn là để gạ gẫm Chúa ban thêm ơn, bên cạnh đó ta dễ coi khinh người anh em vì họ tội lỗi hơn mình, thắc mắc tại sao kẻ tội lỗi lại được phồn vinh ? Thánh Phaolô dạy : “Anh em hãy mặc lấy tâm tình từ bi, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và hãy tha thứ cho nhau, nếu người nầy có chuyện phải oán trách người kia. Trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương đó là dây ràng buộc mọi sự hoàn thiện”.

Chúa muốn ta sống tâm tình người con thơ trong bàn tay cha mình.
Vậy :
Hãy phụng thờ Thiên Chúa vì đó là điều chính đáng và xin lỗi Chúa vì những sai lỗi lớn nhỏ trong cuộc sống.
Hãy ca tụng  và tạ ơn Chúa vì tình thương Chúa trải dài qua muôn thế hệ.
Và rồi hãy phó thác cuộc đời trong tay Chúa vì Ngài luôn chăm sóc muôn loài muôn vật.

Khi kể về 3 dụ ngôn của lòng thương xót: con chiên lạc, đồng bạc bị mất và người cha nhân hậu, mỗi dụ ngôn đều được kết luận: “trên trời ai nấy đều vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”. Vậy đó, tình thương đã khiến Thiên Chúa thao thức chờ đợi kẻ tội lỗi trở về để ôm họ vào lòng. Ai cũng là tội nhân, là kẻ bất xứng trước mặt Chúa, là người hẹp hòi trước tình yêu bao la của Chúa, và Chúa luôn mong chờ ta thay đổi cuộc sống. Thay đồi để nên tốt hơn qua mỗi ngày sống phải là mối bận tâm lớn của mỗi người trên cuộc hành trình dương gian nầy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét