Danh sách Blog của Tôi

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

Chuẩn mực đạo đức




Thời đại thông tin bùng nổ, các kênh truyền hình đưa lên màn hình các cuộc trò chuyện với những người nổi tiếng. Ngày 16.10.2016, Đài truyền hình VN đã trình chiếu cuộc phỏng vấn nữ diễn viên Hoàng Yến với 41 tuổi đời và 4 đời chồng. Chị đưa ra quan điểm sống của mình rất dễ dãi và thoải mái về vấn đề hôn nhân: “Tôi không nghĩ là mình thất bại trong hôn nhân, chỉ là thích thì ở không thích thì chia tay. Tôi cảm thấy lòng mình vẫn trong trắng và đáng yêu. Chẳng thà minh bạch chuyện tình yêu như tôi còn tốt hơn những người chỉ kết hôn một lần nhưng có đến cả 100 người đàn ông”.
Tôi tự hỏi lòng mình: còn đâu là chuẩn mực đạo đức? Chính những tư tưởng ‘tự do luyến ái’ quá trớn nầy đã đưa đến nhiều thảm cảnh gia đình như ly dị, phá thai, ngoại tình, sống thử, sống không kết hôn. Kitô giáo rất đề cao vai trò của gia đình như một định chế được Thiên Chúa định liệu ngay từ ban đầu công cuộc tạo dựng, là môi trường thuận lợi để giáo dục con cái và để hai người phối ngẫu được hạnh phúc. Thế nhưng, các trào lưu xã hội ngày càng trở nên điên loạn như muốn thách thức Thiên Chúa: chuyển đổi giới tính, kết hôn đồng tính, tình dục bừa bãi… 

Hơn lúc nào hết, người Kitô hữu luôn phải dựa vào giáo huấn của Tin Mừng và lời dạy của Giáo Hội để đứng vững trong cuộc đời mình, vì ‘ma quỷ như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé’ hòng lôi kéo các tâm hồn sa ngã:
- Gia đình là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ để yêu thương và tôn trọng nhau cùng giáo dục con cái. Hôn nhân thành sự có tính cách vĩnh viễn cho đến khi một trong hai người khuất bóng. Thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô 2 nói: “Xây dựng một gia đình hạnh phúc là một thành công lớn trong cuộc đời”.
- Ngài còn nói thêm : “Thành công lớn nhất của đời người là nên thánh”(Gioan phaolô 2). Chúa đã dạy: “Các con hãy nên hoàn hảo như Cha trên trời là Đấng hoàn hảo”. Ở một chỗ khác, Chúa lại dạy: “Các con hãy ăn ở nhân từ như Cha trên trời là Đấng nhân từ”.
- Điều cốt lõi của sự thánh thiện Kitô giáo là kết hợp với Chúa Kitô là cội nguồn sự thánh thiện, sống theo 8 mối phúc – đặc biệt là sống tinh thần khó nghèo, hiến thân phục vụ như Chúa Giêsu.
Trong buổi nói chuyện với giới trẻ ở Brasil, Đức Phanxicô nói với giới trẻ: “Là môn đệ Chúa Kitô, các con phải có can đảm đi ngược dòng đời. Như khi được mời tham gia một đội bóng, người cầu thủ phải tập luyện rất nhiều thì các con cũng phải tự rèn luyện khi theo Chúa Kitô. Người đương thời không thích những cam kết lâu dài mà chỉ thích những dấn thân ngắn hạn, đó là những cám dỗ mà chúng con phải vượt qua để có những cam kết trọn đời khi chọn sống đời hôn nhân hay tu trì”.
Người Do Thái ngày xưa luôn phải đối diện với cám dỗ thờ đa thần, vì họ chung sống với các dân tộc khác nên nhiễm tư tưởng của họ. Ngày hôm nay, người Kitô hữu không dễ gì bỏ Thiên Chúa của mình để thờ một vị thần nào đó, vì họ biết rõ Đức Chúa là Chúa thật trời đất, nhưng họ lại có nguy cơ không sống niềm tin của mình, họ có nguy cơ tôn thờ chính bản thân và tự do của mình. Các trào lưu trần tục như tiền bạc, khoái lạc, phóng túng … được ví như những ngẫu tượng được con người đề cao và thèm muốn từ trong vô thức. Đến một lúc nào đó, niềm tin vào Thiên Chúa và những giới luật Ngài ban trở nên xa lạ và khó chấp nhận với chiêu bài văn minh, khoa học và tự do.

Chính ĐGH Gioan 23 đã “bắt nhịp” cho Công Đồng Vatican 2 khi ngài nói: “Giáo hội luôn chống lại các sai lầm. Ngày nay, Giáo hội ưa thích dùng Biệt dược Lòng Thương Xót hơn là nghiêm khắc”. Tinh thần của Công Đồng Vatican 2 đã thúc đẩy Giáo hội mở cửa ra để đến với lương dân, gặp gỡ và đối thoại với các tôn giáo bạn, cổ vũ sự hiệp nhất các giáo phái Kitô và loại bỏ vạ tuyệt thông cho nhau, xin lỗi mọi người vì những sai lầm của Giáo hội trong quá khứ, tự mình đổi mới cho phù hợp với thời đại (aggiornamento). Ngay trong bản thân Giáo hội, nhiều người con đang mang những vết thương trầm trọng về luân lý, nên Đức Phanxicô, một lần nữa, lại kêu mời mọi người tin vào lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa và thể hiện lòng xót thương với anh em minh cách cụ thể bằng ‘thương người có 14 mối’.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét