Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017

Niềm vui Chúa Phục Sinh





Chúa Giêsu đã phục sinh. Đó là niềm vui lớn của toàn thể nhân loại và đó là cốt lõi của niềm tin Kitô giáo: nếu Chúa không phục sinh thì đạo lý Chúa dạy chỉ là một mớ lý thuyết dạy về đời sống luân lý, cả cuộc đời và ngay cả cái chết của Chúa cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều. Nhưng Chúa đã sống lại, Alleluiah!
Ta tự hỏi: Biến cố phục sinh rất huy hoàng và hoành tráng, vậy tại sao Chúa không cho nó diễn ra trước mặt nhiều nhân chứng, mà lại ẩn mình và khiến nhân loại đoán già đoán non? Cả 4 sách Tin Mừng đều diễn tả quang cảnh Chúa Phục sinh rất mơ hồ: không còn lính canh, cửa mộ mở toang, có hai thiên thần mặc áo trắng nói với các phụ nữ đến thăm mộ rằng Chúa đã sống lại, và chỉ có Tin Mừng Matthêu và Gioan là có nói đến việc Chúa Giêsu hiện ra với các bà. Ai đó đã từng nói: “rất khó để chứng minh rằng Chúa đã phục sinh, nhưng để chứng minh rằng Chúa không phục sinh lại còn khó hơn”. Quả vậy, nếu Chúa không phục sinh thì làm sao có mộ trống, làm sao có Giáo hội sơ khai, và làm sao có một Thánh Phaolô?- Ngôi mộ của Chúa Giêsu có một đội canh cẩn mật và có cảnh báo trước về việc trộm xác, thêm vào đó các môn đệ là những người quê mùa và đã mất hết tinh thần thì làm sao có thể hành động một cách anh hùng và hoàn hảo đến độ không để lại vết tích được. Còn về Giáo hội sơ khai, ta chỉ cần nêu lên hai sự kiện: sự kiện thứ nhất là ngày lễ Ngũ Tuần các môn đệ đã mở tung cửa để loan báo cho toàn dân tụ họp về Đức Giêsu bằng nhiều ngôn ngữ; sự kiện thứ hai là ông Phêrô bị bắt giam trong ngục có 4 tốp lính canh vậy mà đã thoát ra ngoài an toàn và các lính canh đều không hay biết (TĐCV 12,1-19). Còn sự đổi đời của ông Phaolô thì không ai có thể cắt nghĩa được lý do tại sao ông đang là một người hăng say đi bắt các Kitô hữu mà bây giờ lại hăng say nói về Chúa Giêsu, ông coi mọi sự là rơm rác trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô.

Dựa vào Tin Mừng Thánh Gioan, ta có thể tìm được một bằng chứng chắc chắn về biến cố Chúa Sống lại: Kinh Thánh. Ông Phêrô và ông Gioan chạy đến mồ để xem sự việc xảy ra thế nào, họ đã thấy ngôi mộ trống, thấy khăn liệm được xếp gọn gàng nhưng các ông chưa hiểu lời Kinh Thánh là Ngài phải sống lại từ cõi chết. Các sách Tin Mừng cho ta biết nhiều chi tiết trong cuộc đời Chúa Giêsu đã ứng nghiệm về lời nói và biểu tượng được ghi lại trong các sách Cựu Ước; và nhất là trong Tuần Thánh, chúng ta được nghe những lời tiên tri Isaia và Giêrêmia nói về người Tôi Tớ Giavê chịu đau khổ vì tội lỗi con người, rất nhiều điều được ứng nghiệm nơi cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Trong câu chuyện hai môn đệ trên đường Emau cũng vậy, khi người khách lạ trích dẫn lời Kinh Thánh để nói với các ông thì các lòng các ông đã bừng sáng lên vì đã hiểu được ĐỨC KITÔ PHẢI CHỊU KHỔ NẠN MỚI VÀO VINH QUANG.
 

Chúa đã Phục sinh, đó là một niềm vui lớn mà mỗi người được mời gọi làm chứng nhân theo cách của mình. Đừng để lòng mình ra nặng nề bởi chè chén say sưa và lo lắng sự đời đến nỗi không cảm nhận được niềm vui và ý nghĩa của biến cố Chúa phục sinh. Đừng mải  tìm bằng chứng nơi ngôi mộ trống, vì Chúa không còn ở đó, nhưng Ngài hẹn gặp ta nơi Thánh Thể, nơi Lời Chúa và nơi tha nhân. Mỗi giây phút hãy chăm chú đến cách ta đối xử với anh em, sống sao cho trọn đức yêu thương, vì cuối cuộc đời này chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét