Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

Quà tặng cuộc sống





Ngày 17.10.2017 vừa qua, trên sóng truyền hình VTC 14 có cuộc trò chuyện với một cô giáo được khen thưởng vì dạy giỏi môn tiếng Anh tại trường Việt Úc ở TP. HCM. Tôi không nhớ được tên và nhiều tình tiết câu chuyện, chỉ nhớ được đoạn cuối là hoàn cảnh gia đình của cô rất vất vả vì có một người con trai bị khuyết tật bẩm sinh phải chăm sóc. Và tôi chợt nhớ đến câu nói của một ai đó: “Trời không cho ai quá nhiều và cũng không cho ai quá ít”.
Tại sao trời lại không cho ai quá nhiều, phải chăng vì không muốn con người hạnh phúc ở đời nầy, vì lòng ‘trời’ eo hẹp?- Nhiều câu chuyện trong Tin Mừng nói cho ta biết rằng: hồng ân Chúa như trăng như sao tuôn đổ xuống đời mênh mang mênh mang, vì Thiên Chúa là tình yêu, một tình yêu chỉ muốn trao ban và hiến tặng.  Vậy chắc chắn Ngài có mục đích khi không cho ai quá nhiều và không cho ai quá ít, đó là vì lợi ích của con người, để họ có cơ hội tìm kiếm Ngài hơn.

Trong mỗi con người, Thiên Chúa đã gieo vào khát vọng tìm về Chân Lý, cụ thể là tiếng nói lương tâm sẽ thúc đẩy họ làm lành lánh dữ và sâu xa trong tiềm thức là những câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời: Tôi sống để làm gì, tôi sẽ đi về đâu …Qua mạc khải, người Kitô hữu đã tìm được câu trả lời cho mình: con người phát xuất từ Thiên Chúa và rồi sẽ trở về với Ngài. Thế nhưng, con người luôn bị tha hóa giữa thiện và ác, giữa chân lý và thực tại cuộc sống, khiến họ dễ lầm đường lạc lối, vì thế Thiên Chúa có đường lối của riêng Ngài.

ĐHY Fulton Sheen trong tác phẩm ‘con đường về trời’ đã phân tích: “Con người thời nay không còn ngạc nhiên về sự kỳ vĩ của vũ trụ nữa, dù đó là con đường bình thường Chúa dùng để giúp họ nhận ra Ngài, thì chính sự mặc cảm và khắc khoải nội tâm lại giúp họ tìm đến Chúa”. ĐHY nói tiếp: “Có ba loại thói xấu chất chứa trong linh hồn tựa giống như bụi bặm trên tấm kính cửa sổ, ngăn cản ơn thánh Chúa đến với nhân loại. Bụi bặm thứ nhất là xác thịt hay lòng yêu thích vô độ các sung sướng giác quan. Loại thứ hai là tiền bạc gồm cả các tiện nghi, tài sản. Loại thứ ba là kiêu căng, ích kỷ, tính phù phiếm khoe khoang. Tẩy rửa cửa sổ linh hồn cho thanh sạch là điều kiện mời Chúa đến gần hơn: "Phúc cho những ai có tâm hồn thanh sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa."

Trong mầu nhiệm thứ ba năm sự vui, chúng ta xin cho được lòng khó khăn, một cách sâu xa là chúng ta xin cho mình ít dính bén với của cải để bám chặt hơn vào Chúa. Chúa vẫn thánh hóa con người bằng những biến cố cuộc đời, đó là điều xác tín của người Kitô hữu và là điều vẫn luôn xảy ra trong cuộc đời. Vì tin rằng Chúa là người Cha nhân lành và quyền năng, luôn chăm sóc và ban cho muôn loài điều tốt lành nhất, và điều quan trọng nhất với từng người chính là phần rỗi linh hồn, người Kitô hữu biết dâng lời cảm tạ và xin vâng trong mọi hoàn cảnh cuộc sống.

Người con Chúa cũng hiểu được rằng: Chúa không ban cho ai quá nhiều để họ khỏi kiêu ngạo và quá ham mê thế sự mà quên mất Chúa, và Chúa cũng không ban cho ai quá ít: “Ơn Ta đủ cho ngươi”. Hãy học bài học luôn cậy dựa vào Chúa trong mọi hoàn cảnh, học bài học sẻ chia trong cuộc sống và biết chăm lo phần rỗi của mình cũng như của anh em như là ‘phần quan trọng nhất’ trên cuộc đời nầy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét