Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2025

Ánh Sáng Lời Chúa

 



Mỗi sáng ta thức dậy, ánh sáng bình minh le lói chiếu sáng địa cầu, giúp ta nhìn mọi vật cách sáng tỏ. TV 118 được gọi là Thánh Vịnh Lời Chúa dài đến 176 câu, câu quen thuộc nhất là: “Lời Chúa là đèn dọi bước chân con , là  ánh sáng chỉ đường cho con đi”.

 Từ trong Cựu ước, sau khi đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập, Thiên Chúa đã ban cho dân Lề luật của Người để hướng dẫn dân bước đi theo con đường Chúa muốn. Thiên Chúa giao kết rõ ràng: Chúa sẽ bảo vệ dân như con ngươi mắt Chúa, còn dân tuân giữ luật Chúa truyền. Lịch sử dân Chúa gắn liền với việc tuân giữ luật Chúa: khi họ bất trung, Chúa dường như bỏ rơi họ, đất đai bị xâm chiếm, dân chúng lưu đày, đền thờ trở nên hoang vắng. Chúa thường nổi giận khi dân thờ bụt thần dân ngoại, vì đó là tội bất trung - ngoại tình.

Chính việc Chúa ban lề luật đã làm cho dân riêng Chúa khác biệt với các dân tộc khác, điểm khác biệt lớn nhất nằm ở Lề Luật Thiên Chúa ban trên núi Si nai. Nếu phân tích một chút, chúng ta nhận thấy: 3 giới răn đầu của Thập giới hướng về Thiên Chúa (chỉ tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, không tạc tượng thần và thờ lạy nó, không kêu tên Chúa vô cớ); còn 7 giới răn còn lại hướng dẫn đời sống luân lý (giữ ngày Sa bat, không giết người, không ngoại tình, không trộm cắp, không làm chứng gian,  không ham muốn vợ và của cải người khác). Có thể nói, thập giới là bộ luật cổ xưa nhất, hợp lý nhất và hợp thời nhất, vì đến hôm nay vẫn là điểm tham chiếu cho đời sống luân lý của một xã hội văn minh.

Ngay trong ngày nhậm chức (20/1/2025), tổng thống Trump đã ký 200 sắc lệnh về luật để điều hành đất nước trong nhiệm kỳ của mình, và sẽ còn ký tiếp nữa. Bất cứ một đất nước nào cũng liên tục phải điều chỉnh sinh hoạt xã hội bằng những luật lệ các loại, nhưng rồi vẫn có những kẽ hở bị lách luật, còn luật Chúa thì bất di bất dịch cả mấy ngàn năm nay – như vậy có cứng nhắc và lỗi thời hay không?_ Thưa, luật pháp Chúa ban thì toàn thiện, bồi bổ tâm can, hướng dẫn mọi người tìm được Chân Lý, là nguồn hạnh phúc. Giáo hội vẫn có những bộ luật được điều chỉnh qua dòng thời gian, nhưng đó chỉ là những hướng dẫn thứ cấp, những quy định thấp hơn Thập giới. Chúng ta nhận ra rằng, luật lệ GH có những khoản luật phù hợp với lý trí con  người và dễ chấp nhận như tôn trọng của cải và danh dự người khác, công bình, bác ái, làm lành lánh dữ... nhưng có những luật được xã hội xếp vào loại cứng nhắc khó chấp nhận như : bảo vệ sự sống từ lúc thụ thai đến lúc chết tự nhiên, không được ly di, hôn nhân đồng tính, thụ thai nhân tạo...

Người Ki tô hữu tự hào là có một bộ luật hoàn hảo, được rửa tội, có Kinh Thánh… điều đó đúng nhưng chưa đủ. Chúa Giê su luôn nhắc ta: Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ Lời Thầy, tóm lại trong hai giới răn chính: mến Chúa và yêu người; kẻ nghe và tuân giữ Lời Chúa được ví như người khôn xây nhà mình trên nền đá vững chắc – còn kẻ chỉ thưa ‘lạy Chúa’ mà không thực hành sẽ bị Chúa chối từ: “Ta không biết các ngươi, hãy cút khỏi mặt Ta”.

Có câu chuyện kể: Có một người lạ xuất hiện trong làng, ông ta chưa kịp làm quen với dân làng thì đã bị bệnh và chết, dân làng tìm thấy một cuốn sách lạ trong hành lý ông bỏ lại – đó là cuốn Kinh Thánh, nhiều người trong làng đã đọc sách này nhưng họ không hiểu rõ những điều được ghi trong sách đó, họ mới cử một người thanh niên đi đến những làng chung quanh để quan sát cuộc sống của các làng đã đọc cuốn sách này. Sau một thời gian quan sát nhiều nơi, vị sứ giả trở về và kể lại cuộc sống của những người tiếp xúc với Sách Kinh Thánh: Có thể chia thành nhiều hạng người, có kẻ chẳng quan tâm đến sách đó, kẻ khác thì đọc sách đó nhưng cuộc sống chẳng thay đổi nhiều, có kẻ thì giữ một số điều nhưng vẫn sống tầm thường, có kẻ mộ đạo tuân giữ những lời sách Thánh dạy, và có kẻ dám chết để bảo vệ những chân lý Kinh Thánh dạy. Câu chuyện kết ở đó, không hiểu sau này làng này có theo đạo hay không.

Có câu chuyện khác kể về một người đàn ông nghiện rượu lâu năm, muốn chừa nhưng không được và đã nhiều lần bị mất việc. Anh gặp một vị tu sỹ, vị này cho anh lời khuyên: Mỗi ngày hãy đọc một đoạn Kinh Thánh. Anh ta thực hành ngay, nhưng rồi vì không có kiến thức nên anh chẳng hiểu gì cả, anh đến gặp vị tu sỹ để xin một lời khuyên khác, nhưng vị tu sỹ bảo anh: “Anh cứ tiếp tục đọc Kinh Thánh, anh không hiểu nhưng ma quỷ thì nó hiểu và nó đang run sợ đó”. Anh này tiếp tục đọc như lời dạy và anh đã bỏ được rượu.

 


Mỗi ngày, chúng ta hãy tập thói quen mở lịch Phụng Vụ và đọc kỹ 2 bài đọc được chọn cho từng ngày, ghi nhớ một câu để tiếp tục nghiền ngẫm trong ngày sống. Tốt nhất là đọc bài Tin Mừng của ngày mai trong giờ kinh tối, sau đó nghiền ngẫm ‘câu ghi nhớ’ khi chưa ngủ, nghĩ tới câu đó khi thức giấc và cầu nguyện với câu đó khi tham dự Thánh Lễ, và thình thoảng nhớ lại ‘câu ghi nhớ’ trong cả ngày sống. Lời Chúa sẽ đem lại vị ngọt cho ngày sống của bạn.

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2025

Ơn hiệp nhất

 



Hằng năm, Giáo hội dành ra 1 tuần lễ (17/1-25/1) để cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các Ki tô hữu. Chúng ta nghĩ trước hết đến các giáo phái Ki tô như Công giáo, Chính thống giáo, Tin lành, Anh Giáo, các anh em ly giáo nhỏ hơn và cả những lạc giáo. Nhưng cũng đừng quên sự chia rẽ vẫn luôn xảy ra ngay giữa lòng những giáo hội này, giữa những đoàn thể trong một giáo xứ, giữa các thành viên trong một cộng đoàn tu trì chỉ gồm 5-7 thành viên. Lời cầu nguyện xin ơn bình an hiệp nhất là một lời cầu nguyện quan trọng, rất đẹp lòng Chúa Giê su, và chỉ với ơn Chúa thì các thành viên trong một gia đình, dù nhỏ hay lớn, mới tránh được mưu chước của ác thần.

Nhìn lại lịch sử Giáo hội, chúng ta biết có 3 cuộc ly giáo lớn giữa những người tin vào Chúa Ki tô. Năm 1054 ly giáo của anh em Chính thống; năm 1516 là cuộc ly giáo của anh em Tin lành Luther, và chỉ khoảng 10 năm sau, cuộc ly khai của anh em Anh giáo với vua Enrico VIII xảy ra từ từ, vì ĐGH không chấp nhận hủy bỏ cuộc hôn nhân trước đây, để nhà vua cưới Anna Bolena, và nhà vua tuyên bố mình có quyền tối thượng trên Giáo hội tại Anh. Nhìn vào 3 cuộc ly giáo đó, chúng ta có thể nhận ra 3 nguyên nhân nổi bật dẫn đến những ly khai đáng tiếc này. Thứ nhất là do lòng kiêu ngạo : ai cũng cho rằng chỉ mình là có lý mà không khiêm tốn nhận ra rằng mình có những sai lầm cần phải sửa chữa, không có thiện chí để lắng nghe người kia, không muốn vâng phục ĐGH . Nguyên nhân thứ hai là phải kể đến là tính nóng nảy, thiếu lắng nghe và cẩn trọng trong tiến trình hỏa giải - vội ra vạ tuyệt thông cho nhau. Và nguyên nhân thứ 3 là bị những dục vọng và lợi lộc chi phối.

Từ sau Công Đồng Vaticano, công cuộc Đại kết (hiệp nhất các Ki tô hữu) đã được đề cao và các Giáo hội đã có những sự hòa giải và gần gũi đáng kể, nhất là anh em Chính Thống. Một phần là do các tổ chức gặp gỡ liên tôn, hợp tác làm việc và cầu nguyện chung, những lời xin lỗi và thăm viếng nhau của các vị lãnh đạo các Giáo hội, và quan trọng nhất là lời cầu nguyện của các tín hữu trên khắp thế giới, vì chính Chúa Giê su đã xin với Chúa Cha: Lạy Cha, con cầu xin cho các môn đệ và các tín hữu được nên một như Cha với Con là một (Ga 17,20). Giáo hội là một cơ thể sống, mỗi lời cầu nguyện ta dâng lên, tựa như một enzyme tốt lành sẽ làm cho cơ thể đó khỏe mạnh hơn, lướt thắng những mầm chia rẽ mà ma quỷ không ngừng gieo rắc trong tâm khảm mỗi người: nghi ngờ, tự cao tự đại, cố chấp, nóng nảy, ghen tương, lợi lộc… 



Khi nói đến việc truyền giáo và sự hiệp nhất các Ki tô hữu, chúng ta dễ nghĩ đến việc mình phải có kiến thức, luận lý, tranh biện để những người ‘lầm lạc’ biết họ sai lầm – từ đó họ sẽ nhận ra sự đúng đắn của Giáo hội Công giáo và họ trở về nhà. Không phải thế, việc hiệp nhất của Giáo hội hoàn vũ và của các cộng đoàn lớn nhỏ là việc của ơn Thánh, là việc của Chúa Thánh Thần. Mỗi người nỗ lực hành động trong khả năng của mình để cho ước vọng hiệp nhất của Chúa Ki tô được thành sự, và phần cốt lõi là cầu nguyện, vì chia rẽ là việc của ma quỷ - hiệp nhất yêu thương là việc của ơn Thánh. Chúa dạy : ”Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít, vậy anh em hãy xin chủ ruộng đi gặt lúa của Người”, và ở chỗ khác Chúa còn dạy: “Các con, tuy là ác, mà còn biết lấy của lành trao cho con cái, huống gì Cha các con trên trời, Người sẽ kíp ban Thánh Thần cho bất cứ ai xin Người”. Bản thân mỗi người hãy cố gắng để duy trì sự hiệp nhất yêu thương từ trong tâm trí,  trong lời nói và trong hành động, đừng gây bất hòa và chia rẽ; và luôn cầu xin ơn hiệp nhất cho mình, cho người bạn đời, cho gia đình, Giáo xứ và Giáo hội.

Vấn đề là chúng ta có còn niềm tin để cầu xin hay không! khi gặp cơn túng quẫn, chúng ta thường chạy đến Chúa để xin ơn này nọ cho bản thân và gia đình mình, mà thường quên không cầu nguyện cho những nhu cầu lớn hơn: cho danh Chúa được cả sáng, cho Nước Cha trị đến, cho ý Chúa được thể hiện trong Giáo hội- đất nước- gia đình, con cái. Khi thoát khỏi cuộc ám sát cách đây vài tháng, Tổng thống Trump có một câu nói rất đáng nhớ: Chúa đang muốn tôi sống là có lý do. Điều đáng kể là phần kết luận: tôi sẽ làm gì? - Kết luận ông Trump đưa ra là để làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại; có một linh mục sống sót sau dịch bệnh đã đưa ra kết luận: tôi sẽ đi tu để làm việc Chúa muốn; Một cô tiếp viên hàng không Mỹ nhận ra rằng: sắc đẹp tuyệt vời của mình là do Chúa ban, để rồi hiến mình giúp đỡ những người phong cùi ở VN. Mỗi người chúng ta cũng phải xác tín rằng: tôi được sinh ra đời, được sống thêm một ngày, được lành lặn thân xác và tinh thần là có lý do: khi đến trình diện Chúa, Chúa sẽ tính sổ với tôi không những về những điều xấu tôi không làm mà còn cả những điều tốt tôi đã không làm. Nhiều người có đạo chỉ mới cố gắng lánh dữ mà chưa làm điều lành. Không làm điều lành cũng là một tội: lãng phí những nén bạc Chúa giao.

Mỗi ngày sống, tôi lại lên đường. Mỗi tuần và mỗi năm, tôi miệt mài tiến bước trên con đường trọn lành. Dù mỗi lần xưng tội, toàn là tội cũ của mấy chục năm nay, Chúa vẫn vui lòng vì nhìn thấy nỗ lực của đứa con nhỏ đang lết tới Chúa, chính Chúa sẽ ra tay nâng ta đến gần Người. Hãy luôn cầu nguyện cho ơn bình an và hiệp nhất trong Giáo hội, trong giáo xứ, trong các tập thể và trong gia đình mình. Và thật tốt đẹp, hãy dâng những đớn đau vì bệnh tật để cầu nguyện cho các linh mục, người ta không thể đóng đinh Chúa Giê su lần thứ hai – họ sẽ quay sang tàn phá Hiền thê của Người là Giáo hội, trước hết là tấn công các linh mục là đại diện của Chúa Ki tô ở trần gian này.

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2025

Hôn ước




Đức Giê su, Mẹ Maria và các môn đệ có mặt tại bữa tiệc cưới ở Cana. Hội Thánh coi việc Chúa Giê su hiện diện trong tiệc cưới Cana có một ý nghĩa đặc biệt. Hội Thánh coi đó là sự xác nhận tính thiện hảo của hôn nhân và là lời loan báo rằng hôn nhân từ đây về sau là dấu chỉ hữu hiệu về sự hiện diện của Đức Ki tô (GLHTCG 1613).

Khi đọc kỹ 3 bài đọc trong phụng vụ tuần 2 TN C hôm nay, chúng ta lại thấy nổi bật lên hình ảnh của hôn ước cũ và hôn ước mới, với sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần như là nguồn sống trong giao ước mới– làm sống động Hội Thánh là hiền thê của Chúa Ki tô (Bài đọc 2) . Hôn ước cũ được ký kết tại núi Si nai, qua trung gian ông Moisê, trong giao ước đó, dân Do Thái trở thành dân Chúa chọn và Thiên Chúa trở thành Chúa họ thờ . Còn giao ước mới được ký kết bằng máu Chúa Kitô đổ ra trên núi sọ, máu đó rửa ta sạch muôn vàn tội lỗi, giao hòa nhân loại với Thiên Chúa là Cha.

Tại tiệc cưới Cana, hai nhân vật quan trọng nhất là cô dâu và chú rể không được phác họa rõ nét: họ đẹp hay xấu, vui hay buồn, nói gì… chỉ biết là họ có mặt và là trung tâm của bữa tiệc. Vậy những nhân vật ẩn danh trong tiệc cưới Cana là những ai? – Chú rể là Chúa Giê su và cô dâu là Giáo hội, chủ tiệc là Thiên Chúa Cha và rượu làm hoan lạc lòng người là Chúa Thánh Thần.

Dấu lạ đầu tiên này được thực hiện để Chúa tỏ ra vinh quang của Người và các môn đệ tin vào Người. Chúng ta nhận ra rằng đức tin của các môn đệ triển nở một cách tiệm tiến, tựa như một mầm sống, các ông nhiều lần tự hỏi: Ông này là ai mà cả gió và biển đều vâng lệnh, lời dạy thì uy quyền mà còn truyền cho cả thần ô uế cũng bị trục xuất, và khi Chúa chịu thương khó thì các môn đệ khiếp hồn bạt vía và chạy trốn… Câu hỏi ‘đối với tôi Đức Giê su là ai’ cũng phải là một câu hỏi phải thường xuyên được đặt ra trong cuộc sống của mỗi người, nó giúp ta định hướng lại mục đích sống cho cuộc đời. Chúa vẫn chăm sóc và chủ động giúp cho đức tin được triển nở trong từng tâm hồn; còn chúng ta phải chăm bón cho niềm tin của mình được lớn lên mỗi ngày, vượt qua những cheo leo thác ghềnh của cuộc sống. Mới đây trong giáo xứ tôi, có một đôi hôn phối long trọng hợp thức hóa đời sống hôn nhân của họ. Cách đây vài chục năm, họ đã làm phép chuẩn hôn phối, vì người chồng không theo đạo Công Giáo. Sau nhiều năm chung sống, nay người chồng theo đạo, có thể nói: chứng từ sống đạo của người khác cùng với hoạt động của Chúa Thánh Thần đã làm cho thửa đất tâm hồn nở hoa. Nhưng cũng đáng cho ta suy nghĩ lại khi Chúa gửi biết bao người dân ngoại đến quanh ta, nhưng họ có nhận ra nơi ta một dấu chỉ nào không?




Hôn nhân Ki tô giáo là phản ảnh hôn ước giữa Chúa Ki tô và Hội Thánh. Hai người nam nữ thề hứa với nhau 3 điều: chung thủy, yêu thương và tôn trọng nhau trọn đời. Hai người phối ngẫu được mời gọi noi gương tận hiến của Chúa Giê su vì yêu thương Hội Thánh. Thông tin trên các trang mạng xã hội kể lại những hành vi phản bội vợ chồng thường làm chúng ta xao xuyến, tạo hưng phấn cho trí tưởng tượng, đó là hiện tượng tâm hồn ta bị quỷ ám. Muốn giữ được các nhân đức, chúng ta phải gìn giữ ngũ giác (xúc giác, khứu giác, thị giác, vị giác, và thính giác) và chuyên chăm cầu nguyện. Hãy nhớ rằng: ma quỷ luôn rình rập để lừa lọc chúng ta thuận theo những hạnh phúc trần tục và tội lỗi.

Và còn một hôn ước gần gũi và quan trọng nhất, đó là mối kết giao giữa Thiên Chúa với từng tâm hồn. Qua bí tích rửa tội, mỗi tâm hồn trở thành con cái Thiên Chúa, được Chúa yêu thương che chở và dìu dắt cho tới ngày được về bên Người. Hôn ước này cũng có 2 vế: Thiên Chúa yêu từng người như một người cha, còn người Ki tô hữu thề hứa sống là con cái Chúa. Đừng nghĩ việc theo Chúa là một điều bất đắc dĩ, phải gò ép mình để vác một gánh nặng luân lý, vì sợ Chúa phạt nên cố gắng đi lễ Chúa Nhật cho yên chuyện... Đúng hơn, cuộc sống người Ki tô hữu phải tràn ngập niềm vui và hy vọng vì biết rằng Chúa luôn đi bước trước trong tình yêu, như người cha người mẹ yêu con cái mình vô vị lợi, không phải vì chúng xứng đáng - nhưng vì chúng là con cái mình, thế thôi. Chúa còn khẳng định: Người còn tốt hơn cha mẹ trần gian bội phần.

 Điều cần nhận ra là Đức Ki tô đang sống trong dòng đời, Người không ngừng yêu thương tôi và hiến mạng vì tôi. Hành trình sống đạo của tôi là sống mối tương giao thân tình đó: tôi yêu Chúa Giê su đang sống trong lòng tôi và hiện diện nơi tha nhân, tôi tìm gặp người nơi các cử hành phụng vụ và qua những lời thầm thì của người yêu nói với người yêu.