Danh sách Blog của Tôi

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2025

Ơn hiệp nhất

 



Hằng năm, Giáo hội dành ra 1 tuần lễ (17/1-25/1) để cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các Ki tô hữu. Chúng ta nghĩ trước hết đến các giáo phái Ki tô như Công giáo, Chính thống giáo, Tin lành, Anh Giáo, các anh em ly giáo nhỏ hơn và cả những lạc giáo. Nhưng cũng đừng quên sự chia rẽ vẫn luôn xảy ra ngay giữa lòng những giáo hội này, giữa những đoàn thể trong một giáo xứ, giữa các thành viên trong một cộng đoàn tu trì chỉ gồm 5-7 thành viên. Lời cầu nguyện xin ơn bình an hiệp nhất là một lời cầu nguyện quan trọng, rất đẹp lòng Chúa Giê su, và chỉ với ơn Chúa thì các thành viên trong một gia đình, dù nhỏ hay lớn, mới tránh được mưu chước của ác thần.

Nhìn lại lịch sử Giáo hội, chúng ta biết có 3 cuộc ly giáo lớn giữa những người tin vào Chúa Ki tô. Năm 1054 ly giáo của anh em Chính thống; năm 1516 là cuộc ly giáo của anh em Tin lành Luther, và chỉ khoảng 10 năm sau, cuộc ly khai của anh em Anh giáo với vua Enrico VIII xảy ra từ từ, vì ĐGH không chấp nhận hủy bỏ cuộc hôn nhân trước đây, để nhà vua cưới Anna Bolena, và nhà vua tuyên bố mình có quyền tối thượng trên Giáo hội tại Anh. Nhìn vào 3 cuộc ly giáo đó, chúng ta có thể nhận ra 3 nguyên nhân nổi bật dẫn đến những ly khai đáng tiếc này. Thứ nhất là do lòng kiêu ngạo : ai cũng cho rằng chỉ mình là có lý mà không khiêm tốn nhận ra rằng mình có những sai lầm cần phải sửa chữa, không có thiện chí để lắng nghe người kia, không muốn vâng phục ĐGH . Nguyên nhân thứ hai là phải kể đến là tính nóng nảy, thiếu lắng nghe và cẩn trọng trong tiến trình hỏa giải - vội ra vạ tuyệt thông cho nhau. Và nguyên nhân thứ 3 là bị những dục vọng và lợi lộc chi phối.

Từ sau Công Đồng Vaticano, công cuộc Đại kết (hiệp nhất các Ki tô hữu) đã được đề cao và các Giáo hội đã có những sự hòa giải và gần gũi đáng kể, nhất là anh em Chính Thống. Một phần là do các tổ chức gặp gỡ liên tôn, hợp tác làm việc và cầu nguyện chung, những lời xin lỗi và thăm viếng nhau của các vị lãnh đạo các Giáo hội, và quan trọng nhất là lời cầu nguyện của các tín hữu trên khắp thế giới, vì chính Chúa Giê su đã xin với Chúa Cha: Lạy Cha, con cầu xin cho các môn đệ và các tín hữu được nên một như Cha với Con là một (Ga 17,20). Giáo hội là một cơ thể sống, mỗi lời cầu nguyện ta dâng lên, tựa như một enzyme tốt lành sẽ làm cho cơ thể đó khỏe mạnh hơn, lướt thắng những mầm chia rẽ mà ma quỷ không ngừng gieo rắc trong tâm khảm mỗi người: nghi ngờ, tự cao tự đại, cố chấp, nóng nảy, ghen tương, lợi lộc… 



Khi nói đến việc truyền giáo và sự hiệp nhất các Ki tô hữu, chúng ta dễ nghĩ đến việc mình phải có kiến thức, luận lý, tranh biện để những người ‘lầm lạc’ biết họ sai lầm – từ đó họ sẽ nhận ra sự đúng đắn của Giáo hội Công giáo và họ trở về nhà. Không phải thế, việc hiệp nhất của Giáo hội hoàn vũ và của các cộng đoàn lớn nhỏ là việc của ơn Thánh, là việc của Chúa Thánh Thần. Mỗi người nỗ lực hành động trong khả năng của mình để cho ước vọng hiệp nhất của Chúa Ki tô được thành sự, và phần cốt lõi là cầu nguyện, vì chia rẽ là việc của ma quỷ - hiệp nhất yêu thương là việc của ơn Thánh. Chúa dạy : ”Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít, vậy anh em hãy xin chủ ruộng đi gặt lúa của Người”, và ở chỗ khác Chúa còn dạy: “Các con, tuy là ác, mà còn biết lấy của lành trao cho con cái, huống gì Cha các con trên trời, Người sẽ kíp ban Thánh Thần cho bất cứ ai xin Người”. Bản thân mỗi người hãy cố gắng để duy trì sự hiệp nhất yêu thương từ trong tâm trí,  trong lời nói và trong hành động, đừng gây bất hòa và chia rẽ; và luôn cầu xin ơn hiệp nhất cho mình, cho người bạn đời, cho gia đình, Giáo xứ và Giáo hội.

Vấn đề là chúng ta có còn niềm tin để cầu xin hay không! khi gặp cơn túng quẫn, chúng ta thường chạy đến Chúa để xin ơn này nọ cho bản thân và gia đình mình, mà thường quên không cầu nguyện cho những nhu cầu lớn hơn: cho danh Chúa được cả sáng, cho Nước Cha trị đến, cho ý Chúa được thể hiện trong Giáo hội- đất nước- gia đình, con cái. Khi thoát khỏi cuộc ám sát cách đây vài tháng, Tổng thống Trump có một câu nói rất đáng nhớ: Chúa đang muốn tôi sống là có lý do. Điều đáng kể là phần kết luận: tôi sẽ làm gì? - Kết luận ông Trump đưa ra là để làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại; có một linh mục sống sót sau dịch bệnh đã đưa ra kết luận: tôi sẽ đi tu để làm việc Chúa muốn; Một cô tiếp viên hàng không Mỹ nhận ra rằng: sắc đẹp tuyệt vời của mình là do Chúa ban, để rồi hiến mình giúp đỡ những người phong cùi ở VN. Mỗi người chúng ta cũng phải xác tín rằng: tôi được sinh ra đời, được sống thêm một ngày, được lành lặn thân xác và tinh thần là có lý do: khi đến trình diện Chúa, Chúa sẽ tính sổ với tôi không những về những điều xấu tôi không làm mà còn cả những điều tốt tôi đã không làm. Nhiều người có đạo chỉ mới cố gắng lánh dữ mà chưa làm điều lành. Không làm điều lành cũng là một tội: lãng phí những nén bạc Chúa giao.

Mỗi ngày sống, tôi lại lên đường. Mỗi tuần và mỗi năm, tôi miệt mài tiến bước trên con đường trọn lành. Dù mỗi lần xưng tội, toàn là tội cũ của mấy chục năm nay, Chúa vẫn vui lòng vì nhìn thấy nỗ lực của đứa con nhỏ đang lết tới Chúa, chính Chúa sẽ ra tay nâng ta đến gần Người. Hãy luôn cầu nguyện cho ơn bình an và hiệp nhất trong Giáo hội, trong giáo xứ, trong các tập thể và trong gia đình mình. Và thật tốt đẹp, hãy dâng những đớn đau vì bệnh tật để cầu nguyện cho các linh mục, người ta không thể đóng đinh Chúa Giê su lần thứ hai – họ sẽ quay sang tàn phá Hiền thê của Người là Giáo hội, trước hết là tấn công các linh mục là đại diện của Chúa Ki tô ở trần gian này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét