Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2025

Hôn ước




Đức Giê su, Mẹ Maria và các môn đệ có mặt tại bữa tiệc cưới ở Cana. Hội Thánh coi việc Chúa Giê su hiện diện trong tiệc cưới Cana có một ý nghĩa đặc biệt. Hội Thánh coi đó là sự xác nhận tính thiện hảo của hôn nhân và là lời loan báo rằng hôn nhân từ đây về sau là dấu chỉ hữu hiệu về sự hiện diện của Đức Ki tô (GLHTCG 1613).

Khi đọc kỹ 3 bài đọc trong phụng vụ tuần 2 TN C hôm nay, chúng ta lại thấy nổi bật lên hình ảnh của hôn ước cũ và hôn ước mới, với sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần như là nguồn sống trong giao ước mới– làm sống động Hội Thánh là hiền thê của Chúa Ki tô (Bài đọc 2) . Hôn ước cũ được ký kết tại núi Si nai, qua trung gian ông Moisê, trong giao ước đó, dân Do Thái trở thành dân Chúa chọn và Thiên Chúa trở thành Chúa họ thờ . Còn giao ước mới được ký kết bằng máu Chúa Kitô đổ ra trên núi sọ, máu đó rửa ta sạch muôn vàn tội lỗi, giao hòa nhân loại với Thiên Chúa là Cha.

Tại tiệc cưới Cana, hai nhân vật quan trọng nhất là cô dâu và chú rể không được phác họa rõ nét: họ đẹp hay xấu, vui hay buồn, nói gì… chỉ biết là họ có mặt và là trung tâm của bữa tiệc. Vậy những nhân vật ẩn danh trong tiệc cưới Cana là những ai? – Chú rể là Chúa Giê su và cô dâu là Giáo hội, chủ tiệc là Thiên Chúa Cha và rượu làm hoan lạc lòng người là Chúa Thánh Thần.

Dấu lạ đầu tiên này được thực hiện để Chúa tỏ ra vinh quang của Người và các môn đệ tin vào Người. Chúng ta nhận ra rằng đức tin của các môn đệ triển nở một cách tiệm tiến, tựa như một mầm sống, các ông nhiều lần tự hỏi: Ông này là ai mà cả gió và biển đều vâng lệnh, lời dạy thì uy quyền mà còn truyền cho cả thần ô uế cũng bị trục xuất, và khi Chúa chịu thương khó thì các môn đệ khiếp hồn bạt vía và chạy trốn… Câu hỏi ‘đối với tôi Đức Giê su là ai’ cũng phải là một câu hỏi phải thường xuyên được đặt ra trong cuộc sống của mỗi người, nó giúp ta định hướng lại mục đích sống cho cuộc đời. Chúa vẫn chăm sóc và chủ động giúp cho đức tin được triển nở trong từng tâm hồn; còn chúng ta phải chăm bón cho niềm tin của mình được lớn lên mỗi ngày, vượt qua những cheo leo thác ghềnh của cuộc sống. Mới đây trong giáo xứ tôi, có một đôi hôn phối long trọng hợp thức hóa đời sống hôn nhân của họ. Cách đây vài chục năm, họ đã làm phép chuẩn hôn phối, vì người chồng không theo đạo Công Giáo. Sau nhiều năm chung sống, nay người chồng theo đạo, có thể nói: chứng từ sống đạo của người khác cùng với hoạt động của Chúa Thánh Thần đã làm cho thửa đất tâm hồn nở hoa. Nhưng cũng đáng cho ta suy nghĩ lại khi Chúa gửi biết bao người dân ngoại đến quanh ta, nhưng họ có nhận ra nơi ta một dấu chỉ nào không?




Hôn nhân Ki tô giáo là phản ảnh hôn ước giữa Chúa Ki tô và Hội Thánh. Hai người nam nữ thề hứa với nhau 3 điều: chung thủy, yêu thương và tôn trọng nhau trọn đời. Hai người phối ngẫu được mời gọi noi gương tận hiến của Chúa Giê su vì yêu thương Hội Thánh. Thông tin trên các trang mạng xã hội kể lại những hành vi phản bội vợ chồng thường làm chúng ta xao xuyến, tạo hưng phấn cho trí tưởng tượng, đó là hiện tượng tâm hồn ta bị quỷ ám. Muốn giữ được các nhân đức, chúng ta phải gìn giữ ngũ giác (xúc giác, khứu giác, thị giác, vị giác, và thính giác) và chuyên chăm cầu nguyện. Hãy nhớ rằng: ma quỷ luôn rình rập để lừa lọc chúng ta thuận theo những hạnh phúc trần tục và tội lỗi.

Và còn một hôn ước gần gũi và quan trọng nhất, đó là mối kết giao giữa Thiên Chúa với từng tâm hồn. Qua bí tích rửa tội, mỗi tâm hồn trở thành con cái Thiên Chúa, được Chúa yêu thương che chở và dìu dắt cho tới ngày được về bên Người. Hôn ước này cũng có 2 vế: Thiên Chúa yêu từng người như một người cha, còn người Ki tô hữu thề hứa sống là con cái Chúa. Đừng nghĩ việc theo Chúa là một điều bất đắc dĩ, phải gò ép mình để vác một gánh nặng luân lý, vì sợ Chúa phạt nên cố gắng đi lễ Chúa Nhật cho yên chuyện... Đúng hơn, cuộc sống người Ki tô hữu phải tràn ngập niềm vui và hy vọng vì biết rằng Chúa luôn đi bước trước trong tình yêu, như người cha người mẹ yêu con cái mình vô vị lợi, không phải vì chúng xứng đáng - nhưng vì chúng là con cái mình, thế thôi. Chúa còn khẳng định: Người còn tốt hơn cha mẹ trần gian bội phần.

 Điều cần nhận ra là Đức Ki tô đang sống trong dòng đời, Người không ngừng yêu thương tôi và hiến mạng vì tôi. Hành trình sống đạo của tôi là sống mối tương giao thân tình đó: tôi yêu Chúa Giê su đang sống trong lòng tôi và hiện diện nơi tha nhân, tôi tìm gặp người nơi các cử hành phụng vụ và qua những lời thầm thì của người yêu nói với người yêu.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét