Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Phúc âm hóa gia đình




Chủ đề sống đạo được Giáo hội hoàn vũ hoặc Giáo hội địa phương đưa ra hằng năm là để đào sâu một khía cạnh nào đó trong kho tàng giáo lý của mình, hầu giúp nâng cao đời sống đạo của con cái mình. Có vài chủ đề rất quan trọng thường xuyên được nhấn mạnh là Thánh Thể và gia đình. Năm 2014 Giáo hội Việt Nam đưa ra cho cộng đồng dân Chúa chủ đề sống đạo: “Phúc âm hóa đời sống gia đình”. Với ý nghĩa là gia đình Kitô hữu phải được Phúc Âm Chúa Kitô biến đổi, phải là một tổ ấm yêu thương, là nơi cầu nguyện, là nơi đào luyện niềm tin cho nhau và là nơi các thành viên chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm gặp gỡ Chúa. Để mỗi thành viên ra đi khỏi nhà mình truyền bá tin vui cứu độ cho anh em mình (Giáo xứ, xã hội).
Trong Chúa nhật vừa qua 27.10.2013, Đức Phanxicô nói chuyện với các gia đình.Trong bài giảng Thánh Lễ, ĐTC đã dựa vào các bài đọc để rút ra những bài học thực tế cho đời sống gia đình, đó là gia đình cầu nguyện, gia đình bảo tồn đức tin và gia đình sống niềm vui. 

[Gia đình cầu nguyện. Nhiều người xem việc cầu nguyện là việc cá nhân,  người khác lại cho rằng không có thời giờ. Đúng thế, nhưng vấn đề ở đây là khiêm tốn, nhìn nhận rằng chúng ta cần Thiên Chúa, giống như người thu thuế và cần có sự đơn sơ! Cùng nhau đọc kinh “Lạy Cha” quanh bàn ăn, ta có thể làm được. Và cầu nguyện chung với kinh Mân Côi trong gia đình, đó là điều thật đẹp và mang lại bao nhiêu sức mạnh! Và cầu nguyện cho nhau! Chồng cầu cho vợ, vợ cầu cho chồng, cả hai cầu cho con cái, và con cái cầu cho cha mẹ, ông bà. Cầu nguyện cho nhau, đó là cầu nguyện trong gia đình, và điều làm cho gia đình mạnh mẽ chính là lời cầu nguyện.

Bài đọc thứ hai gợi cho chúng ta một điểm khác nữa: gia đình gìn giữ đức tin. Thánh Phaolô Tông Đồ, vào cuối đời, đã làm một bản kết toán cơ bản: “Tôi đã bảo tồn đức tin” (2 Tm 4,7). Nhưng làm sao bảo tồn đức tin? Không phải trong một tủ sắt! Không phải chôn vùi đức tin dưới đất, như người đầy tớ lười biếng. Phải chăng chúng ta giữ đức tin cho mình, trong gia đình chúng ta, như một tư sản, hay chúng ta biết chia sẻ đức tin bằng chứng tá, bằng sự tiếp đón, cởi mở đối với tha nhân? Các gia đình Kitô là những gia đình thừa sai, trong đời sống hằng ngày, làm những công việc hằng ngày, đặt muối và men đức tin trong mọi sự!

Hỡi các gia đình thân mến, anh chị em biết rõ điều này: niềm vui chân thực mà ta nếm hưởng trong gia đình không phải là một cái gì hời hợt, không đến từ sự vật, từ những hoàn cảnh thuận tiện. Thiên Chúa là nguồn mạch vui mừng và an bình. Chỉ mình Thiên Chúa biết kiến tạo sự hòa hợp giữa những khác biệt. Nếu thiếu tình thương của Thiên Chúa, thì cả gia đình cũng mất đi sự hòa hợp, và thái độ duy cá nhân chủ nghĩa sẽ trổi vượt, và niềm vui bị tắt lịm. Trái lại, gia đình nào sống niềm vui đức tin thì tự nhiên cũng thông truyền niềm vui đó, là muối đất và là ánh sáng thế gian, là men cho xã hội].


Căn bệnh ung thư luôn làm cho mọi người sợ hãi. Ung thư (cancer) là tên dùng chung để mô tả một nhóm các bệnh phản ảnh những sự thay đổi về sinh sản, tăng trưởng và chức năng của tế bào. Các tế bào bình thường trở nên bất thường (đột biến) và tăng sinh một cách không kiểm soát, xâm lấn các mô ở gần (xâm lấn cục bộ) hay ở xa (di căn) qua hệ thống bạch huyết hay mạch máu (internet). Có một câu định nghĩa rất hay về gia đình: “Gia đình là tế bào căn bản của xã hội và Giáo hội”. Hơn bao giờ hết, thời đại chúng ta phải chứng kiến sự thất bại của biết bao gia đình. Biết bao nhiêu hội nghị và thông điệp về gia đình đã được công bố qua các thời đại, điều đó cho thấy sự quan trọng của tế bào căn bản nầy. Vậy mà trong thực tế, nhiều xã hội dân sự đã chạy theo thị hiếu của một số người để chống lại những giá trị căn bản của gia đình: chung thủy, đơn nhất, kết hợp một nam một nữ, sinh dưỡng và giáo dục con cái. Thật là thảm hại cho con người thời đại khi họ chạy theo lối sống hưởng thụ và tiền bạc mà coi thường tình nghĩa vợ chồng, người mà mình đã thề hứa ‘nên một xương một thịt cho đến đầu bạc răng long’.
Mới đây, Đức Phanxicô nói với chúng ta một điều quan trọng là đừng làm mất cân bằng trong cách đề cập đến các vấn đề: “Nếu một linh mục nói tới hôn nhân đồng tính nhiều mà ít khi đề cập đến sự thánh thiêng của hôn nhân Kitô giáo thì đó là một sự mất cân đối”. Hãy để ý đến những đề tài chúng ta thông tin cho các thành viên trong gia đình: cố gắng đề cao điều cao đẹp thì tốt hơn là nói nhiều về những điều xấu xa của cuộc sống. Chúng ta không trốn chạy thực tế cuộc sống, nhưng cũng cần phải cảnh giác những con số thống kê về các vấn đề xã hội, nhiều khi những con số chỉ là những đòn ‘tung hỏa mù’ của ma quỷ. Đức Phanxicô còn nói: đời sống gia đình phải biết sử dụng 3 từ “Xin vui lòng, cám ơn và xin lỗi”; ngài còn nói thêm: cuộc sống gia đình không tránh khỏi những va chạm, nếu cần thì bát đĩa cứ bay, nhưng đừng giữ cơn giận với nhau khi mặt trời đã lặn.
 
Đức Gioan Phaolô 2 nói một câu bất hủ về gia đình: “Xây dựng một gia đình thánh phải là một chỉ tiêu lớn trong cuộc đời các con”. Đúng vậy, chỉ tiêu nầy lớn, vì nó đem lại lợi nhuận cho cả đời nầy và đời sau. Để hoàn thành chỉ tiêu nầy, mỗi thành viên trong gia đình phải góp công sức của mình vào mới được!

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét