Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

Dụ ngôn tiệc cưới




Chúa Giêsu đã dùng nhiều hình ảnh để nói về Nước Thiên Chúa. Chúng ta có thể kể đến như: ví dụ hạt cải và men trong bột, người gieo giống, đồng bạc đánh mất, những người thợ làm vườn nho, lưới cá thả xuống biển, tá điền thuê vườn nho...Nước Thiên Chúa ở đây được hiểu là thời đại Thiên Sai, là Giáo hội do Chúa Giêsu quy tụ quanh bàn tiệc Thánh Thể và là hạnh phúc thiên đàng. Mỗi ví dụ về Nước Trời nói lên một khía cạnh nào đó trong một bức tranh quá tuyệt diệu mà đôi mắt phàm nhân của con người chưa từng chiêm ngắm. Xin Chúa cho con hiểu những vị ngọt của Nước Thiên Chúa qua dụ ngôn tiệc cưới Chúa dạy hôm nay.
Trong dụ ngôn tiệc cưới có nhiều hình ảnh nổi bật: Thiên Chúa mời gọi trước một số người nhưng họ lại coi thường lời mời đó vì những tham lam của cải và những bận tâm về cuộc sống, có kẻ lại còn giết chết sứ giả; nhà vua đã nổi cơn thịnh nộ sau khi thời hạn mời gọi đã kết thúc và đã chứng kiến sự kiên quyết chối từ của những người bỏ qua tình thương bao dung của Ngài; tiếp đó, vì không thể để uổng phí những ân lộc đã dọn sẵn và để vui thỏa niềm vui của chính mình, ông chủ mời gọi đủ hạng người vào dự tiệc cưới và phòng tiệc đã đầy người, một món quà nhưng không mà ông chủ đã rộng rãi tặng ban; thế nhưng, có oan uổng quá cho một người đi đường vì nể lời mời của vua mà vào dự tiệc với chiếc áo không đẹp chăng? 

Dụ ngôn này Chúa trực tiếp nói với các thượng tế và kỳ mục, nên điểm nổi bật chính là sự từ chối của những kẻ được mời. Quả vậy, khi ông Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu kêu gọi sự thống hối để đón nhận Đấng Cứu Thế thì các thượng tế và kỳ mục là những người có phản ứng tiêu cực nhất, họ không ăn năn và thay lòng đổi dạ đã đành mà còn treo Con Thiên Chúa lên cây thập giá. Sau đó, bữa tiệc nước trời được dành cho mọi nước mọi dân (Mt 28,19). Mặc dầu các đầy tớ của vua tha thiết mời gọi, nhưng con người vẫn có quyền tự do quyết định vào hay không vào phòng tiệc, đã vào thì phải có thái độ và y phục xứng hợp với niềm vui của nhà vua, bởi đó nhà vua đã ra lệnh phạt nặng kẻ không mặc y phục lễ cưới. Khi tham dự bữa tiệc Thánh Thể, hãy dọn mình cho xứng đáng, kẻo rước lấy án phạt: nhiều người đã ly dị và đang bồng đèo thế nhưng họ vẫn rước lễ; nhiều người nói chuyện ồn ào trong thánh lễ nhưng vẫn chịu lễ cách vô ý thức. Còn khi tham dự bàn tiệc thiên quốc, con người không còn cơ hội để thay đổi y phục là tình trạng tâm hồn nữa, họ sẽ trải qua cuộc phán xét riêng để chịu thưởng phạt. Phúc cho kẻ nào đã trang bị cho cuộc đời mình chiếc áo bác ái, yêu thương, tử đạo: “Thiên Chúa không thương xót kẻ không biết thương xót, còn ai yêu thương thì coi thường việc xét xử” (Giacôbê 2,13).
Đức Phanxicô luôn nói về niềm vui của những kẻ được đón nhận niềm tin vào Đức Kitô, niềm vui đó không phải là giả tạo nhưng là niêm hạnh phúc đích thực vì được làm con cái Thiên Chúa, vì biết rõ đích đến của cuộc sống là hạnh phúc thiên đàng: Giáo hội chỉ có thể truyền giáo khi các Kitô hữu biết sống niềm vui. Đức Thánh Cha cũng khuyến cáo về sự tham lam của cải và quyền lực luôn cám dỗ con người khước từ sứ điệp Tin Mừng. Thánh Phaolô nói: “Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô” (Galat 3,26-27). 

Nói tóm lại, bài Tin Mừng nói lên rằng đời sống ân sủng do Đức Giêsu tái lập trong giao ước mới trước hết được dành cho dân Do Thái là dân riêng Chúa chọn, nhưng sau đó cũng được dành cho các dân ngoại trên khắp địa cầu. Được lãnh nhận đức tin và gia nhập Giáo hội là một hồng ân Chúa ban mà mỗi ngày ta phải dâng lời cảm tạ. Người Kitô hữu đã chết một lần với tội lỗi khi lãnh bí tích rửa tội, nhưng mỗi ngày còn phải cố gắng để nên thánh thiện hơn phù hợp với lời dạy của Tin Mừng, và chấp nhận cuộc thanh luyện cuối cùng là cái chết để tham dự bữa tiệc thiên quốc cách trọn vẹn vì được chiêm ngắm Thiên Chúa trực tiếp, diện đối diện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét