Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

NGƯỜI ĐI LẠC ĐƯỜNG.



Linh mục Nhân Tài có kể một câu chuyện:

            Có một người lần đầu tiên đi săn và bị lạc trong rừng sâu, đi rất lâu mà vẫn không tìm được đường ra. Đột nhiên anh ta nhìn thấy trong rừng cây phía trước có một người đi ra, anh ta rất mừng chạy đến ôm chầm lấy người ấy, phấn khởi nói to: “Tạ ơn trời đất, tôi bị lạc ở đây đã hơn một ngày rồi, nhìn thấy anh thì tôi phấn khởi”. Không ngờ người ấy lạnh lùng nói: “Có gì mà phấn khởi chứ, tôi bị lạc ở đây đã hơn một tuần rồi”.

            Suy tư:
            1.Người đi săn vì ham đuổi theo con mồi mà quên mất đường về…Có người bận ‘đi săn’ con mồi danh vọng, con mồi quyền lực trong xã hội, thế là họ bị danh vọng quyền lực che lấp đường đến nhà thờ. Có người ham đuổi theo con mồi tiền tài, thế là tiền tài làm cho họ mờ mắt không còn thấy con đường đến với Chúa nữa. Có người ham đuổi theo con đường xác thịt hưởng thụ, làm cho tinh thần và thể xác mất đi sinh khí thần thiêng, thế là họ quanh co trong chốn hồng trần trụy lạc – không có lối ra.

            Lời Chúa là cái la bàn của người Kitô hữu, Lời Chúa dạy ta tìm kiếm danh vọng đích thật là sự khiêm tốn, dùng tiền tài để mua lấy nước trời, tìm kiếm sự thanh cao của các thiên thần.(hết trích).

            2. Chuyện kể rằng: ngày xưa, ở trung tâm thành phố Luân Đôn có treo một chiếc đồng hồ rất lớn để mọi người biết giờ, và cũng mỗi buổi trưa tiếng chuông Truyền Tin của nhà thờ lớn cũng vang lên lúc 12g. Một hôm ông từ nhà thờ tìm đến sở Bưu Điện để chỉnh lại giờ cho chính xác thì được trả lời: “Mỗi ngày tôi cũng chỉnh đồng hồ Bưu Điện theo tiếng chuông của bác”. Thế mới hay người ta thường dựa dẫm nhau chứ không có một chuẩn mực nào cả.
Nhìn vào cuộc sống, đôi lúc ta thấy câu nói của Aristote: “Con người là một hữu thể xã hội” rất đúng. Người ta cứ theo nhau mà làm điều nầy điều nọ dù thấy không hợp lý, nhưng không dám làm khác đi vì sợ bị chê cười: “cóc đua thì nhái cũng đua”!
Này nhé, thử nói về cách ăn mặc của một số chị em. Một số chị em khi thân hình thon trẻ thì không mặc đầm, nay đã già khụ (U 60) lại tranh thủ cho hợp với thời đại, dù thân hình bây giờ thật không phù hợp với loại y phục nầy, thay vì che bớt thì lại bày ra những khiếm khuyết của cơ thể mình cho thiên hạ được tường!

Rồi thử nói về vấn đề các loại tiệc tùng: đám tang, đám cưới, tân gia, giỗ chạp, rửa tội, thôi nôi… của đáng tội là tiệc càng ngày càng lớn, ai sao mình vậy và chẳng ai chịu lép vế ai. Riêng về đám tang thì các linh mục đôi khi cũng lên tiếng: “Bớt ăn uống đi. Có vui vẻ gì đâu mà ăn. Cũng có ăn, nhưng chỉ dành cho bà con ở xa”. Ấy thế mà bây giờ một số giáo xứ, người ta ăn trong những ngày canh thức đã đành, người ta còn ăn 20 – 30 mâm khi đưa tang về, và còn ăn cả chục mâm sau lễ tuần 7. Tuy chẳng vui vẻ gì, nhưng gia chủ thì tha thiết mời, người được mời cũng nể mà đến cho đông đủ… tất cả cũng chỉ vì sợ người ta cười! Điều nguy hiểm là Bệnh “sợ tiếng cười và sĩ diện” lại là một bệnh hay lây. Đôi lúc tôi nghĩ: người Việt Nam mình nghèo vì chuyện ăn uống và bệnh tật nhiều cũng là do ăn nhiều thứ sơn hào hải vị ẩn chứa nhiều hóa chất của những bữa tiệc. (Suy tư 2 là của người lữ hành).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét