Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Luật yêu thương




Thời sự xã hội và Giáo hội đang nóng lên vì những người Hồi Giáo quá khích Boko Haram (ở Nigiêria) và IS (ở Iran – Syria). Đức Phanxicô kêu gọi thế giới và nhất là cộng đồng Châu Âu đừng làm ngơ trước sự hoành hành và lớn mạnh của những lực lượng nầy, mỗi cá nhân và cộng động phải tích cực tìm ra những biện pháp để các tôn giáo cùng chung sống hòa bình, những biện pháp tối ưu là cùng cầu nguyện và thông qua các đàm phán, vì chiến tranh chỉ đem đến giết chóc và hận thù. Thế nhưng, hiện nay, những cuộc không kích của các nước Mỹ - Pháp – Anh đang diễn ra trên những vùng đất mà lực lượng IS chiếm đóng.
Ngày xưa, thánh Phêrô cũng đã từng rút gươm ra để bảo vệ Chúa Giêsu, nhưng rồi Chúa bảo ông “hãy xỏ gươm vào vỏ, ai dùng gươm sẽ chết vì gươm”. Thánh Phêrô đã hành động vì lòng nhiệt thành với Chúa, nhưng theo kiểu tính toán của con người. Thời trung cổ, Giáo hội đã tổ chức nhiều cuộc thánh chiến, dùng chiến tranh để giải quyết những xung đột về vùng đất Thánh; nhưng kể từ thời Đức Phaolô VI đến nay, Giáo hội đã không ngừng đẩy mạnh việc hòa giải và hòa hợp với các tôn giáo, đã nhiều lần hối lỗi vì những lỗi lầm trong quá khứ. Nhiều người đã đặt câu hỏi về Đức Piô XII: “Giáo hội ở đâu khi nạn diệt chủng người Do Thái do Đức Quốc Xã chủ trương đang diễn ra?”- Những tài liệu đã cho biết rằng: Giáo hội đã mạnh mẽ can thiệp bằng văn thư và biện pháp cứu giúp nhiều người Do Thái được trốn thoát.
Cuộc sống thường không tránh khỏi sự va chạm đất đai với người khác, khi họ vượt qua sự tự trọng để tham lam lấn chiếm thêm một chút đất chung làm của riêng. Trường hợp như vậy, nếu mình không lên tiếng là hèn nhát, nhưng đấu tranh thế nào cho hợp tình hợp lý và hợp với giáo lý Chúa dạy? Đôi khi ta thoáng nghĩ: người Kitô thấm nhuần giáo lý sẽ trở nên nhu nhược và hèn yếu trước thế gian, vì đạo Chúa dạy ta phải tha thứ và không được trả thù, phải thực thi bác ái, đừng chống cự với người ác mà phải trốn chạy sang thành khác khi bị bắt bớ ở thành nầy. Thầy chí Thánh đã bằng lòng chịu chết treo trên thập tự mà vẫn tha thứ giữa những tiếng thách thức xuống khỏi thập giá để người khác tin. Thánh Phaolô đã ca tụng đức mến như một điều rất cần thiết của đời sống đạo: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật” (1Cor 13,1-6).

Thế nhưng, học thuyết xã hội của GHCG dạy ta phải dấn thân xây dựng trái đất nầy cho công bằng, bảo đảm công lý và tình thương, tôn trọng phẩm giá con người và hợp tác giữa các dân tộc; Chúa còn dạy ta phải biết sửa lỗi người anh em, chứ không phải hoàn toàn chịu đựng mọi sự xảy đến như là thánh giá Chúa gửi cho mình… vì như thế sẽ giống như người lính đầu hàng trước khi nổ súng và có thể nói ở đâu có người Kitô thì ở đó chỉ có cam chịu và bất công. Nhưng cách đấu tranh của người Kitô hữu luôn được thực hiện bằng con đường cầu nguyện và đối thoại, khác với cách của người đời là dùng thủ đoạn, bạo lực, chiến tranh và hận thù.

Đối với người Kitô hữu, lề luật tối thượng là tôn thờ Thiên Chúa, bảo vệ sự sống của mình và anh em, của cải vật chất không quan trọng bằng gia tài vĩnh cửu trên trời. Dựa vào thứ tự ưu tiên nầy, ta nhận ra có nhiều sự việc xảy ra thật ra không đáng cho ta bận tâm một cách quá đáng dẫn đến việc mất đức bác ái và có tính cách trả thù. Như vậy, để bảo vệ tài sản mình, người Kitô sẽ dùng đến phương pháp ôn hòa là cầu nguyện, đối thoại và nhờ luật pháp can thiệp, nếu không đạt mục đích thì đành chịu thua thiệt chứ không được trả thù và ghen ghét kẻ làm khốn mình. Các Thánh Tử Đạo đã cam lòng chịu chết mà không oán hận, các tín hữu Irăk đã trốn chạy khỏi các thành phố để tránh bị giết hại, trong lúc luật công bằng cho phép họ trả thù tấn công những kẻ làm khốn mình. Trên truyền thông, chúng ta không đọc được một lời kêu gọi chiến tranh nào của các vị mục tử ở Irăk.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét