Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

Quả phúc trường sinh




Năm Phụng vụ mới đã bắt đầu. Thật là tốt đẹp nếu mỗi người biết dừng chân để định hướng lại một lần nữa con đường tâm linh mình cần phải trải qua: sự thánh thiện của Kitô giáo hệ tại điểm nào, làm thế nào để được trường sinh?

Trong Tây Du Ký, có kể lại sinh hoạt của bầy khỉ ở Hoa Quả Sơn: một hôm con khỉ già lăn đùng ra chết, những con khỉ khác liền suy ra mình cũng sẽ chết, và thế là Tôn Ngộ Không nảy ra ý định lên đường tìm phương thuốc để được trường sinh bất lão, và đã có lần nó xâm nhập thiên cung để trộm quả đào tiên. Con người mọi thời đều gắng tìm phương thuốc ‘trường sinh bất tử’, nghĩa là sống mãi mà không phải chết, nhưng rốt cục ai cũng phải đi đến nấm mồ. Kitô giáo đã lý giải được khát vọng trường sinh với những mạc khải của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể làm người để cứu loài người khỏi chết: sự sống thay đổi chứ không mất đi và khi nơi nương náu ở trần gian bị hủy diệt tiêu tan thì họ lại được một chỗ cư ngụ trên trời. Sứ điệp “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” luôn vang vọng trong suốt năm Phụng Vụ, nhất là trong Mùa Vọng.

Thời Cựu Ước, trong biến cố lụt Hồng Thủy, khi ông Noe đóng tàu theo lệnh Chúa, thì dân chúng cứ lo cưới vợ gả chồng, mãi cho đến khi gia đình ông cùng với các thú vật lên tàu thì họ cũng không bận tâm giũ mình khỏi những bận tâm cuộc sống… Đúng là họ không tỉnh thức, không bỏ đàng tội lỗi và Thiên Chúa đã dùng lụt Hồng Thủy để tẩy rửa địa cầu. Còn dân thành Ninivê thì khác, khi nghe tiên tri Giona loan báo về đại họa sắp giáng xuống thành thì họ đã ăn chay, mặc áo nhặm, thay đổi lối sống và Thiên Chúa đã thay đổi ý định.
Thời Tân Ước, khi ông Gioan Tẩy Giả đến rao giảng sự sám hối sửa đường cho Chúa ngự đến thì có nhiều người thực lòng sám hối, nhưng có nhiều kẻ vẫn cứng lòng trong tội lỗi. Và khi Chúa Giêsu rao giảng sự sám hối – tin vào Tin Mừng thì cũng có những kẻ cứng đầu không muốn thay đổi, Chúa đã phải khóc thương thành Giêrusalem và chúc dữ cho nhiều thành đã không thay lòng đổi dạ. Ví dụ tiệc cưới đã nói lên tình trạng dửng dưng của con người với bàn tiệc Nước Trời.

Thay đổi cuộc sống là điều cần thiết để đổi mới đời sống tâm linh để nó không ngừng được lớn lên. Trong cơ thể con người và cây cối, mỗi ngày đều có những tế bào bị chết đi nhường chỗ cho những tế bào mới được thay thế. Mỗi ngày sống là một cuộc hành trình mới, mỗi năm mới lại là một quãng hành trình mới trên con đường tìm đến Chân Thiện Mỹ: sống ơn gọi nên thánh. Đức Phanxicô nói với ta rằng: Đừng để mình bị cám dỗ rằng ơn gọi nên thánh chỉ dành cho một số người thoát ly khỏi công việc bận bịu hằng ngày để chuyên chăm cầu nguyện, mọi người đều được mời gọi nên thánh bằng chính cuộc sống mình đang sống, mỗi ngày tiến lên một chút khi ta không nói xấu ai đó, khi ta cùng nhau cầu nguyện, khi người cha kiên nhẫn nghe con mình tâm sự, khi vợ chồng chăm sóc nhau, khi ta nâng hồn lên với Chúa bằng một lời cầu nguyện tắt.
Có những lúc khó ngủ, rảnh ít phút hay chờ đợi ai đó, những lời nguyện nho nhỏ rất phù hợp và mang lại an bình cho tâm hồn, ví dụ như:
Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa.
Chúa là gia nghiệp đời con.
Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con.
Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy.
Lạy Chúa, Lạy Thiên Chúa của con.

Sự thánh thiện là một hồng ân Chúa ban cho kẻ tin vào Ngài, nhưng cũng có phần cộng tác đáng kể của con người: mỗi người sẽ chịu xét xử tùy theo việc đã làm (Kh 20,13). Sự thánh thiện không phải là cái gì chúng ta tự tìm cho mình, hoặc là điều chúng ta đạt được nhờ những đức tính và khả năng của chúng ta, nhưng là sống trong tình hiệp thông với Thiên Chúa, và ân sủng Chúa sẽ biến đổi tất cả. Ai mở cửa lòng mình cho Chúa, họ sẽ tìm được phúc lộc thọ và tìm được phương thuốc trường sinh.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét