Danh sách Blog của Tôi

Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

TÔI XIN CHỊU TRÁCH NHIỆM




Tôi đã hai lần được nghe câu nói nầy từ miệng của một vị ân sư của gia đình LBTBMT, đó là cha Augustinô Hoàng Đức Toàn. Cả hai lần tôi đều rất cảm kích sự can đảm và trong sáng của một tâm hồn và của một người thầy. Câu nói trên như một bảo chứng cho những điều được nói ra.

Lần thứ nhất, câu nói đó được nói với tôi (tuy là chuyện riêng tư, nhưng cũng không đến nỗi là một bí mật). Vào khoảng năm 1990, tôi nhờ cha giáo làm linh hướng cho mình trong giai đoạn khủng hoảng ơn gọi. Sau những đợt tĩnh tâm, cầu nguyện, chuyện trò và trả lời những bản trắc nghiệm, cha nói với tôi: “Con hãy về lập gia đình, cha chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về quyết định nầy”. Trước đó tôi đã cầu nguyện: “xin Chúa nói qua cha linh hướng”, nhưng tôi không ngờ cha Augustinô lại có một lời nói mạnh mẽ và quả quyết đến như vậy! Xin cảm ơn cha giáo về sự can đảm, tình thương và sáng suốt.

Lần thứ hai xảy ra vào năm ngoái (2013), trong tiệc cưới của con gái anh chị Minh Lương, cha Augustinô được mời lên nói vài tâm tình, ngài nói: “Tôi xin mách cho hai con một bửu bối để giữ cho gia đình mãi hạnh phúc, đó là cùng nhau đọc kinh chung hằng ngày. Nếu đã làm như vậy mà gia đình còn không hạnh phúc thì tôi xin chịu trách nhiệm, dù cho đã ở bên kia thế giới!”. Tưởng như một câu nói đùa, nhưng nghĩ lại thì đây là một lời nói được bảo chứng bằng tinh thần trách nhiệm cao độ.

Khi nói về tinh thần vô trách nhiệm, người ta thường nghĩ đến ông Philatô. Trong cương vị của mình, ông nầy có toàn quyền xử lý vụ án Chúa Giêsu, nhưng ông sợ quyết định của mình ảnh hưởng đến địa vị, nên đã rửa tay trước công chúng: ta vô can về vụ kết án người nầy. Người ta cũng thường nói đến sự phủi tay của Cain trước vụ giết hại em mình là Abel, rồi vụ bán ông Giuse sang Ai Cập của 10 anh em con ông Giacop. Hằng ngày, các phương tiện truyền thông kể đủ thứ chuyện về bệnh vô cảm (vô trách nhiệm) của con người: phá thai, giết người cướp của, nạn nô lệ mới trên toàn cầu, bạo lực của các nhóm hồi giáo quá khích, nạn rác thải và gây ô nhiễm môi trường, hôi của khi người khác gặp tai nạn, buôn bán vũ khí và các chất ma túy vì lợi nhuận.
Trong Tin Mừng, sự vô cảm còn có một tên gọi khác là sự dửng dưng. Ít là có hai trường hợp nói đến tình trạng nầy. Đó là chuyện người phú hộ dửng dưng trước cảnh đói nghèo của anh Lagiarô và chuyện người Samaritanô nhân hậu: thầy tư tế và thầy Lêvi trông thấy nạn nhân, tránh qua một bên, đi khỏi. Đức Phanxicô đang là một ngôi sao chỉ cho chúng ta con đường tìm gặp Đức Kitô, qua con đường liên đới với mọi nỗi thống khổ của anh em chúng ta trên toàn cầu: thà rằng Giáo hội đi đến các vùng ngoại biên mà gặp tai nạn thì còn tốt hơn ngồi yên trong lâu đài để được an toàn; một Giáo hội không phản chiếu niềm vui, không ra đi gặp gỡ và truyền giáo là một cơ thể bệnh hoạn.

“Ra đi và đồng hành” là con đường Ngôi Hai Thiên Chúa đã chọn. Chúa Con đã bỏ cõi trời sinh xuống trần trong một đêm đông. Ngài mang lấy phận người giống hệt như mọi người để cứu chuộc họ. Ngài không dửng dưng và vô cảm trước tình cảnh đáng thương của loài người, nên đã đến trần gian để chịu tử nạn và phục sinh thuận theo ý muốn của Chúa Cha. Trên thập giá, khi đã hoàn tất công trình cứu chuộc, Chúa Giêsu đã thốt lên: “Mọi sự đã hoàn tất!” và Ngài đã gục đầu tắt thở. Thế đó, toàn bộ cuộc sống của Chúa Giêsu là một bảo chứng cho ơn cứu độ của nhân loại: Ngài đã dùng cả cuộc đời ngài để chịu trách nhiệm về phần rỗi chúng ta. 
Có phải Chúa Cha hơi kỳ quái và khó tính khi vẽ ra một con đường ‘nhiêu khê’ để Chúa Con cứu chuộc nhân loại chăng? – Dĩ nhiên ơn cứu độ là một giá chuộc nên cần phải có hy tế, hy tế Chúa Giêsu có giá trị vô biên vì là của Con Thiên Chúa làm người; còn sự tự hạ của Chúa Giêsu từ máng cỏ, ẩn dật, công khai, tử nạn và Thánh Thể mang ba giá trị: vừa mang giá trị cứu độ, vừa tỏ cho con người thấy tình thương bao la của Thiên Chúa, vừa là mạc khải con đường tìm kiếm nước trời.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tri ân Chúa vì đã dành cho chúng con một tình thương vô bờ bến. Xin cho chúng con biết lấy tình thương đáp lại tình thương để làm dịu cái rét ở Bêlem và cơn khát Chúa phải chịu trên thập giá.  Xin cho chúng con tinh thần can đảm dám chịu trách nhiệm về những hành động mình đã làm, chịu trách nhiệm về phần rỗi và hạnh phúc của những người trong gia đình và có tinh thần liên đới với mọi người trên trần gian nầy, như Chúa đã làm gương cho chúng con khi nhập thể làm người. Amen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét