Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2019

Lòng cao thượng




Cha Minh Anh đã có một lời cầu nguyện rất đẹp: “Lạy Chúa, trong chuyến bay cuối cùng, không ai được mang theo bất cứ một thứ gì kể cả hành lý xách tay, trừ lòng cao thượng. Xin cho con học biết cao thượng như Chúa, như thánh Stêphanô và đó cũng là ý nghĩa của lễ Giáng Sinh”. Nhưng chúng ta tự hỏi: để có lòng cao thượng, con người phải học ở đâu và phải học trong bao lâu?

Tôi chợt nghĩ đến những nấc thang đầu tiên mà con người phải bước để tiến đến lòng cao thượng này. Bản năng sinh tồn dạy con người phải giành giật nhau để sống (cá nhân chủ nghĩa), thế nhưng hoàn cảnh sống buộc con người phải liên đới với nhau để chống chọi với thiên nhiên để tồn tại, có thể nói sự liên đới là bước tiến đầu tiên của tình yêu. Chính Thượng Đế đã gieo mầm liên đới và tình máu mủ trong từng cá thể nhân loại. Tuy vậy, từ các xã hội sơ khai cho đến xã hội hiện đại, tình trạng 'sơ khai' về tình yêu tồn tại rất lâu dài nếu không được thuần hóa bởi giáo lý của Cựu Ước và lề luật của Đức Kitô: “không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người thí mạng mình vì bạn hữu. Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Lòng tha thứ và quảng đại hiến thân là bước tiến cao nhất trong tình yêu, do lề luật Kitô dạy và có ơn Thánh trợ giúp.

Trong đêm canh thức Giáng Sinh, lịch sử cứu độ đã nói lên rằng: sau khi con người phạm tội, họ xa lánh Chúa, vợ chồng đổ lỗi cho nhau, anh giết em, con người đồng lõa phạm tội chống lại Chúa (tháp Babel). Chuyện cũng đang xảy ra như vậy ở xã hội hiện đại: ngoại tình, ly dị, phá thai, buôn người, khủng bố, kỳ thị… Nếu nói tình liên đới là bước tiến đầu tiên của tình người thì cũng có thể nói: con người tiến hóa lùi khi làm hại người khác như giết người, phỉ báng, vu khống, làm chứng gian, trộm cắp, hối lộ, ức hiếp người cô thân… Ấy thế mà họ vẫn không biết mình, cứ tưởng mình công chính và tốt bụng. Trong mỗi tâm hồn cuộc chiến vẫn không ngừng tiếp diễn giữa lòng cao thượng và sự ích kỷ. Ngay cả những người có đạo cũng phải duyệt xét lại lòng mình để lòng cao thượng được vươn cao hơn sự ích kỷ - thu lợi cho bản thân mà không biết nghĩ đến người khác.

Tình trạng gian dối và tham lam chỉ có thể được cải thiện nhờ giáo dục và niềm tin. Trong một xã hội mà nền giáo dục không được chắp cánh bởi niềm tin vào tôn giáo thì lý trí không đủ sức chống đỡ tòa nhà luân lý và tình liên đới sẽ bị tụt lùi. Là những bậc cha mẹ, giữ cho tâm hồn con cái sống quảng đại và liên đới với người khác, không gian dối và sống có lý tưởng là một điều khó, vì có nhiều cạm bẫy bao quanh môi trường sống của chúng ta. Là Kitô hữu, chúng ta chiêm ngắm cuộc sống của Chúa Giêsu mỗi ngày và đón nhận ơn thánh để có thể tiến bước trên con đường yêu thương.


Vì tình yêu, Chúa Giêsu đã yêu nhân loại mà không đòi điều kiện, yêu không còn giới hạn, yêu trong lòng phó thác cho Cha định liệu và tha thứ cho kẻ giết mình. Thánh Stêphanô đã phác họa lại những nét chính của tình yêu đó: "Lạy Chúa, xin đón nhận linh hồn con, xin đừng chấp tội họ". Thánh Gioan Tông đồ được mệnh danh là môn đệ Chúa yêu, nghĩa là người yêu Chúa một cách nồng nhiệt, thánh nhân đã không chịu thua Phêrô về tình yêu -Thánh Gioan đã chạy nhanh hơn và đến mộ trước. Người ta bảo: nhường gì thì nhường chứ trong tình yêu thì không có chuyện nhường nhịn; thế nhưng, đọc truyện các thánh thì nhiều vị không chịu nhường ai cả, mà muốn mình là kẻ yêu Chúa nhiều hơn hết, như thánh Têrêxa Hài Đồng và thánh Faustina. Chúng ta cũng vậy, hãy nguyện yêu Chúa thật nhiều, làm mọi việc vì tình yêu và đừng để những công việc hay tổ chức ta tham gia làm tình yêu nơi mình bị thui chột. Các thánh tử đạo Việt Nam đã chết trong an bình, nguyện cầu và tha thứ cho các kẻ hành hình.


Vào lúc cuối đời, chúng ta bị xét xử về tình yêu. Hành trang về trời chỉ là tình mến Chúa và tình yêu tha nhân. Hãy nghĩ đến cùng đích đời mình, hãy nghĩ đến gương tha thứ và cao thượng của các bậc thánh nhân để sống hào hiệp và rộng rãi hơn với tha nhân - qua từng ngày sống mãi cho đến ngày lìa thế. Hãy nhớ lời Chúa: anh em đong đấu nào thì sẽ được trả lại bằng đấu ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét