Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2019

Ngôi Lời đã làm người



Đứng trước biến cố Chúa Giáng Sinh, trí óc con người dường như choáng ngợp vì đối diện với một mầu nhiệm lớn lao vượt quá trí hiểu con người. Các nhà thần học, các nhạc sĩ thường dùng những ngôn từ bóng bẩy, mong diễn tả một phần nào đó sự lung linh, vĩ đại, sâu thẳm của tình yêu Thiên Chúa dành cho loài người và vũ trụ. Thế nhưng, vẫn luôn có đó những người chỉ xem Giáng Sinh là một huyền thoại không có thật hoặc nếu có thì cũng không ảnh hưởng gì đến cuộc đời họ.

Đối với tôi, Đức Kitô là tất cả. Chúng ta vẫn thường nói: đức tin là một hồng ân Chúa ban cho kẻ Ngài yêu thương. Nhiều người ngoại đạo, sống chung quanh chúng ta, vẫn háo hức khi Noel về vì họ xem đây là một lễ hội; có thể họ vẫn đi lễ, vẫn thích xem hoạt cảnh canh thức như một buổi văn nghệ, hòa mình vào đám đông vui vẻ ca hát… nhưng mọi sự chỉ dừng ở đó. Nếu ta có trình bày cho họ thêm về biến cố Con Thiên Chúa đến để cứu chuộc thì họ lại càng cho rằng người có đạo khéo thêu dệt và giàu tưởng tượng. Họ còn thiếu một điều là đức tin, một hồng ân của Thiên Chúa, và có lẽ họ cần thêm lời cầu nguyện của chúng ta. Dưới con mắt một kẻ tin, Đức Giêsu đã nhập thể để ở cùng nhân loại, thì mọi sự hoàn toàn khác, vì Đức Kitô là tất cả: Ngài có mặt trong từng khoảnh khắc và trong từng biến cố lớn nhỏ, Ngài đồng hành với tôi hôm nay và mãi mãi ngàn thu.


Ngày xưa, người ta không đón nhận Đức Giêsu chỉ vì Ngài không giống như đấng mà họ mong mỏi, không giống với nhân vật mà trí tưởng tượng của họ nghĩ ra: xuất hiện trong uy hùng, đến giải phóng dân tộc, biết bao lần họ muốn tôn Chúa Giêsu lên làm vua. Mãi cho đến lúc bị treo trên thập giá, họ vẫn thốt lên: nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá để chúng tôi tin. Ngày nay cũng vậy, biết bao người mất đức tin hoặc không tin đạo Chúa vì họ thấy Chúa không có lợi lộc và ảnh hưởng gì đến cuộc sống của họ, không giúp họ thỏa mãn những nhu cầu vật chất. Theo đạo còn bị ràng buộc này nọ, không tin vào đạo nào là một điều may mắn và không bị quấy rầy-mất tự do.


Trong Kinh Thánh, đầy dẫy những chuyện đón nhận Chúa vào ‘nhà’ mình, ở đây chúng ta cùng nhau ôn lại 4 cuộc tiếp đón của thời Tân Ước. Cuộc tiếp đón của Mẹ Maria: sau khi nghe lời thiên thần truyền tin, Mẹ thưa lên: “Này tôi là tôi tớ Chúa, xin hãy làm cho tôi như lời sứ thần truyền”, và Mẹ đã đón nhận Ngôi Lời vào cung lòng của mình. Cuộc đón nhận của Thánh Giuse: khi đã được Chúa cho biết thai nhi nơi Maria là bởi Chúa Thánh Thần, Thánh Giuse đã đón nhận Maria về nhà mình, có nghĩa là thánh nhân đã chấp nhận bước theo thánh ý Chúa. Cuộc đón tiếp thứ ba là của Thánh Gioan tông đồ: sau khi nghe lời trăn trối của Chúa Giêsu “Này là Mẹ con” thì thánh nhân đã đón Mẹ Maria về nhà mình. Cuộc đón tiếp thứ tư là lời được trích từ sách Khải Huyền: “Này Ta đứng ngoài cửa, ta gõ, và hễ ai mở cửa thì Ta sẽ vào cư ngụ trong nhà nó”, biết bao tâm hồn đã mở cửa đón tiếp Chúa vào đời mình, chọn Chúa làm gia nghiệp, chọn ý Chúa hơn là ý riêng mình… họ là những vị thánh của mọi thời đại.


Điều quan trọng nhất trong mầu nhiệm Giáng Sinh là việc đón nhận Ngài vào ‘nhà’ mình, có nghĩa là để cho Chúa Giêsu hiện diện và làm chủ tâm hồn mình, gia đình mình và cả nhân loại. Chúng ta đến chiêm ngắm và tôn thờ Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, ca tụng tình thương và lòng thương xót Chúa, nhưng quan trọng hơn nữa là đón nhận Ngài vào trong đời mình và bước đi trong Ánh Sáng trong tư cách là con cái Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là chúng ta từ bỏ những hành vi đen tối và bất chính để bước theo Chúa Giêsu, biết quỳ gối xuống để tôn thờ Đấng ban cho chúng ta niềm vui hạnh phúc và bình an.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét