Danh sách Blog của Tôi

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2025

Lòng tin

 



Trong Tin Mừng, Chúa Giê su luôn đề cao lòng tin – còn đức mến, đức cậy, sự khiêm nhường thì thỉnh thoảng thôi. Còn Thánh Phaolo thì nói: trong 3 nhân đức tin-cậy-mến thì đức mến là lớn lao hơn cả, tồn tại mãi đến thiên đàng – là lúc mà đức tin và đức cậy không còn cần thiết. Hai tiền đề trên dễ gây ra một tranh luận thần học: đức tin và đức mến, nhân đức nào đứng hàng đầu?

Tôi không thể trả lời câu hỏi này, và có lẽ chúng ta cũng đừng để mình rơi vào những tranh luận thần học – điều quan trọng hơn là hãy xin Thiên Chúa ban cho mình ơn đức tin mãnh liệt và lòng mến dồi dào. Hãy xin thì chắc chắn Chúa sẽ ban, vì Người đã hứa là sẽ kíp ban Thánh Thần cho con cái Người khi họ kêu cầu. Câu chuyện được Tin Mừng Mc (9,14-29) kể hôm nay nói về đức tin yếu kém của các môn đệ, của cha đứa bé bị quỷ câm ám, của đám đông dân chúng, và nhất là của các kinh sư… nên quỷ không chịu xuất khỏi đứa bé.

Các môn đệ thất bại bẽ bàng khi không thể trừ quỷ, và chắc chắn là một số kinh sư đang lợi dụng cơ hội này để nhạo báng các ông đến nỗi gây nên một sự ồn ào lớn. Còn nhân vật chính hôm nay là cha của đứa bé, ông rất hoang mang vì các môn đệ bất lực trong việc trừ quỷ, nên khi gặp Chúa Giê su từ trên núi Tabor xuống thì ông đã thốt lên một câu rất thất vọng: “Nếu Ngài có thể”.

Chúa Giê su dường như không bằng lòng với lời van xin đó, và Ngài nói với ta một xác tín quan trọng trong đời sống đức tin: “Mọi sự đều có thể đối với người tin”. Chúng ta dễ liên tưởng đến một câu tương tự trong Thánh Kinh: “Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể”. Hai câu Kinh Thánh này có một sự tương hợp: Khi ta tin vào Thiên Chúa thì chính Người hành động, và điều lạ lùng nào cũng có thể xảy ra. Thánh Phaolô suy diễn thêm: “Thiên Chúa có thể dùng quyền năng đang hoạt động nơi ta mà làm nên những điều kỳ diệu mà trí khôn con người dám cầu xin hay tưởng nghĩ tới”.

Chúng ta dễ tưởng nghĩ rằng: đức tin là kết quả của nỗ lực của con người, là kết quả của những đào sâu thần học và suy tư, là một thực tại mà con người có thể sở hữu một lần cho mãi mãi. Không phải thế, đức tin là một ân ban của Thiên Chúa mà con người phải liên lỷ cầu xin, như cha đứa bé đã thưa với Chúa Giê su: Thưa Thầy, con tin, nhưng xin trợ giúp lòng tin yếu kém của con. Đức tin là một mầm sống hơn là kiến thức: kiến thức là chất liệu sống ta thủ đắc được qua việc học tập, còn đức tin là một mầm sống có thể âm thầm lớn lên hoặc tàn lụi nều không được chăm sóc, đúng như lời cảnh báo: ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã!Chúng ta dễ nhận ra quanh ta: có những người được ơn đức tin rất mạnh mẽ, và cũng có những người bỗng dưng mất đức tin, thật đáng buồn.

Ai trong chúng ta cũng xác tín rằng: Đức tin là điều kiện cần và đủ để Thiên Chúa hành động. Tin Mừng chỉ ra rằng: phải có đức tin thì phép lạ mới có thể xảy ra, còn không có đức tin thì dù cho mọi người có đụng chạm vào Chúa thì chẳng có ơn lành được thực hiện. Có thể là người bệnh, có thể là người chuyển cầu, tin âm thầm trong lòng hoặc biểu lộ bằng những lời xin tha thiết… Chúa không chấp, nhưng buộc phải có lòng tin. Điều đó dẫn chúng ta đến một kết luận cho chính mình: “Mọi sự đều có thể đối với người tin”.




Thiên Chúa đang đồng hành cùng thế giới này, Ngài chăm sóc đời tôi… tôi có biết phó thác mọi sự cho Người định liệu hay tôi không cho Ngài hành động gì cả, tự sức tôi có thể lo liệu và hoạt động? Tại sao câu kết của bài Tin Mừng bỗng dưng lại nói đến việc cầu nguyện: “giống quỷ này, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi?”- Có thể nói rằng: Cầu nguyện là biểu lộ cao nhất của đức tin! Vì khi cầu nguyện là chúng ta chấp nhận thân phận yếu hèn của mình và mời Thiên Chúa hành động: đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể. Hãy luôn cầu xin ơn đức tin, đức cậy, đức mến cho bản thân mình và cho những người ‘thân thuộc’, cho kẻ ngoại đạo mà mình quen biết, cho người đau khổ và già yếu… và ơn Chúa sẽ hành động – làm cho những hạt giống mọc lên cách nào ta không biết được.

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2025

BỆNH “TRÌNH DIỄN TƯ TƯỞNG” TRONG NHÀ ĐẠO

 

BỆNH “TRÌNH DIỄN TƯ TƯỞNG” TRONG NHÀ ĐẠO


Hai điều trăn trở nhất của giáo hội Công giáo Việt Nam là Đời sống cộng đoàn (Giáo xứ, Dòng tu…) xuống dốc và Truyền giáo không hiệu quả.

Có lẽ các vị hữu trách rõ những nguyên do chính yếu cản trở nỗ lực phát triển toàn diện Giáo hội địa phương, cụ thể như bài phát biểu của Đức Tổng Giám mục Sài Gòn (20/01/2025) “Tất Cả Sứ Vụ Quy Về Phúc Âm Hóa”, trích câu phát biểu ngài: “SUY NIỆM ĐỦ RỒI, NHIỀU LẮM RỒI, ĐỪNG CÓ VIẾT NỮA!”.

Đức Tổng Giuse nói các thứ mầu nhiệm viết nhiều lắm, các thứ suy niệm tràn trề hết… Nhưng điều cần và hiệu quả cho truyền giáo là viết cho mọi người mọi giới có thể cảm được Chúa: Cho học sinh, cho công nhân, cho lao động bình dân… thì ít có. Mà viết cái này rất khó, bởi không phải chỉ là tư tưởng mà là cả đời sống chứng nhân.

Giáo hội Việt Nam đang rơi vào trào lưu thích “trình diễn tư tưởng”. Những bài giảng hùng hồn trong Thánh lễ, nhưng chuyên đề khơi sâu khơi rộng nơi chủng viện, học viện, những đại hội với chính yếu là phát biểu, những hội thảo, khóa đào tạo… ôi thôi bao la bát ngát. Sau đó là những tràng pháo tay cùng bao lời có cánh “cha sâu sắc quá, sơ hay quá sơ ơi…”. Những vị “sâu sắc” đó lại phải sống phiêu du vượt nhân thế để tìm kiếm “những sự cao siêu trên trời”.

Cơ hội trình diễn tư tưởng trở thành một mục tiêu phấn đấu cho nhiều người, nhất là người tu. Bằng cấp và địa vị là 2 yếu tố cần thiết để người thích trình diễn tư tưởng có đất diễn (tiêu chuẩn để được ưu tiên mời thuyết giảng). Và rồi hệ lụy là một Giáo hội cơ chế nặng nề, thiếu thực tế, nhân lực ảo… như ta đang thấy.

Bệnh trình diễn tư tưởng sẽ giết chết thực tại. Bởi nói rất hay nhưng sống ngược đang đầy gương trước mắt. Người nói thì nổi nang, kẻ làm nhiều thua thiệt. Các thế hệ sau thích nhìn vào ánh hào quang của vị đang thao thao bất tuyệt trước cử tọa đông đảo, mà khó để cảm những giọt mồ hôi cùng với bước chân âm thầm của bậc tông đồ theo tinh thần Đức Ki-tô.

Đức Tổng đã nói lên điều mà ta vẫn “ngại không dám nói”. Hàng ngàn các thánh được tuyên dương, mấy vị có bằng cấp? Hàng trăm nhà cải cách và truyền giáo vĩ đại, mấy vị nói giỏi? Chúng ta ảnh hưởng của văn hóa đời ngày càng nặng, văn hóa của ảo ảnh và ru ngủ thực tại.

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh

Nguồn tin: giaophanlongxuyen.org

 Suy tư: 

- Lần đầu tiên đọc được bài này được đăng trên trang gpbanmethuot.com, tôi cảm thấy giật mình vì tác giả dám nói lên một sự thật (trích lời ĐGM Nguyễn Năng) là: những suy niệm quá nhiều rồi - đừng viết nữa!  Tôi liên tưởng đến thánh nhạc: các bài hát mới liên tục được đưa lên mạng quá nhiều, hát đến tận thế cũng không xuể... Đó là những nhận định có thật, nhưng kết luận đưa ra mới thật sự quan trọng và cần thiết hơn: đừng viết những điều sáo rỗng, nên viết những gì thiết thực đánh động tâm hồn người đọc, giúp họ thay đổi đời sống và tìm gặp Chúa; hãy sáng tác những bản nhạc có chất lượng về âm nhạc, lời xác tín, giúp người khác tìm được Chúa.

- Giáo hội VN được báo động là : đời sống cộng đoàn xuống dốc (Giáo xứ, dòng tu) và truyền giáo không hiệu quả. Ở các Giáo xứ, biểu hiện dễ nhận thấy là người trẻ càng ngày càng xa nhà thờ, các vụ ly dị và ly thân nhiều, ít tân tòng tự nguyện (không phải vì hôn phối) và ám ảnh nhất là con số 7% người có đạo. Còn các dòng tu và chủng viện, dấu hiệu dễ nhận thấy là con số ơn gọi đang suy giảm rõ rệt qua từng năm. Sự trì trệ và suy thoái này buộc chúng ta phải dừng lại để suy nghĩ và cầu nguyện để tìm ra nguyên do và giải pháp: có thể là do mỗi người không tích cực cầu nguyện và dấn thân cho việc truyền giáo? Do chúng ta không được thực hiện những việc bác ái qua việc điều hành những hoạt động bác ái - giáo dục như trại phong, bệnh viện, trường học, truyền hình ... như một cách trình bày về Chúa Ki tô cho người ngoài Ki tô giáo? Người giáo dân không được đào tạo đầy đủ kiến thức giáo lý và xã hội để góp sức mình vào công việc rao giảng về Chúa cho lương dân? - Rất nhiều câu hỏi đặt ra và mỗi khía cạnh được đưa ra đều có lý một phần, nhưng theo tôi, lý do chính dẫn đến đời sống cộng đoàn xuống dốc và việc truyền giáo không tiến triển là do mỗi người không sống đúng con người của mình: cha không ra cha, sơ không ra sơ và con không ra con (đối với Chúa). Chúa trách ta sống hâm hâm dở dở, đánh mất tình yêu thuở ban đầu (sự đơn thành của những Ki tô hữu sơ khai - khi mới trở lại Ki tô giáo). Đừng bằng lòng với việc siêng năng đến nhà thờ mà phải xét lại cuộc sống hằng ngày xem mình nói gì, nghĩ gì, cầu nguyện thế nào, hành xử ra sao, sử dụng thời giờ Chúa ban ra sao. Mỗi người Ki tô hữu hãy là chính mình trong bậc sống của mình như Chúa Giê su mong muốn, siêng năng cầu nguyện cho người khác được vững tin, cho nhu cầu truyền giáo, đóng góp phần mình bằng việc nghiền ngẫm Lời Chúa để rồi truyền giáo bằng phần nhỏ của mình... phần còn lại, Chúa sẽ cho hạt lúa mọc lên khi Người muốn.

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2025

Đòi dấu lạ

 



Đọc Tin Mừng Mc (8,11-13), chúng ta nhận ra một điều: Trong những chương trước, Chúa Giê su làm phép lạ quá nhiều, đến nỗi nghe tin Chúa ở đâu thì người ta khiêng người bệnh đến đó để chỉ cần đụng đến gấu áo Chúa thì đã được khỏi, Chúa trừ quỷ, Chúa làm cho biển im lặng, Chúa chữa người câm điếc, và ngay ngày hôm trước (8,1-10) Chúa làm phép lạ cho 4.000 người ăn no, vậy mà hôm nay các biệt phái lại đòi Chúa làm dấu lạ, và Chuá thở dài, vì sao vậy?

Phép lạ đầy dẫy ra đấy mà dân Do Thái vẫn không tin và cứ đòi thêm dấu lạ nữa, đó là một sự cứng lòng và họ muốn điều khiển Chúa phải làm theo ý họ, thỏa mãn sự hiếu kỳ và đáp ứng nhu cầu vật chất của họ. Điều này làm chúng ta phải suy nghĩ: khi đối diện với đức tin vào Thiên Chúa, một là tin tất cả hai là không tin gì cả. Người tin Chúa thì tin tất cả và từng điều trong kinh Tin Kính dạy, người ấy còn tin rằng Thiên Chúa là tình yêu và là Đấng quyền năng, Ngài lo liệu cuộc sống từng người đến từng chi tiết, đến độ Ngài đếm từng sợi tóc trên đầu ta. Có thể nói: mỗi ngày sống của ta đã được Chúa viết kịch bản và mỗi người chúng ta là những diễn viên trên cuộc đời, nhưng không phải là những con rối – mà là những người con được sống trong vòng tay yêu thương của Cha nhân lành, những con người có tự do và lý trí. Thiên Chúa là tác nhân đệ nhất, còn những sự việc xảy ra và con người bên cạnh ta chỉ là nguyên nhân đệ nhị. Để dễ hiểu, xin trích chuyện Kinh Thánh: Khi chạy trốn sự truy đuổi của Apsalon, Vua Đavit bị một kẻ tiểu tốt chặn đường chửi rủa thậm tệ, những cận thần đòi giết kẻ đó, nhưng Đavít nhận ra mình đáng bị như vậy và kẻ chửi rủa kia chỉ là người Chúa sai đến: Chúa là nguyên nhân đệ nhất và kẻ kia chỉ là nguyên nhân đệ nhị, đừng giết nó.

Còn kẻ không tin thì cho rằng Kinh Thánh viết những chuyện phản khoa học và không đáng tin, chỉ là chuyện hoang đường vì không thể kiểm chứng, tôn giáo chỉ là công cụ của những kẻ cầm quyền và thật đáng thương cho những kẻ bị mê hoặc bởi những chuyện sáng tạo, cứu chuộc, đời sau, sống lại, quyền vô ngộ, 8 mối phúc… Đối với họ, mọi sự trên đời đều do ngẫu nhiên, đừng tin gì thần thánh vì chính niềm tin đó kiềm chế sự tiến bộ của nhân loại và cản trở tự do hưởng lạc, chết là hết, có thế thôi.

Thánh Phaolô nói: “Nếu Chúa không sống lại thì niềm tin ra vô ích”. Trọng tâm của Kitô giáo là ĐỨC KI TÔ CHẾT VÀ PHỤC SINH. Đứng trước mầu nhiệm phục sinh có người đòi phải có bằng chứng để tin, nhưng Chúa lại nói: Phúc cho kẻ không thấy mà tin, có nghĩa là cứ tin đi - rồi bạn sẽ gặp được Đấng phục sinh. Phép lạ vẫn xảy ra mỗi ngày và từng giây phút, nhưng thật đáng tiếc là chúng ta không dễ nhận ra chúng - để dâng lời tạ ơn Chúa, chúng ta quá bận tâm đến những chuyện vặt vãnh của cuộc sống để không nhận ra những điều thiết yếu:  mình luôn được Chúa thi ân – để rồi dâng lời tạ ơn Ngài. Thánh Phan xi cô nhận ra những quà tặng: anh mặt trời, chị nước, chị gió, mẹ thiên nhiên, trăng sao… và thánh nhân đã cất lên tiếng ngợi ca ĐẤNG TẶNG QUÀ.



Bài trích sách Sáng Thế (4,1-15) Chúa nói với Cain: “Tội lỗi đang nằm phục ở cửa, ngươi phải khống chế nó”. Điều này nói với chúng ta rằng: sự ghen tương, sự tham lam, đam mê xác thịt luôn rình rập ta – phải cảnh giác. Khi một xã hội xem tiền quan trọng hơn tình, thì có nhiều bất hòa và xào xáo tình nghĩa anh em thật đáng thương. Lòng tham thì vô đáy, con cái có thể hợp lực với nhau để kiện ‘gì ghẻ’ khi bố đã mất, hòng chia mỗi đứa thêm vài mét đất mặt tiền, có người đã định cư bên Mỹ lâu năm nhưng nay cũng gây sự để anh em bên VN cũng phải chia cho mình vài mét đất. Sự ghen tị và tham lam luôn rình rập, phải cầu xin ơn Chúa, năng lãnh nhận bí tích Thánh Thể và bí tích giao hòa. Tôi xin mượn trang giấy này để nói lên một mơ ước nảy sinh từ khi nghe một linh mục đang mục vụ bên Mỹ tâm sự: Hội dòng của cha có lịch giải tội hằng tuần cho giáo dân Mỹ và VN, lịch này được công bố rộng rãi cho nhiều giáo xứ trong vùng biết: từ 7g tối thứ tư hàng tuần, ban đầu rất ít người xưng tội và cha cứ ngồi ở tòa để lần hạt, nhưng rồi cứ đông dần, hiện nay phải 3 cha ngồi tòa mới xuể, giải tội lúc nào hết hối nhân thì nghỉ, cha nhận xét ‘trước đây họ xưng tội 6 tháng/lần thì nay 3tháng/lần. Tôi nghĩ: các ca đoàn trong giáo xứ đều có lịch tập hát hằng tuần 2-3 lần, các linh mục mà cũng có lịch giải tội cụ thể hàng tuần như thế thì rất đáng mơ ước.

Xin Chúa mở mắt tâm hồn để con nhìn thấy công trình kỳ diệu Chúa khắp nơi nơi, để rồi con dâng lời tạ ơn Chúa thay cho những bận tâm lo lắng sự đời và chất đầy tâm hồn với những kiến thức vô bổ. Xin ban cho con sự an bình vì biết Chúa đang đồng hành và bao bọc con, để rồi con không quá bận tâm lo lắng về chuyện cơm ăn áo mặc và chuyện tương lai cuộc đời. Xin ban cho con một tâm hồn quảng đại với tha nhân như Chúa đã thương con. Và xin ban cho con một tâm hồn trong sạch – không chiều theo sự giả trá, tham lam của cải mà đánh mất tình nghĩa anh em. Amen.

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2025

CÂM ĐIẾC THIÊNG LIÊNG

 



Nếu bạn được sinh ra đời lành lặn thân xác và tinh thần, đó là một món quà lớn mà ta nên tạ ơn Trời. Có một bài hát sinh hoạt có lưu truyền trên mạng: “Cám ơn trời. Xin cám ơn trời: Cho tôi đôi con mắt, cho tôi hai bàn tay, cho tôi sinh làm người. Cám ơn trời, xin cám ơn trời”.

Tuy lành lặn về thể xác và tinh thần, nhưng chúng ta vẫn thường mắc bệnh câm điếc thiêng liêng, thường được gọi là ‘thiếu nhạy bén’ trong cuộc sống. Bài trích sách Sáng Thế nói đến việc sa ngã của ông bà Nguyên tổ, ma quỷ đã cám dỗ họ có cái nhìn sai lệch về Thiên Chúa: không còn là một Thiên Chúa yêu thương gần gũi mà là một Thiên Chúa mưu lược và cản trở sự tự do của con người. Không phải là sự thèm ăn hoặc sự hấp dẫn của trái cây đã làm ông bà sa ngã mà điều thâm sâu của cơn cám dỗ là: con người muốn chối bỏ quyền năng của Thiên Chúa và chối bỏ thân phận thụ tạo của mình. Sách Sáng Thế muốn nói lên rằng: Đã có một lệnh truyền, và con người đã bất tuân lệnh truyền đó, còn việc có cây biết lành biết dữ… chỉ là cách diễn tả thôi. Ông bà Nguyên tổ đã mắc bệnh câm điếc thiêng liêng, có cái nhìn sai lệch và không nhạy bén về tình yêu Thiên Chúa.

Khi Chúa Giê su làm phép lạ chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ, có nhiều người dâng lời ca tụng Thiên Chúa – nhận ra quyền năng của Đấng Me- si a , nhưng nhiều người khác, nhất là các Biệt Phái và Luật sĩ, lại có cái nhìn sai lệch và tiêu cực về Chúa: do ma quỷ, vi phạm lề luật, nói phạm thượng…  Sự ghen tị và oán ghét đã dẫn đến một phiên tòa đầy bất công và một cái chết bi thảm của Chúa Giê su. Chúa Giê su đã từng nói đến tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì không được tha: đó là không tin vào quyền năng Thiên Chúa, dẫn đến không hối cải và đến chết cũng không tin nhận Chúa Giê su là Đấng Cứu độ.

Khi suy niệm phép lạ đầu tiên của Chúa Giê su ở Ca na, chúng ta cảm nhận được sự nhạy bén của Mẹ Maria khi nhận ra đám cưới hết rượu. Sự nhạy bén của Mẹ cũng được thể hiện khi Mẹ vội vã lên đường thăm bà Elisabeth. Mỗi người chúng ta, trong vai trò cụ thể của mình, được Thiên Chúa dự liệu là người trợ tá của nhau, hãy học sự nhạy bén của Mẹ để có cách cư xử nhân ái và thương xót với anh chị em mình. Mỗi lần cúi chào tượng Đức Mẹ, sách tu đức có nói đến một lời cầu đơn giản mà chắc chắn Mẹ ưa thích: “Xin Mẹ làm cho con nên giống Chúa Giê su, con của Mẹ”. Một Chúa Giê su hiền lành và khiêm nhường, luôn vâng theo ý Chúa Cha, hiến dâng mạng sống để cứu chuộc nhân loại.

Mang thân phận con người, mỗi người chúng ta có những tật xấu mà mình không muốn nhìn nhận: ghen tị, thường nhìn sai lệch về tha nhân theo chiều tiêu cực, mặc cảm tự ti và tự tôn dẫn đến việc hạ bệ tha nhân cách nào đó… đó là sự câm điếc thiêng liêng, thiếu nhạy bén để nhận ra vẻ đẹp của cuộc sống đang diễn ra quanh ta.  Sự vô cảm được định nghĩa: không nhìn thấy cái đẹp, cái xấu, nhu cầu người khác và không biết động lòng. Vẻ đẹp ở đây không chỉ là vẻ đẹp của bông hoa, kiệt tác của thiên nhiên mà còn là vẻ đẹp của lòng người: lòng tốt, sự cảm thông, sự tha thứ, hy sinh, tận tâm… đó là những lọ ‘thuốc nhỏ mắt’ mà Cha nhân lành gửi đến - giúp cho mắt tâm hồn ta được sáng hơn.



Lời Tv: Xin dạy con biết đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan. Ngẫm nghĩ lại đời mình, chúng ta sẽ nhận ra biết bao hồng ân và sự tha thứ của Chúa để rồi mình cũng ‘hãy đi và làm như vậy’; biết bao lần thoát bệnh, thoát chết, để rồi mình phải làm một điều gì đó cho Chúa và tha nhân; biết bao người thân, người trẻ đã ‘đi trước’ chúng ta để rồi hãy tích cực lo lắng cho phần rỗi, lo tu thân tích đức, lo thờ phượng và bám chặt vào Chúa hơn. Và mỗi ngày, hãy chạy đến với Chúa Giê su, vì chỉ có Ngài có khả năng chữa lành bệnh ‘thiếu nhạy bén’ trong tình yêu, để chúng ta có cái nhìn tích cực về anh em và bớt chê trách anh em.

 

Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2025

Tiếng gọi

 









Cả 3 bài đọc được sử dụng trong Chúa nhật 5 TN C đều nói đến tiếng Chúa mời gọi con người thi hành một sứ mệnh mà Chúa giao phó: tiên tri Isai–a, Sao-lô, và 4 môn đệ đầu tiên. Điểm chung của những ơn gọi này là: người được gọi ý thức sự bất xứng và ô uế của mình, Thiên Chúa thực hiện một dấu lạ và người được gọi ý thức rằng họ được gọi là nhờ ơn Thiên Chúa.

Chúng ta dừng lại kỹ hơn ở bài Tin Mừng Lc 5,1-11 để chiêm ngắm vẻ đẹp của ơn gọi của những môn đệ tiên khởi để rồi khám phá ra ơn gọi Chúa vẫn đang mời gọi từng người trong cuộc sống hôm nay. Điều đầu tiên cần khám phá là những người được Chúa gọi hôm nay đã có ước vọng đạo đức, vài người trong họ đã từng là môn đệ ông Gioan, đã từng tiếp xúc với Chúa Giê su, đã mong chờ và chuẩn bị cách tích cực cho Đấng Cứu Thế đến. Điều thứ hai cần ghi nhớ là Chúa làm phép lạ mẻ cá lạ lùng là để giúp họ nhận ra quyền phép của Thầy Giê su, từ đó nhận ra sự bất xứng của mình. Phép lạ còn giúp họ can đảm rũ bỏ những quyến luyến của quá khứ - lên đường cho sứ mạng mới. Điều thứ 3 thường không được nhắc đến nhưng lại đáng chúng ta suy nghĩ là cái giá của sự từ bỏ: các môn đệ tiên khởi có nghề nghiệp và gia đình riêng của mình, bỏ đâu có dễ và tương lai theo Thầy thì còn mơ hồ lắm, vậy mà họ bỏ lưới bỏ thuyền để đáp lại tiếng Chúa gọi… đó là một sự mạo hiểm, là đức tin.

SGLHTCG (150, 1814) dạy rằng: “Đức tin là ơn Thiên Chúa ban, giúp chúng ta tin tưởng và phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa và mau mắn đón nhận tất cả những chân lý Thiên Chúa đã mạc khải và Hội Thánh dạy phải tin”. Nói đến đức tin, người ta thường nhắc đến ông Abraham và Đức Maria, các vị đáp lại tiếng gọi của Chúa, ra đi mà không biết trước con đường mình sẽ đi. Tiếng Chúa gọi thường không rõ ràng như khi Chúa nói với 4 môn đệ đầu tiên: “Hãy theo Ta”. Khi có những tiếng mời gọi bước vào đường tu trì, có những người vẫn xin Chúa một vài dấu chỉ, và Chúa thường chiều lòng người – tựa như mẻ cá lạ xảy ra trong Tin Mừng Lc hôm nay.

Tiếng Chúa gọi mời ta theo Ngài không chỉ xảy ra 1 vài lần trong đời, mà là từng ngày sống của mỗi người, có điều là nhiều khi ta không nhận ra và đôi khi nhầm lẫn hoặc bị tiếng gọi khác lấn át mất. Tiếng Chúa mời gọi ta tiến lên trên con đường trọn lành, chống lại sự tầm thường và một cuộc đời trống rỗng. Người ta thường kể cho nhau nghe và lưu truyền những cuộc đổi đời nổi tiếng như Phaolo, Augustino, Phanxico Assidi, I-nha-xio… nhưng đừng quên rằng chung quanh chúng ta có rất nhiều chứng nhân đức tin, vẫn miệt mài phục vụ Giáo hội trong khiêm tốn – kiên trì – tin yêu Giê su. Tiếng Chúa được thể hiện cụ thể nhất trong những bổn phận hằng ngày: bổn phận trong gia đình, bổn phận của một người giáo dân và bổn phận phục vụ giáo xứ trong những tập thể mà mình đã đảm nhận. Ơn gọi nào cũng có những giá của nó, đó là những từ bỏ để kiên trì với bổn phận. Người ta thường nhắc đến những lời thề hứa long trọng như nghi thức nhậm chức của HĐGX, lời thề hứa hôn phối … nhưng khi mình tự nguyện tham gia một sinh hoạt nào đó như ca đoàn, ban lễ sinh, ban điều hành hội Gia trưởng và Hiền mẫu… thì chính mình đã tự cam kết trung thành với kỷ luật, vâng lời, kiên trì, khiêm tốn phục vụ Chúa: tiếng Chúa được thể hiện rõ ràng trong việc bổn phận.

Chuyện kể rằng: có một bác tài xế taxi, sau khi hoàn thành cuốc xe chở một người phụ nữ về nhà, bác lại lên đường kiếm khách để mưu sinh, nhưng bác thấy ở ghế sau có một chiếc ví mà người khách vừa rồi đã bỏ quên. Bác liên lạc qua ĐT để hẹn bà kia đến góc phố để nhận lại ví. Khi người phụ nữ nhận lại ví, bà thấy mọi thứ vẫn còn đầy đủ thì muốn ngỏ ý trả cho bác tài một ít tiền, nhưng bác tài không cầm tiền mà chỉ hỏi xem cho biết có bao nhiêu tiền trong ví, sau đó bác lấy một cuốn sổ ra ghi chép. Người phụ nữ ngạc nhiên, bác cho biết: Tôi ghi vào sổ để biết cái giá phải trả cho sự thành thật.





Tám Mối Phúc Thật mà nhiều giáo xứ vẫn đọc trước Thánh lễ Chúa Nhật, mối phúc thứ tư: Phúc cho ai khao khát điều công chính vì họ sẽ được no thỏa. Nhiều vị thánh khao khát trở nên giống Chúa Giê su, họ được đổi đời khi tiếp xúc với sách Tin Mừng, Gương Chúa Giê su và hạnh các thánh. Ngược lại, khi tâm trí chúng ta chứa đầy những sự dữ như ghen ghét, ganh tị, hình ảnh dâm ô và những câu chuyện băng hoại luân lý, chuyện vô bổ, chuyện chè chén say sưa và hưởng thụ… thì tâm hồn chúng ta sẽ bị kéo chùng xuống nghiêng về một cuộc đời trống rỗng và vô nghĩa. Chúa trách một cuộc sống ‘hâm hâm dở dở, không nóng không lạnh’, vì những người không nhận ra mình là người bất xứng và tội lỗi thì khó nhận được lòng thương xót của Chúa. Bạn và tôi, mỗi ngày sống, chúng ta lại bắt đầu cuộc hành trình chống lại sự tầm thường, kiên trì đáp lại tiếng mời gọi nên trọn lành cuả Thầy Giê su.