Nếu bạn được sinh ra đời lành lặn
thân xác và tinh thần, đó là một món quà lớn mà ta nên tạ ơn Trời. Có một bài
hát sinh hoạt có lưu truyền trên mạng: “Cám ơn trời. Xin cám ơn trời: Cho tôi
đôi con mắt, cho tôi hai bàn tay, cho tôi sinh làm người. Cám ơn trời, xin cám
ơn trời”.
Tuy lành lặn về thể xác và tinh thần, nhưng chúng ta vẫn thường mắc bệnh
câm điếc thiêng liêng, thường được gọi là ‘thiếu nhạy bén’ trong cuộc sống. Bài
trích sách Sáng Thế nói đến việc sa ngã của ông bà Nguyên tổ, ma quỷ đã cám dỗ
họ có cái nhìn sai lệch về Thiên Chúa: không còn là một Thiên Chúa yêu thương gần
gũi mà là một Thiên Chúa mưu lược và cản trở sự tự do của con người. Không phải
là sự thèm ăn hoặc sự hấp dẫn của trái cây đã làm ông bà sa ngã mà điều thâm
sâu của cơn cám dỗ là: con người muốn chối bỏ quyền năng của Thiên Chúa và chối
bỏ thân phận thụ tạo của mình. Sách Sáng Thế muốn nói lên rằng: Đã có một lệnh
truyền, và con người đã bất tuân lệnh truyền đó, còn việc có cây biết lành biết
dữ… chỉ là cách diễn tả thôi. Ông bà Nguyên tổ đã mắc bệnh câm điếc thiêng
liêng, có cái nhìn sai lệch và không nhạy bén về tình yêu Thiên Chúa.
Khi Chúa Giê su làm phép lạ chữa
lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ, có nhiều người dâng lời ca tụng Thiên Chúa – nhận ra
quyền năng của Đấng Me- si a , nhưng nhiều người khác, nhất là các Biệt Phái và
Luật sĩ, lại có cái nhìn sai lệch và tiêu cực về Chúa: do ma quỷ, vi phạm lề luật,
nói phạm thượng… Sự ghen tị và oán ghét
đã dẫn đến một phiên tòa đầy bất công và một cái chết bi thảm của Chúa Giê su.
Chúa Giê su đã từng nói đến tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì không được tha: đó
là không tin vào quyền năng Thiên Chúa, dẫn đến không hối cải và đến chết cũng
không tin nhận Chúa Giê su là Đấng Cứu độ.
Khi suy niệm phép lạ đầu tiên của
Chúa Giê su ở Ca na, chúng ta cảm nhận được sự nhạy bén của Mẹ Maria khi nhận
ra đám cưới hết rượu. Sự nhạy bén của Mẹ cũng được thể hiện khi Mẹ vội vã lên đường
thăm bà Elisabeth. Mỗi người chúng ta, trong vai trò cụ thể của mình, được
Thiên Chúa dự liệu là người trợ tá của nhau, hãy học sự nhạy bén của Mẹ để có
cách cư xử nhân ái và thương xót với anh chị em mình. Mỗi lần cúi chào tượng Đức
Mẹ, sách tu đức có nói đến một lời cầu đơn giản mà chắc chắn Mẹ ưa thích: “Xin
Mẹ làm cho con nên giống Chúa Giê su, con của Mẹ”. Một Chúa Giê su hiền lành
và khiêm nhường, luôn vâng theo ý Chúa Cha, hiến dâng mạng sống để cứu chuộc
nhân loại.
Mang thân phận con người, mỗi người
chúng ta có những tật xấu mà mình không muốn nhìn nhận: ghen tị, thường nhìn
sai lệch về tha nhân theo chiều tiêu cực, mặc cảm tự ti và tự tôn dẫn đến việc
hạ bệ tha nhân cách nào đó… đó là sự câm điếc thiêng liêng, thiếu nhạy bén để
nhận ra vẻ đẹp của cuộc sống đang diễn ra quanh ta. Sự vô cảm được định nghĩa: không nhìn thấy cái
đẹp, cái xấu, nhu cầu người khác và không biết động lòng. Vẻ đẹp ở đây không chỉ
là vẻ đẹp của bông hoa, kiệt tác của thiên nhiên mà còn là vẻ đẹp của lòng người:
lòng tốt, sự cảm thông, sự tha thứ, hy sinh, tận tâm… đó là những lọ ‘thuốc nhỏ
mắt’ mà Cha nhân lành gửi đến - giúp cho mắt tâm hồn ta được sáng hơn.
Lời Tv: Xin dạy con biết đếm
tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan. Ngẫm nghĩ lại đời mình,
chúng ta sẽ nhận ra biết bao hồng ân và sự tha thứ của Chúa để rồi mình cũng ‘hãy
đi và làm như vậy’; biết bao lần thoát bệnh, thoát chết, để rồi mình phải làm một
điều gì đó cho Chúa và tha nhân; biết bao người thân, người trẻ đã ‘đi trước’
chúng ta để rồi hãy tích cực lo lắng cho phần rỗi, lo tu thân tích đức, lo thờ
phượng và bám chặt vào Chúa hơn. Và mỗi ngày, hãy chạy đến với Chúa Giê su, vì
chỉ có Ngài có khả năng chữa lành bệnh ‘thiếu nhạy bén’ trong tình yêu, để chúng ta có
cái nhìn tích cực về anh em và bớt chê trách anh em.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét