Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2025

BỆNH “TRÌNH DIỄN TƯ TƯỞNG” TRONG NHÀ ĐẠO

 

BỆNH “TRÌNH DIỄN TƯ TƯỞNG” TRONG NHÀ ĐẠO


Hai điều trăn trở nhất của giáo hội Công giáo Việt Nam là Đời sống cộng đoàn (Giáo xứ, Dòng tu…) xuống dốc và Truyền giáo không hiệu quả.

Có lẽ các vị hữu trách rõ những nguyên do chính yếu cản trở nỗ lực phát triển toàn diện Giáo hội địa phương, cụ thể như bài phát biểu của Đức Tổng Giám mục Sài Gòn (20/01/2025) “Tất Cả Sứ Vụ Quy Về Phúc Âm Hóa”, trích câu phát biểu ngài: “SUY NIỆM ĐỦ RỒI, NHIỀU LẮM RỒI, ĐỪNG CÓ VIẾT NỮA!”.

Đức Tổng Giuse nói các thứ mầu nhiệm viết nhiều lắm, các thứ suy niệm tràn trề hết… Nhưng điều cần và hiệu quả cho truyền giáo là viết cho mọi người mọi giới có thể cảm được Chúa: Cho học sinh, cho công nhân, cho lao động bình dân… thì ít có. Mà viết cái này rất khó, bởi không phải chỉ là tư tưởng mà là cả đời sống chứng nhân.

Giáo hội Việt Nam đang rơi vào trào lưu thích “trình diễn tư tưởng”. Những bài giảng hùng hồn trong Thánh lễ, nhưng chuyên đề khơi sâu khơi rộng nơi chủng viện, học viện, những đại hội với chính yếu là phát biểu, những hội thảo, khóa đào tạo… ôi thôi bao la bát ngát. Sau đó là những tràng pháo tay cùng bao lời có cánh “cha sâu sắc quá, sơ hay quá sơ ơi…”. Những vị “sâu sắc” đó lại phải sống phiêu du vượt nhân thế để tìm kiếm “những sự cao siêu trên trời”.

Cơ hội trình diễn tư tưởng trở thành một mục tiêu phấn đấu cho nhiều người, nhất là người tu. Bằng cấp và địa vị là 2 yếu tố cần thiết để người thích trình diễn tư tưởng có đất diễn (tiêu chuẩn để được ưu tiên mời thuyết giảng). Và rồi hệ lụy là một Giáo hội cơ chế nặng nề, thiếu thực tế, nhân lực ảo… như ta đang thấy.

Bệnh trình diễn tư tưởng sẽ giết chết thực tại. Bởi nói rất hay nhưng sống ngược đang đầy gương trước mắt. Người nói thì nổi nang, kẻ làm nhiều thua thiệt. Các thế hệ sau thích nhìn vào ánh hào quang của vị đang thao thao bất tuyệt trước cử tọa đông đảo, mà khó để cảm những giọt mồ hôi cùng với bước chân âm thầm của bậc tông đồ theo tinh thần Đức Ki-tô.

Đức Tổng đã nói lên điều mà ta vẫn “ngại không dám nói”. Hàng ngàn các thánh được tuyên dương, mấy vị có bằng cấp? Hàng trăm nhà cải cách và truyền giáo vĩ đại, mấy vị nói giỏi? Chúng ta ảnh hưởng của văn hóa đời ngày càng nặng, văn hóa của ảo ảnh và ru ngủ thực tại.

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh

Nguồn tin: giaophanlongxuyen.org

 Suy tư: 

- Lần đầu tiên đọc được bài này được đăng trên trang gpbanmethuot.com, tôi cảm thấy giật mình vì tác giả dám nói lên một sự thật (trích lời ĐGM Nguyễn Năng) là: những suy niệm quá nhiều rồi - đừng viết nữa!  Tôi liên tưởng đến thánh nhạc: các bài hát mới liên tục được đưa lên mạng quá nhiều, hát đến tận thế cũng không xuể... Đó là những nhận định có thật, nhưng kết luận đưa ra mới thật sự quan trọng và cần thiết hơn: đừng viết những điều sáo rỗng, nên viết những gì thiết thực đánh động tâm hồn người đọc, giúp họ thay đổi đời sống và tìm gặp Chúa; hãy sáng tác những bản nhạc có chất lượng về âm nhạc, lời xác tín, giúp người khác tìm được Chúa.

- Giáo hội VN được báo động là : đời sống cộng đoàn xuống dốc (Giáo xứ, dòng tu) và truyền giáo không hiệu quả. Ở các Giáo xứ, biểu hiện dễ nhận thấy là người trẻ càng ngày càng xa nhà thờ, các vụ ly dị và ly thân nhiều, ít tân tòng tự nguyện (không phải vì hôn phối) và ám ảnh nhất là con số 7% người có đạo. Còn các dòng tu và chủng viện, dấu hiệu dễ nhận thấy là con số ơn gọi đang suy giảm rõ rệt qua từng năm. Sự trì trệ và suy thoái này buộc chúng ta phải dừng lại để suy nghĩ và cầu nguyện để tìm ra nguyên do và giải pháp: có thể là do mỗi người không tích cực cầu nguyện và dấn thân cho việc truyền giáo? Do chúng ta không được thực hiện những việc bác ái qua việc điều hành những hoạt động bác ái - giáo dục như trại phong, bệnh viện, trường học, truyền hình ... như một cách trình bày về Chúa Ki tô cho người ngoài Ki tô giáo? Người giáo dân không được đào tạo đầy đủ kiến thức giáo lý và xã hội để góp sức mình vào công việc rao giảng về Chúa cho lương dân? - Rất nhiều câu hỏi đặt ra và mỗi khía cạnh được đưa ra đều có lý một phần, nhưng theo tôi, lý do chính dẫn đến đời sống cộng đoàn xuống dốc và việc truyền giáo không tiến triển là do mỗi người không sống đúng con người của mình: cha không ra cha, sơ không ra sơ và con không ra con (đối với Chúa). Chúa trách ta sống hâm hâm dở dở, đánh mất tình yêu thuở ban đầu (sự đơn thành của những Ki tô hữu sơ khai - khi mới trở lại Ki tô giáo). Đừng bằng lòng với việc siêng năng đến nhà thờ mà phải xét lại cuộc sống hằng ngày xem mình nói gì, nghĩ gì, cầu nguyện thế nào, hành xử ra sao, sử dụng thời giờ Chúa ban ra sao. Mỗi người Ki tô hữu hãy là chính mình trong bậc sống của mình như Chúa Giê su mong muốn, siêng năng cầu nguyện cho người khác được vững tin, cho nhu cầu truyền giáo, đóng góp phần mình bằng việc nghiền ngẫm Lời Chúa để rồi truyền giáo bằng phần nhỏ của mình... phần còn lại, Chúa sẽ cho hạt lúa mọc lên khi Người muốn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét