Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 30 tháng 4, 2025

Giải mộng

 



Ngày lễ Thánh Giu se thợ, có lẽ có nhiều bài đọc được phép sử dụng trong phụng vụ. Sáng nay, cộng đoàn Giáo xứ Vinh Hương được nghe bài đọc 1 (Sáng Thế chương 39-41) và Bài Tin Mừng (Mt 1, 18-25) nói về hai ông Giu se. Cả hai ông Giuse có một điểm chung là tài giải mộng, đọc những giấc mơ.

Ông Giu se của thời Cựu ước là một người con của con ông Gia cop, người có tài giải mộng từ nhỏ, được cha yêu quý hơn các anh nên bị ghét và bán sang Ai cập.Vua Ai cập có hai giấc mơ: có 7 con bò béo xuất hiện, và sau đó có 7 con bò gầy yếu , những con sau này nuốt chửng 7 con bò béo mập; giấc mơ thứ hai là có 7 bông lúa trĩu hạt, liền sau đó 7 bông lúa gầy đã nuốt chửng 7 bông lúa mẩy kia. Các phù thủy cả nước được triệu tập đưa ra nhiều suy đoán nhưng không làm nhà vua thỏa mãn và một vị cận thần giới thiệu ông Giuse cho vua Pharaon. Ông Giu se giải mộng như sau: Cả hai giấc mơ chỉ là một, sẽ có 7 năm được mùa và tiếp đó là 7 năm mất mùa, nhà vua nên tích trữ thật nhiều lúa thóc để cứu nhiều dân tộc, và nhà vua đã cho xây nhiều kho lẫm khắp đất nước, đặt Giu se làm tể tướng với lệnh truyền: “Hãy đến cùng Giu se”. Qua nhân vật Giu se, chúng ta thấy chương trình của Chúa thật diệu kỳ, con người chỉ thấy điều trước mắt mà không thấy gì sau đường chân trời: Chúa đã gửi Giu se sang Ai cập như một người tôi mọi là để cứu sống cả một dân tộc Israel.

Ông Giu se của thời Tân ước là bạn của Đức trinh nữ Ma ria, là người cha nuôi Chúa Giê su. Ông Giu se xuất hiện như một nhân vật phụ trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Ông đã đính hôn với Đức Maria như một cặp vợ chồng bình thường, nhưng rồi Chúa cho ông hiểu Chúa cần sự đóng góp của ông cho một chương trình lớn hơn: Người con nuôi mang dòng họ Đavit của ông, Mẹ Maria có một nơi nương tựa vững chắc trước pháp luật, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh về một trinh nữ sẽ sinh con mà vẫn còn trinh khiết. Chúa không hề hiện ra bàn bạc trước với Thánh Giu se mà chỉ ‘gợi ý’ qua những giấc mơ, điều lạ là khi tỉnh dậy, ông Giu se liền mau mắn thực hiện ý muốn của Chúa. Tin Mừng kể lại 4 gợi ý của Chúa: Đừng ngại đón Ma ri a về nhà làm vợ, vì hài nhi trong bụng là Con Đấng tối cao; Mau đưa hài nhi trốn sang Ai Cập; Đưa hài nhi về; Đừng về Bê lem mà về làng Na gia ret. Chắc chắn cuộc sống của Thánh Giu se còn có nhiều giấc mơ khác nữa nhưng không được ghi lại. Qua cuộc đời Thánh Giu se, chúng ta nghiệm ra Ngài là Người Công Chính, có nghĩa là có sự gắn bó mật thiết với Thiên Chúa, nhạy bén với những gợi ý tốt của Chúa, và thánh nhân đã hoàn thành nhiệm vụ của mình như một người đầy tớ tốt lành và trung tín của Thiên Chúa. Từng ngày một, Thánh nhân trở nên một cây bút chì dễ bảo trong bàn tay Chúa để Chúa vẽ gì tùy ý Ngài; và khi kết thúc cuộc đời, chắc chắn thánh nhân đã ồ lên kinh ngạc khi thấy chương trình hành động của Chúa thật tuyệt vời không sao kể xiết. Tôi đã từng có cảm nghiệm không bao giờ quên về một ‘dự án’ trong gia đình, từng sự kiện một diễn ra một cách rời rạc, nhưng Chúa cho chúng tôi thấy một cái kết ngoài dự tính của mình, Chúa được ví như chủ nhân của dự án, còn chúng tôi chỉ là những diễn viên bình thường thôi.

Lời Chúa mời gọi: ai muốn theo Ta, hãy vác Thập giá mình hằng ngày mà theo. Nghề nghiệp nào cũng có những điều phức tạp và nặng nề đến nỗi nhiều khi ta muốn bỏ gánh xuống và đôi khi rùng mình khi một ngày mới bắt đầu. Áp lực cuộc sống khiến nhiều người nghĩ đến đi du lịch một lát, có người tìm cách xả stress cách nào đó, nhưng có người bị cám dỗ đến việc quyên sinh. Đừng nghĩ rằng người có nhiều áp lực là cảm thấy cuộc sống nặng nề, mà cả những người vô công rồi nghề, có người trên đỉnh cao danh vọng và ê hề của cải cũng cảm thấy một sự trống rỗng và vô nghĩa của cuộc sống. Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi có Chúa hiện diện và đồng hành. Ngày lễ kính Thánh Giu se Thợ, Giáo hội mời gọi ta xem lao động như cơ hội nên thánh, chính lao động rèn luyện con người nên dũng cảm, vì chính Chúa Giê su dù là Con Thiên Chúa cũng phải trải qua đau khổ để học biết thế nào là vâng phục. Điều thứ hai là cần học tài giải mộng của Thánh Giu se: những gợi ý tốt đẹp của Chúa được gợi ý trong lương tâm con người, qua một bài giảng, qua một câu chuyện từ cuộc sống, hoặc một câu nói của ai đó… hãy cẩn thận cất giữ những gợi ý tốt, đừng để nó lọt sàng và đem ra thực hành, đó mới là đầy tớ khôn ngoan và trung tín của Chúa.

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2025

Đấng cứu chuộc

 



Câu Tin Mừng Ga 3, 18 nêu bật một chân lý căn bản của Ki tô giáo rằng Đức Giê su là Đấng Cứu Chuộc nhân loại: “Như Moi sen đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”. Người ta phân biệt cứu độ, là cứu vớt qua – từ bờ này qua bờ kia; còn cứu chuộc là bỏ ra một cái gì đó để lấy lại cái đã mất (từ điển Công Giáo 500 mục từ).

Qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giê su, chúng ta được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi, được trở thành con Thiên Chúa và được sự sống đời đời… chúng ta tuyên xưng Chúa Giê su là Đấng Cứu độ duy nhất và là Đấng cứu chuộc nhân loại. Nhưng trong đầu óc chúng ta hầu như chỉ nghĩ đến việc cứu rỗi phần hồn mà ít nghĩ đến một điều khá quan trọng khác: Chúa Giê su sống lại là một bảo đảm chắc chắn rằng thân xác chúng ta cũng sẽ được sống lại khi Chúa muốn (ngày tận thế, ngày Chúa Ki tô đến lần thứ hai trong vinh quang). Thời Chúa Giê su, phái Saduseo cũng không tin việc thân xác con người sẽ sống lại, họ đưa ra câu hỏi với Chúa Giê su: có một người đàn bà lấy 7 anh em ruột (theo luật Do Thái) mà không để lại mụn con nào, bà ấy là vợ ai trong ngày kẻ chết sống lại? Thời chúng ta cũng vậy, nhiều người tin rằng linh hồn (hồn thiêng) vẫn tồn tại cách nào đó, nhưng thân xác thì có lẽ tiêu tán luôn. Cũng vì lý do nào đó mà thời Giáo hội VN bị bách hại đạo, nhiều vua chúa đã nghĩ đến việc phân thây vứt xuống sông cho cá ăn, đầu thì bỏ vào cối giã nát rồi vứt xuống sông…Tôi nghĩ có hai lý do, một là họ muốn cười nhạo niềm tin vào việc thân xác sống laị của Ki tô giáo, hai là họ muốn xóa luôn vết tích còn lại của một con người – khỏi ai tưởng nhớ.

Thánh Phao lô đã suy luận: Đức Giê su đã sống lại từ trong cõi chết, vậy sao có người lại nói thân xác người ta sẽ không sống lại? Quả là nói gở, vì nếu thân xác người ta không sống lại thì Đức Ki tô cũng đã không sống lại. Và  trong  thư 1 Tx 4,16 : “Khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng Tổng lãnh Thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước tiên”. Vào thế kỷ trước, trong Giáo hội đã có việc tranh luận về việc hỏa thiêu: Giáo hội không chấp nhận việc hỏa thiêu để cười nhạo (thách thức) niềm tin vào việc sống lại của thân xác, nhưng chấp nhận việc hỏa thiêu như một giải pháp chôn cất bình thường của xã hội - chờ ngày được phục sinh. Đối với Chúa, dù thân xác ta trở về bụi đất, đốt thành tro rải xuống sông, tiêu tán trong bụng cá, dù tàn tật … thì chỉ một cái thổi hơi của Thần Khí, tất cả sẽ sống lại trong một thân xác sáng láng vinh hiển, kết hợp lại với linh hồn để được hạnh phúc hay để bị kết án đến muôn đời. Chúng ta gặp hình ảnh này trong sách tiên tri Ezekiel: Một cánh đồng xương khô, tiên tri được lệnh của Chúa để tuyên sấm, sau lời tuyên sấm – các xương khô đó chuyển động – các gân và thịt mọc ra và trở thành một đạo binh đông đảo (Ed 37, 7-10).



Niềm tin vào việc thân xác sống lại và có đời sau rất quan trọng, nó sẽ quyết định đến thái độ sống của chúng ta trên trần gian này: cuộc sống trên trần gian là để chuẩn bị cho cuộc sống mai hậu. Người Công giáo tôn trọng các phần mộ, tro cốt đã hỏa táng vì tin rằng thân xác loài người ngày sau sống lại. Nhưng chính niềm tin đó cũng dạy chúng ta cách thảo hiếu với người đã khuất: không chạy theo thói đời như phô trương phần mộ, hoặc một số tập tục nuôi mả bằng thức ăn vật chất… mà tập trung vào những hy sinh, cầu nguyện, xin lễ cho người đã khuất; vì sau cái chết thân xác con người sẽ đi vào mục nát - chờ ngày phục sinh.

Thánh Phao lô nói: “Anh em không biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao?” (1 Cor 6,13-15) . Thánh ca Colosê ca tụng: Đức Ki tô là trưởng tử giữa mọi loài thụ sinh, Ngài là đầu của thân thể mình là Hội Thánh (Cl 1, 18-20). Theo suy luận thần học, thì Đức Ki tô là trưởng tử của một đoàn anh em đông đúc là chúng ta - những kẻ tin vào Ngài, Ngài sống lại vinh hiển thì em út cũng được chia sẻ sự sống lại như vậy; hình ảnh cùng một thân thể thì lại càng dễ hiểu hơn nữa. Như vậy ca mừng Chúa đã phục sinh, chúng ta hân hoan vì được trở thành những tạo vật mới, linh hồn sẽ trở về nhà Cha trong ngắn hạn; và trong dài hạn, cả thân xác cũng sẽ sống lại hiển vinh, cùng với hồn được chiêm ngưỡng vinh quang Chúa đến muôn ngàn đời. Amen

Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2025

Niềm tin vào Chúa Phục Sinh

 



Sự kiện Chúa Giê su chịu tử nạn và Phục Sinh nằm ở trung tâm của niềm tin Ki tô giáo: ai tin thì được cứu rỗi, ai không tin thì không được hưởng ơn cứu độ. Trong lịch sử 2000 năm nay, không thiếu những kẻ không tin vào Đức Giê su là Thiên Chúa thật và là người thật, dẫn đến việc họ không hiểu đúng cái chết chuộc tội của Con Thiên Chúa; và càng nhiều người không chấp nhận sự sống lại của Chúa Giê su, dẫn đến cái chết trầm luân vì sự cứng lòng: họ được ví như người chết khát bên đập nước.

Trong mùa Phục Sinh, chúng ta đào sâu đến sự kiện Chúa Giê su sống lại. Hai sự kiện được kể là bằng chứng phục sinh là ngôi mộ trống và việc làm chứng của những người đã được gặp Chúa (trực tiếp và trong đức tin). Cả hai sự kiện đều khó tin và khó xảy ra nếu không có một quyền lực từ trên cao. Khi Thánh Phaolô đến thành Athena, ở đó có bàn thờ kính ‘Thần vô danh’, ngài giảng cho họ về Đấng tạo dựng trời đất, đã sai Con mình đến trần gian để mạc khải những mầu nhiệm nước trời, đã chết để chuộc tội, và đã sống lại… Nghe đến việc người chết sống lại thì họ lắc đầu cười nhạo và rút lui; điều đó chứng tỏ rằng: vấn đề Chúa Giê su sống lại rất khó tin và khó chấp nhận cho người mọi thời, kể cả hôm nay. Trong những bài giảng đầu tiên của Thánh Phê rô cho người Do Thái, ngài đã nêu bật vai trò và vị trí của Chúa Giê su: Thiên Chúa đã tôn vinh Đức Giê su làm Chúa và là Đấng Ki tô, và ở dưới vòm trời này không có Danh nào khác mang lại ơn cứu độ.

Trong tuần bát nhật vừa qua, chúng ta được nghe khá đầy đủ những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh. Có một dàn bài tổng quát cho những lần hiện ra: thân xác phục sinh của Chúa không lệ thuộc vào không gian, Chúa mang nhiều dáng vẻ khác nhau nên các môn đệ không nhận ra ngay, có lúc tưởng là thấy ma – chỉ khi Chúa tỏ ra một dấu chỉ nào đó thì họ mới nhận ra; tuy thấy Chúa rồi nhưng họ vẫn ở lại trong sự sợ hãi; Chúa Giê su thổi hơi và ban Thánh Thần cho họ và sai họ ra đi trở thành nhân chứng của Chúa Phục sinh. Chúng ta nhận ra rằng: Chúa tràn đầy lòng thương xót  khi hiện ra với các môn đệ: Chúa bỏ qua những yếu đuối của họ trong cuộc thương khó, Chúa không chấp sự cứng lòng tin của họ khi tưởng Chúa là ma, Chúa không trách khi họ sợ hãi tụ họp trong phòng kín… Vì Chúa đã trở nên người phàm và tên của Chúa là Lòng Thương Xót.

Tuy vậy, dường như hoạt động Thánh Thần chưa mãnh liệt – phải đợi đến lễ Ngũ Tuần thì Giáo hội mới thực sự hồi sinh: các nhân chứng mạnh dạn làm chứng, những ơn chữa lành – nói tiếng lạ - những mẻ cá 5.000 -7.000 linh hồn chỉ trong một ngày. Thời đại chúng ta đang sống được xem là là thời đại của Chúa Thánh Thần, nhưng có người lại nói thời đại này là thời đại hậu Ki tô giáo, có nghĩa là đạo Chúa đã lỗi thời và đang giẫy chết. Nhiều khi chúng ta cũng có cảm tưởng rằng những dấu lạ và những ơn chữa lành không mấy khi xảy ra nữa, nhân loại chìm ngập trong hận thù, đau khổ và chiến tranh, sự ích kỷ và lối sống hưởng thụ dường như đè bẹp những giáo huấn yêu thương bác ái của Tin Mừng, người xấu nhiều hơn người tốt. Người có cái nhìn bi quan thì thích ở lại trong sự buồn thảm của chiều thứ 6 tử nạn hơn là bước đi trong ánh sáng của Chúa Phục sinh.

Tình trạng 'lúa và cỏ lùng chung sống cho tới mùa gặt' nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa, để niềm tin của mỗi người được trui luyện. Ngay trong ví dụ lúa và cỏ lùng, chúng ta nhận ra sự lạc quan của Thiên Chúa: dù có những hạt rơi trên đá sỏi, bên vệ đường, trong gai góc… bị thất bại và lãng phí, tuy nhiên vẫn có những hạt rơi vào đất tốt và trổ sinh hoa trái dồi dào. Mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa cũng diễn ra như vậy: việc chọn người cộng tác, việc Chúa rao giảng trong thời gian quá ngắn và thành quả chẳng bao nhiêu, cái chết và phục sinh còn nhiều tranh cãi thì Chúa lại rời bỏ địa cầu để lên trời. Nếu một công trình nhân loại mà tổ chức như vậy thì chỉ có thất bại, nhưng Cứu Chuộc là công trình của Chúa, Giáo hội là thân mình của Chúa và sức mạnh thực sự của cánh đồng truyền giáo là Chúa Thánh Thần. Trải qua biết bao thăng trầm và bắt bớ trong suốt lịch sử 2000 năm nay, Giáo hội vẫn trường tồn dù trong tay chẳng có sư đoàn bộ binh nào cả, và Giáo hội đó sẽ muôn đời kiên trung, như lời xác tín của chính Chúa. Cha Kim Long có viết bản nhạc ‘Chúa không lầm’: “Chúa không lầm khi Ngài đành hy sinh, để rồi nhìn con không đáp tình, vì Chúa đã biết từ ngàn xưa: còn mang thân thể nặng nề, là còn luôn mê mải trần thế. Nhưng lòng Chúa quá bao la, dù cho bao phen con yếu đuối, thành tâm xin ăn năn sám hối, là Ngài lại thứ tha”. 




Câu tuyên xưng đức tin của Thánh Tô ma đáng cho chúng ta ghi nhớ: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con”. Mục đích cao nhất của Giáo dục Kitô giáo là giúp cho người khác nhận ra sự thiện tối thượng của cuộc đời là Thiên Chúa: Một người dù có rất ít của cải nhưng có niềm tin vào Chúa thì được kể là người giàu có, vì có Chúa là có tất cả. Niềm vui của người Ki tô hữu bắt nguồn từ việc được làm con cái Chúa, được Chúa yêu thương, nâng đỡ và đồng hành trên con đường tiến về quê trời. Sức mạnh của Chúa Phục Sinh là có thật và mãnh liệt, giúp ta thắng vượt những nết xấu nơi bản thân, và đóng góp phần nhỏ nhoi của mình vào việc làm chứng nhân cho Chúa. 

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2025

TÔI ĐÃ THẤY CHÚA (Ga 20, 11-18)

 



Bà Ma ri a Madala đến mộ và khám phá ra ngôi mộ trống. Chúa hiện ra với bà nhưng bà cứ tưởng là người làm vườn, bà chỉ nhận ra Chúa khi được gọi tên. Sau khi gặp Chúa, bà đi báo tin cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa” và bà kể lại những điều Chúa đã nói với bà.

Sứ điệp bà Maria loan báo tuy ngắn nhưng lại đầy đủ nội dung. Bà Maria (và một số nhân chứng Chúa chọn) đã thấy Chúa bằng mắt thịt – còn chúng ta chỉ nhìn thấy Đấng Phục sinh bằng con mắt đức tin. Thư Do Thái nói về ông Moi sen như sau:  Nhờ đức tin, ông bỏ Ai-cập mà không sợ cơn thịnh nộ của nhà vua; ông vững vàng không nao núng, như thể xem thấy Đấng vô hình. Chung quanh chúng ta vẫn có những chứng nhân như thế, đó là các Ki tô hữu nhiệt thành sống niềm tin của mình, có thể họ vô danh - không nổi tiếng, nhưng chỉ Thiên Chúa mới biết lòng tin của họ. Dễ nhìn thấy hơn, đó là các tu sĩ nam nữ và các linh mục, các thừa sai giáo dân và các giáo lý viên… cuộc sống của họ muốn nói với thế giới rằng: Tôi đã thấy Chúa. (Theo thống kê của Giáo hội năm 2016: Dân số thế giới là 7,1 tỷ/ Công giáo là 1,2 tỷ/ Linh mục là 416.000/tu sĩ nam nữ là 736.000)

Có một thực tế là chúng ta dễ mất đức tin khi thấy họ (những thành phần ưu tú trên) sống không đúng với niềm tin, nhưng chúng ta lại dường như đui mù khi cuộc sống của họ nêu bật những nhân đức của Ki tô giáo. Khi phong thánh cho một vị, không phải vì họ không có nết xấu và không phạm tội, nhưng đúng hơn họ biết đứng dậy từ trong những nết xấu của mình và trung thành với Chúa Ki tô cho đến giây phút cuối đời, họ nêu gương sáng về một số nhân đức của Tin Mừng để các tín hữu noi gương. Hãy xin Chúa mở mắt tâm linh để nhìn thấy những điều tốt đẹp mà các nhân chứng Tin Mừng đang chiếu tỏa và biết im lặng trước những điều có vẻ phản chứng, vì có những điều kín ẩn trong tâm hồn tha nhân mà ta không biết; hơn nữa việc xét đoán tha nhân (phân biệt lành dữ) là việc của Chúa và là công việc khó khăn mà ta đừng dại gì rước vào thân, rất dễ mang họa.



Trong những năm gần đây, Giáo phận Bmt thực hiện việc thuyên chuyển các linh mục thường xuyên hơn, nên giáo dân thường có sự so sánh và được hưởng nhiều hương vị trong các hoạt động của các vị mục tử khác nhau. Đó là một điều tốt: giáo dân học sự vâng phục và cộng tác, giáo sĩ học được sự từ bỏ, chấp nhận và phó thác cho Chúa trong công việc tông đồ. Trong một lần gặp gỡ các giáo chức, ĐGM Vinh sơn căn dặn: Đừng quá khắt khe với các linh mục, vì khi chọn con đường tu trì làm linh mục triều, các ứng viên đều có thiện chí muốn rao truyền Tin Mừng, nhưng vì là con người nên có những hạn chế và có thể có những tham sân si; hãy cầu nguyện cho các linh mục để họ được kiên vững trong lý tưởng phục vụ Chúa và phục vụ đồng loại. ‘Người ta’ (những người thích nói xấu các linh mục và con cái ma quỷ) thích bôi nhọ các vị mục tử như phương cách tối ưu để triệt phá Giáo hội: đánh vào đầu rắn, đánh vào kẻ lãnh đạo của một tổ chức; nhưng họ không biết rằng: Giáo hội là của Chúa, và không có quyền lực nào có thể phá hủy được Giáo hội của Chúa Ki tô.

Mỗi ngày sống là một trang sử mới cuộc đời ta, để ta nói với người khác rằng: Chúa đã sống lại, tôi đã gặp Chúa. Hãy khuyến khích người khác khi họ làm điều tốt, và chân thành góp ý về điều chưa tốt. Hãy kể cho người khác ‘phép lạ’ Chúa đã làm cho mình. Điều lạ vẫn xảy ra liên tục trong đời ta, nhưng tại sao ta lại ngại kể ra? Có phải vì Chúa không muốn, vì sợ mất đức khiêm nhường? - không phải thế, vì ma quỷ không muốn và vì ta thiếu lòng tin, vì sợ người khác cười mình ngây thơ! Trong Tin Mừng kể lại chuyện: một người bị quỷ ám được chữa lành, anh muốn theo làm môn đệ Chúa, nhưng Chúa bảo anh “con hãy về, kể cho người khác những gì Chúa đã làm cho con’. Vậy mà chúng ta thường xuyên im lặng không dám nói những việc tốt đẹp Chúa làm cho mình, và thích kể đi kể lại những chyện ‘hiếp, sốc, lộ hàng, ăn quỵt, lừa lọc…, như những đồ đệ trung thành của Sa tan. Hãy học gương bà Ma ri a để nói với tha nhân: tôi đã thấy Chúa và kể lại những điều Chúa đã nói với mình.

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2025

Ánh sáng Đấng Phục Sinh

 

 



Trong đêm vọng Phục Sinh, Giáo hội long trọng cử hành nghi thức làm phép lửa và làm phép nến Phục Sinh. Một sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng được thể hiện rõ rệt: lửa và nến được làm phép trong sự bao trùm của bóng tối, nhưng khi ánh sáng của nến Phục Sinh được thắp sáng cho nhiều người thì một bầu khí vui tươi tràn ngập cộng đoàn và rồi Thánh  đường bỗng nhiên bừng sáng – cả ánh nến và đèn điện. Điều đó phần nào diễn tả ý nghĩa lớn lao của biến cố Phục Sinh: nếu Chúa không phục sinh thì vạn vật chìm ngập trong chết chóc và bóng tối.

Điều đáng lưu tâm là ánh sáng của cây nến Phục Sinh được lan truyền từ người này qua người khác, từng người một và rồi cả cộng đoàn rực sáng: ngọn nến sáng trên tay mỗi người tượng trưng cho đức tin của từng tâm hồn. Niềm vui Chúa Phục Sinh được ban tặng cho trần gian là một ân huệ nhưng không (do lòng thương xót Chúa, con người không xứng đáng) có thể được ví như vầng dương là trung tâm của hệ mặt trời, nhưng khác với mặt trời luôn chủ động và áp đặt tác động của nó trên vạn vật, niềm tin và niềm vui Chúa Phục Sinh phải được loan truyền cho nhau – từ người này qua người khác… đó là cách Chúa muốn và là một mầu nhiệm vẫn không ngừng diễn ra trên hành tinh này.

Ơn Cứu độ Chúa Giê su hoàn tất qua biến cố chết và phục sinh được áp dụng cho mọi người, không loại trừ một ai, thế nhưng Thiên Chúa chỉ âm thầm mời gọi – tác động, không áp đặt niềm tin vì tôn trọng tự do của con người. Bởi đó, khi sống lại, Chúa không làm những việc kinh thiên động địa, Ngài chỉ hiện ra với những nhân chứng đã tuyển chọn (Cv 10, 40), để rồi họ loan báo và làm chứng cho người khác. Sứ mạng truyền giáo là ơn gọi của mỗi người khi họ chịu phép Rửa: thắp sáng niềm tin cho anh em mình. Ánh sáng Phục Sinh phải thắp lên từ Ngọn Nến Phục Sinh là Đức Ki tô (khác với việc lấy quẹt ga từ trong túi mình bật lên đốt nến cho mình và thắp chuyền cho người khác), điều đó muốn nói với ta rằng: đức tin của ta phải bắt nguồn từ lòng Thương Xót Chúa ban tặng, phải được nuôi dưỡng bởi sự tiếp xúc trực tiếp với Đức Giê su trong các cử hành phụng vụ, gặp gỡ Ngài nơi tha nhân – nhất là những người cùng khổ. Đừng chờ Chúa đến thăm nhà mình và hiện ra với mình, nhưng hãy đón tiếp nhau – mỉm cười với nhau – cảm thông với sự yếu đuối của nhau, hãy ra khỏi nhà và rời khỏi cell phone để thăm một người bệnh hoặc một người già yếu, dù chẳng thú vị gì - nhưng đó là cơ hội để gặp Đấng Phục Sinh. Mỗi cuộc gặp gỡ, người Ki tô hữu hãy nói với nhau rằng: Sự sống đã chiến thắng sự chết, tình yêu đã chiến thắng hận thù, mỗi người là anh em của nhau vì có chung một Cha trên trời, và chúng ta sẽ cùng chung sống với nhau trên thiên đàng.



Lời nguyện của ngày lễ Phục Sinh rất đáng ta thuộc lòng: Xin Cha ban Thánh Thần, làm cho chúng con trở nên người mới, để sống một cuộc đời mới tràn ngập ánh sáng Đấng Phục Sinh. Ánh sáng dẫn đường tâm linh, ánh sáng sưởi ấm cõi lòng. Chúa Đã Phục Sinh, đó là niềm vui của chúng ta. Ngay từ giây phút đầu tiên của sự kiện Chúa Phục sinh, đã xuất hiện tin giả rằng xác Chúa bị đánh cắp, bởi vì người ta không tin được là một kẻ đã chết nay có thể sống lại – và thế gian không muốn đón nhận một chiến thắng của Đấng mà họ đã giết chết cho bằng được. Ma quỷ vẫn không ngừng gieo rắc sự nghi ngờ trong từng tâm hồn và trên khắp thế gian này, chúng lôi kéo tâm trí ta bận tâm đến những điều phù phiếm và tạm bợ để ta sao lãng niềm vui CHÚA ĐÃ PHỤC SINH, ALLELUIA, ALLELUIA.

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2025

Tôi vô can

 




Trong vụ án Chúa Giê su, ông Philato để lại nhiều câu nói đáng để ta suy gẫm trong mùa Chay: Ông là vua ư? Tôi vô can trong vụ đổ máu người này, Sự Thật là gì?

Trong khuôn khổ bài viết ngắn này, chúng ta dừng lại ở câu nói “Tôi vô can” kèm theo đó là việc rửa tay công khai, chứng tỏ bàn tay của ông không dính máu trong vụ án này. Sau khi đã tìm nhiều cách để tha Đức Giê su mà không được, ông tạm bằng lòng với việc rửa tay vì cho rằng ‘đã hết cách’. Đó là tâm trạng của kẻ ngoài cuộc, của việc phủi trách nhiệm, chọn sự an toàn cho bản thân hơn là hướng về sự thiện và bảo vệ công lý.

Đó cũng có thể là tâm trạng của mỗi người chúng ta khi suy gẫm về cuộc thương khó: chúng ta tri ân Chúa vì đã đổ máu đào và hiến mạng sống vì yêu loài người, nhưng dường như phần đóng góp của ‘tội tôi’ vào cái chết đó là không rõ ràng – nếu không muốn nói là tôi vô can, vì sự kiện Con Thiên Chúa nhập thể và chịu chết đã xảy ra cách đây gần 2000 năm rồi. Trong mùa Chay và trong suốt Tuần Thánh, chúng ta tiếp xúc với những bản văn Kinh Thánh nói về cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giê su, ngắm 15 sự Thương Khó, đọc lại những suy niệm của các nhà tu đức và thần học… chúng ta hiểu rất rõ lý do và ý nghĩa của Thập giá – một tình yêu dâng hiến của Con Thiên Chúa, nhưng dường như tâm hồn chúng ta vẫn lạnh ngắt và khó nhỏ ra một giọt nước mắt ăn năn: vì tội tôi đã đóng đinh Con Thiên Chúa vào thập giá.

Trở lại với câu chuyện hai môn đệ trên đường Emaus, dù đã tiếp xúc với những bản văn Cựu ước và cả những tiên báo của Chúa Giê su về cái chết và phục sinh, nhưng lòng họ chẳng hiểu gì cả trước những diễn tiến của mầu nhiệm tử nạn và phục sinh, họ buồn bã rời bỏ Giê ru sa lem. Chúa Giê su xuất hiện, trích dẫn Thánh Kinh để họ hiểu ý nghĩa của các biến cố vừa xảy ra, lòng họ bừng cháy và họ nhận ra người bạn đồng hành là Chúa Giê su. Thế đó, đôi mắt trần không thể nhìn thấy điều thiết yếu (Exupéry, nhà văn Pháp), dù chúng ta có nỗ lực đọc nhiều tài liệu để tìm cách hiểu và yêu Đấng Cứu Chuộc hơn thì trí óc ta chỉ tìm thấy một mớ kiến thức cũ, còn tâm hồn dường như bị đóng băng trước một mầu nhiệm. Một vị hồng y già nói với các linh mục: “Tôi đã từng nói và viết nhiều về vấn đề đau khổ của con người, nhưng bây giờ tôi nghiệm ra mình chẳng hiểu gì về nó cả”. Khi đi thăm bệnh nhân, nhất là những bệnh nan y và những hoàn cảnh bi ai, có lẽ chúng ta chỉ nên hiện diện để động viên họ và nói ít về đau khổ - vì ta chẳng hiểu gì nhiều.



Lạy Chúa Giê su Thập Tự Giá, chúng con suy gẫm và tích cực tham dự phụng vụ trong suốt mùa Chay 2025, và hôm nay là Thứ Sáu Tuần Thánh, kỷ niệm cuộc Thương Khó Chúa chịu vì chúng con. Xin Chúa biến đổi lòng con, để con ý thức ‘vì tội con mà Chúa đã chết để con được sống’, để thấy rằng con không vô can trong việc Chúa hiến tế trên thập giá. Lạy Chúa, xin ơn Thánh Linh soi dẫn trí khôn, biến đổi con tim để con yêu Chúa nhiều hơn, lòng bừng cháy hơn trước hành động cao đẹp mà Chúa đã dành cho con – vì chỉ Thần Khí mới làm cho sống động những hành vi của MỘT THIÊN CHÚA TÌNH YÊU trong trái tim chai đá của con. Amen.

Thứ Năm, 10 tháng 4, 2025

Tại sao các ngươi tìm giết Ta?

 




Bài Tin Mừng của Thánh Gio an 10, 32-42 vẽ nên một cuộc tranh luận cốt lõi về cái chết của Chúa Giê su. Chúa hỏi thẳng dân Do Thái: Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm, vì việc nào mà các ông đòi ném đá tôi? Họ trả lời: Chúng tôi ném đá ông không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng, ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.

Chúa Giê su đã nhiều lần tuyên bố mình là Con Thiên Chúa, Chúa trưng ra bằng chứng là các việc Ngài làm minh chứng cho loài người biết nguồn gốc Thiên Chúa của mình: các phép lạ, quyền tha tội, cái chết và phục sinh. Ông Gioan đã làm chứng và nhiều người đã tin vào Đức Giê su “vì mọi lời ông Gio an nói về Người đều đúng”. Trong Tin Mừng có kể lại 2 lần tiếng Chúa Cha xác nhận từ trời cao: “Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng”, một lần khi Chúa chịu phép rửa ở sông Giodan và lần khác khi Chúa biến hình trên núi Tabor. 

Đọc lại các trình thuật Tin Mừng kể về cuộc thương khó Chúa, chúng ta nhận thấy hai điều: Chúa Giê su chủ động dâng hiến mạng sống để thi hành kế hoạch cứu chuộc mà Cha đã định – Chúa khẳng khái tuyên bố trước tòa Phi la tô rằng: "Tôi là vua, nhưng nước Tôi không thuộc về thế gian này"; điều thứ hai là dân Do Thái thù ghét Chúa Giê su đến cực độ, phải giết bằng giá nào – ghét hơn Ba ra ba.




Chúng ta tự hỏi: tại sao Chúa Giê su bị ghét đến như vậy? Có hai lý do: lý do thứ nhất là giáo lý của Chúa đi ngược với tham sân si của người đời và lý do thứ hai là Chúa Hằng Hữu. Niềm tin vào Chúa Giê su đòi buộc con người phải thay đổi lối sống để bước theo một con người – đặt dấu chân mình trên dấu chân Chúa Giê su, tuân giữ Lời Người dạy, mà Đấng ấy lại Hằng Hữu – nghĩa là còn đang sống bên cạnh ta và biết rõ mọi việc ta làm… nên cách tốt nhất là khai tử đạo Ki tô, vì dường như nó cản trở con người thỏa mãn dục vọng của mình - để vui hưởng cuộc đời. Có người nhận xét: Người ta không ghét Đức Phật, Đức Khổng hay Ông Mahômet. Một ít người bị ghét lúc sinh thời như Neron, Hốt Tất Liệt, hay Bismark. Nhưng ngày nay, còn có ai nghĩ đến ghét họ nữa! Chẳng còn ai đe dọa xúc phạm mộ Neron. Cũng chẳng còn ai sỉ mạ Bismark nữa. Họ chết là hết bị ghét. Cả Hoàng Đế nước Đức, sau thế chiến thứ hai, bị nhân dân và thế giới sỉ nhục, nay cũng không còn ai ghét nữa. Sự thù ghét đối với mọi người đã tiêu tan, mà sao đối với Chúa Giêsu vẫn tồn tại? Đâu là lý do? Đó là do giáo lý Chúa dạy ngăn cản thị dục người ta và Ngài Hằng Hữu. 

Hằng Hữu (I Am Who I Am) mang rất nhiều ý nghĩa: tự mình mà có (Tự hữu), Là Alpha và Omega (không có khởi đầu và kết thúc), Thiên Chúa luôn hiện diện và hành động trong hiện tại . Còn các vĩ nhân và mỗi người chúng ta chỉ là hiện hữu, hiện hữu thì rất khác: được sinh ra trong thời gian.




Lịch sử Ki tô giáo đã chứng minh Lời tiên báo của Chúa Giê su: “Nếu thế gian ghét các con thì hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước, và vì các con không thuộc về thế gian”. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 đã nói: “Tôi thà ngàn lần thấy một Giáo hội bị bách hại còn hơn một Giáo hội thỏa hiệp”. Xin trích một đoạn ngắn bài viết của ĐTGM FULTON SHEEN:  “Tôi hân hạnh thuộc về một Giáo Hội người ta ghét. Đã hẳn, kẻ nhận biết bản tính thần linh của Giáo Hội thì yêu Giáo Hội. Nhưng, kẻ tưởng Giáo Hội là lỗi thời, lạc hậu, dị đoan, ma thuật thì ghét Giáo Hội. Kẻ chịu ơn thiêng liêng của Giáo Hội, thì mến Giáo hội như người Mẹ vậy. Thế gian đối xử với Giáo Hội y hệt như đã đối xử với Đức KiTô. Ngài cũng được yêu mến, nhưng cũng bị ghét bỏ. Không có ai được quí trọng như Ngài, nhưng cũng không có ai bị khinh dể như Ngài”.

Ngày nay thế gian không thể đóng đinh Chúa Ki tô thêm một lần nữa thì họ quay sang thù ghét Giáo hội là hiền thê của Ngài. Có thể nói dù ở Đông hay ở Tây, thuộc thể chế chính trị nào, người ta vẫn không ưa và tìm cách tẩy chay ảnh hưởng của Ki tô giáo trên xã hội, đó là một sự thật mà Chúa chúng ta đã trải qua, và hãy hãnh diện vì được thuộc về Chúa Ki tô. Thánh Phao lô đã thốt lên: “Tôi coi mọi sự là thua thiệt trước mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Ki tô, Chúa tôi”.

Thứ Ba, 8 tháng 4, 2025

Ta Là Đấng Hằng Hữu ( I Am Who I Am)

 



Chúng ta đã gặp cụm từ này từ rất sớm ở trong Kinh Thánh - trong sách Xuất Hành (3, 14), khi Chúa tự giới thiệu Danh của mình cho ông Moi sen. Còn ở trong Tin Mừng Gioan, cụm từ này mang một hương vị mới: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu và biết Tôi không tự mình làm điều gì, Tôi chỉ nói điều Cha truyền (Ga 8, 28).

Thật đối nghịch với suy nghĩ của loài người, khi phạm nhân bị đóng đinh vào thập giá – một hình phạt ô nhục, thì điều rõ ràng nhất xảy đến là cái chết thảm khốc. Nhưng trên bình diện Thần học, cái chết của Chúa Giê su là biểu hiện của một tình yêu dâng hiến để cứu sống cả nhân loại. Chúng ta gặp hình ảnh này trong sách Dân Số (21, 8): Dân Do Thái phản loạn, họ kêu trách Chúa và Moi sen; Chúa cho rắn độc cắn chết nhiều người; Chúa truyền cho ông Moi sen đúc một con rắn đồng treo lên một cây cột, hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng thì được cứu sống. Thật là một hình ảnh tiên trưng đầy đủ ý nghĩa cho hình ảnh Chúa Giê su bị treo trên thập giá, một biểu hiện rõ ràng của THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU, ĐẤNG HẰNG HỮU. Chúa Giê su nói: “Khi nào Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Đó là giờ Chúa được tôn vinh, trở nên giá cứu chuộc, mọi dân nước được trở thành con cái Thiên Chúa.

Trong Tin Mừng Gioan, nhiều lần Chúa Giê su nói đến “giờ” Con Người được tôn vinh, một ám chỉ sự vĩ đại của sự hiến tế thập giá, giá chuộc tội, biểu hiện của Tình Yêu: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban cho họ Người Con Một. Ai đó đã từng nói: Đối nghịch của tình yêu không phải là hận thù, ghét bỏ mà là sự bỏ mặc, không đếm xỉa đến. Tình yêu Chúa Giê su dâng hiến cũng thường bị loài người xem thường mặc kệ, không quan tâm và đó là một sự xúc phạm làm buồn lòng Chúa. Điều đó cũng dễ hiểu: nếu người cha, mẹ, bạn bè liều mạng sống mình để cứu ta khỏi một cái chết rõ ràng, vậy mà ta lại không cho đó là một sự hy sinh. Có câu chuyện kể: Một chiếc thuyền gặp nạn và lật úp, khoảng 40 người bị hất tung xuống dòng nước sâu, trong số hành khách đó có một vận động viên bơi lội – anh bơi ra vào khoảng 20 lần và cứu được khoảng 25 người – sau đó anh bị vọp bẻ vì quá rán sức và mang thương tật suốt đời, thế nhưng điều đáng buồn là trong 25 người được cứu đó không một ai trở lại để nói một lời cảm ơn anh. Những mạc khải của Chúa Giê su cho thánh Faustina cho thấy Chúa rất buồn lòng khi con người không màng chi ơn cứu độ mà Chúa mang lại, và chuỗi kinh lòng thương xót cứ lặp đi lặp lại những lời tôn kính hy tế Mình và Máu của Con rất yêu dấu Chúa, và là những lời kinh rất đẹp lòng Chúa: LẠY CHA HẰNG HỮU, CON XIN DÂNG LÊN CHA MÌNH VÀ MÁU, LINH HỒN VÀ THẦN TÍNH CON RẤT YÊU DẤU CHA LÀ ĐỨC GIÊ SU KI TÔ ĐỂ ĐỀN VÌ TỘI LỖI CHÚNG CON VÀ TOÀN THẾ GIỚI. VÌ CUỘC KHỔ NẠN ĐAU THƯƠNG CỦA CHÚA GIÊ SU KI TÔ, XIN CHA XÓT THƯƠNG CHÚNG CON VÀ TOÀN THẾ GIỚI.




Chúa Giê su nói rõ: “Nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội mình mà chết”. Con rắn đồng trong sa mạc được treo lên, nhưng chỉ những ai nhìn lên thì mới được cứu. Chúng ta cũng vậy, chỉ khi tin rằng: Đức Giê su là Đấng từ trời xuống, cái chết của Ngài có giá cứu chuộc, gắn bó cuộc sống mình với Ngài thì mới được cứu sống. Tin Mừng Gioan 19,37: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu”. Chúa cho con người được đóng góp phần mình vào giá cứu chuộc của Chúa, dù ít ỏi vì là phần của một tạo vật, thì cũng trở nên giá trị khi hòa với hy lễ của Con Thiên Chúa. Chúng ta phải tạ ơn Chúa vì hồng ân này, và Chúa mời gọi ta: khi gặp đau khổ và trái ý, hãy nhìn lên thập giá Chúa để múc lấy sức mạnh, vì Chúa đã từng trải qua những khổ nhục và Chúa cùng đi với ta.

Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2025

Hãy trở về

 



Chúng ta hầu như thuộc lòng những chi tiết về câu chuyện kể về ‘Người phụ nữ ngoại tình’ (Ga 8, 1-11), đến độ khó tìm được một vài tình tiết có thể đánh động lòng mình.

Xuyên suốt những câu chuyện trong Tin Mừng, các kinh sư và biệt phái đã tranh luận với Chúa Giê su nhiều vấn đề: sạch và dơ, vi phạm luật sa bat, nộp thuế cho Rô ma, quyền tha tội, luật nào trọng nhất, tẩy uế đền thờ… nhưng hầu như là những vấn đề trừu tượng (lý thuyết). Lần này, họ đưa đến một nhân chứng là người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, luật Moi sen truyền ném đá, còn Chúa dạy sao? Họ chắc mẩm lần này Chúa không thể tránh được cái bẫy của họ, vậy mà Chúa Giê su đã làm cho họ ngạc nhiên, lẩm bẩm ra về - để người phụ nữ ở lại, lòng đầy tức tối – trái ngược với sự tự tin khi họ kéo đến. Chúng ta nhận ra rằng: Chúa luôn điềm đạm, chậm nói và chậm phản ứng, hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Từ lúc sinh ra, cuộc sống ẩn dật, những va chạm khi đi rao giảng, khi môn đệ chậm tin và phản bội, khi bị tra tấn và đóng đinh, khi bị sỉ nhục… Chúa luôn thể hiện mầu nhiệm tự hủy và không mất bình tĩnh.

Câu nói của Chúa Giê su thật đáng suy gẫm: Ai trong các ngươi vô tội, hãy ném hòn đá đầu tiên đi. Khuynh hướng kết tội và ném đá tha nhân là dựa vào bầy đàn. Nếu ai đó ném hòn đá đầu tiên thì người khác sẽ hùa theo để ném những hòn đá tiếp theo. Chúa Giê su giúp họ nhớ lại một sự thật mà con người thường lãng quên: không ai là vô tội trước mặt Thiên Chúa. Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, có một vị linh mục đã tưởng tượng: nếu tội mỗi người hiện lên trên trán thì đố ai mà dám ngẩng mặt lên để kết án người khác. Chúng ta thường khắt khe với sai lỗi của anh em là vì 2 lý do: tưởng rằng mình giỏi hơn và tốt lành hơn người khác. Càng sống trong môi trường phải cạnh tranh để tồn tại, người ta phải để ý đến kỹ năng sống, nếu không sẽ bị quy tội gây xáo trộn nơi công sở và mất việc như chơi. Nhưng trong những sinh hoạt đạo đức, chúng ta cũng phải năng xét mình lại để nhận ra những cách cư xử gây bất hòa với người khác như: vạch lá tìm sâu, góp ý thiếu tế nhị làm mất uy tín nhau, tranh luận về những thứ vụn vặt và danh từ, người kia tự chịu trách nhiệm và thực ra họ không hỏi ý kiến ta. Mạng xã hội đã rất tâm lý khi thiết kế nút like và thống kê lượt người tương tác và theo dõi, nhờ vậy tác giả cảm nhận được sự đồng thuận và thêm động lực để an tâm với cách hành xử của mình, nhưng hãy cẩn thận vì nút like có thể được ví như ‘hòn đá đầu tiên’ được ném đi.




Hãy trở về với Cha để mãi sống trong ân tình. Nội dung mời gọi sự trở về được ví như sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả bài Tin Mừng. Khi thấy đám đông bừng lên sát khí muốn giết chết người phụ nữ phạm tội, Chúa Giê su cúi xuống viết trên đất – dù bị hỏi dồn dập – từng giây phút trôi qua nặng nề. Lòng Chúa buồn vì sự kênh kiệu và hợm hĩnh của đám đông, Chúa mời gọi họ lắng đọng một chút để biết mình. Khi không thể giữ im lặng lâu hơn, Chúa nói: “Ai trong các ngươi vô tội, hãy ném hòn đá đầu tiên đi”. Câu này phải được vang vọng lại trong suốt cuộc đời ta, giúp ta dè dặt hơn khi đối xử với anh em. Thỉnh thoảng chúng ta nên nhớ lại những tội lỗi mình đã phạm trong quá khứ để nhắc mình rằng: Tôi thật yếu đuối, và Chúa đã tha tội tôi quá nhiều – vì nếu Người chấp tội thì tôi đã tiêu đời lâu rồi. Đám đông hôm ấy, từng người một, đã nhận ra mình cũng là kẻ có tội, nên họ âm thầm rút lui. Chúa Giê su nói với người phụ nữ: “Ta không kết tội chị, chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa”. Đây là lời mời gọi hãy thay đổi đời sống phù hợp với lề luật Chúa và được sống trong ân tình của người con cái Chúa.

Mùa Chay đã gần kết thúc, lời mời gọi ta trở nên giống Chúa Giê su hiền lành và khiêm nhường trong lòng và đừng kết án anh em càng trở nên khẩn thiết hơn. Hãy để tâm hồn mình lắng đọng đôi chút để nhận ra những biểu hiện của lòng kiêu ngạo, tự mãn, ích kỷ … đang làm cho tâm hồn ta bất an và chật chội để đón nhận ân tình Chúa muốn rộng ban cho ta.