Trong vụ án Chúa Giê su, ông
Philato để lại nhiều câu nói đáng để ta suy gẫm trong mùa Chay: Ông là vua ư?
Tôi vô can trong vụ đổ máu người này, Sự Thật là gì?
Trong khuôn khổ bài viết ngắn này,
chúng ta dừng lại ở câu nói “Tôi vô can” kèm theo đó là việc rửa tay công khai,
chứng tỏ bàn tay của ông không dính máu trong vụ án này. Sau khi đã tìm nhiều
cách để tha Đức Giê su mà không được, ông tạm bằng lòng với việc rửa tay vì cho
rằng ‘đã hết cách’. Đó là tâm trạng của kẻ ngoài cuộc, của việc phủi trách nhiệm,
chọn sự an toàn cho bản thân hơn là hướng về sự thiện và bảo vệ công lý.
Đó cũng có thể là tâm trạng của mỗi
người chúng ta khi suy gẫm về cuộc thương khó: chúng ta tri ân Chúa vì đã đổ
máu đào và hiến mạng sống vì yêu loài người, nhưng dường như phần đóng góp của ‘tội
tôi’ vào cái chết đó là không rõ ràng – nếu không muốn nói là tôi vô can, vì sự
kiện Con Thiên Chúa nhập thể và chịu chết đã xảy ra cách đây gần 2000 năm rồi.
Trong mùa Chay và trong suốt Tuần Thánh, chúng ta tiếp xúc với những bản văn
Kinh Thánh nói về cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giê su, ngắm 15 sự Thương
Khó, đọc lại những suy niệm của các nhà tu đức và thần học… chúng ta hiểu rất
rõ lý do và ý nghĩa của Thập giá – một tình yêu dâng hiến của Con Thiên Chúa,
nhưng dường như tâm hồn chúng ta vẫn lạnh ngắt và khó nhỏ ra một giọt nước mắt
ăn năn: vì tội tôi đã đóng đinh Con Thiên Chúa vào thập giá.
Trở lại với câu chuyện hai môn đệ
trên đường Emaus, dù đã tiếp xúc với những bản văn Cựu ước và cả những tiên báo
của Chúa Giê su về cái chết và phục sinh, nhưng lòng họ chẳng hiểu gì cả trước
những diễn tiến của mầu nhiệm tử nạn và phục sinh, họ buồn bã rời bỏ Giê ru sa
lem. Chúa Giê su xuất hiện, trích dẫn Thánh Kinh để họ hiểu ý nghĩa của các biến
cố vừa xảy ra, lòng họ bừng cháy và họ nhận ra người bạn đồng hành là Chúa Giê
su. Thế đó, đôi mắt trần không thể nhìn thấy điều thiết yếu (Exupéry, nhà văn Pháp), dù chúng ta có nỗ lực đọc nhiều tài liệu để tìm cách hiểu và yêu Đấng Cứu
Chuộc hơn thì trí óc ta chỉ tìm thấy một mớ kiến thức cũ, còn tâm hồn dường như
bị đóng băng trước một mầu nhiệm. Một vị hồng y già nói với các linh mục: “Tôi
đã từng nói và viết nhiều về vấn đề đau khổ của con người, nhưng bây giờ tôi
nghiệm ra mình chẳng hiểu gì về nó cả”. Khi đi thăm bệnh nhân, nhất là những bệnh
nan y và những hoàn cảnh bi ai, có lẽ chúng ta chỉ nên hiện diện để động viên họ
và nói ít về đau khổ - vì ta chẳng hiểu gì nhiều.
Lạy Chúa Giê su Thập Tự Giá, chúng
con suy gẫm và tích cực tham dự phụng vụ trong suốt mùa Chay 2025, và hôm nay
là Thứ Sáu Tuần Thánh, kỷ niệm cuộc Thương Khó Chúa chịu vì chúng con. Xin Chúa
biến đổi lòng con, để con ý thức ‘vì tội con mà Chúa đã chết để con được sống’,
để thấy rằng con không vô can trong việc Chúa hiến tế trên thập giá. Lạy Chúa,
xin ơn Thánh Linh soi dẫn trí khôn, biến đổi con tim để con yêu Chúa nhiều hơn,
lòng bừng cháy hơn trước hành động cao đẹp mà Chúa đã dành cho con – vì chỉ Thần
Khí mới làm cho sống động những hành vi của MỘT THIÊN CHÚA TÌNH YÊU trong trái
tim chai đá của con. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét