Chúng ta đã gặp cụm từ này từ rất
sớm ở trong Kinh Thánh - trong sách Xuất Hành (3, 14), khi Chúa tự giới thiệu
Danh của mình cho ông Moi sen. Còn ở trong Tin Mừng Gioan, cụm từ này mang một
hương vị mới: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là
Tôi Hằng Hữu và biết Tôi không tự mình làm điều gì, Tôi chỉ nói điều Cha truyền
(Ga 8, 28).
Thật đối nghịch với suy nghĩ của
loài người, khi phạm nhân bị đóng đinh vào thập giá – một hình phạt ô nhục, thì
điều rõ ràng nhất xảy đến là cái chết thảm khốc. Nhưng trên bình diện Thần học,
cái chết của Chúa Giê su là biểu hiện của một tình yêu dâng hiến để cứu sống cả
nhân loại. Chúng ta gặp hình ảnh này trong sách Dân Số (21, 8): Dân Do Thái phản
loạn, họ kêu trách Chúa và Moi sen; Chúa cho rắn độc cắn chết nhiều người; Chúa
truyền cho ông Moi sen đúc một con rắn đồng treo lên một cây cột, hễ ai bị rắn
cắn mà nhìn lên rắn đồng thì được cứu sống. Thật là một hình ảnh tiên trưng đầy
đủ ý nghĩa cho hình ảnh Chúa Giê su bị treo trên thập giá, một biểu hiện rõ
ràng của THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU, ĐẤNG HẰNG HỮU. Chúa Giê su nói: “Khi nào Ta bị
treo lên, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Đó là giờ Chúa được tôn vinh, trở
nên giá cứu chuộc, mọi dân nước được trở thành con cái Thiên Chúa.
Trong Tin Mừng Gioan, nhiều lần
Chúa Giê su nói đến “giờ” Con Người được tôn vinh, một ám chỉ sự vĩ đại của sự
hiến tế thập giá, giá chuộc tội, biểu hiện của Tình Yêu: Thiên Chúa yêu thế
gian đến nỗi ban cho họ Người Con Một. Ai đó đã từng nói: Đối nghịch của tình
yêu không phải là hận thù, ghét bỏ mà là sự bỏ mặc, không đếm xỉa đến. Tình yêu
Chúa Giê su dâng hiến cũng thường bị loài người xem thường mặc kệ, không quan
tâm và đó là một sự xúc phạm làm buồn lòng Chúa. Điều đó cũng dễ hiểu: nếu người
cha, mẹ, bạn bè liều mạng sống mình để cứu ta khỏi một cái chết rõ ràng, vậy mà
ta lại không cho đó là một sự hy sinh. Có câu chuyện kể: Một chiếc thuyền gặp nạn
và lật úp, khoảng 40 người bị hất tung xuống dòng nước sâu, trong số hành khách
đó có một vận động viên bơi lội – anh bơi ra vào khoảng 20 lần và cứu được khoảng
25 người – sau đó anh bị vọp bẻ vì quá rán sức và mang thương tật suốt đời, thế
nhưng điều đáng buồn là trong 25 người được cứu đó không một ai trở lại để nói một
lời cảm ơn anh. Những mạc khải của Chúa Giê su cho thánh Faustina cho thấy Chúa
rất buồn lòng khi con người không màng chi ơn cứu độ mà Chúa mang lại, và chuỗi
kinh lòng thương xót cứ lặp đi lặp lại những lời tôn kính hy tế Mình và Máu của
Con rất yêu dấu Chúa, và là những lời kinh rất đẹp lòng Chúa: LẠY CHA HẰNG HỮU,
CON XIN DÂNG LÊN CHA MÌNH VÀ MÁU, LINH HỒN VÀ THẦN TÍNH CON RẤT YÊU DẤU CHA LÀ
ĐỨC GIÊ SU KI TÔ ĐỂ ĐỀN VÌ TỘI LỖI CHÚNG CON VÀ TOÀN THẾ GIỚI. VÌ CUỘC KHỔ NẠN ĐAU THƯƠNG CỦA CHÚA GIÊ SU KI TÔ, XIN CHA XÓT
THƯƠNG CHÚNG CON VÀ TOÀN THẾ GIỚI.
Chúa Giê su nói rõ: “Nếu các ông
không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội mình mà chết”. Con rắn đồng
trong sa mạc được treo lên, nhưng chỉ những ai nhìn lên thì mới được cứu. Chúng
ta cũng vậy, chỉ khi tin rằng: Đức Giê su là Đấng từ trời xuống, cái chết của
Ngài có giá cứu chuộc, gắn bó cuộc sống mình với Ngài thì mới được cứu sống. Tin
Mừng Gioan 19,37: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu”. Chúa cho con người được
đóng góp phần mình vào giá cứu chuộc của Chúa, dù ít ỏi vì là phần của một tạo
vật, thì cũng trở nên giá trị khi hòa với hy lễ của Con Thiên Chúa. Chúng ta phải
tạ ơn Chúa vì hồng ân này, và Chúa mời gọi ta: khi gặp đau khổ và trái ý, hãy
nhìn lên thập giá Chúa để múc lấy sức mạnh, vì Chúa đã từng trải qua những khổ
nhục và Chúa cùng đi với ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét