Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Niềm vui và cuộc sống




Khi thăm viếng một người bệnh nan y, một người già neo đơn, một linh mục về hưu hoặc một cụ già trong viện dưỡng lão… ta thường cảm thấy một nỗi buồn trải dài trong từng ngày sống của họ và thoáng đến với ta khi ta nghĩ tới họ.
Đúng vậy, nếu đứng trên phương diện kinh tế và xã hội thì những người trên là những người được hưởng sự trợ cấp của xã hội để sống cho xứng đáng là con người, vì họ được xem như ‘đã hết thời’ và không còn tự kiếm sống được nữa. Nhưng đó là cái nhìn bề ngoài mà thôi, vì ta không nhìn được nội tâm của họ. Chuyện đó cũng tương tự như khi nhìn một con trâu kéo cày cả ngày, ta thấy tội nghiệp cho kiếp trâu ngựa, nhưng liệu con trâu có trí khôn để cảm thấy sướng khổ hay không?  Con người khác con vật ở lý trí, họ sẽ cảm nhận được hạnh phúc khi họ biết mình được Thiên Chúa yêu thương quá nhiều, khi họ biết nhìn thấy mọi sự là hồng ân Chúa ban để dâng lên Ngài lời tri ân qua từng ngày sống, khi họ biết đặt trọng tâm cuộc đời là tin tưởng nơi Thiên Chúa và khi họ sống có ích cho anh em. Nếu sống được như vậy thì tuổi nào cũng là tuổi đẹp nhất cuộc đời và hoàn cảnh nào cũng là món quà Chúa trao ban để ta có cơ hội nên thánh.
Đức Phanxicô từng nói với các dự tu: Các con hãy tự vấn lương tâm, đừng tìm niềm vui nơi việc sở hữu và mua sắm, nơi những khao khát thành công, nơi những thành tích tạm bợ… nhưng hãy đặt niềm vui nơi sự kết hợp với Thiên Chúa. Có chuyện kể rằng một vị Tổng Giám Mục nghe danh một bà già nhà quê rất đạo đức vì chuyên chăm cầu nguyện, một hôm ngài có việc đi qua vùng đó nên đã tìm gặp bà già nầy để ‘kiểm tra’ tiếng đồn đại có thật hay chăng. Ngài hỏi bà xem có biết đọc kinh Thần vụ hay Kinh Thánh nhiều không? Bà cụ thú nhận mình không biết chữ, bà muốn đọc kinh lần chuỗi hằng ngày nhưng không hoàn thành được, vì mỗi lần cứ đọc kinh Lạy Cha được mấy câu thì đã giàn giụa nước mắt vì cảm thấy một niềm hạnh phúc vì được gọi Thiên Chúa là Cha… thế là không đọc thêm được gì nữa. Đức Giám Mục nghe đến đó thì đành phải ‘tâm phục khẩu phục’, nên ngài nói với bà cứ tiếp tục cầu nguyện như thế là đủ rồi. Thế đó, nhìn những người già 70-80, tuy cuộc sống họ trôi qua có vẻ nhàm chán, nhưng họ vẫn có thể hạnh phúc trong tâm hồn khi họ kết hợp với Chúa qua từng ngày sống để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Đấng Tình Quân họ tôn thờ. 

Một điều kiện nữa để người tin Chúa tìm được hạnh phúc là họ biết dâng lời Ngợi Khen. Đức Phanxicô nói với chúng ta: không có ai là vô danh và tầm thường trước mặt Thiên Chúa, mỗi người đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa và đều được Chúa yêu mến một cách đặc biệt. Cho dù cha mẹ có bỏ con mình, cho dù bạn bè có phản bội mình thì ta vẫn có Đức Chúa Trời yêu thương. Tình yêu thương của Chúa vừa có tính cách phổ quát cho cả nhân loại vừa có tính cách cá biệt cho từng người; tình thương đó vừa có tính trừu tượng nhưng lại rất cụ thể; tình yêu đó không loại trừ một ai, kể cả những người tội lỗi nhất vẫn được Ngài yêu thương trìu mến. Chỉ có Thiên Chúa quyền năng, nhân hậu mới thể hiện được sự yêu thương đến mỗi người và mọi người của mọi thời đại đến như vậy. Tình yêu thương của loài người chúng ta rất hạn chế, sự phổ quát của nó rất giới hạn – phần lớn chỉ nằm trong sự hiệp thông và cầu nguyện, tầm mức lo lắng cũng chỉ nằm trong sự kêu gọi và đóng góp vật chất, phần còn lại đành chờ đợi cho số mệnh... Ý thức rằng mình được hưởng muôn hồng ân Chúa ban, được Chúa yêu thương và được Chúa đồng hành là một điều kiện để hạnh phúc.
Làm việc lành. Có một người thợ trên đường về nhà đã gặp một chiếc xe bị hỏng lốp của một bà già, anh ta giúp bà mà không nhận một đồng tiền nào cả, chỉ nói rằng: “nếu bà muốn trả ơn tôi thì xin bà hãy giúp một ai đó”, anh cảm thấy nhẹ nhõm cõi lòng vì đã làm một việc tốt. Đức Thánh Cha Phanxicô nói với chúng ta rằng: Đừng khép lại nơi chính mình và hãy biết trao ban những gì mình có, hãy mở rộng con tim ra khỏi gia đình, xứ đạo và nhóm của mình, mỗi người đều có thứ gì đó để chia sẻ với những người khác. Tĩnh từ ‘vô cảm’ đang trở nên rất quen thuộc với chúng ta, ngày xưa người ta hay dùng chữ ‘cầu an’. Sự vô cảm đang xảy ra ngay chính nơi bản thân ta khi ta không có một cảm xúc tế nhị trong cách đối xử với tha nhân, khi không muốn giúp một ai đó vì ngại phiền phức, khi không dám nói một điều hữu ích cho nhiều người – mà nhiệm vụ mình phải nói. Thế đó, một người biết làm việc lành phúc đức sẽ cảm nếm được niềm vui rất nhiều, vì họ gặp gỡ được chính Chúa Giêsu.

Vì vậy, đừng nghĩ rằng con cái mình đi tu sẽ khổ khi không được tự do làm điều mình muốn, vì hạnh phúc của bậc tu trì là làm điều Chúa muốn; đừng nghĩ rằng người già là khổ, vì chính họ đang hưởng những ngày tháng có ý nghĩa nhất cuộc đời là dành nhiều thời giờ kết hiệp với Chúa; và đừng đánh giá ai sướng hay khổ - đó là một điều vô ích, vì ta không thấu hiểu nội tâm và lý tưởng sống của họ. Cuộc đời mỗi người mỗi ngày đều có nỗi khổ và niềm hạnh phúc, đó chính là thập giá Chúa cho chia phần, họ hạnh phúc khi biết đặt tình yêu trong những công việc bổn phận hằng ngày và khi xác tín rằng Chúa là gia nghiệp đời mình, để luôn tri ân – ngợi khen và khiêm tốn trong bàn tay Chúa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét