Danh sách Blog của Tôi

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Những giờ kinh




Chiều hôm qua trời mưa lớn nên Thánh lễ chiều chỉ có khoảng 50 người dâng lễ và chỉ những người nầy biết tin “sang ngày mai không có lễ, vì cha đi vắng”. Bởi vậy sáng nay từ khoảng 4g30 trở đi có nhiều người vẫn đến nhà thờ như thường lệ. Có kẻ ra về, nhưng có những người khác tụ tập lại nói chuyện râm ran một lát và họ tổ chức một giờ kinh sáng ngay tại tượng đài Đức Mẹ. Đó là chuyện ở giáo xứ tôi.
Tôi chỉ là người quan sát từ xa và lấy làm cảm kích vì sáng kiến đạo đức đột xuất nầy. Chắc chắn có ai đó là người khởi xướng và được sự đồng tình của nhiều người, nên họ đã có những giây phút được thưa chuyện với Chúa và Mẹ… họ ra về trong niềm hân hoan vui vẻ.Tôi nhớ đến những tình huống khác mà việc khởi xướng và duy trì những giờ kinh có một ý nghĩa lớn lao nhưng cũng cần có một sự dũng cảm đặc biệt.
Những giờ kinh gia đình: ai ai cũng biết những giờ kinh chung trong gia đình mang nhiều ý nghĩa tâm linh và là cầu nối tình cảm của những người thân ruột thịt, nhưng duy trì và khởi xướng những giờ kinh nầy là một điều khó vô cùng, vì phải đấu tranh với bản thân và sinh hoạt gia đình. Và thật đáng trân trọng những gia đình vẫn giữ được truyền thống đọc kinh chung sáng tối trong gia đình họ, đó là một phương cách để lưu truyền niềm tin cho con cái và còn là một bí kíp để gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Những thói quen đạo đức trong giáo xứ. Dường như có một sự nhượng bộ rõ rệt sau một thời gian giằng co giữa lòng sốt sắng và sự nguội lạnh nơi từng người. Còn nhớ ngày xưa mỗi chiều chủ nhật và những ngày đầu tháng đều có chầu Thánh Thể… nhưng sau đó vì quá rời rạc nên đành bỏ. Có người còn đề nghị nên xét lại thói quen mời những giáo xứ bạn trong ngày ‘chầu lượt’, vì xét thấy nhiều giáo dân không còn nhu cầu nữa! Đã có một thời những người trong thôn xóm thay phiên nhau đọc kinh kính Mẹ, kính Chúa hay ngắm nguyện tại các tư gia… nhưng giờ đây nhiều xứ đành phải bỏ vì quá rời rạc. Đã có những thời những người có đạo hăm hở tổ chức những giờ kinh và chia sẻ Lời Chúa trong xóm đạo hoặc trên các công trường. Ngày xưa là thế, nhưng giờ đây cha xứ hoặc những người khởi xướng cũng ngại lên tiếng để duy trì những hình thức cầu nguyện như ngắm Đàng Thánh Giá, xưng tội… vì quyền lực của Sự Dữ đang rình rập để lôi kéo con người xa cách Thiên Chúa.

Tôi cũng nhớ có một lời khuyên: ‘trong lúc phải dừng xe vì đèn đỏ hoặc khi phải chờ đợi một ai đó, thay vì bực tức thì hãy đọc một ít kinh hoặc lần hạt, vừa hữu ích vừa an bình’. Đó là một lời khuyên hay và ai ai cũng có thể thực hiện được để thánh hóa ngày sống.



Nhiều người nói "bí tích Thánh Thể là trung tâm và chóp đỉnh của đời sống đạo cũng như của mọi hoạt động trong Giáo hội, bởi vậy chỉ cần tham dự Thánh Lễ hằng ngày là đủ rồi!" Người nông dân biết rằng khi một cây lâu năm (cà phê) bị cắt cụt cành và lá thì nó trở nên yếu ớt, vì không thể quang hợp tốt để chuyển hóa các chất dinh dưỡng từ đất mà nuôi cây. Đời sống tâm linh của một cộng đoàn và của từng cá nhân cũng phát triển lâu dài qua nhiều năm tháng, ngoài Thánh Thể thì còn được nuôi dưỡng bằng các á bí tích và các hình thức cầu nguyện khác. Và như lời Đức Phanxicô dạy hôm Chúa nhật vừa rồi: “Sức mạnh đức tin chúng ta có được là nhờ cầu nguyện. Cầu nguyện là hơi thở của đức tin. Cầu nguyện là cuộc đối thoại của linh hồn với Thiên Chúa

Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng nói với chúng ta: “Hãy can đảm đi ngược dòng đời, hãy tìm niềm vui nơi sự gặp gỡ một Con Người, đó là chính Đức Giêsu”… để duy trì và phát kiến những hình thức cầu nguyện phù hợp với hoàn cảnh mà ta đang sống, vì rằng sẽ có những người hưởng ứng, vì rằng từ nơi sâu thẳm tâm hồn con người vẫn ẩn chứa khát vọng tìm kiếm sự trọn hảo, tìm gặp Thiên Chúa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét