Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

Trở nên như trẻ nhỏ




Lời Chúa nói rất rõ ràng: “Nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ, các con sẽ chẳng được vào nước trời. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10,15). Đâu là những đặc tính của trẻ em, những điều mà người lớn chúng ta đã đánh mất, và bây giờ phải tìm lại cho bằng được như là điều kiện thiết yếu để được vào nước trời?
Hãy quan sát một đám trẻ đang chơi đùa, hãy nhìn cách sống trẻ em trong gia đình mình để xem đâu là những nét đặc trưng của trẻ và nhìn vào cõi lòng mình nhận ra vài điều khác biệt giữa trẻ em và người lớn.

Trẻ em thì đơn sơ vui vẻ. Trẻ em nhìn cuộc đời luôn màu hồng, chẳng có gì phải bận tâm, chỉ lo sống giây phút hiện tại, và dĩ nhiên chúng thường dệt những giấc mơ vui vẻ về ngày tết, nghỉ hè, du lịch. Người lớn chúng ta thường nhìn cuộc đời quá nghiêm trọng, nặng nề với những bổn phận và cạnh tranh, cảm thấy khổ về đủ thứ chuyện: công ăn việc làm, thỏa mãn các ước mơ, tự ái, bực mình với các mối quan hệ, chuyện gia đình mình và chuyện dòng tộc, chuyện sinh hoạt giáo xứ và các sinh hoạt nhóm… Người lớn khổ vì muốn chứng tỏ cái tôi, vì sĩ diện, vì ước muốn cầu toàn và muốn tự mình xếp đặt đời mình. Nhưng rồi có những sự việc và hoàn cảnh sống không tùy thuộc nơi sự xếp đặt và lo liệu của mình: quốc tịch, gia đình, mã gen di truyền, sức khỏe. Chỉ khi nào người lớn học được sự phó thác của trẻ nhỏ, họ mới hạnh phúc và an bình: biết lo liệu nhưng cũng phó thác, có trời mà cũng có ta. Trẻ em chẳng lo gì cả về quá khứ và tương lai, vì đã có cha mẹ lo hết rồi, chúng chỉ bận tâm đến hiện tại thôi. Sao chúng ta không học trẻ con ở điểm này nhỉ? Thánh Phêrô đã nói rất xác tín: “Mọi lo âu hãy trút cả cho Người vì Người chăm sóc đến anh em” (1Pet 5,7). Sở dĩ, chúng ta lo lắng nhiều điều vì tưởng rằng ông chủ đang đi xa và đang ngủ quên, thực sự Chúa đang hiện diện ở đầu mũi thuyền, chỉ cần ta tin tưởng kêu xin sự trợ giúp thì Ngài sẽ ra tay. Còn nếu ta quá lo lắng nhiều sự thì đã lo hết phần của Chúa. Một đứa trẻ được sinh ra là được hưởng trọn niềm hạnh phúc cha mẹ dành cho nó, dù nó có công trạng nhiều hay ít thì vẫn được cha mẹ thương yêu và ban cho nó phần gia tài thuộc về nó. Khi đối diện với mầu nhiệm nước trời, Thiên Chúa muốn ta tận hưởng niềm vui vì được làm con cái Chúa, được muôn ân lộc và được ban cho hạnh phúc thiên đàng như là phần thưởng nhưng không, dù công trạng ta chẳng đáng. Chúa muốn ta sống tốt giây phút hiện tại và chừng đó là đủ, còn quá khứ và tương lai cứ để Chúa lo liệu.

Có câu nói về trẻ: “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng” . Muốn nói lên  rằng trẻ em không tính toán như người lớn. Chúng nhiệt tình làm việc chúng thích mà không tính toán hơn thiệt và xem lợi lộc cho mình hay không. Não trạng vụ lợi đã đi vào tâm thức người lớn: làm việc gì phải có động lực, phải xét xem được gì và mất gì, và dĩ nhiên không có lợi thì ta không làm. Sự tính toán vụ lợi đã đi vào cả trong lãnh vực đạo đức: đi lễ Chúa nhật vì sợ tội, khi gian nan hoạn nạn mới chạy đến nhà thờ, kể công với Chúa, giữ đạo để được may lành. Hãy học ở trẻ sự nhiệt tình làm mọi việc mà không so đo tính toán, kể cả việc đời và nhất là việc đạo, và hãy xác tín rằng Thiên Chúa không bao giờ kém rộng rãi hơn cõi lòng ta đâu. Thánh Phaolô nói: Dù anh em ăn, dù anh em uống, anh em hãy làm mọi việc vì lòng yêu mến, nghĩa là hãy loại bỏ sự tính toán với Chúa và anh em khi ta làm việc.
Trẻ em mau bỏ qua chuyện cũ. Đây có lẽ là điểm quan trọng nhất mà người lớn chúng ta cần phải học để được thanh thản trong cuộc sống và để được hưởng lòng thương xót Chúa, vì mỗi ngày chúng ta thưa với Chúa nhiều lần: “Xin tha nợ cho chúng con như chúng con tha cho kẻ có nợ với chúng con”. Trẻ em mau giận và mau quên như chưa từng có gì xảy ra, còn người lớn chúng ta lưu giữ những xúc phạm của anh em mình đến nhiều năm, lâu lâu lại nhắc lại. Vẫn biết đó là cái dại vì làm cho cuộc đời ra nặng nề, nhưng tính tự ái lại quá lớn, ai cũng muốn chứng tỏ mình lớn hơn người kia. Xin Chúa thương xót chúng con, giúp chúng con vượt lên chính mình, vượt qua lòng tự ái để tạo nên sự hiệp nhất của một thân thể: hiệp nhất trong những dị biệt. Xin cho chúng con xây dựng cộng đoàn giáo xứ như lòng Chúa mơ ước, vì con biết rằng Chúa cho mỗi người mỗi nén bạc khác nhau không phải để chúng con so sánh hơn thua nhưng là để làm cho cộng đoàn thêm sinh động và phong phú.

Chúa Giêsu đã âu yếm những trẻ nhỏ vì tấm lòng đơn sơ trong trắng, không tính toán hơn thiệt và kể công, không chấp nhất giận dỗi, không tìm cách chứng tỏ cái tôi, không sĩ diện giả dối. Chúa cũng mời gọi ta hãy học với Chúa vì “Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, từ trong cõi lòng chứ không phải dáng vẻ bên ngoài đâu nhé. Không thể trong một ngày mà ta thay đổi được lòng dạ mình. Sống đạo là một cuộc hành trình, mỗi ngày hãy trở về bên Chúa và trở về cõi lòng mình, để học hỏi và  múc lấy sức mạnh giúp biến đổi cuộc đời cho xinh đẹp hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét