Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2020

VƯƠNG QUỐC GIÊ SU

 



Các bài đọc trong Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ nói với chúng ta rằng: có ngày tận thế, có sự xét xử và có sự tách biệt giữa kẻ lành người dữ - dựa trên đức yêu thương khi đang sống trên trần gian. Tuy vậy, luôn luôn tồn tại hai loại người: có kẻ tin rằng có Thiên Chúa và kẻ khác lại cho rằng không có Thiên Chúa, không có linh hồn, không có đời sau, không có thưởng phạt…

Thật là phù hợp để đọc lại luận lý của Blaise Pascal, nhà toán học và triết học (trích từ Điều Vĩ Đại Của Kito Giáo):

“Pascal lý luận rằng cuộc đời chúng ta là một canh bạc. Giả sử bạn được đề nghị một công việc mới mà vì đó sẽ giúp bạn thăng tiến sự nghiệp. Nó rất hứa hẹn, nhưng dĩ nhiên cũng có những rủi ro. Không có cách chi biết trước là sự việc sẽ ra sao. Bạn phải quyết định có nên nhận hay không. Hoặc bạn đang yêu một người nào đó. Bạn đã hẹn hò trong một thời gian, nhưng bạn không thể biết chắc là hôn nhân với người ấy có kéo dài vài chục năm hay không. Bạn hành động dựa trên căn bản những gì đã biết, nhưng điều đã biết, theo bản chất tự nhiên của vấn đề, thì chưa đủ. Tuy nhiên, bạn phải quyết định. Bạn không thể tiếp tục nói rằng, "Tôi vẫn là một người theo chủ thuyết bất khả tri cho đến khi tôi biết chắc." Nếu bạn chờ đợi quá lâu, người yêu bạn sẽ kết hôn với ai đó, hoặc cả hai sẽ chết.

Tương tự như vậy, Pascal lý luận rằng khi quyết định về Thiên Chúa, chúng ta không bao giờ biết trước được mọi sự. Biết bao nhiêu cuộc điều tra cũng không thể đưa đến một câu trả lời chắc chắn, cũng như điều gì xảy ra sau khi chết thì vẫn là điều bí ẩn. Bởi đó chúng ta phải nghiên cứu những lựa chọn và phải đánh cuộc. Nhưng những lựa chọn khác là gì, và làm thế nào để chúng ta cân nhắc hơn thiệt? Pascal lý luận rằng chúng ta có hai sự lựa chọn căn bản, và dù lựa chọn nào đi nữa, chúng ta phải nghĩ đến nguy cơ khi chọn sai.

Nếu chúng ta tin vào Thiên Chúa và hóa ra Thiên Chúa không có thật, chúng ta đối diện với nguy cơ thiệt thòi: sự sai lầm siêu hình. Nhưng nếu khi còn sống, chúng ta từ chối Thiên Chúa, và hóa ra là Thiên Chúa có thật, sự nguy cơ còn lớn lao hơn nữa: sự tách biệt đời đời với Thiên Chúa. Dựa trên hai kết quả khả dĩ này, Pascal tuyên bố rằng có đức tin nơi Thiên Chúa thì ít thiệt thòi hơn. Khi đối diện với một kết quả không biết rõ, người có lý trí thì sẵn sàng từ bỏ những gì là hữu hạn để đổi lấy phần thưởng vô hạn mà họ có thể giành được. Pascal viết, "Chúng ta hãy cân nhắc sự thiệt thòi và lợi lộc khi đánh cá về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nếu bạn thắng, bạn thắng mọi sự. Nếu bạn thua, bạn chẳng mất gì cả. Vậy đừng do dự: hãy đánh cá là Thiên Chúa hiện hữu."



Điều thứ hai tôi muốn nói đến là : chúng ta không thể vào thiên đàng nếu không làm các việc lành, nhất là thực hành đức công bình, bác ái. Câu chuyện khá dài trong Mt 25 đã nói rõ việc Chúa xét xử và tách biệt người lành kẻ dữ dựa trên đức yêu thương, dường như Chúa đã để lộ đề thi rồi, nhưng đề thi này là đề thi mở và là đề thi thực hành, nên dù biết trước đề thì chúng ta cũng không thể học tủ và Thiên Chúa vẫn dễ dàng chấm điểm mà không phải nhức đầu. Có thể nói cuộc sống trên dương gian là một cuộc hành trình mà đích đến là cái chết, bao lâu còn sống trên trần thì chúng ta còn phải chiến đấu với bản thân để vượt qua tính ích kỷ mà lưu tâm đến tha nhân. Một quốc gia đáng sống là một nơi mà luật pháp đảm bảo sự bình đẳng, công bằng và hạnh phúc cho mọi người, là nơi mà con người biết cư xử với nhau bằng luật tình thương và sự rộng lượng. Có câu danh ngôn rất đúng: kết quả cao nhất của giáo dục là con người biết nghĩ đến người khác. Đời sống đạo Kito rất nhấn mạnh đến khía cạnh ăn năn hối cải, đến việc tuân giữ lề luật, nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc tránh tội mà mà thôi thì chưa đủ, vì Thiên Đàng chỉ dành cho người biết làm các việc lành – biết khuyến khích nhau làm điều lành.

Điều thứ ba tôi muốn nói đến là Chúa Giê su hiện diện nơi tha nhân. Xin nói đến chuyện của thánh Phanxico Assisi. Thánh Phanxico là con một nhà buôn giàu có, được Chúa kêu gọi từ bỏ của cải, danh vọng và lối sống trần tục để sống theo con đường Chúa muốn. Việc từ bỏ nầy không dễ dàng gì và Chúa đã nói rõ từng yêu cầu để tiến lên từng bước một, có hôm Chúa buộc Phanxico phải ôm hôn người phong cùi… và đêm về Chúa đã hiện ra với thánh nhân dưới dạng người phong cùi đó. Và có một vị thánh nào đó, ban ngày vị này gặp một người ăn xin rách rưới nên đã xẻ đôi chiếc áo khoác của mình để khoác cho người anh em, đêm đó Chúa Giê su đã hiện ra với nửa chiếc áo khoác. Hai câu chuyện trên chỉ minh họa thêm cho những lời dạy của Chúa về ngày phán xét vũ trụ. Tha nhân quanh ta là những người thân trong gia đình và trong lối xóm, người đồng hương và cả cộng đồng nhân loại, không phân biệt màu da và tôn giáo. Chúa Giê su hiện diện trong mỗi người tha nhân và dùng bàn tay của họ để gõ cửa tâm hồn ta. Nhiều người tự hào về việc ‘lạy Chúa, lạy Mẹ’ nhiều lần mà quên lòng xót thương, quên bổn phận công bình và bác ái… Chúa nói với họ: Ta không biết các ngươi, hãy đi cho khuất mắt Ta.

Thiên Chúa dựng nên con người có lý trí và tự do, họ phải dùng lý trí để hiểu những điều kỳ diệu Chúa làm cho mình và vũ trụ, hiểu những phẩm tính của Chúa để càng hiểu thì càng yêu Ngài hơn; Thiên Chúa tôn trong tự do của con người nên Ngài không ép buộc ai phải yêu Ngài, nên có kẻ chọn yêu mến Ngài là vua và là Chúa của mình hoặc từ khước Ngài cách tạm thời trong cuộc sống và một cách dứt khoát vĩnh viễn trong hỏa ngục. Hãy học ông Pascal để chọn lựa Giê su và sống theo luận lý của tình yêu, vì đó là một tính toán khôn ngoan và an toàn hơn cả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét